Đức Khổng
Tử nói: Ta mười lăm tuổi chí tâm
học tập; ba mươi tuổi thì noi theo lễ mà
hành động; bốn mươi tuổi không còn nghi ngờ; năm mươi tuổi biết mệnh Trời;
sáu mươi tuổi thì đã thuận mệnh Trời;
bảy mươi tuổi tùy ý mà làm nhưng không vượt ra ngoài phép tắc.[1]
Đó là Đức Khổng Tử nói về những thay đổi diễn ra trong đời
mình liên quan với các cảnh giới [2] mà Ngài sống. Khi nói ba mươi tuổi, bốn
mươi tuổi, năm mươi tuổi… chẳng qua là các mốc thời gian mà Ngài trải
qua; không nhất thiết phải là cứ mười năm thì cảnh giới của Ngài có một lần biến
đổi.
Chữ học trong
mười
lăm tuổi chí tâm học tập không phải là cái học thông thường. Ngài nói:
- Sáng sớm nghe Đạo,
chiều tối chết cũng cam lòng. (Luận Ngữ, 4:8)
- Kẻ sĩ lập chí học
Đạo mà còn xấu hổ vì áo xấu cơm thô thì chẳng đáng cùng ta nghị luận. (Luận
Ngữ, 4:9)
Cái học mà Đức Khổng Tử nói ở đây là học Đạo.
Cái học thông thường là để tăng gia tri thức, còn Đạo là cái nâng cao cảnh giới
của con người. Cái học thông thường là cái học trong câu nói của Đức Lão Tử (Đạo Đức Kinh, chương 48): Theo học
ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt.[3] Cái học ấy đối lập với Đạo.
Còn cái học mà Đức Khổng Tử và Nho Gia về sau nói, chính
là cái học về Đạo. Cái học về Đạo của Nho Gia tuy không nhất thiết ngày một bớt,
nhưng nó cũng khác với cái học thông thường. Tôi đã nói: Cảnh giới tự nhiên và
cảnh giới công lợi là quà tặng của tự nhiên; cảnh giới đạo đức và cảnh giới
thiên địa là sáng tạo tinh thần của con người. Con người muốn hiểu được hai cảnh
giới sau thì phải hiểu cái gọi là Đạo. Con người sống ở thế gian xem việc nghe
được Đạo là quan trọng nhất, nên Đức Khổng Tử nói:
- Sáng sớm nghe Đạo,
chiều tối chết cũng cam lòng.
- Kẻ sinh sau đáng
sợ. Làm sao chúng ta biết tương lai của họ sẽ chẳng bằng hiện tại của chúng ta?
Đến bốn mươi hay năm mươi tuổi mà họ chẳng nghe được Đạo, thì họ không đủ cho
chúng ta sợ nữa. (Luận Ngữ, 9:23)
Đức Khổng Tử ba mươi tuổi thì noi
theo lễ mà hành động. Ngài còn nói:
- Noi theo lễ mà
hành động (Lập ư lễ 立於禮).
- Không biết lễ, sẽ
không noi theo lễ mà hành động. (Luận
Ngữ, 20:3)
Lễ là chuẩn mực cho hành vi mà con người quy định, và lễ được xem là đại biểu cho nghĩa 義, là đại biểu
cho trung 中 trên phương diện đạo đức.
Chữ lập 立 ở đây nghĩa là noi theo lễ mà hành động.[4] Có thể noi theo lễ mà hành động, tức
là khắc kỷ phục lễ.
Phục lễ 復禮 tức là hễ cái gì phi lễ thì chẳng nhìn, chẳng nghe, chẳng nói, chẳng làm (Luận Ngữ, 12:1).
Khắc kỷ 克己 tức là khắc chế bản ngã, trừ khử tự
tư tự lợi.
Một kẻ sống trong cảnh giới công lợi thì hành vi của hắn
đều vì lợi ích bản thân. Đó là hạng tự tư tự lợi. Thực hành đạo đức thì trước
tiên phải trừ khử sự tự tư tự lợi. Do đó khi Nhan Uyên hỏi Đức Khổng Tử về nhân (nhân ái), Đức Khổng Tử đáp: Khắc kỷ phục lễ là nhân. (Luận Ngữ, 12:1)
Đức Khổng Tử bốn
mươi tuổi không còn nghi ngờ. Ngài còn nói: Người trí thì không còn nghi ngờ. (Luận Ngữ, 9:29)
Trí 智 tức là hiểu biết về nhân, nghĩa, lễ. Đức Khổng Tử ba mươi tuổi
đã noi theo lễ mà hành động. Lễ là đại
biểu của nghĩa. Có thể noi theo lễ tức là có thể hợp nghĩa. Nhưng hành vi hợp nghĩa chưa chắc là hành vi nghĩa. Do đó phải có thêm một bước nữa
tiến tới trí thì chúng ta mới có thể
hiểu biết trọn vẹn về nhân, nghĩa, lễ.
Hiểu trọn vẹn về lễ thì không còn nghi ngờ [bất hoặc]. Người trí và không còn nghi ngờ thì mới có thể có hành vi nhân và nghĩa chân chính. Cảnh giới của
người đó mới có thể là cảnh giới đạo đức. Đức
Khổng Tử học Đạo đến năm bốn mươi tuổi thì bắt đầu đạt tới cảnh giới đạo đức vậy.
Đức Khổng Tử nói: Có
những người, ta có thể cùng học với họ nhưng chưa chắc cùng họ học Đạo; có thể
cùng họ học Đạo nhưng chưa chắc cùng họ noi theo lễ mà hành động; có thể cùng họ
noi theo lễ mà hành động nhưng chưa chắc cùng họ quyền biến. (Luận Ngữ, 9:30)
Họ có thể noi theo lễ mà hành động nhưng chưa chắc đã hiểu
trọn vẹn về lễ. Không hiểu trọn vẹn về lễ thì không biết rằng sự quan trọng của lễ là tùy thời (lễ, thời
vi đại). Đức Mạnh Tử nói: Chấp trung mà
không quyền biến thì cũng như chấp nhất.[5]
Chấp trung tức là bám lấy một tiêu chuẩn chết
cứng, một biện pháp cố định để đối phó muôn hoàn cảnh khác nhau. Đức Mạnh Tử
nói: Bậc đại nhân khi nói không nhất thiết
cho rằng lời nói đáng tin, khi hành động không nhất thiết cho rằng hành động hiệu
quả, chỉ tùy hoàn cảnh mà nói và làm cho hợp nghĩa thôi. Ai đạt tới trình độ
trí tuệ không còn nghi ngờ thì mới có thể quyền biến. Đây là chỗ tiến bộ mà Đức
Khổng Tử đạt tới khi học Đạo.
Đức Khổng Tử năm
mươi tuổi biết mệnh Trời. Nhân, nghĩa, lễ đều là sự việc
thuộc phương diện xã hội. Tới giai đoạn này, Đức Khổng Tử biết ở trên xã hội là
Trời. Do đó cảnh giới của Ngài đã vượt lên trên cảnh giới đạo đức. Cái gọi là Thiên mệnh ở đây có thể giải thích là
các biến đổi của sự vật trong vũ trụ vượt ra ngoài sức người và sức người chẳng
thể can thiệp được. Đấy là ý nghĩa của mệnh mà Nho Gia sau này đã hiểu. Cái gọi
là Thiên mệnh ở đây cũng có thể giải
thích là mệnh lệnh của Thượng Đế. Đây dường như là ý nghĩa mà Đức Khổng Tử
dùng. Nếu quả như thế, thì điều mà Đức Khổng Tử gọi là tri Thiên mệnh có lẽ giống như từ tri Thiên (biết Trời) mà tôi dùng trong quyển Tân Nguyên Nhân.
Đức Khổng Tử bảy mươi tuổi tùy ý mà làm nhưng không vượt ra ngoài phép
tắc.
Trong quyển Tân Nguyên Nhân tôi đã
nói người sống trong cảnh giới đạo đức, làm việc đạo đức thì xuất phát từ sự lựa
chọn cân nhắc và cần phải cố gắng; còn người sống trong cảnh giới thiên địa,
làm việc đạo đức thì không nhất thiết xuất phát từ sự lựa chọn cân nhắc và
không cần phải cố gắng. Điều đó không có nghĩa là anh ta làm theo thói quen, mà
có nghĩa là anh ta đã hiểu biết cao. Đức Khổng Tử bảy mươi tuổi tùy ý mà làm nhưng không vượt ra ngoài phép
tắc, có lẽ vì đã đạt sự hiểu biết cao, chẳng suy tính mà vẫn được, chẳng gắng sức mà vẫn
trúng.[7] Trong quyển Tân Nguyên Nhân tôi gọi đó là lạc thiên 樂天
(vui với Trời).
[Nguồn: Phùng Hữu Lan 馮友蘭, Tân Nguyên Đạo (Tinh Thần Của Triết Học Trung Quốc), Lê Anh
Minh dịch, Nxb Đại Học Sư Phạm TpHCM, 2010.]
[1] Tử viết: Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập
nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ
thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ. (Luận Ngữ, 2:4) 子曰: 吾十有五而志於學, 三十而立, 四十而不惑, 五 十而知天命, 六十而耳順, 七十而從心所欲不踰矩.
[6] Lục thập nhi nhĩ thuận 六十而耳順. Câu này các học giả tiền bối căn cứ mặt chữ mà giảng nên
không thỏa đáng. Hư từ nhĩ 耳 tức là dạng rút gọn của nhi dĩ 而已 (mà thôi), trường hợp
rút gọn này cũng giống như chữ chư
諸 tức là chi ư 之於 hay chi hồ 之乎. Do đó câu này nguyên tác có người chép là lục thập nhĩ thuận 六十耳順, tức là lục thập
nhi dĩ thuận 六十而已順. Người đời sau không hiểu nhĩ tức là nhi dĩ, lại thấy
trước và sau đều có chữ nhi 而, nên mới chép thêm một chữ nhi nữa thành ra lục thập nhi
nhĩ thuận 六十而耳順. Đời sau hiểu nhĩ
耳 là lỗ tai, nên giải
thích sai. (Ở đây tôi giảng theo thuyết của tiên sinh Trầm Hữu Đỉnh
沈有鼎). Lục thập nhi dĩ
thuận (sáu mươi tuổi thì đã thuận), thuận tức là thuận mệnh Trời, tức là ý
nghĩa mà trong quyển Tân Nguyên Nhân
tôi gọi là sự thiên 事天 (phục vụ Trời).
------------
PHỤ CHÚ: CẢNH GIỚI
Theo
Phùng Hữu Lan, con người có bốn cảnh giới:
<1>
Cảnh giới tự nhiên (con người sống
theo bản tính hay tập quán tự nhiên).
<2>
Cảnh giới công lợi (con người sống
vì lợi ích cá nhân, vụ lợi riêng cho mình).
<3>
Cảnh giới đạo đức (con người sống vì
lợi ích của tha nhân, của cộng đồng).
<4>
Cảnh giới thiên địa (con người hiểu
được ý nghĩa của con người đối với vũ trụ, biết sống hợp nhất với vũ trụ).
Công dụng
của triết học (hay đạo học) là giúp con người chuyển hóa từ hai cảnh giới trước
sang hai cảnh giới sau, tức là nhằm sống đạo đức và hợp nhất với trời đất. [LAM]