Gió muốn thổ đâu thì thổi.
(Gioan 3:8)
* Hiền huynh Phạm Quốc Trung (thánh thất Long
Phú, Bến Lức):
“Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn nói Đức Diêu Trì Kim Mẫu cho chín mươi sáu ức nguyên nhơn xuống trần. Một ức là mười vạn, tức là một trăm ngàn
(100.000). Vậy chín mươi sáu ức là chín triệu sáu (9.600.000), so với nhơn loại
bây giờ thì ít quá!
Kinh lại nói sau hai kỳ phổ độ chỉ độ được mỗi kỳ hai ức trở về với Đức
Mẹ, còn sót lại chín mươi hai ức. Kinh
sách và thánh ngôn Cao Đài gọi những linh căn trong số chín mươi hai ức ấy là tàn (tàng) linh. Xin hỏi, nên viết tàn
linh hay tàng linh?” (Trích e-mail ngày 27-3-2013.)
Huệ Khải:
1. Trước đây một ức 億 được giải thích là mười vạn, tức là một trăm ngàn (10 x 10.000 = 100.000). Ngày nay, một ức được giải
thích là một trăm triệu (100.000.000);
vậy chín mươi sáu ức (96 x 100.000.000 = 9.600.000.000, tức là chín tỷ sáu.
Hiền huynh có thể vào Internet xem cách giải thích chữ Ức của người Trung Quốc hiện nay,
tại: http://www.chinaorb.com/trans-ce.php.
2. Tàn 殘 là thừa, còn sót lại (remaining). Thí dụ: Tàn
bôi 殘杯 là chén
rượu thừa (sau khi tiệc đã tàn).
Tàn linh 殘靈: Những linh căn 靈根 (tức là nguyên
nhân 原人) còn sót lại
trong số chín mươi hai ức nguyên nhân bị rớt lại sau hai kỳ phổ độ. Ngọc Lộ Kim Bàn 玉露金盤 viết là cửu nhị tàn linh 九二殘靈. Vậy, chúng ta
nên viết cho đúng là tàn linh.
Kính cáo: Tất cả
các sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
thực hiện trước Quý 3-2013, nếu có in là tàng
linh, xin quý độc giả hoan hỷ sửa lại là tàn linh. Chân
thành tạ lỗi với quý đạo hữu, đạo tâm.
*
* Hiền tỷ Minh Hiếu (Chiếu Minh):
“Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy dạy:
KIÊN
NHẪN gầy nên thánh đức tâm
Nhẫn
kiên đạo đức nghĩ suy ngầm
Lũy
thành chống vững đường tên đạn
Tôi hiểu hỏa dục lâm là
lửa dục tới. Sao lạ vậy?! Nếu thế thì kiên nhẫn phản tác dụng à?” (Hỏi qua điện thoại.)
Huệ Khải:
1. Chữ lâm 臨 là tới. Thí dụ: thân lâm 親臨 là đích thân tới chỗ nào đó; quang lâm 光臨 là (quý
khách) đến làm cho rạng rỡ (nhà mình).
2. Chữ lâm 淋 là rưới nước, dầm nước. Thí dụ: nhật sái vũ lâm 日曬雨淋 là dãi nắng dầm mưa. Chữ lâm trong câu thánh thi của Thầy nên
hiểu theo nghĩa 2. Ham muốn như lửa cháy đùng đùng mà rưới nước vào thì lửa ấy phải tắt. Nhẫn kiên bền chí ví như “nước”
để rưới tắt lửa dục.
*
* Hiền tỷ Nguyễn Thị Sương (Cầu Kè, Trà Vinh):
“Các con nhà em thích xem Cuộc Đời Phật Thích Ca vì truyện tranh
màu vẽ đẹp. Cuối truyện, thấy kể rằng “Sau
45 (hay 49) năm truyền dạy chánh
pháp, Đức Phật đến rừng Sala và nhập Niết Bàn”, các cháu hỏi tại sao lại là 45 hay 49 năm. Em không biết trả lời nên
xin quý huynh tỷ giải thích giùm các cháu.”
(Thư ngày 27-04-2013.)
Ngô Bái Thiên:
Thưa hiền tỷ, trước hết xin hoan
nghênh các con hiền tỷ ham đọc thánh kinh hiền truyện. Ban Ấn Tống
sẽ phải cố gắng thực hiện thêm vài quyển truyện tranh đạo lý nữa để
các mầm non nhà Đạo có sách đọc.
Vì sao có hai con số 45 và 49? Lý do như sau: Theo Phật Giáo Nam Tông
(cũng gọi Nguyên Thủy) thì Đức Phật Thích Ca trụ thế 45 năm. Theo Phật Giáo Bắc
Tông thì thời gian hoằng pháp của Đức Thế Tôn là 49 năm.
Khi ấn tống Cuộc Đời Phật Thích Ca
(quyển 51-2 trong Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo) chúng tôi không giải thích rõ bởi vì muốn
viết ngắn gọn cho vừa vặn trang giấy.
Tuy nhiên, nhân dịp tái bản (bản in 51-3, tháng 7-2013), chúng tôi đã giải
thích chi tiết này. Cảm ơn hiền tỷ góp ý và chúc các cháu học ngoan.
*
* Hiền hữu Phan M. Q. (thánh thất Từ Vân, Phú Nhuận):
“Thưa huynh, đoạn thánh
giáo Thầy dạy năm 1934 tại thánh tịnh Đại Thanh ban thánh lịnh đưa Đạo về Trung
có hai câu chữ Nho ‘Nhơn nhi vô nhơn, ngã
nhi vô ngã. / Nội bất tề, hà nhi an ngoại?’ là ý như thế nào? Nhờ huynh giải giúp. Kính.”
(Trích e-mail ngày 05-5-2013)
Huệ Khải:
Thưa hiền hữu, hai câu ấy như sau:
1. Nhơn nhi vô nhơn,
ngã nhi vô ngã. 人而無人,我而無我.
2. Nội bất tề, hà nhi an ngoại? 內不齊, 何而安外?
Câu 1: [Có] người mà không [thấy] có người, [có] ta mà không
[thấy] có ta.
Qua câu này Thầy dạy đoàn Thiên sứ ra Trung (do tiền bối Trần
Công Ban hướng dẫn) trong khi thi hành sứ mạng hãy biết giữ tâm không nhân ngã,
không phân biệt ta người, như vậy mới có thể vô tư quảng đại, không câu chấp.
Câu 2: Bên trong không ổn định, bên ngoài há lại được an sao? (Nội bộ
không yên ổn, làm sao khiến cho bên ngoài trở nên yên ổn được?)
Câu này nghĩa là nội bộ của mình không chỉnh đốn cho đâu vào
đấy (có trật tự, kỷ cương), thì chớ mong chi bên ngoài được yên ổn. Như thế, chúng ta hiểu hai câu này bao hàm cô đọng sách lược
hành đạo đối nội và đối ngoại, tiếp nhân xử thế của đoàn Thiên sứ ra Trung.
*
* Hiền huynh Huỳnh Tấn Chín (Nguyễn Trường Tộ, khu phố 5, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh
Bình Thuận):
“Qua sự giới thiệu và chỉ dẫn của anh bạn người đạo Cao Đài,
để am tường giáo lý Cao Đài Đại Đạo, hầu có thể góp mặt trong nền Đại Đạo, kính
xin quý huynh tỷ hoan hỷ cho tôi thỉnh:
Sống Đạo số 16 và các số kế, nếu đã xuất bản; Nói Chuyện Cao Đài; Đại Thừa Chơn Giáo; Nghệ Thuật Thuyết Trình Giảng
Đạo.
Cao Đài là cái đài cao
Vượt lên tất cả đón rào
ngăn che
Thấy tỏ rõ mà nghe thấu
suốt
Có gì đâu hạn
cuộc được ta
Ngoài trời Thượng Đế bao
la
Trong lòng vạn
tượng cũng là Chí Tôn.
Kính nhờ quý huynh tỷ giải thích các chữ gạch dưới. Thành
thật cám ơn.” (Thư La Gi, ngày 02-5-2013)
Huệ Khải:
Thưa hiền huynh, Sống
Đạo do Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thực hiện. Hiền huynh vui lòng liên hệ
ĐH Bùi Ngọc Chinh, )09033391549. Chương Trình
Ấn Tống sẽ gởi biếu hiền huynh ba nhan đề còn lại.
Đoạn thánh thi hiền huynh hỏi do Đức Quảng Đức Chơn Tiên (thế
danh Trần Văn Quế, thánh danh Huệ Lương) ban cho tại Minh Lý Thánh Hội, ngày
07-6 Tân Dậu.
1. Hạn cuộc: Chữ
Hán là hạn cục 限局, cũng nói là cục hạn 局限.
(a) Hạn 限: Hạn chế, giới hạn
(to limit);
(b) Cục 局: Gò bó, câu
thúc, hạn chế (to restrain). Vậy, hạn cuộc là trói buộc, câu thúc, kềm
hãm, hạn chế.
Có gì đâu hạn
cuộc được ta: Con người về lý là một chủ thể tự do, nhưng chưa đạt đạo thì
bị kềm thúc, chịu giới hạn của hoàn cảnh, của thế gian... Khi đắc đạo thì con
người hoàn toàn tự do, không còn bị ràng buộc, kềm hãm nữa.
Trong Tây Du Ký, Ngô
Thừa Ân diễn tả ý này bằng nhân vật Hầu Vương. Khi chưa tu, Hầu Vương bị giới
hạn trong không gian và thời gian, chịu mọi chi phối của sanh, lão, bệnh, tử.
Khi tu đắc đạo, làm Tề Thiên Đại Thánh, thì không còn sanh tử, lên trời xuống
đất dễ như đi chợ; không có gì hạn cuộc Tề
Thiên được nữa.
Đức Hà Tiên Cô diễn tả rằng người đắc đạo có thể mặc tình
ngao du ba ngàn thế giới dễ như trong lòng bàn tay, không phải chịu bất kỳ một hạn cuộc nào hết: Nhích chân liền tới Niết Bàn / Dạo chơi thế giới ba ngàn trong tay.
(Trích Khẩu Quyết Dự Bị Sơ Thiền)
2. Vạn tượng 萬象: Muôn vàn (vô số) những hình tướng biểu hiện của thiên nhiên (thế
giới tự nhiên) có thể nhìn thấy quanh chúng ta (innumerable manifestations of nature).
Ngoài trời Thượng Đế bao
la: Bên
ngoài vũ trụ bao la có Thượng Đế ngự trị (Thượng Đế ngoại tại).
Trong lòng vạn
tượng cũng là Chí Tôn: Trong từng sự vật, hiện tượng (tức là trong chính
từng con người chúng ta nữa) vẫn có Thượng Đế Chí Tôn ngự trị (Thượng Đế nội
tại / immanent God). Do đó Thánh Hiền
bảo rằng Thượng Đế nơi nào cũng có (vô sở
bất tại 無所不在 / omnipresence).
Đức Lão Tử và Đức Trang Tử quan niệm Thượng Đế là Đấng vô ngã
(impersonal God) và gọi là Đạo, hay
Đại Đạo. Tính vô sở bất tại của Đại Đạo được Đức Lão Tử
diễn tả: Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu.
大道氾兮, 其可左右. Đại Đạo trải cùng khắp chốn, chỗ nào cũng có. (Đạo Đức Kinh,
chương 34)
Nam Hoa Kinh, chương Trí Bắc Du, chép chuyện Đông Quách Tử hỏi Đức Trang Tử: “Cái gọi là
Đạo ở đâu?” Ngài đáp: “Ở khắp nơi.” Đông Quách Tử nói: “Phải chỉ định cụ thể mới
được.” Đáp: “Ở con kiến.” Hỏi: “Sao thấp vậy?” Đáp: “Ở cọng cỏ.” Hỏi: “Lại thấp
hơn nữa à?” Đáp: “Ở mảnh sành.” …
Con kiến, cọng cỏ, mảnh sành…
đó là ba thí dụ về vạn tượng. Theo Đức Trang Tử, trong ba cái tượng nhỏ nhít, tầm thường ấy vẫn có Đạo
(tức có Thượng Đế Chí Tôn).
Thân xác chúng ta là một tượng trong vạn tượng. Trong thư thứ nhất
gởi các tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết (6:19): “Anh em không biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Linh sao? / Do you not know that your
bodies are temples of the Holy Spirit?” Đó là một cách diễn
tả rằng trong mỗi người chúng ta đều có Chúa, có Trời, có Cao Đài, có Chí Tôn,
có Đạo… ngự trị.
Xin cầu nguyện Đức Chí Tôn
ban ơn cho hiền huynh có nhiều thời gian tìm đọc kinh sách Cao Đài để lãnh hội
thêm nhiều đạo lý cao siêu mà lại gần gũi cuộc sống chúng ta.
*
* Hiền hữu Nguyễn Quốc Trạng (quoctrangbk02@...):
“Em thường nghe nói tới ba chữ
khách thập phương. Em được một thầy giải
thích rằng thập phương hay mười phương gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam,
Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Tám hướng đầu nghe còn có lý,
nhưng với hai hướng chót thì không thể nói rằng khách từ trên trời xuống hay
khách từ dưới đất lên! Vậy thập phương thật ra có nghĩa gì?” (e-mail từ Kuala Lumpur , ngày 26-7-2013)
Huệ Khải:
1. Dùng như danh từ thì thập 十 là số mười. Thí dụ, Đức Phật có thập đại đệ tử tức là mười vị tông đồ đứng
đầu các môn đệ.
2.
Dùng như tính từ thì thập có nghĩa là đủ hết, hoàn toàn. Thí dụ, thập phần 十分 nghĩa là trọn vẹn, hoàn hảo. Hoa khai dĩ thập phần 花開已十分 (hoa đã nở trọn vẹn). Khi nói bánh
trung thu nhân thập cẩm 十錦 thì đừng hiểu là nhân bánh gồm mười thứ trộn lại, mà chỉ có nghĩa là nhân
trộn nhiều thứ, nhiều món khác nhau (mixed).
Khi nói thập phần viêm nhiệt 十分炎熱 có nghĩa là nóng bức vô cùng. Do đó,
nói khách thập phương có nghĩa là
khách đến từ mọi nơi, từ nhiều địa phương khác nhau (everywhere). Nên hiểu thập
phương chư Phật 十方諸佛 là các vị Phật có khắp nơi khắp chốn, chỗ nào cũng có Phật (vô sở bất tại 無所不在 / omnipresent).
*
* Một đạo hữu ở Bến Tre (hỏi qua điện thoại):
“Trong Cao Đài Khái Yếu (của Đạt Đức) có viết: ‘Hằng năm mỗi Hội họp đại hội một lần: Hội Thánh họp rằm tháng Bảy;
Thượng Hội họp rằm tháng Mười; Hội Nhơn Sanh họp rằm tháng Giêng.’ (tr. 37)
Ba ngày hội như vậy không giống chỗ chúng tôi. Sách có in lầm không?”
Ban Ấn Tống:
Kính thưa hiền huynh, các Hội Thánh chọn ngày họp ba Hội
không nhất thiết phải giống nhau. Sau đây xin tạm đối chiếu khái quát giữa năm
Hội Thánh lớn để dẫn chứng (các ngày hội đều tính theo âm lịch):
Hội
Thánh
|
Thượng
Hội
|
Hội
Nhơn Sanh
|
|
Ban
Chỉnh Đạo
|
15-10
|
15-01
|
15-7
|
Họp ba kỳ:
14 và 15-01
14 và 15-7
14 và 15-10
|
Họp ba kỳ:
14-01
14-7
14-10
|
||
15-7
|
Ba tháng họp một lần; họp thường
niên 15 ngày sau Noel.
|
15-01
|
|
Tiên Thiên
|
15-10
|
15-01
|
15-7
|
Truyền Giáo
|
15-7
|
15-10
|
15-01
|
*
* Hiền hữu Quốc Tr. (Cách Mạng Tháng Tám, TpHCM):
“Nhiều nước phương Tây
chọn ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng Sáu làm Ngày Của Cha (Father’s Day). Năm nay, ngày lễ này nhằm
Chúa Nhật 16-6-2013. Vừa qua nhiều bài viết trên báo in và báo mạng gọi đây là Ngày Hiền Phụ. Bên Công Giáo cũng hay
gọi Chúa là Hiền Phụ. Thí dụ: ‘Vì Chúa là Hiền
Phụ và là Thiên Chúa của con, nên con phải luôn luôn trông cậy hoàn toàn
nơi Chúa.’ (http://www.dongcong.net/CacThanh/DanhNgonCT/25.htm)
Theo tôi, người Việt mình quen gọi cha là từ phụ; gọi mẹ là từ mẫu (hiền mẫu); nhưng phần đông khi nói hiền phụ (hiền thê) là nghĩ tới người vợ. Vậy có nên gọi cha là
hiền phụ không?” (E-mail ngày 18-6-2013)
Huệ Khải: Hiền hữu nói có lý một phần;
nhưng đấy là suy nghĩ theo thói quen của người Việt.
Nói từ 慈 là để diễn tả tình yêu thương của cha mẹ đối với
con cái; cho nên gọi cha và mẹ là từ
phụ, từ mẫu 慈父,慈母 thì
đúng rồi.
Nói hiền 賢 là để gọi người trên mình, ngang hàng hoặc thấp
hơn mình; có thể nói đây là cách xưng hô lịch sự. Do đó, gọi anh chị là hiền huynh, hiền tỷ 賢兄,賢姊; gọi em trai, em gái là hiền đệ, hiền muội 賢弟,賢妺; gọi vợ là hiền thê, hiền phụ 賢妻,賢婦; gọi mẹ là hiền
mẫu 賢母 thì
gọi cha là hiền phụ 賢父 cũng đúng thôi.
Lưu ý: Trên đây là cách ta gọi người khác. Một số đạo hữu Cao
Đài lại nhầm lẫn khi tự xưng là hiền
huynh, hiền tỷ, hiền đệ, hay hiền
muội. Nếu tự xưng, thì nên nói là đạo
huynh, đạo tỷ, đạo đệ, hay đạo muội.
Muốn tỏ ý khiêm tốn thì tự xưng là tệ
huynh, tệ tỷ, tệ đệ, hay tệ muội.
Trở lại câu hỏi của hiền hữu, mặc dù tra cứu nhiều từ điển do
người Việt soạn, hầu như không thấy có mục từ hiền phụ để gọi cha; nhưng thử gõ hai chữ Hán 賢父 (hiền phụ) vào công cụ
tìm kiếm Google, sẽ thấy người Hoa dùng từ này rất nhiều. Thí dụ, trên tờ báo
mạng Kim Nhật Tân Văn Võng 今日新聞網 (http://www.nownews.com) có bài viết “Tích nhật lãng tử biến hiền phụ”
昔日浪子 變賢父, nghĩa là đứa con hoang
đàng ngày xưa đã trở thành cha hiền.
Lại thấy có khi họ dùng luôn từ phụ, hiền phụ đi kèm nhau, mặc dù cả hai đồng nghĩa. Chẳng hạn, trang
198 trong sách Thủy Kính Hồi Thiên Lục
Bạch Thoại Giải 水鏡回天錄白話解 (http://books.google.com.vn)
có câu: Sở dĩ sanh dục tiểu hài, bất đan
yếu hữu lương mẫu, dã yếu hữu từ phụ,
hiền phụ. 所以生育小孩,不單要有良母, 也要有慈父,賢父.(Cho nên sanh dưỡng con nhỏ chẳng những cần mẹ hiền mà còn cần
có cha hiền nữa.)
Tóm lại, gọi cha là hiền
phụ hay từ phụ đều ổn cả.
*
* Hiền huynh Phan Ba (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), đường
30 tháng Tư, phường 11, Vũng Tàu:
“Bài
Giảng Bên Sông ở trang 17, quyển Nhịp
Cầu Tương Tri (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo
2011; quyển 42-1 trong Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo) có dẫn lại Tịnh Tâm Chú, mở đầu với câu Lời ăn nói là nơi lỗ
miệng. Nhưng theo Kinh Tận Độ của Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài, in 1995, trang 105, thì đây là Tịnh Khẩu
Chú, mở đầu với câu Lời ăn nói là nơi
lưỡi miệng. Như vậy phải chăng
sách của tác giả Huệ Khải in sai? (Thư ngày
06-7-2013)
Huệ Khải:
Hiền huynh Phan Ba kính mến,
Chân thành cảm ơn hiền huynh
đã chỉ giúp lỗi in sai, vừa kịp lúc tôi đang chuẩn bị tái bản quyển này.
Xin
nói rõ: Bài này là TỊNH KHẨU CHÚ, gốc
ở Minh Lý Đạo, in trong quyển Bố Cáo, Sám
Hối, Tịnh Nghiệp Vãn, Nhựt Tụng, Giác Thế (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr.
54). Câu chú theo bản gốc của Minh Lý Đạo như sau: Lời ăn nói là nơi lỗ miệng. Bài chú này cùng với Tịnh Tâm
Chú (Lòng người đặng tánh linh hơn vật…),
Tịnh Thân Chú (Ở trần thế bụi nhơ
thân vấy…) và An Thổ Địa Chú (Công Thổ
Địa nguy nguy tài đức…) đều do Đức Tây Phương Phật Tổ giáng cơ ban cho (tr.
54-55).
*
* Hiền tỷ Thiên Kim (San Martin , California , Hoa Kỳ):
“Tôi muốn hỏi tác giả quyển Đọc Lại Thất Chân Nhân Quả bốn câu như
sau…” (trích e-mail ngày 15-7-2013)
Huệ Khải:
Hiền tỷ quý mến, tôi lần lượt
trả lời bốn điểm hiền tỷ nêu ra trong e-mail như sau:
1. Chương 1, tr. 11: “hai vị khách không mời kêu xin ông Vương giúp đỡ.” Tại sao là không mời?
Đáp: Hai vị khách này tự ý
ghé nhà ông Vương, chủ nhà đâu có thỉnh họ tới. Vậy, hai vị khách không mời nghĩa là the
two uninvited guests.
2. Chương 3, tr. 42: “Làm như dốt nát dại khờ / Đừng cho kẻ thế rằng ngờ mình tu!” Tại sao không viết ngờ
rằng để nghe xuôi tai?
Đáp: Hai câu này là thơ lục
bát. Do đó chữ thứ sáu câu bát phải ăn vần với chữ cuối câu lục bên trên. Đảo
ngữ mà viết rằng ngờ thì ăn vần với dại khờ, tức là đúng luật thơ.
3. Chương 8, tr. 106: “… chúng ta làm sao không cảm kích biết ơn
công đức hoằng đại của những người
đi trước.” Tại sao lại là hoằng đại? Lẽ ra là hoằng đạo mới đúng chớ!
Đáp: HOẰNG 弘 (động từ): Mở rộng ra, làm cho rộng lớn hơn (to enlarge, to develop). Do đó ta hay nói hoằng đạo, hoằng giáo, hoằng pháp... với ý nghĩa mở mang đạo giáo,
xiển dương chánh pháp, v.v…
HOẰNG 弘 (tính từ): Lớn lao, to tát (great).
Ta nói hoằng nguyện 弘願 nghĩa là chí nguyện lớn. Trong
sách tôi viết hoằng đại là đúng, cả hai chữ đều là tính từ, đều cùng nghĩa to tát.
Thay vì nói rất to tát, tôi viết hoằng đại.
Chương 7, tr. 94: “Hồi Thứ Hai Mươi Ba, ông Khưu tới Bàn Khê…”. Tác giả viết nhầm rồi! Hồi Thứ Hai Mươi Bốn chứ!
Đáp: Chỗ này thì hiền tỷ đúng
100%! Phải sửa là Hồi Thứ Hai Mươi Bốn.
Rất cảm ơn hiền tỷ. Ít ai đọc sách kỹ như thế! Tác giả chịu thua hiền tỷ rồi.
Cười…
*
* Tu sinh Nguyễn Minh Tr. (quận 1, TpHCM):
“Trong
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn
ngày 08-6 Bính Dần (17-7-1926), Đức Chí Tôn gọi một vị là Đường Thị. Nữ tiền bối này là ai?” (hỏi qua điện thoại)
Huệ
Khải:
Hiền đệ quý mến, Đời
Đường (618-907) là một thời đại mà văn hóa Trung Quốc rất thịnh. Đơn cử như thể
thơ ngũ ngôn và thất ngôn bát cú, ngũ ngôn và thất ngôn tứ tuyệt của thời này
được gọi là thơ Đường luật – nghĩa là tên một triều đại trở thành tên của một
thể thơ. Do đó, người Trung Quốc cũng được gọi là Đường nhân, Đường nhơn, Thoòng dành, 唐人 (người
Đường).
Vào năm
1963 khi in lại bộ truyện tranh hài hước của họa sĩ Vương Trạch 王澤 (người
Hương Cảng, sinh năm 1924, tên thật là Vương Gia Hy 王家禧), thay
vì giữ nhan đề nguyên tác là Lão Phu Tử
老夫子, các bản dịch ở Sài
Gòn đã đặt tên là Truyện Chú Thoòng.
Hội
Thánh Cao Đài Tây Ninh từ thuở khai Đạo đã lập Hội Thánh Đường Nhơn để lo việc
phổ độ người Hoa (tức Đường nhơn).
Tiền bối Lê Văn Trung (1876-1934) có người bạn đời nhũ danh Đãi Thị Huệ
(1874-1936), Việt gốc Hoa. Do đó, khi giáng cơ Ðức Chí Tôn gọi bà Huệ là “Đường
thị” (唐氏 người phụ nữ Trung Hoa). Bà được ân phong phẩm Giáo Sư (Hương
Huệ) ngày 14-01 Đinh Mão (15-02-1927) trong lễ Thiên phong chức sắc nữ phái.
Theo tôi, không cần viết hoa chữ thị.
Ngày xưa, khi gọi một cô gái thì lấy họ của cha và thêm chữ thị ở sau. Thí dụ: Trương thị 張氏 (con gái ông họ Trương), Vương thị 王氏 (con gái ông họ Vương). Gọi phụ nữ có
chồng thì lấy họ của chồng. Thí dụ: Trần thị 陳氏 (vợ ông họ Trần), Lý thị 李氏 (vợ ông họ Lý).
Sự tích người vợ ôm con trông chồng hóa đá đã vào ca dao: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô thị, có
chùa Tam Thanh… Ta hiểu bà ấy có chồng họ Tô, và cha bà cũng họ Tô vì theo
truyền thuyết hai vợ chồng là anh em ruột, ly tán từ thơ ấu nên không biết mà trót
lỡ cưới nhau!
*
* Hiền huynh Lương Hữu Phước, Trưởng Ban Qui Ước Đạo Cao Đài, số 264 đường 30 tháng 4, phường
Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ (trích thư ngày 26-8-2013):
“Ban Qui Ước Đạo Cao Đài Tp Cần
Thơ chúng tôi rất vui mừng khi nhận được 58 đầu kinh sách với số lượng 116 quyển
theo lời đề nghị của Ban…
Đây là món ăn tinh thần vô
giá mà mỗi tín hữu Cao Đài cần đọc để bổ sung vào kinh nghiệm còn hẫng hụt của
mình trong sống đạo hàng ngày.
Thành phố Cần Thơ hiện có sáu
phái Đạo, hơn hai mươi ngàn tín đồ, thời gian qua (hai mươi hai năm) đã đoàn kết
cùng nhau hành đạo giúp đời dưới tổ chức Ban Qui Ước Đạo Cao Đài thành phố Cần
Thơ.
Do có nhiều phái Đạo, nhiều họ
đạo (mười chín họ đạo) đoàn kết, nên kinh sách Đạo là điều kiện rất cần thiết
cho việc tham khảo để thông cảm cùng nhau trên phương diện giáo lý hầu siết chặt
tay nhau để hoằng dương chánh giáo.
Ban Qui Ước chúng tôi sẽ góp
phần thực hiện tâm nguyện quý báu của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại
Đạo.
Kính chúc Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo hoàn thành sứ mạng của mình.”
Ban Ấn Tống:
Chúng tôi kính thành đa tạ
tình cảm rất quý hóa của hiền huynh Lương Hữu Phước, Trưởng Ban Qui Ước Đạo Cao
Đài Tp Cần Thơ. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho nhau để chung tay góp sức mở rộng
hơn nữa mối cảm thông giữa các cộng đồng Cao Đài thông qua phương tiện ấn tống
phổ thông chánh pháp Kỳ Ba.
*
* Hiền muội Dư Thị Bảo Hòa (trích thư ngày 25-9-2013):
“Thưa bác Huệ Khải, … Cháu thấy cháu và
gia đình mình thật là có phước khi được cùng Chương Trình ấn tống quyển Thiện Thư. Cháu cảm ơn bác và Chương
Trình rất nhiều đã giúp cháu làm được một điều mà cháu mong muốn làm cho ba cháu
hơn một năm nay.
… Cháu không làm được những việc mà bác
và các thành viên trong Chương Trình Ấn Tống làm để phụng sự nhơn sanh, nên
cháu xin được làm người bạn đồng hành của Chương Trình. Tùy theo tài lực mỗi
lúc trong gia đình, nhưng sẽ luôn sát cánh cùng Chương Trình. Cảm ơn bác.”
Huệ Khải: Cô Dư Thị Bảo Hòa quý mến,
Vì lòng hiếu thảo với thân phụ quá cố mà
cô và gia đình bắt đầu để tâm tìm hiểu về Đạo Thầy bằng cách tìm đọc kinh sách
Đạo nhà. Đó là diễm phúc mà giác linh cha cô - một vị chánh trị sự ở
huyện Trảng Bàng, sau mấy mươi năm ăn chay trường và lo xây dựng các thánh sở
Cao Đài thuộc Hội Thánh Tây Ninh - đã chuyển tâm cho cô
cũng như gia đình cô. Việc cô và gia đình phát tâm ấn tống hồi hướng công đức
cho cha là một việc hành thiện rất đáng tán thán, cảm phục. Thật quý hóa thay!
Hai thùng kinh sách (mỗi thùng khoảng sáu
mươi nhan đề khác nhau) mà cô vừa thỉnh được từ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
là món quà ý nghĩa mà chúng tôi thiết tha mong ước cô và gia đình sẽ dành nhiều
thời gian nghiền ngẫm để hiểu rõ thêm về Đạo Thầy. Những cuốn nào liệt kê trong
danh sách các quyển đã xuất bản (được in ở cuối mỗi quyển) mà cô và gia đình chưa
có thì sau này cô có thể liên hệ với chúng tôi để thỉnh cho đủ.
Kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
thực hiện gồm nhiều trình độ và nhắm tới nhiều đối tượng đạo hữu bạn đọc khác
nhau. Quyển nào đọc chưa thấy thú vị, chưa thích, hoặc chưa hiểu lắm thì chúng
ta tạm thời để qua một bên; sau này trình độ giáo lý đã nâng cao, đọc lại ắt sẽ
thấy thích thú. Như vậy, quyển nào dễ đọc thì cứ ưu tiên đọc trước, cô nhé! Thậm
chí một quyển dù đọc rồi, nhưng về sau đọc lại sẽ thấy cách mình hiểu khác hơn,
sâu sắc hơn, là do trình độ tu học của mình đã tăng lên.
Cô và gia đình cũng như rất đông đạo hữu
chúng ta tuy đã nhập môn từ lâu, đã có vài mươi năm “tuổi đạo” nhưng hiểu biết
về giáo lý Đạo Thầy còn khá sơ sài là vì mấy chục năm qua thiếu thốn nguồn kinh
sách đáng tin cậy để mở mang tri thức đạo lý, đạo học. Do đó, sau này cô cũng
nên tùy hoàn cảnh thuận tiện mà giới thiệu cho bạn đạo biết nguồn sách kinh Cao
Đài hiện nay tạm gọi là khá phong phú, và có thể giúp cho nhơn sanh tìm hiểu Đạo
nhà.
Sẽ có người không muốn đọc vì lý do “kinh sách này không phải Hội Thánh của mình
xuất bản...” (!). Gặp trường hợp như thế, cô không nên buồn phiền và cũng đừng
nài ép. Trong những thời cúng, cô nên cầu nguyện Thầy Mẹ và các Đấng chuyển tâm
để các đạo hữu ấy sớm thay đổi quan niệm, khỏi uổng phí một đời theo đạo Cao
Đài mà không được bồi dưỡng giáo lý chi hết.
Lá thư tâm tình của cô và nghĩa cử cao
quý mà năm chị em cô hiếu thảo, đồng lòng chung tay công quả ấn tống kinh sách để
hồi hướng giác linh thân phụ làm chúng tôi rất cảm động.
Chương Trình Ấn Tống hân hạnh được làm
người bạn đạo thân thiết của cô và gia đình. Cầu nguyện Thầy Mẹ, Đức Lý Giáo
Tông, và Đức Phạm Hộ Pháp ban ơn lành cho cô và gia đình trên đường dài tu học.
Xin cô và gia đình cầu nguyện giúp chúng
tôi chân cứng đá mềm, trên dặm dài hoằng pháp luôn xứng đáng với lòng tin cậy của
đồng đạo dành cho Chương Trình Ấn Tống.
*
* Hiền hữu Thiên Ân (San Martin , California ,
trích e-mail của thienan@..., ngày
02-10-2013):
Đọc Thánh Đức Chơn
Truyền Trung Đạo, bài Dại Khôn
của Đức Di Lạc Thiên Tôn, tiểu đệ thấy Ngài dạy như sau: “Nhiều khi cũng muốn nắm quyền chủ tể sửa cuộc thiên nhiên, nhưng tạm
giả cũng ra trò vô dụng. Niên, ngoạt, nhựt,
thời, giai tải định; tán lai do mạng,
bất do nhơn. Thì ra một bữa cơm đỡ
dạ, Hàn Tín còn chịu ơn Phiếu Mẫu kia mà.” Xin vui lòng giải thích câu chữ
Nho và tích Hàn Tín chịu ơn Phiếu Mẫu.
Huệ Khải:
Hiền hữu quý mến,
1. Câu chữ Nho ấy như sau: Niên, ngoạt [nguyệt], nhựt [nhật], thời, giai tải định; tán
lai do mạng [mệnh], bất do nhơn [nhân]. 年月日時皆載 定; 散來由命不由人.
Tải (cũng đọc tái) nghĩa là trước (trạng từ, adverb).
Sách Mạnh Tử 孟子, thiên Đằng Văn Công Hạ
滕文公下, có câu: Thang thủy chinh, tự Cát tái. 湯始征,自葛載. (Vua Thang khởi sự chinh phạt
thì bắt đầu từ nước Cát trước).
Tán nghĩa là ly tán, tan ra, ly tan.
Thơ Lý Bạch (701- 762) có câu: Bạch vân
hoàn tự tán. 白雲還自散. (Mây trắng tụ rồi tan.) Lai
là tới. Tán lai là ly tán và hội
ngộ, đoàn tụ.
Vậy câu chữ Nho nghĩa là:
Năm, tháng, ngày, giờ đều đã được định trước; ly tán hay hội tụ là do số mệnh
chứ không do con người.
2. Hàn
Tín 韓信 (229-196
trước Công Nguyên) là người đất Hoài Âm, nước Sở, đời Tây Hán. Thuở nghèo đói,
câu cá ở sông Hoài, ông thường được bà lão giặt lụa thương tình đem cơm cho ăn.
Vì không biết tên bà nên gọi là phiếu mẫu 縹母. (Phiếu
là một loại lụa; mẫu là cách gọi tôn
kính phụ nữ cao tuổi.) Hàn Tín về sau làm tướng soái cho Hán Lưu Bang, đánh bại
Hạng Võ nước Sở. Lưu Bang làm vua, phong Hàn Tín làm Sở Vương. Về quê, Hàn Tín cho
tìm bà giặt lụa, thưởng ngàn lượng vàng đền ơn xưa.
Nguyễn Du (Kiều, câu 2347-2348) viết: Nghìn vàng gọi chút lễ thường, / Mà lòng phiếu
mẫu mấy vàng cho cân? (Ngàn lượng vàng tạ ơn chỉ là món lễ xoàng, đâu có thể
sánh bằng tấm lòng bà giặt lụa cưu mang khi mình nghèo khổ.) Theo tôi, không cần
viết hoa phiếu mẫu.
*
* Hiền huynh Nguyễn Quang Tín, Họ
Đạo Trung Dương, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. (Trích e-mail ngày 01-11-2013):
1. Trong thánh giáo Đức Thượng Đế có dạy: Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ / Một ra đi một trở lại Thầy. Trở lại
hội hiệp cùng Thầy, đó là điều “hiển nhiên” trong kỳ đại ân xá lần ba; còn ra
đi, thì đi đâu?
2. Đối với những người đã khuất chúng ta thường hay gọi: vong linh, hương linh, giác linh. Nên gọi
thế nào cho đúng?
Huệ Khải:
1. Hiền
huynh bảo “Trở lại hội hiệp cùng Thầy, đó là điều ‘hiển nhiên’ trong kỳ đại ân xá
lần ba”. Vâng, huynh hiểu đúng rồi. Nhưng chúng ta cần xác định với nhau rằng
con đường trở về đó không hề là đương
nhiên; nghĩa là muốn trở về được với Thầy phải có điều kiện, phải đủ công hạnh
tu trì hành đạo độ đời nơi thế gian trong kiếp sống này.
Về ý nghĩa của “một ra đi” trong hai câu thánh thi Đức Chí Tôn dạy tại Cơ Quan Phổ
Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày 22-01-1974, chúng ta hiểu như sau:
Môn sanh Cao Đài là nguyên nhân có nguồn
gốc thiêng liêng trên cõi trời (từng là Tiên, là Thánh…). Khi Đức Chí Tôn lập đại
nguyện xuống phàm lập đạo Cao Đài thì rất đông các Đấng cũng đã lâm phàm, mượn
xác thân trần tục để giúp Thầy mở Đạo, hoằng Đạo… Đó là sứ mạng từ cõi trời ra
đi vào cõi trần. Khi xong sứ mạng này, chúng ta sẽ trở về Thầy. Các vị Tiền
Bối Khai Đạo là những gương sáng cho chúng ta noi theo trên hai ngõ ra đi
và trở về.
2. Chúng ta gọi hồn người chết là vong linh 亡靈, hay
vong hồn 亡魂, hoặc gọi tắt là vong. Vong nghĩa là chết.
Đối với phái nữ qua đời, chúng ta gọi là hương linh 香靈 hay hương
hồn 香魂. Hương nghĩa là thơm tho.
Đối với phái nam qua đời, đặc biệt là các
vị anh hùng, hào kiệt, chúng ta gọi là anh
linh 英靈 hay anh hồn 英魂.
Đối với người tu hành (nam và nữ) đã hiểu
biết đạo lý, khi họ qua đời chúng ta gọi là giác
linh 覺靈. Giác là hiểu biết, tỉnh thức… (giác ngộ).
*
* Hiền muội LÊ HÀ THỊ THỦY,
thánh thất Trung Hòa, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, xã đạo Buôn Hồ, Dăk Lăk.
(Tin nhắn 03-11-2013):
“Thưa chú, khi lấy dấu tam quy, người đạo
đọc: Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô
Tăng. Có người hỏi con rằng Pháp là Đạo; Đạo (hay Pháp) có trước Phật, vậy
sao không đọc nam mô Pháp rồi mới đọc
nam mô Phật? Con không trả lời được. Xin
chú giải thích giúp con.”
Huệ Khải:
Phật tử hàng ngày có nghi thức quy y Tam Bảo (gọi tắt tam quy, tam quy y 三歸依),
và niệm: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y
Tăng. Người đạo Cao Đài niệm: Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng. Nam mô
(namah, theo tiếng Phạn) tức là quy y
歸依, theo chữ Nho.
Từ Đức Phật trong Nhị Kỳ Phổ Độ tới Đức Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ đều
thống nhất một thứ tự là Phật, Pháp, Tăng.
Tại sao niệm Phật trước tiên? Phật là Đấng giác ngộ, đắc đạo. Nhờ được
Phật chỉ dạy mà chúng sanh mới biết rằng đời này có Đạo, có Pháp để nương theo
đó tu hành. Nếu không có Phật ra đời, nếu không có Phật chỉ dạy, thì dù Đạo hay
Pháp sẵn có trong đời nhưng chúng sanh nào hiểu biết chi đâu (vô minh)! Vì vậy,
niệm Phật trước cũng là nhớ ơn Phật dẫn dắt chúng sanh noi theo Pháp, theo Đạo.
Nhưng, thay vì thắc mắc về thứ tự trước sau, chúng ta nên hiểu thấu nghĩa
lý của tam quy để áp dụng vào đời tu.
Quy là trở về. Y là nương theo, dựa theo. Chúng ta xin
trở về nương theo Phật, theo Pháp, theo Tăng. Phật vô hình, ai thấy được? Pháp
trừu tượng, ai sờ được? Vậy thì biết chỗ nào cụ thể để nương theo mà trở về?
Chỉ còn có Tăng là con người bằng xương bằng thịt thì thấy được, sờ được. Vậy
nương theo Tăng (người chơn tu) để tới Pháp, rồi nhờ nương theo Pháp chí thành tu
hành mà tới được Phật.
Phật ở đây nên hiểu rộng ra là Đấng giác ngộ, tức là Thầy, Mẹ
chúng ta, các Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ. Pháp là giáo lý, những lời
Ơn Trên dạy trong kinh, trong thánh ngôn… Tăng là người chơn tu, từ tín đồ cho
tới chức việc, chức sắc (nam và nữ).
Ngày xưa Đức Lão Tử viết Đạo
Đức Kinh năm ngàn chữ chia làm hai quyển: quyển thượng mở đầu với chữ Đạo,
quyển hạ mở đầu với chữ Đức. Đạo vô hình đâu ai thấy. Nhưng Thánh Nhân có Đức,
cảm hóa chúng sanh. Qua Đức của Thánh Nhân người ta thấy được Đạo. Đạo là Pháp,
là Phật. Thánh Nhân là Tăng.
Các Thánh tông đồ của Chúa cũng là Tăng. Giảng đạo trên núi, Chúa dạy các
ngài: “Chính anh em là ánh sáng cho trần
gian.” (Matthêu 5:14). Nhưng nếu các tông đồ
không sáng lòa cái đức của mình thì đâu có thể soi đường dẫn lối được cho ai
trở về với Chúa, về với Đạo!
Vậy, nếu chúng ta tu hành giả dối, người đời nhìn chúng ta mà
phát sợ, khinh rẻ, thì làm sao họ có thể kính ngưỡng, muốn tìm tới Đạo của ta! Khi
đã xa lánh Đạo của ta rồi thì người đời đâu thể nào nương theo Pháp (hay giáo
lý Cao Đài) mà tu hành để đạt tới quả vị Thần Thánh, Tiên Phật!
Cho nên mỗi khi niệm Nam
mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng thì môn sanh Cao Đài đều phải nhớ gắng
sức khép mình vào giới luật cho xứng đáng là những vị Tăng đạo đức (người chơn
tu); như thế mới mong đủ sức cảm hóa chúng sanh, mới có thể giúp họ trở về với
Pháp (giáo lý Cao Đài), trở về với Phật (Đức Cao Đài).
Đức Chí Tôn dạy: “Còn
bậc chơn tu tỷ như một hột giống tốt. Hễ gieo xuống thì cây lên. Cây lên thì
trổ bông. Trổ bông rồi sanh trái, mà biến biến sanh sanh càng tăng số.” (Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 22-7-1929)
Đó chính là vai trò của Tăng (bậc chơn tu): Một bậc chơn tu
có thể trợ duyên, dẫn dắt thêm rất nhiều người khác vào đường tu, vào đạo.
Ngược lại, mình tu giả dối thì còn mong độ được ai “quy y Tăng”?! Hột giống đã chết
khô thì làm sao có thể nẩy mầm, làm sao sanh sôi thêm nữa!
*
* Hiền hữu ĐẶNG, San Martin , California ,
Hoa Kỳ.
“Giải
Mã Truyện Tây Du, bản in lần thứ tám (Nxb Tôn Giáo 2011) còn sót bốn lỗi
nhỏ như sau (…). Riêng trang 153 dòng 17-18, đã in “800 dặm (khoảng 480 cây số)”. Nếu là dặm Anh (1 mile = 1,6km) thì đổi qua cây số không đúng. Vậy đấy là dặm gì? ”
(Trích e-mail 10-11-2013)
Huệ Khải:
Tôi chân thành cảm ơn hiền hữu đọc sách thật kỹ, nên có thể giúp tôi sửa
các lỗi in sai mà tôi còn bỏ sót. Theo thư hiền hữu, tôi đính chính như sau:
Trang
|
Dòng
|
Đã in sai
|
Sửa lại
|
73
|
1
|
để nói dõi
|
để nối dõi
|
88
|
10
|
ngọt ngào thì chê
|
ngọt ngào thì mê
|
103
|
12
|
bến bến Lăng Vân
|
bến Lăng Vân
|
156
|
16
|
Bọn cưóp
|
Bọn cướp
|
Về con số 800 dặm, tôi đã gõ phím sai
thành 480 cây số! Đây là dặm xưa của người Trung Quốc, gọi là lý 里. Thí dụ: vạn lý (muôn dặm),
thiên lý (ngàn dặm). Một lý tương
đương 0,576km. Vậy 800 dặm tương đương 460
cây số. Sau này tái bản tôi sẽ sửa chữa năm lỗi do hiền hữu vừa tìm ra. Một lần
nữa, cảm ơn hiền hữu nhiều lắm.
*
* Hiền tỷ Hồng Liên, huyện
Phù Mỹ, tỉnh Bình Định: “Mở đầu Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn dạy: Ðêm nay, 24 décembre, phải vui mầng vì là
ngày của Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây [Europe ].
Tại sao lại gọi Europe (châu Âu) là Thái Tây?”
(trích thư 16-11-2013)
Lê Anh Minh:
Trong Lược
Sử Triết Học Trung Quốc, triết gia Phùng Hữu Lan 馮友蘭 giải
thích:
“Chỉ cần nói rằng đến cuối đời Minh (tức
nửa sau thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17) nhiều học giả Trung Quốc rất ấn tượng trước
môn toán học và thiên văn do các học giả kiêm giáo sĩ dòng Tên đem vào Trung Quốc
bấy giờ. Trong khi người châu Âu gọi Trung Quốc và các nước lân cận là Viễn
Đông 遠東 (Far East), thì hồi mới tiếp xúc phương
Tây người Trung Quốc gọi châu Âu là Thái Tây 泰西 (Far West). Ở các thế kỷ trước, người Trung Quốc đã gọi Ấn Độ là Tây
Thiên, nên họ chỉ có thể gọi các nước phía Tây của Ấn Độ là Thái Tây. Từ Thái
Tây hiện nay không dùng, nhưng nó rất thông dụng ở cuối thế kỷ 19.”
Tham khảo: Fung
Yu-Lan, A Short History of Chinese
Philosophy. New York :
The Free Press, 1966, pp. 322-333.
*
* Lễ Sanh Thượng Trang Thanh, Quyền Đầu Họ Đạo thánh thất Tân Nhuận Đông (Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo), huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp: “Ngày 28 tháng 10 năm Quý Tỵ (30-11-2013), thánh thất chúng tôi tổ chức
lễ khánh thành, có nhiều họ đạo gần xa về tham dự. Nhằm có kinh sách phục vụ
các họ đạo bạn trong dịp này, kính xin Ban Ấn Tống vui lòng phân bổ cho chúng
tôi các đầu sách đã xuất bản.” (trích đạo thư 18-11-2013)
Ban Ấn Tống:
Được biết quý thánh thất vừa được cất mới,
khang trang hơn xưa, để làm nơi cho nhơn sanh tìm đến tu học và hành đạo, chúng
tôi rất hoan hỷ chia sẻ niềm vui chung của họ đạo Tân Nhuận Đông.
Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh
dạy:
“Đừng
quan niệm xây dựng thánh thất và kiếm được một người thủ tự để bốn thời quỳ
hương cúng nước là đủ. Thượng Đế Chí Tôn không bảo làm việc quá nghèo nàn ít oi
như vậy. Vì, như đã nói, thánh thất là trường giáo dân, ngoài chỗ thờ phượng
tôn nghiêm đơn giản.
Nếu mỗi
thánh đường dùng mọi trang trí lộng lẫy huy hoàng tôn nghiêm tráng lệ mà chung
quanh vùng đó chưa có nhiều người vào đạo, hiểu đạo, thậm chí đến con em trong
gia đình hướng đạo cũng không được sự dạy dỗ đạo lý, đó là trái với mục đích mở
Đạo của Thượng Đế Chí Tôn.” (Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 30-01-1970)
Hiền huynh Thượng Lễ Sanh quan tâm tạo điều
kiện cho bổn đạo có kinh sách để học hỏi giáo lý, quả thật rất đúng thánh ý Đức
Lý Giáo Tông. Do đó, Ban Ấn Tống sẵn sàng đáp ứng tâm đạo của hiền huynh, chẳng
những phục vụ dịp lễ khánh thành này mà còn thường xuyên và lâu dài về sau, mỗi
khi hiền huynh có yêu cầu cung cấp các loại kinh sách. Xin hiệp tâm cùng hiền
huynh cầu nguyện cuộc lễ khánh thành thánh thất Tân Nhuận Đông sẽ thành tựu mỹ
mãn.
[1] Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo
2011, tr. 65. Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[2] Theo Hiến Chương Hội Thánh Minh Chơn Đạo Hậu
Giang ngày 17-02 Tân Mão (21-3-2011). Ban Ấn Tống xin cảm ơn hiền huynh Lê Quốc
Việt (Hộ Phòng, Bạc Liêu).
[3] Đại
hội đại biểu nhơn sanh nhiệm kỳ IV (2011-2016) họp từ 15 đến 17-02 Tân Mão (19
đến 21-3-2011).
[4] Đức
Nguyên, Cao Đài Từ Điển.
http://www-personal.usyd.edu.au