Thánh thất Nam Thành
Tý thời,
23-8 Canh Tuất (22-9-1970).
Bộ phận
Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ thông Giáo Lý.
TÁI CẦU
ĐOÀN VĂN BẢN
Tệ Huynh chào chư hiền hữu. Chào chư hiền đệ, hiền muội.
Vâng lịnh Đức Chí Tôn, Tệ Huynh cùng Hộ Pháp đến hôm nay để chứng lễ Khai Tịch Đạo 23 tháng 8 này. Tệ Huynh
để lời khuyên toàn Đạo hãy lưu ý đến các giai đoạn diễn tiến thành lập nên Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để hòa đồng xây dựng một tương lai thái bình cho dân tộc.
Tệ Huynh cũng để lời khen ban tổ chức Nam Thành thánh thất nam nữ đã
thoát khỏi khảo thí. Hãy cố gắng hơn thì Nam Thành thánh thất sẽ huy hoàng
trong sứ mạng.
Hộ Pháp đã đến, Tệ Huynh hẹn còn gặp lại một dịp khác để đàm đạo thêm. Chư hiền hữu, chư đệ muội thành tâm tiếp người bạn hữu.
Tệ Huynh xin chào tất cả. Thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
Trở gót đường mây để ít lời
Mừng mừng tủi tủi cố nhân ôi
Nề xưa nếp cũ vương hồn đạo
Nẻo trước đường sau lấp bụi đời
Một kiếp phù sinh đâu đấy nhỉ
Trăm năm sứ mạng há vầy thôi
Ngọn cờ Đại Đạo trương cao vút
Kẻ ở người đi khỏi ngậm ngùi.
Hộ Pháp PHẠM
CÔNG TẮC
Quyền Thượng Tôn Quản Thế Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ
Chào chư hiền hữu. Chào chư đệ muội đàn tiền.
Vì muốn sáng tỏ Thiên cơ trên đường hành đạo, hôm nay Bần Đạo
vâng lịnh Đức Chí Tôn và cũng thay mặt các Tiền Bối
quá vãng đến để nói rõ ngày 23 tháng 8 và ngày
rằm tháng 10. Nói đây không phải để cho Nam Thành thánh thất, mà để
xây dựng một tinh thần cho toàn Đạo trong hiện tại và tương lai làm tròn sứ
mạng Tam Kỳ Phổ Độ. (…) Miễn lễ. Chư hiền hữu,
chư đệ muội đồng an tọa.
Ngày 23 tháng 8 là ngày Khai Tịch Đạo trên bình diện pháp lý thế đạo. Ngày
lễ hôm nay đã đánh dấu một ngày trước đây đã đi vào lịch sử của văn minh nhơn
loại, một chứng nhân của cuộc đời, một xác định của văn kiện thế gian đã được
ghi nhận. Chính giờ phút ấy, một động lực đã thúc đẩy tiến đến công cuộc hoằng
khai Đại Đạo, rằm tháng 10.
Hơn nữa, nó cũng thể hiện một chấp nhận thực sự của con người về hiện hữu
không thể từ chối được của Đại Đạo. Sứ mạng cứu thế đã chính thức trải dài trên
đường tối âm u thế sự. Sứ mạng này hiển nhiên huy hoàng và sáng chói đến tận
cuối thời gian và không gian. Dòng lịch sử của cuộc đời dầu muốn hay không
muốn, đã phải đánh dấu một bước tiến, một giá trị không ngờ. Thời gian chờ đợi
trang điểm lên khuôn mặt của sứ mạng mới; không gian sẵn sàng để thử thách mọi
bước chân của sứ mạng mới.
Con người hãy hãnh diện lên vì ánh sáng đã đến với bóng đêm. Con người
hãy vui mừng lên vì nguồn suối tươi mát đã khơi dòng giữa cuộc biến thiên nóng
bỏng của đời. Nhân thế đã chấp nhận bằng cái hờ hững để hứa hẹn một sự nồng nàn
thắm thiết về sau. Thời đại mới, hãy khơi động một lối đi vững chãi, xây dựng
một thế hệ mới cho đâm chồi nảy tược.
Hỡi ai đã vun phân tưới nước, đã cẩn thận, hãy cẩn thận hơn; đã siêng
năng, hãy siêng năng hơn; và đã thánh thiện, hãy thánh thiện hơn! Thế cuộc sắp
đi vào mùa đông rét buốt. Đại Đạo, một cứu cánh của Đức Thượng Đế, đã soi rọi
vào cuối nẻo âm u để dẫn đường cho nhơn sanh sóng chân về Thánh Địa. Đoàn người
bước trước của dân tộc được chọn đã hy sinh bằng mọi cách để khai tịch Đạo.
Ngày Khai Tịch Đạo là ngày gióng tiếng chuông cảnh giác để kêu gọi nhân
sinh hãy chuẩn bị tâm linh trong mùa thu, sẵn sàng trước mùa đông tiến tới.
Ngày Khai Tịch Đạo 23 tháng 8 là ngày Thiên cơ hé mở để hòa hợp với tác động
của thế nhân. Tác dụng của ngày này là nhắm vào cuộc diện tận độ Kỳ Ba của non
sông, nhân loại.
Khai Tịch Đạo để ánh sáng soi rọi các giá trị, các đổ vỡ của xã hội nhơn
loài. Có hiểu được đối tượng mới khắc phục được đối tượng, có rõ được tha nhân
mới xây dựng được tha nhân. Cái giá trị vĩ đại nhất của ngày Khai Tịch Đạo
không phải là uy quyền cai trị của đạo pháp, mà trái lại, chính là sự giải
thoát cường quyền, khai phóng mọi buộc ràng chèn ép của khuôn khổ ngăn cách, để
khơi nguồn mạch sống tràn lan huyền diệu trên tâm linh của con người cũng như
thế sự. Quyền pháp lần đầu tiên đã khai sanh vi diệu dưới ngọn đèn pháp nhân
của cuộc đời. Một dấu vết lịch sử, một biến cố lịch sử đâu phải để cho thiên hạ
ngày sau nhắc nhở, cúng bái hay thương tiếc.
Mỗi một biến cố, một hoạt động trên lịch sử đều mang mặc một mục đích để
đạt đến kỳ vọng cao siêu. Những người đi sau phải thấu hiểu lòng thể hiện hoặc
thâm sâu của công cuộc, ngõ hầu đồng nhất, quyết tâm tiếp nối sứ mạng của người
đã đi qua và đã nằm xuống. Đừng thiển cận quên mất để cái giá trị đó chôn vùi
theo thời gian, theo những hời hợt của dòng đời.
Người làm việc nghĩa, người phụng sự Thiên cơ, người vạch lối chỉ đường
cho xã hội, cho nhân loài, đâu phải để cho người đi sau mình hàng năm nhắc nhở,
nhớ đến và cúng tế. Nếu chỉ có bao nhiêu ấy thì chính cái giá trị đó không cao
hơn gì ngọn cỏ lau tranh. Đành rằng người tiếp nối đi sau, dĩ nhiên bổn phận là
nhắc nhở tôn thờ. Điều quan trọng, để nhớ ơn và thể hiện tinh thần, người tiếp
nối phải làm thế nào để người ra đi không hờn tủi vì chưa ai biết đến cái kỳ
vọng để đạt đến tiêu đề thâm diệu của tâm hồn mình qua những việc đã làm lúc
hiện tiền. Đó mới chính là bổn phận của những ai đi sau.
Nhắc lại một lần nữa ở đây, hiểu hết toàn diện các sự kiện đã trải qua,
tôn thờ sự kiện ấy, truyền bá và tiếp nối, mới là ý nghĩa của mỗi khi làm lễ kỷ
niệm nào, và đừng nghĩ là dịp lễ bái, dịp trưng bày của một phạm vi nào mà lu
mờ chánh pháp của Đại Đạo.
Điều mà Bần Đạo muốn nói với toàn Đạo hôm nay là sự sáng tỏ của ngày Khai
Tịch Đạo.
Bần Đạo đến với nhơn sanh hôm nay là để làm cho toàn Đạo hiểu rõ ý nghĩa
ngày 23 tháng 8. Có sáng tỏ được Thiên ý và nhân sự mới vững vàng hăng hái tiến
hành trên đường thế Thiên hành hóa.[1] Có sáng tỏ được ý nghĩa ấy mới thấy được trách vụ của người hành đạo, người
hướng đạo [2] là trọng đại. Có sáng tỏ được như vậy để tìm hiểu tất cả bề mặt lẫn bề trái của
cuộc đời để hầu đem đạo cứu đời. Có sáng tỏ được như vậy để hầu đem đạo vào
đời, xây dựng đời trở nên thuần lương thiện mỹ.
Một chuỗi diễn tiến khi Chí Tôn đến Việt Nam này để khai Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ, từ Dương Đông (Phú Quốc), từ Vĩnh Nguyên Tự đến thánh thất Cầu Kho hay
Nam Thành thánh thất, đến Gò Kén rồi Tây Ninh. Mỗi một nơi đều có một công
trạng, một lịch sử riêng biệt của từng hạt chuỗi, nhưng đặc thù của nó vẫn là
một xâu chuỗi và một dân tộc được chọn có sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ. Từ cái
thai nghén đến khai sinh trưởng thành to rộng không một cách khoảng nào. Để
thành hình, từ cái vỏ hột nhân đến cái mầm hột nhân, sự sanh cây trổ lá, nẩy
tược sanh cành, đơm hoa kết quả, mỗi một giai đoạn đều có đặc tính riêng biệt
của nó, nhưng trên sự diễn tiến vẫn liên tục để trưởng thành.
Thời kỳ truyền đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ cũng vậy. Thượng Đế đến trần gian
cũng phải tạm mượn những phương tiện, tiến hành những giai đoạn để cứu rỗi nhân
loài trong thời mạt hạ.
Đại Đạo khai minh Kỳ Ba độ tận nhân loại trên mọi phương diện của cuộc
đời. Thế nên, sứ mạng trọng đại của người hướng đạo phải được xem là cần thiết
và liên tục để thực hiện mục đích tối thượng cùng hoài bão trọng đại của Chí
Tôn Thượng Đế.
Hỡi ai là những hàng Thiên phong chức sắc! Hỡi ai là những bực hướng đạo
độ đời! Hãy ý thức trách nhiệm của mình để đi gần lại nhau, đem tình thương yêu
hòa ái chan hòa cho nhau, đem những kinh nghiệm sống hỗ trợ cho nhau. Hãy giữ
gìn quyền pháp đạo luật, hãy bảo trọng Thánh thể của Chí Tôn, chung nhau thị
hiện mục đích cao cả. Ấy là đạo cứu đời. Đừng chia tay xẻ cánh, đừng
mượn chiếc áo chức sắc Thiên phong để gói cái ta
trong đó. Được vậy thì ngày hòa hiệp thành đạo không phải còn xa
vời.
Đây Bần Đạo trở lại vấn đề ngày 23
tháng 8. Ngày này là ngày Khai Tịch Đạo để mọi người, trong tâm thành chí
thiện, ý thức kết hợp thành một khối, để chuẩn bị đủ dữ kiện cho ngày rằm tháng 10, Khai Minh Đại Đạo
trước nhân loài, trước quốc tế. Hai việc làm, hai thời kỳ có hai tác dụng. Một
là hướng ngoại để xem thấy cuộc đời là đau thương khổ lụy hầu tìm phương cứu
độ; một hướng nội để biết mục đích căn bản của Đạo và cứu cánh của Đạo để liệu
sức mình hầu thị hiện cho có kết quả.
Khi còn sanh thời, một lần Bần Đạo đã nói: Trong mỗi người có hai phần:
một là cái ta, con người bằng nhục thể; hai là chức sắc Thiên phong. Cả hai vẫn
là tôi tớ của Thầy. Nhưng dầu tan xương nát thịt một kiếp sống tạm bợ của cái
ta này không đâu lấy chi gọi rằng hại; duy cái hại là trách vụ
chức sắc Thiên phong không thi hành đúng mục
đích và hoài bão đối với nhơn sanh, với hiện tình cơ Đạo.
Trước mắt Thầy, tính coi tội lỗi biết mấy! Đó là bổn phận
không nhứt thiết phải dành riêng cho Tòa Thánh Tây Ninh, mà là của tất cả hướng
đạo Thiên phong chức sắc trong Đại Đạo.
Hỡi những hàng thiện tâm hành đạo! Hỡi những bậc hướng đạo độ đời! Hãy
nhìn đêm trường dày đặc mà cố thắp lên ngọn đuốc soi đường. Hãy nhìn hố sâu vực
thẳm mà sẵn sàng dừng chân bên bờ. Hãy nhìn dòng thủy triều đang dâng mà lo dọn
nhà đóng bè. Hãy can đảm dũng mãnh nhận lấy trách nhiệm trước nhơn sanh để
gióng hồi chuông cảnh tỉnh, kéo con người trở về với cuộc đời thực tại. Hãy đem
những liều thuốc thần diệu mà trị lấy chứng bịnh trầm kha của cuộc đời ly tán.
Đừng yếu hèn, đừng nhút nhát, đừng trốn tránh trách nhiệm. Trước con bịnh đang
hoành hành thì dầu sớm hay muộn rồi cũng chỉ còn sót lại một người cuối cùng
thế thôi.
Ngày Khai Tịch Đạo tháng 8 năm này, để nhắc nhở cho những ai đã ưu tư vì
Đại Đạo, đã đồng lao cộng khổ trên quãng đường dài tế nhân độ thế, kiểm điểm
lại quá trình hầu tìm phương tiến tới. Một dân tộc được chọn! Một dân tộc được
đặc ân trong trách nhiệm, hãy hoan hỷ tràn ngập tâm linh để đón nhận mọi trách
nhiệm. Đừng để phải hối hận nuối tiếc mà nhìn đoàn người chết khát bên bờ suối,
đàn chiên [3] chết đói trên đồng cỏ xanh, đoàn người chết đói bên vựa lúa vô tận.
Những bóng đen chập chờn bao phủ trùm lên số kiếp của mỗi dân tộc. Người
hướng đạo phải vượt mình lên trên mọi khuôn khổ nhỏ hẹp để quan sát toàn diện
cuộc đời. Quan sát để thấy rõ chứng bịnh triền miên. Quan sát để biết tận cùng
bề mặt lẫn bề trái của cuộc đời để tìm phương cứu chữa. Đó là mặc nhiên đặt
mình vào cuộc đời để hướng dẫn cuộc đời từ tối tăm ra xán lạn, từ đau khổ đến
hạnh phúc, chớ không phải quan sát cuộc đời để vì đời rồi sa lầy vào bến mê tân
khổ [4] của cuộc đời.
Đạo
có thành hay không là do người hành đạo, bực
hướng đạo ý thức và triệt để thực hành đến mục
phiêu [5] của Chí Tôn đã vạch. Đạo thành là ngày muôn dân đồng hát câu tình
thương hòa ái và tiến bộ. Có như vậy, ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo cùng Khai Minh
Đại Đạo hằng năm mới đúng ý nghĩa của nó.
Tiện đây, Bần Đạo nhờ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý chuyển hộ lời Bần Đạo gởi
về thăm các em nơi Tòa Thánh Tây Ninh cùng các thánh thất trực thuộc liên hệ.
Bần Đạo cảm động chứng lòng kính yêu mến nể của các em đối với Bần Đạo.
Nhưng các em đừng vì thượng tôn một cá nhân trong cảm tình khi còn tại thế mà
phải vì ý chí cao cả của Bần Đạo khi xưa, cùng nhau hợp đoàn hòa ái để biểu
dương sáng danh Đạo, thị hiện mọi cứu cánh cho cuộc đời. Đó là các em đã trọn
vẹn tỏ lòng mến yêu kính nể. Vì Bần Đạo là người anh đi trước, các em là những
đàn em đi sau, mỗi mỗi đều núp dưới bóng cờ Đại Đạo để phụng sự Thiên cơ, đem
lại hạnh phúc an vui thanh bình cho nhân loại. Đó là mục phiêu tối yếu.
Các em ơi!
Một
cây há dễ nên rừng
Dầu cây ấy lớn chín từng mây xanh.
Ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo năm này, Bần Đạo gởi tấm lòng thương mến để
xây dựng đạo pháp đến toàn thể các em. Các em ghi nhớ và ý thức.
Sau cùng, Bần Đạo gởi lời chào mừng các phái đoàn từ các nơi quy về dự
lễ. Cầu xin Chí Tôn hộ trì mọi mặt trên đường tu tiến.
Bần Đạo xin chào chung tất cả với lời chào mến yêu hành đạo phụng sự nhơn
sanh. Hẹn còn dịp tái ngộ. Xin lui điển. Thăng.
Tham khảo
PHÂN
BIỆT KHAI TỊCH ĐẠO
VÀ KHAI MINH ĐẠI ĐẠO
VÀ KHAI MINH ĐẠI ĐẠO
Đại lễ tại chùa Gò Kén lúc đầu thường
được gọi là lễ Khai Đạo 開道. Trải
qua bốn mươi bốn năm (1926-1970), đến giờ Tý đêm thứ Ba 22 rạng ngày thứ Tư
23-9-1970 (đêm 22 rạng ngày 23-8 Canh Tuất), trong một đàn cơ do bộ phận Hiệp
Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý thiết lập tại thánh thất Nam Thành (đường
Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Sài Gòn), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) giáng
dạy và chính thức xác lập tên gọi Khai
Minh Đại Đạo 開明大道.
Từ ấy, hàng năm ngày 15-10 âm lịch
(tháng 11 dương lịch) được các thánh sở Cao Đài tổ chức đại lễ kỷ niệm với tên
gọi Khai Minh Đại Đạo. Năm đạo Cao Đài cũng tính từ ngày này.
Khai
minh (to enlighten)
là làm cho sáng tỏ, giúp mọi người hiểu biết, không còn u tối, dốt nát (vô
minh: ignorance). Khai Minh Đại Đạo là làm cho mọi người
đều biết tới tôn giáo Cao Đài, tức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (nói tắt là Đại
Đạo). Thoạt kỳ thủy, Khai Minh Đại Đạo là đại lễ để tấn tôn các chức sắc đầu
tiên của Hội Thánh Cao Đài sơ khai. Với ý nghĩa này có thể dịch ngày Khai Minh Đại Đạo là Caodai Inauguration Day.
Cũng trong đàn cơ ngày 22-9-1970 nói
trên, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc xác lập tên gọi ngày kỷ niệm 23-8 âm lịch hàng
năm là ngày Khai Tịch Đạo 開闢道. Trước kia, ngày
này từng được gọi là ngày Khai Đạo, do đó dễ gây ngộ nhận rằng đạo Cao Đài có
hai ngày Khai Đạo: 23-8 âm lịch và 15-10 âm lịch.
Hai chữ khai tịch gợi nhớ tới bốn chữ khai
thiên tịch địa 開天闢地 nghĩa là tạo lập vũ trụ (the creation). Ở đây, khai và tịch đồng nghĩa là mở ra, tạo lập (to open up, to found, to establish, to
create). Từ Bá 词霸 (từ điển của Đại Học Bắc Kinh, chữ Hán giản thể) giảng
khai tịch 开辟 là khai phát
kiến thiết 开发建设, nghĩa là mở mang, xây dựng.
Vậy, ngày Khai Tịch Đạo tức là ngày thành lập tôn giáo Cao Đài (Caodai Foundation Day) bằng cách đăng ký (registering) với chánh quyền theo đúng thủ tục pháp lý quy định để
có tư cách pháp nhân (legal entity)
cho nền tôn giáo mới hình thành.
Trích: Huệ Khải, Đất Nam
Kỳ Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài.
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 31-32.
(Quyển 6-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.)
CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ KHAI TỊCH
ĐẠO NĂM 1926
Vào đầu thế kỷ 20, tiền bối Lê Văn
Trung và không ít tiền bối Cao Đài khác vốn là công chức ngạch cao trong Phủ
Thống Đốc Nam Kỳ, hoặc là các chủ quận. Do đó các tiền bối khai đạo Cao
Đài đương nhiên am tường thủ tục hành chánh và luật lệ Pháp áp dụng tại thuộc
địa Nam Kỳ.
Khi khai tịch
Đạo, các tiền bối đã theo Luật Hiệp
Hội 01-7-1901.[6] Luật mang chữ ký của Pierre
Marie René Ernest Waldeck-Rousseau (1846-1904), là thủ tướng nước Pháp (nhiệm kỳ 1899-1902)
dưới thời
tổng thống Émile Loubet (nhiệm kỳ 1899-1906). Waldeck-Rousseau thuộc đảng Cộng Hòa, sinh tại thành phố Nantes và tạ thế
tại Corbeil. Ông đã ký luật 01-7-1901 một năm trước khi từ nhiệm vì sức khỏe
suy kém.
Pierre Marie René Ernest Waldeck-Rousseau (1846-1904)
Toàn văn Luật 01-7-1901 được đăng trên Công Báo nước Pháp
ngày 02-7-1901. Ngoại trừ Điều 12 (Thiên II), ba Điều 14, 16, 19 (Thiên III),
và mười bốn Điều 22-35 (Thiên IV) hiện không còn nữa, hầu hết nội dung các điều
còn lại có thể tìm thấy trên mạng quốc tế (Internet).[7]
Trích: Huệ Khải,
Đất Nam Kỳ Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài.
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 40-41.
HUỆ
KHẢI chú thích