Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / TÁC ĐỘNG TÔN GIÁO TỚI Ý THỨC VÀ HÀNH VI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ Ở TÂY NGUYÊN

NGÔ QUỐC ĐÔNG [1]
Trước tiên, bài viết này khảo sát quan điểm cơ bản của một số tôn giáo về môi trường. Tiếp đến, bài viết muốn đề cập xem liệu các luân lý về môi trường trong các tôn giáo trên thực tế có tác động tới nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường của người tín đồ hay không? Phần này dựa trên một cuộc khảo sát xã hội học của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo năm 2013 ở địa bàn Tây Nguyên. Cuối cùng, bài viết nêu một số vấn đề đặt ra của mối quan hệ tôn giáo với môi trường hiện nay cũng như cách nhìn nhận về mối quan hệ đó.[2]


1. Quan điểm của các tôn giáo về môi trường
Công Giáo
Nền tảng Kinh Thánh: Quan điểm của Công Giáo về môi trường dựa trên nên tảng cơ bản là Kinh Thánh. Cơ sở của quan điểm này xuất phát từ sách Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh Cựu Ước. Theo thế giới quan Kitô Giáo, Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ và vạn vật, trong đó thiên nhiên và con người là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tạo nên mọi vật và nhìn nhận mọi thứ mình tạo ra ban đầu đều tốt đẹp.[3] Cuộc sáng tạo đó, Thiên Chúa đặt con người là trung tâm của vạn vật, và duy nhất con người được Chúa tạo ra theo hình ảnh của Chúa. Chúa giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thế giới tự nhiên, bắt họ chăm lo sao cho tự nhiên hài hòa và phát triển.[4]
Như vậy thiên nhiên và con người có tương quan liên hệ mật thiết với Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Sự liên hệ này đòi hỏi người tín đồ Công Giáo phải có một thái độ ứng xử với môi trường một cách hài hòa để có một tương quan tốt với sản phẩm sáng tạo của Thiên Chúa, đồng thời cũng làm tròn trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó cho con người là trông coi khu Vườn Địa Đàng của Người để “cày cấy và canh giữ đất đai”.[5] Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và trao cho con người quyền canh tác bảo vệ chứ chưa bao giờ cho con người quyền thống trị và phá hủy nó.
Người ta cũng đã lật lại những trang Kinh Thánh để chứng minh rằng Kitô Giáo không hề cho phép con người phá hủy thiên nhiên. Chẳng hạn trong Cựu Ước, sách Lêvi đã buộc sau bảy năm thì phải ngưng việc canh tác trên cùng một mảnh đất đai gọi là năm Sabát.[6] Sách Sáng Thế Ký nói tới việc con người phải “săn sóc đất đai” [7] chứ không phải là khai thác bừa bãi.
Tuy nhiên, trước khi đặt vấn đề Giáo Hội phải có trách nhiệm với môi trường, thì cũng có quan điểm cho rằng: “Vào cuối thế kỷ 20, các phong trào sinh thái tố cáo Kitô Giáo đã gây ra sự tàn phá vũ trụ. Theo họ, các tín đồ Kitô Giáo coi việc khai thác thiên nhiên và việc sinh sản như là mệnh lệnh của Chúa; vì vậy mà họ phải chịu trách nhiệm trước những sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên và sức sống. Cần phải thay thế não trạng khai thác thiên nhiên bằng não trạng kính cẩn hòa đồng với thiên nhiên.” [8]
Một số người Công Giáo cũng thừa nhận niềm tin này của người Công Giáo là một trong những nguyên nhân của khủng hoảng môi sinh (môi trường) hiện thời, vì nó cổ vũ cho việc thiên nhiên tồn tại là nhằm phục vụ con người.([9])
Nhìn chung, phía Công Giáo cho rằng, sở dĩ có hiện trạng này là vì con người đã hiểu sai ý định của Thiên Chúa nói (phán) với con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bỏ trên mặt đất.” [10]
Quan điểm của giáo hội: Các văn kiện của Giáo Hội Công Giáo chính thức đặt ra vấn đề ứng xử của con người môi trường từ sau Công Đồng Vatican II. Khi đó, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã dẫn đến những phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững làm ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng, cộng với gia tăng dân số, nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các cường quốc có nguy cơ hủy hoại môi trường [11] nên Giáo Hội đã có những quan điểm xét lại ứng xử của con người với môi trường trên nền tảng Thánh Kinh và từ những hiện trạng thực tế của bối cảnh. Về cơ bản có một số điểm như sau:
- Khẳng định sự vươn lên về trí tuệ của con người qua các thành tựu khoa học. Nhờ đó con người đã mở rộng quyền làm chủ của mình với thiên nhiên. Đấy là dấu hiệu ban ơn của Tạo Hóa. Những luận điểm này muốn diễn tả Giáo Hội không chống đối lại khoa học. Hoạt động này của con người phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, được chia sẻ trí khôn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi quyền uy của con người càng lớn thì trách nhiệm của con người dù cấp độ cá nhân hay cộng đồng càng đòi hỏi cao.[12]
- Các quan điểm của Giáo Hội cũng nhấn mạnh tới việc tương thích giữa động cơ mục đích khoa học với các vấn đề luân lý đạo đức, mục đích là phục vụ nhân loại, tôn trọng con người, tôn trọng các sinh vật khác.[13] Mỗi khi hành động phải xét tới mối liên hệ con người với môi trường và tự nhiên theo như sự sắp đặt một cách hệ thống của Thiên Chúa. Giáo huấn cũng đã nêu ra tính hai mặt của vấn đề phát triển là sản phẩm làm ra và hậu quả để lại. “Bây giờ đã rõ ràng rằng việc ứng dụng các khám phá mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả tai hại và lâu dài. Từ đó chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực hệ thống sinh thái mà không chú ý đủ tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai.” [14]
- Mọi hành động của con người với thiên nhiên và môi trường đều phải quy hướng về Thiên Chúa theo nghĩa thiên nhiên vốn là quà tặng Chúa ban cho con người, nên không vì động cơ cá nhân khai thác cạn kiệt tùy ý theo chủ quan của con người. Làm như vậy con người không phải đang cộng tác với Chúa cai quản thế giới thụ tạo như ý định ban đầu của Người mà đã tự mình tỏ ra khôn ngoan vượt trên Thiên Chúa, rốt cục sẽ bị thiên nhiên phản lại.[15]
- Các giáo huấn của Giáo Hội cũng nêu lên một hiện trạng gọi là khủng hoảng quan hệ giữa con người và môi trường. Nguyên nhân của tình trạng này là do tham vọng của con người muốn cai trị, thống lĩnh mọi vật, bất chấp luân lý hoặc do chủ nghĩa duy khoa học, duy ý thức hệ, duy kỹ thuật đã chi phối các nghiên cứu khoa học. Đồng thời Giáo Hội cũng phê phán cả thái độ độc tôn sinh thái đặt nó lên trên cả nhân phẩm con người. Sự nhìn nhận con người bỏ qua chiều kích tôn giáo sẽ dẫn đến việc tách rời giữa con người và thiên nhiên là những hữu thể độc lập, làm cho con người xa lạ với tự nhiên. Do đó cần đặt lại mối quan hệ con người - thiên nhiên - Thiên Chúa để tìm lại ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Và khuyến nghị được huấn quyền đưa ra là phải biết kết hợp “các khả năng khoa học mới mẻ với đạo đức lành mạnh” thì con người mới có được môi trường bền vững, loại bỏ được các nguyên nhân ô nhiễm.[16]
Nhìn chung, quan niệm về môi trường theo quan điểm Công Giáo là quy hướng về Thiên Chúa. Thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại, chứ không phải cho một lớp người. Con người được sử dụng trí khôn để chinh phục thiên nhiên phục vụ con người nhưng không được phá hủy nó. Sự hủy hoại đó là trái với ý định của Thiên Chúa.
 Tin Lành
Theo một số tài liệu thần học [17] và qua trao đổi, tiếp xúc với một số chức sắc Tin Lành, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu này chưa thấy phía Tin Lành chủ trương một xu hướng thần học triển khai riêng biệt về việc bảo vệ môi trường như Công Giáo. Dù vậy, qua việc trao đổi, tiếp xúc với một số chức sắc cho thấy quan niệm về bảo vệ môi trường của Tin Lành xuất phát từ Kinh Thánh như Công Giáo, cho rằng thiên nhiên cây cỏ, tạo vật do Thiên Chúa sáng tạo, nên con người phải biết tôn trọng và bảo vệ. Một số chi hội Tin Lành ở Tây Nguyên có các hoạt động vệ sinh môi trường.[18]
Tuy nhiên, nền tảng nảy sinh các hoạt động vệ sinh, bảo vệ môi trường của Tin Lành lại xuất phát từ quan niệm về việc bảo vệ sức khỏe cho con người. Theo quan niệm Kinh Thánh thì con người cần phải khỏe mạnh tráng kiện như chính Chúa Giêsu. Con người là thân thể của Chúa nên phải biết bảo vệ, gìn giữ nó cùng với môi trường sống xung quanh.[19]
Việc liên quan đến bảo vệ môi trường của người tín đồ Tin Lành còn xuất phát từ luật vệ sinh ăn uống được dạy trong Kinh Thánh. Ở đó có quy định không được ăn huyết, uống huyết vì đó là nguồn gốc của mọi mầm bệnh. Cá biệt có những hội thánh như Nhân Chứng Giêhôva còn cấm kỵ việc truyền máu.[20] Một số hội thánh như Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam hết sức chú ý khắt khe trong các luật vệ sinh ăn uống.[21] Họ căn cứ vào các chỉ dạy trong sách Lêvi của Cựu Ước để thực hiện chế độ vệ sinh ăn uống với các tín đồ. Trong đó quy định chi tiết các loại động vật thanh sạch hay ô uế mà mọi người nên tránh hay được ăn. Chẳng hạn: “Các ngươi được ăn những loại vật nào có móng chẻ ra và nhai lại. Một số con vật chỉ có móng chẻ ra hoặc chi nhai lại thì các ngươi không được ăn…” [22]
Nhìn chung, các cách quan niệm về môi trường theo Tin Lành cũng như Công Giáo đều quan niệm môi trường như một tập hợp các hệ thống tự nhiên mà theo đức tin tôn giáo của họ là do Chúa sáng tạo ra và con người có mối quan hệ khăng khít với hệ thống khách thể tự nhiên đó. Con người và thiên nhiên cùng một nguồn gốc. Đây là cách quan niệm môi trường xuất phát từ thế giới quan tôn giáo. Trong quan niệm này, về mặt sức khỏe, theo đạo Tin Lành thì con người xã hội được xem như phụ thuộc chặt chẽ vào một số yếu tố của tự nhiên, đặc biệt là việc ăn uống để tránh mầm bệnh, qua đó kiện toàn sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Cách tiếp cận này xem xét yếu tố sức khỏe và sự sống là trung tâm. “Khi con người có một thể chất tốt thì sẽ có một đời sống thuộc linh tốt.” [23]
Cũng cần thấy rằng, việc đạo Tin Lành quan tâm tới vấn đề vệ sinh môi trường xét từ tính chất hiện đại của tôn giáo này, rất hợp với tác phong của lối sống hiện đại, văn minh và tác phong công nghiệp. Mặt khác, các đăng ký sinh hoạt ở điểm nhóm bao giờ cũng kèm theo yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường. Điều này kết hợp với ý thức của người tín đồ được răn dạy thành nền nếp cũng đã định hình trong các hành vi cá nhân họ các ý thức về vệ sinh công cộng.
Một số hội thánh như Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam khi tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội ở vùng các đồng bào nghèo, việc chú ý đầu tiên của Hội Thánh này là xây dựng các nhà vệ sinh cho các gia đình tín đồ.[24]
Phật Giáo
Theo Hòa Thượng Thích Trí Quảng thì việc con người ngày nay đặt ra cấp thiết bảo vệ môi trường đã được Đức Phật đề cập từ hơn hai ngàn năm trước.[25]
Ngày nay trong bối cảnh hiện đại hóa, bảo vệ môi trường càng được Phật Giáo xem trọng bởi nó gắn với triết lý con người gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Mối quan hệ này được đặt trong một triết lý của Phật Giáo là nhân - quả, cái này sinh ra cái kia, có liên hệ mật thiết với các kia. Mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia; và ngược lại, sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác (duyên khởi). Từ đó Phật Giáo đặt ra con người phải tôn trọng thiên nhiên, tránh xúc phạm tới thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên để rồi sẽ lãnh nhận những hậu quả không tốt về môi trường và đó là hệ quả do hành động con người tạo ra.
Quan điểm Phật Giáo cũng cho rằng do con người là một chỉnh thể thống nhất với tự nhiên, do đó bảo vệ môi trường trước tiên là điều chỉnh từ chính hành vi con người. Từ tư tưởng điều chỉnh hành vi sẽ đưa con người không phạm luật, không có hành động tàn phá môi sinh (môi trường). Nhìn chung, triết lý này có động thái ngăn ngừa từ gốc, từ trong tư tưởng của con người mà ở đó người ta có thể làm điều có hại với môi trường hay bảo vệ môi trường. “Theo tinh thần Hoa Nghiêm, thân ngũ uẩn của con người cũng gắn liền với cả vũ trụ bao la. Vì thế, chinh phục được thân này là chinh phục được cả vũ trụ.” [26]
Khác với Công Giáo, vũ trụ vạn vật và con người là do Thiên Chúa sáng tạo. Phật Giáo đã đặt tâm điểm việc bảo vệ môi trường từ nhân sinh quan, thế giới quan trong tương quan với nhân sinh quan con người, nên triết lý Phật Giáo đã giải thích môi trường, bảo vệ môi trường từ góc độ chủ quan (bản thể luận) của con người. “Khi chúng ta biết thương và giúp đỡ nhau, xã hội này chắc chắn được an lạc. Đừng bao giờ làm một thành phần bị sụp đổ; vì ngũ uẩn của chúng ta là thể thống nhất chung của muôn loài, của xã hội, của vũ trụ, của con người. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói rằng từ ngũ uẩn hiện ra quốc độ và chúng sinh. Quốc độ là gì? Quốc độ là thế giới, là chỗ cho chúng sinh nương tựa, tồn tại. Không có quốc độ, chúng sinh không tồn tại được. Từ ngũ uẩn hiện ra quốc độ, cho nên Phật coi quốc độ và ngũ uẩn đều là thân của Phật. Hiểu như vậy, chúng ta coi sơn hà đại địa là thân của chúng ta. Cho nên, bảo vệ môi trường sống cũng là bảo vệ Phật, vì môi trường sống chính là sinh mệnh của Phật và sinh mệnh của chúng ta cũng nhờ đây mà tồn tại.” [27]
 Hòa Thượng Thích Tâm Pháp cho rằng: “Trong lịch sử của nhân loại, chưa bao giờ con người thành công rực rỡ trong việc chinh phục thiên nhiên, nhưng cũng chưa bao giờ con người gánh chịu nhiều thiên tai, hiểm họa như ngày nay. Đây là một tiến trình xảy ra tương ứng theo lý duyên khởi của Phật Giáo.” Vị Hòa Thượng luận chứng việc bảo vệ môi trường là một việc được đạo pháp nhà Phật khuyến khích: “Đức Phật ra đời và thành đạo không gì hơn là vì lòng thương tưởng đến chúng sanh đang khổ đau do ba độc tham, sân, si hoành hành. Do lòng tham muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất, con người phải chịu nhiều thảm họa khổ đau. Muốn chấm dứt đau khổ, con người phải sống đúng theo chánh pháp, tức sống theo quy luật tự nhiên hay luật nhân duyên sanh khởi. Theo quy luật này, con người, loài vật, cỏ cây cùng tồn tại trong mối liên hệ hỗ tương và tùy thuộc lẫn nhau. Thiên nhiên cung cấp môi trường sống cho loài người và động vật. Ngược lại, loài người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên để giữ môi trường trong sạch và cân bằng sinh thái.” [28]
Nguyên tắc trong triết lý Phật Giáo liên quan đến môi trường đó là lòng từ bi và tránh gây hại.[29] Theo quan điểm Phật Giáo, mọi loài sinh ra đều mang trong mình sự sống và vì vậy, đều cần được tôn trọng và bảo vệ. Đức Phật giáo hóa cho hàng đệ tử về giới cấm, một trong số đó là vấn đề cấm sát sinh. Ngoài nội dung giáo dục mang tư tưởng nhân đạo, tôn trọng sự sống muôn loài, thì giới cấm sát sinh trong đạo Phật cũng giúp việc giải quyết vấn đề môi trường, đó là bởi vì việc sát sinh nhằm phục vụ các nhu cầu của con người sẽ dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp đến sự sống của con người. Thay vì sát sinh, Phật Giáo đề cao sự phóng sinh, chỉ trích hiến tế bằng súc vật.[30]
Ngoài ra vấn đề ăn chay của tăng ni, Phật tử cũng là một giải pháp hữu ích đối với vấn đề môi trường. Ngoài những tác dụng với con người về mặt sức khỏe đã được chứng minh, việc thực hành ăn chay cũng đem lại những tác dụng thiết thực cho vấn đề môi trường, giúp cải tạo và cân bằng môi trường sống. Việc hạn chế và không sử dụng những sản phẩm từ động vật sẽ giúp một số loài tránh khỏi nguy cơ diệt chủng, vĩnh viễn không còn tồn tại trên thế giới. Việc chủ trương ăn chay không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người phát tâm thực hiện, tạo chuyển biến trong suy nghĩ của mọi người về vấn đề môi trường và việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.[31]
Nhìn chung, cách quan niệm về môi trường của Phật Giáo xuất phát từ chuỗi nhân quả của sự tồn tại vạn vật đều có duyên cớ của nó, cái này là mắt xích để cái kia tồn tại. Nói cách khác Phật Giáo quan niệm môi trường là một chính thể thống nhất giữa con người và thiên nhiên. Trong đó nhân tố con người là điểm mấu chốt cân bằng mọi thứ, đồng thời cũng là tâm điểm có thể gây hủy hoại môi trường. Do đó bảo vệ môi trường phải đi từ điều chỉnh nội tâm con người bằng Phật pháp để họ tránh được vô minh, không phạm vào các giới luật gây mất cân bằng sinh thái. Bảo vệ môi trường phải bắt nguồn từ thay đổi con người. Cơ sở của Phật Giáo nhìn nhận về môi trường là nhấn mạnh tới yếu tố đạo đức sinh thái. Những phẩm chất như từ bi, phi bạo lực, minh triết sẽ thúc đẩy sự quan tâm của Phật Giáo với môi trường. Phật Giáo tương tác với môi trường từ các quy định đạo đức của chính tôn giáo này.
Tóm lại, điểm chung giữa các quan niệm tôn giáo về môi trường là đều lấy con người là trung tâm để xem xét mối quan hệ với môi trường. Trong đó con người không tách biệt với môi trường mà theo từng giáo lý của các tôn giáo, họ đều có liên quan đến môi trường trong tương quan với thế giới thiêng hay các giới luật của từng tôn giáo. Bảo vệ môi trường phải xuất phát từ giáo hóa con người qua các nguyên tắc luân lý - đạo đức của từng tôn giáo.
Tuy nhiên giữa các tôn giáo cũng có mức độ ảnh hưởng đến hành động về môi trường khác nhau. Chẳng hạn, học thuyết xã hội Công Giáo đề cập tới tính liên đới trong hành vi môi trường của con người cũng như nhiều hành động khác, đề cập tới các khái niệm như “lương tâm”, “tội xã hội”… nên mức độ ảnh hưởng lớn, có thể gây các hiệu ứng hành động xã hội tập thể trước các vấn đề môi sinh lớn như khai khoáng bô-xít, xây thủy điện… Trong khi đó, Phật Giáo đề cập tới sự giác ngộ của từng cá nhân, lại không có hệ thống tổ chức thống nhất toàn cầu, nên những chọn lựa với các câu hỏi lớn về môi trường không phải lúc nào cũng hiệu quả.[32]
2. Tác động của các tôn giáo đối với nhận thức bảo vệ môi trường
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, những người quan tâm đến môi trường trên thế giới đã đề ra một khái niệm đạo đức khác với các loại đạo đức thông thường mà con người vẫn hiểu, đó là đạo đức học môi trường (environmental ethics) và coi đó là một ngành đạo đức học ứng dụng mới cho những ai sống trên hành tinh này. Điều đáng nói là ngay từ ban đầu chuyên ngành mới mẻ này đã có sự đan xen rất tự nhiên giữa triết học và tôn giáo, cho nên ngày nay mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức học môi trường đều được nhiều nhà triết học và tôn giáo quan tâm khảo sát.[33]
Khi nói về tác động của tôn giáo tới nhận thức của người dân mà trước tiên là tín đồ các tôn giáo chính là việc các tôn giáo đề cập tới một những ý niệm về đạo đức học môi trường. Ở Việt Nam, có lẽ ý niệm này còn khá mới mẻ với đại bộ phận dân chúng. Và hình như rất ít người quan tâm đến vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, trong khi tôn giáo lại là thiết chế có thể triển khai đạo đức môi trường tốt nhất từ những bài giảng về đức tin và giáo lý của chính các tôn giáo. Vì vậy trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, với mức độ hủy hoại môi sinh do khai thác cạn kiệt như hiện nay, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải chú ý tới vai trò của tôn giáo trong việc định hình nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường tại đây.
Câu hỏi đặt ra: Ở địa bàn Tây Nguyên, nơi có số lượng đông đồng bào là tín đồ của các tôn giáo, liệu các nguyên tắc luân lý chứa sẵn trong các tôn giáo nơi đây có chuyển thành những nhận thức và hành vi để người dân có ý thức sâu sắc về việc gìn giữ và bảo vệ môi trường?
Kết quả khảo sát xã hội học của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo tại năm tỉnh Tây Nguyên năm 2013 trong khuôn khổ một đề tài thuộc Chương Trình TN03 cho chúng ta thấy những chỉ báo ban đầu về tác động của tôn giáo tới nhận thức của tín đồ về môi trường tại đây:
- Trong 399 tín đồ Công Giáo được hỏi trên địa bàn năm tỉnh, thuộc chín thành phần dân tộc khác nhau, có tới 374 người trả lời đã được nghe giảng về môi trường, chiếm 93,7% những người được hỏi. Trong khi số trả lời “không được nghe” về môi trường là 25 người, chiếm 6.3%.
- Tương tự, đối với 396 tín đồ Phật Giáo trên địa bàn năm tỉnh, thuộc bốn dân tộc khác nhau, có 363 người được hỏi trả lời là có nghe giảng về môi trường trong các buổi giảng pháp, chiếm 91,7% số người được trả lời. Số người trả lời “không được nghe” là 33 người, chiếm 8,3% số người được trả lời.[34]
Như vậy tác động của tôn giáo tại Tây Nguyên tới nhận thức về môi trường chiếm một tần suất khá cao trong các tín đồ. Kênh đón nhận các thông tin về môi trường xuất phát từ các bài giảng của các chức sắc tôn giáo. Điều này cho thấy đây là hoạt động tự thân của chính các tôn giáo. Rõ ràng nó có tính ưu điểm của việc tự nhận thức trước những vấn đề môi trường đặt ra hiện nay, từ đó các tôn giáo xét thấy cần phải soi sáng vấn đề này trên nền tảng giáo lý của từng tôn giáo. Sự vận động từ nhu cầu nhận thức tự thân bao giờ cũng tích cực hơn các nhận thức về môi trường do bối cảnh.
Qua các mẫu khảo sát cho thấy nhu cầu này đã xuất hiện trước hết ở chính các chức sắc tôn giáo, sau đó họ giảng pháp, phổ biến tới quần chúng tín đồ. Điểm mạnh của việc tác động của tôn giáo tới nhận thức bảo vệ môi trường chính là ở chỗ: Thay vì bó buộc và thụ động trong một ý thức nảy sinh do bối cảnh ngoại lai tác động tới con người thì, các tôn giáo đã tác động một cách chủ động và tự giác vào nhận thức bảo vệ môi trường từ nội tâm, từ ý thức con người. Điểm mạnh còn ở chỗ, khi nhận thức về môi trường do thúc bách của bối cảnh ngoại lai, thường chỉ điều chỉnh hành vi “phần ngọn”, nên người ta có thể dùng “thủ thuật” để qua mặt các cơ quan chức năng. Chẳng hạn nhiều năm qua, báo chí đưa tin lâm tặc kết hợp với một số nhân viên kiểm lâm để phá rừng, buôn bán động vật… Nhưng khi tôn giáo tác động vào nhận thức bảo vệ môi trường như một nguyên tắc luân lý của con người thì, có “khuất mắt thiên hạ” con người cũng đắn đo khi phá hoại môi trường, bởi các giáo lý, các nguyên tắc luân lý được giảng, được nghe đó sẽ tạo ra một rào cản ngăn ngừa hành vi từ gốc rễ. Đây có lẽ là một đóng góp không nhỏ của tôn giáo với đạo đức môi trường.
Việc tác động tới nhận thức môi trường của các tôn giáo còn thể hiện ở mối quan tâm của các tín đồ tới môi trường. Trong cuộc khảo sát điều tra của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo tại năm tỉnh Tây Nguyên, với mười tiêu chí đề ra để hỏi các tín đồ các tôn giáo về việc quan tâm của họ tới các khía cạnh khác nhau của đời sống. Kết quả cho thấy môi trường không phải ở vị trí thấp nhất:
- Đối với 399 tín đồ Công Giáo được hỏi thì có 355 người trả lời quan tâm tới vấn đề môi trường, chiếm tỷ lệ là 89% số người được hỏi. Trong mười tiêu chí quan tâm, môi trường chiếm vị trí thứ năm, cao hơn các quan tâm khác như: việc làm (82,0)%, kinh tế (86,7%), dân chủ (80,2%), pháp luật (83,5%), học vấn (84,7%).
- Với 396 tín đồ Phật Giáo được hỏi, có 310 người trả lời quan tâm đến môi trường, chiếm tỷ lệ 78,3% những người được hỏi. Trong mười tiêu chí quan tâm, môi trường chiếm vị trí thứ năm, cao hơn các mối quan tâm khác như: việc làm (58,8%), dân chủ (60,2%), kinh tế (60,6%), luật pháp (71,7%), học vấn (65,9%). Ngoài ra với câu hỏi “Phật Giáo khuyến khích điểm tốt nào?” thì có tới 332/396 tín đồ Phật giáo (chiếm 83,8%) trả lời là “Phật Giáo khuyến khích bảo vệ môi trường”.
- Còn với 383 tín đồ Tin Lành được hỏi, có 354 người trả lời quan tâm đến môi trường, chiếm 92,4% những người được trả lời. Trong mười tiêu chí quan tâm, môi trường chiếm vị trí thứ sáu, cao hơn các mối quan tâm khác như: việc làm, dân chủ, pháp luật và học vấn.[35]
3. Tác động của các tôn giáo đối với hành vi bảo vệ môi trường
Từ nhận thức để trở thành một hành vi bảo vệ môi trường như một tiếng gọi hãy sống có trách nhiệm với xã hội trong lòng mỗi tín đồ, đó là mong mỏi của cả tôn giáo và xã hội. Dù sao, giữa nhận thức tới hành động bao giờ cũng là một khoảng cách, bởi các hành vi còn bị chi phối bởi bối cảnh con người sống. Tác động của tôn giáo tới hành vi môi trường thường được biểu hiện rất rõ tại các điểm sinh hoạt tôn giáo. Chúng ta thấy rõ khi đi điền dã tại các nhà thờ xứ đạo ở Tây Nguyên, hay các ngôi chùa đều được trồng rất nhiều cây xanh. Nhiều nhà thờ còn được bố trí sạch sẽ như các công viên, chẳng hạn nhà thờ Tân Hương, Kon Tum. Các hành vi đó cũng thấy rõ ở các sinh hoạt thường nhật của người tín đồ. Khi chúng ta xem một trận bóng, đi nhà hát, đến rạp chiếu phim, sẽ thấy rất nhiều vỏ chai, vỏ kẹo bánh, tàn thuốc… được để lại tại sân bóng, sân khấu, rạp hát sau những buổi diễn. Điều này khác với không gian một buổi lễ nhà thờ. Theo quan sát tham dự của chúng tôi, sau các buổi sinh hoạt phụng vụ thờ phượng Chúa hoặc Phật tử tập trung sinh hoạt ở các ngôi chùa lớn tại Tây Nguyên mà chúng tôi tham dự, hầu hết nhà thờ, khuôn viên, các điểm sinh hoạt rất sạch sẽ sau khi buổi lễ kết thúc. Nếu có rác, mọi người cũng lặng lẽ bỏ vào thùng rác như quy định. Điều này cho thấy, rõ ràng tôn giáo đã tác động tới những hành vi môi trường hết sức sơ đẳng của người tín đồ. Đó là giữ gìn nơi mình sinh hoạt được thanh sạch.[36] Một khảo sát khác tại hai làng Công Giáo và làng không Công Giáo trên cùng một địa bàn sinh sống tại Phùng Khoang (Hà Nội), kết quả cho thấy làng Công Giáo giữ được vệ sinh môi trường tốt hơn.[37]
Trong khuôn khổ của cuộc khảo sát kể trên, chưa có những nghiên cứu để xem tác động của tôn giáo ở Tây Nguyên tới nhận thức cũng như các hành vi về các tác động môi trường lớn hơn như đốt rẫy phá rừng như thế nào. Tuy nhiên, một cách tự nhiên và khách quan, các tôn giáo cũng đã góp phần vào việc hạn chế việc này bằng việc định cư người dân theo các tổ chức các tôn giáo. Chẳng hạn, cộng đồng Công Giáo thường ổn định theo các làng mạc, xứ đạo, người tín đồ vẫn có nhu cầu đi lễ, cầu nguyện hằng tuần, nên họ không du canh, du cư, ít thay đổi nơi sống, điều này cũng hạn chế sự phát rẫy phá rừng của họ. Hay như việc canh tác truyền thống của người H’mông là du canh, du cư, phát rẫy,[38] nhưng khi những tín đồ Tin Lành người H’mông di cư vào Tây Nguyên, với đất đai tươi tốt phì nhiêu lại có sinh hoạt đạo ổn định, nên họ đã hạn chế phần nào việc đốt rẫy phá rừng.
Cuộc khảo sát xã hội học của đề tài kể trên bước đầu cho chúng ta những chỉ báo quan trọng về việc tác động của tôn giáo tới hành vi bảo vệ môi trường của các tín đồ.
* Bảng liệt kê tần số tín đồ Phật Giáo đã từng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức trên tổng số 396 tín đồ được hỏi:



Đã từng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức
Tần số
%
Chính quyền địa phương các cấp
259
65,4
Các đoàn thể chính trị xã hội (Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên…)
188
47,5
Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc
64
16,2
Các đoàn thể Phật Giáo
200
50,5
Các tổ chức khác (trường học…)
15
3,8
* Bảng liệt kê tần số tín đồ Công Giáo đã từng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức trên tổng số 399 tín đồ được hỏi
Đã từng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức
Tần số
%
Chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội (Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên…)
281
70,4
Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc
67
16,8
Các hội đoàn Công Giáo
232
58,1
Các tổ chức khác
19
4,8
Kết quả trên cho thấy hầu hết các tín đồ hai tôn giáo lớn ở Tây Nguyên đều đã từng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức khác nhau. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy các hoạt động bảo vệ môi trường của các đoàn thể chính trị - xã hội nhà nước chiếm một vị trí chủ đạo trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Tôn giáo dù có tác động mạnh đến nhận thức người tín đồ về việc bảo vệ môi trường nhưng trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ có lẽ chưa được nhiều. Do đó lượng tín đồ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường của chính các tổ chức tôn giáo thực hiện cũng chưa cao. Tuy nhiên, khảo sát bước đầu này cũng cho thấy tần suất người tham gia vào hành vi bảo vệ môi trường của Công Giáo và Phật Giáo thực hiện đã chiếm trên 50%, cao hơn các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức khác ngoài các đoàn thể từ phía nhà nước.
Như vậy, những thăm dò bước đầu về tác động của các tôn giáo tới việc bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên cho chúng ta những chỉ báo quan trọng về vai trò và giá trị tôn giáo trong xã hội hiện đại. Với một vùng biến đổi mạnh mẽ về môi trường như Tây Nguyên hiện nay, nhất thiết trong chiến lược phát triển bền vững phải tính đến vai trò của các tôn giáo trong việc truyền tải ý thức trách nhiệm môi trường tới người dân.
4. Một số vấn đề đặt ra
Nhiều giá trị đạo đức của tôn giáo được xã hội hiện nay xác định là phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Đây là nhận định đúng đắn, bởi tự thân các tôn giáo đều mang trong mình các giá trị về nhận thức luân lý và thẩm mỹ. Những giá trị này rõ ràng đã có tác động đến nhận thức và hành vi đối với môi trường của các tín đồ. Tuy nhiên, trên thực tế tôn giáo vẫn được xem xét, nhìn nhận dưới góc độ chính trị, đặc biệt trên địa bàn Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trọng yếu; với cách đặt vấn đề như vậy, sẽ rất khó khăn cho việc phát huy các giá trị tích cực của tôn giáo trong bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận và phương pháp tiếp cận tôn giáo ở Tây Nguyên, liệu tôn giáo có phải là vấn đề phức tạp nhất hiện nay so với nghèo đói, bất bình đẳng và bảo vệ môi trường?
Một vấn đề đặt ra khác với chính cộng đồng các tôn giáo tại Tây Nguyên là họ phải đối diện với việc gia tăng dân số và bảo vệ môi trường. Khi dân số tăng, không gian sống và sử dụng của con người tăng lên và xâm lấn vào môi trường xung quanh. Mặt khác, tốc độ di dân của người Kinh và cộng đồng các dân tộc thiểu số khác càng làm gia tăng nghiêm trọng về không gian sống của toàn bộ cư dân tại Tây Nguyên. Khảo sát cho thấy việc tăng dân số tự nhiên còn rất cao trong vùng đồng bảo dân tộc thiểu số theo đạo, đặc biệt là với Tin Lành và Công Giáo.[39] Điều này do đức tin chi phối, thêm nữa do trình độ tri thức và kinh tế thấp cũng tác động tới nhận thức của tín đồ. Việc tăng dân số này đương nhiên đã ảnh hưởng cả đến việc phá rừng, lấy đất làm rẫy để sinh tồn.[40] Và như vậy, dù có ý thức và hành động về môi trường, nhưng tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là dân tộc thiểu số lại bị mâu thuẫn trong chính nội bộ cộng đồng của họ giữa áp lực dân số và bảo vệ môi trường. Muốn đưa tác động tích cực của tôn giáo với hành vi bảo vệ môi trường của người dân, ngoài nhận thức đúng, phải có sự kết hợp các chính sách của nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế, y tế, giáo dục…
Từ vấn đề áp lực dân số kể trên, cộng với sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm người tại Tây Nguyên, cho thấy việc “bất bình đẳng” về môi trường đang diễn ra. Thấy rõ nhất là nhóm người ít gây ra những biến đổi về môi trường vẫn phải chung sống trong một không gian sinh thái với nhóm gây ra biến đổi môi trường trong chính không gian đó. Sự bất bình đẳng này bắt nguồn từ sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm, từ việc tiếp cận cơ hội thoát nghèo từ nội lực của các nhóm khác nhau. Trong đó nhóm dễ bị tổn thương thường có trình độ kinh tế, tri thức thấp hơn các nhóm khác, trong đó nhiều người là tín đồ của đạo Công Giáo và Tin Lành. Chúng ta đã nhìn thấy các yếu tố nội tại của chính bản thân các tôn giáo trong việc điều chỉnh hành vi con người để hướng tới một môi trường sống tốt hơn cả về môi sinh và xã hội. Tuy nhiên, để yếu tố nội tại đó có ảnh hưởng tác động tích cực tới cộng đồng dân cư tại Tây Nguyên có lẽ cần phải có một chiến lược dài hơi từ nhận thức đến hành động của nhiều cấp nhiều ngành. Điều đó cũng còn bắt nguồn từ khả năng hội nhập của các tôn giáo với bối cảnh của thực tại, xét từ thần học, giáo lý và quan điểm thích ứng với điều kiện sống của chính các tôn giáo.
Để vấn đề môi trường tốt hơn, những chính sách kinh tế xã hội nhìn nhận kỹ hơn từ nhu cầu người dân. Để làm việc này nhất thiết phải có tham vấn chính sách từ phía người dân và các tổ chức tôn giáo, ưu tiên đến nhu cầu của dân chứ không phải từ những mục tiêu ngắn hạn trước mắt của một vài chủ thể khác.
Với sự nhiệt thành từ các tín đồ tôn giáo, chức sắc, hành động bằng lương tâm, có lẽ nên nghĩ tới việc “chia sẻ” việc thực hiện một phần các hành động bảo vệ môi trường từ phía các cơ quan chức năng cho các tổ chức tôn giáo thực hiện. Bởi từ thiện, nhân đạo, hành động vì con người vốn là các nội dung cơ bản trong hoạt động của các tôn giáo. Và quan trọng, các tôn giáo luôn cổ vũ một lối phát triển nhìn trên nền tảng đạo đức, điều mà hình như trong thời kỳ phát triển nhanh và nóng, có những lúc đã bị xem nhẹ hay lãng quên?
NGÔ QUỐC ĐÔNG




[1] Thạc Sĩ, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (Hà Nội).
[2] Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 241, tháng 01-2015.
[3] Sáng Thế Ký 1: 1-28.
[4] Sáng Thế Ký 1: 26-30.
[5] Sáng Thế Ký 2: 15.
[6] Lêvi 25: 2-5.
[7] Sáng Thế Ký 2:15.
[8] “Thần Học Sinh Thái” trong Thời Sự Thần Học số 17 năm 1999 (Tp.HCM), tr. 50-59.
[9] Damien Keown: Đạo Đức Học Phật Giáo. Nguyễn Thanh Vân dịch, Hoàng Hưng hiệu đính. Nxb Tri Thức 2013, tr. 67. Damien Keown là một nhà sử học người Công Giáo. Xem thêm Thích Nguyên Hiệp: Đạo Đức Học Phật Giáo Và Vấn Đề Môi Trường, trên trang http://thuvienhoasen.org, bài đưa lên ngày 30-8-2010.
[10] Sáng Thế Ký 1: 28.
[11] “Thần Học Sinh Thái” trong Thời Sự Thần Học số 17 năm 1999 (Tp.HCM), tr. 50-59.
[12] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo. Nxb Tôn Giáo 2007, số 456-457, tr. 316-317.
[13] Những vấn đề như sinh sản vô tính; chiến tranh hạt nhân, cấy phôi thai, trợ tử… luôn được Giáo Hội đặt ra, xem xét khắt khe.
[14] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo. Nxb Tôn Giáo 2007, số 459, tr. 319.
[15] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo. Nxb Tôn Giáo 2007, số 460, tr. 319.
[16] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo. Nxb Tôn Giáo 2007, số 461-465, tr. 320-323.
[17] Chẳng hạn, Thần Học Tin Lành dành cho người Việt Nam (Mục Sư Trần Thái Sơn biên soạn) không bàn về vấn đề môi trường. Thần Học Cơ Đốc Giáo (hai tập) cũng không đề cập.
[18] Phỏng vấn Chấp Sự Dieu Nzro, người M’Nông, Chi Hội Leng Loch-Bu Đoh (xã Đăk Wer, Đăk R’lấp, Đak Nông), chiều ngày 04-7-2013. Và Phỏng vấn Mục Sư Ik-Nie-Brit, người Ê đê, Chi Hội Tin Lành buôn Păn Lăm (thành phố Buôn Ma Thuột), tháng 7-2013.
[19] Phỏng vấn ông bà Mục Sư Ân Ước, Hội Truyền Giáo Cơ Đốc Việt Nam tại nhà riêng của Mục Sư ở thị trấn Đăk Glei, Kon Tum, chiều ngày 09-5-2013.
[20] Hội Thánh này căn cứ vào những đoạn Kinh Thánh sau để kiêng ăn huyết và truyền máu: Sáng Thế Ký 9: 4; Lêvi 17: 10-15; Công Vụ Các Sứ Đồ 15: 20; Côlôsê 1: 20.
[21] Trao đổi của nhóm nghiên cứu với Mục Sư Trần Thanh Truyện, Thư Ký Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, sáng ngày 13-11-2013, tại Tp.HCM.
[22] Lêvi 11: 3-4.
[23] Ý kiến của Mục Sư Ân Ước qua phỏng vấn ông bà Mục Sư Ân Ước, Hội Truyền Giáo Cơ Đốc Việt Nam tại nhà riêng của Mục Sư ở thị trấn Đăk Glei, Kon Tum, chiều ngày 09-5-2013.
[24] Ý kiến của Mục Sư Trần Thanh Truyện, Thư Ký Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, qua cuộc trò chuyện của nhóm nghiên cứu với Mục Sư sáng ngày 13-11-2013, tại Tp.HCM.
([25]) Hòa Thượng Thích Trí Quảng. Phật Giáo Và Môi Trường. Phần I. Bài giảng khóa tu Một Ngày An Lạc lần thứ 68 tại chùa Phổ Quang ngày 07-6-2009. Trong Giác Ngộ Online: http://www.giacngo.vn/phathoc/2010/04/13/52741A. Ở đây chúng ta phải hiểu là hàm ý của Đức Phật với thiên nhiên, chứ ngày xưa không có một chương tiết cụ thể của kinh sách Phật Giáo bàn về môi trường hiểu theo cách ngày nay, vì môi trường là vấn đề của xã hội hiện đại ngày hôm nay.
[26] Hòa Thượng Thích Trí Quảng. Phật Giáo Và Môi Trường. Phần I. Bài giảng khóa tu Một Ngày An Lạc lần thứ 68, bài đã dẫn như trên.
[27] Hòa Thượng Thích Trí Quảng. Phật Giáo Và Môi Trường. Phần I. Bài giảng khóa tu Một Ngày An Lạc lần thứ 68, bài đã dẫn như trên. Ngoài kinh Hoa Nghiêm, các kinh khác như A Di Đà; kinh Từ Bi cũng đề cập tới triết lý Phật Giáo với vấn đề môi sinh. Xem bài của Thái Công Tung: Môi Sinh Trong Kinh A Di Đà, trên trang http://www.vietecology.org; và Lê Văn Tâm: Đạo Phật Đối Với Vấn Đề Phát Triển Lâu Bền Và Bảo Vệ Môi Trường, trên trang http://thuvienhoasen.org, đưa lên ngày 30-8-2010.
[28] Dẫn theo Nguyễn Quang Hưng: Vai Trò Của Tôn Giáo Trong Bảo Vệ Môi Trường ở Việt Nam.
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2074/Vai_tro_cua_ton_giao_trong_viec_bao_ve_moi_truong_o_Viet_Nam.
[29] Thích Nguyên Hiệp. Đạo Đức Học Phật Giáo Và Vấn Đề Môi Trường. http://thuvienhoasen.org, đưa lên ngày 30-8-2010.
[30] Damien Keown. Đạo Đức Học Phật Giáo. Nguyễn Thanh Vân dịch, Hoàng Hưng hiệu đính. Nxb Tri Thức 2013, tr. 70-71.
[31] Tham khảo Phúc Nguyên. Phật Giáo Với Vấn Đề Bảo Vệ Môi Trường.
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2746/Phat_giao_voi_van_de_bao_ve_moi_truong
[32] Xem thêm Damien Keown: Đạo Đức Học Phật Giáo, Nguyễn Thanh Vân dịch, Hoàng Hưng hiệu đính. Nxb Tri Thức 2013, tr. 85.
[33] Lê Anh Dũng: Đạo Đức Học Môi Trường Từ Góc Nhìn Văn Hóa Tôn Giáo”, trong Công Giáo Và Dân Tộc, số 126, tháng 6-2005, tr. 82.
[34] “Báo cáo kết quả xử lý số liệu điều tra” của đề tài “Vấn Đề Tôn Giáo Trong Phát Triển Bền Vững Tây Nguyên”. Tài liệu Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, 2014.
[35] “Báo cáo kết quả xử lý số liệu điều tra” của đề tài “Vấn Đề Tôn Giáo Trong Phát Triển Bền Vững Tây Nguyên”. Tài liệu Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, 2014.
[36] Tất nhiên sự quan sát này không đúng tại những nơi đền chùa có đông người đến vào mùa lễ hội, bởi lẽ những người đến đó không phải là một tập hợp tín đồ thống nhất, mà khách thập phương từ nhiều nơi, trong đó nhiều người không phải là tín đồ của một tôn giáo nào cả.
[37] Nguyễn Quang Hưng. Vai Trò Của Tôn Giáo Trong Bảo Vệ Môi Trường ở Việt Nam.
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2074/Vai_tro_cua_ton_giao_trong_viec_bao_ve_moi_truong_o_Viet_Nam
[38] Theo truyền thống, lối canh tác này vẫn bảo đảm rừng tái sinh và đất phục hồi chứ không phải tiêu cực hoàn toàn.
[39] Qua phỏng vấn, chúng tôi thấy một số chức sắc, chức việc của đạo Tin Lành có từ bảy, tám người con. Chẳng hạn phỏng vấn của nhóm nghiên cứu với Mục Sư Liêng Jrang Tong, Chi Hội Tin Lành Đa Sar, tỉnh Lâm Đồng, ngày 06-10-2013; hay phỏng vấn Chấp Sự Dieu Nzro, người M’Nông, Chi Hội Leng Loch-Bu Đoh (xã Đăk Wer, Đăk R’lấp, Đak Nông), chiều ngày 04-7-2013.
[40] Phỏng vấn Mục Sư Liêng Jrang Tong, Chi Hội Tin Lành Đa Sar, tỉnh Lâm Đồng, ngày 06-10-2013.