Cao Đài là một tôn giáo vừa nhập thế vừa xuất thế. Chủ trương nhập thế của
đạo Cao Đài được phản ánh rõ ràng qua lời dạy của Đức Cao Triều Phát:
“Đi vào đời” chính là hội nhập cuộc sống thế nhân,
hòa vào các hoạt động của xã hội, của cộng đồng. Vì sao người tín hữu Cao Đài cần
phải hội nhập vào cuộc sống nhân sinh? Đức Chúa Giêsu có lần dạy môn đệ Cao Đài
như sau:
“Ta đã đến với nhơn
sinh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong
gió rít đêm
đông. Có người đã bảo chư hiền: Không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm
con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt sự đắm chìm của
nhơn loại.” [2]
Do đó, người tín hữu Cao Đài hội nhập
cuộc sống xã hội để làm nhiệm vụ cứu độ nhân sinh, mang đến cho nhân loại một
cuộc sống hòa bình, an lạc và văn minh tiến bộ.
Tuy nhiên, cần phải thận trọng. Muốn “đem mình vào bể khổ” để “cứu vớt sự đắm chìm của nhơn loại” như
lời Đức Chúa Giêsu dạy thì chúng ta phải “biết bơi” thật giỏi, nghĩa là phải có
bản lãnh, có dũng khí, có đức độ và tài năng. Nói một cách khác là phải có đầy
đủ tâm hạnh đức tài mới tránh được tình trạng đau buồn là chẳng những không cứu
được người sắp chết đuối mà bản thân mình cũng bị chìm đắm vào bể khổ hay bị cuốn
hút vào dòng xoáy cuộc đời.
Chúng ta nhớ hai câu kinh nhựt tụng của
đạo Cao Đài:
Biển trần khổ vơi vơi
trời nước
Ánh thái dương dọi trước
phương đông.
Đạo Thầy khai mở chẳng khác nào ánh
thái dương lố dạng xóa tan màn đêm tăm tối. Vì vậy, người môn đệ Cao Đài hội nhập
cuộc sống xã hội là để làm ánh sáng soi đường cho nhân thế trở về bến khởi
nguyên. Muốn làm ánh sáng soi đường thì phải đi đầu, đi trước nhơn sanh chứ
không thể tụt hậu đi sau mọi người.
Đạo Cao Đài do Đức Thượng Đế khai mở
là một mối đạo có tinh thần tiên tiến đi trước thời đại. Thật vậy, xuất hiện từ
những năm đầu của thế kỷ 20 mà đạo Cao Đài đã có những tư tưởng tiến bộ như đề
cao vai trò của nữ phái trong sứ mạng cứu độ quần sinh, nữ phái được ân phong
vào hệ thống chức sắc Cửu Trùng Đài đến phẩm Đầu Sư trong bối cảnh xã hội Việt
Nam lúc bấy giờ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của thói trọng nam khinh nữ. Thậm
chí, mãi đến ngày nay, tại một số quốc gia trên thế giới, phụ nữ vẫn bị xem nhẹ,
bị bạc đãi do bởi thói trọng nam khinh nữ này.
Ngoài ra, đạo Cao Đài còn nêu cao
tinh thần hòa đồng tôn giáo hay vạn giáo nhứt lý và kêu gọi các tôn giáo cùng kết
hợp với nhau thành một thực thể đạo cứu thế. Điều này chỉ có thể thực hiện được
trong điều kiện “nhơn loại đã hiệp đồng,
càn khôn dĩ tận thức” [3] như lời Đức Chí Tôn dạy.
Ngày nay, con người trên thế giới ngày càng
xích lại gần nhau. Nhờ vào những phương tiện giao thông hiện đại và sự phát triển
không ngừng của các phương tiện truyền thanh truyền hình và công nghệ thông
tin, con người đã có thể liên lạc tiếp xúc với nhau trong nháy mắt, dù ở cách
xa cả nửa vòng trái đất. Điều này đã góp phần đưa các nền tư tưởng gần lại,
giao thoa với nhau. Nền đạo Cao Đài do Đức Thượng Đế khai mở trong thời kỳ này
vì vậy có một đặc sắc riêng là tinh thần dung hòa và tổng hợp tư tưởng Đông Tây
kim cổ. Con người của thời đại ngày nay không còn như ngày xưa vốn chỉ sống cô
lập với một nền văn minh bản địa. Giáo sư P.T. Raju, nguyên Trưởng Khoa Triết
Viện Đại Học Rajasthan, phát biểu:
“Ngày nay chúng ta sống
trong một thế giới, chứ không phải chỉ trong một quốc gia hay một nền văn minh,
và chúng ta cần hiểu chính ta như là các công dân của thế giới.” [4]
Theo Archie J. Bahm, giáo sư môn triết và tôn giáo đối chiếu
tại Viện Đại Học New Mexico ,
sống trong thời đại toàn cầu con người cần có tôn giáo khác hơn thời trước, phù
hợp với đà văn minh khoa học hiện đại của thế giới.
Giáo sư Archie J. Bahm phát biểu thêm:
“(…) các tôn giáo trên thế
giới sẽ có xu thế hướng về một nền tôn giáo toàn cầu.”
“Tuy nhiên nhân loại đang
thiếu một nền tôn giáo toàn cầu theo ý nghĩa rằng thực chất nền tôn giáo đó là
nền đạo duy nhất và theo ý nghĩa rằng tôn giáo đó vượt lên hẳn các tôn giáo
khác chỉ vì bản thân tôn giáo đó chứa đựng tinh hoa của tất cả các tôn giáo
khác.” [5]
Nền tôn giáo toàn cầu mà giáo sư Archie J. Bahm đề cập đến,
phải chăng chính là nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Thượng Đế đã khai mở? Và
như vậy, để có thể đảm đương được sứ mạng của một nền tôn giáo toàn cầu, đạo Cao
Đài cần phải thích ứng với nền văn minh khoa học hiện đại và nhu cầu tâm linh của
nhân loại ngày nay. Đó cũng là thi hành lời Đức Cao Triều Phát dạy:
- “(…) đạo đức cao siêu cần
thiết thì tâm đức, trí năng sâu rộng quyết nhiên không thể nào lu mờ ở xã hội học
vấn, trí thức ngày nay. Muốn thực hiện thế nhân hòa mà không dùng
ngôn từ của người đời nay, không dùng tâm tư
của người đời nay thì mong gì người đời hiểu
được ta mà phổ độ.
- “(…) cần phải nâng
cao tầm mức giáo lý cho có triết học, khoa học, văn học để tăng thêm tính chất
hấp dẫn và phổ biến.
- “Xã hội ngày càng tiến tới những tương quan
càng thêm phức tạp, tinh thần tư tưởng con người cũng biến chuyển, không ngừng
đổi thay thay đổi. Thế nên các em phải làm
thế nào giáo lý Đạo luôn có tính cách thích ứng với thời đại và hoàn cảnh
chung cũng như riêng.” [6]
Do đó, nhu cầu cấp bách của đạo
Cao Đài ngày nay là phải có được các đạo viện Cao Đài để đào tạo các hàng ngũ
chức sắc hướng đạo, tu sĩ và giáo sĩ có đầy đủ trình độ về giáo lý cũng như về
kiến thức khoa học - kỹ thuật tiên tiến.
Ngoài ra, hàng hướng đạo, tu sĩ giáo
sĩ nói riêng và người môn đệ Cao Đài nói chung còn cần phải tu chứng hay thực
chứng tâm linh, thể hiện ra bên ngoài bằng tác phong đạo hạnh và nếp sống đạo đức
thuần thành để minh chứng cho nhân thế thấy rõ được giá trị cứu độ và chuyển
hóa tâm linh của chân lý Cao Đài, đồng thời truyền bá giáo lý cho thế nhân cùng
áp dụng vào đời sống hằng ngày. Đó chính là thực hành lời Thầy dạy chúng ta hãy
bỏ bánh vẽ mà ăn bánh thật và đem bánh thật cho mọi người cùng ăn:
“Trước hiện tình đặc biệt ngày nay, nhiệm vụ các
con rất cần hơn lúc nào hết. Con không còn tìm ăn những bánh vẽ
và trao bánh vẽ cho kẻ khác cùng ăn, mà con phải ăn một thức ăn tinh
thần và mọi người đều thọ hưởng thức ăn tinh thần ấy, để có đủ năng lực sáng suốt
ngõ hầu đối phó với mọi hoàn cảnh hiện tại và xây đắp lại nền tảng giáo lý vững
chắc ở tương lai.” [7]
Tóm lại, đạo Cao Đài cần phải hội
nhập để thực hiện sứ mạng lịch sử của một tôn giáo toàn cầu là cứu độ nhân loại
trong thời hạ nguơn mạt kiếp ngày nay.
Đạo hội nhập với dân tộc và toàn
thế giới nhân loại, trên nguyên tắc hòa hợp mà không để mình bị lôi cuốn, đắm
chìm và cuốn hút vào cơn lốc xoáy của cuộc đời phàm tục; có vậy mới làm tròn
nhiệm vụ dẫn đường trên phương diện tâm linh.
Nhu cầu cấp bách của đạo Cao Đài
ngày nay là phải có được các đạo viện Cao Đài xứng đáng để đào tạo những con
người đầy đủ Tâm Hạnh Đức Tài, tức là có đủ phẩm chất và công năng diệu dụng
nhằm thực thi sứ mạng trọng đại được Đức Thượng Đế ban trao – đó là đem đạo vào
đời để xây dựng cho con người một thiên đàng tại thế và dìu dắt nhân loại cùng
trở về bến khởi nguyên (là Đạo, là Trời).
Và… Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo vẫn
đang chờ đang đợi những con người ấy:
Thiên cơ thế sự định phân rồi
Chờ đợi con người đạo đức thôi...
Sứ mạng Thiên ân tua gắn bó
DIỆU NGUYÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo