Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / VỀ NHÀ THÁNH / Huệ Khải


Sau mười bảy năm tôi mới có dịp trở về thánh thất Hà Nội. Gần hai giờ rưỡi chiều Chủ Nhật 28-12-2014, tôi đặt chân tới số 48 phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng. Cánh cửa sắt bề thế đóng kín, tôi nhận chuông. Chẳng phải đợi lâu, một đạo tỷ ra mở cổng mời tôi vào; sau mới biết chị là Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách Phòng Thơ của thánh thất. Tôi tự giới thiệu, và ngỏ lời muốn gặp hiền huynh Đầu Họ.
Trong lúc đứng chờ ở khoảnh sân gạch nhỏ, tôi đưa mắt nhìn lại khung cảnh thân thương. Mọi thứ đều ngăn nắp, khang trang, hầu như không có gì thay đổi về cấu trúc, ngoại trừ hai tấm bia đá lớn được đặt trang trọng trong sân vào năm 2011. Từ cổng bước vào, bên trái là bia lưu niệm Chánh Phối Sư Hương Bình, kế tiếp là một bàn thờ đá giống như kiểu bàn Thiên ở nông thôn miền Nam, rồi là tấm bia lưu niệm Đầu Sư Thượng Pho Thanh, lớn hơn bia tiền bối Hương Bình. Đứng ngắm hai tấm bia, tôi bồi hồi chạnh nhớ hai bậc chân tu đại hạnh mà thuở bình sinh đã luôn dành cho tôi rất nhiều tình cảm ưu ái, ngay từ khi tôi chân ướt chân ráo bước vào thánh thất này.
Tôi đi vào trong, nói chị Thu Hà hãy để tôi được tự nhiên như người nhà, rồi tôi một mình lên lầu đảnh lễ Đức Chí Tôn, sau đó trở xuống Báo Ân Từ hành lễ.
Bước ra khỏi Báo Ân Từ, tôi thấy hiền huynh Thượng Mai Thanh đang ngồi chờ ở đầu chiếc bàn dài. Đầu bàn kia, gần khung cửa đi vào Báo Ân Từ, chị Thu Hà cặm cụi làm tiếp công việc văn thư, giấy tờ của họ đạo.
Mười mấy năm dài gặp lại, anh em ôm chầm nhau mừng lắm. Rồi cười cười nói nói, hỏi han chuyện mới, nhắc nhau chuyện cũ… Thánh thất vẫn duy trì được nền nếp người xưa để lại, từ sinh hoạt nội bộ cho đến đạo sự liên giao bên ngoài. Hiền huynh Thượng Mai Thanh rành rọt kể tôi nghe về công việc tu học, hành đạo của quý anh chị hiện nay.
Đầu Họ Đạo kiêm Chánh Hội Trưởng là Lễ Sanh Thượng Mai Thanh (60 tuổi). Trong Ban Cai Quản còn có Phó Hội Trưởng là nữ Lễ Sanh Hương Sanh (67 tuổi).
Ban Trị Sự gồm bốn vị: Chánh Trị Sự là nữ Lễ Sanh Hương Chiến (78 tuổi). Phó Trị Sự nam là Lễ Sanh Ngọc Sáu Thanh (60 tuổi). Phó Trị Sự nữ là hiền tỷ Nguyễn Thị Minh Châu (sinh năm 1963). Thông Sự là nữ Lễ Sanh Hương An (65 tuổi).
Trực thuộc Ban cai Quản có bốn Phòng. Lễ Sanh Thượng Mai Thanh kiêm nhiệm đầu Phòng Lễ. Hiền tỷ Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1965) phụ trách Phòng Thơ. Hiền huynh Vũ Văn Hưng (sinh năm 1958) phụ trách Phòng Công. Hiền tỷ Lê Thị Hạnh (sinh năm 1958) phụ trách Phòng Lương.
Năm 2014 họ đạo có 99 tín hữu nam nữ. Các đại lễ thường có khoảng phân nửa số đó về thất. Hai ngày đàn lệ (sóc vọng) thì ít hơn, khoảng hơn 30 người.
Từ ngày Chị Lớn Chánh Phối Sư Hương Bình quy thiên (2010) tới nay, họ đạo có thêm hai tín đồ mới, đều là phái nam. Một vị tuổi hơn 40; vị khác tuy đã 60 tuổi nhưng rất sùng tín, siêng chăm về thánh thất cúng kính.
Hiền huynh Lễ Sanh Thượng Mai Thanh cho biết thêm:
- Hiện nay tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, có một thánh thất rất khang trang của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.
- Tại Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội có một thánh thất khác của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, đã khánh thành trọng thể ngày 05-4-2014.
- Tại thành phố Hải Phòng có thánh thất Hải Phòng (thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh), tại số 9/28 ngõ Chu Văn An, đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền.
- Tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, có một nhóm nhỏ tín hữu Cao Đài (thuộc hai Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo và Tây Ninh).
- Tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, có một nhóm nhỏ tín hữu Cao Đài thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo.
Hai nhóm nhỏ tín hữu ở Quảng Ninh chưa có thánh thất. Những lễ lớn, đạo hữu thuộc Hội Thánh nào thì về thánh thất của Hội Thánh mình ở Hà Nội để cúng kính.
Câu chuyện đạo giữa hai anh em dẫn đến sự kiện lễ kỷ niệm 90 năm tôn giáo Cao Đài, theo kế hoạch sẽ tổ chức tại thánh thất Hà Nội năm 2015.
Hiền huynh Thượng Mai Thanh vui vẻ hỏi tôi lúc ấy có về Hà Nội được chăng; tôi không dám chắc sẽ có cơ hội. Rồi tôi không khỏi chạnh nghĩ tới bản thảo Áo Trắng Hà Thành hoàn tất đã lâu. Giá mà in được năm ngàn bản sách này làm quà biếu mọi người khi ấy thì ắt cũng có ý nghĩa, bởi đây là tập sách viết về lịch sử thánh thất Hà Nội, về những tấm gương đạo đức sáng ngời của lớp người xưa đã hy sinh gầy dựng, gìn giữ và phát triển thánh thất Hà Nội. Trong đó tôi đã dành nhiều trang ghi chép hành trạng hai bậc Thiên Sứ Kỳ Ba là Đầu Sư Thượng Pho Thanh và Nữ Chánh Phối Sư Hương Bình.
Tôi hỏi thăm hiền huynh về việc trang bị kiến thức giáo lý căn bản cho tín hữu họ đạo. Hiền huynh tâm sự, nếu có vị nào trong Nam ra Hà Nội, và lưu trú luôn trong ba tháng, sáu tháng, hay nhiều hơn nữa, thì mới có thể sắp xếp, tạo điều kiện phù hợp cho tín hữu sở tại đến dự các buổi bồi dưỡng giáo lý thường xuyên và đều đặn.
Câu chuyện đã dài, tôi xin phép từ giã. Tình cờ lúc ấy hiền huynh Vũ Văn Hưng phụ trách Phòng Công vừa vào tới. Thế là anh em chào hỏi làm quen. Biết tôi đang tạm trú ở khu phố cổ Hà Nội, huynh Hưng sốt sắng bảo hãy để huynh chở giúp về đó.
Huynh Hưng cho xe vòng vèo qua các phố đông đúc. Mùa đông, ai ai cũng khoác áo ngự hàn. Xe đi chậm, nên dọc đường hai anh em dễ trao đổi thêm đôi chút về sinh hoạt của họ đạo Hà thành…

 HUỆ KHẢI