Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

ĐĐVU 05 / LẠY MẸ ĐẠI TỪ ĐẠI BI / Thanh Căn

Image result for caodaism

Cúng tứ thời hàng ngày, ngoài những bài Niệm Hương, Khai Kinh, Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (Đại La Thiên Đế) và xưng tán Tam Giáo Tổ Sư, chúng ta còn tụng bài Lạy Mẹ Đại Từ Đại Bi.[1] Lời kinh giản dị dễ hiểu, mang âm hưởng tha thiết của người con trần tục đang sám hối và thủ thỉ cầu xin Đức Mẹ thiêng liêng (Vô Cực Từ Tôn) đoái tưởng đến thân phận bèo bọt của mình nơi trần thế.
Qua bài viết này chúng ta thử cùng nhau nghiệm suy từng câu trong bài kinh Lạy Mẹ được tụng đọc hằng ngày vào bốn thời cúng.
Chúng ta tạm chia bài kinh thành năm đoạn.
1. Lạy Mẹ Đại Từ Đại Bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần
Cho người đem khỏi mê tân
Đặng cho con dại nguơn thần mở mang.
Đức Mẹ Diêu Trì là Từ Mẫu thiêng liêng luôn thương xót chúng sanh là đàn con nơi trần gian đang chơi vơi giữa bến bờ mê muội. Đối với Đức Mẹ, chúng ta là những đứa con “ngu si” ở chốn tục phàm.
Tại sao quỳ trước Đấng Từ Mẫu chúng ta lại tự xưng là kẻ “ngu si”? Trong số môn đệ Cao Đài chẳng thiếu người học rộng hiểu nhiều, khôn lanh lịch lãm chốn trường đời, quyền cao chức trọng, dưới tay có đông đảo thuộc cấp… ai dám bảo họ “ngu si”? Và những người đó, khi quỳ trước Thiên Bàn đọc bài kinh Lạy Mẹ, liệu họ có tự nhận mình “ngu si” không?
Vậy, chúng ta cần tìm hiểu xem thế nào là “ngu si”.
Ngu [tính từ] nghĩa là không thông minh, dốt nát, ngu muội.
Si [tính từ] là mê mẩn, say đắm.
Ngu si nghĩa là vì mê đắm một thứ gì đó mà tâm trí hóa ra mờ tối, không còn phân biệt được đúng sai, rồi làm liều.
* Vì mê hình danh sắc tướng, nên khởi lòng vọng cầu, lao nhọc thể xác, khổ sở tinh thần chạy theo thời thượng, mảng lo đánh bóng bên ngoài mà quên dọn dẹp bên trong.
Khi bụng đói thì cầu ăn no, khi được ăn no thì lại mong cao lương mỹ vị.
Khi quần áo che thân không đủ ngăn hơi lạnh mùa đông thì cầu sao cho mặc ấm, khi được ấm rồi thì lại mong nhung lụa xa hoa.
Khi nhà dột cột xiêu thì cầu xây nhà kiên cố, khi có nhà kiên cố rồi lại mong nhà đẹp phố xinh.
Cũng chỉ vì sợ người ta chê cười mình thua kém thiên hạ về cái ăn, cái mặc, cái ở mà loay hoay suốt cả cuộc đời lệ thuộc vào lòng tham cầu lắm khi vượt ngoài khả năng của mình, để rồi phải khổ sở vì nợ nần chồng chất.
* Vì mê lợi lộc quyền uy, nên ta tiêu phí thời gian bon chen để giành lấy. Cổ nhân nói: “Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô căn”,[2] nghĩa là Trời sanh ra con người, có ai không có cái lộc (ăn, mặc, ở) để sống đâu; còn đất sanh ra cỏ, có loài cỏ nào mà không có rễ đâu? Cây to thì rễ lớn ăn sâu dưới đất, cỏ dại thì rễ nhỏ bám cạn trên đất.
Con người nghèo giàu đều do nghiệp quả và công sức lao động nhiều hay ít mà nên, như câu “Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần”.[3] Người giàu to là nhờ nối tiếp phúc đức của tổ tiên truyền lại hoặc đắc thời đắc thế mà nên; người giàu cỡ nhỏ là nhờ vào sự cần kiệm chắt chiu mà có. Năng lực tới đâu ta làm tới đó, không tính thiệt so hơn rồi đứng núi nầy trông núi nọ. An phận thủ thường để dành thời gian tu hành mới là thượng sách.
Người đời thường nói, hễ có tiền thì có quyền, hoặc ngược lại, hễ có quyền là có tiền. Hai bóng ma nầy làm cho chúng ta bao phen ù tai mờ mắt. Không mua được quyền uy thì cũng dựa dẫm vào người có uy quyền để bàng dân nể mặt.
Thậm chí đã vào cửa đạo, vào đường tu là coi như khước từ mọi trần lụy thế gian, nhưng ta lại muốn có quyền uy trong cửa đạo. Ta lý luận rằng hành đạo bao năm phải có chức có quyền mới xứng phần công quả mà mình đã tạo lập. Hơn nữa, chức nhỏ không chịu, phải đòi cho được chức lớn để vun vén cho cái đặc quyền được vững mạnh hơn.
Dĩ nhiên cái “quyền” khởi từ vọng tâm khác với cái “quyền hạn” được phân định trong Pháp Chánh Truyền. Quyền hạn trong Pháp Chánh Truyền gắn liền với sự hy sinh vì Thầy, vì Đạo, vì nhơn sanh; còn quyền uy khởi từ vọng tâm lại gắn liền với tư tâm vị kỷ, tự tôn tự đại. Cũng từ đó, căn bịnh chức quyền thật sự là căn bịnh trầm kha cho những ai có dòng máu tham đắm quyền uy lợi lộc làm hại danh Thầy, hư danh Đạo.
* Vì mê tình luyến ái, nên ta cứ mãi bồng bềnh trôi trên sông sầu bể thảm nhưng cứ tưởng mình đang phiêu diêu tiêu sái mà hệ quả để lại là dấu tích làm hoen ố niềm tin và đạo hạnh. Ta cũng nhận ra hễ “đa tình đa cảm” thì “đa oan trái”, mà khối oan trái ấy lại ẩn giấu sau tấm màn nhung xa hoa trụy lạc.
Khi linh tánh thai sanh, đã một lần bị dây oan trói buộc, cũng là một đời bảo ban phần nhơn đạo, thời gian còn lại chúng ta nỗ lực tu trì Thiên Đạo để kịp phản bổn hoàn nguyên; mở gút dây oan mới tìm về cội phúc theo tiếng gọi thiêng liêng của Đấng Vô Cực Từ Tôn:
Hỡi tàn linh! Hỡi tàn linh!
Có nhớ quê xưa chốn Thượng đình
Quay gót mau về nơi cựu vị
Thôi đừng dan díu kiếp phù sinh.
Tiểu linh quang bây giờ đã hóa thành “tàn linh” rồi! Làm sao hình dung được “quê xưa” như thế nào mà hỏi có nhớ hay không? Sắc đẹp, rượu ngon, hầu bao rủng rỉnh, tàn linh vẫn thích hơn là hãm mình tu kỷ để chờ ngày hưởng phước chốn Tiên bang.
Tốt đẹp chi, danh dự chi mà ta đi tự hào rằng mình đã từng trải những lạc thú trần gian. Tất cả như sương đeo đầu cỏ, giọt sương cuối cùng khi bình minh thức dậy cũng trở về chỗ không. Người xưa than:
Ơi hỡi người phàm chẳng rõ không
Mê hoa, mến rượu, khoái anh hùng
Đêm xuân hưởng lạc vui không dứt
Tuổi tác chất chồng chết khó dung[4]
* Vì mê tín dị đoan nên đức tin bị lung lay. Tại sao đức tin bị lung lay vì mê tín? Bởi vì, khi nói đến đức tin là nói đến chánh tín.
Nội dung của chánh tín là tin có Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần bằng huyền cơ diệu bút lập Đạo Cao Đài; tin có Đức Diêu Trì Kim Mẫu và các Đấng đã từng giáng điển dạy đạo qua thánh ngôn, thánh giáo; tin có luật nhơn quả và tin vào tôn chỉ “Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt” và mục đích “Thế Đạo đại đồng” và “Thiên Đạo giải thoát” của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Một điều thiết thân nữa, là người đạo Cao Đài tu thân hành đạo tin vào thánh giáo của Đức Mẹ từ trước:
Nầy các con nam nữ ôi!
Mẹ hằng lo cho đàn con dại.
Ngày cận kề đây Mẹ phải cách xa con,
Đạo thành rồi thì đời được vuông tròn,
Chừng ấy cơ bút đâu còn vầy đây mãi.
Thời gian này Mẹ còn dạy đi dạy lại
Nhắc các con cứ thẳng lẽ phải đường ngay.
Mẹ quyết dìu con bước tột đến ngày
Ngày thành Đạo, tương lai đầy hạnh phúc[5]
Ngày cận kề đây” của năm mươi năm về trước là ngày hôm nay, ngày mà nền Đạo đã có biết bao là thánh ngôn, thánh huấn; có giáo lý, giáo luật và giáo nghi để làm phương tiện tu hành, hoằng giáo độ nhơn theo phương pháp tam công (công phu, công quả, công trình). Bản thân tu cho tốt thì chắc chắn cửu huyền thất tổ sẽ được siêu thoát.[6]
2. Con đà sái bước lạc đàng
Muôn ngàn tội lỗi chứa chan dẫy đầy
Mẹ thương, xin Mẹ làm khuây
Lo cho con dại thơ ngây lỗi lầm.
“Con đà sái bước lạc đàng” có nghĩa là “con đã”, chúng ta đã bước sai bước mà phải chịu lạc đường trong khoảnh khắc nào đó trước đây. Còn bây giờ thì ta quay trở lại đúng đường rồi. Tuy nhiên hậu quả của việc sai đường lúc trước để lại là khối tội lỗi to đùng do tam nghiệp kết tập kể có muôn ngàn trong đó. Ta nghĩ là Mẹ buồn lắm!
Nhưng đối với các con tội lỗi, Đức Mẹ thiêng liêng không giận mà là thương; không bực tức mà là xót xa, đau đớn và rơi lụy miên man! Ta “xin Mẹ làm khuây” là xin Mẹ bỏ qua cho những tội lỗi của mình. Bởi từ khi nhập cuộc với đời trải qua vô lượng kiếp, ta đã tạo quá nhiều nghiệp xấu do tác động của năm con ma làm lu mờ tám món báu mà Mẹ đã ban trao, căn dặn phải giữ gìn và phát huy công lực của nó.
Cù Tán Đởm hay Hỗn Thế Ma Vương đã sử dụng năm ma như là một tác năng vây hãm chơn tánh con người mãi trầm luân nơi biển khổ. Năm con ma này là:
- Kim ma chủ về tiền tài.
- Mộc ma chủ về sắc dục.
- Thủy ma chủ về tửu nhục.
- Hỏa ma chủ về sân hận.
- Thổ ma chủ về ma túy.
Sở dĩ gọi chúng là năm ma vì chúng vốn vô hình, lúc ẩn lúc hiện, thường hay “ám” vào những cơ thể suy yếu về đạo đức để chủ động điều khiển thân, khẩu, ý của cơ thể đó như cơ thể của chúng; và cơ thể đó không hay rằng mình bị “ma ám”, mà cứ tưởng tinh thần, trí não mình vẫn toàn vẹn trong một cơ thể khỏe mạnh. Như người uống rượu, khi uống vài ly đầu thì bảo sợ say, khi tửu hứng lên cao đến đỉnh điểm say mèm thì thần trí mịt mờ, không bao giờ chịu nhận mình là say cả.
Cũng như thế:
* Mặc dù chúng ta luôn muốn ứng dụng đạo lý vào đời sống, vật chất tiền của tạo ra bằng chánh nghiệp chỉ để bảo đảm nuôi thân và giúp thêm điều kiện tốt để tu hành. Nhưng khi tiền đã thường xuyên ra vào tay rồi thì như ma lực kéo lôi, lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ nên có lúc vượt rào quy giới mà chẳng hay, ngồi không thì mong trúng đề; kinh doanh bộn bề thì lận lường, gian trá mà cứ ngỡ mình đang sống đạo. Đây là lúc ma Kim thắng thế.
* Chúng ta vẫn nhớ lời Thầy dạy trong Tu Chơn Thiệp Quyết:
Nên xa lánh dâm tà sắc dục
Hư thân danh điếm nhục tổ tông
Hại nầy thiệt hại vô cùng
Phật Trời chẳng chút thứ dung tội nầy.
Ví kiếp trước dẫy đầy âm chất
Sa mê dâm phước đức tiêu mòn
Hại mình, hại vợ hại con
Hại luôn sự nghiệp hại dồn đời sau.
Nhưng trong chúng ta vẫn có người vì không thắng nổi tà tâm, nên xem thường lời dạy của Thầy, mặc tình đi ngang về tắt, gây nhiều trạng huống bất minh trong quan hệ nam nữ, làm ảnh hưởng xấu đến đức tin của bổn đạo và thanh danh tôn giáo. Đây là lúc ma Mộc thắng thế và là “hại nầy thiệt hại vô cùng” vậy.
3. Từ nay con nguyện chí tâm
Cải tà quy chánh lo chăm theo Thầy
Gió trong vén ngút rẽ mây
Lạy xin Đức Mẹ đoái bầy con thơ
Đừng cho xiêu lạc vất vơ
Xin cho biết bến biết bờ sanh sanh.
Sám hối là ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau. Lỗi trước là trước khi vào Đạo, trước khi học đạo. Lỗi sau là sau khi nhập môn, được học Ngũ Giới Cấm, Tứ Đại Điều Quy và bài Thương Yêu rồi, tức thời điểm mà trong bài kinh viết “Từ nay” là ngay bây giờ, và chỉ có cái ngay-bây-giờ-của-lúc-đó thôi, chớ không phải ngày nào cũng làm tội rồi mỗi chiều tối hứa trước Thiên Bàn “Từ nay con nguyện chí tâm / Cải tà quy chánh…” là xong đâu!
Đức Mẹ vốn đại từ sẽ “làm khuây” (bỏ qua) những tội lỗi mà chúng ta đã tác tạo sau nhiền lần “từ nay” với điều kiện phải lập nguyện “chí tâm”, hết lòng, thật lòng sửa đổi những ý nghĩ, lời nói, việc làm tà vạy gian ác trở lại ngay thẳng tốt lành, tinh tấn hướng “theo Thầy” liên tục, không gián đoạn.
Nhưng đã là con người mang thể xác phàm, chúng ta cảm thấy mình quá bé nhỏ trước vũ trụ bao la; quá yếu đuối trên dòng đời ngược xuôi muôn nẻo; chen chúc đứng giữa chợ đời mà có lúc cảm thấy cô đơn, lạc lõng; tấm thân tuy gởi vào cửa Đạo, tâm hồn tuy nguyện nương chốn tu hành nhưng trong biển lòng vẫn lao xao sóng dậy; có những sai lầm mà cả đời không thể thố lộ cùng ai, chỉ âm thầm tâm sự cùng Đức Mẹ Đại Từ:
Lạy xin Đức Mẹ đoái hoài đến đàn con thơ dại mà ban cho cơn gió trong lành của đạo pháp, nhẹ nhàng thổi vén bức màn vô minh như mây mờ che lấp linh tánh con từ nhiều đời nhiều kiếp, để con không bị sa ngã (xiêu lạc) vào đường tà vạy; để linh hồn con ngày sau không bơ vơ lạc loài nơi u minh địa giới, và biết được đâu là bờ là bến hằng sống ở cõi thiêng liêng hằng sống (bến bờ sanh sanh).
4. Lòng con rót cạn chữ thành
Lạy nhờ Đức Mẹ xin nhìn chăm nom
Cho người hôm sớm thăm lom
Cho người dạy dỗ mai hôm kịp kỳ.
Những gì con tỏ bày cùng Đức Mẹ hôm nay là con đã trút cạn hết “chữ thành” từ tận đáy lòng con, kính xin Mẹ chứng tri, nhìn nhận và chăm nom.
Sự chăm nom của Đức Mẹ đối với con cái như một lương y đối với bệnh nhân. Lương y lúc nào cũng muốn cho bệnh nhân của mình sớm lành bệnh và khỏe mạnh về thể xác. Từ Mẫu thiêng liêng lúc nào cũng muốn cho các con khỏi bệnh trầm kha nơi trần thế và khỏe mạnh về linh hồn, nên Đức Mẹ đã ban cho chúng ta bài thuốc gọi là “Cứu Thế Kim Đơn Bát Bửu Tán”.[7]
Toa thuốc gồm tám vị phân ra như sau:
Hiếu Thuận 孝順
+ Đễ Hòa 悌和
10 phân (1 kg)
Trung Trực 忠直
+ Tín Ngôn 信言
1 cân (16 lạng)
Lễ Cung 禮恭
+ Nghĩa Khí 義氣
10 phân (1 kg)
Liêm Tiết 廉節
+ Tu Sỉ 羞恥
1 cân (16 lạng)
Tám vị thuốc trên gọi tắt là Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, dùng Chơn Tâm tán nhuyễn, lấy Ba La Mật Đa trộn vào, vò viên bằng hạt Bồ Đề.[8] Số lượng uống vô hạn, uống càng nhiều càng tốt. Sáng sớm uống một lần, chiều tối uống một lần. Uống từ từ đến khi nào cảm thấy tâm an thần định, khí sắc hòa thuận thì đó là hiện tượng của bách bệnh phiền não và tội nghiệt được tiêu trừ.
Dược tính (tính chất thuốc) của tám vị này như sau:
Vị Hiếu Thuận: Chủ trị các chứng bất hiếu, ngỗ nghịch với cha mẹ; bất kính với ông bà; vô lễ với bậc trưởng thượng.
Vị Đễ Hòa: Chủ trị các chứng anh chị em không thương yêu nhau, tranh cạnh hơn thua gây mất hòa khí, tổn thương tình cốt nhục.
Vị Trung Trực: Chủ trị chứng tà vạy, không ngay thẳng, không thương dân yêu nước.
Vị Tín Ngôn: Chủ trị chứng vọng ngữ, xảo trá, lừa đảo, thọc mạch hai đầu, xúi giục kiện thưa, ly gián người khác, điên đảo thị phi.
Vị Lễ Cung: Chủ trị chứng không hòa thuận với bề trên và kẻ dưới, điên đảo kỷ cương.
Vị Nghĩa Khí: Chủ trị chứng bất nghĩa; không có lòng thủy chung, vì lợi quên tình.
Vị Liêm Tiết: Chủ trị chứng tham ô, không gìn tiết hạnh.
Vị Tu Sỉ: Chủ trị chứng thiện ác bất phân, thuần phong đảo lộn.
Cho người hôm sớm thăm lom
Cho người dạy dỗ mai hôm kịp kỳ.
Chính vì Đức Mẹ phóng điển chăm nom chúng ta nên mới ban phương thuốc tám vị, và dụng huyền vi vận chuyển cho người (thiện tri thức) sớm chiều thăm lom, dạy dỗ kịp thời để hy vọng chúng ta không bị trễ nãi trong kỳ thi Hội Long Hoa.
Vậy những người đứng ra trông nom chúng ta là ai?
Theo hệ thống tổ chức Hội Thánh của đạo Cao Đài được quy định trong Pháp Chánh Truyền và Tân Luật, người đứng đầu cao nhứt bên Cửu Trùng Đài là Giáo Tông, bên Hiệp Thiên Đài là Hộ Pháp. Lãnh đạo thấp nhứt ở cơ sở đạo địa phương là Ban Trị Sự. Lời Đức Lý Giáo Tông dạy có ghi trong Pháp Chánh Truyền:
“Chánh Trị Sự là người thay mặt cho Lão, làm anh cả trong phần địa phận của nó…”
“Chánh Trị Sự phải chăm nom, giúp đỡ sự sanh hoạt của môn đệ Thầy đã chịu dưới quyền điều khiển, giúp khó trợ nghèo, coi cả tín đồ như em ruột, có quyền xử đoán, nhứt là việc bất bình nhỏ mọn xảy ra trong địa phận của mình song phải tùng lịnh Giáo Hữu và Lễ Sanh cùng người Đầu Họ”.
Sau khi ban quyền hạn, nhiệm vụ cho Chánh Trị Sự hằng ngày phải phân công người đến từng nhà bổn đạo để trực tiếp giúp khó trợ nghèo, Đức Lý dạy thêm:
“Vậy mới phải là anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, chia vui sớt thảm, no đói có nhau, giữ quyền lợi cho nhau, không giành không giựt, hễ đói thì mình chung nuôi, bị thất lợi thì mình phải giữ; hễ nhục thì mình chung chịu, ắt quyền hành mình phải trọng (….) Chánh Trị Sự là Đầu Sư em đó vậy.”
Theo Pháp Chánh Truyền, bên cạnh đó còn có Phó Trị Sự, đảm trách về chánh trị đạo, là “Giáo Tông em” và Thông Sự đảm trách về luật lệ gọi là “Hộ Pháp em”.
Như thế, chúng ta cầu xin Đức Mẹ “Cho người hôm sớm thăm lom / Cho người dạy dỗ mai hôm kịp kỳ” đó là những vị chức việc trong Ban Trị Sự của mỗi thánh thất, thánh tịnh địa phương. Thăm lom là quan tâm giúp đỡ về đời sống vật chất trong bổn đạo; dạy dỗ là quan tâm đến việc giữ gìn giới luật đạo pháp của bổn đạo. Nói chung là hướng dẫn tín đồ trên cả đường đạo và đường đời.
Ngoài cái lý nói trên, còn có thể hiểu “Cho người hôm sớm thăm lom / Cho người dạy dỗ mai hôm kịp kỳ” giản dị hơn. Thật vậy, người tu hành chơn thật đúng những lúc cần được giúp đỡ vật chất hay tinh thần, thường có một người nào đó (hoặc quen hoặc lạ) có vẻ như “ngẫu nhiên” tới gặp mình, nói một câu hữu ích, hay đưa tay giúp đỡ, nhờ vậy mà mình vượt qua khó khăn, trở ngại hay sự cám dỗ…
Lạy Mẹ đại từ đại bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần.
Hai câu cuối lặp lại hai câu đầu để kết thúc bài Kinh Lạy Mẹ.
Tóm lại, qua ý nghĩa bài kinh cho ta thấy rõ sự thành khẩn nguyện cầu hướng về Đức Diêu Trì Kim Mẫu, kể lể về sự dại khờ, ngu muội của mình mà phải vương mang lắm điều tội lỗi. Mấy lần lạy Mẹ là mấy lần cầu xin được tha thứ tội tình, và hứa nguyện từ nay con hết lòng theo Thầy, tu hành theo tôn chỉ của Thầy vạch ra cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để đạt đến mục đích cuối cùng là cơ tuyệt khổ đại đồng.
Được như thế là đã dùng đúng và hiệu quả liều lượng bài thuốc “Cứu Thế Kim Đơn Bát Bửu Tán” để phục hồi tám món báu, mang về phục lịnh Đức Từ Mẫu nơi Diêu Trì Cung trên thượng giới.
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên



[1] Xem thêm nguồn gốc bài kinh này trong Đại Đạo Văn Uyển, Tập Hanh (quý 2-2012), tr. 105.
[2] 天生人何人無祿, 地生草何草無根.
[3] 大富由天,小富由勤.
[4] Thất Chân Nhân Quả. Lê Anh Minh dịch. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 114. (Quyển 34.2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
[5] Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2007, tr. 30.
[6] Xem thêm: Huệ Khải, Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012. (Quyển 52 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
[7] 救世金丹八寶散.
[8] Ba La Mật Đa (Paramita): Cứu cánh, đáo bỉ ngạn, hạnh tu của Bồ Tát gồm sáu phép gọi là Lục Độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.
Bồ Đề (Bodhi): Giác ngộ, thông suốt.