* Tham luận của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài trong cuộc hội thảo “Đạo Cao Đài Góp Phần Phát
Huy Văn Hóa Dân Tộc”, tổ chức vào ngày Thứ Sáu 10-4-2015 (22-4 Ất Mùi), tại
Thánh Tòa Ngọc Kinh, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Tôn giáo nói chung là một tổ chức có tính
nhân bản rất cao, luôn hướng về mục đích giúp người tiến hóa đến chỗ cao đẹp,
hoàn thiện và giải thoát bằng những phương tiện là pháp môn, quy điều, giới
luật… Những phương tiện này sẽ giúp quy tụ tín đồ trong mọi hoạt động tôn giáo
và gắn đời sống tôn giáo vào đời sống cá nhân riêng của mỗi người. Có thể nói,
nhìn vào đời sống của tín hữu, chúng ta có thể biết được nét văn hóa đặc trưng
của tôn giáo đó.
Cao Đài là nền tân pháp, xuất hiện vào những năm đầu thế
kỷ Hai Mươi. Văn hóa Cao Đài trong đời sống tín hữu là một nền văn hóa đạo đức,
truyền thống, kế thừa những tiến bộ và văn minh. Tham luận này phân tích tất cả
những đặc điểm đó trong đời sống tín hữu Cao Đài trên hai phương diện: đời sống
tâm linh và đời sống đạo.
1. Tóm lược những nét
đặc trưng của văn hóa Cao Đài
Ở chiều kích bao quát, xin ghi nhận những nét đặc trưng
của văn hóa Cao Đài như sau:
- Tính truyền
thống: Văn hóa Cao Đài mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Điều này là
tất yếu vì Cao Đài ra đời tại Việt Nam nên mang đầy đủ hơi thở của đời
sống Việt ở những năm đầu thế kỷ Hai Mươi. Tính dân tộc trong văn hóa Cao Đài
thể hiện trong đạo phục, nhạc lễ, kinh kệ, thi văn dạy đạo, quy giới, thờ
phượng, lễ bái và đời sống đạo của tín đồ. Tính truyền thống còn thể hiện trong
vũ trụ quan, nhân sinh quan Cao Đài rất phù hợp với quan niệm về thế giới hữu
hình, thế giới thần linh và vũ trụ trong dân gian Việt Nam .
- Tính dung hòa:
Văn hóa Cao Đài dựa trên nền tảng Tam Giáo đồng nguyên và tinh thần vạn giáo
nhất lý, do đó có tính dung hòa rất cao. Giáo lý Cao Đài cũng lấy cơ sở trung
đạo làm gốc. Vì vậy, người Cao Đài xem hết thảy nhân loại là anh em, đều là con
cái Thượng Đế và nhìn nhận tất cả các tôn giáo cũng đều từ Thượng Đế khai mở
nhằm mục đích cứu vớt con người.
- Tính phổ biến:
Văn hóa Cao Đài hòa quyện với văn hóa đạo đức của tất cả các tôn giáo và của cả
nhân loại. Chúng ta có thể nhìn thấy những tinh túy và những điểm nổi bật của
các nền văn hóa kim cổ trong văn hóa Cao Đài. Chính vì vậy, khi phổ cập đến một
môi trường mới, Cao Đài dễ dàng được đồng cảm và tiếp nhận dưới góc nhìn văn
hóa.
- Tính toàn diện:
Mục đích của Cao Đài hướng đến hai phương diện là tiến hóa, giải thoát trên con
đường thiên đạo và xây dựng đại đồng tại thế. Đạt được hai phương diện này giúp
cải thiện con người một cách toàn diện và rốt ráo. Tính toàn diện cũng thể hiện
trong triết lý Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể khi con người (tiểu linh quang) đạt
đến mục đích cuối cùng là hiệp nhất cùng Thượng Đế (Đại Linh Quang).
- Tính văn minh:
Nghi lễ, quy giới Cao Đài mang tính văn minh, không mang màu sắc mê tín, dị
đoan nên phù hợp với đời sống hiện đại; bởi nhân loại hiện nay có nhận thức cao
về thế giới tự nhiên cũng như xã hội nên sự huyền hoặc, mơ hồ không còn sức
thuyết phục.
- Tính dân chủ:
Mối quan hệ giữa chức sắc – tín đồ hay vai trò nữ phái quy định trong Pháp
Chánh Truyền, nội luật… và cao hơn là sự hiệp nhất Trời – người xuyên suốt quá
trình mở đạo và truyền đạo đã chứng minh một cách rõ ràng, thuyết phục tính dân
chủ trong văn hóa Cao Đài.
Từ những phân tích trên, chúng tôi xin nhắc lại kết luận
trong tham luận “Nữ Phái Và Văn Hóa Cao Đài” của Hội Thánh Truyền Giáo tại Hội
Thảo Nữ Phái (Cà Mau, 2014):
“Chúng ta có thể
khẳng định được rằng văn hóa Cao Đài là có thực. Đó là một nền văn hóa tôn giáo
vừa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam trong tinh thần Tam Giáo đồng nguyên vừa
có tính nhân bản, hướng con người đến chỗ giải thoát, sống ở trần gian nhưng
thoát khỏi những cám dỗ của cõi tạm này. Nền văn hóa đó thể hiện trong mọi mặt
từ hình tướng bên ngoài đến triết lý ẩn tàng bên trong; từ những điều vĩ mô
mang tính đạo học của yếu lý thờ phượng đến những sự việc gần gũi trong đời
sống đạo của mỗi tín đồ, tất cả hòa quyện để vẽ nên chân dung một nền văn hóa
Cao Đài vừa đặc trưng, vừa dung hòa tổng hợp.”
2. Văn hóa Cao Đài
trong đời sống tâm linh của tín hữu
Đức Lý Giáo Tông dạy:
“… đừng nên hạn hẹp
hai tiếng văn hóa trong khuôn khổ văn chương chữ nghĩa hay một số môn học đạo
đức, mà phải quan niệm cho thật rộng, đúng nghĩa của nó.
Văn hóa đạo đức có
những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ
nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ
giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa
con người và vạn vật, v.v…” [1]
Đức Lý Giáo Tông đã đưa ra khái niệm văn hóa đạo đức và
diễn giải các nội dung của văn hóa đạo đức. Đó là “lãnh vực triết học, đạo lý,
thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan; sự liên hệ giữa Trời và người,
sự liên hệ giữa Trời và vạn vật; sự liên hệ giữa con người và con người, sự
liên hệ giữa con người và vạn vật…”
Với quan điểm như vậy, rõ ràng tôn giáo nói chung và văn
hóa Cao Đài nói riêng gắn liền với văn hóa đạo đức. Xin phân tích ở đây về vấn
đề đời sống tâm linh của tín hữu Cao Đài thể hiện văn hóa đạo đức này như thế
nào.
Vũ trụ quan Cao Đài nêu rõ Thượng Đế là Đấng tạo ra vũ
trụ và muôn loài vạn vật. “Ấy chính là
ngôi Chúa Tể của càn khôn vũ trụ đã biến hóa ra vậy; mà vũ trụ từ đây mới bắt
đầu có ngôi Thái Cực trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn
hóa, vô tận vô cùng, nắm trọn quyền hành, thống chưởng cả càn khôn vũ trụ, và
lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái
hư vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật.” [2]
Chính vì vậy, trong đời sống tâm linh, người tín hữu Cao
Đài kính thờ Thượng Đế tại thánh thất cũng như Thiên Bàn tư gia. Thiên Bàn
trong Cao Đài Giáo có yếu lý thờ phượng thể hiện triết lý Đại Đạo về cơ sanh
hóa của vũ trụ và quan điểm về tiểu thiên địa trong mỗi người:
Thiên Bàn làm cái bản
đồ
Coi ngoài mà biết
điểm tô trong mình.[3]
Vì vậy, tín hữu Cao Đài kính ngưỡng và lễ bái để giao cảm
cùng Thượng Đế và cầu xin sự soi sáng hộ trì, cũng là dịp để soi xét thân tâm
trong từng giai đoạn tiến hóa tâm linh, để biết mình đang ở đâu, cần tu sửa gì
để “điểm tô” và nâng mình nên Thánh. Đây chính là điểm tích cực trong văn hóa
tâm linh của Cao Đài đã đặt để tín đồ ở thế chủ động, tạo động lực rõ ràng để
dõng mãnh hơn trong quá trình tu dưỡng. Đây cũng là hệ quả từ thuyết Thiên Địa Vạn
Vật Nhất Thể. Lời Thầy dạy ngay từ những ngày đầu lập Đạo “Thầy là các con, các con là Thầy” đã khẳng định tính nhất thể này.
Tác giả Diệu Nguyên viết:
“Giáo lý Cao Đài với
thuyết Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể giúp cho con người hiểu rằng mình là một điểm
tiểu linh quang xuất phát từ khối Đại Linh Quang là Thượng Đế nên cũng có đầy
đủ quyền năng như Ngài, nếu biết tu thân hành đạo, làm tròn bổn phận vi nhân
thì có thể tiến hóa lên làm Trời như lời dạy của Ơn Trên:
Con là một Thiêng Liêng tại thế
Cùng với Thầy đồng thể linh quang
Khóa chìa con đã sẵn sàng
Khi vào cõi tục, khi sang Thiên Đình.[4]
Hoặc là:
Tu là học để làm Trời
Đây chính là một nét
đẹp của văn hóa đạo đức Cao Đài vì nhận thức này có tác dụng tích cực thúc đẩy
con người luôn cố gắng tu thân, trau dồi đạo đức để được thăng hoa tiến hóa
mãi.
Thuyết Thiên Địa Vạn
Vật Nhất Thể cũng giúp cho chúng ta hiểu được rằng con người dù thuộc quốc gia,
chủng tộc nào cũng đều là anh em có cùng một Đấng Cha Trời. Nhận thức này giúp mọi người
đối xử với nhau bình đẳng, thương yêu, không kỳ thị chia rẽ. Đây cũng là yếu tố
cần thiết giúp con người xây dựng một thế giới đại đồng, hòa bình và hạnh phúc.” [6]
Về tính truyền thống dân tộc, tín hữu Cao Đài thờ Thượng
Đế là Ông Trời trong quan niệm văn hóa dân gian. Tín hữu Cao Đài cầu nguyện và
nương cậy dưới quyền năng phán xét của Thầy cũng như người Việt thờ Trời và cầu
Trời trong đời sống thường nhật. Bổn phận của tín đồ Cao Đài là phải về thánh thất
trong các kỳ sóc vọng được quy định rõ trong Điều Thứ Mười Chín của Tân Luật: “Một tháng hai ngày sóc vọng, bổn đạo phải
tựu lại thánh thất sở tại mà làm lễ và nghe dạy. Trừ ra ai có việc được chế.”
Đạo phục của tín đồ Cao Đài trong những sinh hoạt nhà đạo
và khi lễ bái là áo dài trắng, nam có thêm khăn đóng đen. Màu trắng thể hiện
cho sự tinh khiết, như người tín đồ dọn mình trong sạch dâng lên Đấng Tối Cao
khi hành lễ. Màu trắng cũng thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt thấp cao
giữa mọi tín đồ, đều thọ nhận ân phước của Thiêng Liêng trong Kỳ Ba tận độ. Đạo
phục này góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa trong trang phục dân tộc.
Trong cuộc sống, con người không thể tránh khỏi những sai
lầm, tội lỗi, đặc biệt là khi phải va chạm thực tế với muôn vàn cám dỗ tế vi.
Tín hữu Cao Đài hằng quán xét và phản tỉnh để nhìn nhận và tu sửa mình qua pháp
môn sám hối.
Người ở thế mấy ai
khỏi lỗi
Biết lạc lầm sám hối
tội căn
Tu tâm sửa tánh ăn
năn
Ba giềng nắm chặt,
năm hằng chớ lơi.
(Kinh Sám Hối)
Hoặc:
Con nhứt định quy y
sám hối
Hình thức sám hối có nhiều cách như quỳ hương, đọc kinh
sám hối, quán chiếu và hứa nguyện… Tất cả đều nhằm mục đích hướng tín đồ đến
chỗ bỏ chừa cái xấu và nâng mình để trở nên tốt đẹp hơn. Pháp
môn vừa thể hiện nét văn hóa phục thiện của con người, vừa là phương tiện để
mỗi cá nhân nương nhờ vào đó để xét mình và đo lường sự tinh tấn trong tu tập.
Uống nước nhớ nguồn; tưởng nhớ tổ tiên, ông bà đã khuất
là truyền thống đẹp của người phương Đông và đặc biệt là với người Việt. Đối
với người Cao Đài, lòng biết ơn này được mở rộng hơn với lòng tri ân kính
ngưỡng đối với các bậc Tiền Khai Đại Đạo, quý Thiên ân chức sắc và đạo tâm quá
vãng. Để thể hiện lòng biết ơn, bên cạnh việc thực hiện những nghi lễ kỵ nhật,
cầu siêu theo pháp môn độ tử của nhà đạo, con cháu hay hậu tấn còn có những nếp
sống tích cực trong tu thân, tích đức và luôn cầu nguyện trong đời sống tâm
linh để tổ tiên mình được siêu thăng cõi thượng. Làm được như vậy, người tín
hữu vừa giúp mình cải thiện bản thân vừa hộ trì cho cửu huyền thất tổ:
Cầu cha mẹ bình an
khương thái
Thất tổ đồng thượng
giới siêu thăng.[8]
Hoặc:
Tu để được đền bù tội
trước
Tu sao cho con được
hồi nguyên
Tu cho giải tỏa lời
nguyền
Tu cho thất tổ cửu
huyền siêu thăng.[9]
Trong đời sống tâm linh, tín hữu Cao Đài còn thể hiện lòng
tôn trọng các tôn giáo khác. Với người Cao Đài, các tôn giáo chân chính đều có
cùng một sứ mạng là dìu dắt nhơn sanh trên con đường tiến hóa tâm linh, mang
lại nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Vì vậy, người Cao Đài luôn “cấm
bàn tôn giáo thấp cao” hay:
Cấm chê đạo khác thấp
thường
Cấm bàn tu giỏi, tu
ương mọi người.[10]
Tóm lại, đời sống tâm linh của tín hữu Cao Đài mang đậm
nét văn hóa đạo đức ở chỗ hướng con người đến sự hoàn thiện thông qua quá trình
tiến hóa tâm linh. Đời sống tâm linh kỉnh thành, tinh tấn sẽ giúp tín đồ gần
gũi và giao cảm với các Đấng thiêng liêng, mở khai trí huệ, an lạc thân tâm,
nhẹ nhàng thể xác và hộ trì trong tu tiến. Trong môi trường thánh thiện, cái
xấu dễ dàng bị đẩy lùi nên con người có thể tránh được những cám dỗ, sa ngã,
tạo đà tinh tấn trong tu dưỡng, sửa mình. Chính vì vậy, tín hữu Cao Đài góp
phần thể hiện rõ giá trị văn hóa đạo đức, giúp mình và giúp người cùng xây dựng
một nếp sống thanh cao, đạo đức, hòa hợp Trời người.
3. Văn hóa Cao Đài
trong đời sống đạo của tín hữu
Nếu đời sống tâm linh hướng tín hữu đi vào nội tâm của
quá trình tiến hóa, đời sống đạo sẽ là hình tướng thể hiện của chiều sâu tâm
linh qua tư cách, thái độ và hành vi ứng xử với thế giới tự nhiên và xã hội bên
ngoài. Cộng đồng sẽ nhìn vào đời sống đạo để thấy và đánh giá sự thuần thành,
tăng tiến trong tu tập của mỗi cá nhân. Một tín đồ sống đạo tốt sẽ là chứng
nhân và góp phần hiện thực mục đích cao đẹp xây dựng đại đồng tại thế của Đại
Đạo. Chính vì vậy, đời sống đạo của tín hữu Cao Đài phản ánh rõ ràng nhất nét đẹp
văn hóa Cao Đài dưới nhiều góc độ khác nhau.
Trước tiên, văn hóa Cao Đài thể hiện từ nếp sống đạo trong
gia đình. Ở đó, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu được xây dựng
trên nền tảng đạo đức, có dưới có trên. Trên đối với dưới cần yêu thương, bảo
bọc và dạy dỗ điều hay lẽ phải; dưới đối với trên phải hiếu kỉnh, lễ phép, ghi
ân:
Làm con phải trau dồi
hiếu đạo
Trước là lo trả thảo
mẹ cha
Lòng thành thương tưởng
ông bà
Nước nguồn cây cội
mới là tu mi.
(Kinh Sám Hối)
Hay:
Người tai mắt đạo nhà
khá giữ
Nghĩa anh em cư xử
thuận hòa
Vẹn tròn đạo cả giềng
ba
Kính anh mến chị thì
là phận em.
(Kinh Sám Hối)
Đạo lý hiếu nghĩa, thuận hòa luôn phù hợp và hòa quyện với
truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nét đẹp văn hóa đầy tính nhân bản này được
kế thừa và phát huy trong nếp sống đạo trong gia đình tín đồ Cao Đài.
Nhìn rộng ra, chúng ta dễ dàng thấy được mối quan hệ giữa
tín đồ với nhau trong cộng đồng nhà đạo là mối quan hệ anh em, cùng là con một Đấng
Cha Trời nên phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này được quy định rõ trong
phần Thế Luật của Tân Luật :
“Hễ thọ giáo với một
Thầy thì tỷ như con một Cha; phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau,
lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường
đời.” (Điều Thứ Nhứt)
“Đối với hàng đạo hữu
phải nuôi nấng cái tình thù tạc với nhau, cho khắng khít cái dây liên lạc.” (Điều Thứ Năm)
“Một người trong Đạo
gặp tai nạn thình lình thì bổn đạo trong họ hãy tùy hỷ chung nhau, tư trợ cho
qua lúc ngặt nghèo.” (Điều Thứ Mười Chín)
Trong thực tế, tín hữu Cao Đài đã thực hiện tốt việc này,
dưới sự dìu dắt của các chức sắc cấp họ đạo và xã đạo. Xin đơn cử một ví dụ về
các mô hình sinh hoạt thuộc Phước Thiện như Thiện Gia Liên Bảo, hay pháp môn Hũ
Gạo Phước Thiện tại Hội Thánh Truyền Giáo luôn giúp tạo gắn kết trong bổn đạo ở
cấp địa phương. Ở đó, các gia đình trong cùng một nhóm Thiện Gia sẽ hẹn nhau ở
một tư gia bổn đạo, cùng dâng lễ thời Dậu, sau đó đàm đạo thăm hỏi, động viên
lẫn nhau. Nhờ vậy, các sinh hoạt này giúp nắm bắt tình cảm và hoàn cảnh của mỗi
gia đình để đồng đạo hộ trì, chia sẻ và tương trợ kịp thời.
Nếu có mâu thuẫn, tín đồ Cao Đài cũng theo luật đạo để
phân xử và nghe lời khuyên giải của chức sắc bề trên:
“Nhập Đạo rồi thì
quên những việc oán thù nhau khi trước, phải tránh việc ganh ghét tranh đua và
kiện cáo, phải nhẫn nhịn và hòa thuận với nhau. Rủi có điều chi xích mích, phải
vui nghe người làm đầu trong họ phân giải.” (Thế
Luật, Điều Thứ Hai)
Ở góc độ khác, mỗi cá nhân tín đồ được hướng dẫn:
“Phải giữ tam cang
ngũ thường là nguồn cội của nhơn đạo. Nam thì hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa,
liêm sỉ, nữ thì tam tùng, tứ đức công, dung, ngôn, hạnh.” (Thế Luật, Điều Thứ Ba)
“Ra giao thiệp với
đời thì phải tập và giữ tánh ôn, lương, cung, khiêm, nhượng.” (Thế Luật, Điều Thứ Tư)
Mối quan hệ trong cộng đồng tín hữu Cao Đài càng khắng
khít và bền chặt hơn qua các dịp quan hôn, tang tế. Với những dịp như vậy, mọi
người chia sẻ và thể hiện tính cảm, thù tạc với nhau, xem chuyện của bạn đạo
cũng như chuyện gia đình mình:
“Trong hàng tín đồ
còn ở thế phải nhớ hai dịp là tang và hôn.” (Thế
Luật, Điều Thứ Năm)
“Trong bổn đạo xảy có
người mãn phần quy vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia
buồn với tang chủ.” (Thế Luật, Điều Thứ Mười Bốn)
Có thể thấy rằng, cách tổ chức tang lễ trong đạo Cao Đài
mang tính tương trợ cộng đồng rất cao. Đã có nhiều mẩu chuyện trong những năm 1930-1940 khi truyền đạo về Trung, rất
đông bổn đạo đã nhập môn vì cảm nhận được tình cảm ấm áp trong các nghi thức lễ
tang của Cao Đài :
“Khi một gia đình đạo
hữu Cao Đài có người qua đời thì đồng đạo đều đến giúp đỡ lo tang sự chu đáo.
Các chức sắc cùng bổn đạo đến giúp tang chủ làm phép bí tích và tụng kinh cầu siêu
hoàn toàn trong tinh thần trợ giúp công quả, tuyệt đối không nhận bất cứ một
khoản tiền thù lao nào cả. Như vậy, chúng ta thấy rằng tình yêu thương và tinh
thần tương thân tương ái trong đời sống hằng ngày là một nét đẹp của văn hóa tổ
chức cộng đồng Cao Đài.” [11]
Trẻ em trong đạo luôn được cha mẹ quan tâm, chăm sóc về
thể chất, học hành và đời sống tinh thần. Ngay từ khi bé mới sinh, cha mẹ phải
thực hiện theo Tân Luật:
“Con nít mới sanh
phải chọn cha và mẹ đỡ đầu cho nó, phòng sau bảo hộ nó lúc rủi phải thân côi.” (Thế Luật, Điều Thứ Mười Một)
“Ðứa con nít khi được
một tháng sắp lên phải đem đến thánh thất sở tại mà xin làm lễ tắm thánh và ghi
vào bộ sanh của bổn đạo.” (Thế Luật, Điều Thứ Mười
Hai)
“Buộc cha mẹ con nít
từ sáu tuổi chí mười hai tuổi phải cho con vào trường học chữ hay là học đạo.” (Thế Luật, Điều Thứ Mười Ba)
Nếp sống đạo của nữ phái thể hiện rõ sự tiến bộ văn hóa
Cao Đài. Nữ phái Cao Đài năng động, thể hiện vai trò
của mình trong tổ chức và hoạt động tôn giáo:
“Tính chủ động cũng
là nét văn hóa mới mà nữ phái Đại Đạo ngày nay thường thể hiện. Điều này hoàn
toàn phù hợp với tính hiện đại của nền tân pháp. Sinh hoạt tu học và hành đạo
của tổ chức nữ phái ở các Hội Thánh ngày càng có chiều rộng và chiều sâu.
- Chiều rộng ở chỗ
mời gọi được nhiều tầng lớp nữ phái với nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau,
nhiều hình thức sinh hoạt tu học khác nhau, từ học đạo, nghiên cứu giáo lý đến
công tác đạo sự, phước thiện, từ thiện...
- Chiều sâu ở hệ
thống tổ chức về nhân sự, về phương pháp làm việc, có kế hoạch, có phân công,
có phối kiểm.
Chức sắc nữ phái đã
thể hiện tốt vai trò giáo hóa nữ đồ, là thành phần lãnh đạo quan trọng ở các
Hội Thánh trong nền Đại Đạo ngày nay.” [12]
“Nữ phái Cao Đài đã
thể hiện đạo đức của người tín đồ qua công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức bằng
cách thức sống đạo trong gia đình và ngoài xã hội. Với vai trò nổi bật và khả
năng quán xuyến, nữ phái đã giúp gìn giữ gia phong, đạo đức của gia đình và
dòng tộc. Các gia đình có nếp sống đạo tốt đẹp, thường có kết quả trong ấm ngoài
êm, gia đạo hanh thông, con cái thành đạt, sống có tư cách và trở thành người
hữu ích cho cộng đồng.
Nữ phái thường nhẫn
nhịn, hy sinh vì chồng con, là thành trì vững chắc, tạo điểm tựa an toàn để
chồng con yên tâm làm người sứ mạng trên con đường phụng sự tha nhân.
Chúng ta có thể nhìn
thấy, đằng sau những tấm gương quên mình vì Thầy vì Đạo của các bậc tiền khai,
là sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ luôn chăm chút, chắt chiu
để người thân của mình xông pha vì đại nghiệp. Đó là truyền thống đẹp về tính
cách chịu thương chịu khó của phụ nữ Việt Nam, được kế thừa và phát huy rất rõ
nét ở nữ phái Cao Đài.” [13]
Đối với môi trường tự nhiên, người Cao Đài được giáo huấn
để thực hành và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, các loài động vật.
“Nhứt bất sát sanh” trong Ngũ Giới Cấm vừa thể hiện đức háo sanh của Thượng Đế
trong mỗi người, vừa giúp bản thân tránh được những oán hận chất chồng của các
loài vật khi bị con người giết hại để ăn thịt. Mọi côn trùng thảo mộc, tất cả
đều do Thượng Đế hóa sanh tạo thành, nên không được sát hại chúng:
Thượng cầm, hạ thú
lao xao
Côn trùng, thảo mộc,
loài nào chẳng linh
Nó cũng muốn như mình
đặng sống
Nỡ lòng nào tuyệt
giống dứt nòi.
(Kinh Sám Hối)
Trong Tân Luật quy định:
“Kể từ ngày ban hành
luật này, người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật...” (Thế Luật, Ðiều Thứ Hai Mươi)
“Trong việc cúng tế
vong linh không nên dùng hy sanh, dùng toàn đồ chay thì được phước hơn.” (Thế Luật, Ðiều Thứ Mười Bảy)
Hoặc những câu trong Kinh Cảm Ứng, tín đồ tụng niệm trong
các kỳ cúng sám “Không có cớ chi mà giết
rùa, đập rắn” hay cấm “mùa xuân đốt
rừng và săn bắn” nếu được trì hành nghiêm túc sẽ góp phần vào việc bảo vệ
sự cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.
Tóm lại, đời sống đạo của tín hữu Cao Đài phản ánh sinh
động tính nhân văn trong văn hóa Cao Đài. Văn hóa này được thể hiện thông qua
việc trì hành kinh kệ, quy giới, luật đạo. Đó có thể là mối quan hệ trong gia
đình; là cách ứng xử tương thân tương ái trong cộng đồng nhà đạo và rộng hơn là
cộng đồng nhân sinh; là vai trò của các thành phần nhà đạo, đặc biệt là nữ phái
và trẻ em; là tư cách và đức độ của mỗi tín đồ, là thái độ tích cực bảo vệ cái
đẹp, cái tốt của môi trường xã hội và môi trường tự nhiên.
Tín đồ chân chính và thuần thành là người phải nghiêm trì
các giới luật, quy điều, kinh kệ, lời Thánh để trở thành con người văn hóa
chính danh, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đạo đức. Có như vậy, trong cộng
đồng dù nhỏ dù lớn mới xây dựng được khối hòa ái yêu thương là của lễ hiến dâng
Thầy rất trân trọng, đồng thời tạo được cuộc sống an bình và đại đồng tại thế.
4. Kết luận
Văn hóa tự thân nó đã hàm chứa những thuộc tính của cái
đẹp, cái tốt, cái thiện. Vai trò của văn hóa là chuyển hóa và hướng mọi đối
tượng đến cái đẹp.
Đức Lý Giáo Tông dạy:
“Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có
ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhơn loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm
mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao.” [14]
Để “có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống
thanh cao”, văn hóa gắn liền với đời sống của con người, định hướng giúp con
người thay đổi mình để trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi một người tốt sẽ góp phần kiến
tạo xã hội đạo đức, mạnh lành thì dân tộc này sẽ có cuộc sống thanh cao như lời
Thánh dạy.
Vì vậy, văn hóa Cao Đài luôn gắn liền với thực tế cuộc
sống đạo của tín hữu. Cộng đồng nhân sinh sẽ nhìn vào cách thể hiện những nét
văn hóa này để đánh giá sự thuần thành, mức độ ngoan đạo của bản thân tín hữu
và thông qua đó đánh giá luôn về kết quả giáo hóa của tôn giáo Cao Đài.
Quan trọng hơn, việc đắp xây những nét văn hóa tốt đẹp
này sẽ là phương tiện để mỗi tín hữu lấy làm thước đo mức độ tu dưỡng và tiến
hóa của chính mình.
Luôn dõng mãnh và tinh tấn trong đời sống tâm linh và
nghiêm trì quy giới luật đạo để xây dựng văn hóa Cao Đài cũng là yếu tố để bổn
đạo có động lực và tích cực hơn trong tu dưỡng, vì đó là những mặt biểu hiện dễ
nhìn, dễ cảm và gần gũi với đời sống hằng ngày.
Với tâm thành và cách nghĩ như thế, có thể kết luận rằng
văn hóa Cao Đài trong đời sống tín hữu đang tồn tại và nẩy nở nơi cộng đồng tín
chúng, góp phần làm tốt đời, đẹp đạo và hướng con người đến các giá trị nhân
bản ngày một cao hơn.
HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI
[2] Đại
Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 213. [Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.]
[5] Đại Tiên
Lê Văn Duyệt, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần (29-6-1974).
[6] Diệu Nguyên, Văn Hóa Cao Đài Kế Thừa Và Phát Huy Văn Hóa Đạo Đức Dân Tộc. Bài nói
chuyện tại thánh thất Nam Thành, ngày 16-9-2014 (23-8 Giáp Ngọ).
[7] Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài, Kinh Tận Độ: Kinh
Sám Hối, bài số 2.
[11] Diệu
Nguyên, “Văn Hóa Cao Đài Kế Thừa Và Phát
Huy Văn Hóa Đạo Đức Dân Tộc”.
[12] Tham luận “Nữ Phái Và Văn Hóa Cao
Đài” của Hội Thánh Truyền Giáo tại Hội Thảo Nữ Phái (Cà Mau, năm 2014).
[13] Tham luận “Nữ Phái Và Văn Hóa Cao
Đài”.
[14] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài
Giáo Việt Nam ,
15-7 Ất Mão (21-8-1975).
* Tất cả văn hóa có thể không là tôn giáo, nhưng tất cả tôn giáo là văn hóa.
All culture might not
be religion, but all religion is culture.
ÉMILE DURKHEIM (người Pháp, 1858-1917).