Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

ĐĐVU 04 / THÁNH THẤT PARIS (ALFORTVILLE) / Quách Hiệp Long



l Hiền huynh Quách Hiệp Long là Trưởng Ban Giáo Lý tại thánh thất Cao Đài Paris (Alfortville). Thượng tuần tháng 10 năm 2012, hiền huynh có dịp trở về quê nhà để trau giồi thêm phần đạo pháp (công phu). Thể theo lời đề nghị trân trọng của Ban Ấn Tống, hiền huynh đã hoan hỷ gởi cho Đại Đạo Văn Uyển bài viết trên đây, kèm theo hình ảnh. Các chú thích trong bài là do Văn Uyển.
Ban Ấn Tống chân thành cảm tạ hiền huynh Quách Hiệp Long đã giúp cho đồng đạo ở quê nhà có được một góc nhìn về sinh hoạt tu học rất tích cực tại Paris.
Xin kính thành cầu nguyện họ đạo Paris (Alfortville) và các họ đạo hải ngoại thăng tiến trong hồng ân Thầy Mẹ.
*
Người đạo Cao Đài có mặt rải rác nhiều nước châu Âu. Tại nước Anh, nước Đức… lúc trước cũng có hội tín hữu Cao Đài. Mấy năm sau này không biết có còn hoạt động hay không. Tại Pháp, thánh thất Paris (Alfortville) được duy trì cho đến nay.
1. VÀI NÉT VỀ THÁNH THẤT PARIS (ALFORTVILLE)
Tại Paris (Pháp) hiện nay có hai thánh thất Cao Đài.
 Thánh thất tại Alfortville, hoàn toàn độc lập, không thuộc hội thánh nào, được thành lập năm 1986, theo thánh lịnh trong đàn cơ tại Vĩnh Nguyên Tự (Long An), vào dịp Tết năm Giáp Dần (1974). Hôm ấy Đức Bảo Linh Thánh Nương dạy đạo tỷ Diệu Thê (đã quy thiên) như sau:
Tình xuân gởi gắm bạn hiền
Một là sứ mạng quảng truyền đạo Cao
Hai là nêu chí nữ hào
Xiển dương chánh pháp giồi trau tánh lành
Ba là xin chút hy sanh
Vì Thầy mở Đo duyên lành trời Âu.
Thánh thất tại Villeneuve St Georges (ngoại ô Paris), thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, do hiền huynh Nguyễn Văn Phé làm Chánh Trị Sự.
Năm nay hai thánh thất có dịp liên giao trong tình thân mật, cùng một Đạo một Thầy.
Thánh thất Paris (Alfortville) tiến triển trong mọi mặt quan hôn tang tế, trù phòng, nhất là thường xuyên học hỏi giáo lý.
Từ khi thành lập đến nay, thánh thất Paris (Alfortville) trải qua năm nhiệm kỳ Hội Trưởng như sau:
- 1986-1991: Đạo trưởng Trần Quới Thiên.
- 1991-1994: Đạo tỷ Diu Thê, thế danh Lê Thị Mười, sáng lập thánh thất.
- 1994-2000: Đạo trưởng Chí Tín, thế danh Lê Văn Bá. (Đạo trưởng đã cùng đạo tỷ Diệu Thê vận động mua lại cơ sở để làm thánh thất hiện nay. Đạo trưởng quy thiên tại Việt Nam năm 2008, có mở con mắt trái.)
- 2000-2001: Hiền huynh Quan Sơn, thứ nam đạo trưởng Chí Tín.
- Từ 2001 tới nay: Hiền huynh Trương Tấn Nghiệp, là con đạo tỷ Diệu Thê.
Từ năm 2001, Hiền Tài Lê Th Trí làm Đầu Họ Đạo thánh thất Paris (Alfortville) cho đến khi quy thiên (2008).
Theo lời kể của hiền huynh Phan Quốc Uy, hiền huynh Phạm Hữu Bình, hiền huynh và hiền tỷ Nguyễn Văn Bê, quý vị thấy mắt trái cố hiền tỷ Lê Thị Trí mở ra. Con gái hiền tỷ (chị Tuyết Anh) đến vuốt mắt mẹ cho nhắm lại, nhưng vuốt xong mắt lại mở ra. Chị vuốt thêm mấy lần, thì một đạo hữu bước tới nói nhỏ với chị đây là điềm tốt, chị mới ngưng. Rất tiếc không ai chụp ảnh lúc đó để lưu niệm.
Từ năm 2009 tới nay, hiền tỷ Hồ Kim Xuyến là Đầu Họ Đạo thánh thất Paris (Alfortville). Hiền tỷ là ái nữ tiền bối Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa (Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh).
2. LIÊN GIAO HÀNH ĐẠO VỚI HỌ ĐẠO LIÈGE
Ngày 24-9-2006 (03-8 Bính Tuất) là ngày Liên Giao Hành Đạo Cao Đài Châu Âu lần thứ nhất, tổ chức tại họ đạo Liège (nước Bỉ). Giáo Sư Thượng Thành Thanh (Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan) chứng đàn.
Tháng 9-2008, ngày Liên Giao Hành Đạo Cao Đài Châu Âu lần thứ hai, tổ chức tại Liège.
Tháng 9-2011, ngày Liên Giao Hành Đạo Cao Đài Châu Âu lần thứ ba, tổ chức tại Liège.
Năm 2012, phái đoàn Liège sang thánh thất Paris (Alfortville) dự lễ Vía Đức Mẹ Diêu Trì (rằm tháng Tám) và lễ Vía Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch (18-8 Nhâm Thìn). Trong chương trình học tập thánh giáo, hiền hữu Nguyễn Thanh Long (đến từ Liège) đọc bài “Ưu Và Khuyết Điểm Trên Đường Hành Đạo” do Đức Lý Giáo Tông Vô Vi giáng dạy. Lễ Vía Đức Mẹ năm nay còn có mặt hiền tỷ Đại Cơ Bác (Minh Lý Thánh Hội). Bổn đạo Liège và Paris đã góp công quả ủng hộ Minh Lý Thánh Hội xây dựng Thánh Miếu ở Long An.
3. BỮA CƠM CHAY XÃ HỘI HÀNG NĂM
Ngày 09-9-2012, bữa Cơm Chay Xã Hội đã thu hút 137 người tham dự, có đại diện của thánh thất tại Villeneuve St Georges (ngoại ô Paris) tham dự trong tình huynh đệ đồng Đạo. Năm nay, chị Đinh Thị Thanh Trúc [1] và các hiền tỷ có mời vài gia đình người Pháp đến tham dự.
Các hiền huynh lo dựng rạp, bàn ghế, làm vệ sinh, và dọn dẹp khi kết thúc. Các hiền tỷ vừa bỏ công, bỏ của, ngày giờ, trổ tài nấu nướng cho hàng trăm người ăn. Một trong nhiều khó khăn của các hiền tỷ là phải giữ cho thức ăn không bị thiu, vì phải làm nhiều cho cả trăm người ăn mà không đủ tủ lạnh để bảo quản thức ăn ...
Mỗi phần ăn đồng giá, khoảng 10-15 euros (biến động theo tình hình thị trường). Thực khách còn mua đem về nhà. Tổng số thu được đều sung vào quỹ chung của thánh thất. Tiền vốn cũng sung quỹ, để làm công quả.
Trong chín năm liền, lần nào tổ chức bữa Cơm Chay Xã Hội cũng được trời nắng đẹp. Riêng năm vừa qua, trời mưa lúc hơn 3 giờ chiều, sau khi quý thực khách đã ra về... Ai cũng tin tưởng rằng có chư Thần “che dù” cho tín đồ làm việc đạo. Bữa Cơm Chay Xã Hội hàng năm là cơ hội giới thiệu với quần chúng (người Pháp cũng như người Việt) biết rằng hiện có thánh thất Cao Đài sinh hoạt tại Paris. Vào dịp này Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1 và 2, song ngữ Việt- Pháp,[2] được tặng cho những vị muốn tìm hiểu đạo Cao Đài. Ngoài ra còn có Bản Tin Hành Đạo do thánh thất Paris thực hiện và phát tặng trong dịp này.
4. BA NĂM NAY NHIỀU NGƯỜI VIỆT TẠI PARIS NHẬP MÔN
Từ khi hiền tỷ Hồ Kim Xuyến làm Đầu Họ Đạo, có nhiều người xin nhập môn Cao Đài tại thánh thất Paris (Alfortville), kể cả các trường hợp xin nhập môn vô vi (cho người đã lìa trần). Có người ở rất xa Paris, như hiền tỷ Hoàng Anh, năm nay nhân lễ Vía Đức Mẹ Diêu Trì (rằm tháng Tám) đã về thánh thất xin nhập môn.
Hiền tỷ Lang nhập môn Cao Đài hơn một năm nay. Hiền tỷ đã chiên được trên một ngàn cuốn chả giò chay giúp gây quỹ thánh thất. Sau khi hiền tỷ nhập môn vài tháng thì người chồng qua đời. Vì ông là Phật tử nên hiền tỷ lo cúng thất cho chồng bên chùa Phật. Nhưng hiền tỷ nằm mộng thấy chồng về, bảo hãy cúng theo đạo Cao Đài. Do đó, hiền tỷ đã xin thánh thất làm bí tích nhập môn vô vi cho giác linh chồng và xin cúng cửu để siêu độ.
Cách đây vài năm, có một nữ sinh viên học Luật tại Paris. Không biết học ngồi thiền với ai mà cô bị bịnh thần kinh, thường hay nổi cơn bất tử! Đang trên xe hơi cô cũng lên cơn, la lối, mở cửa xe bước xuống… làm bạn trai cô lo sợ quá. Sau một thời gian, cô gặp hiền huynh Phan Quốc Uy.[3] Nghe hiền huynh khuyên, cô xin nhập môn để cầu khẩn Ơn Trên ban ơn giải bệnh. Quả nhiên, do lòng thành, cô lành bệnh. Hiện nay cô vẫn lui tới thánh thất hành đạo, hăng hái làm mọi công quả như rửa chén, dọn dẹp nhà bếp… chẳng chút nề hà, ai cũng quý mến.
5. CHƯƠNG TRÌNH HỌC TẬP GIÁO LÝ
Chương trình học tập giáo lý tổ chức thường xuyên hằng tháng. Nguồn kinh sách, thánh giáo Đại Đạo rất phong phú, từ phổ độ đến vô vi, như: Hội Thánh Tây Ninh, Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan, Minh Lý Thánh Hội, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, v.v… Buổi học giáo lý có hai phần. Trong phần đầu (30-45 phút), thuyết trình viên đọc thánh giáo và trình bày ý kiến của mình. Qua phần hai, các thính giả và người thuyết trình trao đổi ý kiến trong tinh thần hòa ái, cùng tu cùng học, cùng giúp nhau tiến bộ.
6. NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Vấn đề đào tạo thế hệ tiếp nối cho tương lai, việc xin học đạo pháp (tu thiền, hay công phu), việc truyền Đạo cho người phương Tây… là những ưu tư của Ban Trị Sự thánh thất Cao Đài Paris (Alfortville).
 Đào tạo thế hệ tiếp nối là một khó khăn thật sự cho tương lai cơ Đạo trong xã hội phương Tây.
Cha mẹ bận rộn đi làm, không gần gũi nhiều với con cái nên công việc giáo dục cũng khó khăn. Càng khó khăn hơn về vấn đề đức tin tôn giáo. Con cái được dẫn đi hành đạo thường xuyên từ lúc tuổi nhỏ, nhưng đến mười tám tuổi thì các em được quyền tự do quyết định theo ý riêng của mình. Ngoài ra, tại Pháp, có ông Michel Onfray viết sách quảng bá về vô thần (athéisme) rất “ăn khách”. Sách ông bán chạy như tôm tươi. Các buổi diễn thuyết của ông tại giảng đường đại học đều đầy nghẹt các chỗ ngồi.
Công việc truyền đạo Cao Đài phải được thực hiện liền ngay vào quần chúng phương Tây, chớ không thể đợi chờ trong thế hệ con em chúng ta. Muốn truyền đạo cho người phương Tây chúng ta phải có các nhà truyền giáo giỏi sinh ngữ, chứng đạo và phải được ân sủng Thiêng Liêng mới có thể cảm hóa con người. Chúng ta phải có kinh sách dịch ra tiếng ngoại quốc, rất cần thiết.

Vấn đề thực hành công phu (thiền).
Trong các buổi học tập giáo lý Cao Đài thì hay nhắc tới Tam Công là công quả, công trình và công phu. Nhưng khi tín đồ muốn thực hành công phu thì không biết phải học với ai, học ở đâu... Bởi vì thánh thất chưa có người đủ quyền pháp đứng ra truyền pháp!
*
Nói chung, trong tình hình thế giới ngày nay, con người càng ngày càng làm nhiều chuyện dữ dằn, sống trong lo sợ. Nạn thất nghiệp tại châu Âu gia tăng, khủng hoảng kinh tế gia tăng, các chính phủ đều thiếu tiền, mối đe dọa của thế chiến thứ ba là có thật. Đức Tin về Thượng Đế dường như là mơ hồ... Ít người biết đến cái quý của Đạo...
Ngày 26-8 Bính Tý (1936), Đức Chí Tôn dạy:
“Ôi! Báu trọng thay cái Đạo! Quý hóa thay cái Đạo mà thế gian còn chưa hiểu rõ! Vả như một người biết Đạo, mười người biết Đạo, trăm ngàn người biết Đạo, cả gia đình quốc gia biết Đạo, khắp xã hội hoàn cầu biết Đạo, thì còn ai đâu mà sanh lòng quấy quá? Có phải là sẽ khỏi thất công cho chánh trị giữ gìn chăng?
Ôi! Đời đã lập hình pháp rất nghiêm, dùng khí giới rất nhiều, mà thử xem: đời độc ác chẳng những cũng vẫn huờn độc ác mà còn càng thêm độc ác mỗi ngày gia tăng lên mãi nữa kìa!
Chỉ có chừng nào nhơn loại biết sợ cơ Trời báo ứng, biết ham đạo đức tinh thần thì dẫu một cái tội chi thầm tối, một cái ác chi bí mật là cũng chẳng bao giờ ai dám làm đâu. Vì thầm tối bí mật với ai, chớ với thần lương tâm, với cơ báo ứng mà còn kín nhẹm nỗi gì.
Thế nên không chi ích lợi cần yếu cho đời bằng đạo với đức. Hễ đạo đức hoằng khai, đời đã thâm nhiễm thì con người mới hết dục vọng, mà hết dục vọng là hết tàn ác, hết tàn ác là hết khổ đau. Vậy nên các con phải chung tay hiệp sức mà ráng lo sao cho bành trướng Đi Đo, để đ rỗi quần sanh trong thời mt kiếp nầy. [4]
Xây dựng, phát triển cơ Đạo tại Paris cũng nằm trong mục tiêu của thánh thất là cố gắng hiệp sức mở rộng Đại Đạo ra các nước.[5]

QUÁCH HIỆP LONG



[1] Là ái nữ đạo trưởng Đơn Tâm, hiện nay chị làm việc tại Paris và tu học tại thánh thất Paris (Alfortville).
[2] Do hiền huynh Quách Hiệp Long dịch ra tiếng Pháp, nhan đề: Anthologie de Saintes Paroles Caodaïstes. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo trợ giúp phần kỹ thuật, và liên kết Nxb Tôn Giáo (Hà Nội) ấn tống quyển một và quyển hai (2011), phát hành tại Pháp. [Văn Uyển]
[3] Là con tiền bối Huỳnh Đức Phan Khắc Sửu (1905-1970). Tiền bối Huỳnh Đức đắc vị Nguyệt Đức Thiên Tiên.
[4] Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 93-94. Quyển số 36 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[5] Lược trích bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo sáng Chúa Nhật 07-10-2012.