Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / TÔN GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG CHÚNG THEO QUAN NIỆM CỦA MỘT TÍN HỮU CAO ĐÀI / Huệ Khải

Hiền hữu Huệ Khải được mời tham dự tọa đàm quốc tế về đề tài Tôn Giáo Trong Đời Sống Công Chúng / Religion in Public Life, tổ chức tại Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Đương Đại (CECRS) thuộc Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn (Đại Học Quốc Gia Hà Nội). Cuộc tọa đàm diễn ra trong ngày Thứ Hai 29-12 (sáng chiều) và sáng Thứ Ba 30-12-2014, chia làm sáu phiên (sessions). Ban tổ chức nhận được ba mươi hai bản tham luận của hai mươi bảy tác giả tại Hà Nội, của bốn vị từ TpHCM, và của bốn vị từ Áo, Đài Loan, Hàn Quốc. Hiền hữu Huệ Khải đã gởi bản tham luận tiếng Việt và tiếng Anh. Sau đây, Văn Uyển giới thiệu bài tham luận ấy (bản tiếng Việt). [Ban Ấn Tống]
TÔN GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG CHÚNG THEO QUAN NIỆM CỦA MỘT TÍN HỮU CAO ĐÀI 
I. MỞ ĐẦU
Theo tôi biết, ngày nay tôn giáo trong đời sống công chúng là một trong những lãnh vực đương đại đang được nghiên cứu kỹ và giảng dạy tốt tại nhiều đại học ở nhiều nước. Chẳng may, tôi không được đào tạo về lãnh vực hàn lâm này; vì vậy, tôi e rằng mình thiếu một tiếng nói hội đủ điều kiện để tham gia cuộc tọa đàm hôm nay cùng với các chuyên gia như tất cả quý vị, là những người có được tiếng nói đầy thẩm quyền. Nói khác đi, khi được mời dự diễn đàn này, đây là vinh hạnh cho tôi vì có được cơ hội tốt để học hỏi qua những phần trình bày của quý vị.
Tuy nhiên, theo gợi ý thảo luận của ban tổ chức sự kiện này, một phần nội dung vấn đề thứ nhất lại nhắc tôi nhớ tới vài ý niệm cơ bản tôi học được từ tôn giáo của mình, đạo Cao Đài. Vì vậy tôi nghĩ có lẽ tôi nên chia sẻ cảm nhận của mình nơi đây và tôi mong rằng nếu ý tưởng của tôi không đáp ứng thỏa đáng các yêu cầu của ban tổ chức, tất cả quý vị sẽ rộng lượng bỏ lỗi cho tôi. Tôi xin cảm ơn toàn thể quý vị.
Như cách dùng từ của ban tổ chức, cũng như được hàm ngụ trong vấn đề gợi ý thảo luận thứ hai và thứ ba, thuật ngữ “đời sống công chúng / public life” có lẽ liên hệ tới đời sống xã hội, là nơi cùng lúc chịu đựng hai lực tác động. Lực tác động thứ nhất là các chính sách của chính quyền hay những can thiệp của nhà cầm quyền; lực thứ hai là hoạt động của những người đang là mục tiêu hay đối tượng của những người hoạch định chính sách hay nhà cầm quyền.
Nếu quý vị vui lòng chấp nhận một diễn dịch như thế, thì liệu rằng trong chừng mức nào đó chúng ta có thể xem đời sống công chúng là một uyển ngữ thay cho hai chữ chính trị hay không? Nếu chấp nhận, thì khi nói “tôn giáo trong đời sống công chúng”, phải chăng chúng ta đang gián tiếp nói tới những quan hệ qua lại hay những ảnh hưởng tương tác giữa tôn giáo và chính trị?
II. GIÁO LÝ CAO ĐÀI NÓI GÌ VỀ TÔN GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG CHÚNG?
1. Phục hồi ý nghĩa chân chính của tôn giáo và chính trị
Vì những nguyên cớ nào đó, ý nghĩa của “tôn giáo / religion” thường bị bóp méo. Đây là lý do vì sao trong một số trường hợp thánh giáo Cao Đài thay thế nó bằng hai chữ “đạo đức / morality”. Chẳng hạn, Đức Quan Âm Bồ Tát trong một đàn cơ tại Sài Gòn ngày 02 tháng 3 năm 1969 bảo rằng “đạo đức là siêu chánh trị”.[1]
Hai chữ “chính trị / politics” thường bị phần lớn giới tôn giáo xem là cấm kỵ bởi lẽ nó thường liên hệ tới các “thủ đoạn” hay “những mưu đồ, hành vi trí trá”, v.v…
Vì vậy, trong đàn cơ nói trên, Đức Quan Âm Bồ Tát đã phục hồi lại ý nghĩa đúng đắn của nó như sau:
Chánh là chánh trực, quang minh, ngay thẳng, đúng đắn, có nhân nghĩa đạo đức và háo sinh. Trị là an ninh, bảo tồn trật tự, hòa thuận dưới trên.” [2]
Sửa cho đúng định nghĩa về chính trị như thế, và nói đạo đức [tôn giáo] là siêu chính trị, Đức Bồ Tát chỉ rõ rằng vai trò của tôn giáo là góp phần vào việc xây dựng xã hội để cho mọi người có thể thụ hưởng những giá trị hay lợi lạc như là chính trực, quang minh, ngay thẳng, đúng đắn, có nhân nghĩa đạo đức và hiếu sinh, an ninh, bảo tồn trật tự, hòa thuận dưới trên.
Giới tu hành (những người làm đạo đức) nên làm gì để thực thi vai trò của tôn giáo, vai trò của “siêu chính trị”? Trong cùng thánh giáo đã dẫn, Đức Bồ Tát giải thích:
“Người làm đạo đức là làm chánh trị trong tình thương, giáo dục và bảo tồn.” [3]
2. Cho thấy sự tương đương giữa những người cai trị một đất nước và những nhà lãnh đạo tôn giáo
Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Quyển Một, có in một thánh giáo của Đức Lý Thái Bạch là vị Giáo Tông Vô Vi của đạo Cao Đài, nội dung như sau:
“Quốc gia lấy công dân làm trọng. Tôn giáo lấy nhơn sanh làm trọng. Nếu muốn gầy dựng một quốc gia mà không có dân thì lấy ai mà chăn, trị? Trong tôn giáo không nhơn sanh thì dựa vào đâu mà chỉ độ kẻ tu?
Bởi vậy, tôn giáo và chúng sanh chỉ là một, chúng sanh được toàn thiện thì tôn giáo mới phát khởi nguồn Đạo; nhược bằng chúng sanh sai lạc thì tôn giáo chịu suy đồi.
Cũng chẳng khác một quốc gia, dân không làm tròn bổn phận, lại trên cùng dưới hại lẫn nhau, thì quốc gia làm sao thạnh vượng?
Bởi thế, dầu đạo hay đời, bao giờ cũng tôn trọng chúng sanh...” [4]
Chúng ta nên rút tỉa điều gì từ đoạn thánh giáo dẫn trên?
(a) Đối với giới lãnh đạo tôn giáo, xin đừng làm ngơ những lợi ích của con người, cả về vật chất lẫn tâm linh. Những giá trị nhân bản của bất kỳ một tôn giáo nào cũng không thể chỉ minh chứng được trong giáo điều, kinh sách. Sự minh chứng tốt nhất là cần thực hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
(b) Đối với nhà cầm quyền hay những người hoạch định chính sách quốc gia, xin ghi nhớ rằng tín đồ của bất kỳ một tôn giáo nào đang có mặt trên đất nước mình đều cũng là công dân của chính mình; vì vậy đừng phân biệt người dân có tôn giáo với người dân không tôn giáo. Hơn thế nữa, mỗi khi hoạch định hay thực thi chính sách đối với các tôn giáo, hãy nên thực sự công bình vô tư, chớ nên dành ưu tiên cho bất kỳ một tôn giáo nào cả.
Những gì trình bày trong mục (b) có phần nào gián tiếp liên hệ tới vấn đề thứ ba được ban tổ chức gợi ý thảo luận. Nhân tiện, tôi muốn mở một dấu ngoặc ở chỗ này:
Giữa thập niên 1990 trở về trước, sinh hoạt của đạo Cao Đài gặp nhiều khó khăn. Sau đó, trong những năm 1995-2000, nhiều chính sách nhà nước đối với đạo Cao Đài được thi hành và dần dần cải thiện tình trạng vừa nói. Chính sách đúng luôn luôn mang lại hiệu quả tốt, quả như thế.
Nhắc tới sự kiện này, tôi kỳ vọng rằng tất cả mọi tôn giáo đang có mặt trên quê hương chúng ta sẽ sớm hưởng được những điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa để giảm bớt thực trạng gay go của xã hội chúng ta hiện nay. Tại sao thế? Như chúng ta thường xuyên được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin, hầu như mọi ngóc ngách trong xã hội chúng ta hôm nay đều đang phải đối mặt với những thách thức đáng sợ khi mà phần đông người dân chúng ta đang hăm hở chạy theo các giá trị vật chất, quẳng đi không thương xót những chuẩn mực luân thường đạo lý cao quý của tổ tiên chúng ta. Bởi vậy, cái danh tiếng lâu đời của một đất nước yêu chuộng đạo lý hiện nay đang bị hủy hoại một cách thảm thương khi mà thậm chí nhiều người như thầy thuốc, nhà giáo dục lại bị công chúng chứng minh là những người “pharisêu”, những kẻ giả dối. Nơi đây tôi chỉ nêu ra thầy thuốc và nhà giáo dục nhưng tôi nghĩ rằng chính quý vị còn có thể kể ra nhiều hơn hai loại nghề nghiệp này.
Để chữa trị một xã hội còn nhiều vấn đề như xã hội chúng ta, quý vị có nghĩ rằng tôn giáo với bản chất nhân ái hãy nên được thêm nhiều cơ hội để thực thi tốt nhất vai trò của tôn giáo trong cuộc sống công chúng? Tôi không dám biến nơi này thành một bục rao giảng giáo lý Cao Đài, nhưng trước khi khép lại dấu ngoặc tôi xin đọc hai câu thơ của Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch:
Có sông mới đóng ra thuyền
Có người tội lỗi mới truyền pháp tu.[5]
III. THAY LỜI KẾT LUẬN
Hẳn nhiên tôi không phải là học giả về tôn giáo học, cũng chẳng phải là người có thẩm quyền về các vấn đề chính trị. Đơn giản tôi chỉ là một tín hữu Cao Đài bình thường. Hai chữ Cao Đài nghe ra thì quen quen mà tình thật thì vẫn cứ lạ lẫm, bởi lẽ để diễn giải bản thân tôn giáo mình, đạo của tôi hãy còn thiếu những sách khả tín viết bằng tiếng Việt và bằng ngoại ngữ. Do đó, hôm nay tôi rất hoan hỷ được kính biếu tất cả quý vị một số tập sách nho nhỏ (song ngữ Việt-Anh) tôi viết về đạo của mình. Tôi chân thành cảm ơn mọi người đã tiếp nhận món quà mọn của tôi để lưu dấu cuộc hội ngộ hôm nay giữa chúng ta. Một lần nữa, tôi đặc biệt cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội tốt để tới đây ngõ hầu học hỏi những ý tưởng xuất sắc của quý vị khi bàn về vấn đề thú vị này: tôn giáo trong đời sống công chúng.[6]
HUỆ KHẢI
29-12-2014






[1] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Mậu Thân - Kỷ Dậu 1968-1969. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 132.
[2] Sách đã dẫn, tr. 131.
[3] Sách đã dẫn, tr. 132.
[4] Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Quyển Một. Sài Gòn 1961, tr. 116. Đoạn dẫn trên có thể tìm thấy tại:
http://www.thienlybuutoa.org/Kinh/THHT1/THHT1-078.htm.
[5] Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông được tiếp nhận ngày 18-12-1948 trong một đàn cơ tại thánh thất Từ Quang (quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thánh thất này thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, có giáo sở trung ương đặt tại Đà Nẵng.
[6] Xem bản tiếng Anh bài tham luận này tại:
http://understandingcaodaism.blogspot.com/2016/02/p-11-religion-in-public-life-as.html