Heidemarie Schwermer
Một sự thật hiển nhiên là đâu đâu cũng có sự hiện diện và tác
động của đồng tiền, phương tiện trao đổi có thể mang lại cho con người một số
tiện nghi phục vụ đời sống (quần áo, nhà cửa, xe cộ, chữa bệnh, giáo dục, giải
trí…), và thông thường nếu không có nó, sẽ gần như chắc chắn là sự khốn khổ.
Cho nên cả đời con người ta xét cho cùng hầu như ai cũng chạy theo đồng tiền để
giải quyết mọi nhu cầu cuộc sống hằng ngày của mình tuy có thể bằng những cách
thức và thái độ hơi khác nhau tùy theo nhân sinh quan và mục đích riêng của mỗi
người.
Điều đáng nói là vì ai cũng muốn chiếm lấy cho thật nhiều
tiền của mà sinh ra chiến tranh triền miên giành giật cái kho của cải hữu hạn
của trái đất. Tiền không chỉ mua được hàng hóa, dịch vụ mà còn tạo nên quyền uy
và thế lực cho những người nắm giữ được nó trong tay. Các ngân hàng, các thế
lực tài phiệt chi phối được tiền bạc thì hầu như cũng đồng nghĩa chi phối cả
nền kinh tế – tài chính và đời sống chính trị – xã hội của cả nước. Cho nên hễ
ai lệ thuộc kinh tế thì thường thường phải chịu cảnh lép vế về chính trị, xét ở
mức độ nhỏ cá nhân hay quy mô lớn quốc gia cũng đều như thế cả.
Đồng tiền vốn hiện diện khắp nơi và chi phối mọi hoạt động
của con người trên tất cả các mặt tốt cũng như xấu: Tham ô cướp của cũng vì
tiền, anh em ruột thịt kiện tụng chém giết nhau cũng vì tiền... Sinh ra đủ thứ
bệnh tật hết thuốc chữa, hay thậm chí tự tử vì phá sản vỡ nợ, nguyên nhân cũng
ít khi ngoài chuyện tiền bạc… Nhưng để được sống hạnh phúc hơn, một số không ít
người cũng có thể nhờ có tiền mà đạt được. Thế cho nên người ta mới nói tiền là
động lực của tiến hóa, và thường khi phải có tiền mới có được lễ nghĩa (phú quý
sinh lễ nghĩa)…
Hiện nay nhân loại đang đứng trước hai cuộc khủng hoảng lớn: Khủng
hoảng môi sinh và khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng sau nói theo cách
giản đơn hơn chính là cuộc khủng hoảng tiền, khiến cho bao nhiêu đầu óc tinh
hoa của nhân loại phải họp chung nhau lại trong các cuộc hội nghị thượng đỉnh
quốc tế tìm cách đối phó mà hiện vẫn chưa thấy được lối ra căn bản, nếu không
muốn nói bế tắc. Nhưng giữa hai cuộc khủng hoảng (môi sinh và tài chính) là có
quan hệ biện chứng với nhau: Để tạo ra đồng tiền, người ta sản xuất và tiêu
thụ, theo cái vòng lẩn quẩn đẩy mạnh tiêu thụ để duy trì và phát triển sản
xuất, thế là tạo nên tình trạng ô nhiễm môi sinh vô phương cứu chữa, với nạn
khí thải, nước thải, rác thải… không còn chỗ chứa hoặc tiêu hủy, dẫn đến hiện
tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa ngày càng gắt gao hơn sự sinh tồn của
loài người trên khắp cả hành tinh.
Đồng tiền quan trọng và thiết thân như vậy, nhưng trong thế
giới hiện đại, được biết có một người dám chủ trương thực hành lối sống không
cần tiền. Đó là bà Heidemarie Schwermer người Đức, sinh năm 1942, đã mười lăm
năm nay quyết ý đoạn tuyệt với tiền. Bà là tác giả của trung tâm Cho Và Nhận (Geben und Nehmen) sáng lập
năm 1994 là mô hình đầu tiên ở Đức về trao đổi hàng hóa, kỹ năng mà không có sự
hiện diện của tiền. Heidemarie đã xuất bản hai cuốn sách, trong đó cuốn Cuộc Đời Không Tiền Của Tôi [1] đã được dịch sang các thứ
tiếng Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn hai mươi quốc gia đã chiếu bộ
phim tài liệu về cuộc sống không tiền của bà.
Bà này có “ngược đời” và gàn dở lắm không? Chắc là không.
Trong bộ phim, có người gọi bà là “ăn bám” người khác, nhưng cũng có người gọi
bà là nguồn cảm hứng lớn. Bộ phim nói về ảnh hưởng của tiền bạc tới cách nghĩ,
cách sống, sức khỏe của con người và môi trường xung quanh, cho thấy chủ nghĩa
vật chất cùng với sự tiêu thụ quá mức của con người hiện đại.
Theo nhà báo Khổng Loan, người thực hiện cuộc phỏng vấn bà Heidemarie
qua mạng internet (đăng trên báo Tuổi Trẻ,
18-9-2011), trong thế giới mà giá trị vật chất trở thành tiêu chuẩn và làm cho
con người điên lên thì bà Heidemarie không để tiền hiện hữu trong cuộc đời
mình, kể cả dưới hình thức thẻ tín dụng hoặc séc. Trả lời câu hỏi không xài
tiền thì sống cách nào, bà Heidemarie cho biết: “Tôi không mua gì cả. Tôi sống với những người khác, trông nom nhà cửa
hay giúp đỡ họ để đổi lấy đồ ăn. Tôi cảm thấy mình rất giàu mà không cần tiền.
Tiền lương hưu, tôi cho cả. Đồ ăn, quần áo và tất cả mọi thứ cần trong một ngày
đều đến từ những người khác sau khi tôi và họ trao đổi với nhau… Tôi đã có được
sự tự do vĩ đại vì tôi không phải chạy theo đồng tiền.”
Quả thật, bà Heidemarie không chút gàn dở. Trái lại những gì
bà giải thích thêm như sau đây liên quan tới các vấn đề thuộc về lối sống và
môi trường còn chứng tỏ chủ trương của bà hoàn toàn minh triết và cũng có thể
không quá đáng nếu gọi bà là một bậc tiên tri:
“Tôi sống không có tiền
có nghĩa tôi phát hiện một cuộc sống có chất lượng mới mà tôi cảm nhận được
thông qua sự quan tâm và chia sẻ với người khác. Tôi quan tâm tới mình, tới
hàng xóm, tới xã hội. Tất cả dường như tạo nên sức bật mới, dâng hiến cho cuộc
sống. Thay vì chạy theo một cách đau khổ những phú quý tiền tài, để mối quan
tâm của cuộc đời vào vật chất, những gì tôi quan niệm hiện nay là từ bên trong.
Theo cách này sẽ dẫn đến sự thay đổi các giá trị, sự thay đổi đó chính là cái
mà chúng ta cần để bù đắp những đổ vỡ. Có sự khác nhau giữa người nghèo, người
giàu, xảy ra thảm họa thiên nhiên và những điều xấu xa khác đều đến từ lòng
tham về tiền bạc của con người.”
Sống như bà Heidemarie, mới thoạt trông thấy có vẻ như bất
cận nhân tình, nhưng một khi người ta đã có đủ kinh nghiệm để hiểu ra rằng “nhà
giàu cũng khóc” (tên một bộ phim), và “Tiền có thể mua được thuốc men nhưng
không thể mua được sức khỏe. Tiền có thể mua được thực phẩm nhưng không thể mua
được sự ngon miệng. Tiền có thể mua được các phương tiện hưởng lạc nhưng không
thể mua được hạnh phúc”,[2] thì người ta sẽ có thể bắt đầu thấy bà Heidemarie có lý.
Chủ trương sống không cần tiền, nếu muốn áp dụng vào đời sống
thực tế hằng ngày thì hầu như là điều khó thể thi hành được cho số đông mọi
người, kể cả đối với linh mục, nhà sư… Nhưng nó hoàn toàn hiện thực cho số ít
người nào nhờ sự suy nghiệm sâu sắc mà đồng thuận được với nó, như bà
Heidemarie đã từng chứng tỏ một cách thành công.
Tác dụng tốt đẹp của triết lý sống không cần tiền tối thiểu
cũng nằm ở chỗ nó là loại triết lý mang tính vừa phản kháng vừa cách mạng để
cảnh tỉnh loài người luôn phải ý thức về việc cần phải điều chỉnh lại lối sống
của mình nếu muốn tránh được mối hiểm họa bị hủy diệt do tác động phá hủy của
môi trường trong tương lai. Điều này còn nhắc nhở mọi quốc gia cần phải xem xét
lại các chính sách phát triển cơ bản của mình, để không tiếp tục chạy theo
đường lối phát triển ồ ạt bằng công nghiệp hóa hiện đại hóa một cách mù quáng
thiếu cân nhắc mà kết quả chắc chắn chỉ là sự phá hủy môi trường sống của chính
mình.
Một nước Nhật chẳng hạn, giàu có nhờ khả năng phát triển thần
tốc của khoa học – kỹ thuật và kinh tế với thu nhập đầu người tính bằng tiền
rất cao nhưng trong đó con người luôn luôn phải tất bật căng thẳng trong cuộc
sống liên tục bị dồn nén, để xảy ra nhiều trục trặc trong đời sống tâm lý khiến
hạnh phúc bị giới hạn…, nếu xét kỹ, chưa chắc xứng đáng là mô hình gương mẫu
của nền văn minh hiện đại để các nước noi theo. Trái lại, nhận xét như bà
Heidemarie lại có vẻ thực tế hơn: “Đúng
là hạnh phúc xuất phát từ bên trong con người. Bởi vậy, những nghiên cứu cho
thấy con người sống ở nước nghèo lại hạnh phúc hơn người ở nước giàu.” Chỗ
này, có lẽ cũng cần một đoạn bổ sung: Nghèo nhưng đừng quá nghèo đến mức đói
khổ gầy trơ xương như không ít dân tộc hiện nay ở châu Phi.
Sống nghèo nhưng được bình yên hạnh phúc hơn, đây là một thực
tế có cơ sở chứng minh vững chắc chứ không phải lời nói vu khoát. Hình ảnh
ngược lại với một số quốc gia phát triển theo hướng thiên trọng văn minh vật
chất là các nước Lào, Campuchia ,
Myanmar (Miến
Điện)… trước đây, theo truyền thống nhờ nền kinh tế Phật Giáo (Buddhist economy) mà có được cuộc sống
tương đối bình ổn. Nay do bị cuốn hút bởi trào lưu công nghiệp hóa hiện đại
hóa, và bị các giới đặc quyền chính trị – kinh tế lợi dụng chi phối, dân tộc
Lào và Campuchia đã không còn được sống bình yên như trước, phong tục tập quán
tốt đẹp bị xáo trộn dữ dội và đang phải đứng trước những thách thức thật sự
đáng lo ngại trong việc họ phải đối đầu với hiểm họa môi trường do các dự án
xây dựng gây ra, khiến cho “cây đa cũng cụt, dòng sông cũng què”, ruộng đồng bị
bê-tông hóa, kèm theo là hiện tượng tiêu cực tham nhũng ngày một gia tăng.
Trung Quốc, Việt Nam cũng đã và đang lâm vào tình hình tương tự nhưng còn nặng
nề hơn, vì đi trước những nước kia một bước trên con đường “phát triển thần
tốc”, ngoài ô nhiễm môi trường còn có nạn tham nhũng tràn lan, hố ngăn cách
giàu nghèo ngày càng sâu sắc, văn hóa – đạo đức xuống cấp thê thảm, các tệ đoan
xã hội trong đó có nạn cướp của giết người dã man thừa cơ phát triển, khiến dân
chúng phải sống trong tình trạng bị đe dọa thường trực, các nhà chức trách luôn
điên đầu mà vẫn chưa tìm được giải pháp căn bản khả thi để ngăn chặn hiệu quả.
Suy cho cùng, và nói đơn giản dễ hiểu, tất cả cũng chỉ vì xã hội nhắm mắt chạy
theo đồng tiền!
Riêng tại Myanmar, tình trạng có lẽ khá hơn, đáng là hiện
tượng để suy nghĩ, và có thể sẽ trở thành bài học tham khảo chung cho nhiều
quốc gia trên thế giới, đặc biệt cho những nước có trình độ phát triển tương tự
nhưng đang quá hăng hái chạy đua theo con đường tiền của, vật chất mà bất chấp
sự hủy hoại văn hóa – đạo đức cũng như môi sinh.
Như
chúng ta đều biết, Myanmar là một nước nói chung rất nghèo, suốt hơn thế kỷ là
thuộc địa của Anh (1825-1948), lại bị nạn quân phiệt đè ép trong năm mươi năm
(1962-2010), nhưng bần cùng mà vẫn không sinh đạo tặc là nhờ giữ được nền văn
hóa truyền thống cố hữu, biết “tri túc
thiểu dục”,[3] có nếp sống từ bi theo tinh thần Phật Giáo, với 89% dân số theo
đạo Phật (tiểu thừa), phần lớn đều có thói quen thiền định mỗi ngày. Các nhà
báo quốc tế khi đến Myanmar
làm việc đều ghi nhận như vậy: Người dân Myanmar nghèo nhưng vẫn hiền lành,
giàu lòng nhân ái, sự nghèo khó của họ không đồng nghĩa với sự xuống cấp về văn
hóa – đạo đức. Từ thành thị xuống đến các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, người
Myanmar không đánh lộn, không chửi thề, không phóng uế bừa bãi, không xả rác vô
tội vạ, và đặc biệt là không có nạn trộm cắp, lừa đảo, hay dùng thủ đoạn ma
mảnh để kiếm tiền bằng mọi giá!
Người
Myanmar hiện đại lẽ tất nhiên không phải là một dân tộc “sống không cần tiền”
như trong nền kinh tế hoán vật [4] của loài người sơ khai, nhưng không phải vì tiền, vì nhắm mắt chạy
đua theo của cải vật chất mà sinh ra nạn phá rừng vô tội vạ làm hủy hoại môi
trường, hoặc trộm cướp bất lương. Trái lại, phần lớn họ chỉ “xin Phật cho con hàng
ngày dùng đủ”. Cho nên có thể nói, triết lý sống không cần tiền rất gần gũi với
lối sống của nhà Phật.
Ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật trong việc giúp thắng bớt tham
vọng chạy đua vật chất quá đà của thế giới hiện nay, tích cực góp phần gìn giữ
hòa bình và sự an lạc cho toàn cõi hành tinh của chúng ta, đã được chứng minh
một cách hùng hồn qua thực tế Myanmar, một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo,
ở đó “tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân”,[5] hầu hết ai cũng muốn sống theo tinh thần từ bi, tri túc thiểu dục
của nhà Phật.
Cả thế giới hiện nay đang cùng nhìn về nước Myanmar với
cuộc cải cách lớn từ đầu năm 2011 theo hướng dân chủ hóa đời sống chính trị của
đất nước. Nếu cuộc cải cách này thành công, mà vẫn giữ được truyền thống văn
hóa Phật Giáo, người ta có rất nhiều lý do để tin tưởng quốc gia này sẽ có một
tương lai phát triển tốt đẹp và bền vững, nghĩa là phát triển cân bằng, không
hủy hoại môi sinh và những mặt tích cực khác trong đời sống tâm linh theo
truyền thống Phật Giáo.
TRẦN KHUYẾT NGHI
07-12-2012