Nhà văn quá cố Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), trong con mắt của những người
đồng thời và của lớp hậu sinh thường được nhìn nhận như là một học giả có sự
nghiệp trứ tác đáng nể về đủ mọi phương diện khảo cứu, biên soạn, dịch thuật
với khoảng một trăm hai mươi tác phẩm để đời mà hầu như tác phẩm nào cũng có
một giá trị riêng biệt đáng được nhắc nhở.
So với các lớp tiền phong, không phân biệt trong hay ngoài nước, ông có
nhiều mặt vượt trội cả về số lượng lẫn tính đa dạng. Mà về văn phong giản dị,
phương pháp làm việc khoa học, với cách trình bày bất cứ vấn đề nào cũng mạch
lạc, rõ ràng và dễ hiểu dễ đi vào lòng người thì ai cũng phải chịu. Ngoài ra
người ta còn trọng ông hơn nữa ở phần nhân cách, lối sống, tấm gương làm việc
kiên trì nhẫn nại, cùng nhiều đức tính đáng quý khác, chứ không chỉ ở những kết
quả của sự nghiệp văn chương đồ sộ mà ông đã cống hiến được cho đời.
Tôi có gặp ông một lần nhưng ngắn ngủi và không có kỷ niệm gì đáng để ghi
lại. Chỉ sau khi ông qua đời chừng vài năm, gặp một số người khác hiểu biết
nhiều về ông hơn, tôi thấy dường như ai cũng nhắc đến công đức ông với lòng
kính trọng một cách gần như tuyệt đối. Ngay như cụ Vương Hồng Sển (1902-1996)
khí phách Nam Bộ ngang tàng vậy, lớn hơn ông những tám tuổi mà cũng thừa nhận
trong đời cụ chỉ quỳ lạy trước linh cữu có hai người, một là cha cụ, người thứ
hai là “anh Lê”, như lời cụ tự kể
trong một bài báo viết ở đâu đó.
Nhìn chung, ông Nguyễn Hiến Lê có công rất lớn trong việc truyền bá những
tinh hoa tư tưởng Đông Tây, đặc biệt là những tri thức có tính cách thực hành
và lối sống văn hóa mới cho những người cùng thời, nhất là cho thế hệ trẻ.
Nhiều người nhận rằng nhờ có ông chỉ vẽ mà họ đỡ lúng túng rất nhiều khi bước
chân vào đời, nắm vững phương pháp làm việc, học tập và xây dựng được một quan
niệm tương đối ổn định về cuộc sống.
Nhận xét của người đời về nhà văn Nguyễn Hiến Lê như vậy hẳn phải khách
quan, vì hầu như không thấy có ý kiến phản biện, của cả trong Nam lẫn ngoài
Bắc. Nếu cố tìm ở ông một chỗ gì thiếu thiếu trong sự nghiệp văn chương, thì có
lẽ là chỗ ông chỉ giỏi bình luận, nhận xét tinh tế về thơ, văn thôi chứ không
có sở trường sáng tác. Quyển tiểu thuyết duy nhất Con Đường Thiên Lý (viết xong năm 1972, xuất bản khoảng năm 1993)
của ông không thành công lắm và cũng ít được nhắc nhở; ông có khả năng giới
thiệu kiến thức, tư tưởng một cách siêu đẳng trên cơ sở tổng hợp Đông Tây kim
cổ nhưng vẫn chưa thể gọi được là một nhà tư tưởng độc lập có lý thuyết riêng.
Điều nầy nếu cố vạch ra cho có vẻ khách quan hơn thì cũng không làm hạn chế tí
nào phần đóng góp mà ông đã làm được, vì ông đâu phải nhà thơ hay nhà sáng tác
tiểu thuyết; còn nói về phương diện lập thuyết, chẳng những ông không có cao
vọng mà trong suốt bốn ngàn năm văn hiến của ta cũng đâu dễ kể ra được một
người.
Tuy nhiên, dường như người ta thường chỉ chú ý đến Nguyễn Hiến Lê như một
học giả, một nhân vật có nhiều thành tích xuất sắc về phương diện học thuật,
một con người của sách vở, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một
trí thức đầy trách nhiệm thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành, lúc
nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng
như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời.
Ngay như một người tri kỷ của ông là Châu Hải Kỳ trong quyển sách viết riêng về
ông,[1] cũng chỉ tập trung giới thiệu, phân
tích phần sự nghiệp văn chương là chính.
Tất nhiên, chỉ với phần đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ
không thôi, như mọi người nhận thấy, Nguyễn Hiến Lê cũng đã thể hiện vai trò,
trách nhiệm của người trí thức trong xã hội. Điều rõ nét hơn là nhịp đập trái
tim của ông luôn gắn liền với thời cuộc và những nỗi âu lo của cuộc sống, thể
hiện bàng bạc kiên nhẫn và xuyên suốt trên từng trang viết của cả cuộc đời
mình. Ông tuy có lặn hụp trong sách vở nhưng không đắm đuối để cho chữ nghĩa
làm “tha hóa” đến quên mất những trách nhiệm hiện thực đối với cuộc sống đầy
gian truân bấp bênh trục trặc của đồng bào đồng loại. Bởi vậy hình như ông không
thích nói suông hoặc tranh luận những điều lặt vặt để phô trương vẻ hơn kém
trong trận bút trường văn, mà chỉ viết những gì cảm thấy cần thiết cho sự tiến
bộ xã hội.
Văn ông nói chung bình dị, ít gọt giũa nhưng bút lực thường trở nên mạnh
mẽ hoạt bát, giọng thiết tha hùng hồn mỗi khi đề cập đến tổ tiên ông bà, đến
một phong trào yêu nước, thậm chí khi biểu lộ xúc cảm bình thường trước một
cảnh đẹp bình dị của quê hương, đất nước, một địa danh, một con người, một kỷ
niệm...
Quyển Đông Kinh Nghĩa Thục (1956)
của ông đọc hấp dẫn như tiểu thuyết, có thể coi là một tập ký sự lịch sử có tác
dụng giáo dục tiêu biểu, nhờ được viết với một tình cảm tôn kính cổ nhân và yêu
nước nồng nàn mà truyền được nhiệt huyết của thế hệ sĩ phu lớp trước cho thế hệ
trẻ.
Loại sách biên khảo triết lý của ông cũng thường có chủ ý nhất định,
hướng vào việc giới thiệu những đề tài có giá trị ứng dụng vào thực tiễn xã
hội, như cuốn Nho Giáo Một Triết Lý Chính Trị (1958) chẳng
hạn, mà ta có thể xem như một bản lược đồ về phương pháp, kinh nghiệm trị dân
theo quan niệm Khổng học.
Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những bản dịch tiểu thuyết của
ông đều có giá trị lớn về mặt giáo dục, đề cao tình yêu quê hương và chủ nghĩa
nhân bản, có thể kể: Chiến Tranh Và Hòa
Bình của Léon Tolstoi [Nga, 1828-1910]; Kiếp
Người của Somerset Maugham [Anh 1874-1965]; Khóc Lên Đi Ôi Quê Hương Yêu Dấu
của Alan Paton [Nam Phi, 1903-1988]; Quê Hương
Tan Rã của Chinua Achibe [Nigeria, 1930-2013]; Chiếc Cầu Trên Sông Drina của Ivo Andritch [Nam Tư, 1892-1975]; Mùa Hè Vắng Bóng Chim của Hàn Tố Âm 韓素音
[Anh gốc Hoa, 1917-2012], v.v...
Dù chưa thiết lập kỹ càng một định nghĩa vốn rất không dễ về người trí
thức, chúng ta cũng khó hình dung một người trí thức mà lại chỉ biết có mình
trong chuyện thăng tiến tạo lập sự nghiệp để chiếm lĩnh những vị trí đặc quyền
trong xã hội về tiền tài danh vọng mà không quan thiết gì đến những khó khăn
trục trặc của đồng loại, trước nhất là của cộng đồng những người gần gũi mình
nhất, đã nuôi dưỡng đùm bọc mình cho tới khi khôn lớn.
Xét riêng về phương diện thăng tiến trong nghề nghiệp thì nhà văn Nguyễn
Hiến Lê cũng là một người thành đạt, tuy nhiên ông không chuộng hư danh phù
phiếm hoặc an nhiên hưởng thụ thành quả, đánh mất mình, trái lại lúc nào cũng
sống giản dị lo toan, tìm cách gióng lên tiếng nói trung thực tự đáy lòng để
mong vớt vát được phần nào cho tình trạng xã hội đã khá suy bại đương thời.
Có lẽ vì vậy nên mặc dù rất không ưa chính trị và không tham chính, ông
vẫn phải nói hoài viết hoài dần dần lên đến trên ba trăm bài báo có tính thời
sự liên quan đủ các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội...; tựu
trung mặt nào ông viết trong loại nầy cũng không khỏi có dính dáng ít nhiều đến
chính trị, bởi một lẽ dễ hiểu là mọi mặt trì trệ trong đời sống xã hội nếu có ở
mọi thời đều phải liên quan đến trách nhiệm của kẻ cầm quyền.
Nhưng điểm đặc biệt là tất cả những bài ông viết đều không mang dấu ấn
của động cơ cá nhân hay có tính đại diện cho bất kỳ phe phái nào, cũng không
chỉ trích cá nhân nào trong tầng lớp cầm quyền đương thời, mà chỉ dựa trên
lương tri và kiến thức với tâm tình độ lượng thiết tha để phân tích vấn đề một
cách khách quan tinh tường nhằm góp phần xây dựng những chính sách vĩ mô dài
hạn mang lại lợi ích cho quần chúng.
Khi viết thể loại chính luận, do không có tư tâm tư kỷ nên lời ông thường
trung thực mạnh mẽ, đôi khi gay gắt, phẫn nộ, đả thẳng vào các thói tệ hại của
nhà cầm quyền, nên bài viết khi đăng ra thường bị đục bỏ nhiều chữ nhiều đoạn
do chế độ kiểm duyệt báo chí của hệ thống thông tin lúc bấy giờ.
Mặc dù đôi khi không thể không gay gắt trong cách bày tỏ nhưng thái độ
của ông căn bản vẫn luôn ôn hòa, nhũn nhặn và xây dựng một cách thấu tình đạt
lý chứ không bao giờ nói càn theo kiểu chỉ trích vô điều kiện thiếu trách nhiệm
để thỏa mãn tự ngã. Về điểm nầy có lần ông đã minh thị trong một bài viết:
“... Tôi muốn bàn qua về thái độ
chúng ta đối với chính quyền. Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là
được độc lập, và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc
dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền,
đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích,
lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu
hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính
quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý tới lời
nói của ta... Chúng ta còn phải tiếp tục tranh đấu cho được tự do ngôn luận... Muốn
thành công thì một mặt chúng ta phải coi chừng những kẻ muốn bịt miệng chúng
ta, mặt khác phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta
khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta thẳng thắn nhận định với
những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch. Chúng ta vì
quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình − chẳng
phải của riêng ta mà của quốc dân − chẳng hạn với những kẻ bán nước, hút máu mủ
của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không có chút căm thù cá
nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách, chứ không đả một cá nhân...”
[2]
Ở bài viết có đoạn vừa dẫn trên, ông đặt rõ vấn đề trách nhiệm của giới
nhà văn trước thời cuộc. Lúc bấy giờ là năm 1967, chiến tranh đang hồi ác liệt,
xã hội miền Nam đang sa sút trầm trọng nhiều mặt, tiếng nói của người trí thức
trở nên lạc lõng, khiến tâm tư ông cũng có phần chao đảo:
“Người cầm bút nào lúc nầy mà chẳng
có nhiều buồn tủi rằng tất cả những cái mình viết ra đều là bá láp hết, chẳng
có một tác động gì cả, rằng mình gần như vô dụng, may mắn lắm là khỏi đánh đĩ
với cây viết...”
Theo ông trong số năm nhu cầu, mục tiêu căn bản của người dân lúc đó
(gồm: hòa bình, chủ quyền, tự do dân chủ thực sự, mức sống tối thiểu của con
người, và kiến thức tối thiểu của một công dân) thì nhà văn hay người trí thức
chỉ có thể đóng góp cho phần mục tiêu sau cùng (giúp nâng cao kiến thức tối
thiểu của một công dân); tất cả những mục tiêu còn lại đều hư ảo đành phải chịu
bó tay bất lực hết. Và ông hô hào để làm được điều đó, trước hết người cầm bút
phải tìm cách san bằng cái hố ngăn cách giữa mình với đại đa số nhân dân lao
động phần lớn trình độ còn thấp kém chưa thể hưởng thụ được thứ văn chương xa
hoa tách rời cuộc sống thực.
Mặc dù đã có phần nao núng, ngờ vực vai trò của người trí thức trong thời
loạn, ông không nỡ ngừng bút mà vẫn tiếp tục viết để hô hào, cảnh tỉnh đồng bào
về những việc cần nghĩ, cần làm, chuẩn bị cho tương lai lâu dài, và như ông
thường nói, “khi hòa bình lập lại”.
Căn cứ trên tất cả những gì Nguyễn Hiến Lê viết, người đọc thấy ông dường
như không quan trọng vấn đề ý thức hệ, nên ở vùng “quốc gia” mà ông cũng không
hề có ý kiến “chống cộng”; trái lại ông thường chê trách các chính quyền độc
tài, đặc biệt như thời Ngô Đình Diệm (sinh 1901, cầm quyền 1955-1963) mà ông
gọi là “Ngô triều”; với các nước Âu Mỹ, nhất là Mỹ, ông luôn luôn cảnh giác
người dân phải thận trọng, và cho rằng chế độ thực dân trên thực tế vẫn còn tồn
tại, lẩn quất đó đây dưới những hình thức mới. Với ông, chỉ có vấn đề phúc lợi
của dân chúng là quan trọng trên hết, chính quyền chỉ phụ thuộc và nhất thời.
Khi tự phát biểu về nhân sinh quan, phần nêu chính kiến ông nói: “Làm nhà văn thì phải độc lập, không nên
nhận một chức tước gì của chính quyền.” Rồi ông đi vào chi tiết hơn: “Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị,
nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân... Một xã hội văn minh
thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ
đừng quấy rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng
chính kiến của mọi người... Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải
nghề tự do thì không thể gọi là một xã hội tự do được.” [3]
Tính cách trí thức của nhà văn Nguyễn Hiến Lê còn thể hiện ở chỗ ông luôn
luôn nhìn xa trông rộng, đặt vấn đề gì cũng dựa trên cơ sở văn hóa khoa học
vững chắc thu thái được từ kiến thức kinh nghiệm của muôn phương để định ra
chiến lược phát triển dài hạn.
Vấn đề giáo dục ông đã đặt ra một cách khẩn thiết từ năm 1953 với quyển Thế Hệ Ngày Mai (Sài Gòn: Nxb Phạm Văn
Tươi) vì thấy đây là chuyện quyết định cho vận mệnh của cả dân tộc trong tương
lai. Quan điểm của ông nhờ sự nghiên cứu thấu triệt và có lẽ một phần nhờ ảnh
hưởng đạo trung dung của Nho Giáo nên bao giờ cũng trầm tĩnh, đúng mực chứ
không nông nổi xu thời.
Giai đoạn trước năm 1975, điều kiện thông tin còn hạn chế hơn bây giờ
nhiều, thế mà ông đã thu thập tài liệu rất đầy đủ để giới thiệu ra cho đồng bào
biết rõ những biến chuyển quan trọng trong tình hình thế giới.
Theo chỗ tôi biết, tất cả những vấn nạn của thế giới mà bây giờ chúng ta
gọi là những vấn đề toàn cầu như nạn nhân mãn, tình trạng ô nhiễm môi trường,
nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hố ngăn cách giàu nghèo giữa các dân tộc... đều
được ông (và hình như chỉ có mình ông) đưa ra giới thiệu đầy đủ và đánh động
một cách nhiệt thành, tập trung trong quyển Những
Vấn Đề Của Thời Đại (tháng 7-1974) và một số bài báo khác.
Trước đó khá lâu, trong cuốn Một Niềm
Tin (1965), ông đã dự báo được hầu hết những điểm quan trọng về xu thế phát
triển của thế giới để từ đó định ra hướng phát triển của dân tộc, đến nay đọc
lại vẫn còn hợp thời để tham khảo. Theo ông: “Ta phải tùy hoàn cảnh, tài nguyên thiên nhiên, mức tiến hóa xã hội,
khu vực ảnh hưởng của nước mình... mà tạo lập một nền kinh tế thích hợp với
nước mình, chứ không nên bắt chước Âu Mỹ... Dân tộc mình nghèo thì phải sống
theo lối nghèo, đừng đua đòi Âu Mỹ trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ nên
nhắm mục tiêu nầy: làm cho dân đừng đói rét, đâu cũng có đủ thuốc uống. Và đồng
thời làm sao giảm lần lần được sự bất công trong xã hội. Muốn vậy phải rút bớt mọi tiêu pha không cần thiết.” [4]
Đến tháng 1-1975, khi thời cuộc đã biến chuyển tới hồi quyết liệt, trong
loạt bài “Nhân Loại Lâm Nguy” đăng
trên tạp chí Bách Khoa, một lần nữa
ông lại tha thiết đánh động tình trạng nguy cơ toàn cầu, giới thiệu hai bản báo
cáo mà cũng là cảnh cáo đầu tiên của nhóm Câu Lạc Bộ La Mã (Club de Rome) về những vấn đề liên quan.
Trong phần kết mà sau nầy (năm 1978) ông cho tuyển lại dưới nhan đề “Chúng Ta Phải Làm Gì?” trong tập Để Tôi Đọc Lại (đến năm 2001 mới xuất
bản), ông đã trên cơ sở phân tích những biến chuyển của tình hình thế giới mà
nêu lên một loạt đề nghị từ đường lối phát triển tổng quát đến một số vấn đề
liên quan các lãnh vực giáo dục, y tế, chính trị, xã hội (hố phân cách giàu
nghèo, hạn chế sinh sản)...
Ông lặp lại một quan điểm cơ bản đã nêu lên từ mười năm trước trong cuốn Một Niềm Tin: “Đừng nhất thiết cái gì cũng bắt chước Âu Mỹ, đừng theo đúng con đường
họ nữa.”
Rồi ông kết luận: “... Điều quan
trọng nhất là chúng ta phải thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh
phúc, định lại các giá trị và mục tiêu ... Hạnh phúc của con người không phải ở
chỗ có một lợi tức bằng Mỹ hay hơn Mỹ. Không có gì sái và vô lý bằng lấy lợi
tức đo sự văn minh và hạnh phúc của
một dân tộc... Dân tộc chúng ta cứ tự vạch một đường lối, phát triển riêng,
chẳng cần phải bắt chước ai hết, chẳng cần phải mong theo kịp nước nầy hay nước
nọ.” [5]
Cách nay ba mươi năm [6] mà chỉ một mình ông phát biểu được
những lời đó, mãi đến nay hầu như cũng không ai chịu nêu lên những ý kiến tương
tự khi bàn về hướng đi của dân tộc Việt Nam, tôi cho rằng ông Nguyễn Hiến Lê là
một bậc minh triết có nhiều tiên kiến nhưng hơi bị lạc lõng cô độc giữa chợ
đời.
Thời nào cũng vậy, các tầng lớp đặc quyền cũng vịn vào hai chữ “phát
triển” để lạm dụng; họ lấy cớ vì lo cho dân tộc bị thua kém thế giới mà bày ra
hết kế hoạch nầy đến dự án nọ, kỳ thật chỉ là để rút rỉa chứ ít khi đạt được
tính khả thi như mong muốn.
Ngày nay, tạm thời bỏ qua những phần tử lạm dụng xà xẻo đất nước, trong
vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, vì mong muốn bứt phá tình trạng nghèo nàn
lạc hậu mà không ít người có thiện chí trong chúng ta cũng thường quen tìm đến
những giải pháp dễ dãi bằng những công thức có sẵn đã được nghe nói, nhất là có
khuynh hướng hô hào chạy theo những nước tiên tiến trong một tâm thái luôn luôn
sợ bị tụt hậu, mà không chịu nghĩ mình làm như thế là nhằm đạt tới những mục
tiêu gì xứng đáng, cho ai, có bảo đảm mang lại sự bình yên hạnh phúc cho đại đa
số quần chúng hay không.
Hơn thế nữa, trong điều kiện của quốc nạn tham nhũng và nhân tâm ly tán
như hiện tại, mọi sự phát triển thiếu chuẩn bị về nền tảng con người thường chỉ
có thể dẫn tới khả năng băng hoại ngày càng trầm trọng hơn, và trở thành cái cớ
cho một số kẻ gian tham lợi dụng.
Vấn đề hiện nay là lấy lại bình tĩnh, cân nhắc nên ưu tiên cho những mục
tiêu trọng tâm nào. Nếu trình độ phát triển kinh tế có đôi phần tụt hậu thật sự
so với vài nước khác có cùng mức khởi điểm thì điều đó cũng không quan trọng,
vì vấn đề cốt lõi là làm sao cho xã hội phát triển có trật tự hơn, dân chúng
được sống vui vẻ hạnh phúc hơn nhờ có sự công bằng và tin tưởng ở tương lai...,
chứ không phải nhắm mắt chạy theo cho được các nước tiền tiến.
Trong chiều hướng đó, thiết tưởng nên đặt ra những chỉ tiêu phát triển
chậm vừa phải, thà ít mà tốt, […] và phải hướng mục tiêu phát triển vào việc
phục vụ cho phúc lợi của quảng đại quần chúng, trong đó nông dân và nhân dân
lao động nghèo là đối tượng chủ yếu.
Với tính cách của người trí thức luôn băn khoăn trăn trở và ý thức trách
nhiệm trước tiền đồ dân tộc, ông Nguyễn Hiến Lê còn thường tổng duyệt lại những
kinh nghiệm lịch sử, phân tích các mặt ưu khuyết điểm của phương Đông, phương Tây
rồi dựa trên thực tế văn hóa của nước mình để đề xuất việc nào nên làm, việc
nào nên tránh, rồi viết lại như những lời tha thiết dặn dò. Trong bài “Con Đường Hòa Bình” (sau có in thành
một tập sách nhỏ, rồi tuyển lại thêm lần nữa trong tập Để Tôi Đọc Lại), ông lại nhắc:
“Cái tai hại của chúng ta là có mặc
cảm tự ti, tủi rằng cái gì mình cũng kém người, rồi mù quáng bắt chước người,
chỉ mong theo gót được người, không dám có một ý muốn riêng của mình... Đã đến
lúc chúng ta phải tư tưởng lại... Phải nhận cái thực trạng của mình, cái hoàn
cảnh của thời đại, của thế giới... Trước hết chúng ta phải gột hết những nhiễm
độc của phương Tây mà trở về tinh thần bao dung, bất đồng nhi hòa của tổ
tiên...”
Cái ông gọi “nhiễm độc” chính là thói bất bao dung, kỳ thị, tham quyền
tham lợi của phương Tây mà hễ còn thì thế giới sẽ không bao giờ tránh được sự
ly tán, chiến tranh, và hố ngăn cách giàu nghèo quá đáng..., đúng như chúng ta thấy
đang diễn ra trong tình hình bất ổn của thế giới hiện nay.
Ngoài những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng có tầm chiến lược như đã
giới thiệu sơ lược ở trên, Nguyễn Hiến Lê còn viết hàng trăm bài báo đóng góp ý
kiến cho nhiều vấn đề cụ thể quan trọng khác, mà vấn đề nào ông cũng đề cập một
cách thấu đáo tinh tường, đặc biệt liên quan đến lãnh vực văn hóa giáo dục. Một
số bài viết quan trọng ông đã cho gom in thành tập Mấy Vấn Đề Xây Dựng Văn Hóa (1967), mà bây giờ [2003] đọc lại, tức
là sau ba mươi sáu năm, tôi thấy vẫn hoàn toàn hợp thời và có giá trị tham khảo
thiết thực.
Nhiều người quá khen, cho ông Nguyễn Hiến Lê là một nhà trí thức tầm cỡ
mẫu mực. Riêng tôi chỉ nghĩ ông như một người trí thức chân chính, thể hiện ở
phong cách sống và làm việc tận tâm trung thực, đem sự hiểu biết của mình song
song phục vụ bản thân còn phục vụ cho đời. Hai chữ “mẫu mực” thường không nói
đúng lên một ý nghĩa gì xác thực, nếu không muốn nói có khi còn giả dối nữa;
còn chữ “nhà” chỉ thích hợp để chỉ nhà văn, nhà khoa học..., không thích hợp
khi dùng cho người trí thức hay người yêu nước. Vả chăng, bản chất của người
trí thức gắn liền với đức khiêm cung; lương tâm trí thức và lòng tự trọng khiến
cho người trí thức chân chính cảm thấy ngần ngại khi được đời quá tôn vinh sùng
bái hoặc gán cho những danh hiệu hoa mỹ nầy khác mà không sát hoàn toàn với sự
thực.
Hơn thế nữa, ông Nguyễn Hiến Lê cũng không thể là một người trí thức toàn
diện hoàn hảo, theo nghĩa đạt đủ mọi thứ tiêu chuẩn. Có người trách trong lãnh
vực tư tưởng, ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu Nho Giáo mà bỏ qua một số học
thuyết lớn khác (như đạo Phật, đạo Kitô, các trào lưu triết học phương Tây, chủ
nghĩa Mác...); ông chỉ làm việc trong tháp ngà mà không dấn thân vào những công
việc cụ thể của quần chúng...
Những lời trách đại loại như trên, nếu có đúng cũng chỉ đúng một phần khi
đứng từ một quan điểm khác để đánh giá, vì mỗi người đều chỉ có quyền chọn lựa
một cách thế tồn tại và hoạt động ở đời, được một phần hẳn phải mất một phần,
ngay trong sự hưởng thụ cũng vậy. Người bận bịu cho những việc có tính cách
phong trào khó viết được nhiều sách, cũng như người trực tiếp tham gia công tác
nhà nước, hưởng bổng lộc thì khó giữ được tinh thần khách quan độc lập...
Duy có điều, do quá tôn trọng nguyên tắc lề lối sinh hoạt để đảm bảo sức
khỏe và công việc, suốt mấy mươi năm liền chỉ ngồi nhà đọc sách viết sách, tôi
ngờ rằng kiến văn, vốn sống của ông Nguyễn Hiến Lê cũng có phần hạn chế trong
chốn sách vở mà thiếu sự thâm nhập thực tế sinh động của đời sống vốn rất đa
dạng, thành ra có thể ông hiểu đời qua sách vở, tiểu thuyết chứ không hiểu thấm
trực tiếp hết những lẽ và nỗi ngoắt ngoéo khó khăn của cuộc nhân sinh hoan lạc
nhưng cũng đầy thống khổ, phức tạp.
Một bạn tri kỷ của ông Nguyễn Hiến Lê đã tìm cách biện hộ cho ông:
“Không xông xáo tham dự trực tiếp vào
mọi sinh hoạt, công tác xã hội, không thấy mặt ông ở nơi ‘trọng thể’, hội hè
đông đảo... nhưng không có vấn đề nào cấp thiết liên quan đến đến công cuộc cải
tiến dân sinh, xã hội... mà không có những bài viết thiết thực kịp thời của ông
để bày tỏ quan điểm của mình một cách minh bạch hay góp ý kiến xây dựng hết sức
khách quan và thẳng thắn với chính quyền, với các giới tổ chức liên hệ. Những
loạt bài về thanh niên, về chương trình học, thi cử, đào tạo giáo chức, cách
mạng giáo chức, về tâm lý sinh viên xuất ngoại với những biện pháp thích nghi
hầu cứu vãn tình trạng trước ‘nguy cơ xuất não’,[7] về xuất bản sách báo, kiểm
duyệt... chứng tỏ rằng khi cần nói thẳng thì ông không ngần
ngại nói ngay lên sự thật, nói lên cảm nghĩ chống đối của mình, song vẫn chân
thành, có tinh thần xây dựng, không đả kích cá nhân, thành ra không ai làm khó
dễ ông. Trên công việc làm, ông tiêu biểu cho hạng người cần mẫn, siêng năng,
nói ra là tin cậy được...” [8]
Giả định có thể đồng ý thêm một số phân tích như trên, có lẽ người đời
cũng không cần đòi hỏi thêm gì ở nhân vật đã đủ đáng kính trọng nầy, khi xét
trên phương diện ông Nguyễn Hiến Lê là một người trí thức chân chính, có cuộc
sống thanh bạch và đóng góp được ngần ấy những lợi ích cho cuộc sống.
Để tạm kết luận về người trí thức Nguyễn Hiến Lê, tôi xin mượn đoạn định
nghĩa sau đây của Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô Dmitri Sergeievich
Likhachov (1906-1999) để khẳng định thêm đôi chút về ông:
“Theo kinh nghiệm đường đời của tôi,
trí thức là những người tự do về thế giới quan, không bị phụ thuộc vào những
sức ép về kinh tế, đảng phái, nhà nước, không chịu một bổn phận nào về tư tưởng.
Nguyên tắc chính của tính trí thức là sự tự do về trí tuệ, sự tự do như một
phạm trù đạo đức... Tôi muốn nói rằng một nhà bác học chưa chắc đã phải là trí
thức. Họ không còn là trí thức khi quá chú mục vào chuyên môn của mình mà quên
mất ai sử dụng thành
quả lao động của mình và sử dụng như thế
nào. Khi đó, do theo đuổi những lợi ích chuyên môn, họ đã coi nhẹ lợi ích đồng
loại và những giá trị văn hóa...”
TRẦN VĂN CHÁNH
Trích: Nguyễn Hiến Lê, Con Người Và
Tác Phẩm.
(Nhiều
người viết, Nxb Trẻ 2003.)
[1] Nguyễn Hiến Lê, Cuộc Đời Và Tác Phẩm. Nxb Văn Học, 1993.
[2] Nguyễn Hiến Lê, “Bọn Cầm Bút Chúng Ta Làm Được Những Gì Lúc Nầy?”, in trong: Mấy Vấn Đề Xây Dựng Văn Hóa. Sài Gòn: Nxb
Tao Đàn, 1967, tr. 167-168.
[3] Hồi
Ký Nguyễn Hiến Lê. Hà Nội: Nxb Văn Học,
1993, tr. 553.
[4] Nguyễn Hiến Lê, Để Tôi Đọc Lại. Hà Nội: Nxb Văn Học, 2001, tr. 228.
[5] Nguyễn Hiến Lê, Để Tôi Đọc Lại, sđd., tr. 234-236.
[6] Bài này tác giả TVC viết vào tháng 8-2003.
[Văn Uyển chú]
[7] “Nguy
cơ xuất não” ngày nay gọi là chảy máu chất xám (human capital flight; brain drain). Thuật ngữ này nói tới tình
trạng nguồn nhân lực có kiến thức (trí thức) và khoa học - kỹ thuật rời bỏ đất
nước của họ để qua một nước khác làm việc. [Văn Uyển chú]
[8] Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê, Cuộc Đời Và Tác Phẩm, sđd., tr. 72-73.
------------
Tiếng nói
người trí thức là tiếng nói ôn hòa, nhưng khi chưa có ai chịu nghe thì nó chưa
ngừng nói. / The voice of the intellect
is a soft one, but it does not rest until it has gained a hearing. SIGMUND FREUD (người Áo, 1856-1939)