Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / Kỷ niệm bảy năm ấn tống (2008-2015): CÓ LẼ LÀ CƠ MAY… / Lê Thị Trường An


Những tập sách xinh xắn trình bày về giáo lý và lịch sử Đại Đạo đến với chúng tôi lần đầu tiên vào những tháng cuối năm 2008. Có lẽ là một cơ may, vì thông tin về Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài [sau đổi là Đại Đạo] và địa chỉ thánh thất Bàu Sen với phương danh Chánh Hội Trưởng Đạt Linh (Nguyễn Văn Tài) ([1]) chúng tôi có được là do người thân ở hải ngoại chuyển về quê nhà Vĩnh Long, yêu cầu chúng tôi sớm liên lạc, bởi lẽ Kinh Cứu Khổ Trong Đạo Cao Đài ([2]) sắp xuất bản.
Thế là trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi nhận được qua bưu điện mười đầu kinh sách… Sau đó, nhà riêng chúng tôi (ở tổ 15 Tân Quới Hưng, xã Trường An, thành phố Vĩnh Long) trở thành một điểm phát hành sách của Chương Trình Ấn Tống, duy trì hoạt động liên tục cho tới hôm nay. Nhà chúng tôi như có thêm sinh khí mới.
Chị em chúng tôi nhiều lần lên thành phố, đến thánh thất Bàu Sen dự các buổi họp mặt giới thiệu kinh sách mới ấn tống, hay dự lễ Giáng Sinh (sáng 24 tháng 12 dương lịch). Bốn năm vừa qua các lần họp mặt ấn tống không còn tổ chức nữa,([3]) nhưng chúng tôi vẫn không sao quên được cái không khí thân tình, ấm cúng và thánh thiện của những ngày vui đó. Mỗi lần họp mặt lại thấy có thêm khá nhiều bạn đạo đến từ các Hội Thánh, thánh sở, địa phương khác nhau; thấy vậy, chúng tôi vui mừng nhớ lời Thầy dạy (1926): Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà…
Mới đó mà đã tròn bảy năm. Như con ong cần mẫn thu gom những tinh túy mật ngọt từ muôn hoa, như con kiến siêng năng thầm lặng tha từng chút mồi về tổ, tính ra Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã phát hành cả trăm đầu sách; chính xác là chín mươi đầu sách gồm nhiều thể loại (không kể những kỳ tái bản) và mười bốn tập Đại Đạo Văn Uyển.
Bảy năm qua, gần bảy trăm sáu mươi ngàn bản sách lần lượt được trân trọng chuyển đến nhiều tín hữu Cao Đài trong nước và ra cả hải ngoại, để rồi một số đầu sách của Chương Trình còn được tín hữu phương xa ấn tống tại Hoa Kỳ, hoặc phổ biến trên Internet. “Cánh tay” ấn tống vì vậy được nối dài, đúng như Đức Trưng Vương Thánh Nữ dạy:
Một tầm tay vói chẳng xa
Nhiều tay kết lại giăng ra đại đồng.
(Thánh thất Bình Hòa, 14-9-1970)
Bên cạnh những suôn sẻ đó, Chương Trình Ấn Tống không tránh khỏi một vài sự cố, mà đáng nói hơn cả là việc hai thành viên nòng cốt đã lần lượt ra đi: Cố hiền huynh Đạt Linh (tháng 01-2009), cố hiền huynh Đạt Truyền Hà Văn Phủ (tháng 11-2014). Nhân sự của Chương Trình Ấn Tống vốn chẳng nhiều, nay càng thêm mỏng! Mặc dầu vậy, kinh sách vẫn đều đặn xuất bản và chuyển đi các nơi.
Nhà chúng tôi làm điểm phát hành ở Vĩnh Long, thế nên có đầu sách nào vừa in ra thì chúng tôi liền được nhận rất sớm. Sách chuyển từ thành phố về Vĩnh Long luôn luôn được đóng gói cẩn thận, có bọc thêm lớp nylon để khỏi bị thấm ướt trong quá trình chuyên chở bằng phương tiện xe khách… Ban Ấn Tống gởi kinh sách cho nhà xe đồng thời gọi điện thoại báo tin ngay để chúng tôi biết mà chờ nhận.
Mỗi lần tháo gỡ các thùng giấy hay bao đựng kinh sách, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Những thùng, giấy gói, bao nylon, dây buộc, v.v… đều là các thứ tận dụng lại từ những gì đã qua sử dụng. Chúng tôi hiểu rằng đây là cách Chương Trình tiết kiệm tối đa chi phí, để có thể tích lũy được phần nhiều nhất dành cho nguồn vốn phục vụ trực tiếp công việc in ấn kinh sách. Chúng tôi nhớ lời Đức Chí Tôn dạy các Tiền Bối thuở Khai Đạo:
“Thầy biết một điều là trong hàng em út con đều là phần nghèo; [tiết kiệm được] một đồng nó đỡ một đồng, nghe con!” (Thánh giáo ngày 23-10 Bính Dần, 27-11-1926)
Cũng vậy, mỗi khi cầm trên tay từng quyển kinh sách Cao Đài mới tinh, thơm thơm mùi giấy mực, lòng chúng tôi không khỏi liên tưởng gần xa. Trải qua biết bao công trình, công sức và tim óc của những “đứa con nhỏ nhít của Thầy Mẹ” mới có được những trang sách đẹp và bổ ích, để cố gắng đáp ứng nhu cầu khao khát kinh sách của tín hữu Cao Đài. Trong hoàn cảnh các giảng đường và giáo sĩ Cao Đài hãy còn thiếu vắng, thì số kinh sách ấn tống lan tỏa đi các nơi phải chăng có thể ví như một phương tiện “hàm thụ” để vớt vát chỗ thiếu vắng đó?
Mỗi trang sách, mỗi tập sách chúng tôi nhận được cũng thể hiện rõ ràng những tấm lòng vàng của đông đảo các vị Mạnh Thường Quân cùng nhau góp nguồn kinh phí nuôi dưỡng việc ấn tống để phổ thông giáo lý Đại Đạo. Tất cả đã vuợt lên mọi ranh giới của óc địa phương hay phân chia chi phái. Chẳng ai bảo ai mà cứ bền bỉ thầm lặng ủng hộ Chương Trình. Mỗi ấn phẩm ra đời giống như một cánh hoa kính dâng lên Thầy Mẹ và các Đấng Tiền Khai, đồng thời trân trọng trao gởi hương sắc đến nhơn sanh.
Chúng tôi có lẽ hữu phước hơn các thế hệ trước về mặt kinh sách. Bên ngoại chúng tôi thuộc Cao Đài Tây Ninh, bên nội là Cao Đài Ban Chỉnh Đạo vì ba chúng tôi theo Ban Chỉnh. Trước đây, “gia tài” kinh sách chúng tôi chỉ vỏn vẹn có cuốn Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo do Tòa Thánh Tây Ninh xuất bản năm 1974. Đến năm 1996, nhà chúng tôi mới có thêm bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo từ nước ngoài chuyển về.([4]) Nhưng giờ đây chúng tôi có thể tha hồ, đọc thoải mái, thậm chí choáng ngợp, vì lượng kinh sách ấn tống ngày càng tăng, chuẩn mực về hình thức, phong phú về nội dung. Thú thật, chị em chúng tôi còn chưa kịp nghiền ngẫm thấu đáo cả trăm đầu sách đang sẵn có trong nhà, mặc dù chúng tôi đã nghỉ hưu, không còn phải bận bịu đứng lớp giảng bài, không còn phải bù đầu soạn giáo án, chấm bài cho học trò như trước.
Nhân tiện nhắc tới bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo, chúng tôi muốn chia sẻ chút kỷ niệm về má chúng tôi.
Má chúng tôi rất mộ Đạo, rất mê đọc kinh sách, nhưng khi có được bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo, bà đã trên tám mươi tuổi rồi! Bà nhờ chị em chúng tôi đọc bửu kinh nầy thâu vào băng cát-xét để bà nghe đi nghe lại cho tiện, mặc dù điều kiện và kỹ thuật ghi âm của chúng tôi rất kém.
Chúng tôi có phần nghi ngờ bộ nhớ và ý chí của bà. Thế nhưng không ngờ, khoảng vài tuần sau khi chúng tôi thâu âm xong cát-xét đầu tiên, một hôm bà từ trên lầu đi xuống, nhìn chúng tôi mà cười cười, rồi đọc:
Đã vào thọ pháp đại thừa
Thì nên hạnh đức cho vừa chúng sanh.
Kể từ đó, má chúng tôi thường nghe băng và hầu như thuộc lòng bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo. Má chúng tôi trở thành “bà già dễ thương” trước mắt mọi người trong xóm, vì bà luôn lạc quan, cởi mở, thoải mái, và minh mẫn cho tới lúc vĩnh viễn ra đi (đầu tháng 4-2013).
Tháng 4 năm rồi (Giáp Ngọ, 2014), hiền huynh Thuận Quang Tinh (Lâm Đăng Tòng), làm điểm phát hành kinh sách ở Mỹ Tho, tặng cho chúng tôi một số dĩa CD do các đạo hữu phát tâm tự thâu âm một số bài giảng (thuyết minh giáo lý), hay đọc lại từ một vài tập sách đã ấn tống... Chúng tôi liền tận dụng thời gian, trong lúc vừa làm việc nhà vừa mở máy để nghe dĩa CD. Rất lý thú và tiện lợi!
Nhớ tới má chúng tôi lúc lớn tuổi rất thèm nghe băng cát-xét Đại Thừa Chơn Giáo, rồi nghĩ tới đông đảo bà con đạo hữu bình dân thường ngán đọc sách in chi chít chữ, chúng tôi nghĩ: Hiện nay văn hóa đọc đang sút giảm mạnh, nếu Chương Trình Chung Tay Ấn Tống có thêm nhân sự để làm thêm các dĩa CD giáo lý nữa, thì chắc chắn nhơn sanh sẽ được hưởng thêm nhiều phước phần giữa thời tận độ Kỳ Ba. (Nhưng mong muốn như vậy có phải là chúng tôi “được voi đòi tiên” chăng?)
Nhân dịp kỷ niệm bảy năm ấn tống, chúng tôi xin bày tỏ tình cảm chân thành và kính chúc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo càng ngày càng thêm vững vàng, sẽ phát triển dài lâu và rộng khắp.
Tân Quới Hưng (Vĩnh Long)
LÊ THỊ TRƯỜNG AN
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo




Các chú thích trong bài do Văn Uyển thêm vào:
([1]) Về hiền huynh Đạt Linh (1953-2009), xin đọc: Nhớ Đạt Linh. Quyển 11-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Quyển 12-3 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
([3]) Ngày Thứ Bảy, 04-6-2011, Chương Trình tổ chức lần họp mặt thứ mười sáu, cũng là lần chót. Sau ba năm hoằng pháp (2008-2011), nhận thấy cộng đồng Cao Đài đã khá “quen biết” Chương Trình nên Ban Ấn Tống không tổ chức họp mặt nữa.
([4]) Năm 2011 Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã hoàn thành mười ngàn bản Đại Thừa Chơn Giáo, quyển 36-1.