Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / NGƯỜI TU HỌC TÁNH CỦA NƯỚC / Diệu Nguyên

Image result for WATER

Con người được xem là sinh vật tối linh, chúa tể muôn loài vạn vật nơi cõi thế gian này. Mặc dù vậy, con người vẫn phải nhìn vào thiên nhiên và học tập cách hành xử của thiên nhiên để phát triển nhân cách và điều chỉnh cách hành xử của mình trong cuộc sống sao cho đúng Đạo. Bởi lẽ, thiên nhiên chính là Đạo.
Thật vậy, mọi hiện tượng trong thiên nhiên do Tạo Hóa sắp bày dường như đều ngầm muốn nói với con người một ý tưởng đạo lý nào đó.
Mặt trời sáng soi khắp cõi thế gian không phân biệt kẻ lành người dữ để khuyên nhủ con người hãy san sẻ tình thương cho mọi người không phân biệt.
Những áng mây bàng bạc trên không trung khi hợp khi tan đã nói lên cái lẽ vô thường của cuộc sống.
Những con kiến kiên nhẫn, cần cù tha mồi về tổ.
Những chú ong mật suốt ngày siêng năng tìm hút mật hoa để cho tổ được đong đầy mật ngọt.
Những con chim khôn ngoan biết lựa nhánh chọn cành để xây tổ ấm…
Tất cả đều là những tấm gương và bài học đạo lý cho con người.
Trong những bài học được lấy từ thiên nhiên đem áp dụng cho người tu học và hành đạo, có bài học của nước.
Người xưa thường lấy nước để ví đức tính trang quân tử hay bậc Thánh nhân. Còn ngày nay, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: … hàng hướng đạo tu thân, học đạo, hành đạo, đem đạo vào đời, giác ngộ thế nhân, mang sứ mạng thế Thiên hành hóa, một sứ mạng cao cả, lẽ nào lại thua người quân tử và kém hơn nước hay sao?” [1]
Học tập một số lời dạy về đức tánh của nước chép ở kinh điển xa xưa và thánh giáo các Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ, người tu có thể xác định những đức tính cần phải rèn luyện trên đường tu thân, học đạo, hành đạo và hướng đạo.
1. Nước làm sạch cho mọi loài không phân biệt. Nước còn có đặc tính bù chì đem từ gò cao dư san bằng cho những hố sâu thiếu kém. Học tánh của nước, người tu yêu thương muôn loài vạn vật, mọi người, mọi kẻ không phân biệt và san sẻ cho những người bất hạnh thiếu kém.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Chư đạo hữu ơi! Tình thương của Thượng Đế đối với vạn loại như tình mẫu tử. Mưa nắng phong sương, bốn mùa tám tiết vẫn chan rưới đồng đều cho mỗi loài mỗi vật. Lòng thương ấy cũng còn có thể ví như nước. Dầu cho bất cứ vật gì ô trược đến đâu chăng nữa, nước vẫn cứ làm sạch vơi lần đi theo thời gian ngày tháng. Nước còn có đặc tính bù chì đem từ gò nổng cao dư san bằng cho những hố sâu thiếu kém.
Thời tiết mưa nắng phong sương không phân biệt và chọn lựa loài nào để chan rưới. Nước vẫn làm sạch không phân biệt loài nào để xóa tẩy và san bằng. Đó cũng là lẽ đương nhiên nằm trong mối tình bao la của Thượng Đế.
Người tu trước nhứt cần tập cho được đức tính ấy. Thương người thương vật đã đành rồi, nhưng phải thương cho được những người mà thế gian cho rằng không đáng thương.
(…) Trong một đàn con chung cha mẹ, một gia đình, nếu có một người mang tật, dầu ở nhục thể hoặc ở tinh thần, cũng là chỗ trũng để dồn mọi sự bất hạnh của đàn con vào đứa ấy gánh vác vì tiền khiên nghiệp quả. Lòng mẹ hằng bù chì san sớt tình thương để dồn về đứa ấy nhiều hơn, nhưng khốn thay, đàn con lành mạnh kia nào đâu biết được sự ấy để xót thương nâng đỡ đứa anh em tật nguyền.
Trong xã hội nào cũng vậy, người được may mắn từ sản nghiệp thể chất đến tinh thần hãy mở rộng lòng thương đối với người thiếu kém hơn. Đó là thể hiện được lòng Từ Mẫu, mà lòng Từ Mẫu tức là lòng Trời. Đó là thuận Thiên vậy.” [2]
Lời Đức Vạn Hạnh giảng dạy trên đây có thể được minh chứng qua cách hành xử của Bàn Khuê Vĩnh Trác (1622-1693), một vị thiền sư người Nhật danh tiếng. Thiền sư được xem là người có công đưa thiền học đến với quảng đại quần chúng. Vì thế rất đông người thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội dễ dàng có cơ hội tìm đến tu viện của sư để tập làm quen với thiền. Nhưng cửa thiền càng rộng mở càng khó tránh khỏi phần tử xấu trà trộn.
Chuyện kể rằng trong một khóa tu tập nọ, các thiền sinh không thể nào giữ lòng thanh tịnh để tập trung tu hành vì thường xuyên bị mất cắp. Các nạn nhân kín đáo hội ý với nhau bố trí người luân phiên theo dõi. Họ dễ dàng bắt quả tang kẻ trộm, là một thiền sinh giả hiệu!
Vụ việc lập tức được trình lên thiền sư Bàn Khuê. Họ xin thầy phải trục xuất kẻ gian, giữ cho cửa thiền trong sạch. Sư chỉ làm thinh.
Kẻ trộm nghỉ “xả hơi” được vài hôm thì ngứa ngáy tay chân, bèn tái phạm. Y lập tức bị tóm cổ, và bị lôi xềnh xệch đến trước mặt thiền sư. Nhưng chẳng khác chi lần trước, sư chỉ làm thinh.
Lần thứ ba tóm được kẻ trộm, vì quá bất mãn trước việc “dung túng” của thầy, các thiền sinh quyết liệt yêu cầu thầy chọn lựa: Nếu kẻ trộm vẫn tiếp tục được dung túng, tất cả môn sinh sẽ đồng lòng cuốn gói ra khỏi chùa!
Bấy giờ sư Bàn Khuê mới ôn tồn bảo:
- Các anh là những người khôn ngoan, có lý trí và hiểu biết. Các anh đã đủ khả năng phân biện đúng sai, phải quấy. Do đó, các anh có thể tìm chỗ nào khác tu học cũng được, chẳng sao cả. Nhưng kẻ đáng thương này chưa hề biết phân biệt đúng sai, thiện ác, nếu thầy không yêu thương giáo hóa anh ta thành người lương thiện thì ai sẽ dạy anh ta đây?! Thôi, các anh muốn đi đâu tùy ý, cứ để người này lại cho thầy dạy dỗ.
Sư vừa dứt lời, kẻ cắp liền quỳ sụp xuống chân thầy, khóc nức nở.[3]
2. Nước luôn ở chỗ trũng thấp, luôn làm ơn ích cho muôn loài vạn vật mà không tranh giành. Người tu cũng thế, sống ích nhơn lợi vật, luôn quên mình vì người mà không khoe khoang, tự cao tự đại, luôn khiêm tốn ẩn mình.
Cát Trường Canh toát lược chương 8 của Đạo Đức Kinh như sau“Nước bỏ chỗ cao mà chảy xuống chỗ thấp - ngày đêm nước làm việc chẳng ngừng. Trên trời nước làm mưa làm sương. Dưới đất nước sinh sông sinh lạch. Đâu đâu nước cũng thấm nhuần, tắm gội. Nước làm ích cho mọi loài. Nước luôn tuân phục, không kháng cự. Đắp đê ngăn thời nước ngừng, mở cửa cống cho thoát thời nước chảy. Nước cũng đổi hình thù vuông tròn tùy theo bình chứa. Con người thường có khuynh hướng khác hẳn. Con người luôn ưa lợi lộc, luôn luôn vị kỷ. Vì thế con người phải bắt chước làm nước.” [4]
3. Nước ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Người tu phải biết tùy doi nương vịnh, hoạt động uyển chuyển theo thời, tùy duyên hay tùy hoàn cảnh mà hành đạo để mang lại lợi ích cho nhơn quần xã hội nhưng không bao giờ đánh mất phẩm chất của người tu.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Nước khi đựng trong chai thì gọi rằng nước chai, đến khi đem đựng vào lu thì được gọi rằng nước lu. Khi nước được hòa đồng trong huyết quản thì gọi rằng máu, đến khi sầu thảm giọt lệ chảy dài gọi là nước mắt. Khi đem vào lò nấu rượu, gọi là rượu. Khi khác đem nấu canh, nấu chè, thì gọi là nước canh, nước chè. Khi từ mặt ao hồ sông rạch bốc hơi lên, tập trung thành mây, rớt xuống gọi là nước mưa. Nước mưa bao trùm khắp núi non rừng rậm, kết thành khe, chảy xuống gọi rằng nước khe hay nước lạch. Đến khi thành nguồn chảy xuống sông rạch ao hồ, gọi rằng nước sông, nước ao, nước hồ. Những chỗ không thoát đi được, gọi rằng nước vũng hoặc nước ở dấu chân trâu. Cuối cùng tập trung vào biển cả, thì gọi rằng nước biển.
Trải qua những đoạn đường dài, nước đã mang rất nhiều cái tên ghép, tùy hoàn cảnh, tùy cách sử dụng của thế nhân mà nước phải mang muôn hình vạn trạng cùng danh từ khác nhau, nhưng bản chất của nước thì lúc nào cũng là nước. Đến chỗ cuối cùng của nó [5] vẫn một màu trong khe xanh biếc và một vị mặn đồng nhất đó thôi.
Mặc dầu trải qua đoạn đường dài, công dụng của nước là để giúp ích cho đời, rửa sạch cho đời, trải qua bao đoạn đường đời, mang theo biết bao điều ô uế bẩn thỉu, mang vào lòng đất, rồi mang đến đại dương, nhưng cuối cùng, nước vẫn trong vẫn sạch và vẫn giữ được mùi vị bất diệt của nó. Mặc ai bóp méo nắn tròn, khi vuông khi dài, khi rộng khi hẹp, nước vẫn là nước đại dương, không hình thể.” [6]
Đức Nguyễn Trung Hậu dạy: “Nước ai muốn đem đựng vào trong vật chứa với hình thức nào cũng được. Gặp tròn theo tròn, gặp vuông theo vuông. Dài vắn, cong queo, nước tùy tất cả. Nước luôn luôn rửa sạch cho đời, nhưng phải giữ tánh chất riêng biệt của nước là chặt không đứt, bứt không rời, phơi không khô, chụm không cháy.” [7]
Các lời dạy trên cho thấy người tu phải giống như nước, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn sống hữu ích cho đời; làm sạch cho đời tức là đem đạo lý để lành mạnh hóa xã hội nhiều tội lỗi xấu xa, nhưng vẫn luôn gìn giữ phẩm chất thanh cao của mình, không bị tục hóa.
Đây cũng là điều mà Đức Khổng Tử đã dạy (Luận Ngữ, 13:23): Quân tử hòa nhi bất đồng... Nghĩa là mình hòa với đời nhưng không để đời đồng hóa mình, biến đổi mình... Đây cũng là tinh thần “Hòa quang hỗn tục” theo đạo Lão.[8]
Ngài Huệ Năng xưa kia, sau khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát và trở thành vị Tổ thứ sáu của phái Thiền Tông Trung Hoa, đã bị những kẻ xấu rượt đuổi để giành lấy y bát. Do đó, Lục Tổ phải ẩn lánh trong nhóm thợ săn suốt mười lăm năm. Ngài thường tùy nghi giảng pháp cho nhóm thợ săn nghe. Họ thường sai Ngài giữ lưới, nhưng hễ có con thú nào sa lưới thì Ngài đều gỡ cho chúng chạy thoát. Đến bữa ăn, Ngài gởi một ít rau luộc nhờ trong nồi luộc thịt của nhóm thợ săn. Ai hỏi thì Ngài đáp: “Tôi chỉ ăn rau luộc bên miếng thịt là đủ rồi.” (Theo Pháp Bảo Đàn Kinh.)
Các vị Tiền Bối khai đạo Cao Đài cũng thế. Các Ngài đã trải thân hy sinh hành đạo, chịu đựng gian khổ để phổ hóa Đạo Trời, tế chúng độ dân, vào tù ra khám, thậm chí có những vị thà tử vì Đạo chứ nhất định không chịu khuất phục trước bạo quyền để giữ trọn phẩm chất người tu và bảo trọng danh Thầy, danh Đạo.
4. Nước rộng lớn bao la, dung chứa tất cả. Người tu noi theo đó phải có tâm quảng đại, bao dung, tha thứ, không chấp nhứt giận hờn; tiếp nhận tất cả mọi điều xấu xa, bất công, oan trái để chuyển hóa thành những gì tốt đẹp cho cuộc đời.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Trách nhiệm của người hướng đạo hiện thời rất nặng nề, rất cam go, (…) phải khoan dung tha thứ, phải trầm tĩnh bình tâm như dòng nước mãi mãi luân lưu trong chỗ luân lưu, vượt qua những thác những gành, những khe những rạch quanh co uốn khúc ngoằn ngoèo từ thấp đến cao, chỗ lồi chỗ lõm, luôn luôn phải giữ tánh chất của nước. Nước luôn luôn đem lại mát mẻ cho người đời, sạch sẽ cho muôn dân, không hờn trách những người ngăn đắp, không phiền giận những người câu thúc vào cái món đựng nó dài, dẹp, tròn, vuông…[9]
Đức Phật Thích Ca xưa kia dạy con mình là sa di La Hầu La như sau (Trung Bộ Kinh II):
“Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của nước. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho đẹp đẽ hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn và hôi hám thì cũng không phải vì thế mà nước bị vướng mắc, tự hào hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục. Tại sao? Tại vì nước là thủy đại,[10] có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm con rộng lớn, bao la, vô lượng như nước, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.”
Chuyện nàng Thị Kính bị Thị Mầu vu oan ai cũng biết. Bên Nhật có chuyện tương tự.
Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) bị cô gái trong làng vu cho là tác giả cái bào thai trong bụng cô. Sư điềm nhiên nói: “Thế à!” Đứa bé chào đời, cha mẹ cô bồng tới chùa giao cho sư. Sư điềm nhiên nói: “Thế à!” Rồi sư thản nhiên nuôi trẻ, bất chấp mọi đàm tiếu kinh bỉ của dân làng. Một năm sau, cô gái thú thật cha đứa bé là anh bán cá ngoài chợ. Cha mẹ cô tới chùa tạ tội và xin nhận cháu mang về. Sư trả đứa trẻ, điềm nhiên nói: “Thế à!”
Nàng Thị Kính thuở xa xưa hay thiền sư Bạch Ẩn ngày trước cùng chịu một nỗi oan khuất giống nhau; cả hai đều chấp nhận nỗi oan khuất ấy và đem lòng từ bi mà dưỡng nuôi, bảo bọc chở che cho hai sanh linh vô tội bé nhỏ.
Ngày nay, Đức Mẹ dạy người tu phải có đức lớn bao trùm chứa chở quảng đại bao dung như lời Đức Chí Tôn đã dạy khi xưa:
Cái khổ của người mình ước vọng,
Cái chê của chúng lại nài cầu.[11]
5. Nước yếu mà mạnh. Người tu uyển chuyển mềm dẻo trong cách đối nhân xử thế nhưng lại đạt được thành công trong việc tế chúng độ đời.
Đức Lão Tử dạy trong Đạo Đức Kinh, chương 78 – Nhiệm Tín (Điều nên tin):
“Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.” [12]
Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ bình giảng chương này như sau:
“Điều nên tin là điều gì? Là bạo lực không bao giờ gây ảnh hưởng lâu dài, bền bỉ, mà trái lại chỉ có sự khéo léo mềm mại mới chinh phục được lòng người.
Thiên nhiên đã chứng minh điều đó. Nước là cái gì mềm yếu nhất, uyển chuyển nhất mà thực ra đã xoi mòn được núi non, đã làm tan rã được sắt đá. Lão Tử ưa thích sánh Thánh Nhân với làn nước và nhân đó cho rằng khiêm cung, từ tốn nhưng kiên nhẫn, bền bỉ sẽ đem tới một thành công vững vàng.
Lão Tử cũng đã nhiều lần đề cao sự mềm mại, uyển chuyển và cho rằng đây mới là bí quyết để thủ thắng.
Khảo lịch sử ta đã thấy Tần Thủy Hoàng, Hạng Võ, Hốt Tất Liệt không phải là những người làm chủ thiên hạ muôn đời; mà những người làm chủ thiên hạ muôn đời là những Thích Ca, Giêsu, Lão Tử, Khổng Tử. Tất cả những vị Giáo Chủ này đều chủ trương từ bi, hỷ xả, “thành nhân chi mỹ”. Thật đúng là nhu thắng cương, nhược thắng cường!”
Thuở mới khai đạo Cao Đài, khi các vị Tiền Khai đi khắp nơi để phổ độ nhơn sanh, Đức Chí Tôn dặn dò:
“Các con hiền mà dữ, các con yếu mà mạnh, các con nhỏ nhoi mà quyền thế, các con nhịn nhục mà các con hành phạt. Cử chỉ các con khá tập sao cho nghịch với cử chỉ thế tình thì là gần ngôi Tiên Phật đó.” [13]
6. Nước dơ đục chưa thể sử dụng, cần phải gạn lọc, lóng phèn cho trong mới dùng được. Người tu cũng thế, có chánh kỷ mới hóa nhân,[14] bản thân phải trong sạch thánh khiết mới độ được người. Nước ở nơi đất cát mà có, hễ xao động thì đục, yên lặng thì trong. Người tu muốn thanh lọc thân tâm cần phải công phu thiền định cho tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì trí huệ hoát khai, sáng suốt, hành đạo độ đời mới hiệu quả.
Đức Mẹ dạy:
“… đào giếng để lấy nước, đã đến nước nhưng nước còn đục chưa thể uống được mà phải chờ thời gian gạn lọc cho nước được trong. Nước có trong thì mới dùng được, đã dùng được rồi thì không một vật gì mà không nhờ đến nó.
Nước cũng ở nơi đất cát mà có, hễ xao động thì đục, mà yên lặng thì trong. Đục thì nước bị nhơ, yên lặng thì nước được trong trẻo. Người ta dùng nước trong để trở lại rửa những bợn nhơ đục. Cũng như người của các con, nó có cả trong và đục. Người tu hành muốn khử trược lưu thanh là cốt ở công phu tu luyện. Tu luyện là phương pháp gạn lọc sao cho nước đục hóa ra trong. Pháp môn tuy có nhiều, nhưng cũng không ngoài sự thanh tịnh. Thanh tịnh nghĩa là không để một mảy may bụi trần dính vào. Hiện nay, người của các con nghiệp thức hãy còn, oan khiên chưa dứt, con phải gia công rất nhiều nữa mới mong đến ngày thành tựu.” [15]
Trên đây là những đức tính của nước mà người tu cần phải học tập và thực hành, trước là để tự thánh hóa bản thân, sau là góp phần hiệu quả vào công cuộc hoằng giáo độ đời.
Xin mượn bài thánh thi của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư để thay lời kết luận:
Thánh nhân xưa dụng nước làm đề
Luyện tánh tu tâm dốc trọn bề
Nước lặng phân thanh cùng lóng trược
Người khi vọng động tánh u mê.[16]
DIỆU NGUYÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo



[1] Minh Lý Thánh Hội, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971).
[2] Minh Lý Thánh Hội, 09-11 Kỷ Dậu (17-12-1969).
[3] Theo Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 11.
[4] Đạo Đức Kinh, chương 8. Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ khảo luận và bình dịch.
[5] Chỗ cuối cùng của nó: Biển cả, đại dương. [Văn Uyển chú]
[6] Minh Lý Thánh Hội, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971).
[7] Thánh thất Nam Thành, 22-8 Đinh Mùi (25-9-1967).
[8] Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. (Pha trộn ánh sáng, hòa cùng bụi bặm.) Đạo Đức Kinh, chương 4.
[9] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968).
[10] Tứ đại là Thổ đại, Thủy đại, Phong đại, Hỏa đại (đất, nước, gió, lửa). Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, còn có thêm Không đại, Kiến đại, Thức đại nên gọi là thất đại. [Văn Uyển chú]
[11] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 14-8 Nhâm Tuất.
[12] Đạo Đức Kinh, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ khảo luận và bình dịch.
[13] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, đàn ngày 29-9-1926 (23-8 Bính Dần).
[14] Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Giêsu dạy chánh kỷ hóa nhân như sau (Matthêu 7:3-5): “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
[15] Thánh Truyền Trung Hưng: Tịnh Đường, 23-10 Quý Mẹo (08-12-1963).
[16] Minh Lý Thánh Hội, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971).
* Bài nói chuyện sáng Chủ Nhật 01-12-2013 tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: