“Phiêu phiêu Tiên cảnh mây lành dời chơn.” Hai chữ phiêu phiêu
trong bài thánh giáo Nhắn Nhủ Người Sau của
Đức Cao Triều Tiền Bối [1] nhắc ta
nhớ tới bài thơ Bạch Dương Hành 白楊行 của Phó Huyền 傅玄 (217-278), tự Hưu Dịch 休奕, đời Tây Tấn:
Bạch vân phiêu phiêu
Xả ngã cao tường
Thanh vân bồi hồi
(Mây trắng
bồng bềnh
Rời ta cao bay
Mây xanh lững lờ
Lệ sầu
ta thôi.)
Phiêu phiêu 彯彯: Bay phất phơ, bay nhẹ nhàng. Xả 捨: Từ bỏ (to abandon).
Tường 翔: Bay lên (to soar). Tập 戢: Ngưng lại, thôi, dứt (to cease). Đề 啼: Khóc (to cry);
nước mắt (tears). Bồi hồi 徘徊: Do dự, không dứt khoát (to hesitate). Lưu ý: Khác
với người Hoa, người Việt dùng từ bồi hồi
theo nghĩa xao xuyến, bồn chồn trong
lòng.
Người Việt dùng một số từ gốc Hán khác
hẳn người Hoa. Thí dụ:
1. Tử tế 仔細 theo người Hoa có nghĩa kỹ lưỡng, tỉ
mỉ; rõ rệt, rõ ràng; cẩn thận; tằn tiện, tiết kiệm. Tuy nhiên, người Việt lại hiểu
tử tế là tốt bụng; ăn mặc tử tế tức là ăn mặc tươm tất, đàng
hoàng, lịch sự.
2. Kỳ khôi 琦瑰 theo người Hoa có nghĩa lạ lùng và
lớn lao khác thường (ý tốt). Tuy nhiên, người Việt lại hiểu kỳ khôi là kỳ cục, chẳng giống ai (ý xấu).
3. Nhân tình 人情 theo
người Hoa là tình cảm con người. Họ nói nhân
tình chi thường 人情之常 nghĩa là tình cảm bình thường của con
người. Trái lại người Việt nói “anh ấy có nhân
tình” theo nghĩa anh ta có “mèo”, có dan díu yêu đương với phụ nữ nào đó mặc
dù anh đã có vợ.
4. Người Việt gọi vị đứng đầu Hội Thánh Công Giáo là Giáo Hoàng (Pope), nhưng
khi dùng chữ Hán phải viết đúng là Giáo Tông
教宗; cũng vậy, người Việt gọi
tín đồ Công Giáo là giáo dân, nhưng khi dùng chữ Hán phải viết đúng
là giáo hữu 教友.
*
Nhân đây, cũng nên lưu ý tới thói quen sính dùng từ Hán-Việt trong cộng
đồng Cao Đài.
Nhiều thánh sở Cao Đài xưa nay vẫn chuộng cách viết sớ và đọc sớ theo âm
Hán-Việt, bởi lẽ cứ nghĩ rằng như thế mới trang trọng (!). Tuy nhiên, vì không
rành cú pháp chữ Hán, người soạn nội dung lá sớ thường hay nhầm lẫn. Thí dụ:
5. Một thánh sở ở quận Một, thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi nhắc tới địa
chỉ thánh sở của mình trong nội dung lá sớ, thường viết: ... Hồ
Chí Minh thành phố, Đệ Nhứt quận [sic].
Người soạn
lá sớ đó đã nhầm lẫn. Không phải cứ đảo ngược “thành phố Hồ Chí Minh” ra
“Hồ Chí Minh thành phố” là tức khắc trở thành chữ Hán! Lẽ ra phải viết và đọc
cho đúng là Hồ Chí Minh thị 胡志明市.
Thị là thành
phố. Viên chức đứng đầu thành phố là thị
trưởng 市長 (tiếng
Anh: mayor; tiếng Pháp: maire).
6. Có
thánh sở nhân lễ kỷ niệm ngày sinh (vía) Đức Giáo Tông đã đọc sớ theo âm Hán-Việt
như sau: Kim vì Đức Giáo
Tông thánh đản chi lễ…
Người soạn
lá sớ đó đã nhầm lẫn. Trước hết, đọc vì
là theo tiếng Việt, lẽ ra đọc là vị 為.
Kế nữa,
chữ Đức dùng trước tên người để
tỏ lòng tôn kính (honorific) là cách
dùng riêng của người Việt; người Hoa không dùng, cho nên không được viết
là 德教宗 (Đức Giáo Tông).
7. Có sớ
viết: Kim hữu đệ tử (Nguyễn Mỗ, Chánh
Hội Trưởng…) hiệp dữ chức việc, đạo
hữu nam nữ quỳ tại điện tiền thành tâm trình tấu.
Nói (hay viết) “đạo hữu nam nữ quỳ” là theo tiếng Việt, không phải theo cú pháp chữ
Hán.
Và còn nhiều lỗi khác nữa.
Thà rằng viết tiếng Việt và viết đúng, ai
nghe đọc sớ cũng hiểu rõ ý nghĩa và cùng tập trung tư tưởng vào lời sớ để thành
kỉnh dâng lên Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng thì chẳng phải là hay hơn
không?
Đức Cao Đài Thượng Đế mở Đạo tại Việt Nam và dùng chữ
quốc ngữ, không lẽ Thầy từ khước lá sớ tiếng Việt ư?
Đức Chí Tôn không có quốc tịch, hà tất cứ phải dùng chữ Hán (mà lại dùng sai chữ)
để dâng trình ư?
Sau này, khi đạo Cao Đài truyền sang Anh,
Mỹ, Pháp, Đức… không lẽ cũng bắt tín đồ người Anh, Mỹ, Pháp, Đức không được
dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… lúc đọc sớ dâng Thầy ư?
Các bậc tiền nhân của Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài xuất thân ở đất Quảng, vốn là đất văn học, đất của Ngũ phụng tề phi 五鳳齊飛.[3] Các cụ tiền bối của Hội
Thánh Truyền Giáo vì thế phần nhiều đều giỏi chữ Hán; thế nhưng chính các cụ
đã nhìn xa thấy rộng, đã tiên liệu tệ trạng của những lá sớ nửa nho nửa... chùm
ruột (hay sơ ri) nên đã sáng suốt quyết định dùng chữ quốc ngữ để soạn lời sớ
dùng trong hệ thống Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài khắp cả hai miền Trung và Nam.
Lúc hơn hai mươi tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe đọc sớ chữ quốc ngữ tại
thánh thất Trung Minh (quận 11, TpHCM). Thuở ấy tiền bối Bảo Pháp Thanh Long (Lương
Vĩnh Thuật, 1918-1982) đang còn khang kiện lắm.
Tôi không phải là tín đồ của Hội Thánh Truyền Giáo, nhưng hôm xưa ấy,
khi quỳ bên cạnh các đạo hữu Trung Minh trong nghi thức dâng sớ cầu siêu cho nữ
tu Nguyễn Thị Yến (tạ thế còn rất trẻ), chính vào lúc lắng nghe từng chữ tiếng
Việt được đọc rõ ràng, với âm điệu khẩn thiết bi thương, tôi thấm thía mà không
cầm được nước mắt.
Phép tu hành rất coi trọng luật cảm ứng. Nếu lá sớ dùng chữ
Hán-Việt (dẫu có soạn đúng cú pháp chữ Hán chăng nữa) thì đạo hữu vẫn không hiểu
rõ, không thể xúc cảm, nên không cảm ứng được với các Đấng thiêng liêng.
Biết bao giờ chúng ta mới đổi mới được não trạng câu nệ lá sớ chữ Hán mặc
dù càng ngày càng yếu kém chữ Hán!
NGÔ BÁI THIÊN
[1] Văn Uyển tập Nguyên, xuân Quý Tỵ, 2013.
[3] Năm con
chim phượng cùng bay. Tỉnh Quảng Nam có năm danh sĩ cùng đỗ đại khoa
vào năm 1898. Chim trống gọi là phụng hay phượng 鳳, chim mái gọi là hoàng 凰.
Đại Đạo Văn Uyển trân
trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài
tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ:
|