Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / MẤY ĐỀ XUẤT CỤ THỂ... / Trần Văn Chánh

MẤY ĐỀ XUẤT CỤ THỂ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG 


Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thiết tưởng hiện có năm nhóm vấn đề sau đây cần được xét kỹ để từ đó đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể cho từng vấn đề một. Đó là: <1> Vấn đề phát triển giáo dục; <2> Vấn đề phát triển y tế; <3> Vấn đề người dân tộc; <4> Vấn đề tôn giáo; <5> Vấn đề cải cách hành chánh và xây dựng bộ máy công quyền.
I. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐBSCL
Thực tế tụt hậu về giáo dục ở ĐBSCL hiện đang được coi là một “nghịch lý đau lòng”, khi chúng ta được biết khả năng đóng góp của nó vào nền kinh tế chung cả nước là rất đáng kể (36% giá trị sản xuất nông nghiệp) nhưng mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân trong vùng lại rất thấp, kém xa so với đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, thậm chí còn thấp hơn cả một số vùng miền núi. Theo những kết quả điều tra gần đây, tại ĐBSCL có tới 10% dân số trên mười tuổi chưa biết chữ và khoảng 45% dân số trong độ tuổi học trung học phổ thông chưa đến trường lớp; tỷ lệ bỏ học của cấp này lên tới 14-15%. Riêng vùng nông thôn có tới 45% người dân chưa hoàn tất bất kỳ cấp học nào.[1] Nguyên nhân có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tâm lý vùng, điều kiện đường sá đi lại,... nhưng chủ yếu vẫn là do khả năng tiếp cận với giáo dục còn hạn chế khá lớn ở cả hai chiều: Về phía người dân là khả năng thu nhập thấp khiến không thể đầu tư lâu dài cho việc học của con cái, việc đầu tư phát triển cho giáo dục -đào tạo vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Đây có thể không phải hoàn toàn thuộc về khả năng yếu kém của ngân sách, mà còn do ở khâu sử dụng ngân sách, trường học vừa xây xong đã hỏng, như báo chí từng phản ảnh không ít đó đây về một số trường học ở Bạc Liêu, Cà Mau, và những nơi khác... Việc đi học của con em vẫn còn là một gánh nặng tài chánh đối với phụ huynh do các khoản phí đóng góp, là một trở ngại đáng kể gây nên tình trạng bỏ học với tỷ lệ cao. Về lực lượng giáo viên, thu nhập thực tế của giáo viên vùng ĐBSCL hiện nay vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, cũng là một trở ngại đáng kể ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
ĐBSCL là vùng phát triển mạnh về cây lúa và thủy sản, nhưng lại có nghịch lý là không đào tạo được chuyên viên kỹ thuật cao tại chỗ cho các ngành hữu quan, vì không nhiều sinh viên chịu ghi tên vào học những ngành này, thậm chí có năm trường Đại Học Cần Thơ không tuyển được một sinh viên nào cho ngành thủy sản. Nghịch lý đó là một minh chứng hùng hồn cho sự bất cập về cơ cấu - kế hoạch đào tạo, đồng thời cũng phản ánh rõ nét những hạn chế về chất lượng đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ sau khi đã tốt nghiệp ra trường, từ đó không gây được sự thu hút cần thiết. Ở một xứ nông nghiệp mà có rất ít người chịu học ngành nông nghiệp, điều này cung cấp cho ta thông tin sinh động về những bất hợp lý rất căn bản và lớn trong khâu đào tạo nhân lực, buộc các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại vấn đề một cách toàn diện.
Để khắc phục những yếu kém nêu trên, các chính quyền địa phương cần giảm mạnh chi tiêu cho những dự án chưa thật sự cần thiết trước mắt để tập trung ngân sách cho phát triển giáo dục, đặc biệt cho các cấp I, II và III, bằng cách sử dụng các quỹ có sẵn (trong đó tiền thu từ vé số kiến thiết phải được coi là một nguồn đáng kể thường xuyên) vào việc trợ giá cho các giáo viên ở vùng sâu vùng xa như có nhiều nơi đã làm nhưng chưa thực hiện được đều đặn; vào việc xây cất, sửa chữa phòng học cho các vùng nông thôn, tiến tới việc thực hiện nền giáo dục tiểu học miễn phí hoàn toàn cho tất cả các khu vực nông thôn trong mỗi tỉnh. Đặc biệt, phải tinh giản thủ tục nhập học dành cho bậc tiểu học tới mức tối đa (chỉ còn mức thủ tục bằng số không), để bất kỳ con em nào trong độ tuổi bắt đầu đi học cũng có thể vào trường học được. Trong một xã, nếu có một trẻ em đến tuổi đi học mà không vào trường, hoặc học được vài năm bỏ dở thì chủ tịch ủy ban nhân dân xã và hiệu trưởng trường tiểu học sở tại phải cùng chịu trách nhiệm.
Ở cấp đại học, chính phủ cần đầu tư ngân sách để tài trợ thêm cho các trường đại học thường xuyên có sẵn tại mỗi tỉnh, đặc biệt là đối với một số trường mang tính chất vùng như Đại Học Cần Thơ, Đại Học An Giang thì cần phải tập trung tài lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy, tăng thêm số ngành học, số lượng giáo viên và năng lực giảng dạy của số giáo viên thực thụ tại chỗ sao cho tất cả đều ngang bằng với chất lượng đào tạo so với các trường ở Tp.HCM hoặc thủ đô Hà Nội, để thu hút số sinh viên trong các tỉnh lân cận vào học. Tăng thêm số lượng và giá trị học bổng cho những ngành cần khuyến khích như nông nghiệp và thủy sản. Nên khuyến khích kiều bào có vốn ở nước ngoài, đặc biệt là giới trí thức đại học, đầu tư mạnh dạn vào các đại học địa phương dưới sự ủng hộ về đất đai, địa điểm của nhà nước, để vừa có thêm tiềm lực xây dựng cơ bản vừa nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời phát triển thêm được những ngành mới phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế của đất nước.
Thực hiện được các giải pháp nêu trên ít nhất sẽ đạt được hai tác dụng lớn có tính chiến lược, đó là vừa giảm tải cho một số đại học công lập tại Tp.HCM, thu hút bớt số giáo viên về phục vụ tại các đại học địa phương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng tiếp cận với giáo dục đại học một cách dễ dàng hơn nhờ rút bớt được số chi phí đáng kể đáng ngại khi không còn bắt buộc phải đi học xa.
II. VỀ PHÁT TRIỂN Y TẾ Ở ĐBSCL
Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để đầu tư thêm ngân sách và một cách có hiệu quả, không để thất thoát, cho tất cả các công trình bệnh viện hoặc cơ cở y tế, tuyến điều trị đã có sẵn tại ĐBSCL. Đặc biệt, nâng cấp bệnh viện Cần Thơ thành một bệnh viện đa khoa khu vực có đủ tất cả các thiết bị y tế hiện đại, tăng cường số y, bác sĩ giỏi, số phòng, giường bệnh; phát triển chuyên sâu một số khoa hiện có như cấp cứu, ngoại khoa,... để chữa trị kịp thời và hiệu quả hơn cho người bệnh quanh vùng mà không cần phải chuyển bệnh lên các tuyến trên, vừa chậm trễ vừa tốn kém. Đầu tư thêm phát triển khoa ung bướu đủ mạnh để giảm tải cho bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Ung Bướu tại Tp.HCM. Tập trung tăng cường cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo cho các trường y dược cả ba bậc đại học, cao đẳng và trung cấp ở các địa phương, đặc biệt đối với thành phố Cần Thơ, để cung cấp cán bộ cho số bệnh viện hoặc cơ sở điều trị khác đang được phát triển.
III. VẤN ĐỀ NGƯỜI DÂN TỘC Ở ĐBSCL
Ở ĐBSCL, có ba vùng dân cư tập trung đồng bào dân tộc Khmer: Sóc Trăng - Bạc Liêu; An Giang - Kiên Giang; và Trà Vinh.
Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số năm 2011, dân số vùng ĐBSCL là 17.325.167 người, trong đó có khoảng 1.100.000 người Khmer sống ở mười tỉnh thành Nam Bộ, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau (tổng cộng chiếm 6,5% dân số ĐBSCL).
Nhìn chung, nếu đời sống kinh tế và mức hưởng thụ về văn hóa, giáo dục, y tế của đồng bào người Kinh ĐBSCL đã thấp thì mức độ này đối với đồng bào người Khmer trên thực tế lại càng thấp hơn. Đồng bào Khmer sống chủ yếu bằng nghề ruộng rẫy và phân bố hầu hết tại các vùng nông thôn còn khá lạc hậu, nên số học sinh đạt được bậc tiểu học, trung học cơ sở còn rất thấp; số thạc sĩ, tiến sĩ tính trên toàn vùng (cũng có nghĩa là trên cả nước) thì hầu như có thể nói chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo số liệu thống kê năm 1999 thì trong số người Khmer (từ 5 tuổi trở lên) có trình độ học vấn bậc tiểu học chiếm 53,03%, trung học cơ sở 11,86%, trung học phổ thông 4,99%; tỷ lệ phụ nữ Khmer chưa đến trường chiếm tỷ lệ rất cao và có thể xem như phần lớn số phụ nữ này còn mù chữ.
Với tỷ lệ học vấn phổ thông cơ sở chỉ đạt 11,86% như nói trên thì việc số người trẻ Khmer chuẩn bị tham gia vào lực lượng lao động tất nhiên khó đạt được chất lượng ngang bằng với trình độ xã hội nói chung. Việc học chính quy trong nhà trường phổ thông hoặc trong các trường đặc biệt gọi là “phổ thông dân tộc nội trú” do chính phủ thiết lập ở một số tỉnh có người Khmer cư trú tuy vẫn được thực hiện theo chương trình của Bộ GD-ĐT, mỗi tuần 3-4 tiết, nhưng chất lượng chưa cao.
Vì vậy, nên tăng cường các bộ phận phụ trách về giảng dạy ngôn ngữ Khmer tại các sở giáo dục, tổ chức thêm các lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer, tăng thêm số học bổng ưu đãi dành cho học sinh các cấp II, III, và cho các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Người Khmer Nam Bộ ngoài những sinh hoạt có tính chất tôn giáo, tín ngưỡng, còn có những sinh hoạt về văn học - nghệ thuật rất đa dạng và phong phú, nhất là văn học dân gian với nhiều truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ, nói lái, câu đố... Sở Văn Hóa ở các địa phương nên có kế hoạch tổ chức bảo tồn những tác phẩm đã được các nghệ nhân thời xưa viết trên lá cọ, lá thốt nốt hiện đang được lưu giữ ở các chùa; tiến hành dịch thuật và phổ biến rộng rãi các nội dung trên vừa để phục vụ công tác giáo dục vừa để bảo tồn những sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương.
IV. VẤN ĐỀ TÔN GIÁO Ở ĐBSCL
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của cộng đồng dân cư ĐBSCL là sự xuất hiện từ hơn nửa thế kỷ nay hai tôn giáo có tính cách địa phương là Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, nên không thể có sự xem xét đúng mức các vấn đề phát triển dân sinh mà lại không quan tâm đến sự có mặt của hai tôn giáo bản địa quan trọng này.
Đạo Cao Đài còn gọi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời từ năm 1926 là một tôn giáo có chủ trương tổng hợp các nền đạo lý theo phương châm kết tinh kim cổ, dung hòa đông tây; nhờ có tính cởi mở nên rất thích hợp để phát triển ở vùng đất mới Nam Bộ. Đây là một tôn giáo mới độc đáo của riêng người Việt Nam từ lâu đã được ghi nhận trong các từ điển bách khoa hoặc tôn giáo của thế giới, với số tín đồ khoảng 2,5 triệu người, chủ yếu dạy con người phát triển tình huynh đệ trong sự tương thân tương ái giữa người với người, làm việc từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó. Đạo Cao Đài có mạng lưới thánh thất, thánh tịnh rộng khắp ở tất cả các tỉnh thuộc ĐBSCL.
Đạo Hòa Hảo, còn gọi Phật Giáo Hòa Hảo, cũng là một tôn giáo bản địa do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập năm 1939 ở làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). “Hòa Hảo” nói lên tinh thần mọi người hòa thuận với nhau, chủ yếu dạy con người ăn hiền ở lành, làm việc thiện; đề cao thuyết Phật tức tâm, nêu phương thức hành đạo rất giản dị (cúng Phật bằng nước lạnh và hương hoa), bài trừ những điều mê tín dị đoan. Là một tôn giáo mới nhưng đã tập hợp được nhiều tín đồ nông dân ở miền Tây Nam Bộ, hiện nay số tín đồ đã lên tới trên 1,5 triệu người.
Các cuộc điều tra xã hội trước nay đều cho thấy, tại những khu vực của đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, đời sống đạo đức của nhân dân phát triển rất lành mạnh, chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh, góp phần tích cực vào việc duy trì đạo đức xã hội. Từ năm 1995, tiếp tục thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, chính phủ đã có thêm những bước điều chỉnh thích hợp, bằng việc thành lập Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo, nhờ vậy giáo lý Học Phật tu nhân thực hành Tứ Ân,[2] khuyên mọi người lo làm điều thiện của Đức Huỳnh Giáo Chủ càng có điều kiện để phổ biến rộng rãi. Cũng từ năm 1995, đã có chín Hội Thánh Cao Đài được công nhận tư cách pháp nhân, gây được lòng phấn khởi trong tín đồ.
Đối với hai tôn giáo bản địa ĐBSCL là Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, chính phủ cần phát huy hơn nữa những gì đã làm được, tạo điều kiện để cho tất cả tín đồ đều thực hiện tốt phương châm “đẹp đạo tốt đời”, như chính ý hướng và chủ trương căn bản của các vị giáo chủ. Ngoài ra, cần có những trợ giúp cụ thể thêm về cơ sơ vật chất, như chùa thất, chỗ nơi sinh hoạt, nhất là cho các phòng thuốc nam, các cơ sở chữa bệnh từ thiện mà hai tôn giáo này từ lâu đã làm khá tốt, đem lại lợi ích thiết thực đáng kể cho dân nghèo ĐBSCL.
V. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VỮNG MẠNH
Mọi ý đồ tốt đẹp của chính phủ về các chủ trương đường lối giải pháp phát triển ĐBSCL rốt cuộc sẽ chỉ là ảo vọng nếu không xây dựng được các chính quyền địa phương thật sự vững mạnh, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Trong cái nền chung của yêu cầu cải cách hành chánh toàn quốc, việc chỉnh đốn nền hành chánh ở các tỉnh ĐBSCL nhìn chung xuất hiện nhiều dấu hiệu lạc quan, chứng tỏ nỗ lực rất đáng khen ngợi của một số chính quyền địa phương.
Tại các vùng nông thôn, dân đã nghèo, nhưng lại vẫn phải gánh vác nhiều khoản đóng góp nghĩa vụ, là một điều hoàn toàn không hợp lý, mà tới đây chính phủ cần phải xét để loại bỏ, nhằm giảm bớt gánh nặng cho dân nghèo.
Do vậy cần thực hiện một nền hành chánh thông thoáng và hiệu quả, để không chỉ tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, mà còn để tạo sự thoải mái dễ chịu cho từng người dân một khi họ có dịp cần phải tiếp xúc với bộ máy công quyền. Đó cũng là điều kiện căn bản để thực hiện một bộ máy công quyền lành mạnh, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và giàu mạnh cho cả nước nói chung và cho ĐBSCL nói riêng.
TRẦN VĂN CHÁNH
Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, tháng 12-2014



[1] Các số liệu thống kê trong bài này đã cũ; bài đăng trên nguyệt san CGvDT tháng 12-2014 lại không ghi nguồn trích dẫn các số liệu. Do đó, các số thống kê trong bài này chỉ để minh họa vấn đề một cách rất tượng trưng mà thôi. [Văn Uyển]
[2] Tứ Ân gồm có: Ân tổ tiên, cha mẹ; ân đất nước; ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); ân đồng bào và nhân loại. [Văn Uyển chú]