Tây phương phân loại sách theo: triết học, văn học, kinh tế,
tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự, v.v... Nhưng cách phân loại truyền thống
của Trung Quốc thì khác, thư tịch cổ điển của Trung Quốc được phân làm bốn
loại: kinh, sử, tử, tập.
Kinh gồm các sách xưa ghi chép lời thánh
nhân nói. Sử gồm các sách về lịch sử
Trung Quốc. Tử gồm các sách của các
triết gia (chư tử) viết hoặc do học trò của họ chép lại. Tập gồm các sách văn học (thi tập, văn tập).
Trong bốn loại, kinh đứng hàng đầu. Các triết gia (chư tử) có nhiều nhà
(gia) hay môn phái, thường gọi chung là bách
gia (trăm nhà). Gọi họ là nhà, bởi họ là những tư nhân đứng ra giảng
thuyết. Tư Mã Đàm [1] chia chư tử của thời cổ đại làm sáu
nhà: Âm Dương Gia, Nho Gia, Mặc Gia, Danh Gia, Pháp Gia, Đạo Gia. Lưu Hâm, còn
thêm vào bốn nhà nữa: Nông Gia, Tung Hoành Gia, Tạp Gia, Tiểu Thuyết Gia. Tổng
cộng là mười nhà (thập gia).
Trước đời Tần, các học thuyết tư tưởng và triết học phát đạt nhờ tự do
ngôn luận và tư tưởng, cho nên thời này được gọi là thời Tử Học. Thời Tử Học kết thúc vào cuối thời Chiến Quốc, tức là khi
Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 TCN. Tần Thủy Hoàng và Lý Tư muốn thống nhất tư tưởng, nên năm 213 TCN ra lệnh đốt sách, cấm cất chứa Thi, Thư, và sách vở của trăm nhà. Sử
gọi sự kiện này là “phần thư, khanh nho”
(đốt sách, chôn nho sĩ).
Dưới chế độ khắc nghiệt của nhà Tần, không có tự do tư tưởng ngôn luận;
học thuật bị trở ngại nên không phát triển được. Nhưng nhà Tần mất rất nhanh,
chưa kịp gây ảnh hưởng lớn. Cho nên đầu đời Hán các học phái vẫn còn thịnh. Đời
Hán Văn Đế (cai trị 202-157 TCN), sách trong thiên hạ vốn chưa bị vua Tần đốt
mất dần xuất hiện, đều là học thuyết truyền lại của chư tử. Triều đình mở rộng
chức học quan, đặt chức quan bác sĩ để dạy các học thuyết này.
Khoảng năm 136 TCN, Đổng Trọng Thư (179?-104? TCN) dâng sớ lên Hán Vũ Đế
(cai trị 140-87 TCN), xin thống nhất tư tưởng. Hễ những gì không phải học thuật
của Khổng Tử thì cứ diệt hết, không cho bành trướng. Những tà thuyết dứt rồi
thì mới có thống nhất, pháp độ mới rõ ràng, dân mới biết chỗ nên theo. Chủ
trương của Đổng Trọng Thư là độc tôn Nho học, bãi bỏ bách gia.
Các gia (nhà) đều có kinh của môn phái mình, như Mặc Gia có Mặc Kinh, Đạo
Gia có Đạo Kinh, v.v... Khi chủ trương độc tôn Nho học của Đổng Trọng Thư được
thi hành, kinh thường được hiểu là kinh điển của Nho Gia. Kinh cô đọng khó hiểu
nên có phần chú (chú thích); rồi phần
chú cũng khó hiểu, lại có thêm phần sớ để
giải thích phần chú. Ngoài phần chú
và sớ, một số kinh có thêm phần giảng giải rộng ra, gọi là truyện, như Dịch Kinh có Dịch Truyện.
Kinh điển Nho Gia rất nhiều, trước đời Hán đã có lục kinh, gồm: Dịch Kinh, Thư Kinh, Lễ Ký, Thi Kinh, Xuân
Thu, Nhạc Kinh. Đó là sáu môn học mà Nho Gia đem ra giảng dạy cho mọi người.
Thiên Thiên Hạ trong sách Trang Tử tóm tắt: “Thi để nói ý chí, Thư để nói sự việc, Lễ để
nói hành vi, Nhạc để nói sự hài hoà, Dịch để nói Âm Dương, Xuân Thu để nói danh phận.”
Cái học về Lục Kinh gọi là Kinh Học.
Nhạc Kinh bị mất trong nạn lửa Tần, cho
nên Lục Kinh còn lại Ngũ Kinh: Dịch Kinh,
Thư Kinh, Lễ Ký, Thi Kinh, Xuân Thu.
Từ đời Hán, Kinh Học phát triển với mười ba kinh, gọi là Thập Tam Kinh:
1. Dịch Kinh
2. Thư Kinh (cũng gọi là Thượng Thư)
3. Thi Kinh
4. Chu Lễ
5. Nghi Lễ
6. Lễ Ký (bao gồm hai chương Đại Học và Trung Dung)
7. Xuân Thu Tả Thị Truyện
8. Xuân Thu Công Dương Truyện
9. Xuân Thu Cốc Lương Truyện
10. Luận Ngữ
11. Hiếu Kinh
12. Nhĩ Nhã (tự điển rất cổ)
13. Mạnh Tử
Đời Tống, Chu Hy (1130-1200) lấy Luận Ngữ, Mạnh Tử,
cùng với hai chương Đại Học và Trung Dung trong Lễ Ký, gom thành bộ sách bốn cuốn có uy quyền rất lớn, gọi là Tứ Thư. Thư nghĩa là sách. Trong Tứ Thư,
Luận Ngữ, Mạnh Tử được xem là sách (thư), nhưng trong Thập Tam Kinh thì được
xem là kinh. Còn Đại Học và Trung Dung vốn
là hai chương của Lễ Ký được tách ra, nâng lên làm sách (thư).Trong mười ba kinh này, một kinh Xuân
Thu có ba nhà giảng giải (Tả Khâu Minh, Công Dương Cao, Cốc Lương Xích),
gọi là Xuân Thu Tam Truyện. Cho nên
tính cho đúng, chỉ có mười một kinh thôi. Xin đọc thêm bài “Kinh Xuân Thu là kinh gì?” đã in trong Đại Đạo Văn Uyển (tập Nguyên [9], quý Một
2014, tr. 149).
Khi nói đến kinh điển Nho Gia, người ta thường nói là Tứ Thư Ngũ Kinh, hoặc gộp chung là Cửu Kinh (chín kinh): Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung, Dịch
Kinh, Thư Kinh, Lễ Ký, Thi Kinh, Xuân Thu. Tóm lại, kinh và thư không khác gì nhau, do đó mà có tên gọi Cửu Kinh.
LÊ ANH MINH
[1] Tư
Mã Đàm (?-110 trước Công Nguyên), là nhà sử học đầu thời Tây Hán.
Ông là cha của sử gia Tư Mã Thiên (145
TCN-86 TCN). [Văn Uyển chú]
Hãy sống như thể ngày mai
bạn phải chết. Hãy học như thể bạn phải sống đời đời.
Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live
forever.
MAHATMA GANDHI (Á Thánh Ấn Độ, 1869-1948)