Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / CÂU CHUYỆN NHÂN KỶ NIỆM NGÀY KHAI MINH ĐẠI ĐẠO / Diệu Nguyên

Image result for "hội thánh Bạch y"
Tòa Thánh Ngọc Kinh (Hội Thánh Bạch Y)

Hằng năm, vào ngày rằm tháng Mười, hàng môn đệ Cao Đài tại các Tòa Thánh, thánh thất, thánh tịnh đều trân trọng thiết lễ kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo, là ngày mà đạo Cao Đài chính thức ra mắt trước nhơn sanh trong một đại lễ kéo dài ba tháng từ ngày rằm tháng Mười Bính Dần (1926) đến ngày rằm tháng Giêng Đinh Mão (1927).
Tuy nhiên, nếu thiết lễ kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo chỉ với hình thức cúng bái hay tưởng niệm suông thì chưa đạt được ý nghĩa của việc tổ chức lễ kỷ niệm. Điều cần thiết và quan trọng hơn hết là cốt làm sao cho toàn Đạo hiểu thấu toàn diện các sự kiện lịch sử đã trải qua, tôn thờ sự kiện ấy, truyền bá và tiếp nối đạo nghiệp của tiền nhân đã khai sáng. Đây cũng là tôn ý được Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc nhắc nhở hàng hậu bối hơn bốn mươi năm trước:
“Người làm việc nghĩa, người phụng sự Thiên cơ, người vạch lối chỉ đường cho xã hội, cho nhân loài, đâu phải để cho người đi sau mình hàng năm nhắc nhở, nhớ đến và cúng tế. Nếu chỉ có bao nhiêu ấy thì chính cái giá trị đó không cao hơn gì ngọn cỏ lau tranh.
Đành rằng người tiếp nối đi sau, dĩ nhiên bổn phận là nhắc nhở tôn thờ. Điều quan trọng, để nhớ ơn và thể hiện tinh thần, người tiếp nối phải làm thế nào để người ra đi không hờn tủi vì chưa ai biết đến cái kỳ vọng để đạt đến tiêu đề thâm diệu của tâm hồn mình qua những việc đã làm lúc hiện tiền. Đó mới chính là bổn phận của những ai đi sau.” [1]
Do đó, hằng năm, thiết lễ kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo là để cùng nhau nhắc lại sự kiện lịch sử trọng đại của nền Đại Đạo và cũng để làm sống lại cái hùng khí và tâm đạo ngút trời của các vị Tiền Khai Đại Đạo thuở xưa ngõ hầu un đúc tinh thần và nhiệt huyết của những con người tiếp nối sứ mạng hoằng khai Đại Đạo hôm nay.
Nhân kỷ niệm sáu mươi năm Khai Minh Đại Đạo vào năm Bính Dần (1986), Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Nhắc Bính Dần khai minh Đại Đạo
Nhớ bao người sáng tạo cơ đồ
Thoát vòng lợi trược danh ô [2]
Hiên ngang dũng cảm, tung hô Cao Đài
Dứt quyền quý, theo Thầy hành đạo
Mặc tù đày thánh giáo ngâm nga
Tâm thành chỉ một Trời Cha
Chỉ trong năm một Đạo nhà dựng xây.
Thật vậy, nhắc đến Khai Minh Đại Đạo, không thể không tưởng nhớ đến công ơn của các vị Tiền Khai Đại Đạo là những người “sáng tạo cơ đồ” đã trải qua biết bao hy sinh gian khổ để xây dựng nền Đại Đạo buổi sơ khai. Đó là quý tiền bối Ngô Văn Chiêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Ngọc Thơ, Lê Kim Tỵ, Hoàng Ngọc Trác, v.v…
Phần lớn quý tiền bối đều là những người có địa vị, quyền chức trong xã hội thời bấy giờ; nhưng tất cả đều đã hy sinh từ bỏ danh lợi để dồn hết tâm ý vào việc hành đạo như lời Đức Giáo Tông đã dạy: Thoát vòng lợi trược danh ô; Dứt quyền quý theo Thầy hành đạo.
Đức Chí Tôn khai mở nền đạo Cao Đài trong bối cảnh đất nước ta bị ngoại xâm. Miền Trung và miền Bắc bị đặt dưới ách bảo hộ của thực dân Pháp, còn miền Nam là thuộc địa của Pháp. Đã có biết bao nhà ái quốc đứng lên khởi nghĩa mong giành lại nền độc lập cho nước nhà và đã bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, sát hại.
Do đó, khi nền đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn khai mở qua phương tiện huyền cơ diệu bút và sớm quy tụ hàng mấy vạn người dân Việt nhập môn vào Đạo trong một thời gian rất ngắn, sự kiện này trở thành mối lo ngại rất lớn cho chính quyền thực dân. Vì thế mà các hoạt động của Đạo bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao (lúc bấy giờ, các buổi hội họp từ hai mươi người trở lên đều phải xin phép chính quyền).
Tuy nhiên, sự đàn áp và bắt bớ của thực dân Pháp vẫn không dập tắt được hùng khí và tâm đạo ngút trời của các vị tiền bối lúc bấy giờ, như lời Đức Giáo Tông nhắc lại: Hiên ngang, dũng cảm tung hô Cao Đài; Mặc tù đày thánh giáo ngâm nga.[3]
Quả thật, bất chấp bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao, bị đe dọa bắt bớ, các vị Tiền Khai của chúng ta vẫn hiên ngang dũng cảm hành đạo.
Một minh chứng cho điều này là sự kiện 247 vị chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài, vào đêm 23-8 Bính Dần, chẳng màng sự an nguy của bản thân, đã đến họp tại nhà tiền bối Nguyễn Văn Tường (1887-1939, cũng gọi Võ Văn Tường),[4] để ký tên vào tờ Khai Tịch Đạo (tức là tờ tuyên ngôn khai Đạo với chính phủ Pháp để nền Đạo mới có được tư cách pháp nhân).
Bên cạnh lòng dũng cảm của các vị tiền bối còn có phép mầu nhiệm của Thiêng Liêng. Ngay trước cuộc họp lịch sử đó, một cơn mưa như trút kéo dài nhiều giờ đã làm ngập nhiều nơi chung quanh. Cuộc họp vì thế được cô lập khỏi sự tò mò của người ngoài cuộc, nhất là cảnh sát thuộc địa.
Nhiều vị tiền bối khai Đạo bị bắt bớ, chịu tù đày: tiền bối Phạm Công Tắc bị đày đi đảo Madagascar,[5] tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt bị đày đi Côn Đảo, tiền bối Lê Kim Tỵ bị giam ở Tà Lài,([6]) ...
Sau khi thoát xác quy thiên, các vị Tiền Khai Đại Đạo đã đôi lần giáng đàn nhắc lại quãng đời hành đạo đầy hào hùng và gian khổ của quý ngài xưa kia. Đọc những dòng tâm sự của quý ngài, lòng chúng ta không khỏi bùi ngùi cảm xúc.
Đức Thượng Trung Nhựt và Đức Ngọc Lịch Nguyệt có lần hồi tưởng:
“Chúng Tiên Huynh đã trải qua biết bao lúc thăng trầm bĩ thới, trở ngại khó khăn, vào khám ra tù, lưu vong đất khách, hy sinh để tiếp nhận sứ mạng lập nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ năm Bính Dần cho đến ngày cổi bỏ xác phàm, rũ sạch những oan khiên nghiệp chướng. [7]
Đức Lê Kim Tỵ cũng bày tỏ ý chí kiêu hùng xem thường sự sống thác trước thế lực của ngoại bang muốn triệt tiêu mối đạo nhà:
Một tay, một cánh chống Lang Sa                  
Họ quyết bóp tan mối Đạo nhà
Sống thác thường tình đâu có nệ
Cho người biết được khí hùng ta.[8]
Những nhà tù Bà Rá,[9] Tà Lài lẻ loi giữa rừng sâu nước độc, những Côn Đảo, Mã Đảo cô lập giữa bốn bề biển cả mênh mông, và còn những chốn địa ngục trần gian khác nữa, tất cả đã là những chiếc lò bát quái nấu nung, thử thách tấm lòng can trường thiết thạch của người đạo Cao Đài buổi trước. Những người con áo trắng vì thế đã hy sinh, cho ánh vàng mười thêm rực rỡ trong ngọn lửa hồng. Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Hoàng Ngọc Trác bày tỏ:
Xác phàm tuy mất, khí thiêng còn
Nỗi Đạo, nỗi đời, nỗi nước non
Có gặp lửa hồng vàng biết giá
Tử sanh cũng giữ Đạo vuông tròn.[10]
Đó chính là hùng khí kiêu dũng của tiền nhân.
Ngày nay, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2 (quận 1, TpHCM) hãy còn rất nhiều chồng hồ sơ dày cộm làm chứng cho những biện pháp, thủ đoạn mà nhiều đời Toàn Quyền Đông Dương, Thống Đốc Nam Kỳ, Khâm Sứ Trung Kỳ cùng với những thuộc cấp thừa hành các tỉnh, quận... đã bày ra trăm phương ngàn kế để mong xóa sổ đạo Cao Đài.[11]
Tuy nhiên, đâu dễ gì làm trái lại Thiên lý và nhơn tâm. Trước hết là cơ Trời đã định sẵn. Đức Chí Tôn dạy rằng từ sáu mươi năm trước ngày Chí Tôn khai Đạo, chư Thần Thánh Tiên Phật đã ra tình nguyện hạ thế cứu đời.([12]) Còn nhơn tâm thì chí thành tin Đạo. Các Tòa Thánh, thánh thất, thánh tịnh Cao Đài bị thực dân Pháp đóng cửa; nhưng khi cơ đời biến chuyển thì bổn đạo liền tấp nập tựu về phục hồi lại các hoạt động lễ bái, hành đạo như xưa.
Tiền bối Kiến Vân Trương Sĩ Tấn (1917-1982), nguyên Ngọc Đầu Sư Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Bạch Y và tiền bối Thiện Quang Nguyễn Đức Thắng (1923-2003), nguyên Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Bạch Y, đã ghi lại như sau:
“Năm 1941, Pháp đầu hàng Đức ở chánh quốc. Tại Việt Nam, bọn thống trị thẳng tay đàn áp các phong trào nổi dậy của nhân dân. Đối với Cao Đài, chúng đã tình nghi thân Nhật nên cần phải thẳng tay triệt hạ (…). Trong năm này, Toàn quyền Decoux đã ra lịnh đóng cửa Tòa Thánh Tây Ninh, bắt ông Phạm Công Tắc đày qua Madagascar và đóng cửa tất cả thánh thất Cao Đài toàn quốc.” [13]
Ngày 09-3-1945, Nhựt Bổn đảo chánh Pháp. Tin tức ngay từ sáng đã lan xuống đến Rạch Giá. “Việc trước tiên của người tín đồ Bạch Y là kéo nhau từng đoàn đi về Tòa Thánh, đập bỏ tấm ván niêm phong cửa, xé bỏ thông báo đóng cửa và tuôn vào chánh điện quét dọn, chùi lau các kim thân. (…)
Những chiếc áo dài trắng từ mấy năm nay cất giữ kỹ càng được đem ra dùng trong lúc đa số chỉ còn những bộ đồ vá nát… Thật vô cùng cảm động trước tinh thần vì Đạo của bao nhiêu chức sắc, chức việc và tín hữu nữ nam.” [14]
Sau này, trong một lần giáng đàn tại Ngọc Minh Đài, Đức Thất Thánh Thượng Hoài Thanh (Nguyễn Tấn Hoài) đã xác định tinh thần bất diệt của Thiên lý và nhơn tâm ấy như sau :
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trải qua bao nhiêu lần thăng trầm bĩ thái, làm cho tất cả những người hành đạo, tâm đạo, học đạo, đều chịu những nỗi gian nguy cơ cực, kẻ chết chóc, người lao tù. Nhưng thời cơ đã đến, Thiên lý tự nhiên, dầu ai toan bẻ nạng chống trời, hay có kẻ mong dời non lấp biển, cũng chẳng làm sao được.” [15]
Nhắc đến công nghiệp tiền nhân, dù muôn lời vạn tiếng cũng không làm sao diễn bày cho rốt ráo. Quả thực, đúng như Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn cảm thán:
Ôi nhắc đến mà lòng tha thiết
Bậc tiền khai tâm huyết trải trang
Biết bao gian khổ trần hoàn
Điểm tô xây đắp Việt bang Cao Đài.[16]
Dưới sự dìu dắt hộ trì của Thiêng Liêng, với tất cả tấm lòng nhiệt thành tâm đạo, ý chí kiêu hùng dũng mãnh và đức hy sinh cao tột của các vị Tiền Khai Đại Đạo, nền Đạo nhà đã được dựng xây chỉ trong một năm như lời Đức Giáo Tông Đại Đạo đã nhắc:
Tâm thành chỉ một Trời Cha
Chỉ trong năm một Đạo nhà dựng xây.
Thật vậy, chỉ trong một năm từ đêm Noël 25-12-1925 - khi Đức Chí Tôn chính thức xưng hồng danh Cao Đài Tiên Ông, thâu nhận các vị tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang làm đệ tử - đến ngày rằm tháng Mười Bính Dần (19-11-1926), nền đạo Cao Đài đã chính thức ra mắt nhơn sanh với đầy đủ các yếu tố cấu thành một tôn giáo như: Giáo Chủ, giáo tượng, giáo phẩm, giáo lý, Pháp Chánh Truyền, với số tín đồ nhập môn vào Đạo đã lên đến con số khoảng nửa triệu người.
Một tháng trước đại lễ Khai Minh Đại Đạo, tức là vào tháng Chín Bính Dần, các vị Tiền Khai thọ lệnh Đức Chí Tôn lập Phổ Cáo Chúng Sanh để loan báo cho nhơn sanh hiểu biết về nền đạo Cao Đài. Các tiền bối đã tuân lệnh Thầy, chia làm ba nhóm đi phổ độ khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Người dân Rạch Giá ngay từ buổi đầu tiên ấy đã hưởng ứng theo đạo Cao Đài rất đông với tất cả tấm lòng nhiệt thành tin tưởng. Hai tiền bối Kiến Vân Trương Sĩ Tấn và Thiện Quang Nguyễn Đức Thắng viết:
… Người dân tỉnh Kiên Giang, từ thành thị đến thôn quê, đều nô nức nhập môn cầu Đạo. Đạo Cao Đài chưa công khai ra quốc dân, chưa có giấy phép hoạt động, nhưng đã có trên 1.000 tín đồ thi công xây dựng thánh thất chùa Phật Lớn. (…) Đi đâu người ta cũng nghe nói đạo Cao Đài. Dư luận tốt về Cao Đài không biết bao nhiêu và người tìm cách nói xấu cũng chẳng thiếu gì. Tốt hay xấu, người tín đồ Cao Đài lúc ấy chẳng màng nghĩ đến, họ cứ lo tu, họ cứ chú chuyên hành đạo, tình thương yêu huynh đệ của họ vẫn đắp bồi tạo dưỡng (…). Họ hân hoan đã được thành một tín đồ của một tân tôn giáo phát sinh trong dân tộc Việt Nam.” [17]
Trong suốt ba tháng diễn ra đại lễ Khai Minh Đại Đạo, hằng đêm đều có rất đông người đến thánh thất (chùa Gò Kén) xin nhập môn cầu Đạo. Tiền Khai Hương Hiếu kể lại:
“Buổi Khai Đạo tại chùa Gò Kén thật là một kỳ đại hội. Ban đêm hễ cúng thời Tý rồi thì cầu cơ nhập môn, kéo dài đến hai ba giờ sáng. (…) Thời buổi ấy đâu đâu cũng gom về chùa Gò Kén để nhập môn. Phái nữ thì tôi tiến dẫn. Đêm thì 90 vị, đêm thì 150 vị. Thật là con cái Đức Chí Tôn quy về tấp nập.(Đạo Sử, quyển I)
Chúng ta là những người thừa kế tiền đồ Đại Đạo do công lao khai sơn phá thạch của tiền nhân. Ôn lại sử Đạo là để nhìn về quá khứ tri ân tiền nhân, và cũng để làm sống lại hùng khí của một thời khai Đạo, để tự nung nấu tinh thần kiêu dũng oai hùng, đạo tâm kiên cố bất thối chuyển và đức hy sinh chói ngời của tiền nhân mà hướng về tương lai tiếp tục gánh vác sứ mạng Khai Minh Đại Đạo như lòng mong mỏi của Đức Cao Triều Phát:
Người đi trước quên mình vì Đạo
Mong ai sau hoài bão tương lai
Xương minh giáo lý Cao Đài
Mở cơ tận độ trong ngoài vạn bang.[18]
Vậy, sứ mạng Khai Minh Đại Đạo bao gồm những việc làm cụ thể nào?
1. Khai Minh Đại Đạo là làm cho nhơn sanh hiểu được đặc ân tận độ Kỳ Ba của Đức Thượng Đế mà vui mừng tiếp nhận để hồi tâm hướng thiện, hoàn thiện bản thân hầu có thể được cứu rỗi trong thời hạ nguơn mạt kiếp này.
Riêng dân tộc Việt Nam phải vui mừng vì được chọn làm sứ mạng tiền phong trong Tam Kỳ Phổ Độ và hãy giữ chặt lấy sứ mạng được ban trao như ôm giữ cái phao cứu sinh trong lúc đang chơi vơi giữa dòng sông mê biển khổ vậy; bởi lẽ, như lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
“Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhân loại trong kỳ hạ nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhân loại vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhất Thượng Đế giáng trần lập Đạo cứu độ và tận độ. (…) Hoàn cảnh lịch sử, thời điểm lịch sử, phải có giải pháp lịch sử, sứ mạng lịch sử và tất nhiên con người sứ mạng lịch sử. Ðiều này có nghĩa cụ thể là trong giai đoạn lịch sử này không làm tròn sứ mạng có một không hai thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào khác để thực hiện cả.” [19]
2. Khai Minh Đại Đạo là làm cho cơ Đạo được mở mang, cho giáo lý được truyền bá sâu rộng, cho nhơn sanh được thấm nhuần đạo lý.
Đức Mẹ có lần hỏi:
“Các con có biết vì sao những bực tiền bối lưỡng đài giáng cơ chỉ xưng toàn nhũ danh hay chức sắc thọ phong khi ở nơi trần hay không?”
Và Mẹ đã giải thích lý do:
Con ôi! Đó là những người hữu căn hữu vị, chẳng phải kém quả thiếu công. Nhưng bởi sứ mạng chưa tròn, nên trước Linh Tiêu phát đại nguyện rằng nếu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không quy được Tam Giáo, không hiệp được Ngũ Chi, các Tòa Thánh, Hội Thánh, thánh thất, thánh tịnh của các sứ mạng đã xây dựng nơi cõi trần, thì nguyện không vào hàng Tiên vị, sẽ chuyển luân nơi cõi tạm cho đến khi nhiệm vụ hoàn tất, sứ mạng vẹn tròn, mới chứng quả Tiên bang [20] và an lòng nơi Cực Lạc.
Hỡi các con! Các con có cảm nghĩ đến việc nầy như thế nào không? Mẹ rất đau lòng khi nghe lời nguyện ấy, nên chi Mẹ giáng xuân nầy để khuyên các con hãy cố gắng hành đo tu thân. Nếu các con ở vào cương v nào, đa phương nào, hãy ráng lo nơi ấy cho Đo được mở mang, giáo lý quảng truyền, cho nhơn sanh quanh vùng đưc thấm nhuần hc đo, để nối tiếp kề vai gánh vác bớt mt phần nhim v cho người quá vãng, và bồi công lập đức, đon nghiệp, trau thân của kiếp sinh tồn hin ti của con.”-[21]
3. Khai Minh Đại Đạo là khai sáng điểm Đạo tự hữu nơi mỗi người.
Cá nhân là một tế bào của xã hội. Muốn có được một xã hội lành mạnh thì cá nhân phải lành mạnh. Mỗi người đều có một điểm Đạo tự hữu nơi mình (cũng gọi là Thượng Đế tính, tính Trời, hay Phật tính). Tuy nhiên, điểm Đạo tự hữu ấy từ lâu đã bị lớp bụi vô minh của thất tình lục dục và tham sân si che lấp phủ mờ, khiến con người gây nhiều ác nghiệp tội lỗi chất chồng. Do đó, Khai Minh Đại Đạo cũng chính là khai sáng điểm Đạo tự hữu nơi mỗi con người bằng cách khoát vén, tảo trừ lớp bụi vô minh ấy để Thượng Đế tính được phát huy sáng ngời, để mỗi cá nhân trở thành một con người thuần lương đạo đức góp phần xây dựng một xã hội an bình hạnh phúc cho toàn nhân loại như lời dạy của Đức Đông Lâm Tiên Trưởng:
“Trong một thân người, chân dùng để đi, tay để nắm cầm chọn lựa, ngũ tạng lục phủ để thanh lọc tiêu hóa vận hành, đầu não tâm cơ để linh hoạt điều khiển; tuy các tư kỳ phận [22] nhưng liên hệ mật thiết, nếu một phần bị hư hoại, thì thân ấy chung chịu phế nhân. Thế nên gia đình, xã hội, quốc gia, tôn giáo hay trên mọi hình thức tập thể, muốn được hoàn hảo, thì mỗi cá nhân phải tự sinh tồn hoàn hảo trước đã.
Đời loạn Đạo mới khai. Người bị điên đảo vì ngoại vật mới cần tu cần học. Tu để sửa, học để hành, sửa cái u tệ xấu xa sai lạc trở về đường ngay nẻo thẳng, hành cho đúng đạo, cho trở nên con người chí thiện chí mỹ, mới có được một xã hội thánh đức thuần lương.
Phương pháp thành công của các bậc Giáo Tổ đạo gia khi xưa, trước tiên là phản tỉnh nội cầu, hồi quang phản chiếu.[23] Có nhìn vào trong, xem xét bên trong mới giảm bớt được sự thâu nạp vô tiết độ, khoát vén tảo trừ lớp vô minh che lấp, bịnh hoạn chấp trước, phân biệt, ích kỷ, độc tôn, phiền não,v.v... Tóm lại là những thứ vật tảo hại tâm linh mà ta nhận lầm là con, là quyến thuộc. Còn biết soi sáng vào mình thì mới thấy cơ năng hoạt động, sẽ hòa theo nhịp điệu Hóa Công mà phát huy cho công năng của nhân sinh, của vũ trụ. Đó gọi là Khai Minh Đi Đo vậy.” [24]
Sau cùng, mỗi người môn đệ Cao Đài cần nên ghi nhớ lời dạy của các vị Đại Tiên Tiền Khai Đại Đạo về sứ mạng Thiên ân mà mỗi người con áo trắng được nhận lãnh:
“Không có cơ hội nào bằng cơ hội này, người tu hành chân chính sẽ thực hiện được cái Đạo tự hữu nơi mình trong sứ mạng Thiên ân. Mất mát vì lợi danh chưa phải là khổ, suốt ngày chật vật vì sự sống chưa phải là khổ, mà những kẻ để Thiên chân mờ lấp, tục tánh biến sanh, có ngã có nhân, có oan có trái, sống một cuộc sống tương tàn vì lợi vì danh, sống cuộc sống câu thúc kiềm tỏa bởi tiền bạc tình thức, chết đi lại luân hồi mãi mãi mà không thực hiện được sứ mạng Thiên ân, đó mới là cái khổ bất diệt.” [25]
Ước mong sao mỗi mùa Khai Minh Đại Đạo, khi cùng nhau kính thành tổ chức đại lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, tất cả người đạo Cao Đài chúng ta đều tâm tâm niệm niệm khắc ghi lời bảo ban nhắn nhủ của các Đấng, đem những lời vàng tiếng ngọc đó mà quán xét lại chính mình, điều chỉnh lại cuộc đời tu học, hành đạo của mình cho đúng theo những lời Ơn Trên dạy dỗ.
Được như thế, có nghĩa là chúng ta đang Khai Minh Đại Đạo nơi tâm hồn mình, để chính tâm hồn chúng ta cũng được sáng ngời ánh Đạo. Chỉ khi bản thân chúng ta được sáng như vậy thì mới mong chia sẻ nguồn sáng thiêng liêng này với nhơn sanh, mới có thể biến cải mỗi người đạo làm một ngọn đuốc thiêng dắt lối dẫn đường nhơn sanh trở về với Thượng Đế.
Cầu xin Đức Chí Tôn phù trì cho chúng con, để mỗi ngày sống đạo, hành đạo là mỗi ngày chúng con tự Khai Minh Đại Đạo nơi tâm hồn mình và tâm hồn anh em chúng con.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.[26]
DIỆU NGUYÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo



[1] Thánh thất Nam Thành, 23-8 Canh Tuất (22-9-1970).
[2] Lợi trược danh ô: Lợi danh ô trược (nhơ nhuốc).
[3] Cho dù đang bị tù đày, các vị vẫn an nhiên tự tại, ngâm nga thánh giáo, giữ vẹn đức tin và một lòng sắt son với Đạo.
[4] Tiền bối Nguyễn Văn Tường là một viên chức cảnh sát, nhà ở số 237 bis, trong một hẻm trên đường Gallieni, Sài Gòn (nay là số 208 đường Cô Bắc, quận 1, TpHCM).
[5] Madagascar (Mã Đảo) là một đảo quốc trên Ấn Độ Dương, ở phía đông nam bờ biển châu Phi. Madagascar là đảo chính và lớn hàng thứ tư trên thế giới (587.040km2). Vương quốc Madagascar bị thực dân Pháp xâm lăng (1883), chiếm làm thuộc địa (1896). Trước khi giành lại độc lập (1960), Madagascar là một trong những nơi thực dân Pháp lưu đày các nhà ái quốc Việt Nam.
[6] Tà Lài ngày nay là một xã ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
[7] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14 rạng 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).
[8] Vĩnh Nguyên Tự, 01-01 Bính Ngọ (21-01-1966).
[9] Vùng núi Bà Rá ngày nay thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách TpHCM 180 km.
[10] Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (25-01-1968).
[11] Theo Huệ Khải, Lòng Con Tin Đấng Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 27-29, 31.
[12] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, bản in 1964, tr. 47.
[13] Tiểu Sử Phái Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý, bản đánh máy, tr. 10.
[14] Tiểu Sử Phái Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý, bản đánh máy, tr. 11.
[15] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 05-01 Bính Ngọ (25-01-1966).
[16] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
[17] Tiểu Sử Phái Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý, bản đánh máy, tr. 12.
[18] Thánh thất Nam Thành, 23-8 Canh Tuất (22-9-1970).
[19] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-8 Bính Dần.
[20] Tiên bang: Cõi Tiên.
[21] Thánh thất Tân Định, 06-01 Bính Ngọ (26-01-1966).
[22] Các tư kỳ phận: Mỗi bộ phận có một nhiệm vụ riêng.
[23] Phản tỉnh nội cầu, hồi quang phản chiếu: Quay vào trong, xem xét kỹ nội tâm của mình.
[24]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý, 15-10 Đinh Tỵ.
([25] Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý, 15-10 Kỷ Mùi.
[26] Bài nói chuyện tại thánh thất Huyền Linh Đàn (Hội Thánh Cao Đài Bạch Y), số 590 Trần Khánh Dư, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, tối Thứ Bảy 16-11-2013 (14-10 Quý Tỵ). 



Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: