Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

ĐĐVU 05 / THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA / Lm Tâm Giao


Có khá nhiều hình tượng xuất hiện mỗi khi mùa lễ Giáng Sinh trở về: Từ những cánh thiệp, máng cỏ, cây thông, các đèn ngôi sao, đến ông già Noël, ba nhà đạo sĩ…
Câu chuyện Thiên Chúa giáng sinh đã là nguồn cảm hứng và đề tài cho nhiều tác phẩm, thi nhạc, điêu khắc, kịch bản sân khấu hay phim ảnh.
Bầu khí lễ Giáng Sinh mang lại niềm vui cho nhiều người, từ sinh viên, học sinh cho đến anh chị em công nhân, từ người sống nơi đô thị lẫn người ở thôn quê, từ trẻ em cho đến người lớn, v.v… Niềm vui ấy còn mang sắc thái tâm linh với những tâm tình thánh thiêng, sâu lắng nơi những người tín hữu bốn phương.
Ngày nay, màu sắc dân gian và lễ hội của việc kỷ niệm Thiên Chúa giáng sinh làm người đã mang chiều kích hoàn vũ, dù cho ý nghĩa mà thiên hạ gán cho lễ này có khác nhau, tùy theo niềm tin và tôn giáo của mỗi người. Dù thế nào đi nữa, thì ít ai phủ nhận rằng cột mốc tính thời gian theo năm dương lịch hiện tại được quy chiếu về biến cố Thiên Chúa nhập thể và nhập thế này.[1]
Có lẽ người Công Giáo sẽ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi biết hàng năm anh chị em Cao Đài, đặc biệt tại thánh thất Bàu Sen, mừng lễ Đức Gia Tô Giáo Chủ giáng sinh. Và họ càng ngạc nhiên hơn khi biết các đạo hữu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có 36 Bài Thánh Giáo Của Đức Gia Tô Và Các Thánh,[2] trong đó bài thánh giáo cổ nhất được ghi lại vào năm 1926 bằng Pháp ngữ có dạy hai huấn điều mà chúng ta đang thực hành:
 “Các con hãy thương mến nhau”.
“Các con hãy học hỏi nhau”; “Tất cả chơn lý đều ở trong Đạo (đạo Kitô, đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng)”.[3]
Vì thế, lễ Giáng Sinh không chỉ là một đại lễ dành riêng cho những người theo Kitô Giáo mà còn là một lễ lớn đối với anh chị em tín đồ Cao Đài; và đó cũng là lý do vì sao đạo đệ hiện diện nơi đây để chia sẻ về niềm tin vào Thiên Chúa làm người của mình với quý đạo huynh, đạo tỷ có mặt tại thánh thất Bàu Sen nói riêng và với quý đạo hữu độc giả nói chung.
Xin chân thành cảm ơn Ban Cai Quản và quý huynh tỷ thuộc thánh thất Bàu Sen đã dành cho đạo đệ niềm vinh hạnh và trọng trách được trình bày bài thuyết minh giáo lý như một đạo sự trong ngày lễ của niềm vui và tình huynh đệ đại đồng này.
I. LÝ LỊCH NHÂN TRẦN
Nhân vật trung tâm của lễ Giáng Sinh là ai? Xét về mặt lịch sử nhân thế, lễ này đánh dấu sự ra đời của một hài nhi Do Thái mang tên Giêsu, sinh bởi Đức Maria, có nguyên quán ở Bêlem, miền nam Ítxraen (nay thuộc lãnh thổ Palétxtin), do mối liên hệ với dưỡng phụ là Thánh Giuse, người thuộc dòng tộc hoàng gia Đavít. Vì gia đình Giuse – Maria định cư lâu dài ở Nagiarét, nên tên của Đức Giêsu thường được gọi chung với địa danh này: Giêsu Nagiarét.
Hồng danh Giêsu (Kitô) là một mục từ có mặt trong các từ điển phổ thông cho thấy tính cách lịch sử của nhân vật trung tâm của ngày lễ mà chúng ta đang đề cập ở đây.
Đơn cử, Enciclopedia Zanichelli (a cura di Edigeo), viết:
Theo Tân Ước và giáo lý của Giáo Hội thiết lập trên nền móng của Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Đức Chúa Thánh Thần, và là ngôi thứ hai trong ba ngôi Thiên Chúa, có hai bản tính: con người và Thiên Chúa. Các chứng từ lịch sử về cuộc sống của Đức Giêsu, ngoài những chứng cứ riêng biệt trong văn bản tiếng Do Thái (Josephus Flavius, Talmud) hay từ phía ngoại giáo (Tacitus, Suetonius), được ghi trong các sách Phúc Âm (vốn là sách được viết khoảng vài chục năm sau cái chết của Người và trong một bối cảnh và ngôn ngữ khác với bối cảnh và ngôn ngữ nơi Người sinh sống) là tài liệu lịch sử đáng tin cậy. Đức Giêsu sinh ra khoảng giữa năm 9 và năm 5 trước Công Nguyên (niên lịch sinh nhật của Người bị tính toán lầm lẫn do Dionigio Nhỏ) tại Bêlem xứ Giuđê, bởi ông Giuse và bà Maria, là người được sứ thần Gabrien truyền tin sẽ thụ thai bởi quyền năng Đức Chúa Thánh Thần. Bị buộc phải rời đi đến xứ Ai Cập để trốn thoát cuộc bách hại của vua Hêrôđê, và khi vua này chết (năm 4 trước Công Nguyên), gia đình trở về định cư tại Nagiarét. Thông tin về cuộc đời thơ ấu và tuổi trẻ của Người rất ít ỏi, chỉ khi đến khoảng ba mươi tuổi Người mới bắt đầu đi rao giảng công khai; cuộc đời công khai ấy, được Gioan Tẩy Giả loan báo trước, diễn tiến trong một năm (theo các Phúc Âm Nhất Lãm) hoặc trong ba năm (theo Phúc Âm Gioan và truyền thống). Trong suốt thời gian ấy, chính yếu ở vùng Galilê, Đức Giêsu đã rao giảng một giáo lý mới, làm nhiều phép lạ thu hút nhiều người, và lập một nhóm môn đệ trung tín (mười hai tông đồ), nhóm mà Người ủy thác tiếp tục công trình của Người sau khi Người chết. Bị giới tư tế Do Thái và nhất là những người phái Sađuxêu thù ghét, Người bị kết án tử hình chịu đóng đinh trên thập tự vì đã phạm thượng. Theo lời chứng của các tông đồ, sau ba ngày Người đã sống lại và hiện ra với họ trong nhiều bối cảnh khác nhau, loan báo sẽ gửi đến Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần (Hiện Xuống). Sứ điệp của Đức Kitô, nền tảng của Kitô Giáo, xoay quanh Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận, tóm lược trong Kinh “Lạy Cha”, xoay quanh ý tưởng dành ưu tiên cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi, lên án người giàu có và quyền thế, và rao giảng Lòng Thương Xót của Chúa đối với những người tội lỗi.[4]
II. NGUỒN GỐC THẦN LINH
Nếu như tính cách lịch sử của Đức Giêsu tìm được sự đồng thuận của nhiều học giả cũng như sử gia, thì chiều kích thần linh nơi Người được ghi nhận với ít nhiều khác biệt, tùy theo quan điểm và niềm tin tôn giáo.
Các đạo hữu thuộc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tin nhận và tôn kính Đức Giêsu như Đấng sáng lập Kitô Giáo trong Nhị Kỳ Phổ Độ và quen gọi là “Đức Gia Tô Giáo Chủ” trong lời cầu nguyện cũng như nơi các sách giáo lý Cao Đài. Đức Giêsu còn được xem như sự phân thân của Thượng Đế, dựa trên niềm tin thiên địa vạn vật đồng nhất thể.
* Theo cái nhìn của Đức Đạt-lai Lạt-ma, “Đức Giêsu Kitô hoặc là một Đấng Toàn Giác hoặc là một vị Bồ Tát đã thể nghiệm tâm linh cao độ.” [5]
Các Phật tử Thái Lan cũng xem Đức Giêsu như một Bodhisattva (Bồ Tát) vì Người đã hy sinh thân mình trên thập giá nhằm cứu thoát chúng sinh.
* Đối với anh chị em theo đạo Islam, thì Đức Giêsu được gọi là Isā trong kinh Qur’an và được quan niệm như một tôi tớ của Thiên Chúa, một tiên tri được Allah sai đến trần gian.[6]
* Nhà Thơ Rabindranath Tagore (1861-1941) viết:
Chỗ này là thảm hoa để người đặt chân, nhưng người lại đứng đằng kia bên hàng hạ nhân tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.
Cho dẫu muốn cúi đầu chào người, lòng kính cẩn trong tôi cũng không thể chạm tới chỗ chân người đang ngừng nghỉ cùng những người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.
Lòng kiêu ngạo chẳng bao giờ đi tới nơi người trong manh quần tả tơi, tấm áo đơn sơ đang cùng đi với những người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.
Tim tôi chửa một lần tìm thấy đường đi dẫn đến nơi người đang bước cùng những kẻ lạc loài trong đám người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.[7]
* Theo niềm tin Kitô Giáo, việc giáng sinh của Con Thiên Chúa trong lịch sử loài người đã được chuẩn bị lâu dài, được tiên tri Isaia báo trước nhiều thế kỷ “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai”. (Isaia 7:14)
Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Do Thái 1:1-2)
III. MẦU NHIỆM THIÊN NHÂN HỢP NHẤT NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ
Tâm hồn người Việt chúng ta vốn thấm nhuần tính chất tôn giáo: niềm tin vào Ông Trời / Thượng Đế, các vị thần thánh, sự phù hộ của ông bà tổ tiên… Đó cũng là điểm gặp gỡ giữa nhiều niềm tin tôn giáo trên quê hương chúng ta cũng như tại châu Á. Truyền thống Việt tộc lại chất chứa bao nghĩa tình với đạo hiếu, đạo vợ chồng, lòng nhân ái, tôn sư trọng đạo, tình bằng hữu, tinh thần tương trợ. Khởi đi từ lăng kính những giá trị đạo đức này, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Giêsu để khám phá ra những nét đặc thù và độc đáo của Đấng sáng lập Kitô Giáo [8] này.
Nơi Đức Giêsu Kitô hội tụ cả nhơn đạo lẫn thiên đạo, vì Người có thể giúp con người tu dưỡng thân tâm, xây dựng một cộng đồng huynh đệ cho xã hội loài người và đồng thời hướng dẫn con người đến với Cha Trời / Thượng Đế cũng là Cha của Người.[9] Thánh Phêrô đã xác quyết rằng Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa”.[10] Đức Giêsu có thể giúp các đạo hữu chúng ta xây dựng và phát triển tính toàn diện nhân sinhtâm linh tức là cả “thế đạo đại đồng” và “thiên đạo giải thoát”.
Đạo đệ xin mượn ba hình ảnh mang tính tổng hợp và dựa trên cơ sở thần học – Kinh Thánh để trình bày chân lý mà bản thân đã “ngộ” và “nghiệm” ra khi sống với Đức Giêsu Kitô như một môn sinh và một tiểu đệ, đó là: .Người Thầy, Ân Nhân, và ƒ Con Thiên Chúa.

1. Người Thầy tối thượng

Vai trò quan trọng của người thầy được xã hội và gia đình nhìn nhận, đồng thời ghi dấu ấn trong văn hóa dân gian Việt Nam:
Không thầy, đố mầy làm nên!
Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy.
Khác với các bậc thầy nhân loại, thường được các môn sinh “tầm sư học đạo”, còn Đức Giêsu lại là người đi bước trước để tìm môn sinh, sau khi đã tham khảo ý Chúa Cha trong nguyện cầu:
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Gioan 15:16)
Phải chăng đó chính là huyền nhiệm của ơn gọi Kitô hữu và độc đáo tính của đạo Kitô?
Hơn nữa, Thầy Giêsu không những là người chỉ đạo, người hướng đạo, đồng đạo, mà còn chính là ĐẠO, là đường dẫn đưa đến Nước Trời, là Chánh Đạo. Người đã khẳng định với các môn đệ xưa và nay rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Gioan 15:5)
Không chỉ lời nói mà hành động, cử chỉ và cả cuộc đời của Thầy Giêsu là bài học sinh động mà Chúa Cha muốn giáo hóa con người. Ngôn hành của Chúa Giêsu thống nhất, hài hòa và phát sinh hiệu năng, có sức chữa lành, giải thoát, ban sự sống, niềm vui, hạnh phúc cùng ơn cứu độ.
 Thầy s sống
Lời của Chúa Giêsu đầy sức sống, nuôi dưỡng tâm linh và ban sự sống đời đời cho con người. Chúa Giêsu còn được gọi bằng danh hiệu Ngôi Lời (Logos). Vì thế, người Công Giáo được mời gọi thường xuyên lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa, cách đặc biệt trong mỗi ngày Chúa Nhật.
Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, khi được Đức Giêsu hỏi về ý muốn xa lìa Thầy, Phêrô – vị tông đồ cả trong mười hai đệ tử đầu tiên của Đức Giêsu – đã trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 6:68)
Thầy Giêsu đã nêu rõ mục đích việc đến trần gian của mình là để cho con người được sống dồi dào: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Gioan 10:10)
Do đó, tương quan giữa người môn đệ với Thầy Giêsu không chỉ là tương quan trên bình diện tri thức hay giáo huấn luân lý, đạo đức, mà chủ yếu là mối liên hệ sự sống.
Người chiến thắng s chết
Đức Giêsu làm cho người chết hồi sinh. Thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta một trường hợp điển hình về việc hồi sinh người thanh niên con một góa phụ thành Nain:
“Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh hãy trỗi dậy.’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.’ Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.” [11]
- Bản thân Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần.[12]
Vì Thầy Giêsu đã vượt qua sự chết, nên Người cũng có thể đáp ứng khát vọng trường sinh bất tử mà bao người theo truyền thống đạo giáo ước mong, chính Người là Sự Sống lại và là Sự Sống vĩnh cửu.
ƒ Vua vũ tr
- Không có Người, không gì có thể hoàn thành. (Gioan 1:3)
- Nhờ Người mọi sự được dựng nên.[13]
- Vì là Lời sáng tạo, Chúa Giêsu điều khiển được thiên nhiên (Maccô 4:37-40; Matthêu 8:24-27), đi trên mặt nước (Maccô 6:49; Gioan 6:19).
- Mọi tạo vật đều ngóng trông được giải thoát khỏi sự nô lệ của hư nát để chia sẻ tự do của con cái Thiên Chúa.[14]
Sư Ph Thần Linh (Thiên Sư)
- Hãy học cùng Thầy…! (Matthêu 11:29)
- Giáo huấn của Thầy đến từ Chúa Cha. (Gioan 8:27)
- Nhờ các môn đệ tiếp tục tuyển sinh (Matthêu 28:19-20)
- Biết sự thật ẩn giấu trong lòng người (Gioan 1:45-50; 4:15-29)
- Anh em chỉ có một Thầy. (Matthêu 23:8)
Dù thật cao siêu và quyền năng khôn lường, nhưng chính vị Sư Phụ Thần Linh đến từ trời cao này đã tự nguyện hạ mình sát đất để rửa chân cho các đệ tử của mình, trong bữa tiệc ly vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Đó là người Thầy tấm lòng đầy “hiền lành và khiêm nhường”.

2. Ân Nhân ban sự sống

 Ân Ban và Ân Nhân
Đức tin vào Chúa Giêsu là một Ân Ban, vì chính Đức Giêsu Kitô là tặng phẩm cao quý nhất của Thiên Chúa cho con người. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha tặng ban chính mình cho toàn thể nhân loại. Vì là Tình Yêu, Ngài cho hết mình không chút dè giữ, cho tất cả và cho hết mọi người, không hề phân biệt đối xử. Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Matthêu 5:45)
Chúa Giêsu không chỉ là Ân Ban mà cũng chính là Ân Nhân của toàn thể thế nhân, vì Người là Thân Nhân của con người.
Hy tế hoàn vũ
Tuy được cử hành hầu như trong mọi tôn giáo, nhưng hy lễ không có cùng một ý nghĩa như nhau nơi các truyền thống tôn giáo. Một cách tổng quát, các tín hữu dâng hy lễ lên các thần linh nhằm tránh tai họa, cầu mong được ân sủng và sự trợ giúp của các vị này. Trong Kitô Giáo, hy lễ diễn tả một thực tại đặc biệt, thực tại mang tích cách nhân thần, bởi vì Thiên Chúa đã tự hiến tế chính mình để cứu độ và làm cho con người được hạnh phúc.
Thực vậy, đối với Kitô hữu, “hy lễ thánh thiện duy nhất là hy lễ của Đức Giêsu chết trên thập giá để chuộc tội cho loài người”.[15] Chính thánh lễ hiện tại hóa hy lễ cứu độ này trong thế giới hôm nay và trước khi tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, mọi Kitô hữu tuyên xưng lời công bố của Gioan Tiền Hô: “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.”
Hy lễ này không chỉ dành riêng cho Kitô hữu mà thôi, nhưng mang chiều kích hoàn vũ, vì “một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.” [16]
ƒ Người phục vụ đồng cảm
Thiên Chúa đến làm người “không để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.(Matthêu 20:28).
Thực thế, Đức Giêsu Kitô “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…” [17] Hình tượng Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn được chiêm niệm như “người tôi tớ đau khổ” (Isaia 53:7), diễn tả mối đồng cảm và lòng từ bi, thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân mọi thời.
“Máu giao ước mới và vĩnh cửu” đổ ra, không chỉ dành riêng cho một thiểu số các môn đệ, mà cho nhiều người được tha thứ (Matthêu 26:28). Người Việt rất nhạy cảm với liên hệ huyết thống: “Máu chảy ruột mềm.” Cùng chia sẻ máu giao ước của Thầy, tình yêu và sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là chứng từ khả tín về sự liên kết và tùy thuộc vào Thầy Giêsu, là Thiên Chúa và cũng là người phục vụ con người.
Mầu nhiệm tự hạ (kenosis) của Thiên Chúa bày tỏ một chân dung Thượng Đế hoàn toàn khác, ngoài sức tưởng của con người. Đó không phải là một “quan tòa” hay “cảnh sát” siêu phàm, mà là một Thiên Chúa tự hủy mình ra không, “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta” (Kinh Tin Kính). Một Thiên Chúa tự hạ, cúi mình xuống trên nhân loại và đưa con người lên thế giới thần linh, cho con người được dự phần vào hạnh phúc vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa, chẳng phải là một Thiên Chúa tuyệt vời, độc nhất vô nhị đó sao?
Bạn hữu của người nghèo
Dù giàu có vô cùng, Thiên Chúa làm người đã trở nên Bạn của những người nghèo, người cô thế cô thân và những người bị bỏ rơi, để làm cho họ được trở nên giàu có về tình thương, ân sủng và sự sống.
Khởi đầu một bài giảng quan trọng, quen được gọi là “Hiến Chương Nước Trời” trong đó có đề tài “Tám mối phúc thật”, Chúa Giêsu đã nói: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Matthêu 5:3)
Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân, Đức Giêsu căn dặn họ sống thanh bần và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.” (Luca 9:2-4)
Bản thân Đức Giêsu cũng sống thanh bạch, siêu thoát và nghèo khó. Lần kia có người bày tỏ ý muốn theo Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Luca 9:57-58)
Trong giáo huấn của mình, Thầy Giêsu từng đề cao lòng quảng đại của một góa phụ nghèo khi thấy bà dâng hai đồng xu vào đền thánh.
“Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: ‘Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Maccô 12:41-44)
Thái độ ứng xử trân trọng và tình thương của Đức Giêsu dành cho người nghèo đã bày tỏ khuôn mặt tuyệt diệu của một “Thiên Chúa với người nghèo, Thiên Chúa của người nghèo và Thiên Chúa cho người nghèo.” [18]

3. Con Thiên Chúa hằng sống

“Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. (...) Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô Giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.” [19]
 Con yêu dấu của Thiên Chúa
Người sống đạo hiếu – vốn được đề cao nơi Á châu và biểu hiện trong truyền thống thờ kính tổ tiên của Việt Nam – có thể tìm gặp nơi Đức Giêsu Kitô một chứng từ sinh động, cụ thể của một người con đầy lòng hiếu thảo. Hơn ai hết Chúa Giêsu là Hiếu Tử của Cha trên trời, người con chí hiếu, chí ái của Thiên Chúa Cha. Lương thực của Người là thánh ý Chúa Cha (Gioan 4:34).
Đức Giêsu đã sống trọn đạo làm con, để “Danh Cha cả sáng”“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúa Giêsu có một tương quan cá vị với Chúa Cha, mà Người gọi là “Abba”. Quan hệ này mật thiết đến độ Chúa Giêsu khẳng định: “Ai thấy Tôi là thấy Cha.” (Gioan 14:9); “Tôi với Cha là một.” (Gioan 10:30); “Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi.” (Gioan 14:11).
Cha của Đức Giêsu cũng là Cha của các môn đệ: “Cha các con.” (Matthêu 5:16,45,48). Vì thế, nhờ, vớitrong Chúa Giêsu, Kitô hữu thưa: “Lạy Cha chúng con…”
Lòng hiếu thảo của Đức Giêsu được minh định không những bởi cá nhân Người, mà còn được chính Chúa Cha xác nhận một cách long trọng qua hai biến cố: việc chịu thanh tẩy ở sông Giođan bởi Gioan Tiền Hô và hiển linh hay biến hình:[20] “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con.” (Maccô 1:11; Matthêu 3:17; Luca 3:22).
Huynh trưởng của nhân loi
Tại Việt Nam, người trưởng nam đóng một vai trò quan trọng trong tương quan gia đình và xã hội (từ nghi lễ tang, cưới, kính nhớ tổ tiên, mừng tuổi, phụng dưỡng cha mẹ, v.v…). Người Anh Cả đại diện các em trước mặt cha mẹ và thay quyền mẹ cha chăm sóc đàn em, theo nguyên tắc “quyền huynh thế phụ”. Chúa Giêsu là Anh Cả của mọi người và thay mặt đàn em phụng sự Cha, đồng thời nhân danh Cha dưỡng dục nhân loại theo ý Cha.
Theo ý muốn của Chúa Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử giữa mọi loài thọ sinh: Thiên Chúa “đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”.[21]
Chúa Giêsu đã “nên giống anh em mình về mọi phương diện” (Do Thái 2:17), ngoại trừ tội lỗi (Do Thái 4:15). Trong cuộc đời trần thế, ngay từ tấm bé, Người đã kinh nghiệm di dân (Matthêu 2:13-15), lớn lên Người đã lao động tay chân như một người thợ cùng cha nuôi Giuse. Trên hành trình thực thi sứ mạng, Đức Giêsu đã trải nghiệm cơn đói (Maccô 2:23-36; Matthêu 21:18), nỗi khát (Gioan 4:6-7; 19:28), không nơi định cư nhất định (Luca 9:58), chịu cám dỗ (Matthêu 4:1-11; Maccô 1:12-13), v.v…
Như thế, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa sinh làm người bởi trinh nữ Maria (mầu nhiệm nhập thể). Và Ngôi Hai Thiên Chúa đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, Người chia sẻ cuộc sống, niềm vui, hy vọng, đau khổ và cả cái chết của nhân loại chúng ta. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Nhờ đó, Người đã biểu hiện dung nhan con người của Thiên Chúa và đồng thời mạc khải chân dung thần linh của con người.
ƒ Sứ giả hòa giải
Đức Giêsu Kitô đích thực là “Hoàng Tử Thái Bình”, Sứ Giả Hòa Bình của toàn thể vũ trụ, vì không những Người đã giải hòa con người với con người mà còn hòa giải thế gian với Thiên Chúa.[22] Thiên Chúa đã muốn “nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người ... Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người.” [23]
Vì là Con Người – Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã giao hòa con người với Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.[24] Người ban lại sự sống đã bị đánh mất do việc từ chối ý định của Thiên Chúa.
Bình an chính là hoa quả của sự giao hòa được thực hiện nhờ Đức Kitô, Đấng ban bình an của Người cho chúng ta, không phải theo kiểu thế gian (Gioan 14:27). Tin Mừng bình an mà Đức Giêsu Kitô loan báo dành cho hết mọi người, “cho những kẻ ở xa” cũng như “cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”.[25]
Cửa vào đi gia đình Thiên Chúa
Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Chúa Giêsu đã tự trình bày mình như cửa ngõ của ơn cứu độ, để bất cứ ai qua Ngài, sẽ được cứu thoát:
“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Gioan 10:9)
Qua cách nói loại suy này, Đức Giêsu làm sáng tỏ vai trò trung gian và sứ mạng cứu độ phổ quát của Người đối với nhân loại.
Nhờ Chúa Giêsu, mọi người có thể trở thành con Thiên Chúa, trở nên thành viên của đại gia đình con cái Thiên Chúa. Thực thế, “những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Gioan 1:12)
Bước vào tương quan cá nhân với Thiên Chúa như với người Cha, trở nên con cái của Ngài và có thể thân thưa: “Lạy Cha chúng con”, đó là tính chất mới mẻ và độc đáo mà Đức Giêsu Kitô đã mang đến cho toàn thể nhân loại. Xác tín về tính chất đặc biệt trong cách quan hệ giữa con người với Thiên Chúa này, các giáo phụ Kitô Giáo thường xuyên nhắc lại chân lý: “Con Thiên Chúa do bản chất đã làm người để con người có thể trở nên con Thiên Chúa nhờ ân sủng. [26]
Có thể nói khi bước theo Chúa Giêsu – người Anh Cả mẫu mực – trong suy nghĩ, thái độ và hành động, chúng ta vừa biểu lộ lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha, vừa bày tỏ tình huynh đệ đại đồng với mọi người. Thực ra, truyền thống văn hóa phương Đông không xa lạ với cách nhìn mọi người là anh em: “Tứ hải giai huynh đệ”, hay “Thương người như thể thương thân”, như người Việt thường nói. Nhưng điều mới mẻ mà Đức Giêsu, Con Người – Thiên Chúa, mang lại cho tương quan giữa người với người, chính là sự nối kết tình yêu nhân loại với tình yêu Thiên Chúa. Chính sự phối hiệp này đổi mới mọi quan hệ con người bằng sự hiện diện TÌNH YÊU của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Nhờ tình yêu toàn hiến, bất vụ lợi này, nhân loại có thể đi vào hiệp thông trong niềm Hạnh Phúc vĩnh hằng của đại gia đình Thiên Chúa.
IV. HỆ QUẢ CỦA NIỀM TIN THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
1. Con người được Thiên Chúa yêu thương. Niềm tin Thiên Chúa ở cùng chúng ta giúp cho ta không bao giờ thất vọng, dù cho thất bại trong cuộc sống, bị khước từ hay không được ai yêu thương.
2. Mục đích cao quý của đời sống con người là kết hiệp với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đi bước trước tìm đến ở với con người, để đồng hành, đồng cảm, chia sẻ kiếp người của chúng ta. Khi kết hiệp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hạnh phúc, và hạnh phúc ngay tại trần thế này, chứ không chỉ ở đời sau, kiếp tới.
3. Nhân loại là anh chị em cùng một nhà. Khi nhận ra Thiên Chúa ở cùng con người, chúng ta dễ dàng đón nhận nhau như anh chị em cùng một nhà, con cùng một Cha Trời. Yêu thương anh chị em là cách làm vui lòng cha của chúng ta và cũng là cách sống chữ Hiếu với Cha Trời.
4. Đồng tâm xây dựng đại gia đình nhân loại. Niềm tin Thiên Chúa ở cùng chúng ta mời gọi và thúc đẩy chúng ta đồng tâm hiệp lực để cùng nhau xây dựng cộng đồng xã hội – tôn giáo thành một cộng đồng thấm tình huynh đệ.
THAY LỜI KẾT
Chắc chắn do giới hạn của ngôn ngữ loài người, hạn chế của hiểu biết và kinh nghiệm sống đạo, đạo đệ không thể giãi bày hết thực tại huyền linh vô biên là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, kính mong các bậc tiền bối, quý huynh tỷ cùng quý đạo hữu, đạo tâm miễn chấp ngôn từ và giữ lại ý tứ mà người nói muốn truyền đạt.
Xin khép lại bài chia sẻ hôm nay với tâm tình rút ra từ một bài hát và lời trích từ bài thánh giáo số 13 của Đức Gia Tô:
Tinh thần Ðại Ðạo Việt Nam nầy,
Tiến triển rất cao hiệp với Thầy,
Ta chứng lòng thành tin tưởng ấy,
Trong ngày sinh nhựt được sum vầy.
Lời của bài hát The First Christmas Gift:
Món quà Giáng Sinh đầu tiên đến từ trời cao, được bao bọc bằng những vì sao, đó là một em bé ngọt ngào, dễ thương, được trao ban trong niềm vui, cho bạn và cho tôi.[27]
Linh mục TÂM GIAO
Thánh thất Bàu Sen (24-12-2012)



[1] Các sách tiếng Anh chép niên đại lịch sử vẫn ghi, thí dụ: 563BC; 660BCE; 45CE; AD68. Chữ viết tắt BC (Before Christ) nghĩa là trước Kitô; và BCE (Before Common Era / Before Christian Era) nghĩa là trước Công Nguyên / trước Kỷ Nguyên Kitô). Chữ viết tắt CE (Common Era / Christian Era) nghĩa là thuộc Công Nguyên, thuộc Kỷ Nguyên Kitô, và AD (Anno Domini: in the year of our Lord) nghĩa là trong năm của Chúa chúng ta. Hiện nay sách báo hay viết sai là sau Công Nguyên” (!) [Văn Uyển chú]
[2] 36 Bài Thánh Giáo Của Đức Gia Tô Và Các Thánh. 2005: Thánh thất Bàu Sen (lưu hành nội bộ).
[3] 36 Bài Thánh Giáo Của Đức Gia Tô Và Các Thánh, tr. 10.
[4] Theo mục “Gesù Cristo”, Enciclopedia Zanichelli (a cura di Edigeo), Zanichelli editore S.p.A., Bologna, 2002, tr. 794. Lm Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ.
[5] Đức Đạt-lai Lạt-ma và Kitô Giáo (Vĩnh An dịch từ nguyên bản “Le Dalai Lama parle de Jésus”. Paris: Ed. Brepols, 1996). Nxb Phương Đông, 2008, tr. 97.
[6] Cuốn Từ Vựng Đạo Islam ghi như sau:
ISĀ IBN MARYAM: Tên ghi trong kinh Qur’an về Đức Giêsu, chỉ người con của Maryam (Maria) và một tiên tri được Thiên Chúa gửi đến. Việc thọ thai lạ lùng, sứ mạng và cái chết của Ngài là đối tượng của các văn bản được gợi lên nơi các trình thuật Phúc Âm. Nhưng Isā xuất hiện ở đó đơn giản như “tôi tớ của Thiên Chúa” hay ‘abd, chứ không phải là Con Thiên Chúa: “Đấng Messia, Isā ibn Maryam, chỉ là sứ đồ của Thiên Chúa, là Lời của Ngài đặt nơi Maryam và là tinh thần phát xuất từ Ngài. Chúng con hãy tin vào Thiên Chúa và các sứ đồ của Ngài và đừng nói đến Ba (Thiên Chúa).”
Dominique Sourdel - Janine Sourdel-Thomine, Vocabulaire de l’Islam. Paris: PUF (Col. “Que sais-je?”), 2002, pp. 55-56.

[7] Bài thơ số 10 trong tập thơ Dâng của Rabindranath Tagore do Đỗ Khánh Hoan dịch.

http://www.vanvn.net/news/25/1655-10-bai-tho-trong-tap-tho-dang-cua-rabindranath-tagore.html
[8] Từ Kitô Giáo (Christianism) bao hàm Công Giáo (Catholic), Chính Thống Giáo (Orthodox Church), Anh Giáo (Anglicanism), các Hội Thánh Tin Lành (Evangelism), Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm (Seventh-day Adventist Church), Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian Church)…
[9] Người Công Giáo quen gọi là Chúa Cha hay vắn tắt là Cha khi làm dấu thánh giá cùng với lời nguyện: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” trước khi dùng bữa hoặc trước mọi sinh hoạt mang tính tôn giáo, tâm linh.
[10] Thư 2 Của Thánh Phêrô (1:4).
[11] Luca (7:11-17). Xem thêm Maccô (5:21-42); Gioan (11:17-43).
[12] Maccô (8:31); (9:31); (10:31), và Gioan (10:18).
[13] Thư Gửi Tín Hữu Côlôxê (1:15-18).
[14] Thư Gửi Tín Hữu Rôma (8:19-22).
[15] Michel FEUILLET, Vocabulaire du christianisme. Paris: PUF (col. “Que sais-je?”, N° 3562), 2000, (2) 2001, p. 106.
[16] Thư 2 Gửi Tín Hữu Côrintô (5:14-15).
[17] Thư Gửi Tín Hữu Philípphê (2:6-8).
[18] Aloysius PIERIS, Une théologie asiatique de la libération, traduit de l’anglais par Joseph Feisthauer. Paris: Centurion, 1990, p. 112.
[19] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ Năm 2002, số 2.
[20] Xem Maccô 9:5; Matthêu 17:5; Luca 9:35.
[21] Thư Gửi Tín Hữu Rôma (8:29).
[22] Thư Gửi Tín Hữu Côlôxê (1:20).
[23] Thư 2 Gửi Tín Hữu Côrintô (5:18-19).
[24] Thư Gửi Tín Hữu Rôma (5:10-11).
[25] Thư Gửi Tín Hữu Êphêxô (2:17-18).
[26] Placide DESEILLE, “Déification, péché et salut. Perspective orthodoxe”, in Communio, n° XXI, 2 (1996), p. 77.
[27] The first Christmas gift came from above / Wrapped in starlight, tied with love / Given with joy, a sweet baby boy / A gift for you and me.