Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

ĐĐVU 06 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổi đâu thì thổi. (Gioan 3:8)
* Hiền tỷ Phạm Thị Th. (giáo viên nghỉ hưu, cù lao Châu Ma, ấp Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp):
“Tôi đọc Văn Uyển tập Nguyên, xuân Quý Tỵ 2013, và không tán thành chú thích (52) ở trang 23 Bù chì: Giúp đỡ, giữ gìn; nói chệch từ phù trì 扶持 (to help, to assist, to support).’
Theo tôi biết, ngày xưa có một bà mẹ già được các con luân phiên rước về nhà nuôi dưỡng. Họ giao ước cứ hết định kỳ một tháng thì lại cân mẹ trước khi chuyển sang người khác nuôi. Ai để mẹ sụt cân sẽ phải nuôi thêm tháng nữa để chuộc lỗi. Tới lượt con út nuôi, vì thương con út nghèo, ăn uống đạm bạc, bà mẹ lén giấu chì trong người để lúc cân được nặng thêm… Chuyện kể này có vài dị bản, nhưng điều đáng nói ở đây chính là do sự tích này mà phát sinh từ bù chì với ý nghĩa là bù đắp cho sự thua thit.
Vậy, tôi hiểu câu thánh giáo Đem tuổi xuân bù chì non nước có nghĩa: Thanh niên hãy dâng hiến tuổi xuân cho đất nước để bù đắp lại nỗi tang thương giữa thời ly loạn.” (Trích thư Đồng Tháp ngày 20-02-2013.)
Huệ Khải: Hiền tỷ trọng kính,
Đa tạ hiền tỷ quan tâm phần chú giải thánh giáo trên Văn Uyển và có nhã ý góp lời xây dựng cho Ban Ấn Tống. Thật sự đáng vui lắm thay! Bởi lẽ, nếu tín đồ nhà Đạo ai ai cũng nhiệt thành tìm học thánh giáo như hiền tỷ thì quả là đại phúc cho nền Đạo Kỳ Ba chúng ta.
Huệ Khải thuở nhỏ có đọc cổ tích bà mẹ bù chì, na ná chuyện hiền tỷ kể (vì quả là có vài dị bản, như hiền tỷ viết trong thư). Tuy nhiên, lúc chú giải thánh giáo, Huệ Khải rất cân nhắc, và không để câu chuyện lý thú ấy gây ảnh hưởng, chi phối mình; do đó, Huệ Khải căn cứ theo Tự Điển Việt Nam, quyển Thượng, của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1970, tr. 136) mà giải thích.
Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tome I, của Huình Tịnh Paulus Của (Sài Gòn: Impr. Rey, Curiol & Cie, 1895, tr. 76) giải thích tương tự – “Bù chì: Sang sớt, giúp giùm.”
Từ điển điện tử của Công Ty Cổ Phần Tin Học Lạc Việt (http://mobile.vietgle.vn) giải thích – ‘Bù chì (động từ): Săn sóc; giúp đỡ.”
Khi thêm nghĩa “săn sóc”, có lẽ từ điển điện tử của Lạc Việt đã liên tưởng bốn câu ca dao: Xiết bao bú mớm bù chì / Đến khi con lớn con đi lấy chồng / Có con đỡ gánh đỡ gồng / Con đi lấy chồng, vai gánh tay mang.
Nhiều năm trước đây, giải thích hai chữ bù chì trong từ điển của mình, nhà giáo Ng. L. cho rằng “từ này do tích một người mẹ vì thương người con út nghèo nàn, khi đến lượt nuôi mình sợ con tủi là không bằng các anh chị, nên đeo thêm chì vào người để tỏ rằng con út nuôi mình vẫn chu đáo, nên không sút cân.”
Bác bỏ ý kiến ấy, học giả An Chi (Huệ Thiên Võ Thiện Hoa) khẳng định: “Đây không phải là chuyện ‘do tích nên có từ’ mà lại là chuyện ‘do từ nên có tích’.” [1]
Các nhà ngôn ngữ học rất thận trọng khi gặp từ nguyên dân gian (folk etymology).[2] Nếu bảo do sự tích bà mẹ bù chì cho con út mà phát sinh ra hai chữ bù chì, đó chính là vướng vào từ nguyên dân gian rồi vậy. Theo Wikipedia, từ nguyên dân gian là “a false etymology”,[3] tức là từ nguyên giả hiệu, nên không xác thực, và không đáng tin.
Thưa hiền tỷ quý mến,
Huệ Khải không dám vô phép tranh biện với hiền tỷ, mà chỉ cốt làm sáng tỏ vấn đề học thuật dựa trên một số căn cứ khả tín. Đó cũng là nghiêm túc bày tỏ lòng tôn trọng ý kiến phản hồi của độc giả, của bạn đạo đáng kính.
Là giáo viên nghỉ hưu, ắt hẳn hiền tỷ có rộng thời gian đọc kinh sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Sẽ hân hạnh biết bao nếu Ban Ấn Tống tiếp tục đón nhận thêm nhiều ý kiến thú vị hoặc những bài viết bổ ích của hiền tỷ, giúp Văn Uyển càng thêm phong phú.
Huệ Khải kính thành cầu nguyện Ơn Trên ban phúc lành đến hiền tỷ và bửu quyến.
* Hiền huynh Bùi Trọng (Đống Đa, Phú Phong, Tây Sơn tỉnh Bình Định):
“Trong Di Lạc Chơn Kinh có câu: Thượng Thiên Hỗn Nguơn hữu: Brahma Phật, Çiva Phật, Christna Phật… Theo tôi biết, trong kinh điển Phật Giáo không nói tới ba vị Phật này. Kính nhờ Văn Uyển giải thích. Xin đa tạ.” (Trích thư ngày 11-01-2013.)
Huệ Khải: Cảm ơn hiền huynh đã có câu hỏi lý thú.
 Về xuất xứ bài kinh. Dường như chưa thấy Hội Thánh nào cho biết rõ. Một người bạn đạo đáng kính của tôi là Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1949-2005), bút danh Đức Nguyên, khi soạn Giải Nghĩa Kinh Thiên Ðạo & Thế Ðạo, chỉ viết: “Di Lạc Chơn Kinh, thuộc Kinh Tận Ðộ, do Ðức Pht Thích Ca giáng cơ ban cho.” [4] Hiền huynh không cho biết thời gian và địa điểm lập đàn, cũng không dẫn tài liệu minh chứng, có lẽ đã suy đoán từ câu này trong Di Lạc Chơn Kinh (Khai Kinh Kệ): Thích Ca Mâu Ni Văn Pht thuyết Di Lạc Chơn Kinh.
Về văn bản. Bài kinh ban đầu được truyền từ Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, về sau các Hội Thánh khác in lại trong kinh tụng của mình. Gần chín mươi năm qua, các bản kinh hiện lưu hành (in trên giấy hoặc phổ biến trên Internet) đều vẫn lặp lại một lỗi rất đáng tiếc: Tất cả đều in saiCHRISTNA [sic], lẽ ra phải in đúng là KRISHNA.
Theo Ấn Độ Giáo (Bà La Môn Giáo), có ba ngôi mà một (tam vị nhất thể 三位一體; trimurti) là Brahma, Vishnu (tiếng Pháp: Vishnou), và Shiva (tiếng Pháp: Çiva).
Brahma là đấng minh triết sáng tạo vũ trụ càn khôn (the Creator of the universe). Người Hoa dịch Brahma là 梵天 (Phạm Thiên) hay 梵摩 (Phạm Ma). Bà La Môn Giáo minh họa đấng sáng tạo là một vị có bốn cái đầu, từ mỗi đầu này sinh xuất ra một quyển kinh Veda; do đó bộ kinh Veda gồm bốn quyển: Rig Veda, Yajur Veda, Sama Veda, Atharva Veda. Theo tiếng Phạn (Sanskrit), Veda nghĩa là minh triết (wisdom). Người Hoa dịch âm (transliterating) Veda吠陀 (Phệ Đà); Rig Veda 梨俱吠陀 (Lê Câu Phệ Đà); Yajur Veda 夜柔吠陀 (Dạ Nhu  Phệ Đà); Sama Veda 娑摩吠陀 (Sa Ma  Phệ Đà), Atharva Veda阿闥婆吠 (A Thát Bà  Phệ Đà).
Vishnu là đấng thứ hai, đấng bảo tồn vũ trụ càn khôn (the Preserver). Người Hoa dịch âm Vishnu là 毗濕奴 (Bì Thấp Nô). Vishnu có mười hóa thân 化身 (avatars); Krishna là một hóa thân của ngài. Do đó, người Ấn thờ Vishnu qua hình tượng của ngài, hoặc thay bằng hình tượng Krishna. Người Hoa dịch âm Krishna奎師那 (Khuê Sư Na).
Shiva là đấng thứ ba, đấng hủy diệt (the Destroyer). Người Hoa dịch âm Shiva là 濕婆 (Thấp Bà).
Sở dĩ gọi Brahma, Vishnu, Shiva là tam vị nhất thể vì tuy ba mà một; cả ba không tách rời nhau. Vũ trụ luôn luôn diễn ra đồng thời cả ba lực (powers) sáng tạo, bảo tồn, và hủy diệt (creation, preservation, destruction).
ƒ Bà La Môn là tôn giáo cổ truyền của người Ấn, không biết ai là giáo tổ sáng lập. Theo sử quan Cao Đài, Bà La Môn Giáo ra đời vào Nhất Kỳ Phổ Độ, phát triển cho tới ngày nay.
Đức Cồ Đàm (Gautama) thuộc bộ tộc Thích Ca (Shakya) xuất thân trong truyền thống Bà La Môn Giáo, nhưng ngài tự mình tìm ra con đường tu hành khác biệt. Sau khi đắc đạo, Đức Phật phổ truyền một giáo pháp khác biệt. Ngài là giáo tổ sáng lập Phật Giáo (Thích Ca Giáo, Thích Giáo). Theo sử quan Cao Đài, Phật Giáo ra đời vào Nhị Kỳ Phổ Độ, phát triển cho tới ngày nay.
Trước khi đạo Cao Đài ra đời, thế gian chỉ mới quan niệm về Tam Giáo (Khổng, Lão, Thích; hay Nho, Tiên, Phật). Ngày nay đạo Cao Đài đưa ra quan niệm mới là Tam Giáo Đo, gồm Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo với ý nghĩa rộng hơn Tam Giáo. Chẳng hạn, sử quan Cao Đài xem Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo (Islam) cùng một “hệ”, gọi là THÁNH ĐẠO; xem Bà La Môn Giáo, Thích Ca Giáo, Pythagore Giáo cùng một “hệ”, gọi là PHẬT ĐẠO.[5]
Phương Tây gọi tam vị nhất thể của Bà La Môn Giáo là Triad Gods hay Triad Deities. Người Việt thường gọi ba vị là Thượng Đế Ba Ngôi. Ngày nay, đạo Cao Đài xem Bà La Môn Giáo thuộc Phật Đạo, và gọi ba đấng thiêng liêng tối trọng của Bà La Môn Giáo là Phật (Buddhas), gồm có: Brahma Phật, Shiva Phật, Krishna Phật.

 
Theo kinh điển nhà Phật thì Bồ Tát Maitreya (tiếng Sanskrit) sẽ là vị Phật giáng sinh mở Hội Long Hoa. Trong Nhị Kỳ Phổ Độ người Hoa dịch âm Maitreya là 彌勒, ta đọc là Di Lặc. Di là đầy, sung mãn, trọn vẹn (full, complete). Lặc là cái dàm chằng đầu và mõm ngựa; mã lặc 馬勒 là dây cương ngựa (bridle).
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Bồ Tát giáng cơ xưng danh là Di Lạc. Qua một số thánh giáo, ta hiểu Lạc là vui . Đơn cử, tại Trúc Lâm Thiền Điện ngày 02-01 Canh Tuất (07-02-1970), Đức Di Lạc Thiên Tôn giáng cơ xưng danh với bài thơ thất ngôn bát cú quán thủ. Cặp đề (câu 1-2) như sau:
Di Đà nhứt cú bất ly tâm           彌陀一句不離心
Lạc tại kỳ trung lý diệu thâm.    樂在其中理妙深
Di Lạc Chơn Kinh trong đạo Cao Đài cũng như Kinh Hồng Danh trong đạo Phật, chủ yếu là hồng danh các Đấng. Tụng tới cuối bài Di Lạc Chơn Kinh thì niệm danh bốn mươi chín vị Phật và ba vị Bồ Tát. Tất cả các hồng danh trong Di Lạc Chơn Kinh đều đọc theo âm Hán-Việt, chỉ trừ ba vị Phật đầu tiên ở Thượng Thiên Hỗn Nguơn là Brahma, Shiva và Krishna.

Đức Maitreya (tranh vẽ Ấn Độ)

* Hiền tỷ Nguyễn Thị Lang (đường Quang Trung, Đà Nẵng, tín đồ thánh thất Trung Thành, HT Truyền Giáo):
“Hai năm nay nhờ đọc những ấn phẩm của Chương Trình [Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo], em đã học, hiểu biết rất nhiều điều hay, mới lạ về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tuy ‘hạnh ngộ’ hơi muộn màng nhưng chỉ còn thiếu những ấn phẩm sau (…) thì tủ sách của em sẽ trọn vẹn, đầy đủ 57 ấn phẩm của Chương Trình. Sách được đọc tất cả, từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng (chứ không phải để trưng bày), và sau đó được xếp cẩn thận vào tủ kính (có khóa) một cách trân trọng. Vì vậy, em rất thiết tha xin quý anh chị, nếu có thể, hãy giúp đỡ em có được những ấn phẩm còn thiếu trên. Nhân đây, em xin được góp tay cùng Chương Trình một số tiền nhỏ gọi là…
Cầu xin Ơn Trên gia hộ, Chương Trình sẽ được phổ biến rộng khắp, trường tồn mãi mãi.” (Thư ngày 25-02-2013.)
Huệ Khải: Thưa hiền tỷ, do đạo sự miền Trung quá bề bộn nên hiền huynh T. về Nam rất muộn. Mãi tới cuối tháng 3-2013 hiền huynh mới chuyển được thư tay của hiền tỷ tới Ban Ấn Tống. Ắt hiền tỷ trông đợi chúng tôi hồi âm nhiều lắm. Mong hiền tỷ hoan hỷ thông cảm cho.
Khoản tiền công quả ấn tống của hiền tỷ đã in ở cuối tập Văn Uyển này (xem đợt 73). Năm quyển sách hiền tỷ còn thiếu, chúng tôi đã gởi về tận nhà riêng hiền tỷ.
Thư hiền tỷ khiến chúng tôi rất vui; ắt hiền huynh Huyền Chơn (HT Tiên Thiên) cũng vui nữa. Trên Văn Uyển (tập Hanh 2012) hiền huynh có bài viết kêu gọi đạo hữu Cao Đài nên lập một tủ sách gia đình để lưu giữ kinh sách, tiện cho cả nhà và thân hữu học đạo. Ước gì ai ai cũng có được tủ kinh sách như hiền tỷ vậy. Chúc hiền tỷ vui khỏe.
* Hiền tỷ Hà Thị Liên (Thăng Bình, Quảng Nam):
“Quý Anh Lớn ở Hội Thánh của tệ muội hay dùng từ thánh đán khi gọi ngày mùng Chín tháng Giêng. Xưa nay tệ muội lại quen nghe nói là Pht đản, khánh đản… Vậy nên nói sao cho đúng? Đản hay Đán? Rất mong Văn Uyển giải thích giúp tệ muội.” (Thư ngày 26-02-2013.)
Huệ Khải: I. Thưa hiền tỷ, trước hết là nghĩa của Đản .
 Đản (danh từ) là ngày sinh (birthday), cũng như đản nhật 誕日 là sinh nhật. Đản (động từ) là sinh ra, như đản sinh (sanh) 誕生 sinh ra (to be born). ƒ Ngày sinh của các Đấng thiêng liêng cũng gọi là đản hay thánh đản. Thí dụ: Thánh Đản tiết 聖誕節 là lễ Giáng Sinh (Christmas, Noёl); Phật Đản nhật 佛誕日, Phật Đản tiết 佛誕節 là ngày Đức Phật sinh ra đời (Vesak day, Buddha’s birthday). Khánh là chúc mừng (to celebrate). Khánh đản 慶誕 là chúc mừng sinh nhật (to celebrate one’s birthday).
II. Chúng ta tìm hiểu nghĩa của Đán .
 Đán (danh từ) là buổi bình minh (dawn, day-break); chữ Nho tượng hình vầng thái dương đang nhô lên khỏi chân trời . Đán cũng là buổi sáng (morning); như xuân đán 春旦 là buổi sáng mùa xuân (spring morning). ƒ Đán là ngày (day). Như đán đán 旦旦 là ngày ngày, hàng ngày (every day); nguyên đán 元旦 là ngày đầu năm (new year’s day).
Quý Anh Lớn ở Hội Thánh hiền tỷ không dùng từ đản (ngày sinh) để gọi ngày mùng Chín tháng Giêng, tôi đoán chừng có lẽ các vị quan niệm ông Trời không có ai sinh ra, nên ông Trời không có sinh nhật, không có đản.
Để thay cho đản, quý Anh Lớn ở Hội Thánh hiền tỷ dùng đán. Ta hiểu thánh đán nghĩa là ngày thiêng liêng (holy day), và ta cũng hiểu thêm rằng các tôn giáo đều có rất nhiều ngày thiêng liêng (nhiều thánh đán) để kỷ niệm các đấng Phật Tiên, Thánh Thần chứ không phải chỉ riêng ngày mùng Chín tháng Giêng mới gọi là thánh đán.
Từ ngàn xưa dân gian Việt Nam đã tin rằng Trời có ngày sinh (tục gọi là vía) nên có câu: Mùng Chín vía Trời, mùng Mười vía Đất), và Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Lý Thái Bạch chẳng “ngại” gì mà không gọi ngày vía Trời là ngày Khánh Đản:
Chư hiền đệ muội! Hôm nay, ngày này nơi thế gian cũng là ngày Khánh Đản Đức Chí Tôn Thượng Phụ. Chư Phật, chư Tiên khắp tam thập lục thiên, tam thiên thế giới đều đến triều phục, hỷ chúc thâm ân đức háo sanh Chúa Tể muôn loài vạn vật.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, mùng Chín tháng Giêng Quý Sửu, ngày 11-02-1973)
Cũng thánh giáo dẫn trên, Đức Giáo Tông tả cảnh Thiên Đình trong ngày Khánh Đản Đức Chí Tôn như sau:
Trời xuân đượm thắm ánh thiên quang
Hạo khí nhiên đăng đã rọi đàng
Thiên Sứ triều nghi chầu Khánh Đản
Thiên ân tế chúng khắp nhân gian.
Kính chúc hiền tỷ thân tâm an lạc, và cảm ơn hiền tỷ quan tâm đọc Văn Uyển.
* Hiền huynh Lý Văn Đào (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai): “Trong Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, bài 115 (Phàm Tâm Và Đạo Tâm), Đức Thái Thượng Đạo Quân dạy câu này:
‘Bởi câu vật dục sở tế, khí bẩm sở câu mà làm cho linh tánh đạo tâm con người phải mê muội…’. Kính nhờ Văn Uyển giải thích giúp tệ đệ tám chữ vật dục sở tế, khí bẩm sở câu. Xin chân thành cảm tạ.” (Thơ ngày 06-3-2013) 
Lê Anh Minh: Một trong vài kết cấu bị động (passive voice) của Hán ngữ cổ đại là: Chủ ngữ + vi + tác nhân + sở + động từ.
Tám chữ vật dục sở tế, khí bẩm sở câu được rút gọn từ hai câu này:
 Nhân vi vật dục sở tế 人為物欲 所蔽: Con người bị các ham muốn vật chất che lấp.
Nhân vi khí bẩm sở câu 人為氣稟所拘: Con người bị khí bẩm trói buộc.
Tế là che lấp. Câu là hạn chế, giới hạn, gò bó, trói buộc. Bẩm là có sẵn từ khi sinh ra. Khí bẩm là một thuật ngữ quan trọng trong triết học Trung Quốc.


Vương Sung 王充 (27-100) nói: “Người thụ bẩm khí từ Trời.” [6] Vương Sung cho rằng cái khí bẩm này đã định sẵn sang hay hèn: “Người thụ bẩm khí mà sinh ra, ngậm khí mà lớn lên, nhận được [mệnh] sang thì sang, nhận được [mệnh] hèn thì hèn.” [7]

Phái Lý Học đời Tống và đời Minh cho rằng khí bẩm là nguồn gốc bản tính của khí chất con người.
Trình Hạo 程顥 (1032-1085) nói: “Có người từ nhỏ mà thiện, có người từ nhỏ mà ác, là do khí bẩm mà như thế.” [8]
Trình Di 程頤 (1033-1108) nói: “Tài thụ bẩm từ khí, khí có trong có đục, kẻ thụ bẩm khí trong thì hiền, kẻ thụ bẩm khí đục thì ngu.” [9]
Chu Hi 朱熹 (1130-1200) nói: “Trời sinh ra người, ai cũng được phú cho cái bản tính có nhân nghĩa lễ trí, nhưng sự bẩm thụ khí chất [mỗi người] không thể như nhau.” [10]
Chu Hi cho rằng khí bẩm định sẵn số mệnh: “Con người thụ bẩm khí, thì phú quý, bần tiện, cao thấp đều đã được ấn định sẵn số mệnh trong đó rồi.” [11]
Chu Hi lại nói: “Thụ bẩm được khí tinh anh thì là Thánh là Hiền, tức là được trọn vẹn cái lý và sự ngay chính của lý; thụ bẩm được khí trong sáng thì anh minh hào sảng; thụ bẩm được khí đôn hậu thì ôn hòa;  thụ bẩm được khí thanh cao thì quý; thụ bẩm được khí dồi dào dày dặn thì giàu; thụ bẩm được khí lâu dài thì sống lâu; thụ bẩm được khí suy đồi mỏng đục thì ngu, hư hỏng, nghèo, hèn, chết yểu.” ([12]
Chu Hi dùng tám chữ khí bẩm sở câu, nhân dục sở tế khi chú giải ba chữ minh minh đức (tức là một trong ba cương lĩnh của sách Đại Học: minh minh đức, tân dân, chỉ ư chí thiện). Sách Đại Học chép: “Đạo của Đại Học là làm sáng thêm cái đức sáng, đổi mới dân chúng, và dừng ở chí thiện.” [13]
Chu Hi chú: “Minh là làm cho nó sáng. Minh đức là cái mà con người nhận lãnh từ Trời; nó hư không, linh diệu, sáng láng, có đủ các lý để ứng với vạn sự. Nhưng vì bị khí bẩm trói buộc và bị các ham muốn vật chất che lấp mà có lúc cái đức sáng đó bị tối tăm, nhưng sự sáng láng của bản thể nó thì chưa bao giờ tắt. Cho nên người tu học nhân lúc cái đức đó mới khởi phát sáng trở lại thì làm nó thêm sáng nữa để trở về cái sự sáng ban đầu của nó.” [14]
* Một nữ tu sinh xin ẩn danh (thuộc Tập Đoàn Giáo Sĩ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo): “Trong Thánh Giáo Sưu Tập Năm Ất Tỵ (1965), Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 233-236, có in bài thánh giáo của Đức Chúa Giêsu. Riêng ở trang 235 có ba vé thi của Đức Chúa như sau:
8. Nước Locride có người hoàng đế,
Luật công bình xử chế nghiêm minh,
Ban ra chỉ dụ triều đình,
Phạm phép móc mắt, luật hình không sai.
9. Tội phạm trước không ai đâu lạ,
Là con vua sang cả hoàng thân,
Zénécus khó định phân,
Nỗi lòng bất nhẫn trước cân công bình.
10. Đành lặng lẽ tự mình móc mắt,
Mắt của mình và mắt của con,
Đôi tròng đủ trước bệ son,
Cho nghiêm phép nước cho còn tình thương.
Kính nhờ Đại Đạo Văn Uyển giải thích giúp đạo muội nước Locride là nước nào? Vua Zénécus là ai? Sự tích móc mắt này ra sao?” (Thư ngày 21-3-2013)
Huệ Khải: Xin hoan nghênh tinh thần hiếu học của hiền muội. Trước hết, nói ngay với hiền muội là có lẽ bộ phận điển ký hoặc người đánh máy lại bản thánh giáo này cách nay bốn mươi tám năm vì sơ sót nên đã gõ nhầm tên vị vua lừng danh. Thật ra Ngài tên là Zaleucus. Ở trang sau là chân dung nhà vua và tranh vẽ sự tích móc mắt con trai.


Nước Locride (tiếng Pháp) hay Locri (tiếng Anh) thành lập khoảng năm 680 trước Công Nguyên, nay là một thành phố trên bờ biển nước Ý. Vua nước Locride là Zaleucus làm luật rất nghiêm. Theo luật, kẻ phạm tội ngoại tình phải bị móc hai con mắt. Khi hoàng tử phạm tội ngoại tình, để con mình khỏi mù, vua Zaleucus ra lệnh chỉ móc con mắt phải của con, và móc con mắt trái của vua cha “bù” vào cho đủ cặp, để đảm bảo luật pháp được tôn trọng.
Chúc hiền muội tu học thật tốt để trọn vẹn lời khấn nguyện thiêng liêng, là được diễm phúc khoác áo tu sĩ Đại Đạo, như lời nhủ khuyên từ ái của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh (14-01 Canh Thân):
Hỡi tu sĩ khoác màu áo trắng
Cánh chim hồng xinh xắn tung bay
Giữ đừng nhuộm nét trần ai
Rèn lòng sửa tánh, hôm mai chớ rời.
“Hôm mai” tức là buổi sáng (sớm mai) và buổi tối (chiều hôm), nghĩa là suốt trọn ngày, hiền muội nhé!
* Giáo Hữu Thượng Vạn Thanh (Chánh Hội Trưởng Ngọc Kim Thánh Điện, Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, Bến Tre).
“Kính gởi Ban Điều Hành Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo,
Thánh tịnh Ngọc Kim Thánh Điện được khởi công xây dựng ngày mùng 9 tháng 02 Nhâm Thìn (01-3-1012) trên phần đất của gia đình Giáo Hữu Thượng Vạn Thanh và đạo hữu thánh tịnh Ngọc Kim Thánh Điện chung tay mua hiến cúng. (…)
Ngày 12 và 13 tháng 02 Quý Tỵ (23 và 24-3-2013) Ban Cai Quản và bổn đạo có tổ chức lễ an vị thánh tượng Thiên Nhãn và mời một số quan khách, đạo hữu về dự ngày lễ trọng đại này. Để buổi lễ được long trọng và có một món ăn tinh thần giá trị, Ban Cai Quản và bổn đạo thánh tịnh Ngọc Kim Thánh Điện nhờ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo hộ trợ cho một số kinh sách phát trong buổi lễ để giúp cho đạo hữu nơi đây có điều kiện học hỏi, mở mang kiến thức giáo lý và thực hành lời dạy của các Đấng thiêng liêng.” (Trích văn thư ngày 20-02-2013)
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh Giáo Hữu Thượng Vạn Thanh, trước hết Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo chân thành bày niềm vui chung với họ đạo vì đã có được thánh sở mới khang trang làm nơi tu học và hành đạo. Kế đến, xin hoan nghênh tinh thần và ý thức tự bồi dưỡng giáo lý của quý huynh tỷ đạo hữu sở tại.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Món ăn xác thịt đã cần / Cũng cần nuôi dưỡng tinh thần hậu lai.” [15] Như thế, quan khách đến dự lễ, sau tiệc chay do thánh tịnh trân trọng khoản đãi, lúc từ giã ra về còn được mang theo kinh sách để trau giồi giáo lý, nâng cao trình độ nhận thức về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, quả thật quý hóa biết bao!
Ban Ấn Tống đã trao đổi với điểm phát hành của Chương Trình Ấn Tống hiện đang đặt tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) để yểm trợ buổi lễ an vị của Ngọc Kim Thánh Điện. Đương nhiên chuyên chở kinh sách từ Mỹ Tho về Bến Tre thì thuận lợi hơn là đi từ TpHCM, phải không hiền huynh? Kính chúc hiền huynh dồi dào sức khỏe để chăm lo việc đạo, và xin cầu nguyện cho lễ an vị tới đây tại Ngọc Kim Thánh Điện sẽ thành tựu mỹ mãn.




[1] Huệ Thiên, Những Tiếng Trống Qua Cửa Các Nhà Sấm. Nxb Trẻ, 2004, tr. 458.
[2] Khi nói từ này là nguồn gốc của từ kia trong khi thật ra cả hai chẳng có liên quan gì với nhau mặc dù cách giải thích nghe có vẻ rất hợp lý thì đó chính là từ nguyên dân gian.
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/False_etymology.
[4] http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/gnktdtd/gnktdtd.htm
[5] Tham khảo: Lịch Trình Hành Đạo do Đức Lê Đại Tiên ban cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, ngày 15-4 Bính Ngọ (03-6-1966).
[6] 人稟氣於天. Nhân bẩm khí ư Thiên. (Luận Hành, Vô Hình).
[7] 人稟氣而生, 含氣而長, 得貴則貴, 得賤則賤. Nhân bẩm khí nhi sinh, hàm khí nhi trưởng, đắc quý tắc quý, đắc tiện tắc tiện. (Luận Hành, Mệnh Nghĩa)
[8] 有自幼而善, 有自幼而惡, 是氣稟有然也. Hữu tự ấu nhi thiện, hữu tự ấu nhi ác, thị khí bẩm hữu nhiên dã. (Nhị Trình Di Thư, quyển 1)
[9] 才稟於氣, 氣有清濁, 稟其清者為賢, 稟其濁者為愚. Tài bẩm ư khí, khí hữu thanh trọc, bẩm kỳ thanh giả vi hiền, bẩm kỳ trọc giả vi ngu. (Nhị Trình Di Thư, quyển 18)
[10] 蓋自天降生民, 則既莫不與之以仁義禮智之性矣. 然其氣 質之稟或不能齊. Cái tự thiên giáng sinh dân, tắc  ký mạc bất dữ chi dĩ nhân nghĩa lễ trí chi tính hĩ. Nhiên kỳ khí chất chi bẩm hoặc bất năng tề (Đại Học Chương Cú Tự)
[11] 人之稟氣, 富貴, 貧賤, 長短, 皆有定數寓其中. Nhân chi bẩm khí, phú quý, bần tiện, trường đoản, giai hữu định số ngụ kỳ trung. (Chu Tử Ngữ Loại, quyển 4)
[12] 稟得精英之氣, 便為聖為賢, 便是得理之全, 得理之正; 得清明者便英爽; 稟得敦厚者便溫和; 稟得清高者便貴; 得豐厚者便富; 稟得久長者便壽; 稟得衰頹薄濁者便為愚, 不肖, 為貧, 為賤, 為夭. Bẩm đắc tinh anh chi khí, tiện vi Thánh vi Hiền, tiện thị đắc lý chi toàn, đắc lý chi chính; bẩm đắc thanh minh giả tiện anh sảng; bẩm đắc đôn hậu giả tiện ôn hòa;  bẩm đắc thanh cao giả tiện quý; bẩm đắc phong hậu giả tiện phú; bẩm đắc cửu trường giả tiện thọ; bẩm đắc suy đồi bạc trọc giả tiện vi ngu, bất tiếu, vi bần, vi tiện, vi yểu. (Chu Tử Ngữ Loại, quyển 4)
[13] 大學之 道,在明明德,在親民,在止於至善. Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân (tân) dân, tại chỉ  ư chí thiện.
[14] , 明之也. 明德者, 人之所得乎天, 而虛靈不昧, 以具眾理 而應萬事者也. 但為氣稟所拘, 人欲所蔽, 則有時而昏; 然其 本體之明, 則有未嘗息者. 故學者當因其所發而遂明之, 復其初也. Minh, minh chi dã. Minh đức  giả, nhân chi sở đắc hồ Thiên, nhi hư linh bất muội, dĩ  cụ chúng lý nhi ứng vạn sự giả dã. Đãn vi khí bẩm sở câu, nhân dục sở tế, tắc hữu thời nhi hôn; nhiên kỳ bản thể chi minh, tắc hữu vị thường tức giả. Cố học giả đương nhân kỳ sở phát nhi toại minh chi, dĩ phục kỳ sơ dã. (Đại Học Chương Cú)
[15] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968).