Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT DỰA TRÊN GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM

Nữ Tu Thecla TRẦN THỊ GIỒNG
Dòng Đức Bà
Xung đột có nhiều hình thức, nhiều nguyên nhân cũng như cách giải quyết. Riêng bản thân, nhân cơ hội này [1] tôi muốn trở về với những giá trị của dân tộc, của niềm tin, với ước mong ôn lại những kho tàng vốn có hầu có thể tìm ra một thái độ thích hợp trước thực tế phức tạp của biết bao cuộc xung đột quanh mình.
Có lẽ gần đây nhiều người Việt chưa được chuẩn bị tinh thần để biết “gạn đục khơi trong” khi tiếp xúc với những điều tiêu cực qua các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, dân ta đã nhiều năm trải qua những khó khăn như chiến tranh, thiên tai mà hệ quả của nó là làm lu mờ đi nét đẹp vốn có của dân tộc, đó là sống hài hòa, hòa với nhau, với vạn vật, với đất trời. Phải,“Ta về ta tắm ao ta Thật sự, “cái ao văn hóa” của người Việt rất phong phú. Nó đã giúp dân tộc Việt Nam đứng vững và sống hài hòa qua bao thế hệ.
Văn hóa chúng ta rất trọng chữ HÒA. Sao chúng ta không trở lại với cái tinh túy của tâm hồn người Việt để giải quyết xung đột? Có lẽ đây vừa là nét đạo đức nhưng cũng là cách ứng xử mang tính nhân bản cao. Chữ Hòa lan tỏa vào hầu hết mọi sinh hoạt đời sống của người dân, từ gia đình đến xã hội, trong văn hóa, nghệ thuật, cách ứng xử gần xa, trên dưới… Đâu đâu cũng thấm nhuần tinh thần và triết lý chữ Hòa. Từ gốc rễ, dân ta vốn tính Hiếu Hòa. Dĩ hòa vi quý [lấy hòa làm quý]. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm [1491-1585], một nhà trí thức có tầm cỡ vào thế kỷ Mười Sáu đã đề cao tinh thần này. Chính cụ đã lấy tiêu ngữ này để hóa giải sự tranh chấp chính trị của bốn họ Lê, Trịnh, Nguyễn, Mạc. Cụ đã dùng ảnh hưởng của mình và đã vận dụng chữ Hòa để nhờ đó mà giải trừ bớt nạn binh đao cho nòi giống Việt chúng ta thời ấy.
Chữ HÒA được viết là  (hòa bình, an bình). Cấu trúc chữ Hòa gồm có:
- Bên trái là chữ hòa  có nghĩa là cây lúa. Lúa là nguồn nuôi sống tượng trưng cho mặt vật chất.
- Bên phải là chữ khẩu  có nghĩa là cái miệng dùng để ăn uống, và nhất là để nói; tượng trưng cho tinh thần.
- Kết hợp hai yếu tố trên giúp cuộc sống được cân bằng, hài hòa.
Đặc trưng cây lúa bao gồm sự kết hợp âm, dương. Rễ ngâm trong nước để hút khí âm, thân cây đón dưỡng khí và ánh mặt trời là khí dương. Chữ hòa và chữ khẩu kết hợp thể hiện sự giao hòa giữa trời đất và con người với nhau.
Lời nói từ nội tâm sẽ tạo nên hòa khí. Đức Hòa tạo nên sự chân thành hợp tác hầu xây dựng xã hội yên vui. Mặt khác, người Việt Nam theo văn hóa nông nghiệp, sống nhờ cây lúa nên đức Hòa rất được coi trọng và phải được kết hợp với đức Nhân trong ngũ thường (nhân, lễ nghĩa, trí, tín). Chữ Nhân  (người), là do âm dương giao hòa, trời đất kết hợp. Đức Hòa và đức Nhân kết hợp thành Nhân Hòa. Chữ Nhân do kết hợp chữ nhân  (người) với chữ Nhị  (hai), gồm hai ngôi vị đứng cạnh nhau chỉ ta và tha nhân, đồng thời nói lên sự liên kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Đây là đức nhân ái. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi của Kitô Giáo và các tôn giáo khác. Nếu sống với chữ hòa thì người người sẽ an bình, nhà nhà sẽ an lạc và đâu đâu cũng sẽ vắng bóng sự xung đột.
Chúng ta có thể tóm kết chữ Hòa trong bốn hướng:
j Hòa giữa con người và Siêu Việt (Thiên Chúa): Đi theo hướng tâm đạo, trở về với thẩm cung của lòng mình. Nơi đây, con người tìm thấy ý Trời, sống theo ý Trời nên giữa Trời và người không còn phân cách
k Hòa giữa tâm và thân (hồn và xác): Giữa tâm và thân có mối giao hòa hợp nhất thì con người mới được an vui, thảnh thơi và hồn nhiên như con trẻ, và nhờ thế cuộc sống sẽ an bình
l Hòa giữa chính mình (ta) và tha nhân (người khác): Trong cõi đời này, ta và tha nhân luôn tồn tại bên nhau và cần có nhau. Hai bên liên kết hỗ tương.
m Hòa giữa chính mình (ta) và thiên nhiên: Chức năng của trời (càn) là che, chức năng của đất (khôn) là chở. Con người sống và kết hợp giữa đất trời và được “trời che, đất chở” tạo nên môi trường sinh thái tốt đẹp cho cả đôi bên. Con người không làm hỏng khí trời, không làm ô nhiễm đất, không hủy hoại thiên nhiên, khi đó con người mới được an bình và phát triển
Nếu muốn sống có phẩm chất, con người cần phải hòa với tha nhân, với cảnh vật, với môi trường sinh thái và nhất là luôn có an hòa nội tâm bởi vì nếu điều xấu đã phát động trong lòng ắt có lúc sẽ phát ra hành động xấu. Hòa chính là đường lối thành tựu nhân tính của mọi người; nếu không thế giới sẽ bất ổn, xung đột khó tránh khỏi. Chữ Hòa có đi vào hành động mới cải biến con người và xã hội.
Nếu nghiên cứu sâu, chúng ta sẽ thấy chữ hòa có mặt trong âm nhạc, hội họa, thi ca, kiến trúc, chính trị, kinh tế, và ngay cả trong việc ăn uống, chung sống. Yếu tố âm dương luôn có mặt và quyện vào nhau [1. Âm dương tương hòa] chứ không nằm cạnh nhau [2. Âm dương bất hòa] như hai biểu tượng sau đây:

1. Âm dương tương hòa
2. Âm dương bất hòa
Chữ Hòa có một nền tảng thâm sâu nối kết mọi cái tương khắc, mọi sự đối lập trên đời để chuyển thành tương sinh, tương nhập. Vũ trụ rất phức tạp, cuộc nhân sinh có lắm đa đoan. Nhưng nếu biết vận dụng triết lý Hòa, người ta có thể giải quyết những phức tạp, xung khắc. Chữ Hòa chính là chất keo nối kết tính phong phú đa tạp của vạn vật và của lòng người. Khi nắm được huyền nghĩa chữ Hòa, người ta dễ tiến tới chữ Ái. Yêu thương cả bạn lẫn thù, kẻ tốt lẫn người xấu. Kết hợp hai chữ Hòa Ái chúng ta thấy có hòa mới có ái và ngược lại. Như thế Hòa Ái có khả năng hóa giải xung đột. Khi yêu thật sự, chúng ta thường “chín bỏ làm mười”, nghĩa là cảm thông, khoan dung thường đi đôi với tình yêu thương.
 Mặt khác, dân ta thường xem chữ NHẪN là cái gốc của trăm nết. Người Việt Nam luôn chủ trương nhường nhịn, nhẫn nhịn để giữ được thuận hòa. Kinh nghiệm của cha ông ta thuở xưa thường được đúc kết trong những câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn, dễ nhớ và dễ truyền đạt lại cho con cháu như:
- Một câu nhịn, chín câu lành.
- Lạt mềm buộc chặt.
- Nhu thắng cương.
- Nhân nghĩa thắng hung tàn...
Đây là nét văn hóa mà các cụ vẫn nhắc nhở con cháu: Sống tốt với mọi người; khiêm tốn, nhã nhặn, kiên nhẫn… thì cuộc sống sẽ dễ vượt thắng được mọi thử thách, nghịch cảnh và xung đột. Điều này cũng đi đôi với tinh thần người Công Giáo: Nhịn kẻ mất lòng ta và nhất là với tinh thần Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Atxidi.
Nhẫn nhịn chính là cái cột chống đỡ cho tinh thần đua tranh. Nếu lúc nào cũng nghĩ đến sự nhẫn nhịn thì thắng không kiêu, bại không nản, có thể tiến, có thể lui theo ý muốn của mình. Ðức Khổng Tử nói: Trăm nết chung gốc chỉ có chữ nhẫn là cao thượng hơn hết. Ông cũng nhắc nhở: Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu.[2] (Việc nhỏ mà chẳng nhịn thì cái mưu lớn ắt phải hư hoại.) Ở đời ta thường thấy có những việc nhỏ, nhưng vì không nhịn được mà xảy ra sóng gió to lớn, nhiều khi gây nên tai họa giết hại lẫn nhau là do chẳng chịu nhẫn nhịn mà thành ra nông nỗi.
Nhẫn một chút tâm ta an lạc.
Nhịn một chút, mọi người đều vui.
Thực ra, nhẫn nhịn cũng không phải là nhục hay hèn nhát. Thời xưa, vua Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt mọi tủi nhục chỉ để chờ thời cơ làm nên chuyện lớn. Như vậy, cái chữ nhẫn nhục trở thành động cơ sống, thành đường lối của một số người nhằm đạt đến mục tiêu cao hơn. Nếu chẳng biết nhịn thì mọi việc có thể chẳng thành, họa hoạn chẳng dứt....
Hãy hiểu cho rành chữ dại, khôn
Thế nào là dại, thế nào khôn?
Khôn trong lấn lướt là khôn dại
Dại biết nhịn nhường, ấy dại khôn.
Trong kinh điển, người biết nhẫn nhục, chính là người mạnh nhất. Còn theo Thánh Gandhi (1869-1948): “Nhẫn nhục ví như không khí, chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn.
Bên cạnh nét đẹp văn hóa này, chúng ta cũng cần tỉnh thức để không quá chủ quan mà luôn biết gạn đục khơi trong. Người Việt chúng ta sống cộng đồng, gắn bó với tập thể nên sinh ra tư tưởng sợ mất đoàn kết, luôn lấy hòa hiếu làm trọng, có tâm lý vị tình:
- Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình.
- Chín bỏ làm mười.
Người ta quen nín nhịn và lắm khi nín nhịn cả với điều “Trái tai gai mắt” chỉ vì “Một điều nhịn chín điều lành”. Thật ra, bản chất của những lời dạy trên là nhắc nhở chúng ta tiết chế cảm xúc, biết hành xử vừa phải, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng.
Tính cộng đồng của người Việt rất cao, sống tình thân “đóng cửa bảo nhau”, “tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”, nên rất nhiều vụ việc người ta không cần đến sự can thiệp bên ngoài mà “xí xóa” để “hòa cả làng”.
Đôi lúc cái vị tình này là một thứ trở ngại không nhỏ trong việc xây dựng một xã hội sống và làm việc theo pháp luật. Im lặng có thể cho ta sự yên ổn tạm thời, nhưng dần dần nó sẽ xói mòn lương tâm, làm thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân mà cả của những người quanh ta. Sự yên ổn ấy đáng tiếc là sẽ khó kéo dài lâu.
Cần nhìn thẳng vào cái sai nhưng đừng với tâm thế hằn học, nhỏ nhoi, cực đoan và bạo lực. Cần kiên trì, mềm dẻo cảm hóa cái sai với xác tín rằng một lúc nào đó chính cái sai cũng lên tiếng, hòa vào bản giao hưởng của Chân- Thiện- Mỹ. “Dĩ hòa vi quý” là nét đẹp giúp tránh xung đột.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhắc lại với nhau lời của Đức Khổng: Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân về hùa với mọi người mà không hòa với ai. [3] Như vậy, nếu là bậc quân tử chân chính, ta sẽ biết lắng nghe từng quan điểm riêng và tôn trọng cũng như thấu hiểu lý lẽ của mọi người trong khi vẫn bám chắc vào lý lẽ của riêng mình. Điều nầy duy trì cả sự thống nhất lẫn sự hài hòa, trong khi vẫn bảo đảm tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe
Người Việt ta cũng trọng chữ TÌNH. Tinh thần nhân ái và khoan dung là một giá trị nền tảng của người Việt. Các giá trị nhân văn đã được đúc kết ngay trong những câu ca dao tục ngữ như:
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn.
- Anh em như thể chân tay.
- Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Đỉnh cao của lòng nhân ái là “Thương người như thể thương thân.” Giá trị này sâu đậm và tạo nên lòng bao dung của người Việt. Chính vì vậy, văn hóa Việt không có sự cực đoan trong việc đối xử giữa người với người và với các dân tộc khác. Điều này được khắc họa trong lời dạy của Nguyễn Trãi [1380-1442]:
Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo.[4]
(...) Cũng chính bởi chữ tình mà người Việt chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo, tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng ở Việt Nam: thuần túy nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn.
Một nét văn hóa độc đáo khác của người Việt là niềm tin vào ÔNG TRỜI.[5] Niềm tin này của người Việt giúp con người làm lành lánh dữ, tránh xung đột và gây thiệt hại cho người khác. Niềm tin vào Ông Trời đã thể hiện qua ngôn ngữ và qua nếp sống của từng người dân Việt.
Người Việt nhìn lên để kính Trời, kêu Trời và cầu Trời.
Tuy không biết rõ Ông Trời là Đấng như thế nào, nhưng dân Việt luôn nghĩ đến Ông Trời với lòng tôn kính.
Hễ gặp bất cứ việc gì xảy đến, dù vui hay buồn, tốt hay xấu, người Việt trước hết luôn buột miệng kêu: Trời ơi!
Khi rủi ro, buồn khổ, thất bại, hoạn nạn người ta cầu Trời.
Khi thành công, hạnh phúc, bình an, người ta nói nhờ Trời.
Khi gặp tai nạn người kêu cầu Trời cứu; cầu Trời cho tai qua nạn khỏi.
Ngoài ra, người Việt phần lớn sống bằng nông nghiệp, biết rằng mùa màng được hay mất cũng do Trời. Người nông dân lúc nào cũng tâm nguyện cầu Trời cho cơm no áo ấm: 
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm..
Chúng ta truyền tụng về ơn Trời bằng những câu ca dao, bài hát bình dân:
Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Trải qua bao đời, người Việt tin Ông Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng cầm quyền sống chết, làm chủ vận mệnh muôn loài, và quyền phép vô cùng.
Trong cuộc sống thường nhật, ý niệm về Ông Trời luôn ở trong tâm thức của người dân với những khái niệm:
- Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.
- Đại phú do Thiên; tiểu phú do cần.
- Trời sinh voi sinh cỏ.
- Trời cho ai nấy hưởng.
- Trời kêu ai nấy dạ...
Người Việt công nhận và tin tưởng Ông Trời cầm quyền thành bại trong cuộc sống của loài người:
Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
Dân chúng tin Trời là Đấng công bình, cầm quyền họa phúc, vì vậy đã thường nhắn nhủ với nhau:
- Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.
- Trời cao có mắt.
- Thiện ác đáo đầu chung hữu báo.
- Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
Người Việt giữ gìn truyền thống tương thân tương trợ những khi tối lửa tắt đèn. Nếu biết có Ông Trời ở trên cao nhìn hết mọi sự, ân trả oán đền nên dân ta cố tu thân, không gây tổn hại cho người khác, xung đột sẽ được hóa giải. Chính niềm tin rất tự nhiên này đã giúp bao tâm hồn hướng thượng và tu tâm dưỡng tánh, không làm điều gì gây khó khăn cho ai. Thái độ sống này đã giúp bao người tránh những cơ nguy của xung đột, của bạo lực, của trả thù…
Tất cả tâm tình này không xa lạ gì với cái nhìn của người Công Giáo tin vào Chúa Trời – Đấng can thiệp vào đời sống của mỗi người. Lòng tôn kính Chúa Trời sẽ giúp ta tỉnh thức và chọn thái độ sống tốt lành.
Nữ Tu Thecla TRẦN THỊ GIỒNG



[1] Tham luận tại cuộc hội thảo với chủ đề “Kỹ Năng Hòa Giải Xung Đột” do Viện Liên Kết Toàn Cầu / IGE: The Institute for Global Engagement (Hoa Kỳ), và Ban Tôn Giáo Chính Phủ (Việt Nam) tổ chức ngày 26 và 27-3-2015, tại TpHCM. Bài viết đăng trên nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 243, tháng 3-2015, tr. 112-122. Chúng tôi xin phép trích in lại đây phần đầu (Giá Trị Văn Hóa Việt Nam). Chân thành cảm ơn Nữ Tu Thecla Trần Thị Giồng và báo CGvDT. [Văn Uyển]
[2] Luận Ngữ (15:27): Tử viết: (…) tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu. : (…) , . [Văn Uyển chú]
[3] Luận Ngữ (13:23): Tử viết: Quân tử hòa nhi bất đồng; tiểu nhân đồng nhi bất hòa. : 君子和而不同; 小人同而不和. [Văn Uyển chú]
[4] Bình Ngô Đại Cáo (1427): Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn / Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo. 平吳大告: 以大義而勝兇殘 / 以至仁而易強暴. [Văn Uyển chú]
[5] Có thể xem thêm bài “Một Vài Suy Nghĩ Về Ý Nghĩa Thiên Nhân Hiệp Nhất Trong Văn Học Dân Gian Việt Nam”, của Nguyễn Thị Thu Hiền, in trong Đại Đạo Văn Uyển 13 (Xuân Ất Mùi, 2015), tr. 99. [Văn Uyển chú]

Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Forgive, and you will be forgiven. (Luca 6:37)