Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ Ý NGHĨA THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM / Nguyễn Thị Thu Hiền


Trong chủ đề tuổi trẻ Đại Đạo với văn hóa dân tộc, nhằm học hiểu một phần trong lời dạy của Đức Lý Đại Tiên Trưởng là “phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Thiên Nhân hiệp nhất”,[1] bài viết sẽ tập trung làm sáng tỏ lời thánh huấn này trong phạm vi của văn học dân gian bằng cách vận dụng phương pháp phân tích trong văn học.
Là một phần trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, văn học dân gian có những ảnh hưởng quan trọng đối với những giá trị nền móng của cơ Đạo thời Tam Kỳ Phổ Độ. Thông qua việc phân tích các hình thức biểu đạt để làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa trong văn học dân gian, bài viết cho thấy rõ các giá trị theo tinh thần Thiên Nhân hiệp nhất trong giáo lý Cao Đài.[2]
I. DẪN NHẬP
Theo giáo lý Đại Đạo. “Thiên Nhân hiệp nhất là sự phối kết giữa Người với Trời thành một cơ cấu duy nhất, thành một bản vị duy nhất, thành một quyền năng duy nhất hoặc trong một sứ mạng duy nhất.” [YĐGLĐĐ] [3] Từ ý nghĩa rất rộng lớn và bao quát này, chúng ta xét trong một ý nghĩa hẹp hơn của sự phối kết: Sự hòa hợp và nương tựa của Người vào Trời, hay sự nhận biết có Trời trong tâm thức con người để từ đó sống phù hợp với lẽ Trời. Tinh thần ấy được tìm thấy trong nhiều nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lối diễn đạt thông qua các hình thức văn học dân gian.
“Văn học dân gian là thuật ngữ dùng để chỉ những thể loại sáng tác dân gian trong đó thành phần nghệ thuật ngôn từ (tức thành phần văn học) chiếm vị trí quan trọng, song bao giờ cũng có mối quan hệ hữu cơ với các thành phần nghệ thuật và phi nghệ thuật khác.” [4]
Thể loại của văn học dân gian rất đa dạng như: ca dao, tục ngữ, thành ngữ, cổ tích, thần thoại, sử thi, truyền thuyết, giai thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười… Chẳng những phong phú về thể loại mà nội dung của văn học dân gian có thể len lỏi vào hết từng ngõ ngách của cuộc sống con người từ vật chất đến tinh thần, trên hết là nó nói lên những nét đặc thù của bản sắc văn hóa người Việt. Trong đó, nét văn hóa đạo đức theo tinh thần thuận theo lẽ Trời có thể dễ dàng tìm thấy qua nhiều hình thức thể hiện khác nhau.
II. Ý NGHĨA THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT TRONG TỤC NGỮ, CA DAO
1. Nhận thức của con người về Trời - Đấng tạo dựng muôn vật
Khi khám phá, nhận thức về những sự vật, hiện tượng của thế giới tự nhiên, con người cảm nhận được về một chủ thể đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật thông qua những câu ca dao dưới dạng câu hỏi tu từ [5] như:
Con chim nó hót trên cành
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
Nhìn thấy chim cất tiếng hót líu lo trên cành cây cao, tâm hồn con người cũng phát sinh một cảm xúc về lòng biết ơn Tạo Hóa. Cảm xúc đó dẫn đến một nhận thức: Bản thân con người có thể tự mình sinh ra và tồn tại được không nếu không có Trời (Đấng Sáng Tạo muôn loài vạn vật)?
Khi nhìn thấy những ngọn núi cao hùng vĩ, những dòng sông dài luôn đổ về biển rộng mênh mông và thâm sâu vạn trượng, người Việt từ ngàn xưa tự hỏi:
Núi kia ai đắp nên cao
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Từ “ai” ở đây không thể hàm ý chỉ về một con người bình thường mà cần phải là một Đấng Siêu Nhiên với một quyền năng cao tột. Đấng ấy chính là Trời.
Có lẽ từ thời con người mới chỉ biết sinh sống bằng cách hái lượm thức ăn trên rừng, thì người Việt đã ý thức được Trời hiện hữu qua từng cái gai nhọn và quả tròn trên cây:
Gai trên rừng ai vót [chuốt] mà nhọn
Trái trên cây ai vo mà tròn?
Như vậy, những câu ca dao trên cho thấy trong tâm thức người Việt, tất cả những sự vật xung quanh con người và kể cả bản thân con người không phải ngẫu nhiên tự có, mà do bàn tay của một Đấng Sáng Tạo, đó là Trời. Tuy nhiên, để có thể nhận thức được như vậy, người Việt cần phải dùng đến tâm của mình, lấy tâm mình hiệp nhất với Thượng Đế Hữu Ngã Ngoại Tại (nghĩa là Đấng Thượng Đế hiện hữu như một chủ thể tối cao bên ngoài bản thân con người). [YĐGLĐĐ]
2. Quan niệm về Trời - Đấng sinh ra, nuôi dưỡng, trông coi, gìn giữ vạn vật
Trời không chỉ sinh ra con người và vạn vật mà còn dưỡng nuôi cho vạn vật và con người lớn lên, phát triển như trong câu tục ngữ “Trời sinh Trời dưỡng.” Ví dụ, sinh ra loài voi thì Trời cũng tạo ra nguồn thức ăn là cỏ để nuôi dưỡng chúng: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.” Hình ảnh con voi ở đây thật ra là một hình thức vật hóa để diễn đạt điều tương tự đối với con người. Tin rằng con người không thể tồn tại mà không dựa vào Trời, các câu tục ngữ như vậy khuyên con người hòa hợp với Trời để sống cuộc sống của mình, mượn sự nuôi dưỡng của Trời để làm cho xã hội loài người tồn tại và phát triển.
Ngoài ra, qua câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, ta có thể thấy rằng người Việt từ xưa nhận ra được một sự thật: Con người ngoài thân thể do cha mẹ phàm trần sinh ra, thì còn có bản tính (tức bản thể) do Trời phú bẩm. Nói cách khác, con người phải có Thượng Đế Tính (Tánh) bên trong bản thân mình. Cái “Tính” trong câu tục ngữ này được giáo lý Cao Đài gọi là “Tánh”, là “Ngươn Thần”, là “Tiểu Linh Quang”.
Do đó, câu tục ngữ chứa đựng một ý nghĩa về sự hiệp nhất với Thượng Đế Vô Ngã Nội Tại (tức là Thượng Đế tính có sẵn bên trong con người do Trời ban cho và giống như nhau trong tất cả mọi người). [YĐGLĐĐ]
3. Con người thành công nhờ có Trời giúp sức
Để đạt được thành công trong cuộc sống, người Việt tin rằng phải có nỗ lực của con người trong ơn Trời trợ giúp. Với niềm tin đó, người vợ đã khuyên chồng:
Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn Trời, lộc nước đời đời hiển vinh.
Để cho chồng yên tâm trau dồi kinh sử, học đạo thánh hiền, người vợ tự nguyện đảm nhận vai trò trụ cột trong việc mưu sinh như cày cấy, cửi canh (dệt vải, nuôi tằm)... Khi người chồng thi đỗ, ra làm quan, đem tài giúp nước, thì đó là vinh hiển cho bản thân, gia đình, dòng tộc, quê hương.
Tuy nhiên, để có được công thành danh toại đó, phải nhờ có ơn Trời ban cho, và con người phải biết nhớ đến cũng như quý trọng ơn đó.
Trong nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước từ ngàn xưa, người Việt kinh nghiệm rằng thời tiết chính là yếu tố quyết định thành bại của lao động sản xuất. Nên khi thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa, con người bày tỏ tấm lòng tri ân đối với Trời, với thiên nhiên, và thuận theo đó mà thi đua nhau cày cấy:
Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Hay:
Nhờ Trời mưa gió thuận hòa
Nào cày nào cấy, trẻ già đua nhau.
Ngoài ra, khi sống trong cảnh sung túc, ấm no, yên bình nơi làng quê xinh đẹp với phong cảnh hữu tình, thời tiết điều hòa, vụ mùa bội thu, trai siêng gái đảm, trên thì quan chánh trực công bình, dưới thì dân hiền lành hiếu thuận, con người cũng không quên là nhờ Trời mà có tất cả những điều đó, nên biểu hiện rất hay và sinh động qua bài ca dao:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ Trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề
Trời ra: gắng, trời lặn: về [trời = mặt trời]
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề tinh chuyên.
Dưới dân, trên họ quan viên
Công bình giữ mực cầm quyền cho hay.
Từ những bài ca dao trên, trong tâm thức hiền lành chất phác của người Việt luôn có sự hiện diện của Trời. Hai yếu tố Trời - Người này phải luôn hiệp nhất với nhau mới đảm bảo công thành quả mãn trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
4. Hiểu được Đạo Trời, gắng rèn luyện đạo đức
Vì biết có Trời và hiểu được Đạo Trời nên người Việt từ bao đời nay thể hiện quyết tâm giữ vững Đạo Trời:
Dù ai nói ngược nói xuôi
Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng.
Vậy Đạo Trời là gì? Giữ Đạo Trời và sống theo Đạo Trời là như thế nào? Tổ tiên chúng ta từ xưa đã đúc kết lại thành những lời ghi nhớ, những câu khuyên răn để giúp con người sống đạo đức, phù hợp luân thường, đạo lý của Trời qua việc rèn luyện các đức tính như sau:
- Sống hiền lành, nhân đức sẽ được phước Trời dành cho:
Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức Trời dành phước cho.
- Sống rộng lượng, bao dung sẽ được Trời giúp sức; ngược lại, nếu sống hẹp hòi, ích kỷ, so đo thì Trời sẽ làm cho trở ngại:
Ở xởi lởi Trời cởi ra cho
Ở so đo Trời co ro lại.
- Chớ có tự phụ vào sức mình, đừng cậy vào sự giàu sang, quyền thế mà sống trái với kỷ cương, luân thường, đạo lý của con người, vì trên đầu mỗi người còn có Đạo Trời sáng soi mọi lẽ:
Cứ trong nghĩa lý luân thường
Làm người phải giữ kỷ cương mới mầu
Đừng cậy khỏe, chớ cậy giàu
Trời kia còn ở trên đầu còn kinh. [kinh sợ]
- Đừng sống xảo trá, lọc lừa, buôn gian bán lận mà mang tội riêng mình, vì Đạo Trời dạy phải sống thiệt thà từ lời nói cho đến hành động:
Tin nhau buôn bán cùng nhau
Thiệt hơn hơn thiệt trước sau như lời
Hay gì lừa đảo kiếm lời
Một nhà ăn uống, tội Trời riêng mang.
- Đừng sống hoang phí để đời đời phải chịu lầm than, thiếu thốn: “Phí của Trời, mười đời chẳng có.” Sống cần kiệm, có chừng mực, chớ xa hoa, lãng phí mà phụ của Trời (ý nói của cải con người làm ra đều là của Trời ban cho), nếu không sẽ bị nghèo khổ, đói rách:
Làm người nên biết tiện tằn
Đồ ăn thức mặc có ngằn thì thôi
Những người đói rách rạc rời
Bởi phụ của Trời, làm chẳng có ăn.
Những câu ca dao trên cho thấy người Việt ý thức rằng con người phải hiểu được lẽ Trời; từ đó, nhắc nhở bản thân mình và khuyên răn mọi người hành xử đúng đạo đức, phù hợp nhân tâm của cộng đồng xã hội qua những lời nói thật giản dị. Sự hiệp nhất Trời - Người trong trường hợp này chính là “thuận nhân tâm, hợp Thiên ý”. [YĐGLĐĐ]
5. Các định luật của Trời
Sống trong vũ trụ nhân sinh, con người dần dần hiểu được các định luật đất trời đang chi phối muôn loài cũng như cuộc sống con người:
- Luật công bình, thưởng phạt phân minh: Nếu người biết sống có nhân có đức thì Trời sẽ không phụ: “Trời nào phụ kẻ có nhân.” Và biết sống đúng với lẽ Trời thì Trời sẽ ban cho con người những phần thưởng to lớn gấp nhiều lần so với những gì con người có thể tự làm nên bằng công sức của mình: “Trời cho hơn lo làm.” Sự công bình ấy còn thể hiện qua việc nếu có nỗ lực thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng:
Trời nào có phụ ai đâu
Lo làm thì giàu, có chí thì nên.
- Luật nhân quả: Nhân quả cũng thể hiện luật công bình thiêng liêng của trời đất. “Nhân” là cái nguyên nhân, giống như cái hạt, còn “Quả” là kết quả, giống như cái trái.
Do đó, con người đã đúc kết nên những câu tục ngữ thật ngắn gọn, dễ nhớ nhưng thể hiện đầy đủ cái chân lý ấy: “Gieo gió, gặt bão.” Và để khuyên răn con người đừng gieo những nhân không lành (sống trái với Đạo Trời) để rồi gặp những quả dữ (bị Trời trừng phạt) với nghệ thuật phóng đại qua các câu tục ngữ và ca dao như:
Trời đánh thánh vật.
hay:
Trời quả báo, ăn cháo gãy răng
Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày.
Các hành vi của con người lúc nào cũng được Trời theo dõi sát sao: “Trời xanh có mắt.” Khi chiêm nghiệm lại, con người thấy rằng các định luật của trời đất luôn luôn hiện diện ở khắp nơi: “Gẫm hay muôn sự tại Trời.” Từ đó, con người phải sống phù hợp với luật Trời. Cách sống này thể hiện ý nghĩa con người hiệp nhất với Thượng Đế Vô Ngã Ngoại Tại (tức là các định luật, quy luật của Trời luôn tồn tại bên ngoài bản thân con người) [YĐGLĐĐ].
6. Ơn cứu độ của Trời
Theo giáo lý Đại Đạo thì “Thiên Nhân hiệp nhất là nguyên lý của sự cứu độ” [YĐGLĐĐ]. Từ xa xưa, trong văn hóa người Việt, việc thờ phụng, kính ngưỡng Trời còn mang ý nghĩa trông mong vào ơn Trời cứu độ:
- Khi con cái hiếu thảo thì hàng đêm đều cầu xin Trời ban phước cho cha mẹ mình trường thọ:
Đêm đêm ra thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
- Khi con người sống trong cõi trần đang gặp những tang thương, hoạn nạn thì cũng cầu xin Trời cứu độ:
Nghiêng vai ngửa vái van Trời
Đương cơn hoạn nạn, độ người trầm luân.
Tuy nhiên, ơn cứu độ này không thể có được theo một chiều, tức là con người không thể cứ ra sức làm ác, gây nghiệp rồi đến khi gặp hoạn nạn lại cầu khẩn Trời cứu độ, mà cần phải có sự hợp tác của con người với Trời: Muốn Trời cứu độ, trước tiên con người phải biết tự cứu độ lấy mình bằng cách sống đúng theo chuẩn mực đạo đức và hành xử hợp nhân tâm.
7. Hiệp nhất với Trời về cội nguồn
Con người, nếu ban đầu chỉ biết có Trời như một chủ thể tồn tại bên ngoài bản thân (Thượng Đế Hữu Ngã Ngoại Tại) thì dần dần con người ý thức được có Thượng Đế bên trong mình, con người có Tâm, có Bản Tánh (Thượng Đế Nội Tại). Từ đó, biết được mối quan hệ giữa Người với Trời; Trời là Cha, nguồn gốc của con người là thuộc về nơi vĩnh cửu trên Trời. Do đó, trần gian chỉ là nơi tạm bợ, không phải là nhà, mà phải trở về hiệp nhất với Cha Trời. Nhận thức đó được thể hiện qua ca dao:
Xưa kia chỉ biết kêu Trời
Ngày nay đã biết gọi Trời là Cha
Trần gian chẳng phải là nhà
Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.
Bài ca dao như lời biểu đạt thật thân thiết, đơn sơ nhưng nói lên sự hiệp nhất giữa con người với Trời về cội nguồn, cũng cho thấy được con đường trường tồn của con người là trở về với Thượng Đế.
Như vậy, qua việc phân tích tục ngữ và ca dao – hai thể loại tiêu biểu cho văn học dân gian – ý nghĩa Thiên Nhân hiệp nhất đã được biểu đạt trên nhiều phương diện mặc dù còn ở mức độ sơ khai so với ý nghĩa Thiên Nhân hiệp nhất trong giáo lý Đại Đạo.
Bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa Thiên Nhân hiệp nhất trong các thể loại khác của văn học dân gian.
III. Ý NGHĨA THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT TRONG TRUYỀN THUYẾT
Theo Giáo Sư Trần Gia Phụng, “Truyền thuyết là những câu chuyện bắt đầu từ sự thật lịch sử, được thêm thắt hoặc được tiểu thuyết hóa, và được truyền tụng từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác, rồi lại được dân chúng chấp nhận như là những chuyện lịch sử có thật.” [6] Trong nhiều câu chuyện lịch sử ấy, nhiều chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta đều có Trời trợ giúp thông qua sự yểm trợ của các vị Thần Thánh…
Truyền thuyết nỏ thần: nhờ có Thần Kim Quy trao tặng móng rùa thần để làm nỏ – một lần bắn được hàng trăm tên – mà vua Thục Phán An Dương Vương luôn chiến thắng quân xâm lược của Triệu Đà, giữ vững nước Âu Lạc.
Truyền thuyết Hồ Gươm: một người dân chài vớt được thanh sắt có chữ “Thuận Thiên”, vua Lê Thái Tổ cho rèn thành một thanh gươm chống giặc ngoại xâm. Sau khi đất nước thanh bình, vua trao gươm cho rùa thần để hoàn trả Long Quân…
Ngoài ra, còn có những vị Thánh sinh ra với khả năng siêu phàm, giúp đỡ nhân dân, bảo vệ cuộc sống chung cho cộng đồng và chiến đấu chống thiên tai (truyền thuyết Thánh Gióng, truyền thuyết Thánh Tản Viên…). Ý nghĩa Thiên Nhân hiệp nhất đã biểu hiện thành quyền năng, sức mạnh phi thường thông qua những con người sứ mạng như vậy của dân tộc Việt Nam.
IV. CÁC THỂ LOẠI KHÁC
Trong các thể loại khác của văn học dân gian như thần thoại, cổ tích, truyện ngụ ngôn… ý nghĩa Thiên Nhân hiệp nhất phần nhiều được thể hiện qua tinh thần bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác như Thạch Sanh, Tấm Cám…
Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã có bao nhiêu ngàn năm dựng nước thì cũng phải trải qua bấy nhiêu thời gian giữ nước thoát khỏi sự xâm chiếm, đồng hóa của giặc ngoại xâm. Dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà có thể chiến thắng được những thế lực hùng mạnh của ngoại bang. Đó là do chính nghĩa, phù hợp với lẽ Trời, như Lý Thường Kiệt đã viết:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Mặc dù bài thơ không được xem là tác phẩm văn học dân gian nhưng nó là một lời tuyên bố hùng hồn khẳng định chủ quyền đất Việt như một lẽ dĩ nhiên đã được Trời định đoạt (Thiên thư – sách Trời). Vì vậy, nó cũng được phổ biến và lưu truyền trong dân gian như niềm tự hào của một dân tộc luôn ý thức được rằng vi phạm Thiên ý thì chắc chắn sẽ bị thất bại, sẽ bị trừng phạt bởi “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”.
V. KẾT LUẬN
Bài viết đã trình bày một số nét khái lược về ý nghĩa Thiên Nhân hiệp nhất trong văn học dân gian Việt Nam. Những lời đúc kết từ ngàn xưa của tổ tiên chúng ta trong văn học dân gian đã cho thấy quan niệm về Trời trong truyền thống dân tộc.
Người dân luôn tin tưởng vào Đạo Trời, tất cả đều nhờ Trời, sống gắn bó và làm theo lẽ Trời. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, là một dân tộc được chọn, người Việt chúng ta cần đem những những tinh hoa văn hóa đạo đức ấy đó ra khắp thế giới, phát huy nguyên lý Thiên Nhân hiệp nhất để góp phần vào công cuộc cứu độ Kỳ Ba.
NGUYỄN THỊ THU HIỀN
Thiền đường Vĩnh Hòa 

[1] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 19-02 Bính Dần.
[2] Nguồn: Tuổi Trẻ Đại Đạo Với Văn Hóa Dân Tộc. (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Tập Đoàn Giáo Sĩ. Kỷ yếu hội học 2014, tr. 69-80.)
[3] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2008.
[4] TS. Nguyễn Thị Việt Hương (chủ biên), GS. TSKH. Phan Đăng Nhật, PGS. TS. Nguyễn Thị Huế, TS. Phạm Việt Long. Văn Học Dân Gian Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam. Giáo Trình Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội, 2012.
[5] Câu hỏi tu từ: Câu hỏi mà không cần câu trả lời và ý trả lời có sẵn trong câu hỏi.
[6] Thư viện điện tử, tổng hợp các bài viết theo chủ đề “Truyện Dân Gian Việt Nam Và Thế Giới”.

Trong miền đất tâm linh, anh chị em không thể bước đi bằng ánh sáng từ ngọn đèn của kẻ khác. Anh chị em muốn vay mượn ngọn đèn của tôi ư? Tôi thà dạy anh chị em cách tự tạo lấy ngọn đèn của chính anh chị em.
In the land of the spirit, you cannot walk by the light of someone else’s lamp. You want to borrow mine. I’d rather teach you how to make your own.
ANTHONY DE MELLO, S.J.