Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / CHUYỆN XÂY THÁNH SỞ / Đọc báo


Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu có bài viết “Cụt Hứng” đăng trên tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1989, ra ngày 02-01-2015. Linh mục kể chuyện cũ:
Ngày xửa ngày xưa, khi mình còn là trẻ con, thì trong gia đình của mình chỉ có hai cuốn sách gối đầu giường, đó là cuốn “Sách Bổn”“Sách Kinh”. Các lớp giáo lý từ đồng ấu đến bô lão cũng chỉ đọc và học thuộc lòng hai cuốn sách ấy. Tuyệt nhiên chẳng ai biết Thánh Kinh là gì. Cũng chẳng ai biết thế nào là Cựu Ước và thế nào là Tân Ước.
Rồi linh mục kể sang chuyện nay:
Chuyện buồn ấy ngày nay đã lùi xa vào dĩ vãng. Thánh Kinh đã được xuất bản và tái xuất bản nhiều lần. Thánh Kinh được phổ biến tràn lan từ các lớp giáo lý cho tới giờ kinh tối trong các gia đình. Thật đáng mừng. Nhưng trong cái mừng ấy vẫn phảng phất một mối nghi ngờ. Nghi ngờ rằng: Các gia đình Công Giáo đã có Thánh Kinh hết chưa; khi có Thánh Kinh rồi, thì có đọc hằng ngày không?
Câu hỏi của linh mục thật ý nghĩa. Lâu nay, người ta vẫn hay than phiền rằng “văn hóa đọc” đang sa sút nhanh. Đó là nói bóng bảy. Nói thẳng thét thì thế này: Con người đang làm biếng đọc sách; tín đồ đang lười đọc kinh sách. Vì vậy, câu hỏi của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu không phải vô cớ. Và đây là câu trả lời, linh mục kể tiếp:
Điều mình nghi ngờ thì đã được làm sáng tỏ. Có một cha xứ đi thăm giáo dân. Vì có nhu cầu đột xuất, cha xứ bất ngờ hỏi ông chủ nhà:
- Có Thánh Kinh không?
- Dạ, có.
- Cho tôi mượn một cái.
Ông chủ nhà đi tìm mãi không thấy, bèn gãi tai:
- Xin lỗi cha. Không biết con để ở đâu…
Từ chuyện không siêng năng đọc kinh để thấu hiểu giáo lý, linh mục bắt sang chuyện tín đồ rất sốt sắng cất nhà thờ, ganh đua với nhà thờ bên giáo họ bạn sao cho to hơn, đẹp hơn. Để xây cất cho nguy nga thì cần nhiều tiền. Để có tiền thì phải đi xin các nơi; xin trong giáo họ mình không đủ thì lặn lội đi xin thêm ở bên ngoài giáo họ. Linh mục viết tiếp:
Rất nhiều người không có Thánh Kinh trong gia đình, thì không xấu hổ; nhưng nếu nhà thờ không có tháp chuông thì không chịu nổi. Một lần kia, ba ông đại diện của một giáo họ đến gặp mình. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu của Đức Giám Mục và bản vẽ nhà thờ, các ông vào đề:
- Nhà thờ giáo họ chúng con đã xây xong, chỉ còn thiếu hai cái tháp chuông. Xin cha giúp đỡ chúng con với.
- Họ đạo các ông có bao nhiêu giáo dân?
- Họ đạo chúng con có bốn trăm giáo dân.
- Có bốn trăm giáo dân mà xây nhà thờ lớn quá làm chi vậy?
- Thưa cha, không xây như thế, thì thua người ta sao.
- Các ông xem nhà thờ của tôi có tháp [chuông] đâu.
- Nhà thờ mà không có tháp [chuông], thì không phải là nhà thờ cha ạ.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu kết thúc câu chuyện ý nhị với niềm cảm thông và suy nghĩ như sau:
Câu nói ấy phát xuất từ một tâm hồn rất chân thành. Chân thành nghĩ như thế. Chân thành phát biểu như vậy. Cũng đáng trân trọng. Nhưng mình nghĩ thầm trong bụng: Có nên tiếp tục nghĩ như thế nữa không? Và mình cũng tự hỏi: Họ đạo ấy đã có Thánh Kinh và thường xuyên đọc Thánh Kinh trong gia đình chưa? Nếu chưa có Thánh Kinh trong mỗi gia đình, thì đừng quên rằng với số tiền xây hai ngọn tháp ấy người ta có thể mua được mười mấy ngàn cuốn Tân Ước đấy.
*
Chuyện dẫn lại trên đây xảy ra bên Công Giáo, nhưng trong đạo Cao Đài cũng chẳng khác hơn. Những năm vừa qua nhiều họ đạo các nơi rộ lên xây thánh thất, thánh tịnh cho to lớn, nguy nga mặc dù số tín hữu sở tại vốn không nhiều, hai ngày sóc vọng tới cúng đàn lệ chỉ độ dăm ba chục, mà phần lớn là người cao tuổi và phụ nữ. Thiếu tiền nhưng vẫn quyết tâm cất cho to, vì quý vị thường suy nghĩ như sau: Một lần cất là một lần khó. Cứ cất cho to rồi sau này tín đồ có tăng lên sẽ khỏi phải cơi nới thêm.
Cùng một địa phương mà lắm khi có hai thánh sở thuộc hai Hội Thánh Cao Đài khác nhau. Sự ganh đua bề thế vì vậy ắt không tránh khỏi. Một số nơi cất dang dở thì cạn tiền, hoặc tạm xong phần thô thì nợ nần chồng chất... Các vị có trách nhiệm “chạy” tiền đem về cho thánh sở phải bôn ba từ tỉnh này sang tỉnh khác rất vất vả mà kết quả thu được chẳng được dồi dào. Bởi lẽ phần lớn đạo hữu các nơi đều không giàu, mà “bị” xin tiền nhiều quá, khả năng đóng góp đành hạn hẹp.
Nhưng trái lại, sinh hoạt giáo lý tại các thánh sở Cao Đài phần đông rất yếu, nhiều nơi không làm đúng theo Tân Luật (Đạo Pháp, Chương III, Điều Thứ Mười Chín): “Một tháng hai ngày sóc vọng, bổn đạo phải tựu lại thánh thất sở tại mà làm lễ và nghe dạy.” Nghe dạy tức là được nghe thuyết đạo, thuyết minh giáo lý.
Bởi thế, nhiều nơi tín đồ thường xuyên không được học đạo; dù nhập môn nhiều năm mà vẫn không hiểu được lý lẽ sâu xa, huyền nhiệm của mối đạo Kỳ Ba vào thời đại ân xá. Vì không hiểu giáo lý, tín đồ dễ phai lạt đức tin, rồi dễ bị “rù quến” mà bỏ sang tôn giáo khác.
Năm 2014, ở một họ đạo thuộc một huyện trong tỉnh B.T. cũng vì yếu kém về mặt giảng dạy, học tập giáo lý nên đã xảy ra chuyện đáng tiếc như sau:
Một nhóm tín đồ tôn giáo khác rù rì, to nhỏ với số tín đồ Cao Đài nơi ấy rằng tu với ông một mắt thì làm sao bằng tu với ông hai mắt. Thấy… “có lý” (!) nên một số tín hữu đã cải đạo, bỏ sang tôn giáo của “ông hai mắt”.
Khi bị rủ ren cải đạo, có người còn biết sợ nên nói: Hồi nhập môn Cao Đài tôi lỡ thề nếu sau có lòng hai thì thiên tru địa lục. Nếu bỏ qua đạo khác thì… Người kia liền hiên ngang ngắt lời, dũng cảm cam kết: Nhằm nhò gì! Tôi sẽ nhận lãnh hết mọi hậu quả. Có tru lục thì tru lục tôi nè!
*
Chúng ta hiểu rằng việc xây dựng thánh sở cho khang trang là để bổn đạo có nơi thờ Thầy và tu học được tốt đẹp. Tuy nhiên, ước mong sao việc xây dựng ấy được hợp lý, hợp hoàn cảnh, đúng như lời Đức Chí Tôn khuyên nhủ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, ngày 13-02-1926):
Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi
Sang hèn trối mặc tâm là quý
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.
Xây dựng thánh đường nội tâm cho vững chắc thì giá trị còn hơn hẳn thánh sở vật chất bên ngoài. Để có thánh đường nội tâm thì phải tổ chức giảng dạy và học hỏi giáo lý cho thông suốt. Và chúng ta ước mong việc giảng dạy, học tập giáo lý nơi thánh sở cần được quan tâm đúng mức, nên là ưu tiên so với mọi sinh hoạt khác của họ đạo.
Trong trường hợp họ đạo không đủ sức và thiếu người gánh vác việc thuyết giảng, thì nên mời người có khả năng ở nơi khác đến hướng dẫn trong thời gian đầu, đồng thời từng bước gầy dựng nhân sự cho họ đạo để tương lai sẽ có nhân sự tiếp nối.
Bổn đạo hiện nay rất khao khát giáo lý. Do đó, họ đạo A nếu tổ chức được thuyết minh giáo lý thì nên thông báo và mời họ đạo B, C… lân cận đến tham dự, để tăng số lượng thính giả, khiến cho bầu khí học đạo thêm sôi nổi, hăng hái. Sau đó, đến lần khác thì tổ chức tại họ đạo B, và mời họ đạo A, C… tham dự. Cứ sắp sẵn lịch luân phiên như thế, vừa tạo nên sinh khí tu học cho các nơi, vừa thắt chặt thêm tình đạo mạch giữa con cái Đức Chí Tôn, Đức Mẹ.
Bên cạnh việc thuyết đạo, có thể tổ chức đọc sách và thảo luận để mọi người cùng tham gia ý kiến, học hỏi lẫn nhau. Hiện nay nguồn sách từ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo có thể nói là phong phú, đủ hiến tặng các nơi miễn phí. Chỉ cần lập tủ sách tại thánh sở, và phát tặng tín đồ, lên lịch phân công và phân chia bài trong các sách là có thể thực hiện dễ dàng. (Nên mời người có trình độ giáo lý làm chủ tọa để đúc kết ý kiến sau cùng.)
Năm mới, mong ước họ đạo các nơi sẽ đổi mới như thế.
NGƯỜI TÍN HỮU KỲ BA
Không có người bạn nào trung thành bằng một quyển sách.
There is no friend as loyal as a book.
ERNEST HEMINGWAY (nhà văn Mỹ, 1899-1961)