LÊ ANH MINH dịch từ tiếng Đức
Phần dẫn nhập quyển I Ging - das Buch der Wandlungen (Kinh Dịch
– Quyển Sách Của Các Biến Dịch). München: Nxb Diederichs, 2001, tr. 15-22.
Hầu như tất cả những tư tưởng quan
trọng và vĩ đại trong hơn ba ngàn năm lịch sử Trung Quốc đã phát khởi từ sách
này, hoặc đã tác động ngược lại vào sự giải thích về sách này, cho nên người ta
có thể yên tâm nói rằng sự minh triết già dặn mấy ngàn năm đã được đúc kết
trong Chu Dịch.
Do
đó chẳng có gì lạ rằng hai nhánh Nho Giáo và Đạo Giáo trong triết học Trung Quốc
đều bắt nguồn từ nó. Luồng ánh sáng hoàn toàn mới mẻ từ sách này soi rọi vào sự
bí mật trong các mô thức tư duy u ẩn của Lão Tử huyền bí và các đệ tử của ngài,
cũng như soi rọi vào những ý tưởng xuất hiện trong truyền thống Nho Giáo như là
các công lý được mặc nhiên chấp nhận.
Thực
vậy, chẳng những triết học mà còn khoa học tự nhiên và thuật trị nước nữa đã
không ngừng rút tỉa từ nguồn minh triết này, và chẳng gì lạ rằng Chu Dịch là quyển sách duy nhất của kinh
điển Nho Gia đã thoát khỏi đại nạn đốt sách (năm 213 TCN) đời Tần Thủy Hoàng.
Thậm
chí cuộc sống hằng ngày của người Trung Quốc cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Chu Dịch. Nếu đi qua các phố phường của
một thành phố Trung Quốc, người ta sẽ bắt gặp ở một góc phố đâu đó một thầy bói
ngồi bên chiếc bàn tươm tất với bút lông và tấm bảng, để rút ra từ quyển triết
thư cổ xưa này những lời khuyên bảo và những thông tin cho những rối rắm vụn vặt
của cuộc đời.
Không
chỉ thế, người ta còn bắt gặp các bảng hiệu như các tấm liễn gỗ sơn mài đen
treo dọc trang trí cho cửa tiệm mà các chữ Hán sơn nhũ vàng trên đó với lời lẽ hoa
mỹ luôn luôn gợi nhớ những ý tưởng và các trích dẫn từ Chu Dịch. Ngay cả nền chính trị của một nước hiện đại như Nhật Bản
vốn nổi tiếng về sự thận trọng khôn ngoan trong những tình huống khó khăn cũng
không xem thường những lời khuyên bảo của Chu
Dịch.
Theo
dòng thời gian, do sự nổi tiếng của sự minh triết trong quyển Chu Dịch, một số học thuyết huyền bí mà
nguồn gốc của chúng ở trong mô thức tư duy khác (có lẽ là nguồn gốc ngoại lai)
đã kết hợp với các học thuyết trong Chu Dịch.
Từ
đời Tần (221-206 trước Công Nguyên) và đời Hán (206 TCN-220 Công Nguyên) bắt đầu
có thêm một môn triết học tự nhiên hình thức bao quát toàn cõi tư tưởng với hệ
thống tượng số. Kết hợp thuyết âm dương với thuyết ngũ hành lấy từ Kinh Thư, môn triết học này khiến thế giới
quan của Trung Quốc ngày càng trở thành hình thức khô cứng.
Do
đó những tư tưởng thần bí càng thêm chi li đã bao trùm Chu Dịch bằng đám mây mù huyền bí, và khi thâu tóm mọi sự việc quá
khứ vị lai vào trong hệ thống các con số, chúng đã khiến Chu Dịch nổi tiếng là quyển sách thâm sâu khó hiểu.
Những
tư tưởng thần bí ấy cũng là nguyên nhân làm thui chột những mầm mống của nền
khoa học tự nhiên phóng khoáng của Trung Quốc từng xuất hiện vào thời của Mặc Tử
(khoảng 478-392 TCN) và các môn đệ của ông. Điều này dẫn đến một truyền thống
viết sách và đọc sách biệt lập, xa lìa kinh nghiệm thực tế, khiến Trung Quốc
bao lâu nay đã hiển hiện trong con mắt của phương Tây như một sự bế tắc vô vọng.
Tuy
nhiên người ta chớ quên rằng bên cạnh cái học tượng số huyền bí máy móc ấy vẫn
hằng tồn tại một dòng sông minh triết thâm sâu của nhân loại thông qua quyển
sách tuôn chảy vào đời sống hằng ngày, đồng thời đã ban tặng cho nền văn hóa
Trung Quốc vĩ đại một sự khôn ngoan già dặn về nhân sinh được chắt lọc bao đời
– sự khôn ngoan mà chúng ta hôm nay còn ngậm ngùi ngưỡng mộ nơi các tàn dư của
nền văn hóa cổ truyền bản địa này.
Chu Dịch thực chất là gì? Để hiểu được Chu Dịch và giáo huấn của nó, trước hết
chúng ta phải mạnh dạn tước bỏ những giải thích dày đặc đã đưa mọi ý tưởng khả
dĩ từ bên ngoài vào sách.
Tương
tự, chúng ta cũng cần xử lý sự thần bí mê tín của các đồng cốt (vu hịch) Trung
Quốc ngày xưa hoặc những thuyết không kém mê tín của các học giả châu Âu cận đại
đã giải thích mọi nền văn hóa lịch sử bằng kinh nghiệm của họ về người nguyên
thủy.
Ở
đây chúng ta phải nắm nguyên tắc cơ bản là Chu
Dịch cần phải được giải thích từ bản thân nó và từ thời đại mà nó được hình
thành. Có như thế thì sự tối tăm sẽ tự giảm đi một cách khả quan và chúng ta sẽ
nhận thấy rằng tuy là một quyển sách thật thâm sâu nhưng Chu Dịch không đến nỗi khó hiểu hơn bất kỳ quyển cổ thư nào còn sót
lại đến ngày nay.
I. CÔNG DỤNG CỦA KINH DỊCH
1. Kinh Dịch là sách bói
Trước
hết Kinh Dịch là tập hợp các quẻ dùng để bói. Bói toán là sinh hoạt phổ biến thời
cổ đại mà hình thức bói toán ban sơ chỉ giới hạn ở lời giải đáp Có và Không và cách giải đáp ấy là cơ sở ban đầu của Kinh Dịch. Câu đáp Có được biểu thị bằng một vạch liền và
câu đáp Không được biểu thị bằng một
vạch đứt.
Tuy
nhiên, từ rất sớm, người xưa đã có nhu cầu phân biệt cụ thể hơn về lời giải
đáp, nên hai loại vạch ấy đã được phối hợp thành bốn biểu tượng (Tứ Tượng).
Rồi
một vạch liền hoặc đứt được xếp chồng lên chúng, tạo thành tám quẻ ba vạch (gọi
là Bát Quái):
Bát
Quái được quan niệm như là các tượng (ảnh
tượng) của các hiện tượng trên trời và dưới đất. Đồng thời người ta cũng cho rằng
chúng nằm trong một sự chuyển hóa qua lại liên tục, giống như sự chuyển hóa qua
lại của các hiện tượng luôn diễn ra trong cõi tự nhiên.
Giờ
đây chúng ta có khái niệm cơ bản của Dịch. Bát Quái là tám quẻ tiêu biểu cho
các tình huống chuyển hóa; tức là các ảnh
tượng tự thân biến dịch mãi. Cái được chú trọng ở sự vật không phải là tình
trạng cố hữu của chúng (như trong quan niệm chủ yếu của phương Tây) mà là sự biến
dịch của chúng.
Do
đó Bát Quái không phải là ảnh tượng của sự vật mà là ảnh tượng của các xu hướng
chuyển hóa của sự vật. Như thế tám ảnh tượng này có nhiều ý nghĩa. Chúng thể hiện
những tiến trình nào đó trong cõi tự nhiên, tương ứng với bản chất của tám quẻ.
Ngoài ra chúng
còn tiêu biểu một gia đình gồm cha, mẹ, và sáu người con (ba nam, ba nữ) theo một
ý nghĩa có thể gọi là ý nghĩa trừu tượng, chứ không theo ý nghĩa thần thoại giống
như kiểu thần linh sáng tạo ra cõi thiên đường Hy Lạp Olympus. Theo ý nghĩa trừu
tượng ấy, các chức năng được thể hiện, chứ không phải sự vật được thể hiện. Tám
biểu tượng nền tảng của Kinh Dịch được tóm lược như sau:
Quẻ
|
Tính chất
|
Ảnh tượng
|
Gia đình
|
CÀN
(sáng
tạo)
|
mạnh
mẽ
|
trời
|
cha
|
KHÔN
(thụ
nhận)
|
nhu
thuận
|
đất
|
mẹ
|
CHẤN
(chấn
động)
|
kích
động
|
sấm
|
trưởng
nam
|
KHẢM
(sâu
thẳm)
|
nguy
hiểm
|
nước
|
trung
nam
|
CẤN
(yên
tĩnh)
|
yên
tĩnh
|
núi
|
thiếu
nam
(trai út)
|
TỐN
(dịu
dàng)
|
xâm
nhập
|
gió,
gỗ
|
trưởng
nữ
|
LY
(bám
lấy)
|
chiếu
sáng
|
lửa
|
trung
nữ
|
ĐOÀI
(vui
vẻ)
|
vui
vẻ
|
cái
hồ
|
thiếu
nữ
(gái út)
|
Các
giai đoạn của yếu tố chuyển động được thể hiện ở ba con trai như sau:
Trưởng nam: Bắt đầu chuyển động.
Trung nam: Sự nguy hiểm trong chuyển động.
Thiếu nam (trai út): Yên lặng và hoàn tất
chuyển động.
Các
giai đoạn của sự tận tụy được thể hiện ở ba con gái như sau:
Trưởng nữ: Xâm nhập dịu dàng.
Trung nữ: Rõ ràng và thích ứng.
Thiếu nữ (gái út): Yên tĩnh vui vẻ.
Để
đạt được sự phong phú hơn nữa, ngay từ thuở xưa Bát Quái đã được xếp chồng lên
nhau thành sáu mươi bốn quẻ kép (mỗi quẻ sáu vạch, gọi là trùng quái).
Mỗi
quẻ kép gồm sáu vạch (tức sáu hào âm hoặc / và dương). Các vạch (hay hào) được xem là có thể biến đổi. Hễ có
một hào [của một quẻ kép] biến đổi thì tình huống được thể hiện bằng quẻ kép ấy
cũng sẽ biến đổi.
Thí
dụ, chúng ta có quẻ Khôn (thụ nhận, đất). Nó thể hiện tính chất của đất, sự tận
tụy hết mình; về thời gian nó ứng với cuối thu khi mọi sinh lực nghỉ ngơi. Nếu
hào âm dưới cùng biến đổi, thì nó thành hào dương, và chúng ta có quẻ Phục (trở
về).
Phục
tượng trưng cho sấm, sự chấn động (Chấn) dưới lòng đất (Khôn) vào những ngày
Đông Chí, và sự hồi phục của ánh sáng.
Thí
dụ này cho thấy cả sáu hào của quẻ không nhất thiết phải cùng lúc biến đổi. Nó
hoàn toàn tùy thuộc vào tính chất của một hào. Hào dương có sức mạnh tăng dần đến
cùng cực thì chuyển thành hào âm. Hào dương có sức mạnh yếu hơn thì không biến
đổi. Tương tự, hào âm có sức mạnh tăng dần đến cùng cực thì chuyển thành hào dương.
Hào âm có sức mạnh yếu hơn thì không biến đổi.
Nơi
chương IX của Đại Truyện trong quyển Hai cũng như phần đặc biệt nói về phép bói
Dịch (ở cuối quyển Hai) sẽ cho thông tin chính xác hơn về các hào âm (dương) được
xem là có tính âm (dương) mạnh đến nỗi phải biến động.
Ở
đây chỉ chúng ta cần biết rằng các hào dương động được biểu thị bằng số 9 và
các hào âm động được biểu thị bằng số 6; còn các hào tĩnh (nhằm tạo nên hình quẻ
chứ không có ý nghĩa nội tại đặc biệt) thì được biểu thị bằng số 7 (cho hào dương
tĩnh) và số 8 (cho hào âm tĩnh).
Do đó, kinh văn
chép “Sơ cửu nói...” có nghĩa là “hào dương ở vị trí khởi đầu biểu thị bằng số
9 có ý nghĩa như sau...”. Nhưng nếu hào biểu thị bằng số 7 thì nó không được
xét đến khi giải đoán quẻ bói. Nguyên tắc đó cũng áp dụng cho các hào biểu thị
bằng số 6 và số 8. Trong thí dụ trên chúng ta có quẻ Khôn cấu tạo như sau:
8
thượng vị
8 ngũ vị
8 tứ vị
8 tam vị
8 nhị vị
6 sơ vị
|
— —
— —
— —
— —
— —
— x —
|
Như
vậy năm hào ở trên không được xét đến, còn hào âm dưới chót (hào sơ) là hào động
nên biến thành dương. Do đó ta có quẻ Phục.
Theo
cách này chúng ta có một loạt các tình huống được biểu thị một cách tượng trưng
bằng các hào. Thông qua sự biến động của các hào, tình huống này sẽ thay đổi
sang tình huống khác. Tuy nhiên, khi một quẻ được lập chỉ gồm các hào tĩnh 7 và
8, trong quẻ không có sự biến động; như thế, toàn quẻ được xét đến.
Ngoài
luật biến dịch và ảnh tượng của các tình huống biến dịch được biểu thị bằng sáu
mươi bốn quẻ, còn có một yếu tố nữa cần xét đến. Mỗi tình huống đòi hỏi một
cách giải quyết đặc biệt phù hợp với tình huống. Trong mỗi tình huống, có cách
giải quyết đúng, có cách giải quyết sai. Tất nhiên cách giải quyết đúng thì cát (tốt), cách giải quyết sai thì hung (xấu).
Vậy
thì cách giải quyết nào là cách giải quyết đúng trong từng trường hợp? Câu hỏi
này là yếu tố quyết định. Câu hỏi ấy khiến Kinh
Dịch có tầm cỡ hơn hẳn một quyển sách bói thông thường.
Khi
một bà thầy bói nói với một nữ thân chủ rằng trong vòng tám ngày cô sẽ nhận một
giấy báo nhận tiền từ Mỹ. Cô ta chẳng thể làm gì khác hơn là chờ đợi giấy báo
nhận tiền đến (hoặc không đến).
Trong
trường hợp này, cái được tiên đoán là định
mệnh, nó độc lập với những gì mà người ta có thể làm hoặc không làm. Do đó mọi việc bói toán thiếu ý nghĩa đạo đức.
Ngày
xưa tại Trung Quốc cổ nhân lần đầu xem bói và không hài lòng với lời tiên tri,
nên khi người ấy hỏi “Tôi phải làm gì đây?” tức là Kinh Dịch từ sách bói đã biến thành sách triết.
Tương
truyền sự biến đổi sách bói thành sách triết là do Chu Văn Vương (sống khoảng
năm 1000 TCN) và con của ông là Chu Công. Những lời khuyên bảo rõ ràng để hành
xử đúng đắn được hai vị ấy cung cấp cho những quẻ và hào câm lặng bấy lâu, những
quẻ và hào mà tương lai phải được bói từ chúng theo từng trường hợp riêng lẻ.
Nhờ đó, con người đã cùng chia sẻ số mệnh với nhau, bởi vì các hành vi ứng xử của
họ đã được can thiệp thành các yếu tố quyết định trong các sự cố trên đời.
Các
yếu tố càng quyết định thì thông qua Kinh
Dịch con người càng sớm nhận ra được mầm mống của sự cố, vì sự cố phát sinh
từ mầm mống ấy. Khi sự cố trong giai đoạn manh nha thì người ta có thể khống chế
nó được. Nếu sự cố phát triển đến mức tối đa thì nó sẽ trở nên quá mãnh liệt
khiến người ta phải bất lực trước nó.
Do
đó Kinh Dịch đã trở thành một quyển
sách bói thuộc loại hết sức đặc biệt. Các quẻ và các hào trong các biến dịch của
chúng đã mô phỏng một cách kỳ diệu các biến dịch của đại vũ trụ.
Bằng
cách sử dụng cỏ thi (achillea
millefelium) người ta có thể đạt tới một vị trí thuận lợi khả dĩ xem xét bao
quát các mối liên hệ của sự việc. Nếu con người có cái nhìn bao quát ấy, thì lời
bói sẽ chỉ ra việc họ cần làm cho phù hợp với thời thế.
Phương
pháp thao tác tách bó cỏ thi để biết được một tình huống có vẻ như kỳ lạ đối với
cảm giác của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên quy trình này được xem là huyền bí
theo cách thức mà sự thao tác cỏ thi kích hoạt cõi vô thức của con người.
Không
phải ai cũng có khả năng giống nhau về xem bói. Việc xem bói đòi hỏi chúng ta
có một trạng thái tinh thần trong sáng an tĩnh để tiếp nhận các ảnh hưởng của
vũ trụ tiềm ẩn trong những cọng cỏ thi, tức là những sản phẩm của thế giới thực
vật liên quan đặc biệt với sự sống khởi thủy. Cỏ thi bắt nguồn từ những loài
cây cỏ thiêng liêng.
2. Kinh Dịch là sách triết
Không
chỉ là sách bói, Kinh Dịch còn quan
trọng hơn thế nữa. Nó được sử dụng như một sách triết. Lão Tử hẳn đã biết đến Kinh Dịch và một số câu ẩn dụ thâm sâu
nhất của ngài đã lấy cảm hứng từ nó. Thật vậy, các giáo huấn của Kinh Dịch bàng bạc trong thế giới tư tưởng
của ngài.
Khổng
Tử cũng biết đến Kinh Dịch và đã miệt
mài suy tư về nó. Dường như Khổng Tử đã bình giải Kinh Dịch và khẩu truyền cho các đệ tử của ngài. Bản Kinh Dịch được Khổng Tử bình giải là bản
còn truyền đến chúng ta ngày nay.
Nếu chúng ta tìm hiểu cái tư tưởng cốt lõi nhất
quán trong quyển Kinh Dịch, thì chúng
ta có thể tự giới hạn ở một vài tư tưởng quan trọng. Tư tưởng cơ bản của toàn bộ
Kinh Dịch chính là tư tưởng về sự biến
dịch.
Theo
Luận Ngữ, có lần Khổng Tử đứng bên bờ
sông, nhìn nước chảy và cảm thán: “Ôi, trôi chảy thế
này, ngày đêm nó không hề ngừng nghỉ!” ([2]) Tư
tưởng về sự biến dịch được diễn đạt qua lời ấy.
Ai
đã nhận thức được sự biến dịch thì sẽ không còn chú tâm vào từng sự việc riêng
lẻ giả tạm nữa, mà sẽ chú tâm vào quy luật vĩnh cửu và bất biến, hoạt động
trong mọi biến dịch. Quy luật ấy là Đạo của Lão Tử, là đường đi của sự vật, là
cái Một trong muôn vạn. Cần có một sự quyết định hay khái niệm cơ bản để thể hiện.
Khái niệm cơ bản ấy là sự khởi đầu lớn của vạn vật, gọi là Thái Cực.
Về
sau các triết gia Trung Quốc đã suy tư rất nhiều về Thái Cực. Trước Thái Cực là
Vô Cực, biểu thị bằng hình tròn rỗng;
còn Thái Cực biểu thị bằng hình tròn nửa âm nửa dương; hình tròn Thái Cực cũng
là biểu tượng có ý nghĩa tại Ấn Độ và châu Âu.
Tuy
nhiên sự tư duy theo tính cách nhị nguyên thì lạ lẫm với tư tưởng ban đầu của
Kinh Dịch. Sự ấn định này đơn giản chỉ là Thái Cực, hay một đường. Đường này tượng
trưng cho Một. Một sinh ra Hai. Đồng thời cùng với nó có trên, dưới, trái, phải,
trước, sau.
Nói
tóm lại, thế giới nhị nguyên đối đãi được ấn định. Các cặp nhị nguyên đối đãi
này được khái quát là âm và dương. Học thuyết âm dương trở nên sôi nổi giữa các
đời Tần và Hán khi phái Âm Dương Gia xuất hiện. Bấy giờ, Kinh Dịch phần nhiều được sử dụng như sách ma thuật và vô vàn sự việc
đâu đâu mà chẳng ai biết nguồn gốc đã được đưa vào sách.
Tất
nhiên học thuyết âm dương (học thuyết về hai nguyên lý đầu tiên: nữ và nam)
cũng khiến giới Trung Quốc Học nước ngoài hết sức chú ý. Theo kiểu tư duy thông
thường, họ phỏng đoán rằng âm và dương là các nguyên sơ tượng của tục sùng bái
sinh thực khí với các ý nghĩa hàm ngụ của nó.
Họ
hẳn sẽ thất vọng nếu biết rằng ý nghĩa ban đầu của hai từ âm và dương chẳng
liên quan gì đến thuyết của họ. Ý nghĩa ban đầu của âm là “cái u ám, vẩn đục”; ý nghĩa ban đầu của dương là “các lá phướn phấp phới trong nắng”, cũng
là cái gì đó “được chiếu sáng” hay
sáng.
Hai
khái niệm này đã được chuyển nghĩa thành phía sáng và phía tối của ngọn núi và
con sông. Đối với một ngọn núi, phía nam là dương, phía bắc là âm; nhưng đối với
một con sông, nhìn trên cao xuống thì bờ nam là âm, bờ bắc là dương.
Từ
đây, hai cách diễn đạt này được đưa vào Kinh
Dịch ngụ ý hai tình trạng cơ bản hoán đổi của hữu thể. Điều đáng lưu ý là
hai từ âm và dương với ý nghĩa này không hề xuất hiện trong kinh văn và trong
các lời bình chú cổ xưa nhất. Chúng chỉ mới xuất hiện trong Đại Truyện, mà nhiều
phần của Đại Truyện thì chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo. Trong Thoán Truyện, cương và nhu được dùng thay vì âm và dương.
Tuy
nhiên bất kể tên gọi gì được áp dụng cho hai lực này, chắc hẳn sự chuyển hóa và
tương tác của hai lực ấy tạo thành các hữu thể. Qua đó, sự chuyển hóa vừa là sự
biến đổi qua lại liên tục giữa hai lực ấy vừa là chu trình khép kín của các sự
phức tạp liên đới của các hiện tượng như ngày và đêm, mùa hè và mùa đông. Sự biến
dịch này không phải là vô nghĩa. Nó vô nghĩa chẳng qua vì người ta không hiểu
nó. Kỳ thực nó tuân theo quy luật thường hằng, tức là Đạo.
Tư
tưởng cơ bản thứ hai của Kinh Dịch là
lý thuyết về các ý tưởng. Bát Quái tượng trưng cho ảnh tượng của các trạng thái
biến dịch hơn là ảnh tượng của các đối tượng. Ý kiến này gắn liền với quan niệm
được giảng trong học thuyết của Lão Tử cũng như học thuyết của Khổng Tử rằng tất
cả những gì diễn ra trong cõi hữu hình đều là hiệu quả của một “ảnh tượng”, tức là một ý tưởng trong
cõi vô hình.
Theo
đó, mọi sự kiện diễn ra trên đời chỉ là bản sao (xuất hiện trễ hơn) của một sự
kiện trong thế giới vượt ngoài nhận thức giác quan của chúng ta.
Các
thánh hiền đã giao tiếp với các cảnh giới cao hơn và đã tiếp cận được các ý tưởng
này bằng sự trực giác, do đó các ngài có thể can thiệp một cách quyết định đối
với các sự kiện trên đời.
Cho
nên con người cùng với trời (tức thế giới các ý tưởng vượt ngoài nhận thức giác
quan) và đất (tức cõi vật chất hữu hình) tạo thành Tam Tài (tức một bộ tam gồm ba sức mạnh nguyên thủy).
Lý
thuyết về các ý tưởng này được vận dụng trong Kinh Dịch theo ý nghĩa kép. Kinh
Dịch nêu ra các ảnh tượng của sự kiện và với các ảnh tượng này nó cho thấy
tình trạng manh nha của sự kiện.
Với
sự trợ giúp của Kinh Dịch, con người
nhận thức được mầm mống của sự việc, nên thấy được việc sắp đến và hiểu được việc
đã qua. Như thế các ảnh tượng (mà các quẻ được lập dựa trên chúng) trở thành
khuôn mẫu cho các hành động hợp thời trong các tình huống được nêu ra.
Không
phải chỉ có sự thích ứng với tiến trình tự nhiên trở nên khả thi bằng cách ấy,
mà cũng còn có sự nỗ lực rất thú vị (được nói trong chương Hai của Hệ Từ Hạ) nhằm
truy nguyên mọi sáng tạo của nền văn minh nhân loại dựa trên các ý tưởng và các
ảnh tượng như thế. Cho dù sự vận dụng ấy có được áp dụng cho mọi trường hợp cụ
thể hay không, thì tư tưởng cơ bản ở đây hàm chứa một chân lý.
Ngoài
các ảnh tượng, Thoán Từ (hay Quái Từ) được quan tâm như là thành phần cơ bản thứ
ba của Kinh Dịch. Với Thoán Từ, các ảnh
tượng có được lời quẻ. Thoán Từ cho biết một hành động sẽ mang lại điều cát hay
hung, hối tiếc hay xấu hổ. Thoán Từ đặt người ta vào tình thế tự do quyết định
từ bỏ một phương hướng hành động mà hoàn cảnh gợi ra nhưng kết cục là hung hiểm.
Bằng
cách này người ta độc lập với sự bức bách của các sự kiện. Thông qua Thoán Từ
và các lời giải thích về chúng có từ thời Khổng Tử, Kinh Dịch mở ra cho người đọc một kho báu minh triết phong phú của
Trung Quốc, đồng thời trao cho họ một tổng quan về các khía cạnh của cuộc sống.
Với
tổng quan ấy họ có thể định hình cuộc sống của mình có tổ chức và độc lập tự chủ
ngõ hầu cuộc sống ấy hòa hợp với Đạo, tức là gốc của vạn hữu.
II. LỊCH SỬ KINH DỊCH
Trong
văn học Trung Quốc, bốn thánh nhân được xem là tác giả của Kinh Dịch: Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử.
Phục
Hi là một nhân vật truyền thuyết, đại diện cho thời cổ đại săn bắn và đánh cá,
cũng là người phát minh việc nấu nướng. Phục Hi được xem là người phát minh ra
Bát Quái, điều đó có nghĩa là Bát Quái xuất hiện vào thời quá xa xưa đến nỗi lịch
sử không thể ghi nhớ được.
Tên
của Bát Quái không xuất hiện trong Hán ngữ, do đó người ta cho rằng chúng có
nguồn gốc ngoại lai. Dù sao, chúng không phải là chữ Hán cổ như người ta đã kết
luận dựa trên sự trùng hợp vừa vô tình vừa cố ý của chúng với các chữ cổ.
Thuở
xa xưa Bát Quái đã xuất hiện trong các tổ hợp khác nhau. Hai tổ hợp trong thời
cổ được nhắc đến là Kinh Dịch đời Hạ
(khoảng 2205-1766 TCN) có tên là Liên Sơn khởi đầu bằng quẻ Cấn và Kinh Dịch đời Thương (khoảng 1766-1150
TCN) có tên là Quy Tàng khởi đầu bằng quẻ Khôn.
Tình
hình ấy được chính Khổng Tử tình cờ nhắc đến như một sự kiện lịch sử. Thật khó
mà nói tên sáu mươi bốn quẻ bấy giờ đã có chưa; nếu có thì chúng có giống như
tên sáu mươi bốn quẻ của bản Kinh Dịch
hiện hành không.
Tương
truyền (và chúng ta chẳng có lý do gì để nghi ngờ) tổ hợp sáu mươi bốn quẻ hiện
nay phát xuất từ vị sáng lập đời Chu là Văn Vương. Khi Văn Vương bị vua Trụ (Đế
Tân) tàn ác giam trong ngục, ông tạo ra sáu mươi bốn quẻ rồi viết thêm Thoán Từ
(hay Quái Từ). Còn Hào Từ phát xuất từ Chu Công (con thứ của Văn Vương).
Với
nhan đề Chu Dịch, sách này được dùng
như sách bói suốt đời Chu , và điều này có thể
được chứng minh qua một số sử liệu xưa.
Đó
là tình trạng của Kinh Dịch khi Khổng
Tử phát hiện. Lúc về già, Khổng Tử miệt mài nghiên cứu nó và rất có thể Thoán
Truyện là do ngài viết. Ngay cả Tượng Truyện cũng được xem là Khổng Tử viết
(tuy không trực tiếp). Phần bình luận chi tiết và giá trị về mỗi hào ở dạng vấn
đáp giữa Khổng Tử và đệ tử được các cao đệ ghi chép hiện nằm rải rác (trong Văn
Ngôn và Hệ Từ Truyện).
Trong
số cao đệ của Khổng Tử, Bốc Thương (tức Tử Hạ) có lẽ là người chủ yếu truyền bá
Kinh Dịch. Đồng thời với sự phát triển
tư duy triết học (thí dụ như Đại Học
và Trung Dung), loại triết học này
càng ảnh hưởng đến sự giải thích Kinh Dịch.
Bên
cạnh Kinh Dịch hình thành những phần
giải thích gọi là Thập Dực (mười
cánh) mà chúng rất khác với nội dung và giá trị nội tại của Kinh Dịch.
Kinh Dịch đã thoát được số phận mà các kinh
sách khác phải chịu trong nạn đốt sách nổi tiếng đời Tần Thủy Hoàng (năm 213
TCN). Người ta cho rằng nạn đốt sách này khiến tình trạng văn bản của các kinh
sách cổ bị tổn hại, nhưng điều ấy không đúng với trường hợp của Kinh Dịch vì tình trạng văn bản của nó vẫn
còn nguyên vẹn. Thực tế, chính sự hưng suy bao thế kỷ, sự suy tàn của nền văn hóa
cổ, và sự thay đổi hệ thống chữ viết cũng là nguyên nhân khiến tình trạng văn bản
của các kinh sách cổ bị tổn hại.
Sau
khi Kinh Dịch nổi tiếng là sách bói
và phương thuật trong đời Tần Thủy Hoàng, thì bọn phương sĩ suốt đời Tần và đời
Hán đã lợi dụng nó; còn học thuyết âm dương – có lẽ phát khởi từ Trâu Diễn (thế
kỷ IV TCN) rồi được vun đắp qua tay các Nho Gia đời Hán như Đổng Trọng Thư, Lưu
Hâm, Lưu Hướng – đã phát triển lớn mạnh trong sự giải thích Kinh Dịch.
Vai
trò tảo thanh mớ hỗn tạp ấy đã dành cho Vương Bật (226-249), một đại Nho thông
minh sáng suốt. Ông đã viết về ý nghĩa của Kinh Dịch như là một sách triết chứ
không phải là sách bói. Ông sớm phát hiện ra sự mô phỏng: phương thuật của Âm
Dương Gia gắn với Kinh Dịch đã bị
thay thế bằng triết lý trị quốc ngày càng phát triển.
Trong
đời Tống (960-1279), Kinh Dịch được
dùng làm cơ sở cho Thái Cực Đồ Thuyết
(mà nguồn gốc của nó có lẽ không phải là Trung Quốc) cho đến khi Trình Hạo
(1032-1085) viết lời bình chú rất tốt cho Kinh
Dịch.
Các
phần bình chú xưa trong Thập Dực thì người ta có thói quen tách ra và cho vào
các quẻ tương ứng. Như vậy Kinh Dịch
dần dần trở thành sách giáo khoa hẳn hoi về thuật trị quốc và xử thế. Thế rồi
Chu Hi (1130-1200) cố gắng khôi phục Kinh
Dịch như một sách bói. Ngoài ra, ông còn công bố một bài dẫn luận cô đọng về
phép bói Dịch.
Trong
đời Thanh (1644-1911), khuynh hướng lịch sử và phê phán [của Hán Học Gia] cũng
xét đến Kinh Dịch. Nhưng vì họ đối lập
với các Tống Học Gia và vì họ ưa chuộng các nhà bình giải đời Hán vốn gần với
thời đại hình thành Kinh Dịch hơn,
cho nên họ thua kém các Tống Học Gia trong việc xử lý các kinh điển khác. Đó là
vì các nhà bình giải đời Hán vốn là các phương sĩ hoặc là những học giả chịu ảnh
hưởng của vu thuật.
Trong
những năm Khang Hi đời Thanh, có bản Kinh
Dịch rất tốt là Chu Dịch Chiết Trung.
Nó tách riêng phần Kinh và phần Truyện, đồng thời tập hợp các bình giải tốt nhất
qua các thời đại.
(…)
Tôi
xác tín rằng ai đã thực sự lĩnh hội cốt tủy của Kinh Dịch thì kinh nghiệm và sự hiểu đời của người ấy sẽ phong phú
thêm.
RICHARD WILHELM
GHI CHÚ của LÊ ANH MINH
Tại
phương Tây, từ lâu đã có hai bản dịch Chu
Dịch nổi tiếng: bản tiếng Anh của James Legge (1815-1897) ra đời năm 1882
và bản tiếng Đức của Richard Wilhelm (1873-1930) ra đời năm 1924.
Nhà
Hán học James Legge đã mất hai mươi bảy năm phiên dịch Chu Dịch và hầu hết kinh
điển Nho Giáo sang tiếng Anh với sự trợ giúp của Vương Thao 王韜 (1828-1897), một học giả kiêm chủ bút một nhật báo tại Hương Cảng.
Cũng
thế, suốt 10 năm kể từ 1913, với sự giúp đỡ của nhà nho Lao Nãi Tuyên 勞乃宣 (1843-1921), Richard Wilhelm đã phiên dịch Chu Dịch sang tiếng Đức. Ngoài ra, hơn hai mươi năm sống tại Trung
Quốc, Richard Wilhelm còn dịch rất nhiều kinh điển Nho Giáo và Đạo Giáo nữa.
Bản
dịch của Richard Wilhelm căn cứ bản Chu Dịch
Chiết Trung, tức là bản Ngự Toản Chu
Dịch Chiết Trung 御纂周易折中 (23 quyển) do vua Khang Hi (tức
Huyền Việp 玄燁 , tại vị 1662-1722) ra lệnh cho
Lý Quang Địa 李 光地 (Đại
Học Sĩ kiêm Lại Bộ Thượng Thư thuộc Văn Uyên Các) chủ biên với sự phụ tá của năm
mươi học sĩ, ấn hành năm Khang Hi 54 (tức năm 1715). Chu Dịch Chiết Trung đã tuyển chọn chú giải của 218 nhà từ Đổng Trọng
Thư đời Hán đến Hoàng Thuần Diệu đời Thanh, đồng thời lấy Dịch học của Trình Di
(tức Chu Dịch Trình Thị Truyện hay Trình Truyện) và Chu Hi (tức Chu Dịch Bản Nghĩa) làm tông chỉ. Nhưng
thực tế thì sách kiêm cả tượng số và nghĩa lý. Sách tách riêng Kinh và Truyện,
khác với cách trình bày Kinh liền Truyện của các bản Chu Dịch hiện hành (bắt
nguồn từ Vương Bật).
Hiện
nay trên Internet có đủ các bản Chu Dịch
tiếng Anh của James Legge, bản tiếng Đức của Richard Wilhelm (bản đầy đủ nhất có
thể tìm tại website Schule des Rades), và bản tiếng Anh của Carry F. Baynes (dịch
từ bản tiếng Đức của Wilhelm).