Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / NAGA BẢY ĐẦU / Huệ Khải


Naga (tiếng Sanskrit) nghĩa là con rắn. Trong đạo Bà La Môn (Ấn Độ Giáo) và đạo Phật, naga là linh vật bán thần, nửa người nửa rắn. Naga có thể hiện hình người hay rắn, sống dưới lòng đất, nơi trú ẩn gọi là Naga-loka (theo www.britannica.com).
Kinh sách nhà Phật kể rằng trong bảy ngày đầu tiên sau khi tu sĩ Cồ Đàm (Gautama) đắc đạo thành Phật, lúc Ngài đang ngồi thiền dưới tàn cây bồ đề thì một cơn mưa trái mùa dội xuống như trút. Rắn thần tên là Mucalinda (cũng viết Muchalinda hay Mucilinda) liền bò ra, cuộn mình làm bệ để nâng Đức Phật ngồi cao hơn dòng nước đang chảy xiết trên mặt đất, và xòe bảy chiếc đầu làm thành tàn che phía trên cho Đức Phật không bị ướt. Hết ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda hiện hình thành một thanh niên tuấn tú, đứng trước mặt Đức Phật cung kính chắp tay đảnh lễ Đấng Thế Tôn.
Tích rắn thần Mucalinda làm hộ pháp (che chở Đức Phật) trở thành một đề tài mỹ thuật phổ biến tại nhiều ngôi chùa Nam Tông ở Đông Nam Á. Theo Wikipedia, một ngôi chùa bên Lào có bức bích họa nhiều màu tươi tắn như hình 1 (tr. 189). Nhiều tượng đồng, tượng đá cũng miêu tả sự tích Mucalinda, chẳng hạn hình 2 (tr. 189).
Theo một số nhà nghiên cứu thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, naga bảy đầu được gọi là thất đầu xà (con rắn bảy đầu). Bảy cái đầu rắn tượng trưng thất tình của con người.
Một số sách thường liệt kê thất tình không giống nhau hoàn toàn. Theo các tác giả thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, bảy tình cảm đó là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn).
Thất tình được ví như bảy đầu rắn độc vì chúng làm hại thể xác và tinh thần con người, đưa con người sa vào chỗ thấp hèn tội lỗi, suy bại. Người tu cần lập chí thanh cao, chế ngự thất tình, làm chủ chúng nó, đừng yếu hèn để chúng sai khiến, giữ cho tâm thanh tịnh, như thế thì mới giải thoát khỏi khổ đau.
Trong Đền Thánh Tây Ninh, đối diện với Bát Quái Đài (thờ Đức Chí Tôn và các Đấng) là Hiệp Thiên Đài. Tại Hiệp Thiên Đài có đắp tượng thất đầu xà. Thân rắn rất dài:  Đuôi rắn quấn chỗ ngự của Thượng Sanh. Phần thân giữa quấn chỗ ngự của Thượng Phẩm. ƒ Phần thân trên quấn chỗ ngự của Hộ Pháp.
Bảy đầu rắn tách ra như sau:  Ba đầu ngóc cao lên phía sau lưng Hộ Pháp là hỷ, ái, lạc (mừng, thương, vui). Hai đầu gục xuống thật sâu là nộ, ai (giận, buồn). Khi Hộ Pháp ngồi thì đặt bàn chân phải lên đầu nộ, đặt bàn chân trái lên đầu ai, để chế ngự chúng. ƒ Hai đầu rắn còn lại là ố, dục (ghét, ham muốn) gục xuống ngang tầm tay Hộ Pháp. Lúc ngài ngồi thì gác bàn tay phải lên đầu , gác bàn tay trái lên đầu dục, để đè nén chúng.


Ảnh 3 cho thấy tiền bối Phạm Hộ Pháp đang ngồi, hai bàn chân và hai bàn tay đang đè nén, chế ngự bốn đầu rắn nộ, ai, ố, dục. Sau lưng là ba đầu rắn hỷ, ái, lạc.
Theo giải thích của các tác giả thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, khi ngồi là ngài đang trụ pháp, lúc đứng là ngài đang chuyển pháp.
Tạp chí LIFE danh tiếng một thời có chụp ảnh tiền bối Phạm Hộ Pháp đang đứng chắp tay trên đài sen (ảnh 4).


Sau khi ba vị tiền bối Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959), Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929), và Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971) đều quy thiên, Tòa Thánh Tây Ninh cho đắp tượng ba vị đứng trên ba đài sen ở Hiệp Thiên Đài. Thất đầu xà quấn chặt cả ba đài sen (ảnh 5): Đức Hộ Pháp đứng giữa; Đức Thượng Sanh cầm phất chủ đứng bên trái ngài; Đức Thượng Phẩm cầm quạt Long Tu đứng bên phải ngài.
HUỆ KHẢI
29-01-2013


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: