Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / ĐỨC TIN VÀ RÈN LUYỆN ĐỨC TIN / Nguyễn Thị Thu Hiền


Thomas Carlyle (1795-1881), triết gia Tô Cách Lan, nói: Người ta sống bằng cách tin vào điều gì đó…” ([1])

Henri-Frédéric Amiel (1821-1881), triết gia Thụy Sĩ, bảo: “Xã hội sống bằng đức tin.” ([2])

Vậy có thể nói, trong cuộc sống cá nhân của mỗi người hay trong sự tồn tại của xã hội nhân loại thì không thể nào thiếu “lòng tin” hoặc “niềm tin” vào điều gì đó. Hơn thế, đối với một người có tín ngưỡng tôn giáo (tín đồ) thì “lòng tin” hay “niềm tin” còn được nâng cao hơn nữa, và gọi là “đức tin”.

Đức tin là điều kiện cần và đủ giúp cho người tu học, hành đạo đi từng bước vững chắc trên con đường tự giác, giác tha. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

“Bần Đạo cũng nhắc lại, trên phạm trù tâm linh, giá trị đức tin là giá trị của ý chí hiến dâng cho một lý tưởng sáng chói để cứu thế. Có một đức tin dõng mãnh là đã có một ý chí hào hùng tin quyết về kết thúc cao quý của sự cứu độ toàn nhân sinh bằng một lý tưởng thật sự thanh cao của Đại Đạo. Phải tin quyết thì mới nhất tâm để chí thành hành sự. Đã có nhất tâm chí thành hành sự thì kết quả sẽ không xa. Mọi nguy nan dù khó khăn đến đâu cũng sẽ vượt qua một cách uy nghi. Chính vì thế, hơn ai hết, những bậc Thiên mạng nên cẩn trọng từ thâm sâu, nung nấu, rèn luyện đức tin sáng chói như minh đăng, như ngọc thạch. Màu xanh của đức tin phải là màu xanh của cẩm thạch bất biến. Hãy dìu dắt và gieo niềm tin này cho những ai đã hiến dâng sát cánh bên mình chan hòa cùng chung trong lý tưởng cứu thế của Đại Đạo.” ([3])

Như vậy, chẳng những cần có đức tin mà đức tin ấy còn phải được nung nấu, rèn luyện trong suốt quá trình tu học để cho ngày càng sáng chói thêm hơn.

Để học hiểu và thực hiện lời dạy của Đức Giáo Tông, là người tu sĩ Đại Đạo, tôi suy gẫm về đức tin của bản thân mình, nền tảng của đức tin trong mình là gì, mình có hiểu được sự quan trọng của đức tin hay chưa, ngoài ra còn cần phải rèn luyện và bồi dưỡng đức tin đó như thế nào trong quãng đường lập thân học đạo, hành đạo.

1. Từ niềm tin trở thành lý tưởng
Niềm tin không tự nhiên mà có; trái lại, cần trải qua một quá trình hình thành, tích lũy các cảm nhận, trải nghiệm trong một thời gian dài. Do đó, khi đã quyết định bước đi trên con đường của người tu sĩ Đại Đạo, tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi: Đức tin của mình có từ đâu? Phải chăng do ai đó đã trao cho hay bản thân mình nhất thời tự thức tỉnh? Nếu như câu trả lời nghiêng về bất kỳ một bên nào trong hai khuynh hướng trên thì cũng đều không đầy đủ, mà cần phải có sự kết hợp của cả hai khía cạnh ấy.
Thứ nhất: Niềm tin được kế thừa, gieo rắc và chăm bón từ truyền thống gia đình.
Được sinh ra làm người trong cuộc đời này chính là một ơn phước của Tạo Hóa vì “Con người đứng phẩm tối linh”.([4]) Ơn phước lớn lao hơn nữa là được sinh trong gia đình đã hạnh ngộ Tam Kỳ Phổ Độ. Chính nhờ cái nôi ấy mà ngay từ nhỏ, tuy ý thức chưa đủ đầy, tôi đã được tiếp cận, gần gũi và lớn lên với nền đạo lý, cũng ví như hạt giống được gieo vào mảnh ruộng màu mỡ được bảo vệ, chăm sóc cẩn thận. Đó chính là môi trường gây tạo mầm mống đức tin cho tôi; giai đoạn này giống như thời gian các em bé được dạy dỗ từ lớp vườn ươm, lớp lễ nghi đạo đức trong mô hình đào tạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo mấy mươi năm qua.
Thứ hai: Niềm tin từ sự tự nhận thức của bản thân.
Nếu như niềm tin được kế thừa, un đúc từ truyền thống gia đình tợ như một hạt giống, thì trong quá trình trưởng thành con người có khả năng tự nhận thức. Chính sự nhận thức đó sẽ quyết định hạt giống ấy có nảy mầm và phát triển thành cây hay không. Cái nôi đức tin trong tôi chính là được kế thừa từ gia đình và sự tự ý thức của bản thân, làm cho đức tin ấy ngày càng gia tăng và phát triển. Và cuối cùng, đức tin ấy đã thôi thúc để tôi bước đi trên con đường tu học, hành đạo với mong ước rèn luyện tâm, hạnh, đức, tài ngõ hầu tự độ bản thân và phụng sự tha nhân.
2. Tầm quan trọng của đức tin
* Đức tin có sức mạnh vô bờ.
Trong đạo Cao Đài, Đức Huỳnh Trung Nguyên dạy:
“Đức tin đã giúp cho các nhà bác học thám hiểm tận đáy biển sâu, vào vùng băng tuyết và vượt bầu khí quyển để đến được một hành tinh khác. Đức tin đã giúp người mẹ nghèo nàn xơ xác nuôi sống đàn con đông đúc. Đức tin đã giúp cho một người quê mùa bần cùng dốt nát được thành công đắc quả trên đường tu học. Đức tin đã giúp những thường nhân sa đọa được trở nên phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật.” ([5])
Những sức mạnh đó của đức tin đã được chứng thực trong đời sống thực tế của con người và các nghiên cứu khoa học.
Trong y khoa, có một phương pháp chữa bệnh được gọi là hiệu ứng Placebo,([6]) khi bác sĩ cho người bệnh uống viên thuốc bên trong chỉ chứa… đường (thí dụ vậy) và bảo họ rằng đây là thứ thuốc có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh của họ, vậy mà nhiều bệnh nhân đã hết bệnh sau đó. Như vậy, chính niềm tin đã giúp những người bệnh tự chữa lành bằng tinh thần.
Cũng chính niềm tin giúp nhiều người lên đỉnh thành công và tạo ra những kỳ tích:
* Lớn lên ở một khu ổ chuột tồi tàn, nghèo khổ, nhờ niềm tin mạnh mẽ, một phụ nữ da đen đã nỗ lực vào đại học, làm biên tập viên, người dẫn chương trình cho các đài truyền hình từ nhỏ đến lớn, tham gia đóng phim. Bà vượt qua bao khó khăn thử thách để có được các “sô” truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ. Người phụ nữ ấy là Oprah Winfrey, người được tôn vinh là “Nữ hoàng truyền thông của nước Mỹ”, cũng là một tỷ phú với tài sản được tạp chí Forbes ước tính là 2,9 tỷ Mỹ kim (năm 2014). Bà được CNN và Time.com gọi là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”. Tạp chí Time bình chọn bà nằm trong số một trăm người có ảnh hưởng nhất thế kỷ Hai Mươi, và trong ba năm 2004, 2005, 2006 của thế kỷ Hai Mươi Mốt. Rất nhiều những danh hiệu cao quý khác còn dành cho Oprah sau đó. Câu chuyện của bà Oprah minh chứng rằng niềm tin có sức mạnh thần diệu ảnh hưởng đến con người.
* Sa Thạch Tập (Sasekishū / Shasekishū), do thiền sư Vô Trú Đạo Hiểu (Mujū Dōgyō, người Nhật) viết vào cuối thế kỷ Mười Ba, có chép câu chuyện sau đây:
Bên Nhật, vào đầu thời Minh Trị Thiên Hoàng (1867-1912), anh Onami là người rất khỏe mạnh và giỏi thuật đấu vật. Khi tập luyện, anh thừa sức đánh bại cả sư phụ; nhưng khi thi đấu trước công chúng, anh lại bị kẻ chỉ đáng làm học trò anh ném xuống võ đài! Vì anh thiếu tự tin.
Quá đỗi xấu hổ, Onami đến gặp thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin, 1685-1768) và thổ lộ nỗi niềm.
Thiền sư khuyên: “Tên anh là Onami, nghĩa là Sóng Lớn; vậy tối nay hãy ở lại đây, hãy tưởng tượng anh chính là sóng lớn.”
Đêm đó, ngồi một mình trong chánh điện, Onami cố gắng tập trung tư tưởng rằng anh chính là con sóng lớn. Rốt cuộc, anh chuyển sang cảm giác thấy sóng càng lúc càng dữ dội, quét sạch mọi thứ trên bàn thờ. Ngay cả tượng Phật cũng nghiêng đổ!
Sáng hôm sau, thiền sư Bạch Ẩn bước vào chánh điện, nhìn thấy mọi thứ ngổn ngang. Sư mỉm cười bảo: “Từ nay trở đi sẽ không còn ai có thể đánh bại anh được nữa.”
Tuy nhiên, sức mạnh của đức tin (hay niềm tin) được biểu hiện ở mặt tích cực to lớn ra sao thì ở mặt tiêu cực nó cũng có một sức mạnh chẳng kém. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu một người tin rằng họ ngu ngốc, chậm chạp, yếu đuối… thì họ sẽ trở nên y như vậy; chính niềm tin tiêu cực đó hủy diệt họ, khiến họ không thể vươn lên được.
Vì vậy, những nhà giáo dục khuyên các bậc cha mẹ đừng luôn miệng rầy rà con trẻ là chúng kém cỏi, ngu dốt; tức là đừng gieo mầm tiêu cực trong tâm trí trẻ, khiến trẻ không phát triển. Trái lại, hãy khéo léo tìm cách cho trẻ tự tin rằng chúng có thể giỏi giắn hơn.
Chẳng hạn, tiến sĩ Haim G. Ginott (1922-1973), người Do Thái, là một nhà giáo dục danh tiếng, chuyên gia tâm lý trị liệu trẻ em, và là bậc thầy hướng dẫn cha mẹ cách nuôi dạy con trẻ. Ông nói:
“Nếu bạn muốn con cái mình phát triển, thì hãy để cho bọn trẻ nghe lóm được những lời hay ho, tử tế khi bạn nói về con mình trong câu chuyện với người khác.” ([7])
Từ lãnh vực đời thường, sang phạm vi tu học và hành đạo, chúng ta cũng có thể thấy được tầm quan trọng, ảnh hưởng tích cực, hay sức mạnh của đức tin vô cùng to lớn.
* Đức tin đối với người tu học
Phúc Âm chép theo Thánh Luca (17:5-10) ghi lại lời Chúa Giêsu dạy về đức tin như sau:
Một hôm, các tông đồ thưa với Chúa: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”
Chúa đáp: “Nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Cây dâu là một loại cây tương đối lớn ở Do Thái, có bộ rễ rất to và khỏe; còn hạt cải (a mustard seed) là một loại hạt nhỏ xíu như đầu kim. Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh tương phản rất sinh động để nói lên sức mạnh của đức tin: Muốn làm bật gốc rễ một cây dâu thật to chỉ cần một đức tin bé nhỏ nhưng phải là một đức tin vững vàng mạnh mẽ.
Trong đạo Cao Đài, Đức Huỳnh Trung Nguyên dạy:
“Vì quan trọng như vậy cho nên đức tin là điều tối cần cho người tu học dầu ở trình độ nào. Đừng vì những ngoại cảnh nào làm mình phải mất đức tin. Hễ mất đức tin thì tinh thần bạc nhược, cơ thể uể oải, mọi sự hy vọng sống ở đời đều không có chủ đích.” ([8])
Theo lời dạy trên, đối với người tu thì đức tin không chỉ cần có là được mà còn là một điều kiện vô cùng cần thiết cho bất kỳ trình độ tu học nào. Người tu cần giữ vững đức tin của mình trước ngoại cảnh, vì chính đức tin sẽ giúp hành giả vượt qua mọi khảo thí, chướng ngại, luôn giữ được lòng kiên trung, bền chí để vững bước trên con đường chơn chánh (chánh đạo):
Đức tin để giúp cho mình
Đức tin cứng cát giữ gìn đường chơn
Đức tin khảo thí đâu sờn
Đức tin non nớt phản huờn đặng đâu.
(…)
Đức tin nung chí vững bền
Đức tin là một cái nền Phật Tiên
Đức tin là chiếc pháp thuyền
Đưa ta cho đến tận miền Bồng Lai
Đức tin quyết định chẳng phai
Người tu chứng quả đức tài minh quang
Đức tin là một cái thang
Leo lên tận chốn Thiên Đàng như chơi.([9])
Ngoài ra, đức tin còn giúp cho người tu học có được tinh thần minh mẫn, trí tuệ sáng suốt, thân thể tinh anh, là điều kiện để đạt đến mục đích cuối cùng là chứng quả, giải thoát (tự độ). Và muốn cứu độ tha nhân, giúp ích cho đời thì người tu cũng nhờ vào đức tin mới có thể thực hiện được trong sự hộ trì của Thiêng Liêng:
Đức tin giúp ích cho đời
Đức tin có sẵn, Phật Trời độ cho.([10])
Trên đây đã cho thấy đức tin có vai trò to lớn trong mỗi bước đường tu học; thế thì người học tu cần phải nung nấu, rèn luyện đức tin như thế nào để - như Đức Giáo Tông đã dạy - ngày càng sáng chói như minh đăng, như ngọc thạch”, và phải làm sao để bền vững đức tin như “màu xanh của cẩm thạch bất biến”? ([11])
3. Rèn luyện đức tin
* Vì sao phải rèn luyện đức tin?
Có được đức tin đã là cả một quá trình tích lũy và vun đắp, nhưng nếu muốn giữ vững đức tin can trường thiết thạch, sáng tỏ thì lại cần một quá trình bồi đắp liên tục của người học đạo và hành đạo. Bởi vì:
Đức tin như cái đèn dầu
Đèn mà không cháy tại dầu khô khan
Đức tin như một chiếc thoàn [thuyền]
Mà không có đáy nước tràn chun lên.
. . .
Đức tin như thể cái vò
Bị hư thủng đáy chứa đồ chảy ra.([12])
Người tu phải nung nấu, bồi dưỡng đức tin cũng giống như cần phải châm dầu liên tục vào cái đèn dầu, không cho lịm tắt; phải chèo chống, tát nước liên tục khi đi trên thuyền thủng đáy. Hơn nữa, đức tin lại là thứ khó có được, nhưng lại dễ bị bào mòn, hao hụt như chứa một chất lỏng trong một cái vò (cái bình) bị thủng, rò rỉ.
* Rèn luyện đức tin như thế nào?
Phải rèn luyện chánh tín. Đức Huỳnh Trung Nguyên dạy:
“Đừng tin một lời nói, một ý kiến hoặc một đoạn văn nào của một người (mặc dầu mà người ấy trên trời mới rớt xuống tự xưng là Phật, Thánh, Tiên) nếu lời nói hoặc ý kiến hoặc đoạn văn ấy sai chơn lý và lẽ Đạo.” ([13])
Khi mới mở đạo Cao Đài, ngày Chủ Nhật 22-8-1926 (15-7 Bính Dần), Đức Chí Tôn cảnh tỉnh môn đệ:
“... Quỷ Vương đã khởi phá khuấy chơn đạo, đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.”
(...)
[Quỷ Vương] hiệp tam thập lục động, đổi tên gọi là Tam Thập Lục Thiên; các tên của chư Thần Thánh, Tiên Phật bị mạo nhận mà lập nên tả đạo.” ([14])
Do đó, trong bối cảnh hỗn độn giữa các trào lưu như thế gian ngày nay, rất khó phân biệt được đường chánh với nẻo tà. Người tu hành cần phải cực kỳ thận trọng, sáng suốt để phân biện được chánh tín và mê tín, tránh khỏi những cám dỗ của tà thần. Các thế lực tà thần rất dễ dàng xâm nhập tâm hồn những người tu nào trót nuôi nhiều vọng tâm và tham dục (cao ngạo, tự tôn, cậy công, háo danh, ích kỷ, chủ quan…), và chúng sẽ cản trở người tu trên đường thực thi sứ mạng Kỳ Ba.
Muốn vậy, phải thường xuyên gắn bó với môi trường tu học hành đạo chơn chánh để liên tục châm dầu cho ngọn đèn đức tin của mình, gắn bó với huynh đệ đồng môn (ăn cơm có canh, tu hành có bạn), giữ gìn giới luật, quy điều cho thật nghiêm minh… Đó là những khuôn vàng thước ngọc, là đạo đức để làm “bộ thiết giáp” ([15]) bảo vệ người tu trên “chiến trường” vừa tự thắng bản ngã thấp hèn vừa liên tục chiến đấu với thế lực tà quyền cám dỗ: Biết chước quỷ đánh lừa cám dỗ / Yếu đức tin nên phải lụy mình.([16])
Sau cùng, điều rất quan trọng là phải rèn luyện đức tin hướng về chánh tín. Đó là:
* Đức tin hướng về Thượng Đế: Trong Kỳ Ba này chính Đức Thượng Đế đã giáng thế dạy dỗ nhân sanh, ban trao chánh pháp, cứu rỗi cả nhân loại để lập đời thượng ngươn thánh đức, an lạc thái bình.
* Đức tin hướng về Đại Đạo: Đại Đạo bao gồm những gì có giá trị phổ quát, trường cửu, đại đồng và tiến hóa.
* Đức tin hướng về công cuộc tiến hóa của càn khôn vũ trụ, trong đó bao gồm luôn cả đức tin hướng về con người thi hành sứ mạng vi nhân, để làm con người chính danh, con người đúng nghĩa, con người cho thật con người, tức là con người nhân bản.
NGUYỄN THỊ THU HIỀN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo



([1]) A man lives by believing something
([2]) Society lives by faith
([3]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 14-02 Ất Mão (26-3-1975).
([4]) Kinh Tắm Thánh: Những vạn vật âm dương tạo hóa / Dầu cỏ cây hoa quả biến sinh / Con người đứng phẩm tối linh / Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi
([5]) Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 12-4 Canh Tuất (16-5-1970).
([6]) Placebo được người Hoa gọi là an ủy tễ 安慰劑, tức là viên thuốc dùng để “an ủi” người bệnh, giúp họ yên lòng; vì vậy, người Việt có khi gọi nó là “thuốc trấn an”. Placebo có thể là bất kỳ thứ gì giống như một cách trị bệnh thật sự, nhưng không đúng là vậy. Placebo có thể là một viên thuốc, một mũi tiêm (chích), hay châm cứu, v.v… Nói chung, placebo thật sự không chứa một chất gì có tác dụng tới sức khỏe, nó chỉ là cách “giả vờ” điều trị, gây tác động tới tâm lý. (Tham khảo: A placebo is anything that seems to be a “real” medical treatment - but isn’t. It could be a pill, a shot, or some other type of “fake” treatment. What all placebos have in common is that they do not contain an active substance meant to affect health.) Nguồn: http://www.webmd.com/pain-management/what-is-the-placebo-effect [Văn Uyển chú]
([7]) If you want your children to improve, let them overhear the nice things you say about them to others.
([8]) Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 12-4 Canh Tuất (16-5-1970).
([9]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 118. [Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.]
([10]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 118.
([11]) Cẩm thạch làm nữ trang khi đeo trên người càng lâu năm càng “lên nước” xanh thẫm.
([12]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 118.
([13]) Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 12-4 Canh Tuất (16-5-1970).
([14]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I.
([15]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn ngày Thứ Bảy, 07-8-1926 (29-6 Bính Dần).
([16]) Kinh Sám Hối, do Đức Thể Liên Tiên Nữ ban cho.