Ba ngày cuối năm 2014 tôi nếm lại cái lạnh của Hà Nội khi ra tham dự cuộc
tọa đàm quốc tế về đề tài Tôn Giáo Trong
Đời Sống Công Chúng / Religion in Public Life, tổ chức tại Trung Tâm Nghiên
Cứu Tôn Giáo Đương Đại thuộc Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn.[1] Tôi
mang theo ba đầu sách song ngữ Việt-Anh tôi viết về đạo Cao Đài để biếu các vị
tham dự tọa đàm (hơn một trăm quyển). Trong lúc giải lao giữa hai phiên thuyết
trình và thảo luận, Giáo Sư Winfried Löffler, người Áo,[2] đã
hỏi tôi về đạo Cao Đài. Thấy ông quan tâm, tôi gợi ý ông thử đọc Giáo Sư Ralph
Bernard Smith (1939-2000), người Anh, dạy Trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu
Phi (SOAS) thuộc Viện Đại Học London.[3]
Sau khi về Sài Gòn ba hôm, ngày 04-01-2015 tôi gởi ông toàn bộ nghiên cứu
của Giáo Sư Smith và tiểu sử của tác giả qua e-mail. Ngay hôm ấy, từ Quảng Châu,
Giáo Sư Löffler hồi âm, nhã nhặn cảm ơn và cho biết ông đã đến thăm thánh thất
Hà Nội ở số 48 Hòa Mã vào tối Tết dương lịch.[4] Đến
nơi khoảng 20 giờ 30, muộn rồi, nhưng ông vẫn được tiếp đón niềm nở, được mời uống
trà pha chút gừng và được đưa đi viếng bửu điện thờ Thượng Đế. Ông bảo rằng rất
thích thú (Very interesting!).
Cuối thư, nhắc tới công trình nghiên cứu của Giáo Sư Smith, ông bảo khi
trở về Áo chắc chắn ông sẽ đọc. Rồi ông muốn tôi xác định lại, phải chăng nghiên
cứu của Giáo Sư Smith trình bày đạo Cao Đài đúng đắn và thích đáng (So you tell me that the study depicts Caodaism
in a correct and appropriate way?).
Tôi chưa kịp phúc đáp thư ông thì nhằm lúc e-mail chập chờn, nghe nói vì đường
cáp quang dưới biển sâu bị đứt. Như thế cũng có lý do để tôi trì hoãn, bởi lẽ tôi
đang muốn tìm cách trả lời câu hỏi của ông sao cho phù hợp.
*
Tôi ngộ đạo Cao Đài năm hai mươi tuổi, nhờ được đọc thánh giáo Đức Cao Đài
Thượng Đế qua bộ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (hai
quyển) và bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo.
Nhưng khi muốn tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài, tôi hầu như chỉ tìm được rất ít ỏi
sách khảo luận khả tín. Duyên may, vài năm sau, tôi được đọc phần thứ nhất nghiên
cứu của Giáo Sư Smith, nhan đề An
Introduction to Caodaism - Part I: Origins and Early History (Giới thiệu đạo Cao Đài. Phần I: Căn
nguyên và lịch sử buổi đầu), in trong tập san khoa học BSOAS của Trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu Phi (Vol. XXXIII,
Part I, London 1970).[5] Vừa
mở đầu, tác giả viết:
“Hiếm có hiện tượng nào trong lịch sử
châu Á hiện đại lại có thể bị người phương Tây hiểu sai hoàn toàn như đạo Cao Đài.
Đặt nền tảng trên sự dung hợp tôn giáo, với các đàn cơ giữ một vai trò trọng yếu,
tôn giáo này chắc chắn đã bị các cây bút Kitô Giáo với lòng nghi ngờ (nếu không
nói là khinh thường) xem như là một kiểu “thông linh học” phương Tây; sự thiếu
cảm thông từ ban đầu này còn bị làm cho tệ hại hơn bởi sự kiện là trong các đàn
cơ Cao Đài đã xuất hiện các nhân vật quen thuộc như Victor Hugo và Jeanne
d’Arc. Kế đến, tại Tây Ninh có một ngôi đền của tín đồ Cao Đài là nơi khách du
lịch hay đặt chân tới, đã khiến ông Graham Greene mô tả là “Chúa Kitô và Phật từ
trên mái giáo đường nhìn xuống một biến tấu phương Đông của Walt Disney, rồng rắn
sặc sỡ.” [6] Sự
hiểu biết hời hợt như thế về yếu tố tôn giáo trong đạo Cao Đài lại rất phù hợp
với thói nhạo báng hoặc lối chỉ trích cay độc của các quan sát viên chánh trị,
đặc biệt là Bernard Fall, một người nhìn thấy trong đạo Cao Đài chẳng có gì khác
hơn là một phong trào chánh trị chỉ lo bảo thủ quân đội riêng và quyền lực địa
phương của mình, dùng tôn giáo chỉ để lừa gạt đám nông dân nhẹ dạ cả tin.[7] Trong những tình huống như thế, có lẽ chẳng
ngạc nhiên rằng thực chất và căn nguyên của đạo Cao Đài đã không được nhìn
thấy, và thậm chí lịch sử tôn giáo này cũng chưa hề được tóm tắt đầy đủ bằng
bất kỳ một ngôn ngữ phương Tây nào.” [8]
Quả thật, trước khi đọc Smith tôi có xem một vài ấn bản tiếng Anh viết về
đạo Cao Đài, và không khỏi bất nhẫn! Thế nên, ngay từ những dòng đầu tiên như dẫn
trên, vị giáo sư người Anh rất thông thạo tiếng Việt, nổi danh là nhà Việt Nam
học lỗi lạc, đã chiếm trọn thiện cảm của gã thanh niên chân ướt chân ráo bước vào
một tôn giáo mới.
Từ năm 2008 tới nay, tôi cố gắng trình bày những hiểu biết của tôi về đạo
Cao Đài qua một vài tập sách nhỏ viết bằng tiếng Anh, vì lẽ năm hai mươi mấy tuổi,
tôi rất thấm thía lời Giáo Sư Smith nhắn nhủ: “Trong chừng mức nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo
Cao Đài là trách nhiệm của chính những người Cao Đài.” [9]
Đúng một tuần sau khi nhận được câu hỏi của Giáo Sư Löffler, tôi phúc đáp:
Tôi muốn nói rằng Giáo Sư Smith quả thật đã
viết về đạo Cao Đài với sự cảm thông sâu sắc từ tấm lòng của ông. Thế nên, giả
dụ như có vài chi tiết nho nhỏ không chính xác (vì thiếu thông tin lịch sử khả
tín vào lúc ông ấy thực hiện nghiên cứu), thì cũng chả quan trọng.[10]
Ngày 11-01-2015, Giáo Sư Löffler hồi âm, đôi dòng vắn vỏi cảm ơn tôi đã
minh định thêm (additional clarification)
như thế. Nhưng đến cuối ngày hôm ấy, tôi nhận tiếp lá thư khá dài của ông, cho
biết những nhận xét về ba quyển sách song ngữ Việt-Anh tôi đã tặng ông lúc ở Hà
Nội.
Lá thư từ nước Áo đã đến tôi giống như một món quà ý nghĩa đầu
năm mới 2015.[11] Tôi chuyển ngữ như sau:
Cảm ơn Thầy! Tiện thể,
chính xác là hôm nay tôi đã đọc ba quyển sách của Thầy (tôi bị bệnh chút ít,
chẳng nghiêm trọng, đủ khỏe để đọc sách nhưng không đủ khỏe để ra khỏi nhà).
Đây là mấy nhận xét:
0) Nói chung: Xin chúc
mừng về các quyển sách thú vị, bố cục tốt, viết bằng tiếng Anh tuyệt vời (và - một sự hiếm hoi tuyệt đối ngày nay - hầu như hoàn toàn không có lỗi in sai; cái lỗi duy nhất là
chữ “Hydrargyrum” trong một chú thích về phái luyện đan,[13] và đôi chỗ sau dấu phẩy lại thiếu một khoảng cách, nhưng tất cả chỉ có
vậy thôi).
Cũng quý giá cho tôi có
được nhiều sách tiếng Anh về Việt Nam phối hợp ở đây và những tấm ảnh
xưa [in
kèm trong các sách].
1) Quyển Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài thì thú vị và gây ngạc nhiên; dĩ nhiên tôi
đã tưởng là những hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng tôi ngạc nhiên khi
đọc thấy tính năng động ở miền đất đó (về phương diện thực tế cũng như phương
diện văn hóa), và về những truyền thống dân chủ.
2) Quyển Gia Đình Trong Tân Luật
Cao Đài nhắc tôi nhớ rất nhiều tới luật
đạo Công Giáo (thí dụ, công bố việc kết hôn trước đó khoảng một tuần) và thần
học luân lý Công Giáo. Hầu như chẳng có gì mà một nhà thần học Công Giáo không
thể góp phần vào, tôi cho là như vậy. Phải chăng đạo Cao Đài tiếp thụ nhiều
giáo lý của Tam Giáo và nhiều yếu tố về cơ cấu và các bí tích của Công Giáo?
3) Quyển Tam Giáo Việt Nam - Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài đối với tôi là thú vị vì tôi (a) hiện nay biết
được “ai là ai” trong nền triết lý ban sơ của Việt Nam và (b) giờ đây tôi hiểu
rõ hơn một chút về tôn giáo của công chúng (tôi vẫn luôn có ấn tượng rằng Tam
Giáo dung hòa cho nhiều người, rằng một số đền chùa - có thể nói vậy - mang tính chất “đa tín ngưỡng”, v.v…). Chỉ tiếc là tôi đã
chẳng đọc sách này ngay khi đang còn ở Hà Nội, biết đâu tôi đã viếng một vài
đền chùa có nhắc tới trong sách.
Tóm lại: Hình ảnh về đạo
Cao Đài trong tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi rất may mắn được gặp Thầy.
Với mọi lời chúc tốt
lành,
Giáo Sư W.L.
*
Câu kết lá thư của vị giáo sư triết học, thần học người Áo khiến tôi suy
nghĩ: Hình ảnh về
đạo Cao Đài trong tôi đã thay đổi rất nhiều. Phải chăng, trước đây ông đã đọc những bài viết bóp méo về đạo Cao Đài
theo kiểu Graham Greene hay Bernard B. Fall mà Giáo Sư Smith đã nói tới? Nếu đúng
thế, thì tôi cảm thấy vui sướng khi nhận ra những cố gắng từ khả năng hạn hẹp của
tôi để gióng lên một tiếng chuông trong trẻo đã có lời đồng vọng đầy thiện cảm.
Còn câu ông hỏi (Phải
chăng đạo Cao Đài tiếp thụ nhiều giáo lý của Tam Giáo và nhiều yếu tố về cơ cấu
và các bí tích của Công Giáo?), có lẽ lúc này chưa dễ trả lời thỏa đáng. Để
giúp người nước ngoài thấu suốt được những giá trị mới mẻ, độc đáo mà đạo Cao
Đài cống hiến cho thời đại mới, thì quả là cả một gánh nặng đang đặt lên vai giới
trí thức Cao Đài hôm nay và mai sau.
Khả năng của tôi rất hạn chế. Ý thức như vậy nên tôi luôn luôn
tự nhủ phải rất cẩn thận và phải cố gắng tận dụng chỗ hạn chế của mình trong công
việc trình bày đạo Cao Đài sao cho trong sáng. Giữa buổi sáng 29-12-2014, đang
lúc giải lao, trong khi trò chuyện với vị giáo sư người Áo về tôn giáo Cao Đài,
về những tập sách mỏng tôi đã xuất bản, bất chợt tôi hỏi ông có nhớ phương danh
nhà văn Mỹ Dale Carnegie (1888-1955) không. Tôi thổ lộ: Tôi thích câu Carnegie
nói rằng nếu đời cho ta một quả chanh thì ta hãy pha ly nước chanh. Rồi tôi giải
thích: Quả chanh của Mỹ lớn lắm (tôi lấy bàn tay khum khum lại làm ni), nên có
thể pha được rất nhiều ly nước chanh chứ nào phải một ly. Ông gật đầu. Tôi cười,
nói tiếp: Riêng tôi chỉ có được một trái tắc - quả quất / kumquat - nhỏ bé (tôi giơ đầu ngón tay cái làm ni),
thì tôi cứ vắt kiệt nó để pha một cốc nước tắc nho nhỏ. Vâng, tôi chỉ có thể hiến
tặng ít ỏi như thế.
Nhiêu Lộc,
14-01-2015
PHỤ ĐÍNH 1
TIỂU SỬ GIÁO SƯ R.B. SMITH
A. DẪN NHẬP
Cuối thập niên 70 tôi được tham khảo phần I chuyên khảo An Introduction to Caodaism rất công phu của Giáo sư R.B. Smith đăng trên chuyên san thông báo khoa học
của Trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu Phi (BSOAS), Vol. XXXIII, Part
I (Origins and Early History). Chuyên khảo giá trị này giúp tôi
có một tổng quan khi biên soạn Lịch
Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 (Huế:
Nxb Thuận Hóa, 1996). Thế nhưng, phải hơn hai mươi năm sau, tôi mới có được bản
sao chụp trọn vẹn phần I và phần II (Vol. XXXIII, Part II, nhan đề Beliefs and Organization). Hai
phần khảo luận này có được là nhờ cụ Đỗ Văn Anh nhiệt tình giúp đỡ cho kẻ hậu bối như
tôi, và không phải chỉ duy nhất một lần.
Cụ Đỗ là một tên tuổi quốc tế trong ngành Thư Tịch Học (Bibliography). Cụ làm cho Viện Khảo Cổ ở
Sài Gòn những năm 1950-60; là hội viên Hội Nghiên Cứu Đông Dương (SEI) những
năm 1951-75; và làm Giám Đốc Thư Viện Viện Khảo Cổ (Sài Gòn) trong mười năm
(1965-75). Thư viện này nằm trên đường Gia Long, Sài Gòn. Sau 1975, con đường
đổi tên và thư viện mang tên Thư Viện Viện Khoa Học Xã Hội Miền Nam (sau rút
gọn là Thư Viện Viện Khoa Học Xã Hội), và cụ tiếp tục làm một chuyên viên tại
đây. Từ năm 1986 cụ về hưu nhưng vẫn gắn bó với nghề thư viện (làm việc ngoài
giờ), và là một địa chỉ vàng cho những ai cần tìm sách vở, tài liệu khảo cứu.
Đầu năm 2001, qua một bài báo trên tạp chí Xưa & Nay số 86 (Hà Nội: tháng 2-2001, tr. 28),
tôi biết tin Giáo Sư Ralph B. Smith tạ thế ngày 20-12-2000. Hai năm sau, trong
lúc tìm hình ảnh và tiểu sử của Giáo Sư Smith, thông qua website
http://www.soas.ac.uk/Alumni/home.html, tôi liên lạc được với SOAS (địa chỉ:
University of London, Thornhaugh Street, Russell Square, London WC1H 0XG) và
rất may mắn là vào ngày 15-9-2003 đã được cô Sangeeta Banerjee, Phụ Tá về Quan Hệ Cựu Sinh Viên (Alumni
Relations Assistant) của SOAS nhiệt tình giúp đỡ.
Thật vậy, một tập Alumni
Newsletter (Edition 22,
Spring 2001), là bản tin của cựu sinh viên trường SOAS, đã được cô Sangeeta
chuyển về tận nhà tôi chín ngày sau đó. Ngoài chân dung R.B. Smith ở trang 13,
bản tin còn có bài của Giáo Sư Ian Brown (Trưởng Khoa Sử Trường Nghiên Cứu
Phương Đông Và Châu Phi, Viện Đại Học London), viết về công nghiệp của người
quá cố. Một vài câu hỏi của tôi liên quan tiểu sử của Smith qua bài viết của
Giáo Sư Brown đã được cô Sangeeta sốt sắng giải đáp rất chu đáo.
Và tiểu sử Giáo Sư R.B. Smith sau đây đã hình thành trên cơ
sở những gì mà cô Sangeeta đã giúp cho tôi, đặc biệt là bài viết rất hay của
Giáo Sư Ian Brown.
B. TIỂU SỬ R. B. SMITH
Giáo Sư Ralph Bernard Smith sinh ngày 09-5-1939 ở Bingley, Yorkshire (một hạt – county
– ở phía bắc nước Anh). Theo
học Burnley Grammar School (trường trung học ở thành phố Burnley, một trung tâm
công nghiệp khai mỏ và dệt ở tây bắc nước Anh), sau đó ông vào Viện Đại Học Leeds
ở trung bắc nước Anh, và đậu thủ khoa khi tốt nghiệp ngành Sử (a First in
History).
Năm 1963 ông hoàn tất học vị tiến sĩ với luận án nghiên cứu
về đất đai và xã hội ở West Riding thuộc hạt Yorkshire
vào nửa đầu thế kỷ 16. Khoảng thời gian này ông đang tu nghiệp để làm sử gia
ngành Đông Nam Á. Những năm 1962-1963 trong lúc tham gia Viện Nghiên Cứu Lịch Sử
(the Institute of Historical Research) ở thủ đô London, ông được tuyển
vào Trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu Phi (SOAS), làm trợ lý phụ giảng bán
thời gian (part-time tutorial assistant) môn Lịch Sử Nước Anh Từ Sau 1760.
Tiếp theo đó ông được bổ nhiệm làm trợ giảng (assistant lecturer) môn
Lịch Sử Đông Nam Á.
Trong bốn hay năm năm kế tiếp ông đã quên mình để bồi đắp
năng lực giảng dạy lịch sử Đông Nam Á và phát triển tài năng nghiên cứu lịch sử
Việt Nam; ông cũng đạt tới mức thông thạo tiếng Việt hiện đại và bắt đầu nghiên
cứu Hán ngữ cổ đại. Ông sang Việt Nam nhiều lần để nghiên cứu mà
chuyến đi đầu tiên là vào năm 1966. Một thành tựu quan trọng trong thời gian ấy
là việc công bố vào năm 1968 kết quả nghiên cứu về Việt Nam và phương
Tây. Công trình ấy cùng với một số bài báo chuyên khảo đã củng cố uy tín của
ông là sử gia về Việt Nam .
Năm 1971 ông được thăng lên học hàm Phó Giáo Sư (Reader).[14]
Giữa thập niên 1970 Smith khởi sự nghiên cứu về chiến tranh
Việt Nam ,
một công trình học thuật to tát gồm nhiều tập. Tập đầu tiên xuất bản năm 1983,
nhan đề An International
History of the Vietnam War: Revolution versus Containment, 1955-61 (Một lịch sử quốc tế của chiến
tranh Việt Nam: Cách mạng đối đầu với chính sách ngăn chặn, 1955-1961). Tác
phẩm được đón nhận cực kỳ nồng nhiệt cũng như hai tập nối tiếp sau đó: The Struggle for South-East Asia
1961-65 (Cuộc tranh đấu cho
Đông Nam Á 1961-1965), xuất bản năm 1985; và The
Making of a Limited War, 1965-66 (Gây
ra cuộc chiến tranh có giới hạn, 1965-1966), xuất bản năm 1991. Bộ sách dự kiến
gồm ít nhất bốn tập, nhưng ngay cả khi bị ngắn bớt đi, đây vẫn là một đóng góp
quan trọng cho một đề tài to tát. Khi thành tựu này và sự chuyển hướng tập
trung nghiên cứu khoa học của Smith được công nhận, năm 1989 ông được thăng học
hàm Giáo Sư Vĩnh Viễn môn Lịch Sử Quốc Tế Châu Á.[15]
Những năm cuối đời sức khỏe Giáo Sư Smith càng lúc càng suy,
nhưng ông vẫn quên mình dành nhiều thời gian và công sức giúp đỡ các sinh viên
nghiên cứu khoa học.
PHỤ ĐÍNH 2
THƯ CỦA GIÁO SƯ W. LÖFFLER
Dear Master,
Thank you! By the way, exactly today I read your three books (I am a bit
sick, not seriously, well enough to read but not well enough to go out of
house). Here are a few comments:
0) Overall: Congratulations to the interesting, well-structured books in
marvellous English (and - an absolute rarity today! - the
almost complete absence of typos; the only one is “Hydrargyrum” in the footnote
on the Alchemist, and somewhere there is a blank missing after a comma, but
that’s all).
It's also valuable for me to have a lot of the English-speaking literature
on VN united here and some old photos.
1) The book about Cochinchina was interesting and surprising; of course,
I expected hardships of nature in the Mekong
delta, but I was surprised to read about the mobility there (factually and
culturally) and about the democratic traditions.
2) The book on family & marriage reminds me very much of Catholic
canon law (e.g. the public announcement a week or so before) and Catholic moral
theology. Almost nothing to which a Catholic theologian could not subscribe to,
I presume. Is it so that CD adopts much of the doctrine from the three
teachings and much of the structures & sacraments from Catholicism?
3) The book on the three teachings is interesting for me since I (a) have
now a “Who's who in early VN philosophy” and (b) now I understand public
religion a bit better (I always had the impression that the three teachings
merger for many people, that some temples are (so to say) “multiconfessional”,
etc.). It’s just a pity I didn’t immediately read the book in HN, maybe I would
have visited some of the temples mentioned.
In sum: my picture of CD has changed very much. I am happy to have met
you!
With every good wish,
Prof. W.L.
[1] Bài tham luận của tôi có in trong Văn Uyển Xuân 2015 này.
[2] Giáo Sư Löffler sinh năm 1965, có
hai bằng tiến sĩ, là giáo sư ngoại hạng đương nhiệm (Ao.Univ.-Prof. / Außerordentlicher Universitätsprofessor), theo chế
độ học hàm của Áo và Thụy Sĩ. Ông đang giảng dạy tại Viện Triết Học Kitô Giáo (Institut für Christliche Philosophie).
Trò chuyện với tôi, ông cho biết phu nhân của ông là một nhà hoạt động tôn giáo
nhiệt thành ở nước Áo. Có thể vào xem trang web của ông tại địa chỉ:
http://www.uibk.ac.at/philtheol/loeffler.
[3] Xem Phụ đính 1: Tiểu sử Giáo Sư R.B. Smith.
[4] Vì thời gian hạn hẹp ở Hà Nội, tôi
không tiện đưa ông đến thăm thánh thất. Nhưng trước khi tôi về Sài Gòn, ông có
nhờ tôi ghi lại địa chỉ thánh thất và phương danh chức sắc cai quản. Ông nói
vui, vì ở thánh thất biết tôi, ông sẽ chìa ra quyển sách tôi tặng ông để làm
“danh thiếp”.
[5] Phần thứ hai cũng là phần chót, nhan
đề Beliefs and Organization / Tín ngưỡng
và tổ chức (Vol. XXXIII, Part II, 1970), thì phải rất muộn màng sau đó tôi mới
tìm được, nhờ sự giúp đỡ của cụ Đỗ Văn Anh, nguyên Giám Đốc Thư Viện Viện Khảo
Cổ (Sài Gòn), và nhà thư tịch học danh tiếng.
[6] Graham Greene, The Quiet American / Người Mỹ trầm lặng (Penguin Books, 1962), p.
81.
[7] Bernard B. Fall, “The political-religious sects of Viet-Nam”
/ Các giáo phái chánh trị của Việt Nam , Pacific Affairs, XXVIII, 3, 1955, pp. 235-53.
[8] “Few
phenomena in the modern history of Asia can
have been so completely misunderstood by Westerners as the Vietnamese religious
(and political) movement known in European languages as ‘Caodaism’. Based upon
a syncretic approach to religion, in which a key role is played by
spirit-seances, it has inevitably been regarded by Christian writers with the
same suspicion (if not contempt) as occidental ‘spiritualism’; and this initial
lack of sympathy is compounded by the fact that the spirits who have revealed
themselves at Caodaist seances include
such familiar figures as Victor Hugo and Jeanne d’Arc. Then there is the
show-piece temple of the Caodaists at Tây Ninh, which drew forth Mr. Graham
Greene's description of ‘Christ and Buddha looking down from the roof of the
Cathedral on a Walt Disney fantasia of the East, dragons and snakes in
Technicolor’. This superficial notion of the religious element in Caodaism
fitted in very well with the cynicism of political observers, notably Bernard
Fall, who saw in Caodaism no more than a political movement anxious to preserve
its private armies and local power, using its religious ideas merely to dupe a
credulous peasantry. In these circumstances, it is perhaps not surprising that
the real nature and origins of Caodaism have been lost from view, and even its
history has never been adequately summarized in any Western language.”
[9] “To
some extent Western ignorance about Caodaism is the responsibility of the
Caodaists themselves.”
[10] I
would like to say that Prof. Smith really wrote about Caodaism with sympathy
deeply from his heart. So, if there might be some “small” details incorrect
(due to the lack of reliable historical information at his time of doing his
research), it is not a matter.
[11] Xem Phụ đính 2: Nguyên văn lá thư.
[12] Lúc làm việc
ở Hà Nội, khi trò chuyện ngoài lề hay khi thảo luận trong các phiên họp, một vị
giáo sư người Đài Loan gốc Việt (họ Trần), luôn nhã nhặn gọi tôi là “thầy Huệ Khải”. Trần tiên sinh và tôi
có dùng tiếng Anh giải thích cho Giáo Sư Löffler ý nghĩa chữ “thầy”
trong tiếng Việt. Bởi thế, khi viết thư cho tôi, Giáo
Sư Löffler gọi tôi là “Master”
(thầy).
[13] Trong sách Tam Giáo Việt Nam - Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài, ở trang 71, chú thích 14 (tiếng Việt),
và trang 173, chú thích 14 (tiếng Anh), sách đã in là Hydragyum (tiếng Latin), chính từ gốc Latin đó mà tên hóa học của
thủy ngân viết là Hg. Tuy nhiên, Giáo
Sư Löffler nghĩ rằng tôi nên viết bằng tiếng Anh là Hydrargyrum.
[14] Reader là học hàm trên bậc giảng viên chính (senior lecturer)
và dưới bậc giáo sư (professor).
[15] a
personal Chair in the International History of Asia
Các em cần phải nâng cao tầm mức giáo lý cho có
triết học, khoa học, văn học để tăng thêm tính chất hấp dẫn và phổ biến. (…)
Các em cũng cần lưu ý: Giáo lý Đạo quá giản lược, chưa thỏa mãn sự tìm hiểu
của các giới. Nhưng phần phô diễn phát huy không phải là việc của các Đấng
hay chúng Tiên Huynh, mà chỉ có thể là của các em, với sự soi dẫn Thiêng Liêng.
Đức CAO
TRIỀU PHÁT
Cơ Quan Phổ Thông Giáo
Lý Đại Đạo, 31-3-1985
|