Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / CÂY BỐM VÀ ĐỊA DANH GIỒNG BỐM / Triều Liên

Cây bốm trổ bông.
Những hạt phù sa ở nơi xa lắm, từ cao nguyên Thanh Tạng,[1] đầu nguồn sông Mê Kông theo dòng nước chảy ra biển Đông, gặp dòng hải lưu Bắc Nam đưa chúng xuống phía Nam. Gặp bờ biển manh nha hình thành có các loại cây nhiều rễ như đước, vẹt, mắm, bần, lá dừa nước... những hạt phù sa bám vào đó, lâu ngày chầy tháng ngưng đọng thành những bãi sình lầy, lâu dần thành vùng đất trù phú là bán đảo Cà Mau bây giờ.
Mỗi một vùng đất, do cấu tạo địa chất, sự hình thành thổ nhưỡng tự nhiên, nơi có loại cây này mọc mà không có loại cây khác. Cũng là ven bờ sông, bờ biển nước mặn, nhưng ở miền Bắc, miền Trung hầu như không thấy các loại cây như đước, bần, lá dừa nước, tràm ... là những loại cây đặc biệt mọc thành rừng ở ven biển, ven sông miền Nam. Càng xuôi về phương Nam, rừng đước càng dầy đặc ven sông, ven biển.
Tổng thể là như vậy nhưng cũng có những loại cây chỉ mọc ở một số tiểu vùng [2] mà thôi. Tạo Hóa sanh muôn loài vạn vật. Từ xa xưa, khi chưa có bàn tay con người can thiệp, tùy hệ sinh thái tự nhiên cho loại cây gì mọc, thì giống cây đó mọc lên.
Có cây đem lại nhiều lợi ích cho con người, như cây lúa nước, cây lúa mì, lúa mạch ... là các loại cây lương thực chính nuôi sống con người. Cây đước, cây vẹt người ta hầm thành than là loại chất đốt cung cấp nhiều năng lượng ... Nhưng cũng có loại cây chưa ai biết được lợi ích của nó; chẳng hạn nhiều loại cây trước đây coi như vô dụng, bây giờ con người mới phát hiện là cây thuốc quý có thể chữa được nhiều bệnh.
Một vùng quê hẻo lánh trong lòng bán đảo Cà Mau (nay thuộc xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) có một tiểu vùng. Trên những giồng đất nơi đây, không biết từ bao giờ mọc rất nhiều cây cao khoảng ba mét, phân nhánh um tùm; lá hình xoan dài hơi nhọn, không có lông, màu xanh non bóng mượt mà.
Người dân địa phương cho biết cây có nhiều hoa trắng li ti nhưng ít khi nào thấy đậu quả. Cây con mọc lên gần như sinh sản vô tính. Từ thuở ban sơ người dân nơi khác tới đây khẩn hoang, thấy cây lạ, đặt tên là cây bốm. Trên giồng đất có nhiều cây bốm mọc gọi Giồng Bốm cho dễ nhớ, lâu dần trở thành địa danh luôn.
Tới nay người ta chưa biết cây bốm đem lại lợi ích gì. Đã vậy, cây bốm có nhiều gai rất nhọn. Thế nên, người dân không ưa thích, thẳng tay chặt phá để trồng cây khác ích lợi hơn. Thêm nữa, qua thời gian, hệ sinh thái dần thay đổi, cây bốm biến mất dần, chẳng còn thấy mọc ở đấy nữa, nhưng cái tên Giồng Bốm vẫn tồn tại.
Đặc biệt trên mảnh đất Giồng Bốm này có Tòa Thánh Ngọc Minh, cái nôi của Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Giang. Nơi đây năm 1946 đã diễn ra Mặt Trận Giồng Bốm quy tụ toàn bổn đạo Cao Đài Minh Chơn Đạo anh dũng, bất khuất chống lại quân xâm lược Pháp.
Hòa bình vãn hồi, với tấm lòng tri ân tiền nhân, cộng đồng tín hữu Cao Đài đã chung tay góp sức dần dần xây lại thánh thất Ngọc Minh có đủ Tam Đài, đài tưởng niệm liệt sĩ, và đền thờ Trung Liệt Thánh.
Ngày 14-3 Tân Mão (15-4-2011) nhân kỷ niệm 65 năm Mặt Trận Giồng Bốm, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã công nhận nơi đây là di tích lịch sử của tỉnh.
Mỗi khi nhắc tới địa danh Giồng Bốm, do thiếu thông tin mà có người gọi là Giồng Bớm, Giống Bướm… bởi lẽ ít có ai biết và nhìn thấy cây bốm hầu như đã biến mất.
Thời may, một đạo hữu sống ở đấy lâu đời nên biết cây bốm, nhân một chuyến đi Cà Mau đã nhìn thấy nơi đó mọc lác đác những cây bốm con con, nho nhỏ. Đạo hữu ấy đã bứng một ít đem về trồng tại thánh thất Ngọc Minh (Giồng Bốm). Nhờ vậy, ngày nay, những ai muốn tận mắt nhìn thấy cây bốm có thể tìm về thánh thất. Và, biết đâu chừng, một ngày nào đó, người ta sẽ phát hiện ra một số lợi ích của cây bốm.
Giồng Bốm, những ngày tháng 3 Tân Mão
TRIỀU LIÊN
Hội Thánh Minh Chơn Đạo (Cà Mau)




[1] Cao nguyên Thanh Tạng 青藏高原 (gọi đầy đủ là Thanh Hải - Tây Tạng), hay cao nguyên Tây Tạng (the Qingzang plateau, the Tibetan plateau), là vùng đất rộng lớn và cao nhất thế giới, nên cũng gọi là mái nhà của thế giới (the roof of the world). Với độ cao trung bình trên 4.500 mét so với mực nước biển, nó trải rộng khoảng 1.000 cây số từ Bắc xuống Nam; và 2.500 cây số từ Đông sang Tây. [Văn Uyển chú]
[2] Tiểu vùng: subregion. [Văn Uyển chú]