Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / Kỷ niệm bảy năm ấn tống (2008-2015): TÂM TÌNH VỚI ẤN TỐNG / Lễ Sanh Thượng Vui Thanh


1. Sau thời gian đọc các sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện, tôi nhận thấy cuốn nào cũng chứa đựng thật nhiều thánh ngôn, thánh giáo, và những bài giảng đạo thâm trầm, sâu sắc, rất hữu ích cho người đã nhập môn Cao Đài. Thật là:
Nếm mùi Đạo, ôi thôi ngon ngọt
Mát mẻ lòng vui trót đêm ngày… ([1])
2. Lần đầu tiên đọc Nhớ Đạt Linh,([2]) tôi cảm động không cầm được nước mắt. Chẳng may hiền hữu Đạt Linh Nguyễn Văn Tài vì nghiệp số, từ giã dương trần khi đang tuổi trung niên. Rồi mới đây lại tiếp đến hiền huynh Đạt Truyền Hà Văn Phủ. Tôi cầu nguyện hai vị sớm hưởng hồng ân Đại Từ Phụ để chóng siêu thăng về cõi Cực Lạc.
3. Khi xem Hành Trạng Đức An Trinh Thần Nữ,([3]) An Thuận Quả Duyên,([4]) tôi xúc động quá chừng, rơi nước mắt hồi nào không hay. Tôi cũng gặp hoàn cảnh gần tương đồng như hai nữ tu trong hai tập sách ấy, nên tôi thật xót xa, thương cảm. Tôi xem hai vị như bạn đồng hành, tri âm, là tấm gương sáng giúp tôi thêm nghị lực, ý chí để tiếp tục tu thiền đến ngày tôi từ giã dương trần.
4. Tôi rất hoan nghinh Thiện Thư,([5])Sơ Khảo Bài Kinh Ngọc Hoàng Tâm Ấn,([6]) vì được đọc bản chữ Hán. Trước đây tôi chỉ được xem bản dịch, chữ quốc ngữ.
5. Hai cuốn Giải Mã Truyện Tây Du,([7]) Đọc Lại Thất Chân Nhân Quả,([8]) cống hiến người đọc nhiểu kiến thức về Đạo Học phương Đông sâu sắc, với lối văn dễ hiểu, dễ cảm nhận. Chỉ có ai xem sách rồi mới thấy cái hay từ lời văn tới ý nghĩa.
6. Đọc mười ba tập Đại Đạo Văn Uyển (2012-2015), tôi tán thưởng các bài viết công phu, rất giá trị của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh. Tôi cũng tâm đắc mục Gió Bốn Phương giải đáp xác đáng nhiều câu hỏi chẳng hề dễ. Tôi ước mong rằng sau này những từ ngữ, điển tích khó hiểu trong Đại Thừa Chơn Giáo và các kinh khác của Cao Đài cũng sẽ được giải thích tường tận như vậy.
7. Ngoài những bài giáo lý, nghiên cứu, Đại Đạo Văn Uyển còn tuyển chọn nhiều bài thơ hay, đủ thể loại do bạn đạo các nơi gởi tới, khiến tôi muốn mượn lời cổ nhân diễn tả nơi đây:
Câu chữ thướt tha dường phụng múa
Lời thơ vun vút tợ rồng bay.
8. Thỉnh thoảng Đại Đạo Văn Uyển có đăng thơ thất ngôn bát cú xướng họa của bạn đạo. Nhân dịp chia sẻ tâm tình của một độc giả với Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, tôi hân hạnh hiến tặng nơi đây tám câu Đường luật, cũng như là lời chào thân ái tôi trao gởi tới đông đảo quý đạo hữu gần xa:
Chưa gặp đệ huynh được một lần
Xem thơ trên sách muốn cầu thân
Mến anh vì bởi chung màu áo
Thích bạn do nơi chữ bảy vần
Văn Uyển đón chào người mặc khách
Vườn Văn nghinh tiếp bậc tao nhân
Giao duyên đạo lý lòng mơ ước
Viết mấy câu thơ tả nỗi mừng.
Mỏ Cày Nam, Bến Tre, ngày 28 tháng Giêng Ất Mùi
LỄ SANH THƯỢNG VUI THANH
Thánh thất Hương Mỹ (Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo)



Các chú thích trong bài do Văn Uyển thêm vào:
([1]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 150. Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Nhiều người viết. Nxb Tôn Giáo 2008, 2009. Quyển 11-2.
([3]) Của Huệ Khải. Nxb Tôn Giáo 2014. Quyển 74-1.
([4]) Của Diệu Nguyên. Nxb Tôn Giáo 2014. Quyển 75-1.
([5]) Của Lê Anh Minh. Nxb Tôn Giáo 2009, 2013. Quyển 17-2.
([6]) Của Lê Anh Minh. Nxb Tôn Giáo 2014. Quyển 78-1.
([7]) Của Huệ Khải. Nxb Tôn Giáo 2010, 2011. Quyển 31-2.
([8]) Của Huệ Khải. Nxb Tôn Giáo 2011, 2013. Quyển 44-2.

TRÍCH LỤC
Ngày nay vấn đề lớn nhất mà tôn giáo giáp mặt chính là tôn giáo dường như không thể theo kịp nền văn minh hiện đại. (…)
Để cho các tôn giáo bắt kịp văn minh hiện đại và giải quyết hiệu quả những bệnh lý của nền văn minh này, tôi tin rằng điều quan trọng là các tôn giáo hãy giải thích các khía cạnh giáo lý cốt lõi của mình theo một cách thức mà con người hiện đại dễ dàng lãnh hội. Cũng cần yếu phải thiết lập các chuẩn mực xử thế hàng ngày sao cho chúng theo kịp những lối sống hiện đại.
The biggest issue religion confronts today is the fact that it appears unable to keep up with modern civilization. (…)
In order for religions to catch up with modern civilization and effectively deal with its pathologies, I believe it is important for religions to explain the core aspects of their teachings in a manner that is readily understood by modern man. It is also necessary to establish norms for daily conduct that are in keeping with modern lifestyles.
HIDEKI KATO (Nhật Bản)
Diễn văn tại Đối Thoại Lần Thứ Sáu Trong Các Nền Văn Minh Giữa Nhật Bản và Thế Giới Islam (The Sixth Dialogue among Civilizations between Japan and the Islamic World) tổ chức ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 23-3-2008.