Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / CẢM NHẬN TỪ SÁCH / Cát Tường

Image result for BOOKS
Những mẩu truyện ngắn mở đầu bằng câu thật ngắn “Đây là chuyện tôi nghe” lại vô cùng ấn tượng và ý nghĩa với tôi. Tôi nhớ lại lời một thiền sư nước ngoài (đã đọc bốn mươi năm trước, nay không nhớ tên ngài):
Những gì đi ngược lại
Một tâm hồn bình thường
Thì chỉ làm trở ngại
Chánh pháp của con người
Thì chỉ làm trở ngại
Pháp của Phật mà thôi.[1]
Phải vậy chăng mà thiền sư Suzuki Roshi trong Chuyện Thiền Bên Mỹ [2] đã xử sự như câu chuyện thứ nhất?
Một nữ đệ tử đến gặp riêng sư để bộc lộ nỗi lòng. Nàng thú nhận không sao dằn được lòng yêu thương thầy mình say đắm, thành thử tâm nàng chẳng lúc nào an bình, thanh thản.
Câu trả lời của thiền sư trong hoàn cảnh này cho ta thấy sự tự do của một bậc cao tăng được thể hiện đến tột cùng. Người đã tôn trọng sự tự do bằng cách bảo nữ đệ tử: “Không hề gì. Con cứ để lòng con TỰ DO yêu thương thầy con. Cũng tốt thôi. Thầy có đủ GIỚI LUẬT NGHIÊM MINH để gìn giữ cho thầy và cả cho con nữa.”
Câu trả lời này còn thể hiện trọn vẹn lòng bác ái, đức từ bi của bậc đạo cao đức cả. Một lời nói, một sự cứu rỗi. Ngài không hề chạm đến nỗi đau của trái tim mà lại đem đến sự bình an, thanh thản trong tâm hồn người nữ. Ngài tin rằng tình cảm của nữ thí chủ ấy rồi dần dần sẽ được hóa giải. Bằng đức độ, lòng từ bi yêu thương, Ngài sẽ dẫn dắt thêm một đệ tử về gần Đức Phật một cách dễ dàng hơn. Thiền sư tỏ rõ là bậc thượng thừa khi nói: “Thầy có đủ giới luật nghiêm minh để gìn giữ cho thầy và cả cho con nữa.”
Chuyện thứ hai: Một đệ tử người Mỹ hỏi sư vì sao người Nhật lại làm những tách cốc uống trà mỏng manh, dễ vỡ như thế. Sư đáp ngay: “Không phải chúng mỏng manh dễ vỡ, mà bởi con không biết cách cầm đó thôi. Con phải điều chỉnh bản thân con với ngoại cảnh chứ không phải ngược lại.”
Tất cả mọi sự đều bắt nguồn từ chính ý thức, sự hiểu biết của bản thân. Và hành động đúng, sai cũng từ ta mà ra. Một lời nói của thiền sư – một bài học lớn.
Chuyện cuối cùng thể hiện rất rõ đức công bình: Mọi người đều như nhau. Và còn hơn thế nữa: “… làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Matthêu 20:26-27)
Đọc một truyện ngắn thôi nhưng cũng khiến tôi suy gẫm, trầm tư! Đó là chuyện thiền bên Mỹ. Còn Việt Nam mình thì sao nhỉ?
CÁT TƯỜNG
BAN ẤN TỐNG: Chúng tôi vui mừng nhận được bài viết ngắn trên đây của một nữ đạo hữu miền Trung (thánh thất Trung Thành, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Đà Nẵng).
Năm năm qua, hết quyển này ấn tống lại đến quyển khác ra đời... Mỗi lần nhìn ngăn tủ chứa các bản sách lưu trữ càng lúc càng đầy thêm, chúng tôi vui thì đã đành, nhưng trong niềm vui ấy lại bị “gặm nhấm” vì một băn khoăn, gần như là nỗi cô đơn! Thưa vâng, cô đơn của người làm sách gởi đi bốn phương. Ai đọc? Đọc thế nào? Hờ hững bỏ qua? Hay say sưa gắn bó?
Chính trong những lúc cô đơn ấy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng mà nhớ tới Mũi Tên Và Bài Ca (The Arrow and the Song) của Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882), nhà thơ Mỹ, mà Xuân Nghĩa dịch như sau:
Tôi bắn lên trời một mũi tên
Tên rơi xuống đất biết đâu tìm
Đường tên vun vút lao trong gió
Mắt dẫu tinh nhanh khó kịp nhìn.
Tôi gửi lên trời một khúc ca
Lời bay theo gió vút đi xa
Ánh mắt kia dù nhanh đến mấy
Làm sao dõi kịp sóng âm ba.
Lâu mãi sau trên một cây sồi
Mũi tên nguyên vẹn thấy đây rồi
Còn bài ca cũ ngày xưa ấy
Nằm trọn trong tâm khảm một người.[3]
“Mũi tên và bài ca” mà Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo đã liên tục “bắn lên trời, gửi lên trời” năm năm nay cũng thế thôi, chúng tôi vẫn hằng mong có thể tìm thấy “trên những cây sồi” và “trong tâm khảm” của những bạn đọc nhà Đạo bốn phương.
Chúng tôi vui sướng khi nhận được bài viết ngắn của hiền tỷ Cát Tường là vì thế.
Văn Uyển xin được làm “sân chơi” của anh chị em nhà Đạo chúng ta. Mỗi cảm nhận của quý đạo hữu phản hồi về Ban Ấn Tống sẽ được chọn lọc để đăng dần từng quý.
Từng quý Ban Ấn Tống đã “giao cảm” với bạn đọc đạo tâm bốn phương, vậy cớ sao bốn phương bạn đọc không “cảm giao” ngược lại với Ban Ấn Tống?
Cho nên CẢM NHẬN TỪ SÁCH xin trân trọng mở ra, gọi mời những phản hồi từ cộng đồng đạo hữu Cao Đài.
Longfellow tìm lại được bài ca cũ ngày xưa ở trong tâm khảm một người; trái lại, chúng tôi tin Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo sẽ không chỉ tìm thấy một người.
Xin cảm ơn hiền tỷ Cát Tường.
Xin cảm ơn quý đạo hữu hưởng ứng “cuộc chơi” này.
12-5-2013


[1] Đây là một bài đạo ca (doka 道歌) của Nhất Hưu Tông Thuần (Ikkyu 一休宗純, 1394-1481), một thiền sư Nhật rất nổi tiếng. [Văn Uyển chú]
[2] Xem: Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 26-27. Quyển 54-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[3] I shot an arrow into the air, / It fell to earth, I knew not where; / For, so swiftly it flew, the sight / Could not follow it in its flight.
I breathed a song into the air, / It fell to earth, I knew not where; / For who has sight so keen and strong, / That it can follow the flight of song?
Long, long afterward, in an oak / I found the arrow, still unbroke; / And the song, from beginning to end, / I found again in the heart of a friend.