Vào hai thập niên 60-70 của thế kỷ trước, trong các trường tiểu học hoặc các vùng nông thôn miền Nam Việt Nam , trẻ con thường chơi trò “Thiên đàng địa ngục hai bên”. Trò chơi này chơi như thế nào?
Trong số 425 bức ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia tài năng người Indonesia tên Rarindra Prakarsa tại địa chỉ internet “photo.net/photos/rarindra”, có một tấm ảnh màu tuyệt đẹp miêu tả trẻ con Indonesia đang chơi trò rồng rắn ở một làng quê. Có lẽ nội dung và ý nghĩa trò chơi của các trẻ em làng quê Indonesia này không hoàn toàn giống với trò chơi “Thiên đàng địa ngục hai bên” của trẻ em Việt Nam, nhưng về hình thức thì thấy không khác: Hai đứa trẻ nắm tay nhau giơ lên cao để làm cánh cửa thiên đàng, các trẻ khác xếp thành hàng dài nối đuôi nhau đi qua cánh cửa. Tất cả đồng thanh đọc to bài đồng dao:
Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại, ai dại thì qua
Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng.[1]
Mới đọc mấy câu đầu bài đồng dao, các trẻ đi chầm chậm. Đọc tới mấy câu gần cuối bài, các trẻ bắt đầu tăng tốc, đi thật nhanh gần như chạy, bởi vì vừa đọc tới câu “Đến khi mình chết được lên thiên đàng” thì cánh cửa thiên đàng liền đóng sập xuống. Những trẻ chưa qua được cửa thiên đàng tất nhiên bị kẹt lại địa ngục, sẽ chịu hình phạt như hít đất, thụt dầu hay nhéo lỗ tai, v.v…
Đây chỉ là trò chơi trẻ con nhưng lại mang ý nghĩa đạo lý rất thâm thúy. Bài đồng dao trong trò chơi này chứa đựng cả một triết lý sống: Ai khôn thì lại, ai dại thì qua. Khôn hay dại là tùy vào cách sống của con người. Sống sao cho linh hồn được lên thiên đàng là khôn ngoan. Sống mà để cho linh hồn bị sa địa ngục là khờ dại. Bài đồng dao khuyên con người phải thường xuyên hướng thượng (hằng đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha tức là nhớ đến Đức Thượng Đế, đọc kinh cầu nguyện) và cần phải giữ cho linh hồn mình thanh cao trong sạch để khi chết được lên thiên đàng.
Có một điểm cần lưu ý thêm trong trò chơi này: Lúc đọc gần tới câu chót bài đồng dao, các trẻ cố chạy thật mau để không bị kẹt lại địa ngục khi cửa thiên đàng đóng sập xuống. Điều này khiến ta liên tưởng đến lời dạy của Thầy Mẹ cùng các Đấng Thiêng Liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ: Thời hạ nguơn mạt kiếp, gặp thời đại ân xá phải ráng tu cho gấp kẻo trễ tràng không kịp hội Long Hoa…
Quả thật, trò chơi trẻ con đầy ý nghĩa đạo lý này có một tác dụng giáo dục đạo đức rất cao đối với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Trẻ em ngày xưa thường được dạy về thiên đàng và địa ngục.
Thuở ấy, mỗi khi ăn cơm làm rơi vãi cơm hoặc ăn xong mà chén vét chưa sạch, trẻ con thường được cha mẹ khuyên dạy: Cơm gạo quý như ngọc. Nông dân phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, chịu biết bao cực khổ mới làm ra hạt gạo cho chúng ta ăn. Vì vậy, ăn cơm mà bỏ mứa hoặc vét không sạch rồi đem đổ đi là có tội, mai mốt chết đi bị xuống địa ngục ăn giòi. Bây giờ con đổ bao nhiêu hột cơm thì sẽ bị phạt ăn bấy nhiêu con giòi.
Rất tiếc ở Việt Nam ngày nay dường như ít có cha mẹ nào dạy con theo lối xưa như vậy nữa. Trẻ con cũng không còn chơi trò “Thiên đàng địa ngục hai bên”, thay vào đó là các trò chơi điện tử đầy tính bạo lực. Có lẽ cũng vì vậy mà xã hội chúng ta ngày càng bất an, tội phạm hình sự ngày càng nhiều. Hằng ngày nhan nhản trên mặt báo những tin tức đáng sợ như con cái bạc đãi hoặc giết cha giết mẹ, anh chị em sát hại lẫn nhau vì tranh giành gia tài, các tội phạm buôn lậu, tham nhũng, hối lộ, cướp của giết người, v.v…
Xưa nay, con người vẫn chia làm hai phe: Một bên tin có linh hồn, tin có cuộc sống sau khi chết, tin có nhân quả luân hồi và tin có thiên đàng địa ngục. ‚ Một bên cho rằng chết là hết. Nghe nói đến thiên đàng hay địa ngục thì họ bảo là mê tín dị đoan.
Nếu quả thật chết là hết thì con người có thể lý luận rằng một người suốt đời tận tụy làm việc thiện giúp ích cho tha nhân và một người mánh lới gian xảo lừa lọc kẻ khác để được ăn trên ngồi trước kết cuộc cũng như nhau, tội gì ta phải nhọc công tốn sức làm điều tốt chi cho khổ thân. Quan niệm chết là hết này khiến cho nền đạo đức xã hội bị tổn hại không ít.
Do đó, cho dù tin hay không tin, con người cũng không thể phủ nhận tác dụng tích cực của việc tin có thiên đàng và địa ngục đối với cách sống và cách hành xử của con người trong cuộc sống hằng ngày. Khi tin có thiên đàng và địa ngục, con người sẽ cố gắng sống tốt hơn, tích cực làm điều thiện hơn và tránh chừa việc ác.
Thuật ngữ thiên đàng và địa ngục ra đời cùng lúc với đức tin tôn giáo và hầu hết giáo lý các tôn giáo trên thế giới đều có nói đến thiên đàng và địa ngục, mặc dù quan điểm của các tôn giáo về vấn đề này có đôi chút khác biệt nhau.
Bài viết này trình bày quan điểm về thiên đàng và địa ngục theo giáo lý Cao Đài. Qua đó cho thấy triết lý sống của người môn đệ Cao Đài hầu có thể góp phần xây dựng cho con người một thiên đàng cực lạc ngay tại thế gian này.
1. Thiên đàng và địa ngục có hay không?
Trong đạo Cao Đài, nhờ vào phương tiện cơ bút mà chúng ta xác tín được rằng có thiên đàng và địa ngục. Nhiều người lúc sống không biết tu hoặc đã biết tu nhưng vẫn còn gây tạo nhiều lỗi lầm, đến khi thoát xác chơn linh bị đọa vào địa ngục A Tỳ, và nhờ đại ân xá Kỳ Ba mà được cho phép về đàn để nhờ con cháu tu hành cứu mình thoát khỏi địa ngục.
Quyển Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu (Sài Gòn, 1962) của Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi cho biết hai năm sau khi Đức Ngô liễu đạo (tức là ngày 13-3 Giáp Tuất 1934), các đệ tử của Ngài làm lễ xả tang và được Đức Chí Tôn dạy rằng kể từ ngày này, Đức Ngô đắc lịnh đi qua mười cửa ngục nơi địa phủ trong một trăm ngày để phán đoán, châm chế và độ cho các chơn hồn đang chịu tội nơi ấy được trở lại cõi thế gian.
Giáng đàn ngày 17-4 năm Ất Hợi để công bố Thánh sắc của Đức Chí Tôn ban phong phẩm vị cho chơn linh một số vị tiền bối từng hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Đức Quảng Đức Chơn Tiên cho biết:
“Này chư đệ muội! Vì nghe tiếng rên la thảm thiết kêu cứu của những vong hồn nơi âm cảnh – những âm hồn ấy cũng đáng thương, khi còn tại thế tu hành nhưng lầm đường lạc lối và vô tình gây nhiều nghiệp quả – động lòng trước lời khẩn cầu ấy, Đức Quan Âm Bồ Tát cùng Quán Pháp Chơn Tiên đang tuần du nơi A Tỳ địa ngục với đại nguyện dụng thần thông hoán cải những vong hồn tự giác ngộ và mong chờ Đức Thượng Đế trong kỳ đại ân xá chế giảm tội, sớm được luân hồi chuyển kiếp, thoát cảnh ngục hình. Tiên Huynh nói cho chư đệ muội biết để chư đệ muội quyết tâm tu hành và phải có đại chí đại nguyện cứu vớt chúng sanh trong thời mạt hạ.”
Vậy, thánh giáo Cao Đài xác nhận có các cõi địa ngục.
Qua lời dạy của các Đấng, chúng ta thấy rằng chỉ có chư Phật, Bồ Tát, Đại Tiên, Chơn Tiên… mới có đủ thần lực để vào các cõi địa ngục A Tỳ cứu độ các vong hồn đang bị đọa nơi ấy, bởi lẽ đó là cõi trọng trược, nếu oai thần không đủ thì không thể chịu đựng nổi sự trọng trược ấy.
Trong Phật giáo có sự tích Ngài Mục Kiền Liên đi khắp các cõi địa ngục để tìm mẹ. Ấy cũng nhờ Ngài là vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật Thích Ca.
Trong miền Nam từ thập niên 1970 tới nay còn lưu truyền rộng rãi chuyện cô Ba cháo gà du địa phủ rất nổi tiếng. Cô Ba chuyên bán cháo gà ở chợ Vòng Nhỏ (Mỹ Tho). Hằng ngày cứ đúng 3 giờ sáng cô thức dậy cắt cổ gà nấu cháo bán.
Một đêm cô Ba nằm mơ thấy mình chuẩn bị cắt cổ một con gà thì bỗng nhiên nó biến thành người ta và nói: “Mày chết! Chớ nhúng nước sôi. Tao là ông nội của mày đây. Hồi còn sống, ông nội sát sanh hại mạng cũng nhiều. Khi chết, con cháu làm heo, bò, gà, vịt để lo tống táng, giỗ quảy. Cho nên ông đầu thai làm thú biết bao nhiêu kiếp mà trả chưa xong. Ông cho con hay, tội lỗi con rất nhiều vì sát hại bao nhiêu sinh mạng. Phải ráng lo tu và cầu siêu cho ông với.”
Cô Ba mơ đến đó thì đồng hồ báo thức ré lên, đúng 3 giờ sáng, giờ thường ngày thức dậy cắt cổ gà. Sau giấc mơ, cô quyết tu hành, ăn năn sám hối, không bán cháo gà nữa. Ngày ngày cô thành tâm tụng kinh niệm Phật, ăn chay trường. Cô tụng kinh Di Đà, Phổ Môn, lần lần tụng đến kinh Địa Tạng, Pháp Hoa, ròng rã trong sáu năm trời. Cô nguyện xin trả hết các nghiệp xấu trong một kiếp. Nhờ lòng thành đó, một ngày nọ hồn cô được dẫn xuống địa ngục để nhìn thấy hết các cảnh khổ não rồi trở lại thế gian kể cho mọi người nghe để con người biết sợ lo tu cải dữ làm lành.
Lần thứ nhất xuống địa ngục cô đến cửa ngục thứ bảy thì ngất xỉu vì oai thần cô có được trong sáu năm tích cực tu hành ở dương gian đã bị sút giảm sau khi đi qua sáu cửa địa ngục. Tỉnh lại, cô xin vua Thất Điện cho đi xem tiếp ngục thứ bảy nhưng Ngài bảo: “Không được vì oai thần của ngươi đã giảm, phải về tu thêm.” Cô được đưa trở về dương thế, tiếp tục tu hành ráo riết. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy rằng ba năm sau sẽ cho cô trở xuống địa ngục để xem tiếp ba cửa ngục còn lại. Nhờ tu hành tích cực nên chỉ sáu tháng sau cô đã đủ oai thần để trở xuống địa phủ.
Khái quát về địa ngục là như thế, còn về thiên đàng, trong thánh giáo Cao Đài có lời Đức Diêu Trì Kim Mẫu tả cảnh Bồng Lai như sau:
Kìa là chốn bồng non tao nhã
Để ngâm nga điềm lạ ứng thinh
Ve reo dựa cội mai huỳnh
Phụng chầu, hạc múa, âm thinh chẳng ngừng
Bóng cực lạc ánh hừng rạng lố
Liễu sum sê, mai trổ đủ màu
Quyên kêu, vượn hú thanh tao
Dòm xem bích thủy rậm màu thao thanh.[2]
Một vị tiền bối của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là đạo tỷ Bạch Tuyết (nguyên cố vấn Nữ Chung Hòa), sau khi thoát xác đắc vị Quán Pháp Chơn Tiên. Trong một lần trở lại thăm người xưa cảnh cũ nơi cõi trần gian, Ngài tả cảnh thiên đàng như sau:
Trụ hình chứng quả bậc Chơn Tiên
Có có không không cảnh diệu huyền
Triệu dặm càn khôn qua chớp nhoáng
Một bầu vũ trụ đến thường xuyên
Tại đây tuyệt tuyệt phi già trẻ
Ở đó vô vô bất lụy phiền
Thế giới Phật Tiên muôn vẻ lạ
Trần gian nào sánh hỡi chư hiền.
(…)
Thầy ban ngôi báu chốn Hư Cung
Triệu ức huyền công phép lạ lùng
Trùng điệp kỳ quan nhìn bất tận
Hằng hà vị Thánh đếm không cùng
Nguy nguy Bạch Ngọc Tòa Tam Giáo
Diệu diệu Huỳnh Kim sắc Cửu Trùng
Rực rỡ hào quang soi vạn dặm
Tường vân tô đậm cõi Thiên Cung.
(…)
Đường sống thác là bia giữa chợ
Có qua rồi ngán sợ kiếp người
Tại đây bao cảnh khóc cười
Trăm năm khổ hải trần ai muôn đời
Thoát được rồi về nơi u nhã
Chốn Thiên Đình cảnh lạ đẹp xinh
Phải đâu như chốn thế tình
Nay buồn mai thảm, tháng kinh năm sầu.[3]
Qua một số lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng trong đạo Cao Đài, chúng ta xác tín rằng trong vũ trụ càn khôn này có những cõi được gọi là địa ngục và những cõi được gọi là thiên đàng.
2. Thiên đàng địa ngục tại tâm ta
Phải chăng Đức Thượng Đế tạo nên thiên đàng để làm nơi ban thưởng cho những người đạo đức thiện lương và tạo nên địa ngục để làm nơi giam hãm, hành phạt những kẻ tội lỗi xấu xa?
Không phải vậy. Đức Phật dạy: Vạn pháp do tâm tạo. Do đó, hạnh phúc hay khổ đau đều do con người tự tạo cho mình, và thiên đàng hay địa ngục cũng do tâm con người tự tạo cho mình. Đức Chí Tôn dạy:
“Các con ôi! Hễ cái tâm sáng suốt, thiện từ, đạo đức là thiên đàng; còn tâm mê muội, vạy tà, hung bạo là địa ngục. Vậy thì địa ngục, thiên đàng cũng chỉ tại Tâm.
Theo thế thường các con hiểu, thì thiên đàng là cảnh tuyệt mù trên cõi hư vô, là nơi cực kỳ tráng lệ, tinh xảo an vui, còn địa ngục là ở dưới đất.
Nếu các con cho địa ngục là ở dưới đất thì lầm lắm. Trong trung tâm trái đất chỉ toàn là lửa không, còn bốn phương thì phân ra gió, mưa, nóng, lạnh. Vả, trong vũ trụ này có biết bao nhiêu là quả địa cầu. Những quả khinh thanh thì vượt nổi lên trên mà hưởng lấy khí dương rất đỗi nhẹ nhàng, sáng suốt. Còn những trái trọng trược thì lặn chìm xuống dưới mà bị lấy khí âm rất nên đen tối, u minh.
Vậy nếu các con, hoặc đã phạm tội với Trời, hoặc mang đại ác với người, thì linh hồn tất phải bị đọa xuống nơi mấy quả địa cầu mà âm khí nặng nề, khốn nạn ấy để chịu buồn rầu, khổ cực, nhức nhối tâm hồn, xốn xang trí não. Đó là nhơn quả, nghiệp chướng, oangia của các con đã tạo gieo, nó theo các con mà hành phạt lấy các con chớ không có cưa xẻ, trừng trị như theo các con hiểu lầm của người ta thường gọi là Thập Điện Diêm Vươngđâu.
Còn linh hồn nào trong sạch thì đặng nhập vào cõi hư linh hay là đặng chung lộn với người trên dương thế mà lo giúp đỡ cho thế gian chờ ngày đái công thục tội,[4] hay là học thêm cho tấn hóa đến cảnh trí huệ quang minh. Lại khi các con đã bỏ xác phàm thì linh hồn xuất ra về trú tại miền trung giới, nơi chốn hư linh, chờ ngày các con phải đến tại trước Tòa Phán Xét mà chịu lãnh những tội tình, đi đầu thai trả quả. Còn đứa nào có phước đức nhiều thì trở lại thọ hưởng hồng ân Thầy ban đáp cho.[5]
Phải chăng lời dạy này của Thầy mâu thuẫn với lời dạy của chư Phật Tiên trong Kinh Sám Hối?
Trong Kinh có những câu tả cảnh hành phạt người có tội nơi cõi A Tỳ như:
Con bất hiếu xay cưa đốt giã
Mổ bụng ra phanh rã tim gan
Chuyển thân trở lại trần gian
Sanh làm trâu chó đội mang lông sừng.[6]
Hay là:
Tánh độc ác tội dư tích trữ
Chốn âm cung luật xử nặng nề
Đánh đòn khảo kẹp gớm ghê
Hành hình khổ não chẳng hề nới tay.[7]
Vậy, lý giải thế nào khi Đức Chí Tôn dạy rằng không có cảnh cưa xẻ trừng trị như chúng ta từng hiểu?
Thật ra lời dạy của các Đấng không mâu thuẫn nhau, chỉ là do cách hiểu của chúng ta mà thôi. Những cảnh xay cưa đốt giã… nơi địa ngục mà các Đấng mô tả trong Kinh Sám Hối chính là sự trừng phạt của lương tâm con người sau khi phạm tội mà cũng là do luật nhân quả đền bù chi phối.
Các bậc cha mẹ nơi thế gian khi bị con cái bất hiếu đối xử tệ bạc thì trong lòng cảm thấy xốn xang đau đớn như bị xay cưa đốt giã… Do đó con cái bất hiếu khi chết đi, linh hồn sẽ chịu sự trừng phạt của lương tâm giày vò đau khổ như bị xay cưa đốt giã… chứ không phải bị quỷ sứ hành hình. Tương tự như vậy, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề bị đọa đày nơi hỏa ngục. Ngài Mục Kiền Liên dâng mẹ bát cơm nhưng bà Thanh Đề không ăn được vì mỗi khi đưa bát cơm lên miệng cơm liền biến thành lửa. Đó là vì lúc còn sống, bà Thanh Đề lòng hận chư tăng đã khinh rẻ những hạt gạo mà bà đã đem hết tâm thành sàng sảy lựa lọc để mang đi cúng dường. Chính ngọn lửa sân hận đó đã đốt cháy tâm can bà mà ngay cả Ngài Mục Kiền Liên là vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật cũng không thể cứu được. Chỉ khi chư tăng hiệp tâm cầu nguyện hồi hướng giúp bà chuyển tâm không còn sân hận nữa thì bà mới có thể thoát khỏi hỏa ngục.
Đức Thất Nương Tiên Nữ dạy: “Nơi cõi âm quang, nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường.” [8]
Đức Bát Nương dạy: “… nhiều hồn còn ở lại nơi ấy trót ngàn năm chưa thoát qua cho đặng.” [9]
Đó chính là do tâm của các chơn hồn chưa giác ngộ, còn mê mờ nên cứ mãi chịu giam hãm nơi cõi âm quang hay cũng gọi là Phong Đô Địa Phủ. Chỉ cần chuyển tâm giác ngộ thì liền được giải thoát.
Quyển Cô Ba Cháo Gà Du Địa Phủ kể rằng khi cô được dẫn đi xem các cửa ngục cõi A Tỳ, nhìn thấy các vong hồn bị đọa đày khổ não, cô liền khuyên họ hãy tịnh tâm niệm danh chư Phật và chư Bồ Tát. Cô niệm lớn cho các chơn hồn đồng niệm theo. Nhiệm mầu thay, các vong hồn nào chịu nghe theo lời cô thành tâm niệm Phật đều được thoát khỏi địa ngục.
Một số tranh vẽ treo trong các chùa cho thấy một tội nhân nơi địa ngục ngồi trong cối cho quỷ sứ nện chày xuống. Nếu tội nhân biết sám hối và niệm danh Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thì cứ mỗi câu niệm liền có một bông hoa sen hiện ra đỡ lấy chiếc chày: Một câu niệm Phật phát ra trong tâm tưởng thì liền theo đó là sự an lạc giải thoát.
Một thiền thoại Nhật Bản kể rằng thiền sư Vô Căn có lần nhập định ba ngày. Mọi người cho là sư đã chết, bèn đem thể xác đi thiêu. Mấy hôm sau, thiền sư Vô Căn xuất định thì thần thức không tìm thấy thân thể. Hồn thiền sư Vô Căn cứ mãi vấn vương đi tìm xác của mình. Đêm đêm tăng chúng trong chùa thường nghe giọng nói bi thảm của sư: “Ta ở đâu? Ta ở đâu?”
Bạn của thiền sư Vô Căn là thiền sư Diệu Không biết việc này, đến bảo tăng chúng trong chùa: “Tối nay tôi muốn ở tại phòng của thiền sư Vô Căn. Tôi muốn đàng hoàng nói chuyện với sư. Phiền các ông chuẩn bị giùm tôi một bồn lửa và một thùng nước.”
Nửa đêm, thiền sư Vô Căn đến, cất tiếng bi thương: “Ta đâu rồi? Ta đâu rồi?”
Thiền sư Diệu Không điềm tĩnh đáp: “Ông ở trong bùn đất.”
Thiền sư Vô Căn chui vào trong đất bùn tìm rất lâu vẫn không thấy thân xác mình nên cất tiếng bi thương nói: “Trong đất không có ta.”
Thiền sư Diệu Không nói: “Vậy có thể ở trong hư không. Ông vào hư không mà tìm xem!”
Thiền sư Vô Căn lên không trung tìm rất lâu rồi thê thiết nói: “Hư không cũng không có ta! Ta rốt cuộc ở đâu?”
Thiền sư Diệu Không chỉ vào thùng nước nói: “Ở trong nước chăng?”
Thiền sư Vô Căn nhào vô thùng nước, không bao lâu lại chui ra đau khổ nói: “Trong nước cũng không có!”
Thiền sư Diệu Không chỉ vào bồn lửa nói: “Hay ở trong lửa?”
Thiền sư Vô Căn nhảy vào lửa nhưng vẫn không tìm ra.
Lúc đó, thiền sư Diệu Không mới bảo thiền sư Vô Căn: “Ông có thể đi vào đất, lặn xuống nước, nhảy vào bồn lửa, lại có thể tự do tự tại ra vào hư không. Vậy ông còn đòi cái thân thể nhơ nhớp mất tự do kia làm gì?”
Thiền sư Vô Căn nghe xong bừng tỉnh. Từ đó hồn sư được giải thoát, không còn vương vấn đi tìm thân xác của mình nữa.[10]
Vậy, đọa lạc hay giải thoát đều do tâm con người quyết định. Nếu tâm ta còn vấn vương, nhỏ nhen, ích kỷ, tật đố, gian tham thì cho dù Đức Thượng Đế hay chư Tiên Phật dùng phép mầu cũng không thể cứu vớt chúng ta ra khỏi địa ngục A Tỳ.
Chuyện kể rằng ngày nọ Đức Phật đang một mình nhẹ gót bên bờ ao sen nơi cõi Niết Bàn.
Những đóa sen nở rộ trong ao, trắng ngần như châu ngọc, và không ngừng tỏa hương thơm bát ngát cả khung trời.
Đức Phật đứng yên lặng bên bờ ao, và qua một khoảng hở giữa đám lá sen che phủ mặt nước, Ngài chợt nhìn thấy cảnh quan bên dưới.
Ngay phía dưới ao sen của cõi Niết Bàn là địa ngục. Con sông Tam Đồ và ngọn núi Đao có thể nhìn thấy rõ qua làn nước trong suốt như pha lê, như qua ống viễn kính.
Rồi Đức Phật nhìn thấy một người tên Kandata, đang quằn quại cùng các tội nhân khác ở tận cùng địa ngục.
Gã Kandata này lúc còn sống là một tướng cướp khét tiếng. Y đã từng làm nhiều điều ác như sát sinh hại mạng, phóng hỏa đốt nhà, không có việc ác nào mà y không dám làm. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời, y được ghi công đức một việc thiện. Có lần trên đường xuyên qua rừng sâu, y chú ý tới một con nhện bé nhỏ đang bò dọc theo vệ đường.
Giở chân lên thật lẹ làng, y sắp sửa dẫm chết con vật thì bất chợt nghĩ rằng: “Thôi đừng, nhỏ nhít như nó cũng muốn được sống, giết bừa nó đi thì thật xấu hổ.” Và y đã tha chết cho con nhện.
Khi nhìn xuống cõi địa ngục, Đức Phật nhớ lại cái cách Kandata tha mạng con nhện. Và Đức Phật nghĩ rằng, nếu có thể được, để báo đền cho việc thiện ấy, Ngài muốn đưa y thoát ra khỏi địa ngục. May sao, lúc nhìn quanh, Ngài bắt gặp một con nhện của cõi Niết Bàn đang giăng sợi tơ như bạc thật xinh đẹp.
Đức Phật nhẹ nhàng nâng lấy sợi tơ nhện trên tay. Và Ngài thả cho sợi tơ buông thẳng xuống tận cùng địa ngục xa tít bên dưới, xuyên qua khoảng trống giữa những đóa sen trắng ngần như ngọc.
Kandata đang ngụp lặn cùng các tội nhân khác trong ao Máu ở nơi tận cùng địa ngục. Khi tình cờ ngẩng đầu lên nhìn vòm trời bên trên ao Máu, Kandata trông thấy từ trên cao, mãi tận các tầng trời thăm thẳm, thòng xuống chỗ y một sợi tơ nhện trắng như bạc. Y vỗ tay vui mừng khi nghĩ rằng nếu bám vào sợi tơ này mà leo lên đến tận chỗ nó xuất phát thì chắc chắn y có thể thoát khỏi địa ngục.
Ngay khi trong đầu nảy ra những ý nghĩ này, y nắm chặt lấy sợi tơ bằng cả hai tay và bắt đầu dốc toàn lực leo riết lên.
Vốn là tướng cướp, y quá đỗi thành thạo với những việc leo trèo như thế.
Nhưng địa ngục cách Niết Bàn hàng hà sa số dặm và có nỗ lực như y thì cũng không dễ gì thoát ra được. Sau khi leo được một lúc, cuối cùng y kiệt sức và không thể nhích thêm được lấy một phân.
Thế là, vì chẳng thể làm được gì khác hơn, y dừng lại dưỡng sức và đu mình vào sợi tơ, nhìn xuống, nhìn xuống tận bên dưới. Ngạc nhiên biết bao, nhờ y đã leo tận lực, ao Máu nơi y từng lặn hụp trong đó bấy giờ đã khuất chìm tận bên dưới trong bóng tối hun hút. Nếu cứ leo lên với tốc độ này, y có thể ra khỏi địa ngục dễ dàng hơn y tưởng.
Xoắn bàn tay vào sợi tơ nhện, Kandata cười ha hả và hét to lên: “Thành công rồi! Thành công rồi!”
Nhưng bỗng dưng y chú ý thấy rằng ở bên dưới sợi tơ nhện cơ man tội nhân khác cũng đang hăm hở leo lên theo sau y. Họ nhích lên, nhích lên, giống hệt như một đàn kiến diễu hành.
Mục kích cảnh tượng này, Kandata chỉ biết chớp chớp mắt một lúc, miệng há hốc ra nỗi thảng thốt kinh hãi.
Sợi tơ nhện mỏng manh dường ấy, tưởng đâu chỉ với riêng một mình y thôi cũng phải đứt phựt rồi, cớ sao nó chịu đựng nổi sức nặng của cả ngần ấy thân hình kia chứ?
Nếu sợi tơ đứt phựt giữa lưng trời, thì kể cả chính y, sau bao công lao khó nhọc mới leo tới được chỗ này, y cũng sẽ phải cắm lộn đầu rơi ngược xuống địa ngục trở lại. Nếu xảy ra sự việc như thế thì khiếp đảm quá.
Nhưng trong thời gian đó hàng trăm hàng ngàn tội nhân vẫn đang giãy giụa thoát ra khỏi ao Máu tối tăm và đang tận lực leo lên thành hàng trên sợi tơ mỏng manh lấp loáng. Nếu y không mau lẹ có hành động gì, sợi tơ chắc chắn sẽ phải đứt lìa, rớt xuống. Bởi thế, Kandata hét toáng lên:
“Nè lũ tội nhân chúng bay! Sợi tơ này là của tao. Ai cho phép chúng mày leo lên đây? Xuống đi! Xuống đi!”
Ngay đúng lúc ấy, sợi tơ nhện cho tới lúc bấy giờ vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ đứt, thình lình phựt lìa ngay tại chỗ Kandata đang đeo bám vào.
Đứng trên bờ ao sen của cõi Niết Bàn, đức Phật chăm chú theo dõi mọi sự diễn ra, và khi Kandata như một hòn đá chìm lỉm xuống đáy ao Máu, Ngài lại thong thả bước đi với nét buồn buồn trên khuôn mặt.[11]
Phép mầu của Đức Thế Tôn cũng không thể nào cứu được một con người có tâm địa xấu xa, ích kỷ như Kandata ra khỏi địa ngục. Do đó, Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đã nói cho các con hay trước rằng, nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng.” [12]
Con người được lên thiên đàng hay xuống địa ngục đều do tâm con người quyết định. Không phải đợi đến khi thoát xác con người mới lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, mà địa ngục và thiên đàng vẫn có ngay tại cõi thế gian này. Khổ đau, phiền não đồng nghĩa với địa ngục. An lạc, hạnh phúc trong nội tâm đồng nghĩa với thiên đàng. Do đó, có những người sống trong cảnh cơ cực bần hàn mà tâm vẫn an nhiên tự tại như đang sống trên cõi thiên đàng. Nhưng cũng có những người sống trong cảnh an lành thanh tịnh nhưng tâm vẫn cứ mãi khổ đau, phiền não như đang sống trong địa ngục A Tỳ.
Phim Chú Tiểu (A Little Monk) của Hàn Quốc, phát hành vào tháng 4-2003 và đã đoạt giải phim xuất sắc tại Liên Hoan Phim Châu Á phản ánh rất rõ thực tế này.
Chú Tiểu là câu chuyện về ba thầy trò sống chung dưới một mái chùa gồm có: Hòa thượng già nghiêm khắc nhưng nhân hậu; nhà sư trẻ hai mươi tuổi, và chú tiểu chín tuổi.
Chuyện lồng trong một mái chùa có không gian yên lành, thanh tĩnh, thơ mộng và xinh đẹp như chốn non bồng nước nhược với dòng suối, nhịp cầu, hòn đá, tàn cây...
Nơi đây chỉ nói về nhà sư trẻ.
Tràn trề nhựa sống tuổi hai mươi, nhà sư trẻ chỉ mong được thoát khỏi tiếng gọi mãnh liệt của bản năng xác thịt không ngừng đòi hỏi, thúc giục. Trong anh là trận nội chiến khốc liệt. Căm giận chính mình, giữa canh khuya tĩnh mịch, anh gõ mõ dữ dội như muốn đập tan khối gỗ, gào to giọng tụng kinh, còn gương mặt thì đau khổ tột cùng vì bản năng thường tình trong con người đang óng dậy khuấy rối tâm can. Tuyệt vọng, anh lấy vải quấn ngón tay, tẩm dầu rồi đốt. Thịt da cháy bỏng rồi mà vẫn không sao chế ngự được giặc lòng.
Mái chùa thường gắn liền với khái niệm thanh tịnh và an lạc. Tuy nhiên, khi lòng người chưa tĩnh lặng thì cho dù sống giữa cảnh chùa an lành tịch mịch, con người vẫn khổ đau phiền não như trong cảnh ngục tù.[13]
Do đó, giáo lý Cao Đài cốt dạy cho người tín hữu một triết lý sống để có thể thoát khỏi mọi khổ đau phiền não trong cõi thế gian đầy đau khổ này và ngày ngày được an lạc tự tại như đang sống trên cõi thiên đàng.
Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy:
“Thiên đường cực lạc không phải chỉ ở trong tưởng tượng mông lung chín từng mây bạc, và a tỳ địa ngục cũng không phải ở tận lòng đất âm u trung tâm điểm quả địa cầu, mà chính ở tại tâm trung của mỗi người.
Thử xem một ví dụ cụ thể sau đây: Nếu tâm trung không làm chủ thập tam ma,[14] ắt phải phạm nhằm luật ngũ giới cấm, từ đó sẽ rơi vào bốn vách tứ đổ tường. Từ tứ đổ tường nảy sanh tứ khổ. Tứ khổ giày vò tấm thân tứ đại ở nơi cõi trần, nào say sưa đến mất phẩm giá con người, nào đam mê sắc dục, tiêu tán điểm linh quang, nào bạc bài tiêu ma sự nghiệp, đói rét nghèo nàn, chẳng những cho chính bản thân mà còn lụy liên đến thê nhi tôn tử, lặn hụp trong mê hồn trận của nha phiến làm gầy gò thân xác.
Rồi thử hình dung một kiếp con người đó ở cõi đời này: Nào say sưa mất phẩm giá, nào đói rét nghèo nàn, nào loạn luân sắc dục, nào tiều tụy thân xác. Hỏi con người đó đặt ở một cương vị nào trong xã hội loài người? Có hưởng được hạnh phúc của thế nhân hay chăng?
Hỏi tức là trả lời: Chắc chắn là không. Con người đó phải táng tận lương tâm, khổ sầu nhục nhã, tuy còn sống ví như thác chưa chôn. Đó là địa ngục tại trần gian do tâm trung không thường trụ.
Con người biết tìm cửa đạo, nên phân biệt lẽ chánh điều tà. Tâm trung thường trụ điều khiển bản thân, chuyển thất tình thành thất bửu, chuyển lục dục ra lục thông. Lúc bấy giờ nhãn quan nhìn vạn vật như tay chơn, đầu cổ, thân xác của mình. Từ đó phát khởi tình thương vô cực, nảy sanh lòng mến yêu, chăm sóc, dưỡng dục tất cả mọi người.
Tình thương phát khởi tại tâm trung sẽ thể hiện lên gương mặt, tướng đứng, hình ngồi, đi, nằm, đều lộ vẻ khả ái, đức độ từ bi. Từ đó sẽ hiện lên một nhị xác thân để bảo tồn nhục thể.
Vì vậy nên người tu hành đúng mực độ, đúng lý Đạo đất trời, dầu ở trong biển lửa không thấy nóng, ở chót Hy Mã Lạp Sơn không thấy lạnh, ở trong khám đường thế tục không thấy gò bó, ở trong thời đao binh khói lửa không nghe tiếng động khí cụ chiến tranh, không còn cảm thấy sự khổ. Ma không bắt, thú không ăn, kẻ hung ác không nỡ giết hại.
Con người được đến mức độ đó thì còn cầu mong gì lên chốn thiên đường cực lạc vô tận xa xăm, mà chỉ ở thế gian này cũng đã toại hưởng đầy đủ các điều kiện đó rồi. Một ưu điểm hơn nữa là được gần gũi cùng chúng sanh để có nhiều dịp thế Thiên hành hóa, để được công dày đức trội, hầu vượt lên phẩm vị Phật Tiên.” [15]
Qua lời dạy của Đức Di Lạc Thiên Tôn, chúng ta thấy rằng muốn được an trú trong hiện tại nơi cõi thế gian này, con người cần phải tu học để biết phân biệt lẽ chánh điều tà, làm chủ bản thân, tuân thủ giới luật, phát triển một tình thương vô cực bao la rộng khắp. Được như vậy thì cho dù còn sống giữa cõi ta bà đầy đau khổ này, con người vẫn cảm thấy an nhiên tự tại như đang sống trên cõi thiên đàng cực lạc.
3. Xây dựng thiên đàng tại thế cho con người
Đức Chí Tôn mở đạo Cao Đài với một mục đích kép: Thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát. Về mặt thế đạo (nhân sinh), đạo Cao Đài nhắm vào việc xây dựng cho con người một thế giới đại đồng hay thiên đàng tại thế.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Cõi thế gian này hoặc thành một cõi địa đàng cực lạc hoặc thành một miền địa ngục đen tối đau khổ đều do con người đặt để biến nó thành hình.” [16]
Đức Cao Triều Phát dạy:
“Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời.” [17]
Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
“Hoài bão to tát của những bậc giáo dân vi thiện, mục đích lớn lao của các đạo giáo là diệt khổ chúng sanh, biến xã hội con người thành Hiền Thánh Tiên Phật, biến cõi địa ngục trần gian thành thiên đàng cực lạc tại thế.” [18]
Muốn biến cảnh thế gian đau khổ thành thiên đàng cực lạc, con người cần phải làm gì?
a. Dập tắt dục vọng
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
“Mỗi dục vọng của nhơn loại được dập tắt và quả địa cầu sẽ trở nên thiên đàng cực lạc.” [19]
Dục vọng là ham muốn. Ham muốn mà không đạt được thì thất vọng khổ đau. Hoặc để đạt được điều mình ham muốn, con người có thể bất chấp mọi tội lỗi và gây khổ đau cho người khác. Cũng vì dục vọng mà con người đã gây bao cảnh chiến tranh tàn khốc, sát hại lẫn nhau, biến cõi thế gian thành địa ngục đau khổ. Do đó, thế gian này chỉ hết khổ đau khi con người biết dập tắt dục vọng.
b. Gìn giữ và phát triển mầm tình thương ở mỗi người
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Nếu mỗi người đều có một mầm khởi thủy nơi tâm nội, mầm ấy là tình thương. Thương người khác như thương chính bản thân mình, thương gia đình quyến thuộc mình, thương quốc gia xã hội dân tộc mình. Một người như vậy, nhiều người như vậy, khắp nhơn loại đều như vậy, thì thế gian này không còn sự chia rẽ tranh chấp sát hại lẫn nhau, cõi đời này sẽ là cõi thiên đàng cực lạc. Chỉ có lòng đạo và tình thương mới thể hiện và thực hiện được cõi thái hòa an lạc đó.” [20]
Ngày xưa có ông vua cho vời một đạo sĩ vào triều hỏi xem thiên đàng và địa ngục là thật hay hoang đường. Đạo sĩ mời vua ngả đầu trên chiếc gối phép. Vua nằm ngủ, thấy hồn xuất ra, đi theo đạo sĩ vào một căn phòng lớn. Trong phòng có một nồi cháo thật to. Rất đông người ốm đói chen lấn chung quanh. Mỗi người chỉ có một cái vá cán rất dài. Ai cũng cố giành phần múc cháo. Vì cán vá quá dài, họ múc được cháo mà không thể đưa tới gần miệng để húp. Họ càng loay hoay, càng tranh giành thì càng làm cháo văng ra ngoài tung tóe. Vua lắc đầu ngao ngán: “Đúng là địa ngục!”
Vua lại thấy hồn mình đi theo đạo sĩ bước vào căn phòng lớn thứ hai, cũng có nồi cháo thật to như vậy. Rất đông người đứng chung quanh. Mỗi người cũng chỉ có một cái vá cán rất dài. Nhưng họ đứng trật tự, chờ tới lượt. Khi múc được cháo, họ đưa cho người khác húp. Người này múc thì người khác được hưởng. Ai cũng vui vẻ vì no đủ. Vua gật gù: “Đúng là thiên đàng.” [21]
Câu chuyện này cho thấy thiên đàng và địa ngục chỉ khác nhau ở chỗ con người và con người có đối xử với nhau bằng tình yêu thương hay không mà thôi.
*
Mục đích cuối cùng của người tu là được giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, trở về cõi thiên đàng cực lạc. Để đạt được mục đích này, người tu cần phải góp phần thực hiện sứ mạng xây dựng thiên đàng cực lạc cho con người ngay tại cõi thế gian này. Đó cũng là thực hiện lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:
“Mình tu là lo phần cứu rỗi linh hồn. Điều đó rất đúng, không ai chối cãi. Nhưng trước hết phải tạo điều kiện cứu rỗi giữa con người và con người với nhau trong kiếp đời hiện tại. Nếu kiếp người mất cả từ lương tri đạo lý, lễ nghĩa liêm sỉ trung tín, dầu sống trong vinh hoa phú quý, không hơn gì trong cõi địa ngục tại thế gian. Phần nhân phẩm con người nhân sinh còn trong gông cùm địa ngục ắt chưa có điều kiện giải thoát để đến cõi thiên đường cực lạc ở phần chơn linh siêu việt.” [22]
Muốn có được thiên đàng nơi tâm hay thiên đàng tại thế gian cho con người thì mỗi người cần phải biết quay về tâm chí thiện như lời Đức Đông Phương Lão Tổ đã dạy:
Nơi người đều có điểm linh quang
Cũng một tình thương Đấng Ngọc Hoàng
Tất cả quay về tâm chí thiện
Thế gian sẽ biến cảnh thiên đàng.[23]
Xin nguyện cầu cho tất cả huynh tỷ, đệ muội chúng ta hành tròn sứ mạng xây dựng thiên đàng tại thế của người môn đệ Cao Đài, để một ngày kia được trở về bên chân Đức Đại Từ Phụ.* DIỆU NGUYÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
[1] Phỏng theo Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 117-118. Quyển 54-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[2] Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, bài “Cảnh Bồng Lai”.
[3] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 08-12 Đinh Mão.
[4] Đái công thục tội 戴功贖罪: Đem công lao đội lên đầu để dâng lên bề trên xin chuộc lại tội lỗi đã gây. [Văn Uyển chú]
[5] Đại Thừa Chơn Giáo, bài “Thiên Đàng Địa Ngục”, đàn ngày 25-9 Bính Tý (1936).
[6] Kinh Sám Hối, câu 329-332.
[7] Kinh Sám Hối, câu 305-308.
[8] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển II, Tòa Thánh Tây Ninh, 1964, tr. 91 (đàn ngày 09-4 Giáp Tuất, 1934).
[9] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển II, Tòa Thánh Tây Ninh, 1964, tr. 85 (đàn tháng 10-1932).
[10] Như Đức và Hạnh Huệ, Thiền Thoại. Nxb TpHCM, 2003, tr. 19.
[11] Theo Huệ Khải, Hòa Điệu Liên Tôn. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 48-53. Quyển 55-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[12] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, Tòa Thánh Tây Ninh, 1964, đàn ngày 15-4-1927.
[13] Theo Huệ Khải, Hòa Điệu Liên Tôn, tr. 102-107.
[14] Thập tam ma: Mười ba con ma (lục dục và thất tình).
[15] Trúc Lâm Thiền Điện, 02-01 Bính Ngọ (22-01-1966).
[16] Minh Lý Thánh Hội, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971).
[17] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974).
[18] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Nhâm Tuất.
[19] Huờn Cung Đàn, 15-11 Tân Sửu (21-12-1961).
[20] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 18-7 Kỷ Dậu (30-8-1969).
[21] Theo Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 119-120. Quyển 54-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[22] Minh Lý Thánh Hội, 24-3 Kỷ Dậu (10-5-1969).
[23] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 01-01 Quý Hợi.
* Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 9 giờ sáng ngày 01-8 Nhâm Thìn (16-9-2012).