Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

ĐĐVU 06 / CÙNG HƯỚNG VỀ MỘT HỘI THÁNH CAO ĐÀI TRUNG ƯƠNG / Truyền Trạng Thanh Căn

Image result for CAODAISM

Từ xưa, các tôn giáo lớn sau khi thành lập một thời gian đều chịu chung hai quy luật hầu như bất cưỡng là nhứt bổn tán vạn thù (một gốc sanh ra muôn sai biệt) và vạn thù quy nhứt bổn muôn sai biệt trở về một gốc).
Các tôn giáo (Phật Giáo, Công Giáo…) có mấy ngàn năm lịch sử, phải đến vài trăm năm sau khi thành lập mới có sự phân tông tách phái, chia dòng rẽ nhánh để đáp ứng nhu cầu và thích hợp với căn cơ, phong tục, tập quán của mỗi người, mỗi địa phương khác nhau, nhưng giáo lý căn bản hầu như vẫn không khác nhau.
Đạo Cao Đài hiện nay với tám mươi tám năm tuổi đạo so với các tôn giáo lớn trên thế giới hãy còn quá trẻ, nhưng tính phổ cập, lan tỏa của đạo Cao Đài phát triển rất nhanh, và cũng chính vì thế mà sự phân chi tách phái sớm hơn các tôn giáo khác. Sự phân chi tách phái nầy không ngoài nguyên nhân khách quan có tính Thiên cơ và thế sự, đồng thời cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do nhân tâm nhân ý.
Dù bởi nguyên nhân nào chăng nữa, đạo Cao Đài bao gồm các chi phái và các tổ chức Cao Đài hiện hữu là một thực thể không thể phủ nhận. Theo dòng sử Đạo, từ những thập niên 30 đến 70 của thế kỷ trước, các vị tiền bối đã bao lần khởi xướng công cuộc vận động quy hiệp, nhưng vẫn chưa thành công, như có lần Đức tiền bối Nguyễn Trung Hậu giáng cơ gởi chút tâm tình đạo sự nhân ngày đầu xuân:
Một ngày nào khắp cả nơi nơi
Chi phái Đạo sẽ họp nhau cùng chấn chỉnh
Mười mấy thu dư đã bao lần toan tính
Nhưng loay hoay trong chỉ rối với tơ cuồn...[1]
Tuy hoài bão của các bậc tiền nhân chưa thành hiện thực, nhưng tinh thần vì Thầy vì Đạo ấy lại là tiền đề cho sự nghiệp thống nhứt Đại Đạo trước trào lưu hội nhập toàn cầu, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà.
Hướng tới sự nghiệp thống nhứt Đại Đạo, hướng tới một trăm năm đạo Cao Đài, hướng tới vị thế (position) của nền tân tôn giáo trong cộng đồng nhân loại trên thế giới, toàn thể tín hữu và chức sắc Cao Đài chúng ta còn do dự chi nữa mà không cùng nắm chặt tay nhau chung một tấm lòng thương Thầy mến Đạo, cùng ngâm vang bài thánh thi bằng hơi hướm của trái tim chan chứa tình huynh đệ:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Đạo tức một Cha
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.[2]
Hình tượng chữ hòa rất đơn giản, là cái miệng (khẩu) ăn cơm (hòa: lúa), nhưng muốn có được hạt cơm ăn, phải vất vả trải qua nhiều công đoạn gieo cấy, chăm bón, gặt đập, phơi khô, chà lúa ra gạo, nấu gạo thành cơm. Cũng như thế, muốn chữ hòa biến thành một Hội Thánh Cao Đài Thống Nhứt còn phải qua nhiều giai đoạn, vượt qua nhiều chướng ngại do lịch sử để lại và do nhân tâm thế sự phát sinh.
VƯỢT QUA NHỮNG CHƯỚNG NGẠI
Trong hiện tình đất nước đang mở rộng vòng tay giao lưu cùng thế giới, người tín hữu Cao Đài nhờ đó mở rộng thêm tầm nhìn, vươn mình ra khỏi vỏ ốc bảo thủ, độc tôn, óc địa phương (provincialism). Thế nên những gì mà Đức tiền bối Nguyễn Trung Hậu giáng cơ nhắn nhủ và tỏ nỗi ưu tư cách nay bốn mươi bảy năm, bây giờ đều có mòi chuyển biến. Cá tánh chấp nê cũng dịu dần, óc địa phương cũng nhạt bớt, nguyện vọng thống hiệp cũng tăng cao:
Cả tiếng kêu huynh đệ khắp Tam Giang,[3]
Nên nhớ lại lời Trên ban khi mở Đạo.
Bởi cá tính mà sanh khảo đảo,
Nặng địa phương rồi tố cáo lẫn nhau,
Để người đời chẳng biết nghĩ sao,
Cho nội bộ Cao Đài trong chánh nghĩa.
Lời thiết thạch gởi cùng huynh đệ,
Khắp đó đây nên nhớ lại ghi lòng,
Một địa phương hỏi có đủ sức gánh gồng,
Một chi phái hỏi có lo xong trọng đại?
Một chiếc đũa e có ngày bị bẻ gãy,
Một tao dây cáp con có lúc bị chúng lại bứt ngang.
Tốt hơn là đặt kế hoạch trong khắp Tam Giang,
Thường liên lạc luận bàn hầu tìm lối thoát.[4]
Tổ Chức Giao Lưu Các Hội Thánh Và Các Tổ Chức Cao Đài [5] ra đời nhằm tiếp nối con đường hòa hiệp mà các đấng tiền bối khả kính đã đi qua. Chúng ta đang có một hoàn cảnh và điều kiện rất thuận lợi cho việc kết nối những vòng tay Đại Đạo, xe chặt lại những “tao dây” chi phái cho bền chắc để củng cố nội lực của nền tôn giáo do Thầy (đấng Cha Cả của Sự Thương Yêu) khai sáng cho dân tộc Lạc Hồng trước khi phổ hóa khắp năm châu. Vì thế:
 Chúng ta sẽ không phí phạm thời gian vào những cuộc luận bàn vô ích về những đúng sai của thế hệ tiền nhân trong từng trang sử cũ. Chúng ta sẽ mở tấm lòng trong trẻo ra đón lấy ánh từ quang của Đấng Cha Lành để xóa tan những áng mây mờ tự tôn tự mãn, trả lại sự sáng trưng cho bầu trời Đại Đạo vốn chánh đại quang minh, với công năng cứu độ Kỳ Ba.
Chúng ta sẽ không còn vin vào bất kỳ lý do hay tiểu tiết nào để “dán nhãn” cho bà con đồng đạo mình là “bàng môn tả đạo” [sic] nữa. Một khi đã nhập môn đạo Cao Đài thì ai cũng muốn tu hành, tuân theo giới luật điều quy và tôn chỉ mục đích của Đại ĐạoTam Kỳ Phổ Độ, đoạn trừ phiền não thế gian, tìm cơ giải thoát. Do đó thuận tiện vào Hội Thánh nào thì bà con đồng đạo mình xin vào làm tín đồ Hội Thánh đó. Ai ai cũng nghĩ đơn giản rằng Hội Thánh nào chăng nữa thì vẫn là Cao Đài đấy thôi.
Hình thức tôn giáo chỉ là phương tiện, là thuyền từ đưa ta đến bến bờ giải thoát, chớ nào phải là chỗ cho ta ăn đời ở kiếp trên đó đâu! Thế nên thay vì cứ neo đậu tại một chỗ mà nhứt quyết bảo rằng chiếc thuyền mình đi mới thiệt là thuyền Trời, còn mấy chiếc thuyền khác là thuyền ma thuyền tà, thì chúng ta hãy cùng lo chèo chống cho mau tới bến tới bờ, như vậy mới sớm mong đạt được mục đích cuối cùng (cứu cánh) là cơ tuyệt khổ đại đồng.
ƒ Chúng ta sẽ không còn sống trong não trạng “bằng mặt không bằng lòng” nữa. “Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau.” [6] Giao tiếp giữa những thành viên trong Tổ Chức Giao Lưu với nhau không đơn thuần bằng những thái độ và ngôn từ xã giao, mà chủ yếu bằng tình cảm chơn thật xuất phát từ tấm lòng hòa ái của những anh chị em cùng Cha Trời, Mẹ Phật. Vì khi đã nhận lãnh sứ mạng phụng sự cho công cuộc thống nhứt Đại Đạo, tất nhiên các tổ chức thành viên đều có sẵn “thành ý chánh tâm” là yếu tố chủ chốt đầu tiên như “Diễn Từ” của vị trưởng phái đoàn các Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tham dự Hội Nghị Thống Nhứt tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 17-10 Nhâm Tý (22-11-1972):
“Thật vậy, rút kinh nghiệm của những giai đoạn quy nhứt, hiệp nhứt, thống nhứt, và cũng vâng theo thánh huấn của Thiêng Liêng, việc thống nhứt cần phải theo một tiến trình hợp lý hợp tình gồm có mấy giai đoạn sau đây, mà giai đoạn “đầu mốc” phải là thành ý chánh tâm.
1. Thành ý chánh tâm.
2. Hòa hiệp tinh thần.
3. Thống nhứt ý chí.
4. Thống nhứt hành động, và sau cùng mới
5. Thống nhứt hình thức.
Mọi cuộc vận động hay hội nghị nhằm thống nhứt nền Đại Đạo, nếu không do thành ý chánh tâm, chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được sở nguyện.” [7]
Hội đủ những yếu tố nêu trên cũng có nghĩa là chúng ta hoàn tất được ba chặng đầu (thành ý chánh tâm, hòa hiệp tinh thần, thống nhứt ý chí), giúp vượt qua những chướng ngại về tâm lý để có đủ thánh tâm mà thi hành thánh sự.
Chúng ta ước mong bước kế tiếp của Tổ Chức Giao Lưu là sẽ thảo luận để thành lập một Hội Đồng mà tên gọi có thể sẽ tùy chọn một trong hai gợi ý như sau:
* Hội Đồng Hướng Đạo (căn cứ thánh giáo của Đức Chí Tôn giáng dạy tại thánh thất Nam Thành ngày 01-01 Tân Hợi (27-01-1971). [8]
* Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (nếu theo quyết nghị của chín phái Đạo nhóm họp lần đầu tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 17-10 Nhâm Tý (22-11-1972) và phiên họp lần thứ hai ngày 26-11 Nhâm Tý (31-12-1972). Mục đích thành lập Hội Đồng nầy, trong bản “Thông Tri Toàn Đạo” của Ban Thường Vụ Lâm Thời Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đạo Cao Đài gởi cho toàn Đạo, do tiền bối Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa (Trưởng Ban Thường Vụ Lâm Thời) ký ngày 01-12 Nhâm Tý (04-01-1973) nêu rõ:
…mục đích thống nhứt về mặt tinh thần, nhìn chung một Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và tạm thời tôn trọng hệ thống tổ chức nội bộ của mỗi chi phái..
(…)
“Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt chúng tôi tha thiết kêu gọi chư Quý Huynh Đệ Tỷ Muội trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vì sứ mạng thiêng liêng, vì đạo nghiệp của nền Đại Đạo Cao Đài hãy tích cực tham gia để cho cuộc vận động thống nhứt được mang lại kết quả thật sự hầu làm vui lòng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu hằng mong đợi.” [9]
Khi nào thành lập được Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là chúng ta hoàn thành thêm chặng thứ tư là “thống nhứt hành động”.
HỘI ĐỒNG VẬN ĐỘNG THỐNG NHỨT ĐẠI ĐẠO
Chúng ta tạm hình dung một viễn cảnh như sau:
Sau khi nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong Tổ Chức Giao Lưu về Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đại Đạo, các Hội Thánh và tổ chức thành viên sẽ tuyển chọn và đề cử nhân sự của mình vào Hội Đồng nầy.
Bước kế tiếp, toàn thể các đại biểu do các Hội Thánh chánh thức đề cử sẽ mở phiên họp công cử các chức vụ và ủy viên, soạn thảo quy chế làm việc cho hiệu quả, đáp ứng được mục đích của Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đại Đạo.
Hội Đồng nầy sẽ ưu tiên phân công, cử phái đoàn đến thăm các Hội Thánh, các Ban Đại Diện tỉnh, thành… trong toàn quốc với mục đích thắt chặt tình đồng đạo và giới thiệu, cổ xúy tinh thần thống nhứt Đại Đạo.
Có thể Hội Đồng nầy sẽ hoạt động không hạn kỳ (giống như Tổ Chức Giao Lưu hiện nay) và sẽ tự giải thể vào thời điểm đã hình thành được Hội Thánh Cao Đài Trung Ương (hay Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ duy nhứt như buổi ban sơ).
HỘI THÁNH CAO ĐÀI TRUNG ƯƠNG
Chúng ta lại tạm hình dung thêm viễn cảnh nầy:
Mọi nỗ lực trong quá trình hoạt động của Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là “thống nhứt hình thức” theo điểm 5 trong Diễn Từ của vị trưởng phái đoàn các Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tham dự Hội Nghị Thống Nhứt Tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 17-10 Nhâm Tý (22-11-1972), đã trích dẫn trên đây.
Nói tới “thống nhứt hình thức” chúng ta có thể hiểu là thành lập Hội Thánh Cao Đài Trung Ương. Những vấn đề liên quan tới Hội Thánh mơ ước này dĩ nhiên sẽ bao gồm việc xác định trụ sở trung ương (chẳng hạn là Tổ Đình, tức Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh); kế đến là thành phần nhân sự điều hành Hội Thánh Trung Ương bao gồm những bậc Thiên ân hướng đạo khả kính, tài đức lưỡng toàn, được các nơi công cử về mái Nhà Chung của Đại Đạo.
Một khi đã đạt được kết quả như tạm nêu trên, các bậc Thiên ân hướng đạo hữu trách trong mái Nhà Chung của toàn Đạo sẽ hoạch định những bước đi kế tiếp...
Nghĩ tới viễn cảnh ấy, quả thật vui lắm thay! Hạnh phúc lắm thay!
TÂM TƯ VÀ TÂM NGUYỆN
Người viết bài nầy chỉ là một đứa em nhỏ trong gia đình Đại Đạo. Những điều mơ ước diễn bày trên đây chỉ là vài phác thảo phản ánh tâm tư và tâm nguyện mà bản thân bấy lâu vẫn hằng ấp ủ.
Đọc bài của Hữu Đạo trên Văn Uyển Xuân Quý Tỵ, tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa khi thấy tác giả viết:
“Nhớ lại, năm nọ nhân dịp xuân mới, các Hội Thánh Cao Đài tổ chức thành phái đoàn trang trọng và khá đông thành viên, cùng đến chúc tết một vị chức sắc rất cao trọng của một tôn giáo bạn tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong phần đáp từ, vị đại chức sắc ấy chơn thành cảm tạ tấm lòng của người đạo Cao Đài, và bày tỏ rằng theo lý thì ngài phải thân hành đến Hội Thánh Cao Đài đáp lễ; nhưng, ngài mỉm cười, Hi Thánh Cao Đài li có nhiều, vì vậy ngài không biết nên tới nơi nào trước…” [10]
Từ nay đến khi Đạo Thầy tròn một trăm tuổi chỉ còn vỏn vẹn mười hai năm! Có lẽ người đạo chúng ta cũng nên bắt đầu “đếm ngược” (counting down) để tự nhắc nhở, và ý thức rằng khoảng cách từ nay cho đến đại lễ kỷ niệm một trăm năm đạo Cao Đài đang rút ngắn cụ thể như thế nào, quỹ thời gian của toàn Đạo chúng ta đang vơi nhanh đi ra sao. Khi nhìn rõ rệt sự thâu ngắn ấy thì bà con nhà đạo chúng ta sẽ càng thêm “nóng ruột”, càng thêm đau đáu trở trăn mong muốn sao cho đến ngày đại lễ ấy gia đình Đại Đạo chúng ta thực sự đã là mt Nhà Chung duy nhứt. Như thế, các tổ chức quốc nội và quốc tế mỗi khi muốn tiếp xúc với đạo Cao Đài thì có địa chỉ liên lạc chính thức; chúng ta cũng dễ có đại diện chính thức của tôn giáo Cao Đài góp tiếng nói trên diễn đàn các hội nghị tôn giáo hoàn cầu, có điều kiện pháp lý để truyền đạo và lập các thánh sở ra các nước năm châu, để thật sự vẹn tròn câu “Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai” trong bốn thời cúng mỗi ngày.
Mà mong muốn không cũng chưa đủ! Cầu nguyện sao cho mong muốn chánh đáng của chúng ta sẽ mau chóng biến thành ý chí và quyết tâm thi hành đạo sự chung.
Vững đức tin vào Đấng Chí Tôn, chúng ta biết chắc rằng cái ngày tươi vui hạnh phúc lớn lao với một Hội Thánh Thống Nhứt rồi sẽ tới, để làm chứng cho lời tiên tri của Đức Thượng Đế ngót chín mươi năm trước:
Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.[11]
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên
Bến Tre, 02-3-2013




[1] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 21-01-1966. Theo Đại Đạo Văn Uyển tập Nguyên, Xuân Quý Tỵ. Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 31.
[2] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn ngày 20-02-1926.
[3] Tam Giang: Tiền Giang, Hậu Giang và Trung Giang.
[4] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 21-01-1966. Theo Đại Đạo Văn Uyển tập Nguyên, Xuân Quý Tỵ, Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 32-33.
[5] Sau đây sẽ gọi tắt là “Tổ Chức Giao Lưu”.
[6] Tân Luật, Điều thứ Hai Mươi Hai.
[7] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Cao Đài Giáo Lý, số 81. Sài Gòn: tháng 11 và 12-1972, tr. 39.
[8] “Kế đến, các con lãnh đạo, hướng đạo của các chi phái hãy bắt tay nhau, cùng kết hợp lại thành một Hội Đồng Hướng Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ.” Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất - Tân Hợi (1970-1971). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 174.
[9] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Cao Đài Giáo Lý, số 81. Sài Gòn: tháng 11 và 12-1972, tr. 69-70.
[10] Đại Đạo Văn Uyển tập Nguyên, Xuân Quý Tỵ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 58.
[11] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn ngày 20-02-1926.