Gió muốn thổi đâu thì thổi.
(Gioan 3:8)
* Hiền hữu Phạm Văn Bang (đường Cây Điệp, phường Đa Kao, quận
1, TpHCM). Thư ngày 22-8-2014:
Tôi thấy Văn Uyển tập Hanh, quý Hai
2012, ở tr. 6, chú thích (7) giải thích: Thâm canh 深更: Canh khuya. (Một đêm chia làm năm
canh, canh ba là giờ Tý.)
Xin vui lòng cho hỏi, tại sao canh ba là giờ Tý?
Huệ Khải: Kính thưa hiền hữu, ca dao có câu: Nửa đêm, giờ Tý, canh ba / Vợ tôi, con gái,
đàn bà, nữ nhi. Đó là nói giễu cho vui, bởi vì: (a) Nửa đêm = giờ Tý = canh
ba; và (b) Vợ = con gái = đàn bà = nữ nhi (female).
Ngày xưa chia một đêm ra năm canh như sau:
Canh 1: Từ 19 giờ đến 20.59 giờ, tức là giờ Tuất.
Canh 2: Từ 21 giờ đến 22.59 giờ, tức là giờ Hợi.
Canh 3: Từ 23 giờ đến 24.59 giờ, tức là giờ Tý.
Canh 4: Từ 01 giờ đến 02.59 giờ, tức là giờ Sửu.
Canh 5: Từ 03 giờ đến 04.59 giờ, tức là giờ Dần.
*
* Thầy giáo Trần Văn Hữu (Tân Quới Hưng, Trường An, Tp Vĩnh
Long). Thư ngày 31-8-2014:
Đại Đạo Văn Uyển, tập Hanh,
quý Hai 2012, ở mục Gió Bốn Phương,
tr. 198, giải thích: Đản (động từ)
là sinh ra, như đản sinh (sanh) 誕生 sinh ra (to be born).
Tôi không rõ ông Huệ Khải muốn dùng thể chủ động (active voice) hay thể thụ động (passive voice) cho phần giải thích trên.
Vì nếu ông viết sinh ra thì phải chú
tiếng Anh là to give birth. Còn nếu
ông chú tiếng Anh là to be born thì
tiếng Việt phải viết là được sinh ra.
Tôi còn phát hiện ở tập Văn Uyển này, trang 206, dòng 6 từ
dưới đếm lên, viết về thánh tịnh Ngọc Kim Thánh Điện, đã in sai ngày 01-3-1012. Lẽ ra là 01-3-2012 mới đúng.
Huệ Khải: Kính thưa Trần tiên sinh, trước hết xin nhận
lỗi đã in sai năm 2012. Xin cảm ơn
tiên sinh sửa lỗi giúp.
Một đặc điểm của tiếng Việt là khi dùng thể bị động (passive voice) thường hiểu ngầm chữ được. Thí dụ: Ông ấy sinh ra ở nông thôn.
Nguyễn Du sinh năm 1765.
Vậy thì đản sinh (đản
sanh) tức là [được] sinh ra, có thể bỏ chữ được.
Chữ Hán 誕生 [đản
sinh] dịch ra tiếng Anh là to be born.
Có thể tham khảo cách dịch này trên Internet, tại đây:
http://en.bab.la/dictionary/chinese-english/%E8%AF%9E%E7%94%9F
Kính chúc Trần tiên sinh an hảo và luôn mong ước sẽ nhận thêm
góp ý của độc giả đọc sách rất kỹ như tiên sinh.
*
* Hiền tỷ Nguyễn Thị Cảnh (Giồng Trôm, Bến Tre). Thư
ngày 02-9-2014: Tôi thường tụng Bài Niệm Hương này:
Hoàng Thiên chứng chiếu tâm thành,
Mùi hương lư ngọc khinh
thanh chín từng.
Khói thơm bay khắp tưng
bừng,
Lòng thành đệ tử lễ mừng
Thiên nhan.
Nguyện cầu Tiên Thánh hội
bàn,
Thừa luôn giá hạc giáng đàn chứng tri.
Cúi xin chư Phật từ bi,
Rõ lòng đệ tử (Tý, Mẹo,
Ngọ, Dậu) thì niệm hương.
Tôi không hiểu thừa
luôn là gì! Có người bảo tôi là “thừa long”; thừa long (cỡi rồng) thì phù hợp ý nghĩa với phía sau là giá hạc (cỡi hạc). Vả lại, khi cúng Thầy,
chúng ta đọc câu: Thời thừa lục long du hành bất tức. Xin Ban Ấn Tống giải thích giùm cho tôi
rõ nghĩa chỗ này.
Huệ Khải: Thưa hiền tỷ, kinh sách đạo Cao Đài xưa nay vốn hay in sai
chánh tả, làm cho câu kinh vô nghĩa. Giá như ai cũng chú ý tìm hiểu như hiền tỷ
và không tùy tiện lan truyền văn bản sai chánh tả thì hay biết bao nhiêu.
Câu kinh đó phải viết đúng là: Thừa lương giá hạc ...
Giá hạc 駕鶴 là cỡi chim hạc (to ride a crane).
Thừa lương 乘涼 là hóng mát (to
enjoy the cool; to relax in a cool place).
Vậy, thừa lương giá hạc
giáng đàn chứng tri nghĩa là cầu xin
chư Tiên Phật trong lúc cỡi hạc hóng mát, hãy giáng lâm nơi đàn 壇 (bàn thờ: altar) để chứng giám (chứng tri, chứng
minh) cho lòng thành của môn sanh đang cúng kính.
*
* Hiền tỷ NGUYỄN TUYẾT HẠNH (không rõ địa chỉ).
Ban Ấn Tống: Thưa hiền tỷ, từ ngày 10-01-2014, đều đặn
cách ba tháng sau đó, cứ đúng ngày 10 các tháng 4, 7 và 10 hiền tỷ lại chuyển
500.000 đồng công quả ấn tống qua ngân hàng ACB. Đến nay là bốn
lượt (đã ghi phương danh vào các đợt 83, 85, 88, và 92), tổng cộng 2.000.000
đồng. Rất mong hiền tỷ hoan hỷ cho chúng tôi biết số điện thoại để tiện liên
lạc. Hiền tỷ vui lòng gởi e-mail qua địa chỉ daidaovanuyen@gmail.com; hoặc nhắn
tin qua điện thoại số 0909490918. Chúng tôi chân
thành cảm ơn hiền tỷ.
*
* Hiền huynh ẨN DANH )097855540x, gọi lúc 20.55 ngày 11-10-2014.
Ban Ấn Tống: Thưa hiền huynh, rất cảm ơn hiền huynh góp ý
về bài Tiễn Biệt Minh Tâm trên Văn Uyển
tập Hanh (số 10). Chúng tôi đã đính chính trên Văn Uyển số 12 này.
Hiền huynh hỏi hai câu:
(a) Tại sao quyển Gia Đình Trong Tân
Luật Cao Đài chỉ trích dẫn Kinh Hôn Phối của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh mà
không trích dẫn thêm kinh của các Hội Thánh khác?
(b) Tại sao không nêu ra trường hợp lễ hôn phối đầu tiên do Đức Chí Tôn ban
ơn cho hai vị tiền bối khai Đạo là Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) và Lâm Ngọc
Thanh (Hương Thanh) ngày 13-7-1926 tại Tân Định, với bài tứ tuyệt: Thiên ân thử nhựt tứ thành hôn / Mãn thế bất
ly thể dữ hồn / Đạo đức nhứt tâm tu đảo cáo / Chủ trung thị Ngã chí Thiên tôn.
Chúng tôi xin lần lượt kính trả lời hiền huynh như sau:
(a) Chúng tôi KHÔNG BAO GIỜ phân biệt Hội Thánh này với Hội Thánh kia. Khi
trích dẫn Kinh Hôn Phối của Hội Thánh Tây Ninh mà thấy tạm đủ ý để minh chứng (hay
minh họa) cho lý lẽ trình bày trong bài viết thì thôi, không dám trích dẫn thêm
nhiều bài kinh hôn phối khác, để khỏi làm loãng chủ đề Gia Đình Trong Tân Luật Cao Đài.
Trái lại, khi nào viết hẳn một bài khảo cứu riêng về lễ hôn phối trong các
Hội Thánh Cao Đài thì chúng tôi ắt sẽ phải cố gắng trích dẫn thật đầy đủ các
bài kinh hôn phối của nhiều nơi cho nội dung được phong phú.
(b) Cũng vậy, khi nào khảo cứu riêng về lễ hôn phối trong đạo Cao Đài từ
xưa đến nay, ở các Hội Thánh khác nhau, thì chúng tôi chắc chắn sẽ phải kể lại
trường hợp độc nhất vô nhị của hai tiền bối Nguyễn và Lâm như nói trên.
Khi chủ nhà dọn bàn đãi tiệc, thực đơn đã ra những món nào thì chỉ nên mời thực
khách đúng những món đó. Không thể vì trong nhà hãy sẵn còn có nhiều món khác
mà cứ hào phóng bưng hết cả ra và bày tất cả lên bàn.
Viết lách cũng vậy. Chủ điểm của bài viết (hay cuốn sách) như thế nào thì
người viết phải cố giới hạn mình trong chủ điểm ấy, để khỏi dông dài mà lạc đề,
hoặc làm loãng trọng tâm, trọng điểm của bài viết (hay cuốn sách).
Quyển Gia Đình Trong Tân Luật Cao Đài
vừa mới phát hành trong nhà Đạo chưa đầy nửa tháng và hiền huynh là người đầu
tiên, chân tình góp ý kiến sớm nhất, khiến cho chúng tôi rất vui và biết ơn hiền
huynh.
Kính chúc hiền huynh thân tâm thường lạc, và mong ước sẽ còn được hiền
huynh thường xuyên góp ý thêm cho kinh sách ấn tống của anh chị em áo trắng
chúng ta. Trân trọng.
*
* Một hiền huynh hạnh sinh Hạnh Đường Hưng Đức khóa II (2008-2014),
HT Truyền Giáo Cao Đài. Thư 06-9-2014.
Kinh Tận Độ của HT Truyền Giáo Cao Đài (tr. 221, 1995)
có bài chú dùng trong cúng chẩn tế như sau:
CHÚ TRIỆU THỈNH
Kiết tường hội khải, cam lồ môn khai
Cô hồn Phật tử giáng lâm lai
Văn pháp phó hương trai
Vĩnh thoát luân hồi, u ám nhứt thời khai.
Kính nhờ Văn Uyển giải thích giúp ý nghĩa bài chú này.
Lê
Anh Minh: Thưa hiền huynh, bài này
nguồn gốc bên đạo Phật, có trong quyển Du
Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ 瑜伽燄口註集纂要儀軌:
吉祥會啟
甘露門開
孤魂佛子降臨來
聞法赴香齋
永脫輪回
幽暗一時開
Cát tường
hội khải
Cam lộ
môn khai
Cô hồn
Phật tử giáng lâm lai
Văn pháp
phó hương trai
Vĩnh
thoát luân hồi
U ám nhất
thời khai.
Có nghĩa
là:
Hội cát
tường [tốt lành] khai mở
Cửa cam
lộ mở ra
Cô hồn
Phật tử giáng xuống đây
Nghe giảng
pháp và dự cỗ chay
Mãi mãi
thoát luân hồi
[Ngục
Thiết Vi] u ám mở ra.
Cam lộ hiểu
theo nghĩa bóng là chánh pháp nhiệm mầu cứu rỗi chúng sinh.
Câu chót
tạm hiểu như vậy, vì bài kệ chuông có câu: Thiết Vi u ám
tất giai văn 鐵圍幽闇必皆聞: [Các linh hồn bị giam trong] ngục sắt (Thiết Vi) tối tăm ắt
đều nghe thấy (tiếng chuông).
Nói thêm
về nhan đề Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản
Yếu Nghi Quỹ 瑜伽燄口註集纂要儀軌:
Toản yếu 纂要: Tóm tắt, đề cương (outline).
Trung Anh Phật Học Từ Điển (A Dictionary of Chinese
Buddhist Terms) của William Edward
Soothill và Lewis Hodous giảng:
Nghi quỹ 儀軌: Nghi thức 儀式 (mode, style, manner).
Diệm khẩu 燄口: Ulkā-mukha.
Flaming mouth, a hungry ghost or preta, that is represented as appearing to
Ānanda in the 救拔燄口餓鬼陀羅尼經 [Cứu Bạt Diệm Khẩu
Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh].
Ta hiểu
như sau: Diệm khẩu là quỷ đói, bụng
to như núi, cổ teo tóp nhỏ xíu, miệng phun lửa. Một hôm A Nan đang ngồi tĩnh tọa
thì diệm khẩu hiện ra, nói rằng ba ngày nữa A Nan sẽ chết. A Nan báo cho Đức Phật
biết; nhân đó Phật Tổ thuyết Cứu Bạt Diệm
Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh (gọi tắt là Diệm Khẩu Kinh), đại ý dạy cách thí
thực (bố thí thực phẩm) cho âm nhân, cô hồn...
Vậy, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ
nghĩa là nghi thức tóm tắt của kinh có chú thích Du Già Diệm Khẩu. (Kinh nào có
từ Du Già là thuộc Phật Giáo Mật Tông.)
*
* Hiền hữu TRẦN VĂN TUẤN (Đơn Dương, Lâm Đồng). Câu hỏi qua e-mail ngày 03-11-2014.
Trong
PHÁP CHÁNH TRUYỀN, phần II, về QUYỀN HÀNH CHƯỞNG PHÁP, có câu này: “Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước
lúc phổ thông, như thảng có kinh luật làm cho hại phong hóa thì
chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản.”
Chữ THẢNG
này còn gặp ở phần III, về QUYỀN HÀNH ĐẦU SƯ, có câu này: “Như thảng luật lệ nào nghịch
với sự sinh hoạt của nhơn sanh, thì chúng nó đặng cầu xin hủy bỏ.” Xin Văn
Uyển vui lòng cho biết THẢNG nghĩa là gì? Tôi lại thấy vài sách in là THOẢNG,
có đúng không?
Huệ Khải: Thưa hiền hữu, chữ THOẢNG dùng trong hai trường
hợp dẫn trên là sai hoàn toàn. Viết đúng phải là THẢNG 倘 và có nghĩa là nếu, giá như. Tương tự, cũng nói THẢNG HOẶC 倘或 = THẢNG NHƯỢC 倘若 (hoặc giả, ví như,
nếu mà). Tóm lại, trong Pháp
Chánh Truyền viết NHƯ THẢNG có nghĩa là nếu
như, giả dụ như, ví như... (dịch sang tiếng Anh là IF).
*
* Hiền huynh NGUYỄN VĂN ĐẠO (phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Hỏi qua điện thoại ngày
05-11-2014.
Một số độc
giả của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống ở họ đạo Long Khánh (Hội Thánh Cao Đài Tây
Ninh) đọc thánh giáo, thấy Ơn Trên về đàn thường hay gọi các vị hầu đàn là CHƯ NHU. Quý vị ấy nhờ tôi thay mặt để hỏi
Ban Ấn Tống xem ý nghĩa CHƯ NHU là
gì.
Huệ Khải: Thưa hiền huynh, NHU tức là Nho 儒, đạo
Nho. Để khuyên trẻ con siêng học, ca dao xưa có câu: Rừng Nhu biển Thánh khôn dò / Nhỏ mà không học, lớn dò sao ra. Do
đó chữ Nho (chữ Hán) cũng gọi là chữ Nhu.
Cô gái miền Nam khi xưa khuyên chàng trai trót thương yêu cô hãy tạm gát lại
chuyện ái tình mà chăm lo đèn sách; khi nào thi đậu thì mới tính chuyện trăm
năm. Cô khuyên như vầy: Anh về học lại chữ
Nhu / Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.
Nhu / Nho còn
dùng để gọi người có học đạo Nho, nói đủ là Nho sĩ, Nho sinh (sanh)...
Chư 諸 là những, các... (Chư
Phật: các vị Phật; chư Nhu: các vị
học trò đạo Nho...)
Ngày xưa
Nho sĩ, Nho sinh học đạo Nho rồi đi thi; thi đậu thì làm quan. Ngày nay môn đệ
Cao Đài cũng là học trò đạo Nho, ráng thực thi chủ trương Nho tông chuyển thế của
Tam Kỳ Phổ Độ. Cho nên đạo hữu Cao Đài cũng là chư Nhu, cũng đang học hành để đi
thi. Ai thi đậu trong kỳ xét tuyển Long Hoa Hội do Đức Phật Vương Di Lạc làm
chánh chủ khảo thì sẽ trở về cõi thiêng liêng hằng sống, thọ ân Đức Chí Tôn ban
bố.
Vậy, Ơn
Trên giáng đàn, gọi chúng ta là chư Nhu để nhắc chúng ta nhớ mình đang học đạo,
đang thi cử trong kỳ hạ nguơn mạt kiếp. Ơn Trên đã và đang ra đề thi cho chúng
ta từng giây từng phút, từng ngày từng tháng từng năm. Xin đọc thêm bài Đề Thi Chỉ Có Tâm Và Cảnh của Diệu
Nguyên trong quyển Thiên Đàng Địa Ngục
Hai Bên (quyển 81-1, in năm 2014).
*
* Hiền hữu THIÊN ÂN (Nxb Tam
Giáo Đồng Nguyên, California, Hoa Kỳ). E-mail ngày 06-11-2014.
Tiểu đệ
cảm ơn Ban Ấn Tống đã gởi tặng toàn bộ text, 16 phụ bản màu, và bìa của Mấy Nhánh Rồi Sau Cũng Một Nhà. Rất mừng
là Chương Trình Chung Tay Ấn Tống in sách xong sớm, để kịp phát hành nhân dịp kỷ
niệm Khai Minh Đại Đạo (rằm tháng 10).
Nhìn
hình tiền bối Liên Hoa (phụ bản 13) khiến đệ nhớ lại những ngày ở Tam Tông Miếu,
tiền bối nhanh nhẹn khỏe mạnh, châm cứu rất hay, lo cho phòng thuốc từ thiện ở
bên hông chùa. Có lần tiểu đệ bị bệnh (lâu quá nên quên mất là bệnh gì), được
tiền bối châm cứu cho, sau đó khỏe hẳn.
Huệ Khải: Thưa hiền hữu, trước đây tôi có một hai lần hân hạnh được
gặp và trò chuyện chút ít với tiền bối Liên Hoa (Đàm Thi) tại Tam Tông Miếu. Cụ
rất hiền, và khi tôi ngỏ ý muốn mượn cụ bức tranh màu Đức Quan Thánh (in trên
quyển lịch của Đài Loan), thì cụ vui vẻ tặng luôn.
*
* Hiền tỷ HÀ PHƯƠNG (giáo viên, tín đồ Hội Thánh Bạch Y). Thư Kiên Giang ngày 17-11-2014.
Trong
bài phú Giác Mê Khải Ngộ của Đức Lý
Thái Bạch có hai câu này:
Dùng trí huệ thắng gươm đao lòng vật chất
Bịnh phong trần, gặp thuốc tiên, chịu khổ truân đắng cay
mới ĐÃ TẬT.
Có người
bảo phải viết là DÃ TẬT, vì dã
là giải, làm cho hết; như dã rượu (làm cho hết say), dã độc (làm cho hết chất độc). Nhưng có
người bảo phải viết là ĐẢ (dấu hỏi), vì đả là đánh; như đả thương là đánh cho bị thương tích, đả hổ là đánh cọp. Vậy thì đả tật
nghĩa là đánh cho chừa bỏ không còn thói hư tật xấu nữa. Kính nhờ Văn Uyển vui
lòng cho biết viết thế nào mới đúng.
Huệ Khải: Thưa hiền tỷ, hai chữ DÃ TẬT và ĐẢ TẬT đều không đúng. Viết
cho đúng là ĐÃ TẬT.
TẬT 疾 có nghĩa
là BỆNH 病, do đó ta
còn nói ghép là bệnh tật.
ÁC TẬT 惡疾 là bệnh khó trị, bệnh hiểm nghèo (nasty disease, fatal illness). CỐ TẬT 固疾 là bệnh
lâu ngày không khỏi (prolonged illness).
ĐÃ (dấu
ngã, và không phải từ Hán-Việt) có nghĩa là khỏi, dứt, hết. Thí dụ: Đã thèm (hết còn thèm), đã khát (hết khát nước), đã nư (hết còn giận).
Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (quyển I, Sài Gòn,
1895) của Paulus Huình Tịnh Của (1834-1907), ở mục từ ĐÃ, có dẫn thành ngữ Đau chóng đã chầy, và giải thích là “Tiếng khuyên người bệnh chẳng khá sờn
lòng.” Ta hiểu rằng thành ngữ này có nghĩa: Đau ốm không sớm thì muộn
(không chóng thì chầy) cũng sẽ khỏi, sẽ hết bệnh.
Tóm lại, ĐÃ TẬT được ghép bằng một
từ Việt (đã) với một từ Hán-Việt (tật), và có nghĩa là khỏi bệnh, hết bệnh. Theo nghĩa này, tục ngữ Việt Nam có câu: Thuốc đắng ĐÃ TẬT.
*
* Hiền huynh NGUYỄN TRUNG ĐỨC (Hòa Thành, Tây Ninh). Thư ngày 30-11-2014.
Trong Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển, quyển I, đàn cơ ngày Samedi 05-6-1926 được lập tại Hội Phước Tự, và Hội Thánh Tây Ninh
ghi chú là chùa ở Cần Giuộc. Nhưng
trong một quyển sách do CQPTGLĐĐ xuất bản vài năm gần đây lại cho biết chùa này
ở Cần Đước. Xin vui lòng cho biết rõ
hơn về Hội Phước Tự. Trong thánh giáo ấy, Đức Chí Tôn dạy: “Ngã phái Ngọc Ðầu Sư chỉ giáo, thọ bửu pháp.” Rồi Thầy lại dạy: “Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp.” Vậy thọ bửu pháp có khác nghĩa tu thọ pháp không?
Huệ Khải: Thưa hiền huynh, đàn cơ ấy lập tại Hội Phước Tự ngày Thứ Bảy 05-6-1926. Vào năm 1926 thì chùa thuộc xã Long Trạch, quận Cần
Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Tiền bối Nguyễn Ngọc Tương (bấy giờ đang làm chủ quận Cần
Giuộc) nhập môn Cao Đài tại chùa này. Bản in của Hội Thánh ghi chú rằng chùa ở
Cần Giuộc là đúng rồi.
Năm 1928, Pháp lập quận Cần Đước thuộc tỉnh Tân An. Do phân chia lại địa giới
nên chùa thuộc quận Cần Đước. Hiện nay xã Long Trạch thuộc
huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thế nên các sách nói rằng chùa ở Cần Đước là đúng theo địa giới hành chánh kể
từ năm 1928 cho đến nay.
Năm 1926, trụ trì Hội Phước Tự
là tiền bối Yết Ma Nguyễn Văn Luật (1869-1948), người
làng Phước Hậu, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Ban sơ tiền bối tu học tại chùa Long
Huê (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định), pháp danh là Thích Chơn Truyền, thuộc tông
Lâm Tế. Quá trình quy hiệp Cao Đài của tiền bối như sau:
Thứ Năm 17-12-1925 (02-11 Ất
Sửu), tiền bối Yết Ma Luật đến hầu đàn tại nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư ở số 134
đường Bourdais (nay là Calmette, quận 1, TpHCM).
Chủ Nhật 29-8-1926 (22-7 Bính Dần), một đàn cơ lập tại Hội Phước Tự, có
mặt các tiền bối Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Thơ, v.v… Đức Chí Tôn
thâu nhận tiền bối Yết Ma Luật làm đồ đệ, ban phong phẩm Giáo Sư phái Thái. Từ
đó, Hội Phước Tự trở thành thánh thất.
Tuân hành thánh lịnh Đức Chí Tôn ngày Thứ Tư 13-10-1926 (07-9 Bính Dần)
dạy về việc phổ độ Lục Tỉnh (đất Nam Kỳ), các vị tiền khai Đại Đạo tổ chức thành
ba nhóm. Giáo Sư Thái Luật Thanh thuộc nhóm thứ nhì, phụ trách năm tỉnh Bến
Tre, Chợ Lớn, Gò Công, Mỹ Tho, và Tân An. Nhóm hai này còn có các tiền bối Lê
Văn Hóa, Lê Văn Lịch, Nguyễn Dư Hoài, Nguyễn Ngọc Tương, Nguyễn Trung Hậu (phò
loan), Nguyễn Văn Ca, Trần Quang Mính, Trương Hữu Đức (phò loan), và Võ Văn Lý…
Thứ Ba 27-4-1948 (19-3 Mậu
Tý), Giáo Sư Thái Luật Thanh quy thiên, được an táng cạnh Hội Phước Tự. Con út
của tiền bối là Nguyễn Văn Ta (1910-1950) và người cháu nối tiếp trông coi
thánh thất. Về sau Hội Phước Tự trở lại thành chùa Phật như thuở đầu.
Khi Thầy dạy thọ bửu pháp 授寶法,
thì thọ (thụ) 授 nghĩa là
truyền dạy (to teach, to instruct).
Thí dụ: thụ khóa 授課 (dạy học); truyền
thụ 傳授 (đem tri thức, tài nghệ truyền dạy cho người
khác). Nhưng khi Thầy dạy tu thọ pháp 修受法, thì thọ (thụ) 受 nghĩa là nhận lấy cái gì người
khác trao cho (to receive, to accept).
Vậy, tu thọ pháp nghĩa là hãy nên học (bửu) pháp, học tu thiền (tịnh luyện, công
phu). Kính chúc hiền huynh vạn an.