Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / CẦU NGUYỆN / Truyền Trạng Thanh Căn


Con người xuất hiện như thế nào? Và rời khỏi trần gian thì về đâu? Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Sáng Thế Ký chép:
“Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (2:7)
“Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (3:19)
Quả thật, con người ở thế gian chẳng khác gì hạt bụi li ti bé nhỏ chao liệng giữa vũ trụ bao la, dù có ai tỏ ra mạnh mẽ, cứng cỏi đến đâu đi nữa, đôi khi cũng cảm thấy mình yếu đuối, bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên đang âm thầm bào mòn hay chà xát cơ thể mình, khiến sinh mạng của hạt bụi kia dần dà theo thời gian mà tan biến đi trong khoảng không gian vô tận.
Tuy nhiên, con người là hạt bụi tuyệt vời bởi lẽ nó biết rung động thương yêu, biết hy sinh cho một lý tưởng, v.v...
Trong những cái biết của cát bụi tuyệt vời, có cái biết rất đặc biệt là biết cầu nguyện những khi cô đơn, đau khổ, chao đảo giữa trần gian bất trắc, ngán ngẩm trước thế thái nhân tình tráo trở: Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời / Đương cơn hoạn nạn, độ người trầm luân. (Ca dao)
I. Ý NGHĨA CỦA CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện là mong cầu, mong muốn, hy vọng, kỳ vọng vào một điều tốt lành nào đó. Đối với người có tôn giáo, cầu nguyện là yếu tố căn bản cho đời sống tâm linh; cầu nguyện còn là động năng tạo ra từ trường thông công giữa con người và các Đấng thiêng liêng.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Thượng Đế từ trên cõi mịt mù
Người đời thiện nguyện dốc lo tu
Tạo cơ cảm ứng Thiên nhơn hiệp
Để có thông công, có tạc thù.[1]
Khi còn tại thế, Đức Chúa Giêsu thường hay cầu nguyện, nhất là những lúc ở riêng một mình. Chúa luôn khuyên môn đồ hãy cầu nguyện bền bỉ và tín thành. 
Nói đến việc Chúa Giêsu cầu nguyện một mình, Phúc Âm chép:
“Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình...” (Matthêu 14:23)
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Maccô 1:35)
Theo quy định chung, tín đồ Baha’i ở mỗi địa phương đều phải lập ra nhóm cầu nguyện để cùng cầu nguyện với người thuộc tôn giáo khác hoặc dân tộc khác nhằm tạo sự thăng tiến tâm linh của mỗi người trong tình yêu vô biên của Thượng Đế.
Đạo Cao Đài rất coi trọng việc cầu nguyện, nên trong các nghi thức cúng kính đều có những bài kinh chứa đựng lời cầu nguyện. Cầu nguyện được chia làm hai phần: Cầu nguyện quốc thới dân an, hòa bình nhân loại (cầu an); và cầu nguyện cho các vong linh siêu sinh thượng giới (cầu siêu).
Đặc biệt, khi cúng tứ thời Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên quy định thời Tý và Ngọ tụng Kinh Cứu Khổ, thời Mẹo và Dậu tụng Kinh Cầu An sau khi đọc xong Ngũ Nguyện.
Tóm lại, cầu nguyện là một hành vi giao cảm tâm thức Thiên nhân hợp nhất theo chiều hướng cao thượng, lợi lạc quần sinh trong ý nghĩa Nhơn hữu thiện nguyện, Thiên tất tùng chi (người có nguyện lành, Trời ắt chìu theo); đồng thời cũng thể hiện tình thương yêu lẫn nhau trong cộng đồng nhơn loại với mong ước mọi người biết coi nhau là anh chị em của mình trong đại gia đình có một Đấng Thượng Đế Cha chung, luôn tỏ ra yêu thương gắn bó với nhau, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh phục vụ nhau, thông cảm, nhịn nhục, tha thứ cho nhau.
II. QUAN NIỆM ĐÚNG VỀ CẦU NGUYỆN
Quan niệm đúng về cầu nguyện có thể căn cứ vào thánh ngôn, thánh giáo và nội dung của những bài kinh tụng. Chúng ta thấy Ơn Trên dạy môn đồ cầu nguyện cho người khác như: cầu lành bệnh hay cầu siêu độ cho một người; cầu nguyện cho vạn dân bá tánh thì có cầu an cho người đang sống và cầu siêu cho người đã từ trần.
Sau đây, đọc lại và suy gẫm từng đoạn trong mười đoạn của bài kinh Cầu An chúng ta sẽ thấy thế nào là cầu nguyện đúng theo thánh ý.
1. Trước án ngọc các con phụng mạng
Dưới bệ tiền tỏ cạn lòng son
Trăm năm đường đạo không mòn
Quyết nương bát nhã độ con Lạc Hồng.
Câu đầu hiện lên hình ảnh những người con áo trắng đang quỳ trước Thiên Bàn với lòng chí thành cầu nguyện như tỏ bày lòng sám hối, hứa nguyện tận trung vì Đạo đến hết cuộc đời, quyết giữ lòng son dạ sắt không nhụt chí sờn gan, nương thuyền bát nhã để tự cứu vớt lấy mình và cứu vớt lấy đồng bào Hồng Lạc.
Nhưng thuyền bát nhã ở đâu? Đây không phải là chiếc thuyền bằng gỗ bằng thép, mà là thuyền đạo vô hình, ví như là sáu pháp Ba La Mật gọi là Lục Độ, đưa người từ bờ mê đến bến giác mà trong đó có trang bị sẵn lương thực và đồ dùng cho một cuộc hành trình vượt sóng hồi hương.
Lục Độ gồm có bố thí là thức ăn, nhẫn nhục là nước uống, tinh tấn là cánh buồm và chèo, trì giới là bánh lái, thiền định là la bàn, trí huệ là đèn pha.
Sáu thứ nầy đều rất cần cho người thủy thủ vượt sông mê. Vì muốn vượt khỏi cái lòng tham lam, bỏn sẻn phải nhờ bố thí; muốn vượt khỏi cái tật nóng nảy, sân hận phải nhờ nhẫn nhục; muốn vượt khỏi cái tánh si mê phải nhờ trí huệ; muốn vượt khỏi cái thói biếng nhác, giải đãi phải nhờ tinh tấn; muốn vượt khỏi cái tội hủy phạm giới luật phải nhờ trì giới; muốn vượt khỏi cái hại loạn tâm tản thần phải nhờ thiền định.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bốn câu thơ tả thuyền bát nhã:
Khuôn thuyền bát nhã chẳng hề chìm
Nổi quá như bông, nặng quá kim
Có đạo trong muôn ngồi cũng đủ
Không duyên một đứa cũng là chìm!
*
2. Dẫu mấy năm cũng trong một buổi
Thành cùng bại may rủi lẽ thường
Chúng con kỉnh điện nén hương
Cung nghinh Thượng Phụ dẫn đường cùng con.
Một kiếp người dù sống được sáu mươi, tám mươi hay trăm tuổi thì cũng kết thúc vào một buổi sáng buổi chiều nào đó; những điều thành bại, rủi may đắp đổi nhau diễn biến như là một lẽ thường tình. Biết thế, nhưng lắm lúc chúng ta không biết phải khu xử làm sao cho trọn đạo vẹn đời, nên cúi xin Đại Từ Phụ soi sáng tâm linh hầu không bị lạc lối sai đường.

3. Cầu bá tánh cháu con Hồng Lạc
Cầu năm châu thấu đạt chơn truyền
Cầu cho nước thạnh nhà yên
Cầu cho Đại Đạo gieo truyền ngũ châu.
Nguyện cầu cho trăm họ của con Hồng cháu Lạc và nhơn loại khắp năm châu thấu hiểu chơn truyền của Đức Chí Tôn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Nhà yên nước thạnh là nỗi niềm kỳ vọng chung của mỗi người. Mọi nhà được yên lành hạnh phúc là mọi nhà đều giữ được đạo đức nhân luân; đất nước được giàu mạnh là do nền móng đức trị được vững vàng; trên không có tham quan, dưới không có ô lại; dụng nhân đức nhiều hơn hình pháp.
Đại Đạo gieo truyền đến năm châu cũng là kỳ vọng thiết tha của người tín hữu Cao Đài. Hiện tại đạo Cao Đài có mặt trên khắp năm châu là do người Việt có đạo di cư. Đây chỉ có thể gọi là “gieo” chớ chưa gọi là “truyền”. Bao giờ người bản xứ của mỗi châu đó đến xin cây giống Cao Đài đem về trồng tại đất mình cho dân mình cùng hưởng thì lúc đó đạo Cao Đài mới thực sự được trao truyền đến tận tay các con cái của Thầy trên năm châu bốn biển.
*
4. Cầu mở cửa đạo mầu cứu thế
Cầu nhơn sanh thoát kế bàng môn
Cầu cho chánh giáo vĩnh tồn
Màu da sắc tóc, đồng tôn cũng cầu.
Cửa đạo mầu là cửa thế nào? Đây chính là cửa thánh thất, thánh tịnh. Ước nguyện làm sao cho cửa đạo mầu nầy luôn mở rộng để cứu độ khách trầm luân. Nhưng cầu mở cửa là cầu ai mở đây? Ngoài chúng ta ra không có vị Thần Thánh nào ở trên trời xuống mở cửa cả. Các Ngài chỉ nhắc nhở và dạy chúng ta cách thức mở cửa đạo mầu như thế nào mà thôi. Chúng ta góp công quả xây dựng một ngôi thánh sở khang trang không phải để mọi người đứng ngoài trông vào thấy cảnh quan đẹp mắt, mà mục đích chính là để làm nơi tín ngưỡng và sinh hoạt đạo đức, tu học và làm công tác từ thiện xã hội. Nếu để cửa đạo lạnh lẽo, không thường xuyên sinh hoạt đạo sự theo chánh giáo thì dễ dàng bị rêu phong của bàng môn tà thần giăng bám.
Câu Màu da sắc tóc, đồng tôn cũng cầu có nghĩa là dù cho khác màu da sắc tóc; cùng tôn giáo hay không cùng tôn giáo, mình cũng cầu mong sự tốt lành đến với tất cả mọi người.
*
5. Cầu tránh khỏi ao sâu hố thẳm
Cầu vạn linh gội tẩm nhành dương
Cầu cho đất nước an bường (bình)
Cầu cho lê thứ bước đường tu Tiên.
Lại cầu mong cho đất nước luôn an bình. Tuy nhiên chỉ có sự an bình bên ngoài không thì vẫn chưa đủ, nên chúng ta vẫn cầu mong có cái gì hơn thế nữa; đó là mọi người, mọi vật được gội tẩm nhành dương của Đức Quan Âm Bồ Tát cho thân tâm mát mẻ, mọi người không bị sa vào hố sâu của tham vọng, của tranh đoạt hãm hại lẫn nhau; cây cối nơi rừng già không bị tàn phá; động vật hoang dã không bị săn bắt giết hại, trả lại cho mọi loài mọi vật sự sống bình yên hợp đạo tự nhiên trong trời đất cũng là hợp với đường lối tu theo Tiên Đạo vậy.
*
6. Cầu khắp cả ân Thiên rưới nhuận
Cầu vạn linh được vững đức tin
Cầu cho thẳng nẻo sân Trình [2]
Cầu cho Nghiêu Thuấn thái bình sau đây.
Đoạn nầy là cầu mong ơn Trời chan rưới khắp cả vạn linh sanh chúng, cho ai nấy đều có đức tin vững vàng, chí ít cũng không mất đi niềm tin vào cuộc sống vốn dĩ đã bị lung lay về tinh thần đạo đức trong xã hội nhơn loại. Có niềm tin mới vui sống lành mạnh và tiến bộ trong học tập đạo lý làm người theo tám đề mục của Nho Giáo − cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ − để sau nầy gây dựng cảnh đời thái bình thạnh trị như thời Nghiêu Thuấn xưa kia.
*
7. Cầu khắp cả đông tây, nam bắc
Cầu gió hòa tấc đất thuận thời
Cầu cho non nước một trời
Cầu cho hạnh phúc đời đời người tu.

 Cầu mong sao cho bốn phương tám hướng trên mặt đất được mưa thuận gió hòa; non sông đại địa trên hành tinh nầy có chung một bầu trời, có chung một màu xanh, ai ai cũng biết tu hành để cùng nhau vun bồi cội lành chung hưởng hạnh phước đời đời. Tín đồ Phật Giáo có bài kệ Cầu Mưa Thuận Gió Hòa [3] như sau:

Cầu chư Phật mười phương
Chứng minh tấm lòng thành
Cho đệ tử chúng con
Cho mưa thuận gió hòa
Không giông bão lũ lụt.
Cầu chư Phật mười phương
Chứng minh tấm lòng thành
Đệ tử nguyện tu tập
Cho mưa thuận gió hòa
Cho từ bi vô lượng
Dân lành luôn ấm no
Đất nước luôn thanh bình
Không thiên tai bệnh tật
Hạnh phúc mãi về sau.
Ngày xưa, triều đình nhà Nguyễn lập đàn Xã Tắc tế lễ cầu thần đất, thần lúa cho đất nước được mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Việc cầu mưa thuận gió hòa hiện nay chỉ còn thấy trong các bài kinh nguyện của các tôn giáo, và đây cũng là một sự mong cầu trước một thực tế phũ phàng, nhưng đồng thời là một sự tỉnh thức của chúng ta và cộng đồng nhơn loại trước những vấn nạn về môi sinh bị hủy hoại.
*
8. Cầu tránh khỏi ngút mù sương tỏa
Cầu anh em một ngã mà đi
Cầu cho dứt nỗi sân si
Cầu cho kịp bước trường thi kỳ nầy.
Cầu mong tránh khỏi ngút mù sương tỏa, nhưng ngút mù sương tỏa ở đây ám chỉ cái gì? Tức là ám chỉ bức màn vô minh ngăn che trí huệ của chúng ta, làm cho ta không sáng suốt để biệt phân phải trái; làm cho ta hay nổi giận, hay hờn dỗi dây dưa lẫn nhau tạo nên khối sương mù dày đặc, mịt mờ trước mặt ngăn ngại lối đạo trình; làm cho lòng mỗi người quay về mỗi hướng, không cùng một ngã mà đi.
Cầu mong tức là phải làm sao đạt được sự cầu mong đó, cũng như cầu mong có được chiếc xe máy làm phương tiện đi lại thì bản thân mình phải lao động nhiều hơn để dành dụm tiền mua; cũng như muốn phá vô minh chỉ có cách chí thành công phu luyện kỷ, khi không còn sương mù trước mặt thì mới tỏ rõ đường tu tiến đến trường thi Long Hội.
*
9. Cầu Thần Thánh đông tây hộ sức
Cầu vạn Tiên chứng thực lòng con
Học gương Thiên Đạo gìn tròn
Trăm năm dầu có mất còn không phai.
Trên bước đường tu học ta cần luôn luôn cầu nguyện để nhờ Ơn Trên hộ trì vượt qua các trở lực (chướng ngại) bởi vì “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo”. Hơn nữa, tu càng cao thì sự khảo thí càng lớn, càng gay go. Người xưa cảnh báo: “Đạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng.” [4] (Đạo cao một thước, ma cao mười thước.)
Như vậy, ngoài tự lực (ý chí và nghị lực bản thân) người tu cần có thêm tha lực (sự chở che của chư Thiên hộ pháp).
Ngoài việc cầu xin Ơn Trên chứng giám lòng thành (Cầu vạn Tiên chứng thực lòng con), ngoài việc hứa nguyện trung kiên bền gan giữ Đạo (Trăm năm dầu có mất còn không phai), người tu còn phải biết lập hạnh bằng cách noi theo gương Thiên Đạo (Đạo Trời). Gương đó là gương vô tư, vô ngã của các Đấng thiêng liêng. Trong Kinh Thánh Tân Ước có chép lời Đức Giêsu dạy về Đạo Trời như sau:
“... Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương.” (Matthêu 5:45)
*
10. Đầu vọng bái Cao Đài Thượng Phụ
Bố ân lành cho đủ hào quang
Chung nhau đùm đậu bách thoàn [5]
Rước đưa nhơn loại, hầu phan phản hồi.[6]
Đoạn cuối của bài kinh là cúi đầu vái lạy Đức Từ Phụ ban ân lành cho chúng ta thêm đủ hào quang để cùng nhau tập trung lại một chỗ, đùm đỡ nhau, kêu gọi mọi người cùng lên thuyền bát nhã, theo hướng của lá phướn linh làm đích nhắm mà trở về cố hương của mình.
Câu Bố ân lành cho đủ hào quang chúng ta thường ngộ nhận là xin Đức Chí Tôn ban cho chúng ta có thêm hào quang cho đủ to hơn một chút vì hào quang hiện có quá nhỏ không đủ sức bước lên bách thuyền. Thật ra không phải vậy. Xin ban bố ân lành là xin thêm nghị lực, tinh tấn tu hành lập nhiều công đức thì hào quang mới thêm lớn hơn được, vì hào quang của mỗi người tùy theo công đức nhiều ít mà có độ lớn nhỏ, chớ không do tha lực nào ban cho được.
Ngoài bài Kinh Cầu An trong Kinh Nhật Tụng ([7]) còn có bốn bài Kinh Cầu An trong Lễ Bổn [8] tụng vào hai thời cúng Mẹo, Dậu; lời kinh hướng về Đức Chí Tôn và sau khi dứt kinh niệm danh hiệu Thầy (Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát). Bốn bài nầy là:
1. Cầu An Thế Giới.
2. Cầu Ân Xá.
3. Cầu An Bá Tánh.
4. Cầu Xin Tội Với Thượng Đế.
Bài Kinh Cứu Khổ tụng vào hai thời cúng Tý, Ngọ; lời kinh hướng về Đức Quan Âm và sau khi dứt kinh niệm danh hiệu của Ngài (Nam mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát).
Bài Kinh Cứu Khổ bắt đầu như sau:
Đầu cúi lạy Phổ Đà Phật Tổ
Quan Thế Âm cứu độ phàm trần
Từ bi phổ tế lê dân
Muôn loài nhuần gội oai ân đức Ngài.
Nội dung của bài kinh là cầu cho bá tánh tiêu tai giảm nạn trong những trường hợp thiên tai địa ách, nhơn họa chiến tranh, bệnh căn trì trệ, ma quỷ lộng hành…
Về Kinh Cầu Lành Bệnh theo Lễ Bổn của Hội Thánh Tiên Thiên, có hai bài:
- Bài tụng cho người đạo ở bậc hạ thừa.
- Bài cho người đạo ở bậc thượng thừa.
Những bài kinh cầu an, cứu khổ, cầu lành bệnh là dành cho người đang sống; còn những bài kinh cầu siêu rỗi trong các nghi thức tang tế thì dành cho người quá vãng.
Cũng trong Lễ Bổn có các bài Kinh Cầu Siêu Bá Tánh tụng vào những ba ngày lễ Thượng, Trung và Hạ Nguơn, cầu siêu cho vong linh tử sĩ, người tử nạn.
Tất cả các nghi thức cầu an, cầu siêu đều nằm trong ý nghĩa cầu nguyện, và sự cầu nguyện nầy được xem là đúng đắn khi bản thân người cầu nguyện không trái ngược với nội dung của những bài kinh tụng, tức thành tâm và chánh niệm.
III. QUAN NIỆM SAI LỆCH VỀ CẦU NGUYỆN
Thế nào là lời cầu nguyện sai lệch hay tiêu cực? Cầu nguyện sai lệch là lời cầu nguyện xuất phát từ lòng tham lam, ích kỷ, cứ thấy mình thiếu thốn mà không thấy người khác đang khổ đau; cầu Ơn Trên ban cho mình đủ tiện nghi, sống theo dục vọng cá nhân, thậm chí cầu những việc có tính chất suy thoái đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Như cầu xin mua may bán đắt; thắng cuộc trong những ván bài, cá độ; trúng lớn số đề; thăng quan tiến chức, v.v…
Đoạn thánh giáo của Đức Quan Âm sau đây kể ra một số trường hợp làm thí dụ cho việc cầu nguyện sai lệch:
Còn cúng lạy niệm danh chư Phật
Ở chùa chiền, tịnh thất thường khi
Tứ thời bái sám làm chi
Niệm danh các Đấng làm gì nữa đây?
Có người niệm xin Thầy cùng Phật
Cho thánh đường, tịnh thất bình yên
Đó đây trên dưới chùa chiền
Đừng cho phá hoại, giữ yên mãi hoài.
Cho gia đạo trong ngoài an bĩ
Cho đàn con ứng thí thủ khoa
Và cho lớn bé trẻ già
Làm ăn thạnh mậu, cửa nhà sum suê.
Tôi sẽ nguyện đem về cho Phật
Hoa quả trà chồng chất đầy bàn
Hương thơm trầm tốt trà nhang
Rượu lê trà cúc bĩ bàng thiếu chi.
Xin chư Phật từ bi gia hộ
Cho chồng tôi thi đỗ quan cao
Để cầm vận mạng phong trào
Đi đâu dân chúng chạy sau rần rần.
Đó là tu theo phần mê tín
Phật Tiên đâu ưa nịnh ưa dua
Mà đem lễ vật đến chùa
Đặt điều kiện để bán mua Phật Trời.[9]
IV. TÁC DỤNG CỦA CẦU NGUYỆN
Tác dụng của cầu nguyện gồm mấy điểm sau đây:
1. Cầu nguyện là thể hiện lòng từ bi bác ái
Trong lúc chúng ta quỳ trước Thiên Bàn cầu nguyện cho quốc thới dân an, cho thế giới hòa bình, cho bá tánh an cư lạc nghiệp, cho người bệnh qua khỏi cơn ngặt nghèo…, lúc bấy giờ chừng như ta đang ở trong trạng thái thuần chơn vô ngã không còn thấy có mình nữa mà chỉ thấy có người, những đối tượng mà mình đang hướng tấm lòng của mình để cầu nguyện.
Sứ đồ Gioan giải thích trong Kinh Thánh:
“Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.” (1 Gioan 5:14)
Và Kinh Cứu Khổ:
Đệ tử chí tâm quy mạng lễ
Mong Ơn Trên phổ tế mười phương
Chúng sanh thoát chốn tai ương
Lánh nơi khổ não, tránh đường chông gai.
2. Cầu nguyện cũng là hình thức sám hối
Bài Kinh Cứu Khổ có đoạn:
Trí ngu muội, đảo huyền minh mẫn
Tánh sân si, cầu khẩn giải oan
Như lòng tà dục dấy loàn
Sớm khuya tụng niệm đặng an tinh thần.
Bài Kinh Cầu Cho Mình Lành Bệnh, đoạn cuối:
Tỉnh ngộ rõ luật Trời linh cảm
Khổ hình vương đâu dám thở than
Bệnh căn biết đặng tội mang
Tôi nguyền sửa đổi, thệ đoan làm lành.
3. Cầu nguyện phát sinh năng lực hiệp thông với các Đấng
Cúng lạy cũng là một hình thức cầu nguyện trang trọng nhất, vì trong thời khắc đọc kinh bái lạy ta luôn hướng tâm về theo từng bài kinh mà niệm danh hiệu các Đấng, tạo ra từ trường giao cảm giữa ta và các Đấng thiêng liêng. Với ý nghĩa nầy, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Cúng lạy để nghỉ ngơi tâm trí
Để tịnh lòng, tịnh ý, tịnh ngôn
Khép mình dưới bệ Chí Tôn
Trau dồi tính nết, luyện hồn tịnh thanh.
Cúng lạy để tâm lành phát hiện
Nhìn Phật Tiên trên điện hiền hòa
Khởi lòng bác ái vị tha
Nhìn chung Thượng Đế là Cha linh hồn.
Nhìn lên trái Càn Khôn thường trụ
Nhựt nguyệt cùng tinh tú bao quanh
Càn khôn vũ trụ vận hành
Còn mình là một chúng sanh phàm trần.
Mình cũng có pháp thân nội ngoại
Cũng như Trời là Đại Linh Quang
Trên thì thiên thượng Thánh Hoàng
Dưới mình thiên hạ trần gian điển hình.
Trời thì có hành tinh nhật nguyệt
Có âm dương, hàn nhiệt, nóng khô
Con người là tiểu quy mô
Cũng đều có bản Hà Đồ, Lạc Thơ.[10]
4. Cầu nguyện không có kết quả như ý là do:
- Lời cầu nguyện không phù hợp thánh ý, trái với tinh thần công bình, từ bi, bác ái. Kinh Thánh có ghi lời cảnh báo lối cầu nguyện sai lệch:
“Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Giacôbê 4:3)
- Lời cầu nguyện không thay đổi được luật nhân quả. Chúng ta tin rằng không ai trốn khỏi nghiệp quả khi nghiệp quả ấy đến độ chín muồi; lúc nầy chỉ còn cách vui lòng chịu trả quả nghiệp, nợ nần trót gây tạo trong quá khứ.
*
Ý nghĩa của cầu nguyện như trình bày trên đây thể hiện mong muốn, chí hướng và hoài bão của chúng ta trong thời khắc giao cảm cùng các Đấng thiêng liêng; giao cảm giữa tự lực và tha lực, mà tự lực là yếu tố chính để tạo nhân duyên lành bảo đảm cho điều ước nguyện trở thành hiện thực; cũng như gieo giống tốt cộng với công sức chuyên cần chăm bón, cộng với thời tiết tốt sẽ cho kết quả bội thu.
Qua cầu nguyện, chúng ta mặc nhiên hợp tác theo thánh ý của Đức Thượng Đế. Ngài cho phép chúng ta đóng góp vào những ân ban và những trợ giúp mà Ngài dành cho nhân loại. Chúng ta nên biết rằng, một lời cầu nguyện, dù thế nào đi nữa, cũng không bao giờ mất hiệu nghiệm, và chúng ta cầu nguyện cho ai, đều nhận được những ơn lành và những lợi ích qua những lời cầu xin mà chúng ta gởi lên thượng giới.
Ðối với những người đã quá vãng, cầu siêu là tỏ bày lòng kính trọng với những người chúng ta đã yêu thương, và biểu lộ tầm quan trọng của sự hợp tác giữa chúng ta với quyền năng của Đức Thượng Đế; chúng ta có thể làm cho người quá vãng tiến nhanh đến thời điểm họ được hưởng hạnh phúc cuối cùng nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
THANH CĂN



[1] Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971).
[2] Thành ngữ cửa Khổng sân Trình nhắc tới Đức Khổng Tử và thầy Trình Tử (Trình Điều). Đức Khổng đời Chu học rộng, tài cao, học trò rất nhiều. Còn Trình Tử đời Tống cũng đông người theo học. Vậy cửa Khổng sân Trình có nghĩa là trường dạy đạo Nho.
[3] damlinhthat.net/node/236
[4] 道高一尺,魔高一丈. (Một trượng = mười thước)
[5] Bách thoàn 柏船: Cũng như bách chu 柏舟, chiếc bách, là chiếc thuyền đóng bằng gỗ bách.
[6] Hầu phan 侯幡: Lá phướn làm đích nhắm. Phản hồi 返迴: Quay trở về.
[7] Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên 1960.
[8] Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên 2001.
[9] Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, Tuất thời, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).
[10] Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, Tuất thời, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).

Không phải tư thế, dáng điệu mà là cái tâm mới có ý nghĩa khi ta cầu nguyện. / It is not the body’s posture, but the heart’s attitude that counts when we pray.
Mục sư BILLY GRAHAM (Mỹ, sinh năm 1918)