Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / SUY NIỆM THÁNG MƯỜI / Huệ Khải

Image result for candle
MỘT
“Suy niệm” là một thuật ngữ quen dùng trong Công Giáo; trái lại, hầu như không thấy mục từ này trong các từ điển tiếng Việt.
Theo bài viết của nhiều tác giả Công Giáo, “suy niệm” có lẽ được dùng tương đương với động từ to contemplate trong tiếng Anh; nghĩa là trầm ngâm, suy gẫm, lặng lẽ nhìn ngắm và suy tư cho thấu đáo những lý lẽ sâu kín…
Vậy, tiếng Việt đã được người Công Giáo hiến thêm một từ hay.
HAI
Khi tôi viết bài này thì đã qua nửa sau tháng 11 dương lịch rồi. Thế nên nói suy niệm tháng Mười tức là theo âm lịch.
Đối với người đạo Cao Đài, tháng Mười âm lịch này có một lễ trọng vào ngày rằm để kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo (19-11-1926 / 17-11-2013), là ngày đạo Cao Đài chánh thức công khai hóa trước quốc dân đồng bào tại chùa Gò Kén, làng Long Thành (nay là xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Cuộc lễ ấy kéo dài ba tháng, từ ngày rằm tháng Mười Bính Dần (1926) đến ngày rằm tháng Giêng Đinh Mão (1927). Có lẽ vì vậy mà trong tâm tình người đạo Cao Đài, Khai Minh Đại Đạo là cả một mùa, mùa Khai Minh.
BA
Bên Công Giáo, vào thế kỷ 6 có tu sĩ Dionysius Exiguus (tức Dennis Nhỏ). Khi làm lịch, và sáng tạo ra thuật ngữ Anno Domini (AD: Công Nguyên, hay Tây Lịch), tu sĩ này trót tính nhầm năm Đức Giêsu giáng sinh, tức là tính muộn từ bốn cho tới tám năm! Nhưng có hề chi, sơ sót đó vẫn được lưu tồn cho tới nay; cũng như câu “Con lạc đà chui qua lỗ kim” là một tai nạn dịch thuật,[1] nhưng vẫn được lưu tồn trong Kinh Thánh trải qua hơn hai mươi thế kỷ.
Bên Cao Đài có tính nhầm lịch không nhỉ?
Chúa Nhật 17-11 vừa qua (rằm tháng Mười Quý Tỵ) kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo. Theo lịch đạo Cao Đài, ngày ấy cũng là ngày đầu tiên của năm Đạo thứ 89.
Đạo Cao Đài chánh thức Khai Minh ngày 19-11-1926. Tính từ tháng 11-1926 tới tháng 11-2013, thì bây giờ mới bước vào năm Đạo thứ 88. Không lẽ lịch đạo Cao Đài được tính từ năm 1925? Đó là năm Đức Cao Đài mới vừa tuyển độ nhóm tông đồ Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa (nay là đường Cống Quỳnh, quận 1, khu vực chợ Thái Bình).
Và có lẽ sẽ hơi “rối” khi đạo Cao Đài chuẩn bị tổ chức một trăm năm Khai Đạo. Sẽ là 1926-2026? Hay sẽ lấy năm Đạo 89 (năm 2013) cộng thêm 11 năm nữa để chọn năm 2024?
BỐN
Thật ra, Đức Cao Đài tuyển độ các tông đồ bắt đầu từ năm 1920, và trước tiên là tiền bối Ngô Văn Chiêu.
Dân gian có câu “Mùng chín vía Trời”. Ngày mùng chín tháng Giêng Bính Dần (20-02-1926), tại nhà tiền bối Vương Quan Kỳ ở số 80 đường La Grandière (nay là Lý Tự Trọng, quận 1), sau khi dâng thánh lễ mừng ngày vía Trời, các tiền bối Cao Đài lập đàn cầu cơ, có Đức Chí Tôn giáng lâm. Dịp này tiền bối Ngô Văn Chiêu xin Thượng Đế ban cho bài thơ có ghép tên các môn đệ đang hầu đàn để lưu niệm.
Đức Chí Tôn nhậm lời, bài thánh thi gồm bốn câu như sau:
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ÐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh,
HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.
Câu chót ghép tên ba đạo hữu hầu đàn: Huờn, Minh, và Mân.
Ba câu trên ghép tên mười hai tông đồ đầu tiên của Thượng Đế; theo thứ tự trong bài thơ, các vị gồm có:
(1) Ngô Văn Chiêu (1878-1932): Công chức.
(2) Vương Quan Kỳ (1880-1939): Công chức.
(3) Lê Văn Trung (1875-1934): Công chức nghỉ hưu.
(4) Nguyễn Văn Hoài (18…?-19…?): Công chức.
(5) Đoàn Văn Bản (1876-1941): Giáo chức.
(6) Cao Hoài Sang (1901-1971): Công chức.
(7) Lý Trọng Quí (1872-1945): Công chức.
(8) Lê Văn Giảng (1883-1932): Tư chức.
(9) Nguyễn Trung Hậu (1892-1961): Giáo chức.
(10) Trương Hữu Đức (1890-1976): Công chức.
(11) Phạm Công Tắc (1890-1959): Công chức.
(12) Cao Quỳnh Cư (1888-1929): Công chức.
Con số mười hai. Tôi nghĩ tới mười hai Thánh tông đồ mà Đức Giêsu đã tuyển chọn. Theo Phúc Âm của Thánh Matthêu (10:2-4), các vị gồm có:
(1) Simon (Phêrô), ngư phủ.
(2) Anrê (anh ông Simon), ngư phủ.
(3) Giacôbê (con ông Dêbêđê).
(4) Gioan (em ông Giacôbê).
(5) Philiphê.
(6) Batôlômêô.
(7) Tôma.
(8) Matthêu, nhân viên thu thuế.
(9) Giacôbê (con ông Anphê).
(10) Tađêô.
(11) Simon (người Nhiệt Thành).
(12) Giuđa Ítcariốt (kẻ nộp Chúa).
Sau khi Giuđa Ítcariốt tự tử, để cho đủ con số mười hai, Matthia được bốc thăm chọn và bổ sung chỗ khuyết. (Sách Công Vụ 1:23-26)
Ngoài sự trùng hợp ở con số mười hai tông đồ đầu tiên, lại còn trùng hợp ở cách tuyển chọn tông đồ: Chẳng phải trò tới tìm Thầy, mà chính Thầy tới tìm trò.
Các tông đồ làm sao nhận biết Chúa, nên Chúa đã đi trước một bước, tức là Chúa chủ động đến gọi từng người hãy theo Chúa. Khi Chúa đến gọi, tất cả các vị đều là những người bình dị, thậm chí có vị còn bị xã hội coi khinh, như Matthêu vì ông làm nghề thu thuế cho ngoại bang xâm lược (La Mã). Các vị đến với Chúa trong lúc hãy còn nguyên vẹn những tánh phàm tục của mình, như Gioan là em của Giacôbê, tánh khí nóng như lửa nên Chúa gọi ông là con trai Thiên Lôi (Maccô 3:17). Các vị đến từ nhiều góc cạnh xã hội, thành phần gia đình khác nhau; nhưng có chung hai điểm: Trước khi gặp Chúa, chưa ai được đào tạo để làm nhà truyền giáo, và cũng chẳng một ai từng có ý tưởng sẽ đi tu.
Qua Phúc Âm chúng ta biết rõ Đức Giêsu xác nhận chính Ngài là vị Thầy đi bước trước để tìm môn đệ:
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Gioan 15:16)
Sau khi Chúa chọn tông đồ theo cách ấy, sang thế kỷ 20 lịch sử truyền giáo ấy đã lặp lại trong đạo Cao Đài.
Đức Cao Đài Thượng Đế vô hình, làm sao thấy được mà tới? Đạo chưa ra đời, ai biết chi mà tìm! Cho nên các tông đồ đầu tiên của đạo Cao Đài chẳng chủ động, mà chính Thượng Đế đi bước trước lần lượt chọn các vị từ năm 1920 tới 1926. Các tông đồ này xuất thân từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, không ai được đào tạo để đi truyền giáo. Nói theo kiểu bây giờ, tất cả đều là “tay ngang”, là “nghiệp dư”; nhưng nhờ ơn Thượng Đế, tất cả đã khiến cho trong một năm đầu tiên mở Đạo, mau chóng thu hút hơn nửa triệu người rần rần vô Đạo, tạo thành hiện tượng hy hữu ở đất Nam Kỳ.[2]
NĂM
Ngày công khai hóa đạo Cao Đài trước quốc dân đồng bào (19-11-1926) được Ơn Trên gọi là ngày Khai Minh Đại Đạo. Khai minh là làm cho sáng tỏ ra, để ai ai cũng thấy được rõ ràng chân lý nền Đại Đạo. Nhưng ánh sáng đó đến từ đâu nhỉ? Đức Khổng Tử bảo: “Nhân năng hoằng Đạo.” Chính con người mới là chủ thể mở mang, phát triển Đạo. Vậy, nếu bản thân môn đồ Cao Đài không là ánh sáng thì làm sao khai minh được Đại Đạo?
Tôi nhớ lời Chúa dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. … Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.” (Matthêu 5: 14, 16)
Cho nên mỗi mùa Khai Minh Đại Đạo được kỷ niệm, lúc tuổi đạo chồng thêm một năm, thì người môn đồ Cao Đài lại day dứt, ưu tư khi nhìn thấy nền Đạo của mình hãy còn nhiều điều chưa được đúng như thánh ngôn, thánh giáo hằng kỳ vọng, đặt để.
Đạo chưa sáng đâu phải tại vì Đạo không đủ sáng, mà bởi lẽ học trò Đức Cao Đài vẫn còn thiếu ánh sáng để làm sáng danh Thầy và sáng danh Đạo đấy thôi!
HUỆ KHẢI (26-11-2013)
Nguyệt san CGvDT số 227, tháng 11-2013



[1] Xem: Huệ Khải, “Dịch Không Diệt”, nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 146, tháng 2-2007. In lại trong Hòa Điệu Liên Tôn (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012), tr. 32-34.
[2] Xem Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài. (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012), tr. 7-9.


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: