Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / NỮ TÍN ĐỒ VỚI VIỆC TU HỌC / Cát Tường

Image result for caodaism
Phụ nữ xưa và nay
Ngoài những trang anh thư liệt nữ, xưa nay phụ nữ luôn luôn là người nâng khăn sửa túi cho chồng. Đường công danh sự nghiệp của chồng có thênh thang hay không thì ngoài tài của chồng, người vợ cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng nhất nhất mọi việc trong gia đình vẫn do người đàn ông (chủ gia đình) quyết định. Phụ nữ phần lớn có nhiệm vụ sinh dưỡng con cái, nội trợ trong nhà.
Thế kỷ hai mươi mốt này, người phụ nữ ngoài những bổn phận trên còn phải tham gia xã hội, góp mặt cộng đồng. Với đức kiên nhẫn vốn có, tính bền bỉ, tinh thần ham học hỏi, theo thời gian phụ nữ ngày càng tiến bộ rõ rệt. Đã và đang có rất nhiều nữ văn nghệ sĩ, nữ giáo sư, nữ bác sĩ, nữ khoa học, nữ ngoại giao, nữ tổng thống, nữ thủ tướng... làm cho xã hội mang thêm nhiều sắc thái mới. Ở đâu người phụ nữ xuất hiện cũng tăng thêm vẻ tươi đẹp, mềm mại nhất là khi hội họp, tham chính. Chả trách nhiều nước đã tổ chức những đội nữ cảnh vệ để làm “dịu” đi vẻ căng thẳng vốn có ở cánh mày râu làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh.
Tham gia ngoài xã hội, nhưng trong gia đình phụ nữ vẫn phải vẹn toàn – một nhiệm vụ nặng nề, nói đẹp hơn là thiên chức của người phụ nữ: Chăm lo cho chồng con từ miếng ăn, viên thuốc; nhà cửa phải vén khéo sạch sẽ gọn gàng; dạy dỗ con sao cho ngoan, hết lòng lo cho việc học hành của con, đưa đi đón về, nhất là những người đóng cả hai vai – vừa làm cha vừa làm mẹ.
Khó khăn của nữ tín đồ
Ngày còn bé, họp xã đạo ngay tại nhà tôi, lúc nào nữ cũng đông hơn. Bây giờ những ngày sóc vọng, lễ điếu, khánh thành, đại hội... luôn luôn nữ chiếm đa số. Có người bảo rằng do nữ mang tội nhiều từ tổ tông nên cần tu. Người khác lại nói nữ giác ngộ nhiều hơn, có lòng nhân từ bác ái hơn nên siêng đến chùa thất. Có lẽ cả hai đều đúng. Nữ tín đồ chúng ta đến chùa thất nhiều nhưng việc tu học có đạt kết quả như mong muốn không? Ai cũng thấy rằng nữ chức sắc thường đạt phẩm vị rất ít so với nam phái. Đó là nói về số lượng. Chức sắc nữ đạt phẩm vị cao cũng rất ít so với số lượng nữ tín đồ đông đảo. Điều đó do đâu? Khiến ta suy nghĩ gì?
Thật ra, các vị chức sắc hay chức việc phái nam khi đi tu thì thuận lợi hơn phái nữ rất nhiều.
Phái nam là người chủ gia đình, phần quyết định thuộc về quý ông: Mạnh mẽ, dứt khoát, rất cương quyết. Và khi phái nam đã “dứt áo”, người vợ sẽ là người đảm nhận trọng trách gánh vác gia đình (chăm sóc con cái và cha mẹ già, lo mưu sinh hằng ngày). Đó là một phần thuận lợi của phái nam. Nhưng yếu tố chính là quý ông vững vàng, xác định rất rõ con đường sẽ đi và phải tới đích. (Dượng tôi quyết chí đi tu khi cô tôi mới ba mươi bảy tuổi với một nách bảy đứa con nhỏ dại. Thời gian sau, dượng tôi mất, vừa hết chín cửu đã về đàn.)
 Còn nữ tín đồ chúng ta? Với quý chị em đã chọn đường tu chơn giải thoát thì quá thuận lợi, nhất định con đường về với Thầy Mẹ sẽ thênh thang, dễ dàng hơn nhiều. Đó là gương của các nữ tiền bối như Đức Bảo Thọ Thánh Nương, Thần Nữ Nguyễn Thị Ngại...
Nếu lập gia đình với người cùng đạo thì có nhiều thuận lợi. Cùng vợ cùng chồng tát biển Đông cũng cạn. Chùa thất cùng nhau, chay lạt cùng nhau, chung tín ngưỡng, nói ra điều gì cũng dễ thấu tình đạt lý. Được như vậy là quá tuyệt vời!
ƒ Nếu chồng không cùng tín ngưỡng với vợ, lại thêm khó tính, thì có phần khó khăn hơn. Chưa kể, nếu chồng không theo tôn giáo nào cả thì càng khó khăn bội phần. Sẽ không dễ dàng đến chùa thất trong ngày sóc vọng, rất khó khăn để đi dự lễ khánh thành, an vị... Quý chị em nào vượt qua được khó khăn này thật là may mắn hết sức!
Những nữ tín đồ không chọn đường tu giải thoát, chưa lập gia đình (hay những quả phụ) thì gặp nhiều khó khăn khác: hay bị gièm pha, dị nghị (chẳng hạn như khi buộc phải xin đi nhờ xe một đạo huynh, hoặc khi được đạo hữu khác phái mời một ly nước giải khát...). Đặc biệt là những chị em cùng lúc đóng hai vai vừa làm mẹ vừa làm cha, trách nhiệm nặng nề trong việc chăm sóc con cái và nuôi sống gia đình.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mễ biết bao! [1]
Hay là:
Càng thấy con khờ không đủ trí
Càng thêm lo huyết khí bên chồng
Nâng niu lúc ẵm khi bồng
Phụ thân thế phận cho chồng dạy khuyên.
Càng sợ hở thung huyên [2] phiền muộn
Thảm bao nhiêu gắng gượng làm vui
Tảo tần sớm dưỡng chiều nuôi
Thế chàng thiếp lãnh vai người hiếu nam.[3]
Sơ lược, đó là những khó khăn mà dù ít dù nhiều cũng ảnh hưởng tới con đường tu học của nữ tín đồ chúng ta.
Việc tu học của nữ tín đồ: những điều được và chưa được
 Điều đưc
Phần lớn chị em chúng ta rất cố gắng thu xếp mọi việc gia đình để tham gia đạo sự, nhất là quý chị chức sắc, chức việc. Việc đạo nhiều không thể tưởng: Quan hôn, tang tế, rồi đến mùa tu, những khóa học... Nhất là những lúc có lễ lớn ở thánh sở, chị em chúng ta quá sức vất vả!
Tôi vô cùng khâm phục nhiều nàng dâu, tuy không còn chồng và bên nách lịu địu cả đàn con, mà cứ thẳng đường tu tiến, bất chấp hoàn cảnh kinh tế khó khăn muôn vàn. Nhưng cũng có nhiều chị em rất muốn đường tu học của mình ngày càng tiến bộ nhưng không vượt qua được vì trách nhiệm nặng nề với gia đình.
Không phải mèo khen mèo chứ quả thật phụ nữ Cao Đài thực hiện tam tùng tứ đức rất nghiêm. Trải nhiều thế hệ và nhìn quanh mình, tôi thấy từ con dâu tới con gái, những nữ tín đồ bị đứt gánh nửa đường luôn luôn lấy việc chăm con, đến chùa thất làm niềm vui. Một nét son! Ở đây cũng xin mở ngoặc một tí: Đấy là những phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi vì không còn người bạn đời cùng mình chia sẻ gánh vác gia đình. Chị em tìm đến Đạo, đến anh chị em cùng Đấng Cha Lành. Thế nhưng lắm lúc phải chịu đựng vài ánh mắt soi bói xét nét... Chúng ta nên an ủi những chị em này, chớ làm cho quý chị em đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn.
Những đóng góp của nữ phái cho giáo hội không hề nhỏ, nhất là chuyện công quả, phước thiện. Vận động nữ phái bao giờ cũng đạt kết quả nhanh chóng.
Điều chưa đưc
Bên cạnh đó chị em chúng ta còn tồn tại những gì cần khắc phục?
Chúng ta ít thẳng tiến mà hay dừng bước nửa chừng hoặc tiến rất chậm với nhiều lý do hoàn cảnh, sức khỏe... Khi còn sức lực thì ham làm việc đời nhiều hơn; lúc tìm về với Thầy Mẹ thì tuổi lớn, sức khỏe hao mòn, nên có nhiều hạn chế, khó thực hiện trọn vẹn những gì chị em mong ước.
Nếu chị em chúng ta muốn “Hiểu thông giáo lý xây nền móng / Nắm vững chơn truyền dựng kỷ cương” [4] thì chúng ta phải tích cực tìm hiểu kinh sách Đại Đạo. Tuy vậy, một số nữ tín đồ chúng ta không chịu khó đầu tư thời gian đọc. Ngày nay, chị em chúng ta đang có nguồn kinh sách rất dồi dào qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo; chúng ta có cả một kho tàng đạo lý quý giá mà người tín đồ Cao Đài không thể và không nên bỏ phí.
Nhiều người trong chị em chúng ta chưa hăng say với đạo sự; trong những buổi sinh hoạt hoặc học đạo còn quá rụt rè, không nêu ý kiến nhận xét một việc nào đó là đúng hay sai, khiến cho các đạo huynh phụ trách chẳng biết sao để điều chỉnh cho phù hợp. Thiết nghĩ, quý chị em cứ mạnh dạn bày tỏ ý kiến một cách từ tốn, điềm đạm; chẳng những không làm mất đi nữ tính mà ngược lại khiến người khác còn phải nể phục mình. Vì vậy, chị em chúng ta cần cố gắng ở điểm này để không khí học đạo hào hứng hơn, đỡ buồn ngủ.
Gặp gỡ, hàn huyên tâm sự là điều rất tốt. Song phải đúng nơi đúng chỗ. Chúng ta hay mắc lỗi này: Không được nghiêm túc vì ưa nói chuyện khi ngồi trong hội trường dự lễ, khi tham gia sinh hoạt học đạo thường kỳ. Điều này chẳng những thể hiện lòng thiếu tôn trọng người đăng đàn thuyết giáo mà còn khiến người chung quanh khó chịu. Trầm trọng hơn, ngay cả khi lên bửu điện thờ Thầy, lúc chờ đến giờ lễ vẫn có người râm ran nói chuyện! Đây là điểm hệ trọng, chúng ta không thể coi thường mà cần sớm khắc phục: Ngay từ lúc báo đàn đã phải chỉnh sửa đạo phục và nghiêm trang, thanh tịnh, dọn lòng đảnh lễ Thầy.
Nữ tín đồ có cần đẹp không? Xin thưa, có đấy quý chị em ạ. Chúng ta chẳng cần phải đẹp đến “chim sa cá lặn” nhưng cần đẹp. Đẹp, để mọi người khi tiếp xúc sẽ tăng phần thiện cảm, nâng vị thế của nữ tín đồ tôn giáo mình lên. Đẹp ở đây là Dung trong Tứ Đức, là nét tươi sáng, trang nhã, thanh tú, dịu dàng; đi đứng nói cười đúng nơi đúng chỗ; tóc tai gọn gàng, đạo phục nghiêm chỉnh, không để nhàu nát hoặc quá nhiều nếp nhăn lộn xộn. Tuy không còn mới, nhưng nếp gấp ngay ngắn thì bộ đạo phục vẫn đẹp. Lác đác chị em mình vẫn có người rơi vào trường hợp chểnh mảng đạo phục mỗi khi bước vào thánh sở!
*
Tóm lại, nữ tín đồ chúng ta ít có điều kiện thuận lợi như phái nam trong tu học; sự tinh tấn thường bị hạn chế do nhiều trở ngại từ gia đình, xã hội. Chính vì vậy mà chị em chúng ta phải hết sức nỗ lực vượt qua những chướng ngại này. Điều gì đã tốt chúng ta cần phát huy; những gì chưa được thì chị em mình khéo nhắc nhở, bảo ban lẫn nhau để ngày càng tiến bộ trên bước đường tu học.
Nữ phái chúng ta ai cũng có thiên hướng tự nhiên là dễ xúc động chân thành mỗi khi nhắc tới Đức Mẹ Diêu Trì. Thương Mẹ thì ai trong đám nữ nhi chúng ta cũng rất thương Mẹ. Nhưng thương là một lẽ tình cảm, chúng ta còn phải quyết tâm biến tình cảm tự nhiên thương Mẹ trở thành hành vi ý thức, thành việc làm cụ thể trong đời tu học, để Mẹ chúng ta nguôi lòng, không còn cảnh trạng này:
Mẹ già lòng vạn cổ
Trăng khắc khoải canh tàn
Gương ao chưa thêm đóa
Lệ theo lệ nối hàng
Thương cành sen lang thang.[5]
Để Mẹ vui, chị em chúng ta đừng làm những cành sen lang thang nữa, mà hãy là những cánh sen tươi đẹp thơm ngát tô điểm mặt nước gương ao Diêu Trì của Đức Mẹ.
CÁT TƯỜNG
Thánh thất Trung Thành, Đà Nẵng
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài



[1] Đoàn Thị Điểm, Chinh Phụ Ngâm Khúc. Câu 159-162.
[2] Thung huyên: Cha mẹ.
[3] Đức Đoàn Thị Điểm, Nữ Trung Tùng Phận. Câu 221-228.
[4] Thơ Phạm Văn Liêm. Đại Đạo Văn Uyển, tập Nguyên, Xuân Quý Tỵ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 42.
[5] Thơ Huệ Khải, Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi, năm Nhâm Thìn. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 109. In lại trong Thơ Người Áo Trắng. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 33. Quyển 66-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: