Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / TAM THIÊN LINH PHÙ / Tử La Lan


Linh phù là bùa thiêng. Chữ THIÊN (Trời) có bốn nét; vẽ ba chữ Thiên là đủ mười hai nét, mỗi nét ứng với một chữ trong câu chú khi niệm hồng danh Thầy: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Tịnh viên (thiền sinh) Cao Đài họa phù (vẽ bùa) Tam Thiên bằng thần khi trụ tâm vào mi gian (khoảng giữa hai đầu chân mày). Bùa linh này cũng dùng trong nghi thức cầu cơ: Họa Tam Thiên linh phù ứng hiện / Xin Tiên Đồng mau chuyển thần cơ… [VĂN UYỂN]
 Bà nội tôi từng là một Chánh Trị Sự ở Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Ba tôi theo học chữ và học đạo ở trường trung tiểu học Lê Văn Trung (Hòa Thành, Tây Ninh). Bà nội dời nhà lên Sài Gòn, bà cùng ba tôi dọn tran thờ Thầy trang nghiêm trên lầu một. Rồi bà nội mất, ba dọn ra ở riêng với má hai, nhà chỉ còn hai anh em tôi ở. Năm đó tôi mười bốn tuổi, em tôi lên mười. Không có ba ở chung, bàn thờ Thầy trên lầu bỏ không, lạnh lẽo. Sau này khi lớn lên và cùng nối nghiệp ba trong ngành y, chúng tôi vẫn mãi không quên một chuyện lạ lùng đã xảy ra ở nhà tôi trong thời gian ấy.
Bà nội khi mất có để lại nhiều đồ gỗ xưa, trong đó có một cái tủ đứng bằng gỗ cẩm lai, để đựng quần áo. Không nhớ từ khi nào, mà cứ đêm về, trạc từ mười một giờ đêm, từ trong cái tủ phát ra những tiếng gõ cộc, cộc… khá lớn. Tiếng gõ y như ai đó đứng bên trong tủ, gõ như gọi mở cửa! Hai anh em tôi e có chuột phá (dù trong lòng không tin chuột có thể gõ theo kiểu như thế), nên dọn hết quần áo, bít hết mọi chỗ có thể cho chuột ra vô…
Tầm mười một giờ, hàng đêm. Vẫn những tiếng gõ kinh dị như thế, kéo dài suốt đêm, dù mở tủ ra ngay lúc đó cũng tìm không thấy gì bên trong. Tiếng gõ vào cửa từ bên trong tủ rõ ràng, chứ không phải tiếng cào cạp, lớn lồng lộng đêm khuya, lạnh lùng nhấn vào nỗi sợ hãi của hai đứa con trai không có cha mẹ ở chung. Hai anh em ngủ (xin thưa, ngủ gì nổi) ở cái đi-văng sát bên, bị nỗi sợ gí sát vô tường. Thay phiên nhau, thay phiên nhau cho đỡ mỏi vì phải luôn nằm chồng lên nhau, sát tường. Đứa trên, đứa dưới…
Tiếng-gõ-hàng-đêm ấy đeo theo hai anh em cả tháng trời. Sáng ra chúng tôi đi học mà bước như bơi, mặt mày xanh xao trắng dã. Tối học xong là cùng nhìn đồng hồ, sợ tới giờ đi “ngủ”, mong đừng có mười một giờ, trách thợ mộc đóng chi cái tủ…
Một buổi chiều nọ. Câu chuyện cái tủ cẩm lai gõ cửa tới tai dượng Năm tôi ở Gò Công. Dượng là một cư sĩ tu theo Cao Đài đã nhiều năm. Dượng sắp xếp việc đồng việc đạo dưới quê, lên Sài Gòn. Gặp tụi tôi, dượng bảo: “Tối nay để dượng họa phù Tam Thiên, cái tủ sẽ hết kêu.” Một tin, mà sáu bảy ngờ. Phù Tam Thiên là gì, tôi không để ý. Nhưng mừng, vì tối nay có ông dượng bự con, quắc thước, nhìn oai nghiêm như Quan Công ngủ lại nhà. Cái tủ cứ việc kêu, cứ việc gõ.
Đêm đó, mặc áo dài khăn đóng nghiêm chỉnh, dượng Năm đốt năm cây nhang. Sau một hồi khấn vái và lầm bầm, dượng huơ huơ năm cây nhang… Rồi mười một giờ đêm, dượng ngồi đó tọa thiền. Chúng tôi lóng bốn cái lỗ tai, trân sáu con mắt (tính luôn cặp kiếng cận), dòm cái tủ, rồi liếc dượng… Không còn một tiếng gõ nào nữa. Mãi mãi.


Đó là thập niên tám mươi, cuộc sống vấp phải nhiều khó khăn. Học y khoa tốn kém, tôi đã kêu bán cái tủ để mua sách học. Cái tủ cẩm lai không còn, nhưng ba chữ Tam Thiên phù đã in sâu vào ký ức (dù chúng tôi vẫn chưa biết đó là cái gì), như một phép thần xua ma trừ quỷ.
Khi học sơ thiền cửu cửu, được hướng dẫn cách họa phù Tam Thiên bằng thần, tôi háo hức vô cùng. Vì sự hiển linh của Tam Thiên phù có lẽ không ai có nhiều hơn chúng tôi niềm tin và sự chứng nghiệm.
Giữa thời thiền giờ Tý tịch mịch, hễ có một niệm sợ hãi nào dấy lên trong lòng, tôi lại vững tâm khi nghĩ mình đã họa Tam Thiên phù vào đầu mỗi thời thiền. Lá-bùa-Trời ấy xua tan từng niệm âu lo mới nhen, như đã từng xua đi nỗi sợ hãi tột cùng ngày xưa, xóa sạch những tiếng gõ. Những tiếng gõ thấy ghê, cho đến giờ này như vẫn còn đồng vọng đâu đây…
TỬ LA LAN

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo