Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / TIỀN BỐI MINH CHÁNH: CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP / Đại Cơ Minh


Lời Thánh truyền rằng vào thời hạ ngươn mạt kiếp, lòng người đen bạc, đạo đức suy đồi, nhân tâm không tiếp nhận được nguồn sống, nên đạo đời cách nhau. Đức Chí Tôn không nỡ để yên mà nhìn sự tàn phá, chết chóc ghê gớm này, nên mở Hội Thiên Triều lần thứ ba, cho Phật Tiên, Thánh Thần xuống thế và chính Thượng Đế, Người cũng lâm trần thị hiện quyền pháp, mở Đạo cứu đời, lập lại đời thượng ngươn thánh đức.
Trong số các Thần Tiên giáng thế lần này, có các vị khai sáng Minh Lý Đạo. Tiền bối Minh Chánh Âu Kiệt Lâm là một trong các vị nói trên. Khi lãnh trách nhiệm hạ phàm, Đức Phật Tổ đã ban cho tiền bối được dùng cách thần thông linh dược mà độ thế, cứu vớt nguyên nhân (theo thánh ngôn 24-3-1930).
THÂN THẾ VÀ ĐẠO NGHIỆP TIỀN BỐI MINH CHÁNH
Tiền bối Minh Chánh, thế danh là Âu Kiệt Lâm, tự là Âu Kích, sinh năm 1896 tại làng Thành Phố, hạt Gò Công (nay là huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang).[1] Những dữ liệu về thời thơ ấu của tiền bối hầu như không còn gì. Chỉ biết theo giấy tờ, cha tiền bối là ông Âu Tường (người Hoa) và mẹ là bà Trương Thị Vị. Ông Âu Tường người gốc Quảng Đông qua Việt Nam từ thời nào không rõ. Bà Trương có lẽ là người Gò Công vì tiền bối Minh Chánh đã sanh ở đó. Vào năm 1927, tiền bối Minh Chánh không khai tên cha mẹ trong sơ yếu lý lịch để hưởng các quyền lợi của Hội Tam Tông Miếu, vì có lẽ vào thời điểm này, song thân tiền bối đã quy tiên.
Trong gia đình, tiền bối là người con thứ tư, nên thường được người trong Minh Lý Đạo gọi là ông Tư lớn để phân biệt với ông Tư nhỏ (tiền bối Minh Đàm). Tiền bối Minh Chánh có một hay hai người chị mà chúng ta không rõ tên.
Theo lời kể, vì nhà nghèo nên tiền bối Âu Kiệt Lâm phải vào đời rất sớm. Tiền bối lập gia đình với bà Đinh Thị Thuận vào năm nào không rõ.
Bà Đinh Thị Thuận, pháp danh Diệu Giác, sinh năm 1895. Vào năm 1925, bà là một trong năm người nữ đầu tiên nhập môn Minh Lý Đạo. Bà quy vị vào ngày 05-6-1957 với cấp đạo Tâm Tịnh Cô và đã giáng cơ với tôn hiệu Diệu Liên Thánh Nương vào ngày 26-12-1965.
Hai vị có tám người con theo thứ tự như sau:
<1> Ông Âu Vĩnh Châu (con cả), sinh ngày 29-5-1916; thánh danh Tường Diệu, quy vị năm 2009.
<2> Bà Âu Thoại Ngọc, sinh năm 1918; kết duyên cùng ông Minh Cường Lâm Thiên Hứa. Bà là mẹ của ông Đại Bác Lâm Lý Hùng (hiện tại là Chủ Trì Tam Tông Miếu). Bà bị hậu sản, đã quy tiên vào ngày 13-3-1941 sau khi sanh người con thứ hai (cô Lâm Thoại Hương).
<3> Ông Âu Khánh Vân (1920-?).
<4> Ông Âu Quang Cảnh (1922-?).
<5> Ông Âu Trường Thanh, sinh năm 1925, tiến sĩ kinh tế, làm Tổng Trưởng Kinh Tế (1963-1966) thời Việt Nam Cộng Hòa; mất năm 2009 tại Pháp.
<6> Ông Âu Quán Nhứt, sinh năm 1928, mất năm 2013 tại Pháp.
<7> Bà Âu Băng Tuyết (1931-?).
<8> Ông Âu Nhựt Chương (1936-2010), bác sĩ sản khoa.
Trong cuộc mưu sinh, tiền bối Âu Kiệt Lâm làm thâu ngân viên (encaisseur), thâu tiền nhà phố cho một phú gia người Hoa, rồi sau đó thâu tiền thuốc cho pharmacie Normale, đường Catinat (sau là đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi). Ngoài ra, tiền bối còn làm thêm xà bông, ảo thuật, bán tạp hóa… để đủ sống.
Tiền bối là người thông minh, ham học hỏi. Trong khi đi thâu tiền ở các công tư sở và các nhà tư nhân, tiền bối có dịp tiếp xúc với nhiều người nên có cơ hội đàm luận, học nhiều lãnh vực. Do thiên linh thúc đẩy, những đàm luận, học hỏi nghiêng nhiều về tâm linh, tôn giáo.
Tiền bối thường mua các tạp chí của Pháp để đọc và nhờ đó học được ảo thuật và huyền thuật. Nhân khi báo bên Pháp đăng tin ông Henri Durville (1887-1963) trị bịnh bằng nhân điện, tiền bối viết thơ xin thọ giáo và mua toàn bộ sách của ông Durville. Sau một thời gian khổ luyện, tiền bối đạt được kết quả khả quan. Tiền bối có thể chữa được các bịnh thông thường như đau đầu, nóng sốt… cho đến các bịnh mà các lương y thời đó bó tay như sưng đầu voi, bại liệt, nói không được… Tiền bối đã chữa bịnh không vụ lợi, không phân biệt giàu nghèo.
Tài liệu để lại cho thấy vào ngày 13-6-1916, tiền bối đã liên lạc được với một giáo sư thông linh học (spiritisme) ở Nancy (Pháp), để học về huyền cơ và có lẽ tiền bối đã tự tập từ đó. Năm ấy, tiền bối hai mươi tuổi và có con trai đầu lòng.
Tiền bối thích nghiên cứu kinh sách của nhiều tôn giáo, các phương pháp tu hành; thường đi đến các chùa nghe cao tăng thuyết giảng. Vì có thiên hướng về thần linh nên nghe nơi nào có xây bàn (table tournante), cầu cơ thì tiền bối tìm đến xin tham dự.
Không có chỗ ở cố định, tiền bối phải thuê nhà nhiều nơi khác nhau. Một trong các khu vực tiền bối đã thuê là đường Douamont (Cô Giang), khu Cầu Muối. Vào thời gian đó, quý tiền bối Nguyễn Văn Xứng, Nguyễn Văn Đề, Lê Văn Ngọc và Nguyễn Hữu Hay (người bạn thân thiết của tiền bối Minh Thiện) cũng đã từng ở trên đường Douamont (Cô Giang), gần chùa Linh Sơn (149 Douamont), tiền bối Võ Văn Thạnh ở hẻm Louvain (Đề Thám) gần đó.
Quý tiền bối cùng nhau hội họp học đạo, tập thủ cơ… Đây là những hội viên đầu tiên của hội tu thân Minh Lý theo lời dạy của Đức Đạo Tổ năm 1924, và là những bực tiền khai của Minh Lý Đạo ngày nay…
Lúc đầu quý tiền bối thực hành lối cầu cơ bên Pháp. Sau một thời gian tập, quý tiền bối nhận thấy lối cầu cơ này mất nhiều thời gian, không thuận tiện. Nên khi nghe tin ở chùa Minh Hương trong Chợ Lớn có một vị cao tăng từ Trung Hoa qua, tiền bối Minh Chánh tìm đến nghe thuyết giảng và xin theo học thủ cơ. Tiền bối tự luyện tập huyền cơ và thành công vào khoảng năm 1922 (?). Việc thành tựu huyền cơ làm quý tiền bối tăng thêm niềm tin ở Đấng Thượng Đế vô hình. Nhưng huyền cơ rất nguy hiểm cho người sử dụng, nên theo lời khuyên của Ơn Trên, tiền bối Minh Chánh chuyển qua chấp bút và sử dụng ngọc cơ. Tài liệu để lại tại Tam Tông Miếu không cho thấy tiền bối đã thực hiện cách chấp bút như thế nào.
Sau đó, giữa năm 1925 nhờ sự quen biết với sư Thiện Chiếu,[2] và ông Trần Nguyên Chấn, hội trưởng chùa Linh Sơn, quý tiền bối mượn được chùa để cúng sóc vọng cho đến khi về chùa mới đầu năm 1927.
Vào 1925, nhà tư sản hảo tâm Trần Kim Ký hoan hỷ hiến tặng quý tiền bối một sở đất để cất chùa tại đường Chasseloup Laubat (nay là Cao Thắng). Khi có tài sản, quý tiền bối đã nghĩ đến việc lập hội để tương thân tương trợ.
Ngày 18-9-1926, quý tiền bối nộp đơn xin thành lập Hội Tam Tông Miếu gồm sáu vị:
<1> Tiền bối Minh Chánh Âu Kiệt Lâm (Chánh Hội Trưởng).
<2> Tiền bối Minh Thiện Nguyễn Văn Miết (Phó Hội Trưởng).
<3> Tiền bối Minh Trực Võ Văn Thạnh (Chánh Từ Hàn).
<4> Tiền bối Minh Đàm Nguyễn Hữu Hay (Phó Từ Hàn).
<5> Tiền bối Minh Giáo Nguyễn Văn Xưng (Chánh Thủ Bổn).
<6> Tiền bối Minh Truyền Lê Văn Ngọc (Phó Thủ Bổn).
Điều lệ của Hội được Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chuẩn y vào ngày 08-02-1927.
Trong năm 1926, tiền bối Minh Chánh được các bạn đạo bầu làm Chủ Trì Tam Tông Miếu. Và cùng năm này, bà Huỳnh Thị Ngôn pháp danh Diệu Trí, đã hiến tặng một hecta đất tại làng Phú Thọ Hòa, Gia Định (nay là đường Lạc Long Quân, quận 11, TpHCM), để làm nghĩa trang cho bổn đạo Minh Lý quá vãng. Trong thập niên 1960 Minh Lý Thánh Hội có xây trên khu đất này trường tiểu học Xuân Phong (dạy từ lớp 1 đến 5), và tiền bối Minh Hạnh làm hiệu trưởng. Sau năm 1975, trường tiểu học này do nhà nước quản lý. Trong khoảng tháng 12-2001 đến tháng 5-2003, nghĩa trang bị giải tỏa. Sau đó, Hội Thánh lấy một phần trên khu đất trống này làm Báo Ân Từ (địa chỉ: 445/20 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TpHCM), để tro cốt bổn đạo và thân nhân, còn lại một phần đất thì cho các bổn đạo nghèo cất nhà ở, và một phần thì cho trường Trương Vĩnh Ký thuê làm sân banh và hồ bơi cho học sinh.
Năm 1927 Tam Tông Miếu được xây cất xong, tất cả việc cúng sóc vọng, thiết đàn đều được thực hiện tại đây, không còn ở tư gia các bậc tiền khai như trước. Vào thời gian này tiền bối Minh Chánh có được một căn nhà ở đường Barbier (nay là Thạch Thị Thanh), phường Đa Kao, quận 1; nguyên do là tiền bối trị bệnh và cải tử hoàn sinh cho vợ một ông chủ trại cưa; vì vậy, để đền ơn, ông ấy bán rẻ cho tiền bối miếng đất trên đó tiền bối cất thành hai gian, một gian để ở và một dành cho thờ phượng.
Đến đây sự khảo đảo trong đạo bắt đầu. Mặc dầu đã bầu tiền bối làm Chủ Trì, nhưng vẫn có người không phục, còn tiền bối Minh Chánh, quá khiêm nhượng, lại ít quyết đoán trong công việc, vì có lẽ tiền bối quá chú tâm vào huyền cơ mà quên đi phần nhân sự.
Năm 1928, tiền bối dời nơi trị bịnh về chùa và vì vậy có thêm những ý kiến bất đồng. Sự khảo đảo, những khổ đau là những trái đắng cần thiết mà người tu hành phải nếm trải, phải vượt qua, để đắc quả Thánh, điều này Ơn Trên cũng đã nhắc nhở nhiều lần.
Vào ngày 04-4-1930 tiền bối Minh Chánh và quý tiền bối Minh Giáo, Minh Thiện, Minh Trực, Minh Đàm, Minh Truyền được Ơn Trên phong phẩm Thanh Tịnh Sư.
Năm 1934 tiền bối Minh Chánh là Tổng Lý của Minh Lý Thánh Hội.
Thể chất bẩm sinh không khỏe mạnh, nhà nghèo, đông con, việc mưu sinh, việc chữa bịnh… làm cơ thể tiền bối ngày một suy kiệt. Năm 1938 Ơn Trên thuận cho tiền bối từ chức Chủ Trì. Tuy nhiên tiền bối vẫn giữ nhiệm vụ đồng tử và trông coi Tặng Dược Thất.
Trong cuộc đời, tiền bối cứu chữa cho rất nhiều bịnh nhân, những người tưởng như chết đi nhưng đã sống lại. Nhưng tiền bối đã không cứu được người con gái yêu dấu của mình (bà Âu Thoại Ngọc) bị sản hậu sau khi sanh người con thứ hai. Hai ngày sau cái chết của con gái, tiền bối nhẹ nhàng lặng lẽ quy vị tại phòng riêng của mình ở Tam Tông Miếu. Đó là ngày 15-3-1941 (18-02 Tân Tỵ).
Sau khi quy vị, tiền bối vẫn tiếp tục hướng dẫn Minh Lý môn sanh một cách vô vi qua công việc thông công với tôn hiệu Âu Minh Chánh, Chưởng Pháp Thiên Quân, Chưởng Pháp Khai Đạo Thiên Quân, Giám Đàn Chơn Quân và nay là Minh Chánh Hộ Pháp.
CÔNG NGHIỆP
Bốn mươi lăm năm tại thế (1896-1941) và mười bảy năm kể từ ngày khai Đạo Minh Lý (1924-1941), những gì tiền bối Minh Chánh đã đóng góp cho Minh Lý về mặt hữu hình gần như chỉ là những vết mờ không rõ nét, vì lẽ sự đóng góp lớn nhất của tiền bối là việc thực hiện huyền cơ và thần cơ, phần cốt lõi của Đạo thời Tam Kỳ tận độ, nhưng đó lại là phần ẩn.
Tiền bối kiên tâm bền chí trong việc thông linh và điều này đã được Ơn Trên chứng giám. Và để có thể là một đồng tử được tin cậy nhất, tiền bối phải thực hiện với tâm không: không vì mình, không vì danh, không vì lợi, không kể công, vì tiền bối hiểu rằng đồng tử chỉ là khí cụ của Thiêng Liêng lúc đó.
Về giáo pháp, thời của các tiền bối họ Minh [3] là những bậc khai cơ lập Đạo. Là Chủ Trì, một khai sáng viên, tiền bối Minh Chánh chỉ để lại một bài về cách thực hành huyền cơ và một bài “Lược Thuật Về Việc Tiếp Kinh”, nhưng hầu hết các bài kinh tụng, cách hành lễ, cách thờ phượng đều tiềm ẩn công sức của tiền bối đóng góp.
Nhờ tài y thuật, tiền bối đã quy tụ các bạn đồng tâm (các vị họ Minh) để xây dựng nền đạo mới; tiền bối cùng các vị tiền khai họ Minh đã để lại cho môn sanh ngày nay: một ngôi chùa tuy không nguy nga nhưng cũng là nơi tụ họp và phát triển mối đạo; một nghĩa trang dành cho môn sanh khi quá vãng; đóng góp vào nền kinh tế của chùa qua việc lập hiệu buôn, nhà in, xây phố cho thuê, làm lịch âm dương.[4] Ngoài ra, tính từ lúc khai sáng Minh Lý Đạo (1924) cho đến khi tiền bối từ chức Chủ Trì (1938), số môn sanh từ năm, ba người đã tăng lên đến trên hai trăm người (cả nam lẫn nữ). Đây là một con số khá khiêm tốn, nhưng tổng số bổn đạo nam nữ của Minh Lý Đạo kể từ khi khai sáng tính đến năm 2013 chỉ là 777 người, và tính đến cuối tháng 9-2014 là 787 người, thì phải thấy thời gian đầu sự phát triển nhanh hơn. Đó phải chăng là nhờ vào uy tín của tiền bối về chữa bịnh bằng nhân điện và cơ bút?
Trên con đường thiên lý vô tận, tiền bối Minh Chánh là người cầm đuốc mở đường và tiền bối Minh Thiện là người phát triển hoàn thiện con đường mới thành hình này cho rộng lớn tươi đẹp. Do đó Đức Thánh Trần đã tán dương:
Công đầu Minh Chánh có Tam Tông       
Minh Thiện ấp nuôi cá hóa rồng…
(Đàn ngày 01-9 Bính Dần)
Đức Thánh Khổng dạy:
“Về xây dựng nền Đạo, các vị tiền bối đã hết mình: Từ hai tay trắng mà nay có đủ mọi phương tiện về địa vị, về quyền lợi, về giáo lý, về phương môn tu học và mục đích hành đạo… Bần Đạo khen công hạnh đó và đáng mừng thấy sự nhẫn nại bảo trì, vượt mọi khó khăn, thắng mọi trở lực và thành công. Từ năm bảy hột sạn, đôi ba mầm non mà nay đã trở thành rừng thành núi, nhứt là công đầu của Minh Chánh, Minh Thiện - người lo về thông công, người lo về phương pháp - mà nay được thành hình, thắng đạt khó khăn…” (Đàn ngày 24-10 Quý Hợi)
Khi dạy về quẻ Trạch Lôi Tùy, Đức Quan Thánh Đế Quân đã đặt tiền bối Minh Chánh vào hào sơ cửu và cửu tứ:
Hào sơ cửu là dạy cho ta đứng trước đám đời đen tối, kẻ biết thì ít, người không biết thì nhiều. Ta là người tiên giác phải đánh thức kẻ hậu giác… Hào nầy ví như Huệ Năng ở với đám thợ săn mà giữ nguyên bổn sắc. Cũng có thể đặt địa vị nầy cho Minh Chánh Đạo Nhơn…”
Hào cửu tứ: Một vị đủ quyền đủ pháp, đóng công góp tuệ, xây dựng cả vật chất lẫn tinh thần, thì ở đây chư đạo tâm phải nhận sự nghiệp Minh Lý có nên là ở Minh Chánh và Minh Thiện.” (Đàn ngày 25-7 Ất Tỵ, 21-8-1965)
Khi giải thích về Bát Địa Hồng Danh,[5] Tam Thừa Cửu Phẩm,[6] Đức Hà Tiên Cô đã cho biết ở bậc Thượng Thừa Bồ Tát Địa Kim Tiên, hiện nay Minh Lý chỉ có hai vị đắc quả cao nhất là Đức Bác Nhã Thiền Sư (Minh Thiện) ở vị Trung Phẩm và Đức Giám Đàn Chơn Quân (Minh Chánh) ở vị Hạ Phẩm. Điều này một lần nữa xác nhận lại những đóng góp tưởng như là mờ nhạt đó của tiền bối Minh Chánh trong lịch sử Minh Lý Đạo:
“Nên trong bảng Tam Thừa Cửu Phẩm sắp theo Tứ Thánh, phần nhiều trong hàng môn sanh lúc sống còn đủ mê chấp phiền trược, không sao xứng ở địa vị giải thoát của hàng Tứ Thánh, duy chỉ một số thiên ân và đạo đồ giữ thanh tịnh giới, nên người sứ mạng mà có đức lớn, đạo cao, công đầy, quả đủ là MINH THIỆN, tài thành cho chánh pháp; MINH CHÁNH, thông công khai Đạo, là người xứng đáng.” (Đàn ngày 01-9 Bính Dần)
TẠM KẾT
Chúng ta biết rằng trần gian chỉ là cõi tạm, dòng sông thời gian cứ trôi chảy mãi, các bậc nguyên căn đến và đi như cánh nhạn bay vút trên trời cao và bóng nhạn thoáng ẩn thoáng hiện trên dòng nước, bóng nhạn ngày một nhạt nhòa… Bổn phận của môn sanh là người thừa tự, hưởng của hương hỏa, thì phải nhớ đến đến những bậc tiền bối có công khai sáng Minh Lý Đạo, nhớ đến cây cội nước nguồn.
Bài viết này chỉ là vài nét chấm phá về cuộc đời và đạo nghiệp của một bậc khai sáng Minh Lý Đạo. Dù cố gắng khách quan hết mức, nhưng ý kiến chủ quan của người viết vẫn còn và nhất là không sao diễn tả hết công đức của một bậc khai sáng Minh Lý Đạo. Xin quý huynh tỷ nếu có biết các chi tiết liên quan, hãy đóng góp thêm cho đầy đủ.
ĐẠI CƠ MINH
Minh Lý Thánh Hội



Các chú thích trong bài do Văn Uyển thêm vào:
[1] Nghị Định ngày 20-12-1899 của Toàn Quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện (arrondissements) thành tỉnh thì từ ngày 01-01-1900 hạt tham biện Gò Công trở thành tỉnh Gò Công, với số tổng và số làng không đổi. Tỉnh lỵ Gò Công đặt tại làng Thành Phố, vốn là hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi nhập lại. Tháng 02-1976, tỉnh Gò Công hợp nhất với tỉnh Mỹ Tho và thành phố Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Gò Công chuyển thành huyện Gò Công, thuộc tỉnh Tiền Giang.
[2] Sư Thích Thiện Chiếu thế danh là Nguyễn Văn Giảng (hay Nguyễn Văn Tài), sinh năm 1898 tại làng Vĩnh Hựu (nay thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang); thuở nhỏ, xuất gia tại chùa Linh Tuyền (ông nội của sư là Hòa Thượng Huệ Tịnh trụ trì chùa này). Năm 1923, lên Sài Gòn trụ trì chùa Linh Sơn. Vì hoạt động chống Pháp, bị chánh quyền trục xuất khỏi chùa. Năm 1927, ra Hà Nội. Khoảng giữa thời gian 1932-1936, hoàn tục. Năm 1936, về Rạch Giá. Năm 1943, bị Pháp đày ra Côn Đảo. Sau tháng 8-1945 về Gò Công hoạt động. Năm 1954, tập kết ra Bắc. Năm 1956, sang Trung Quốc. Năm 1961, trở về nước. Năm 1974, qua đời tại Hà Nội.
[3] Mười hai vị họ Minh gồm có quý tiền bối: [1] Minh Chánh Âu Kiệt Lâm (1896-1941). [2] Minh Giáo Nguyễn Văn Xưng (1891-1957). [3] Minh Đạo Nguyễn Văn Đề (1893-1925). [4] Minh Truyền Lê Văn Ngọc (1887-1965). [5] Minh Thiện Nguyễn Văn Miết (1897-1972). [6] Minh Trực Võ Văn Thạnh (1895-1976). [7] Minh Đàm Nguyễn Hữu Hay (1899-1961). [8] Minh Đức Nguyễn Văn Hoài (1904-1945). [9] Minh Hóa Nguyễn Minh Đức (1884-1964). [10] Minh Ngôn Lê Kim Bằng (1885-1967). [11] Minh Hạnh Trương Văn Ký (1907-1984). [12] Minh Cường Lâm Thiên Hứa (1907-1994).
[4] Từ 1975 về trước, lịch Tam Tông Miếu rất danh tiếng ở miền Nam.
[5] Bát Địa Hồng Danh do Đức Bác Nhã Thiền Sư nhờ sức thần thông của Tam Giáo lập nên để tiếp độ các chơn linh về đó an cư, tiếp tục tu luyện cho đến khi nào tâm địa viên thành y như các danh địa ấy. Bát Địa Hồng Danh gồm có: <1> An Lạc Địa: Để trị cái tâm phiền nhiễu. <2> Thanh Lương Địa: Để trị cái tâm sân hận. <3> Ly Cấu Địa: Để trị cái tâm ô nhiễm. <4> Hoan Hỷ Địa: Để trị cái tâm chấp nhứt. <5> Viên Thông Địa: Để trị cái tâm nê trệ. <6> Vô Ngại Địa: Để trị cái tâm chướng, ngăn ngại. <7> Vô Đối Địa: Để trị cái tâm phan duyên, đối đãi. <8> Bồ Đề Tự Tại Địa: Để trị cái tâm bất định, câu nệ.
[6] Tam Thừa bao gồm Hạ Thừa, Trung Thừa, Thượng Thừa. Mỗi thừa lại có ba phẩm: Thượng Phẩm, Trung Phẩm, Hạ Phẩm. Do đó ba thừa tổng cộng có chín phẩm (Cửu Phẩm).