13. Luật nhơn quả
Hỏi: Luật nhơn quả là gì? Đấng nào đảm trách thi hành luật đó? Có
câu chuyện nào cụ thể chứng minh nhơn quả mà anh nhận thấy nhãn tiền không?
Đáp: Nhơn là nguyên do,
cái lý, cái gốc sanh ra cái khác, là mầm hột, là hành động. Quả là kết quả, hậu quả do ảnh hưởng của
một nguyên nhân, là phản lực của một hành động, là vang của tiếng, là ảnh của
hình, là phản động của tư tưởng. Họa phước, sướng khổ, thành bại là quả do
người tự tạo nhơn. Nếu làm đúng quy luật Đạo thường hành trong vạn hữu thì được
kết quả như ý mà vui sướng, được phước. Nếu sai thì bị nó phản ứng sanh hậu quả
đau buồn.
Thần lực “tiềm năng Thượng Đế” ẩn tàng trong tâm ta cũng như trong vạn
vật thi hành luật nhơn quả. Thí dụ:
Lửa có tánh phát nhiệt phát quang, xăng dầu có tánh nhạy lửa, nếu ta biết
lý tánh chúng mà sử dụng đúng lúc đúng nơi, vừa chừng mực để soi sáng, nấu ăn,
sưởi ấm… thì chúng cho kết quả tốt, ta được vừa ý mà vui, gọi là được phước
báo.
Nước có sức đẩy làm nổi thuyền bè. Nếu ta tham chở khẳm, chất hàng trên
mui cao nhiều, mà bỏ dưới lườn trống, thì thuyền hêu dễ bị lật.
Như ở dương trần, người phạm tội phải bị luật đời trừng phạt, thì ở Thiên
Đình cũng thế, đã có bộ máy luật pháp rất chí công chí minh xét xử tội phước
con người. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi
bất lậu.[1]
Nếu không lượng được tâm lý, vật lý để tiếp vật đãi nhơn cho vừa lễ nghĩa
cùng vui, là người vô minh không biết ngừa cái quả của nhơn mình tạo,
thì sẽ phải luân hồi để học lại kinh nghiệm luật nhơn quả mà mình đã áp dụng
sai nguyên lý.
Ngoại vật hữu tình có sức hút mình chạy theo làm mờ lương tri, không biết
khi nào vừa đủ mới gây đau khổ. Thần lương tâm hành phạt ray rứt lúc cận tử và
nghiệp lực trong tiềm thức sẽ đưa hồn qua cảnh giới thích hợp.
Ta phải học kinh nghiệm của Phật Thánh Tiên để biết sử dụng chừng mực
thần lực trong thiên nhiên vào những việc công ích, lợi người lợi ta thì mới
đem lại kết quả cùng vui.
Ngắm xem, thưởng thức cảnh vật đẹp xinh, kỳ hoa dị thảo để chiêm ngưỡng
cái toàn năng toàn mỹ của Hóa Công, tìm cách trợ duyên cho thần lực trong vạn
hữu phát triển nhanh thì có công đức lớn. Trái lại muốn chiếm đoạt hưởng riêng,
hoang phí gây thiếu hụt giả tạo cho kẻ nghèo yếu thế thì bị thần lực phản ứng
để lấy lại quân bình, đó gọi là quả báo.
Những gương nhơn quả nhãn tiền thì rất nhiều:
Uống rượu say sưa (nhơn) thì loạn trí, nghèo đói, bệnh tật, tai nạn, sanh
con khờ khạo (quả). Gian dâm, trụy lạc (nhơn), thì mang bệnh thận, con hư, cửa
nhà ly tán, hay chết vì nạn ghen (quả).
Sau năm 1975, tôi về quê làm vườn, lần đầu gặp con rắn, sẵn tay cuốc,
chưa kịp suy nghĩ tôi đập nó chết. Xong hối hận, tôi đào lỗ chôn xác nó, cầu
cho vãng sanh. Thế mà vài ngày sau, tôi giẫy cỏ, cuốc vô ống quyển, trả nợ máu
liền. Tôi cho đó là nhơn quả nhãn tiền tôi phải trả, nhưng được giảm thiểu tối
đa. Từ đó tôi tự nguyện không dám sát sanh.
Anh hãy để tâm quan sát những người trước kia chửi cha mắng mẹ, đến ngày
trở về già họ bị con cháu đối xử ra sao thì thấy nhơn quả nhãn tiền.
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.[2]
Cho
hay Trời Phật chí công bình
Trước mắt ngờ ngờ thấy phép linh
Huyền diệu mũi kim qua
chẳng lọt
14.
Một ngày làm ác, ác tự có dư
Hỏi: Kinh sách nói: “Trọn đời làm lành,
lành chưa đủ. Một ngày làm ác, ác tự có dư.” Tại sao bất công như thế?
Đáp: Con người đã có từ vô thỉ, luân hồi lên
xuống nhiều kiếp, nhiễm trược trần, gánh nghiệp đã nhiều. Kiếp này lại tạo thêm
do cố tâm thì nặng gấp bội. Thí dụ, khi sát sanh mà con vật còn giãy giụa thì
ta bực tức quyết dùng tận lực làm cho nó chết ngay. Tội nặng cũng do cái lòng
bực tức quyết tâm đó.
Vả lại con người đang trên đà hướng hạ nên trớn rơi mỗi lúc
một nhanh. Trái lại, làm lành là hướng thượng, lên dốc rấn từng bước rất khó
khăn, nhọc sức mà không tiến được bao nhiêu. Giúp ai cũng chỉ làm tượng trưng
để cầu danh cầu phước, mong được người trả ơn. Vì thế quả lành không được trọn
vẹn.
Đang thời khỏe mạnh bình an thì không thấy là phước, trái lại
có một ngày nhức đầu, đau răng thì ta thấy khổ vô cùng. Càng thấy khổ, càng bực
dọc khó tánh, ganh hạnh phúc của người mà gây thêm tội.
Vả lại phước đức ví như cây lúa thơm phải trồng và dày công
săn sóc. Còn ác nghiệp như cỏ dại, rụng hột đâu mọc đó, lan tràn nhổ không kịp.
Người bòn công quả như mót củi khô, trọn đời nào giữ được bao nhiêu vì mỗi ngày
còn phải nấu ăn nuôi cái thân này. Chỉ lơ đễnh một phút, thì lửa lòng đã thiêu
rụi cả rừng công đức.
Biết rằng làm lành trọn đời, lành không đủ, thì dù chúng ta
có làm bao nhiêu điều lành, giữ tịnh thất mấy chục năm cũng không nên tự mãn,
kể công, mong làm quyền làm thế, e phải thất đức, mất âm chất.
Nho nhã con tua lập tánh
tình
Dưới đời
đừng tưởng một mình lanh
Một câu
thất đức thiên niên đọa
Giáo Hữu NGỌC TÂM THANH
Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo