Thánh thất Bàu Sen
Trong chương trình thuyết
minh giáo lý hàng tháng của thánh thất chúng ta, hôm nay thay mặt Ban Cai Quản,
tôi chia sẻ cùng quý huynh tỷ đệ muội những điều bản thân học hỏi và suy gẫm từ
thánh giáo của Đức Hiển Thế Đạo Nhơn và Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim
Tinh.[1]
Thánh
giáo này tiếp nhận tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài vào Tuất thời, ngày 23 tháng
Chạp Kỷ Dậu (30-01-1970), tức là buổi chiều ngày đưa ông Táo về chầu Trời theo
phong tục dân gian từ xưa đến nay.
1. Mở đầu, Ơn Trên ban cho bốn
câu thơ như sau:
Buổi
thế hơn thua mãi giựt giành
Lăn
thân vào chốn lợi hư danh
Giựt
mình tỉnh giấc hồn phiêu bạt
Thì nắm xương vùi dưới mộ
xanh.
Bốn
câu này nhằm cảnh tỉnh chúng ta rằng lúc còn sống không biết lo tu, cứ ham mê
bon chen, giành giựt, hơn thua những cái danh cái lợi ở trần gian. Mà những
danh lợi ấy là giả tạm, bởi vì khi mạng sống chúng ta chấm dứt, chúng ta đâu có
đem được danh lợi đó về bên kia thế giới. Chúng ta cũng không có công đức tu
hành gì để được về cõi trời bởi cả đời chẳng lo tu. Thế nên chết đi rồi, sau
khi xác thịt tan rã, chúng ta chỉ còn là nắm xương tàn vùi dưới đáy mồ xanh cỏ.
2. Thánh giáo dạy tiếp:
HIỂN THẾ ĐẠO NHƠN
“Chào chư
Thiên mạng. Chào chư liệt vị đạo đức tam ban.
Hôm nay Tệ
Đệ được lịnh đến trước báo đàn, có Giáo Tông Thái Bạch sắp lâm đàn. Trong thì
giờ dư đôi phút, Tệ Đệ xin phép liệt vị có ít lời cùng các em địa phương sở
tại. Tệ Đệ xin thỉnh chư liệt vị đồng an tọa.
Sau đây, Tệ
Huynh chào mừng các em trong Ban Cai Quản Ngọc Minh Đài.”
Đấng giáng đàn hôm ấy là
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn. Lúc còn sống, Ngài tên là Phan Văn Thanh, sinh năm 1890.
Ngài nhập môn Cao Đài, tu học và hành đạo tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, và tạ
thế năm 1950. Ngài phải luân hồi một kiếp nữa để trả sạch nợ trần trong sáu năm
rồi mất. Bấy giờ Ngài được đưa về cung Thái Ất tu thêm chín năm và đắc quả vị
Hiển Thế Đạo Nhơn. Thiên Đình ban ơn cho Ngài trở về trần gian dạy đạo lập
công. Lần giáng đàn đầu tiên của Ngài là ngày 10-5 Ất Tỵ (09-6-1965) tại thánh
tịnh Ngọc Minh Đài.
Nếu chúng ta đã đọc bài “Hành Trình Về Cõi Hư Linh” in trong
quyển Câu Chuyện Đức Tin của Diệu
Nguyên,[2] thì sẽ biết rõ hơn câu chuyện đời Ngài
trong kiếp luân hồi sáu năm trước khi đắc quả.
Đức
Hiển Thế Đạo Nhơn hôm ấy trở lại thánh tịnh Ngọc Minh Đài để báo đàn cho Đức
Giáo Tông, nhân tiện Ngài để lời dạy đàn em của Ngài đang tu hành tại thánh tịnh
này. Chúng ta để ý thấy, khi về đàn trước tiên Ngài chào các vị Thiên ân chức sắc,
chức việc từ nơi khác đến thánh tịnh, rồi sau đó Ngài mới chào Ban Cai Quản
thánh tịnh Ngọc Minh Đài.
Ta
hiểu, Đức Hiển Thế Đạo Nhơn xem Ngài vẫn là người xưa của Ngọc Minh Đài, thuộc
về bên chủ nhà. Do đó, vừa giáng đàn thì Ngài chào khách trước, xong rồi mới
chào đàn em trong nhà. Đó là Ngài làm gương dạy chúng ta phải biết thủ lễ trong
giao tiếp, cho xứng đáng là kẻ tu hành, phải trọng lễ giáo.
3.
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy:
“Tệ Huynh
rất hài lòng nhìn thấy những kết quả ban sơ mà các em đã thâu đạt được. Tuy
chưa phải là điều mãn nguyện nhưng cũng đánh dấu trong lịch trình hành đạo sở
tại một điểm son. Sự thành công ấy do
nơi tâm thành của các em nêu cao tinh thần đạo hạnh, đạo đức. Các em đã và đang
cải tiến lề lối làm việc và biết kính nể, nhường nhịn, thương yêu lẫn nhau. Đó
là một số vốn rất lớn về tinh thần đạo đức.”
Chúng ta đừng nghĩ rằng ở
đây Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy riêng cho bổn đạo
Ngọc Minh Đài, nghĩa là không liên quan tới chúng ta.
Đức
Khổng Tử dạy: “Ba người đi chung, ắt có một người làm thầy ta: Lựa cái hay của
người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình.” [3]
Vậy, hãy lấy ưu điểm của
đồng đạo chúng ta ở thánh tịnh Ngọc Minh Đài mà xét xem mình có được như vậy
chưa. Các ưu điểm đó là:
- Tâm thành nêu cao tinh thần đạo hạnh đạo đức.
- Cải tiến lề lối làm việc.
- Biết kính nể, nhường nhịn, thương yêu lẫn nhau.
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn xác định rằng ba ưu điểm này chính là một số vốn rất lớn về tinh thần đạo đức.
Người đi buôn phải có
tiền làm vốn. Người đi đường cũng phải có chút vốn lận lưng. Chúng ta là người
tu hành đang cố gắng bước lên con đường trở về Thầy Mẹ, vậy chúng ta cũng cần
có chút vốn ban đầu, chính là ba điểm mà Đức Đạo Nhơn đã nêu trên.
4. Thánh giáo dạy:
“Các em thử
nghĩ lại mà xem: Người thế gian đến chùa thất để mà chi? Có phải vì đã chán
ngấy những sự giả dối, hơn thua, bè phái, tiếng bấc tiếng chì, thiếu lễ giáo,
nên mới gần cửa đạo để được xoa dịu tinh thần căng thẳng của thế tình lãnh đạm
và được nghe lời giảng dạy đạo lý và cử chỉ tác phong đạo hạnh của người tu,
phải vậy không các em?”
Trên đây Đức Hiển Thế Đạo
Nhơn nhắc chúng ta nhớ mấy điểm căn bản của người tu trong thánh sở Cao Đài.
Điểm thứ nhất là thể hiện
lễ giáo. Hồi đầu, khi tìm hiểu thứ tự
lời Đức Đạo Nhơn chào khách ngoài trước rồi sau mới chào người nhà, chúng ta đã
biết đó là Ngài làm gương cho chúng ta biết thủ lễ với nhau. Kế đến Ngài dạy
chúng ta phải biết nhường nhịn, thương yêu nhau.
Một người vì đã chán cảnh
giả dối, giành giựt, lấn hiếp ngoài đời mà tìm vào thánh thất chúng ta để tu
học. Nếu vào thất lại thấy đạo hữu cũng kết phe kết bầy, húng hiếp lẫn nhau,
đàn em mà bất kính đàn anh đàn chị, lấn lướt bề trên, hoặc đàn anh đàn chị
không biết nhường nhịn, thương mến đàn em, thì chắc chắn họ sẽ xa rời thánh
thất, bỏ Đạo. Như vậy, chúng ta đã phạm lỗi với Thầy, gây tiếng xấu cho Đạo, và
xô đẩy người muốn tu lìa xa cửa Đạo.
5. Thánh giáo dạy:
“Dầu một
tín hữu cũng vậy, đã vào Đạo, biết niệm Phật Tiên Thánh, biết chay lạt, biết
đọc kinh, hơn nữa là ở trong địa phận chùa thất, dầu gặp cảnh ngộ nào có trái
tai gai mắt hoặc không hài lòng, cũng phải cố nén lòng phẫn nộ
hạ đẳng, tìm lời dịu dàng có lễ độ để minh xác biện hộ, hoặc xử sự với nhau cho
thích hợp với hoàn cảnh. Như vậy mới hơn người thế gian là ở chỗ đó.
Thật ra ở
ngoài đời, em nào cũng có gia tư, có trí khôn, có thế lực, có hùng biện của
người thế gian, chớ đâu phải thua sút gì ai đâu. Nhưng khi vào Đạo, đến chùa
thất là phải tạm dẹp tất cả những khí tiết ngôn ngữ tầm thường hạ đẳng để trở
nên người đạo đức thanh cao. Ở chốn chùa thất có thiếu là thiếu những điều ấy,
chớ ngoài thế gian có thiếu chi.
Vậy nên
điều cần yếu cho người tu hành trong nếp sống thường nhựt là phải giữ tánh ôn
hòa kiên nhẫn, nhịn nhục thuận thảo, vẻ mặt điềm đạm khả ái, lời nói chứa đựng
sự giác ngộ, xây dựng và đượm vẻ bác ái chân thành. Có như vậy mới hơn người ngoài
thế gian. Tiên Huynh mừng cho các em đã thể hiện được phần nào ở chỗ đó.”
Trong đoạn này Đức Hiển
Thế Đạo Nhơn dạy chúng ta rằng thánh thất không phải là chỗ để tranh đua như
ngoài đời. Người biết tu, tuy ngoài đời họ chẳng kém ai, nhưng vào thánh thất
thì ráng làm thinh để nhịn nhục những chuyện trái tai gai mắt. Tiếc thay! Có
người quen thói đời húng hiếp lẫn nhau, thấy thế lại nghĩ lầm rằng đạo hữu ấy
là dở, kém cỏi hơn, nên càng lấn tới mà có lời nói hay cử chỉ càn quấy, trái
đạo.
Nói cách khác, qua lời
dạy của Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, chúng ta cần nhớ rằng trong thánh thất nếu chúng
ta có hơn kém nhau là ở chỗ đạo đức tánh hạnh chớ không phải hơn thua nhau ở
lời lẽ thị phi, hành vi lấn hiếp những bạn đạo hiền lành.
6. Thánh giáo dạy:
“Các em ơi!
Bàn tay còn có ngón vắn ngón dài, trong đám dưa còn có trái thẳng ngay, trái
đèo đẳng. Sự tiến hóa trong tâm hồn con người cũng vậy. Nếu gặp trong hàng
huynh đệ có những cử chỉ hoặc lời nói, hoặc hành động không
được hài lòng, đừng vội giận dỗi, dùng lời nặng nhẹ khiển trách hoặc ghét bỏ,
mà phải thông cảm, tìm lời an ủi vỗ về nhẹ nhàng khả ái để
tập cho hàng huynh đệ ấy lần hồi trở nên đứng đắn. Có được vậy mới thể hiện
được nghĩa câu kinh Cứu Khổ mà các em thường tụng. Đó là “Sử nhơn vô ác tâm, linh
nhơn thân đắc độ.” Được như vậy mới là “Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát” đó
các em.”
Ở đoạn trên, Đức Hiển Thế
Đạo Nhơn dạy: “Nhưng khi vào Đạo, đến
chùa thất là phải tạm dẹp tất cả những
khí tiết ngôn ngữ tầm thường hạ đẳng…”
Ở đoạn này, Đức Hiển Thế
Đạo Nhơn nhắc nhở lần nữa: “đừng vội giận
dỗi, dùng lời nặng nhẹ khiển trách hoặc
ghét bỏ…”
Trời sinh chúng ta chỉ có
một cái miệng, mà thường chúng ta phạm lỗi chỉ vì nó. Cho nên thánh ngôn, thánh
giáo luôn khuyên chúng ta phải giữ mồm giữ miệng.
Bên Minh Lý Đạo, trước
khi tụng kinh còn phải đọc thần chú Tịnh Khẩu, để răn lòng nhớ giữ mồm miệng
cho thanh cao, trong sạch thì tụng kinh mới linh ứng, mới được Thiêng Liêng
chứng giám. Bài Tịnh Khẩu Chú có bốn
câu, do Đức Tây Phương Phật Tổ giáng cơ ban cho như sau:
Lời ăn nói
là nơi lỗ miệng
Tiếng luận
đàm liệu biện đề phòng
Giữ gìn
miệng đặng sạch trong
Thốt lời
minh chánh, rèn lòng tụng kinh.
Thí dụ, chúng ta vào
thánh thất. Chưa tới giờ cúng bèn tụ họp thành nhóm tán chuyện rôm rả rất vui. Hễ
quá vui thì hay quá trớn, quên dè dặt, chúng ta dễ mắc tật ngồi lê đôi mách,
đem chuyện đồng đạo ra bàn tán, khen chê. Vậy là mình phạm khẩu nghiệp rồi.
Trước giờ tụng kinh mình
không có thủ tục đọc Tịnh Khẩu Chú mà còn ngồi lê đôi mách phạm nghiệp khẩu,
nhưng khi lên cúng thời trên chánh điện, mình vẫn cứ vô tư! Có lẽ vì vậy mà
phần đông chúng ta tu hành hoài vẫn không tiến bộ chăng?
7. Thánh giáo dạy:
“Thôi hết
giờ, chư liệt vị chỉnh đàn nghinh tiếp Giáo Tông Thái Bạch vừa đến. Tệ Đệ xin
chào chung với lời cảm ơn nồng thắm. Thăng.
8.
TIẾP ĐIỂN
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI
BẠCH KIM TINH
THI
Giáng trần nào phải để
ngao du
Muốn độ người đời biết
chữ tu
Tu
tánh tu tâm trừ nghiệp chướng
Tu
nhân tu quả lánh oan thù
Tu
không tham dục nên Tiên Phật
Tu
chẳng lợi danh thoát ngục tù
Xây
dựng đạo nhà, yên việc nước
Nhà
yên nước trị rạng công phu.
“Bần Đạo mừng chư đại diện các thánh thất, thánh tịnh. Mừng
chư hiền đệ, hiền muội đẳng đẳng đàn trung. ”
Với
hai câu mở đầu bài thơ, Đức Giáo Tông xác định rằng Ngài giáng đàn không phải
để ngao du, không phải để vui chơi; mà là để lo cứu độ, lo giúp chúng ta tu
hành.
Đó
là Ngài dạy chúng ta hãy noi gương Ngài, chớ ham vui chơi mà hãy biết siêng tu
học.
Thế
gian thường nói các vị Tiên quen thú hưởng nhàn, nhưng vị Đại Tiên Trưởng của
chúng ta không hưởng nhàn. Là Giáo Tông Đại Đạo nên Ngài không thể riêng hưởng
cảnh nhàn ở Thiên Đàng mà phải nặng gánh trách nhiệm thay Thầy dạy dỗ, săn sóc
chúng ta tu học.
Ngược
lại, chúng ta chưa đắc đạo, tu hành chưa tới đâu mà rất ham vui, khoái đi chơi,
thích ngao du.
Khi được
một thánh sở ở xa mời dự lễ, nếu thấy chỗ đó khỉ ho cò gáy, thì chúng ta đùn
đẩy người khác đi thế.
Ngược
lại, nếu thánh sở đó nằm ở miền biển đẹp như Nha Trang, Long Hải... hay cao
nguyên hữu tình như Đà Lạt, thì chúng ta thường rủ rê nhau đi cho đông, mướn
nguyên một chiếc xe. Mượn cớ là liên giao hành đạo nhưng chủ yếu là kết hợp để
đi chơi cho sướng. Cuộc lễ ở xa tổ chức chỉ trong một buổi sáng, nhưng xong lễ
rồi chúng ta sẽ nán lại đi chơi thêm vài ngày nữa, lấy lý do là để khỏi uổng
công đi xa hàng trăm cây số.
Khi
đi chơi xa nhiều ngày như vậy, chúng ta bỏ mất những thời cúng, bỏ mất nhiều giờ
công phu tu tịnh. Đời chúng ta ngắn ngủi, đố ai dám chắc mình còn khỏe mạnh tới
bao lâu mà dám phung phí kiếp sống của mình. Sao không tiếc thời gian, không lo
dành dụm thời gian mà siêng học giáo lý, siêng lo tu thiền...
Bây
giờ điều kiện an toàn giao thông quá kém. Báo chí đưa tin tai nạn đường bộ xảy
ra thường xuyên và rất nhiều, rất nghiêm trọng. Chúng ta đi hành đạo thì còn
dám cầu nguyện chư Thần đi theo phù hộ cho mình bình an. Nhưng nếu chúng ta đi
chơi, đố ai dám cầu nguyện làm phiền các Đấng. Còn phải để các Đấng lo tu tiến cho
chính các Đấng nữa chớ.
Trong
bài này Đức Giáo Tông dạy chúng ta tiết kiệm thời gian để lo tu học. Còn Đức
Hiển Thế Đạo Nhơn trước đó dạy chúng ta giữ lễ phép, lịch sự trong giao tiếp.
Chúng
ta đừng nghĩ rằng chuyện này là chuyện nhỏ nhặt. Bởi lẽ, ngày 07-10-1960, khi
giáng đàn ở Hội Thánh Tam Quan (Bình Định), Đức Chí Tôn dạy chúng ta phải tu
Tam Công; trong Tam Công có Công Trình; trong Công Trình có yêu cầu phải giữ
lịch sự, lễ độ trong giao tiếp và giữ gìn lời ăn tiếng nói, đừng ham chơi lêu
lổng hết sáng lại chiều, đừng ngồi lê đôi mách, phải dành thời gian tu học cho
tâm linh sáng tỏ.
Hôm
ấy, Đức Chí Tôn dạy con cái như sau:
Bỏ những lúc nhàn dung đôi mách
Dạy từng lời tư cách tiếp giao
Bỏ xa thế lực phú hào
Dạy tôn phẩm vị đặt vào nhơn phong.
Bỏ lối nói dài dòng tục tĩu
Dạy học lời êm dịu thanh bai
Bỏ khi lêu lổng chiều mai
Dạy nên cần mẫn giồi mài điểm linh.
9. Thánh giáo dạy:
“Mỗi đơn vị thánh thất, thánh tịnh là một giáo đường hướng dẫn người đời lìa chốn
sông mê để trở về bến giác. Có ý thức được như vậy thì giá trị của người hành
đạo cũng đồng chung như những công việc khác trong thời quốc biến gia vong.”
Quốc biến gia vong
nghĩa là nước loạn, nhà mất. Đức Giáo Tông dạy bài này đầu năm 1970. Lúc ấy
chiến tranh trên đất nước chúng ta vô cùng tàn khốc.
Đức
Giáo Tông dạy: “Mỗi đơn vị thánh thất,
thánh tịnh là một giáo đường hướng
dẫn người đời lìa chốn sông mê để trở về bến giác.”
Chúng ta hiểu rằng đường
là cái nhà rộng lớn; giáo là dạy. Giáo đường là cái nhà rộng lớn
để dạy đạo cho tín đồ.
Suy ra, một giáo đường
hay một thánh thất nếu chỉ có cúng lạy, làm đám, chỉ có lễ lạt ăn uống linh
đình thì làm mất ý nghĩa dạy đạo của
thánh sở.
Ban Cai Quản một thánh
thất mà bỏ bê việc dạy đạo cho tín đồ thì Ban Cai Quản làm sái Tân Luật.[4]
Các
tín đồ mượn cớ bận làm ăn, bận việc đời mà né tránh giờ học đạo, không đến nghe
thuyết giảng vào hai ngày sóc vọng tại thánh thất (nhưng lại thích lễ lạt ăn
uống linh đình), thì tín đồ đã quên rằng Thầy cho lập thánh thất là để dạy đạo.
Thánh thất là trường học
đạo. Nhập môn rồi mà sợ học giáo lý tức là trốn học ham chơi.
l Tại sao Đức Giáo Tông nhắc nhở chúng ta ý nghĩa thánh thất là trường dạy
đạo?
Câu
trả lời của Ngài như sau:
“Hơn nữa, công việc hành đạo lại đắt giá hơn về phương
diện tinh thần, vì mọi hành động của con người đều do nội
tâm xuất phát. Nếu đem đạo cải tạo tư
tưởng con người thì những thói hư tật xấu, những điều độc ác thất đức bất
nhân sẽ bị tiêu diệt ngay từ trong trứng nước ở nội tâm, thì còn đâu mà bộc
phát những hành động.”
Như
vậy, thánh thất phải dạy đạo để cải tạo tư tưởng con người, hướng tư tưởng con
người vào lẽ tốt lành, thánh thiện. Tư tưởng tốt thì nó sai khiến ta hành động
tốt. Ngược lại, tư tưởng quấy thì nó sai khiến ta hành động trái đạo lý.
Tiếp
theo đó, Đức Giáo Tông dạy thêm như sau:
“Hơn một lần, Bần Đạo có nói rằng bố thí thực phẩm cho
người đói lòng là một nghĩa cử từ thiện có phước đức công quả, nhưng bố thí lời
đạo đức để giác ngộ người đói kém về mặt tinh thần lại càng phúc đức, công quả
trọng đại hơn.”
Đức
Giáo Tông nhắc: “Hơn một lần, Bần Đạo có nói rằng...”
Hơn một lần có nghĩa là Ngài đã dạy rồi, mà chúng ta không thuộc bài cho nên Ngài phải
dạy lại lần nữa, phải ôn bài cho chúng ta. Ngài ôn cho chúng ta điều gì?
“Bần Đạo có nói rằng bố
thí thực phẩm cho người đói lòng là một nghĩa cử từ thiện có phước đức công
quả, nhưng bố thí lời đạo đức để
giác ngộ người đói kém về mặt tinh thần lại càng phúc đức công quả trọng đại
hơn.”
Đức
Giáo Tông đưa ra hai loại công quả:
A. Bố
thí thực phẩm. Hiểu rộng ra là làm từ thiện, giúp cơm áo, tiền bạc,
thuốc men cho người nghèo, nạn nhân chiến tranh, v.v... Hoặc đem tiền mặt, hoặc
lấy tiền mua cơm gạo, áo quần, thuốc men... để bố thí, thì Phật Giáo gọi chung
là tài thí. Tài là tiền bạc.
Tài
thí được Đức Giáo Tông khen ngợi, nhưng Ngài cho biết nó còn kém hơn loại bố
thí thứ hai.
B. Bố
thí lời đạo đức. Hiểu rộng ra
là khuyên nhủ người khác làm lành lánh dữ, là thuyết giảng cho người khác hiểu
đạo, là soạn sách và ấn tống để truyền bá đạo lý cho đông đảo người được giác
ngộ. Phật Giáo gọi chung loại bố thí thứ hai này là pháp thí.
Đức
Giáo Tông nhấn mạnh rằng “bố thí lời đạo đức để giác ngộ người
đói kém về mặt tinh thần lại càng phúc
đức, công quả trọng đại hơn.”
Thánh
thất Bàu Sen chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng chúng ta nhiều năm liền duy trì được
chương trình thuyết minh giáo lý hàng tháng. Đó là pháp thí, là thực hành chức
năng của thánh thất là một trường giáo đạo. Đây là điểm tốt của họ đạo Bàu Sen.
Tốt mà chưa hoàn toàn. Tại sao vậy?
Bởi
vì một buổi thuyết đạo thường chỉ quy tụ được vài chục tín đồ ở gần thánh thất.
Bà con ở xa rất khó đến dự. Cho nên tác dụng buổi thuyết đạo còn nhiều hạn chế.
Trái
lại, nếu in một quyển sách giáo lý được vài ngàn quyển, rồi tái bản thêm vài
lần nữa. Sách được phổ biến khắp nơi. Mỗi nhà mà có tủ sách giáo lý thì khác gì
một lớp học thường trực. Lúc nào cũng có thể mở ra xem, lúc nào cũng có thể ôn
học giáo lý trong đó. Cho nên tác dụng của kinh sách ấn tống vượt trội hơn một
buổi thuyết minh giáo lý về nhiều mặt.
Năm
năm qua, thánh thất chúng ta là một điểm tổng phát hành kinh sách ấn tống. Đã
in hơn sáu mươi đầu sách. Nhiều đầu sách tái bản hai, ba lần rồi. Mỗi lần in
bình quân năm ngàn quyển. Kinh sách phổ truyền đi khắp nước, truyền ra cả hải
ngoại.
Nhiều
tín đồ ở xa nhiều năm dài không được học giáo lý ở thánh thất, thánh tịnh của
mình. Bây giờ có kinh sách ấn tống phong phú dồi dào, bà con mừng lắm, quý trọng
lắm!
Trái
lại, trong thánh thất chúng ta, thật sự có bao nhiêu tín đồ chịu đọc sách để
học hỏi thánh ngôn, thánh giáo được giảng giài rành mạch trong đó? Nhiều khi nghe
hiền huynh Chánh Hội Trưởng ngâm một đoạn thánh thi, thì có tín đồ xúm lại khen
hay và xin huynh Đạt Tịnh chép lại.
Nhưng
đoạn đó đã in trong sách ấn tống lâu rồi. Huynh Chánh Hội Trưởng siêng học, nên
chép ra sổ tay mà ngâm nga để thuộc bài và nhớ lâu. Những ai hỏi xin chép lại
tức là họ không chịu đọc sách, thấy sách biếu miễn phí thì cứ cầm về nhà, rồi chẳng
thèm đọc.
Tình
trạng này cho thấy vẫn còn một số tín đồ chưa ý thức để siêng tu siêng học. Nói
lên tình trạng đó không phải để chỉ trích gì nhau. Mà để nhìn thấy những gì
trong thánh thất chúng ta chưa hoàn hảo. Thánh thất chúng ta đã và đang là một
trường giáo đạo, nhưng chúng ta còn phải rất cố gắng để ngôi trường đạo này
càng ngày càng xứng đáng với bảng hiệu Cao
Đài Giáo Lý mà tiền bối Phan Thanh tức Đức Bạch Liên Tiên Trưởng đã gầy
dựng từ xưa.
Huynh
Chánh Hội Trưởng Đạt Tịnh cách đây rất nhiều năm đã cho dựng hai bảng hiệu Cao Đài Giáo Lý ở hai đầu con hẻm đi
vào thánh thất Bàu Sen. Như thế có nghĩa là tới thánh thất Bàu Sen là để được
trang bị nguồn giáo lý Cao Đài, vì Bàu Sen là một trường giáo đạo.
Hôm
nay nhắc với nhau như vậy để toàn thể tín đồ trong họ đạo Bàu Sen chúng ta hãy cùng
nhau đoàn kết, nêu cao tinh thần tu học, sửa đổi những khuyết điểm trong dĩ
vãng.
10. Để
củng cố lại những trọng điểm của câu chuyện đạo lý sáng nay, chúng ta hãy lắng
lòng nghe kỹ thánh giáo của Đức Giáo Tông Đại Đạo. Thánh giáo dạy:
“... thánh đường hiện nay rất nhiều, từ Tòa Thánh, Hội Thánh đến thánh thất,
thánh tịnh. Đáng lý ra những nơi này phải là nơi dùng làm trường đạo giáo dân,
trong lúc đó chỉ có một ít hành động, lấy tỷ lệ như những hột cát trong bãi sa mạc.
Đừng quan niệm xây dựng thánh thất và kiếm được một người
thủ tự để bốn thời quỳ hương cúng nước là đủ. Thượng Đế Chí Tôn không bảo làm
việc quá nghèo nàn ít oi như vậy. Vì, như đã nói: Thánh thất là trường giáo dân, ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm đơn
giản.
Nếu mỗi thánh đường dùng mọi trang trí lộng
lẫy huy hoàng tôn nghiêm tráng lệ mà chung quanh vùng đó chưa có nhiều
người vào đạo, hiểu đạo, thậm chí đến con em trong gia đình hướng đạo cũng
không được sự dạy dỗ đạo lý, đó là trái với mục đích mở Đạo của Thượng Đế Chí
Tôn.”
Thánh
thất chúng ta nhỏ bé, ở trong khu lao động bình dân. Nhưng chúng ta đừng vì thế
mà tự coi thường mình, tự đánh mất giá trị của mình. Chúng ta phải biết thực
hành lời dạy sau đây của Đức Giáo Tông :
“Luôn luôn phải nhớ rằng mình là những viên gạch tốt,
những hột cát tốt, những hột xi măng tốt, sẵn sàng kiện toàn và sẵn sàng chuẩn
bị để xây một lâu đài chắc chắn nguy nga tráng lệ. Ngôi nhà ấy là tòa lâu đài
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Phải vượt lên trên tất cả những khuyết điểm đã nói ở
trên, phải quan trọng hóa sứ mạng cao cả của người tín hữu hoặc chức sắc, chức
việc cũng vậy. Mình có tự trọng mình,
tha nhân [người khác] mới trọng mình.
Hễ có tự trọng, tất nhiên không cẩu thả trong việc xử sự, phát ngôn và hành
động.
Mỗi một tín hữu hay chức việc, chức sắc là một điển hình
cho Đại Đạo. Đừng tưởng rằng mình là hột cát nhỏ vô danh rồi tự ti mặc cảm,
thiếu thận trọng.
(...)
Lời sau cùng, (...) Bần
Đạo muốn thấy mỗi một thánh thất, thánh tịnh ý thức thể hiện được một hình thể
tạm gọi là trường giáo dân. Trước nhứt là giáo dục con em trong gia đình
đạo hữu để làm đà tiến cho các lãnh vực rộng rãi khác trong khuôn viên đạo đức.”
Lời
dạy của Đức Giáo Tông Đại Đạo rất giản dị và dễ hiểu. Chúng ta nếu biết thật sự
thương Thầy, thương Đức Giáo Tông thì phải ráng học và hành cho đúng lời Ngài
từ bi dạy dỗ nhiều phen.
Xin
quý huynh tỷ, đệ muội hãy cùng chúng tôi hứa nguyện với Thầy, với Ngài.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
TRẦN VĂN QUANG
Phó Cai Quản thánh thất Bàu Sen
Đại Đạo Văn Uyển trân
trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài
tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ:
|