Trung Tông Thánh Tịnh (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài)
Trong đầy dẫy phước lành của
cơ thành tựu Đại Đạo, hôm nay chúng ta đang chung cùng thần khí giữa không gian
tâm linh mừng ngày lạc thành ngôi Trung Tông Thánh Tịnh – Đàn Huyền Quan thuộc
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Chúng tôi xin mời quý vị hãy cùng hòa vào lộ
trình dẫn dắt của Đức Chí Tôn qua từng khúc đường đưa đến cảnh chân nguyên
thanh tịnh.[1]
Trung Tông Đạo mà Đấng Chí
Tôn đã chọn Hội Thánh Truyền Giáo làm “công vụ sứ đồ” thực thi sứ mạng “thượng
cờ quy nhứt” đặt để khuôn mẫu thánh hình Cao Đài trong tiến trình xiển dương cơ
cứu độ đến nay như đã bước sang thời kỳ thành tựu theo thánh ý.
Trải dài từ năm Giáp Tuất
(1934) khi nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị phân hóa trầm trọng tại miền Nam, Thầy
đã mở lối đưa Đạo về Trung với ý chỉ lập “tông đạo quy nhứt”, làm khuôn mẫu thánh
hình Cao Đài trong tiến trình xiển dương cơ tận độ.
Ý chí Thiêng Liêng như là “cái quay búng sẵn trên trời”; còn đối
với nhân sinh thì “mờ mờ nhân ảnh như
người đi đêm”.[2] Vấn đề xây dựng tịnh đường của cơ đạo Trung Tông đã được
đặt để ngay từ năm 1947, khi Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ thành hình thánh thất
Trung Thành. Sau đó di tản vì chiến tranh, lập khu dân sinh ở Tý Sé đã thành
lập Tịnh Đức Đường, rồi bị mai một theo gió đạn mưa bom và với lòng người còn
mờ mịt.
Nhưng thật sự đây là con
đường ơn phước của Chí Tôn. Ơn phước nhưng không “bờ xôi ruộng mật” mà là đèo
dốc ngoại khảo, nội ma. Ngoại khảo thì anh tù em tội, máu xương chồng chất, nước
mắt dẫy đầy. Nội ma thì chống kình đả phá, triệt tiêu nhiễu loạn, tố tụng tranh
đương.
Mặc dù vậy, đã là ý chỉ của
Thầy thì dù thuyền con sóng cả vẫn bẻ lái đưa chèo lướt dặm trùng khơi. Và nhờ
Tiên phàm cùng gắn kết trong sứ mạng, nên cơ đạo Trung Châu tuần tự đi vào
khuôn mẫu của CHỈNH và KHAI.
CHỈNH thì có “chỉnh cơ” và “chỉnh
pháp”. Xây dựng nền móng đạo đức hạ tầng cơ sở từ Xã Đạo, Họ Đạo đến Hội Thánh
vững chắc theo cơ chế ba phái, bốn cơ quan; ban trao tứ bửu pháp, tứ bửu châu,[3] bắt đầu từ năm Nhâm Thìn (1952).
KHAI thì có “khai cơ giáo
pháp” và “khai cơ thành đạo”.
Giai đoạn “khai cơ giáo
pháp” được Thầy ban lệnh năm Đinh Dậu (1957), đưa Hội Thánh vào giai đoạn học
hiểu giáo lý, thọ trì pháp môn hữu vi Tam Giáo.
Chuyển lần đến giai đoạn
“khai cơ thành đạo”, Hội Thánh được hướng vào đường tu tâm pháp thành lập Trung
Tông Thánh Tịnh, thọ trì pháp tu vô vi Tam Thanh.
Từ Tam Giáo qua Tam Thanh là
từ hữu vi qua vô vi. Tam Giáo thuộc phần phổ độ, bậc tu hạ thừa và trung thừa,
nặng phần công quả. Tam Thanh là nơi gốc Đạo thuộc phần vô vi chuyên về công
phu đại thừa tâm pháp.
Buổi đầu lập Đạo, Đức Chí
Tôn trao phần hữu vi (công truyền) cho Tây Ninh và phần vô vi (tâm truyền) cho
Chiếu Minh. Chuyển đến cơ quy nhứt, Đức Chí Tôn đưa Đạo về Trung, thống hiệp chung
nguồn, mở cơ tận độ gọi là sứ mạng Trung Hưng. Đức Lý Thái Bạch minh thị:
Đây là cái bước đường chung
Đường chung ai cũng phải cùng mà đi
Đường chung có ở tiên tri
Đường chung Nam Bắc Tam Kỳ đoàn viên
Đường chung có Phật, Thánh, Tiên
Đường chung có bát nhã thuyền đưa sang
Đường chung không sợ lầm than
Đường chung không phải nói càn nơi đâu
Trung Tông có pháp nhiệm mầu
Có Thầy dẫn lối, có đầu có đuôi.
Đường chung ấy là đường
tướng tâm hiệp một, là công truyền tâm pháp đồng tu.
Giai đoạn chuyển sang “khai
cơ thành đạo” khởi đầu năm Canh Tý (1960), Đức Cao Đài chính thức ban ơn mở cơ
tận độ.
Ngày 30 tháng 6 nhuần Canh
Tý (24-7-1960) Đức Cao Đài dạy:
Tiên
phàm ai thấu phân cho được
Ông
nguyện dìu đưa kẻ quyết tâm.
Giờ này Thầy đến mở đường tận độ cho các con một năm đầy thành công mà cũng
cho biết một năm đầy gian khổ.
Con đường mà Thầy định đưa các con hôm nay là con đường thanh tịnh... Ngày
mai không còn nhiều chi phái như bây giờ, mà chỉ có một Giáo Hội duy nhất chia
làm hai đường. Một là công truyền, hai là tâm truyền. Tuy chia phân ra làm hai,
chớ kỳ trung là một. Tâm truyền là cơ chỉ nòng cốt cho giáo hội. Công truyền
làm môi giới trợ đạo. Vì vậy người chức sắc nào cũng tu tịnh đường (thọ pháp),
giáo sĩ cũng tu (thọ pháp), chớ người giáo sĩ mà không đạt tâm pháp thì làm sao
thông suốt lẽ Trời.”
Qua năm Tân Sửu (1961), Hội
Thánh Truyền Giáo lâm vào cơ khảo thí liên miên, bởi do lòng người chưa cảm
thông ý Thánh cơ Trời.
Ngày 18-11 Tân Sửu (25-12-1961),
Đức Cao Đài Tiên Ông giáng đàn dạy:
“Thầy cũng mở cho các trò một vài thắc mắc ở lòng mình hay ở nơi bè bạn.
Then khóa của Trời là cơ mầu nhiệm Phật Tiên được thanh tịnh mà ứng hiệp với
lòng Trời, nên sự bí mật của Thiên cơ Phật Tiên đều đoạt được. Cơ bí mật là
then khóa để giữ gìn những bảo vật đặt trong mỗi phạm vi. Như của cải của một
người đặt ở vườn là thanh ba đẳng vật,[4] đặt ở nhà là dụng cụ cần dùng, đặt ở
buồng the thì của sang đồ quý, đặt ở rương gói trong đó là châu báu. Nên vườn
có ngõ để rào kẻ gian, nhà có cửa để phòng đứa tham, buồng có ngăn để giữ gìn
của quý. Hễ mở ngõ được thì vào vườn, mở cửa được thì vào nhà, mở ngăn xong thì
vào buồng. Nên mỗi nơi đều đặt cho nó một ổ khóa. Ổ khóa này khác với ổ khóa
kia, người vào ra tự do là người con trong nhà hay tôi tớ của chủ người ấy có
được chìa khóa đã trao.
Vì vậy hôm nay các trò cũng như khách thiện duyên sắp đến mà muốn vào nhà
Thầy, muốn thay thế quyền Thầy mà tiêu dụng của cải của Thầy là phải biết được
then khóa nhà Thầy. Mở được then khóa nhà Thầy thì phải có chìa, chìa ổ ngoài
không giống ổ trong nhà, trong nhà khác xa ngoài ngõ. Vì vậy muốn qua mỗi chỗ
phải có mỗi phép nguyện mà đạt Thiên cơ. Vì vậy từ công truyền bước tới vô vi,
mỗi mỗi đều có phần sai biệt. Sai biệt đây là từng đợt của nấc thang, của những
lớp tuồng, chớ không phải vô vi không dính liền với hữu vi, công truyền khác
với tâm pháp.
Hễ học mãn chương trình cấp trung mới sang cấp đại. Trung với đại cách nhau
một lằn gạch mà thôi. Lằn gạch đó là chìa khóa mở đường tiến Đạo...”
Và Đức Cao Đài Tiên Ông dạy tiếp:
“... Từ đây lấy hai đồng tiền làm Thánh ý, để hợp lòng Thầy, để tránh điều
dục vọng ở con người còn tục của trò, để tránh các mối độc tài, các lời khôn
lanh của tà quái xen vào làm cho Thánh ý nhơn tâm chống trái,
… Còn về cơ sở này làm nơi gặp gỡ giữa Thầy và quyền pháp của Thầy là điều
phát tâm chính đáng. Song gặp được là ở chỗ biết sửa mình, biết giác tỉnh cải
tà quy chánh. Phải nhẫn nhục mà yêu mến nhau cho trọn. Phải từ bi mà tha thứ
cho kẻ chống nghịch pháp quyền. Phải bền dẻo để bảo vệ cơ chỉ nhà tu.”
Giai đoạn thọ tu tâm pháp
tại Hội Thánh Truyền Giáo, Ơn Trên cho lập tịnh đường và tiến đến ban ân cho
danh hiệu đàn tu. Từ lập tịnh đường (Trung Tông Thánh Tịnh) đến thọ lãnh danh
hiệu đàn tu kéo dài đến chín năm. Ngày Tết Nguyên Đán Kỷ Dậu (16-02-1969), tại
đàn Chợ Lớn, Đức Cao Đài Giáo Chủ truyền ban cho Trung Tông Thánh Tịnh danh
hiệu HUYỀN QUAN ĐÀN:
Huyền công dụng điển đề thơ
Trung phần Đà Nẵng điện thờ nghiêm trang
HUYỀN QUAN ĐÀN Thầy ban danh hiệu
Lịnh Thầy truyền chiếu diệu hôm nay
Danh xa Minh Chiếu Cao Đài
Giống lành gieo tốt hậu lai nối truyền.
Liền hôm sau (ngày mùng hai
Tết), tại Trung Tông Thánh Tịnh, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lâm đàn (đồng tử Liên
Hoa thủ cơ). Thầy dạy:
“Hôm nay Thầy thấy các con nơi này chí tu đã vững, lòng Đạo đủ đương lấy
gánh nặng quyền pháp tự độ độ tha, thành kỷ thành nhân, hầu đem nhau lại hiệp
một cùng Thầy. Thầy ban cho nơi này một hiệu đàn gọi là HUYỀN QUAN. Các con
hướng vào đó mà tu, noi theo đó mà hành. Trời đất không ngoài cái đó. Thành
Tiên Phật bởi đó. Sự sống ở đó. Lẽ thật trong đó. Tình thương phát xuất do đó.
Kiền khôn thế giới đứng vững nhờ đó. Các con đắc đạo là đắc cái đó.
... Hôm nay Thầy ban cho con một hiệu đàn, là ban cho một bửu pháp, một
quyền năng, một sự sống…”
Ngay
từ buổi mới thành lập tịnh đường, Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên Trần Nguyên Chí
khuyến dụ:
“Phước thay! Lành thay cho duyên đẹp căn đầy mà đón được ơn lành đầy đủ! Ơn
mà Thầy cho các hiền đây tưởng cũng một sự lân mẫn của Thầy. Nếu không vì một
lời hứa, một sự vận chuyển trong cơ tận độ của Thầy, thì đâu dễ các hiền lấy lo
lắng khó khăn mà đủ làm phương tiện trên đường cầu đạo vô vi.
Khó khăn lo lắng, kẻ thường ở đời ai cũng chê cũng sợ. Song đối với người
tầm đạo lo đời cũng là một sự may mắn cho mình. Các hiền đừng nghĩ sự an vui là
hạnh phúc. An vui chính là cái họa ở trong đời, kẻ chun vào sau khi ra là ô uế.
Người sáng vào, khi ra bị tối tăm. Nên Thầy không ban cho các hiền bằng sự an
vui mà để cho vào con đường khó khăn, dễ dàng giữ thân còn Đạo, chớ không phải
là tai họa buộc ràng...
… Mọi sự xảy đến cho các hiền là mọi điều may mắn cả! Nếu trên đường này có
kẻ hiểu lầm là cầu danh bán đạo, cũng bình tĩnh mà đợi thời gian. Vì đã không
biết lòng nhau thì còn nói đi nói lại làm gì. Phương chi dầu cho biết ruột biết
gan đi nữa mà cảnh xoay thế ngược, dẫu ai dễ thấu nhiệm mầu. Nếu không bởi cái
oái oăm bí nhiệm kia thì tại sao tình đào viên kết nghĩa, sống chết trọn thề,
mà rồi Quan Công Hầu phải bị Trương Dực Đức hung hăng cự tuyệt? Xét ra cũng bởi
hiểu lầm!” [5]
Nhờ lòng bình tĩnh không nói
đi nói lại, cứ lo “nhứt chuyên bách nhẫn” mà Huyền Quan Đàn đã thực sự là đạo
tràng khai cơ thành đạo cho từng môn đồ thọ pháp tu.
Đức Hiệp Thiên Đế Quân phủ
dụ:
“Hiệp hòa là một điều tốt đẹp, từ xưa đến nay loài người vẫn tôn trọng, nhưng
sách đã có nói ‘quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa’. Nếu hòa
mà không đồng một chí hướng hay tư tưởng thì có hòa cũng chẳng đem lại được sự
ích lợi gì. Mặc dù không đồng, người quân tử cũng phải lấy lòng không bụng
trống mà ở với người. Phật thường dạy cho đệ tử: ‘Thượng oán tứ dữ thượng lạc’.
Người ta thường oán ghét mình bao nhiêu thì mình lại càng đem tình thương sự
sống mà trả lại, như thế sự oán kia mới mong tiêu được, mối thị phi mới không
còn thêm ra nữa.
Đạo mục đích ra đời là để cứu cho đời đến chỗ tận thiện tận mỹ. Không những
chỉ lo cho đời được no ấm là xong mà điều cốt yếu là để cứu cho đời thoát khỏi
vòng sinh tử luân hồi, ai nấy cũng được chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh
giác. Đó là nguyện lực của các bậc Phật Tổ Như Lai Bồ Tát.
Nền đạo Trung Tông Thầy đã vạch định rõ ràng là giữa công truyền và tâm
truyền không thể thiếu một được. Nếu trong hai phần ấy mà
không giữ được trọn vẹn thì không còn cái nghĩa của cái chữ Trung Tông nữa.
Từ ngày nền Đạo ra đời,
bước đầu tiên Thầy đã lo cho cơ Đạo, không khéo do lòng dục của người vì ngã
tướng sắc danh mà đưa cơ Đạo đến ngày phải bị thất lạc chơn truyền, nên Thầy đã
trao phần tâm truyền bí nhiệm cho Ngô Đại Tiên đảm nhiệm.
Cơ Đạo đến đây Thầy đã
kết liền làm một, quyết không để canh cải rẽ chia. Nếu trong hai phần đó thiếu
đi một phần thì nền Đạo của Thầy không thể thành tựu được.
Đạo thành là cốt ở nơi
người thanh tịnh. Thanh tịnh là đầu mối xây nên vũ trụ vạn vật. Vạn vật trở về
với nguyên thủy cũng cốt ở chỗ thanh tịnh mà thôi. Người mà thanh tịnh thì trời
đất cũng hiệp về. Sự thanh tịnh ở đâu, cơ mầu nhiệm của trời đất cũng ở đó, mà
lòng người cũng hướng về, nên Lão Quân đã nói ‘nhơn năng thường thanh tĩnh,
thiên địa tất giai quy’ [6] là ý nghĩa
đó vậy.
… Bây giờ đời đã quá đen
tối, chư hiền là những ngọn đèn soi dẫn. Nếu chỉ có đèn mà đèn không sáng thì
làm sao mà soi dẫn được. Vì thế cho nên phải tu. Tu là làm cho lòng mình được
thanh tịnh. Có thanh tịnh thì mới cảm giao cùng trời đất người vật. Kẻ nào
không thanh tịnh, dù cho có tài năng trí lực đến đâu cũng chỉ là vật vô dụng
cho đời mà thôi. Không thanh tịnh, cứu cho mình còn không được, mong gì cứu cho
đời!” [7]
Với bài Trung Hưng Thánh Dụ, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
“Hôm nay nơi đây, Thầy mong mỏi mỗi con đoái thương sự nghiệp Trung Tông. Đừng
vì cá nhân mà làm mất vẻ tôn nghiêm cơ cứu chuộc của Thầy ở nơi mỗi con. Nếu
không khép mình trong khuôn đạo pháp, mà cứ theo sở dục làm cho lu mờ chánh
pháp của Thầy, cửa Huyền Quan đóng lại là các con phá Đạo. Cơ sở tâm pháp thì
các con nên sợ, đừng dể duôi mà gây sự đen tối cho nội bộ. Bởi vậy Thầy nói ‘dòi
trong xương thứ dòi đáng sợ, gương Du Đa bán đợ con Thầy’. Đạo hư là người đạo
phá, chớ người ngoài không thể phá được.” [8]
Cơ Trời đã mở ra như vậy, ý Thánh đầy cảm hóa
như vậy, đường thiêng liêng sáng soi tỏ rõ như vậy, mà toàn Hội Thánh chưa có
được sự nhất tâm chung cùng trên tiến trình chí quyết hành thâm.
Tuy thế, sự ứng hóa Cao Đài
vẫn bền bỉ theo từng chông chênh khúc khuỷu của lòng người. Trải dài với thời
gian, băng qua bao biến thiên của xã hội từ trong chiến tranh đến ngày hòa
bình, Huyền Quan Đàn vẫn đứt rồi lại nối, để vẫn có được một kết tập ân điển
“giáo pháp Trung Hưng” đồng thời bừng lên bao nhiêu con người đạt quả vị thiêng
liêng tiếp tục hộ trì cho đường tiến đạo.
Đức Cao Đài Giáo Chủ dạy (14-10
Đinh Mão):
“... giai đoạn này là giai đoạn thành đạo,
bước tu các con từ nay là bước thành công. Vậy các con phải hiểu sứ vụ Thầy
dành, lo tu cho đắc đạo, thì mọi việc
được nên trọn.”
Và một đàn cơ khác, Đức Trần
Hưng Đạo đến chấn chỉnh vai trò, đặt để quyền pháp cho bậc hướng đạo hành tròn
sứ mạng:
“Hôm nay Bản Thánh lâm đàn cũng được ơn Tam Giáo muốn cho hiền Hậu [Thượng
Hậu Thanh] một khẩu khuyết về môn tu chánh pháp Trung Hưng, từ bao năm nay bị chư
chức sắc đã làm cho quyền pháp không còn hiệu năng cũng vì tự thị, tự khôn,
biết mà che mờ huyền linh sứ mạng...
Công việc cử tác của Hội Thánh đâu phải sai, nhưng chỉ ôm lấy cái vỏ kình
càng mà không thấy cái luật biến thông là công dụng về đạo pháp. Sau khi Chí
Tôn và Ngô Đại Tiên đã áp dụng môn ‘tu học hành đạo đi đôi’ để chứng tỏ chánh
pháp Trung Hưng là trung đạo, nội thánh ngoại vương...
Đường hướng Trung Hưng vừa tịnh vừa hành, vừa hoàn quy bản thể, vừa hướng
hóa nhơn sanh...
Về Chiếu Minh, Ngô Đại Tiên sáng lập, mà nơi Hội Thánh Truyền Giáo cũng do
Ngài ban trao pháp đạo. Hai chỗ hai thời kỳ khác nhau, đó là dịch hóa thần hóa;
con người Chiếu Minh tu tại gia giải thoát, chỉ cần một đức tin và lòng phụng
sự cũng đủ tự thân thoát hóa. Còn Hội Thánh Truyền Giáo là thánh hóa muôn
người, cần có người Thiên ân phụng Thiên sự dân.
Trong lúc hiền đệ cần bồi dưỡng cho nội tâm sung mãn thì tùy nghi phương
tiện thuận lợi mà an dưỡng tâm linh. Song được phần mình mà mất phần nhơn sinh,
kẻ được no cũng nhớ đến người đương đói khát... Hội Thánh không người thì hiền
đệ cân nhắc sao cho đúng tiếng ‘cân’; mà được đúng mức thì đẹp lòng Trời, thuận
ý người, nên việc cho ngày mai.” [9]
Vai trò sứ mạng giai đoạn
thành đạo này hầu như đổ dồn trên sức tàn của một con người. Nhưng nhờ y theo
lập trình của Ơn Trên bằng tinh thần nội thánh ngoại vương với sức công phu
sung mãn và cân nhắc đúng tiếng “cân” nên Trung Tông Thánh Tịnh và đàn Huyền
Quan không thể bị mai một mà thực sự là một đạo tràng quy nhất.
Trung Tông Thánh Tịnh hay tịnh
đường là nhà tịnh cấp Hội Thánh. Ở cấp Họ Đạo thì có tịnh thất trực thuộc.
Huyền Quan Đàn là nơi được phép lập đàn để Thầy truyền pháp, dạy đạo cho môn
sinh trực thuộc Trung Tông.
Trung Tông Thánh Tịnh này được thành lập từ
năm Tân Sửu (1961), đã tu bổ nhiều lần và lần này tái thiết tổng thể theo một
quy mô tương đối khang trang để đáp ứng cho cơ hoàn tất Đại Đạo.
Gần suốt hai năm thi công,
hôm nay đã hoàn chỉnh. Lễ khánh thành nhằm vào dịp kỷ niệm công khai nền Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Đà Nẵng Trung Việt (08-4 Mậu Dần / 07-5-1938) toàn thể
môn sinh Cao Đài Truyền Giáo dâng lòng thành kính, ngưỡng vọng lên Đấng Cha
Lành, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, các Đấng thiêng liêng và Đức Ngô Tôn Sư cầu mong
hằng ban ân tận độ cho Trung Tông Đạo.
Trung Tông Thánh Tịnh rất
vinh hạnh đón tiếp sự chung tâm tham dự của quý đại huynh, đại tỷ và quý đại
biểu, chia sẻ nỗi gian nan để có được sự thành tựu quý báu này.
Giáo
Sư THƯỢNG LIÊM THANH (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài)
THÁNH THI
Đúc mảnh thân ra giữa cõi trần
Có thân phải chịu khổ cùng thân
Gánh gồng nghĩa vụ thân nam tử
Quyết giũ cho xong mối nợ nần.
*
Nợ nần gánh vơi vơi trịu trịu
Cả đôi bên này hiếu này trung
Phong ba thử chí anh hùng
Ai tâm vì Đạo, ai trung vì Thầy?
Trông thời cuộc đắng cay thê thảm
Ngắm nhơn tình hoài cảm nhơn tình
Đời chiến tranh, Đạo tương tranh
Kẻ ngăn phía trước, người giành phía
sau.
Rất đỗi đớn đau...
Đức HẢI TRIỀU THÁNH NHƠN
Thánh tịnh Đại Thanh, 01-8 Giáp Tuất (09-9-1934)
|