Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / LƯỢC SỬ HỌ ĐẠO VỆ LONG TRUNG / Nguyễn Văn Hiếu

Thánh thất Vệ Long Trung (trên bìa Văn Uyễn 14)
I. Nguồn cội ban sơ
Thánh thất Vệ Long Trung hiện tọa lạc tại thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, trên khoảnh đất 3.000m2. Mảnh đất này có từ năm 1959, do tiền bối Lê Quảng (Chủ Cống) phát tâm hiến cúng 1.500m2; về sau hai người cháu nội của cụ là gia đình đạo huynh Lê Hoàng Lan (Xuyến) hiến cúng thêm 1.000m2 và gia đình đạo huynh Lê Tánh hiến cúng thêm 500m2.
Cụ Lê Quảng là người Cao Đài thuần thành, có năm người con đều liễu đạo năm 1945, trong đó có cụ Lê Đường. Cụ Đường là một Nho sĩ có khuynh hướng tân học, mẫn tiệp, có chí tiến thủ. Vào hai năm 1936-1937, trong nhiều chuyến thương mại, xuôi ghe bầu vào Nam, cụ ngộ đạo Cao Đài và nhập môn tại thánh thất Cầu Kho,[1] sau đó về quê hương hiệp cùng tiền bối Nguyễn Sử (Phó Sử) [2] lo phổ độ tại địa phương, rồi kết hợp với quý tiền bối như cụ Nguyễn Ngại (ở Sông Vệ), cụ Nguyễn Trân (Chánh Trân, ở Mộ Đức), cụ Võ Quang Trân (Chủ Ký)... hiệp lực chung lòng lo truyền bá đạo Cao Đài tại Quảng Ngãi. Trước tiên các cụ thành lập thánh thất Sông Vệ.([3])
Phú Mỹ [4] là quê hương của hai cụ Lê Đường và Nguyễn Sử. Ban Trị Sự Phú Mỹ được thành lập trực thuộc thánh thất Sông Vệ. Quý tiền bối bấy giờ như cụ Ngô Triết, Ngô Phú, Nguyễn Cẩn (Giáo Hai), Phạm Hòe (Xã Cai),[5] Đặng Châu,[6] Lê Nhánh, Phạm Thung, Huỳnh Hoa, Lê Nghi, Ngô Đông Ba, Huỳnh Minh tích cực chăm lo phổ truyền mối đạo. Bổn đạo Phú Mỹ tham gia xây dựng thánh thất Sông Vệ và Linh Tháp.
Vào năm 1960, Ban Trị Sự Phú Mỹ tách ra khỏi thánh thất Sông Vệ, và thành lập thánh thất Vệ Long Trung (trực thuộc Ban Vận Động Cao Đài Thống Nhất) với hai mươi lăm gia đình.
II. Xây dựng thánh thất lần thứ nhất
Ban đầu họ đạo dự định cất thánh thất tạm bằng tre, vách đất, lợp ngói. Mọi việc đã chuẩn bị chu đáo, tre đã ngâm, nền đã đắp. Tiền bối Ngô Triết [7] gánh gánh đất đầu tiên đổ vào nền thánh thất (gọi là bồi cơ).
Trước khi cất thánh thất, họ đạo mở cuộc họp. Các đạo hữu nêu ý kiến rằng một lần làm, một lần khó; vậy hãy nên cố gắng xây thánh sở theo cách tốt nhất trong điều kiện có thể. Bổn đạo đề nghị xây dựng Cửu Trùng Đài bằng gạch, xi măng, đổ dầm chống lún, lợp ngói, chiều dài 12m, chiều ngang 9m.
Bất kể ngày đêm, ban ngày bổn đạo tập trung đào móng, đắp nền, đào giếng. Ban đêm cả đoàn người đi xuống xóm gốm lượm đá gạch, ngói bể, miểng sành. Thanh niên thiếu nữ thì gánh, các em đồng nhi cầm đèn gió, đuốc soi đường. Khi đã có ngói bể, miểng sành, cát, tối lại nện móng. Các cụ cao niên vừa nện móng vừa hát hố, hò ba lý.[8] Khởi đầu chỉ có bổn đạo lập công, nhưng về sau đồng bào địa phương cũng ủng hộ.
Ngày 15-01 Tân Sửu (Thứ Tư 01-3-1961), nhân ngày lễ thượng nguơn và công trình tạo lập Cửu Trùng Đài sắp hoàn thành, bổn đạo lại đồng thuận làm tiếp Bát Quái Đài (đường kính 3,6m, cao 9m).
Khi xây dựng Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài xong, tuy còn trong hoàn cảnh khó khăn mọi bề, bổn đạo lại nhất trí xây dựng thêm Hiệp Thiên Đài (chiều ngang 4m, chiều dài 15m).
Sau bốn năm xây dựng, ngày 15-4 Giáp Thìn (Thứ Ba 26-5-1964) họ đạo cử hành đại lễ khánh thành ngôi tam đài Vệ Long Trung bằng bê tông cốt thép kiên cố.
III. Xây dựng thánh thất lần thứ hai
Sau ngày đại lễ khánh thành thánh thất, trong vòng tám năm (1964-1972) có hơn sáu mươi gia đình nhập môn, cộng số con em nhà đạo trưởng thành lập gia thất, tổng số hơn một trăm gia đình.
Năm 1972, chiến sự gia tăng. Buổi sáng ngày 10-8 Nhâm Tý (Chủ Nhật 17-9-1972), bổn đạo và đồng bào tập trung về thánh thất Vệ Long Trung lánh cơn lửa đạn. Thế nhưng đạn pháo thình lình bay đến làm cho khoảng sáu mươi người vừa chết vừa bị thương; thánh thất sụp đổ hoàn toàn! Một tháng sau, an ninh được tái lập. Bổn đạo trở về lo thu dọn những hoang tàn đổ nát.
Đầu năm 1973, bổn đạo đồng tâm, hiệp lực xây dựng lại thánh thất trên nền thánh thất cũ, kích thước như trước. Trong vòng hai mươi tháng công trình xây dựng thánh thất được hoàn thành. Ngày 15-7 Giáp Dần (Chủ Nhật 01-9-1974) cử hành lễ an vị.
IV. Xây dựng thánh thất lần thứ ba
Sau lần xây dựng thứ hai, thánh thất Vệ Long Trung vẫn chưa hoàn thiện, phần Hiệp Thiên Đài hãy còn dang dở. Bổn đạo vì thế lòng chưa yên.
Trong đàn cơ ngày 12-7 Mậu Thân (Thứ Tư 04-9-1968) tại thánh thất Vệ Long Trung, Đức Lý Giáo Tông đã dạy họ đạo: “Nơi cảnh Vệ Long Trung nằm vào thôn quê địa cốc, nhưng lòng chư hiền đã đủ đầy nhiệt tâm với Đạo thì dù nơi bùn sình Bần Đạo cũng đến với chư hiền.”
Lời dạy ấy đã được minh chứng: Trong lễ an vị, bộ phận Hiệp Thiên Đài hỗn hợp Tam Giáo Điện Minh Tân thiết lập đàn cơ tại họ đạo.[9] Sau khi các Đấng thiêng liêng giáng đàn dạy đạo, tiếp đến Đức Lý Thái Bạch lâm đàn điểm danh em Lê Vân mới mười hai tuổi và dạy em “có trách nhiệm về sau phải hoàn thành Hiệp Thiên Đài phần còn lại.
Đến tuổi trưởng thành đạo hữu Lê Vân tha phương lập nghiệp, nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng lời dạy của Đức Lý Giáo Tông. Ngoài ra còn có sự khuyến khích, nhắc nhở của thân phụ là Giáo Hữu Thượng Khánh Thanh, người đã có nhiều cống hiến về tâm, tài, vật lực cho Giáo Hội Cao Đài Thống Nhất tại Quảng Ngãi.
Sau ba thập niên, kể từ ngày đi lập nghiệp, gia đình anh Lê Vân trở về thực hiện lời Ơn Trên dạy anh lo xây dựng Hiệp Thiên Đài cho thánh thất Vệ Long Trung. Nhưng trải qua gần bốn mươi năm, thánh sở đã xuống cấp; do vậy, Ban Cai Quản quyết định xây dựng mới thánh thất với sự cộng tác ban đầu của anh và gia đình.
Qua ba mươi năm sinh hoạt độc lập,[10] ngày 15-4 Bính Tuất (Thứ Sáu 12-5-2006), thánh thất Vệ Long Trung đã quy hiệp về Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Hội Thánh chấp thuận cho họ đạo xây dựng lại thánh thất. Lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 09-7 Tân Mão (Chủ Nhật, 14-8-2011).
Sau ba năm xây dựng với sự tận lực của bổn đạo tại địa phương, sự giúp sức của các họ đạo, quý thiện tâm, các nhà mạnh thường quân, lễ an vị thánh thất được cử hành vào ngày 15-7 Giáp Ngọ (Chủ Nhật 10-8-2014). Các công trình phụ được tiếp tục hoàn thiện.
Lễ khánh thành được long trọng tổ chức vào ngày 25-01 Ất Mùi (Chủ Nhật 15-3-2015) nhân kỷ niệm năm mươi lăm năm thành lập thánh thất Vệ Long Trung.
V. Kết luận
Họ đạo Vệ Long Trung đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ. Với ngần ấy thời gian, bổn đạo Vệ Long Trung đã ba lần xây dựng thánh thất. Từ 25 gia đình tín đồ lúc đầu (năm 1960), đến nay họ đạo đã phát triển được 180 gia đình với gần 700 tín hữu.
NGUYỄN VĂN HIẾU



[1] Cầu Kho bấy giờ tham gia Liên Hòa Tổng Hội, chủ trương không chi phái, theo đuổi mục đích thống nhất Đại Đạo.
[2] Cụ Phó Sử cùng với ba người con liễu đạo năm 1945.
[3] Về địa danh Sông Vệ, xem phụ lục cuối bài này. [Văn Uyển]
[4] Ngày nay Phú Mỹ là một thôn, cùng với hai thôn Mỹ Hòa, Bách Mỹ hiệp thành xã Nghĩa Mỹ. [Văn Uyển]
[5] Cụ Phạm Hòe (Xã Cai) cùng với con trai Phạm Thung liễu đạo năm 1945.
[6] Cụ Đăng Châu liễu đạo năm 1945.
[7] Cụ Ngô Triết giữ nhiệm vụ Đầu Họ Đạo thánh thất Sông Vệ đến cuối đời.
[8] Về hát hố, hò ba lý, xem phụ lục cuối bài này. [Văn Uyển]
[9] Sau nhiều biến cố, thánh giáo này bị thất lạc.
[10] Giáo Hội Cao Đài Thống Nhất giải thể vào năm 1976. [Văn Uyển chú]

------------
PHỤ LỤC
1. SÔNG VỆ
Sông Vệ là một con sông ở tỉnh Quảng Ngãi. Sông bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc huyện Ba Tơ ở độ cao 800m, với thượng nguồn là sông Liên. Sông Vệ chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, xuyên qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, qua giáp ranh giữa Mộ Đức và Tư Nghĩa, rồi đổ ra biển Đông tại cửa Lở (An Chuẩn, Đức Lợi thuộc huyện Mộ Đức) và cửa Cổ Lũy. Sông Vệ có các phụ lưu là Trà Nu, sông Lã, sông La Châu... Phân lưu của sông Vệ là sông Thoa tách khỏi sông Vệ ở hữu ngạn và chảy về phía Nam qua Mộ Đức và Đức Phổ. Tổng cộng chiều dài của sông Vệ là 80km.
Sông Vệ cũng là tên của một thị trấn ở Quảng Ngãi, đó là thị trấn Sông Vệ, thuộc huyện Tư Nghĩa.
http://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng_V%E1%BB%87
(truy cập 30-3-2015)

VỆ GIANG
Tôi thả xuống dòng sông
Những kỷ niệm xưa cũ
Chiều Vệ Giang man mác điệu buồn xa
Những mảnh gốm mài mình ngàn năm dưới phù sa
Hững hờ bãi đêm.
Vết mòn mấy lượt về xuôi
Màu thời gian trang lên tuổi tên
Những cuộc đời vỡ lỡ
Những chuyện tình lãng quên
Những phiến buồn rơi mưa.
Rong rêu
Dạt bờ gành bãi
Trôi đi muôn dặm mây hồ
Đã mấy đời sông
Qua mấy đời cầu
Làng mạc
Bãi cồn
Bao cuộc bể dâu.
Tôi vớt lên câu hò chiều chết đuối
Mặt trời chếnh choáng vờ say
Trùng trùng vào lòng biển khơi
Dòng Vệ Giang biêng biếc muôn đời.

LÊ THANH PHÁCH (Đức Lợi, Mộ Đức, Quảng Ngãi)

2. HÁT HỐ Ở HUYỆN TƯ NGHĨA (QUẢNG NGÃI)
Hát hố là một loại hình sinh hoạt dân gian, người hát có thể hát theo bài bản sẵn có, hoặc ứng tác; lời ca chứa đựng nỗi niềm tâm tư đôi lứa, hờn trách duyên phận hay trêu ghẹo nhau. Hát hố thường gắn liền với việc đồng áng, sinh hoạt ngày mùa như tát nước, cuốc đất, đập đất, giã gạo, thu hoạch, chế biến bắp, khoai lang, khoai mì. Người hát là nam nữ thanh niên trong xóm, trong làng. Họ chia thành nhóm, mỗi nhóm năm, ba người, từng người trong nhóm này sẽ hát với người của nhóm kia, cứ như vậy, luân phiên, hỗ trợ nhau mà đối đáp.
Mở đầu câu hát là “hố khoan lại hò khoan” rồi ngắt nhịp, lấy hơi hay kết thúc câu hát cũng hô lên “hố, hố khoan lại hò khoan”. Không chỉ một mình người hát mà cả người trong nhóm và khác nhóm đều cao giọng “hố, hò” nâng đỡ câu hát, tạo thành giai điệu và phong cách riêng.
Người hát hố giỏi là người có giọng hát tốt, hơi dài, ứng xử kịp thời, đặt lời hay và sử dung cách ngắt câu “hố, hò” hợp lý. Có nhiều cách hát hố: Hát chào nhau, hát tự tình, hát đối đáp, hát từ chối, hát trêu ghẹo, hát than thân trách phận.
Hát hố rất phổ biến ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi, trong đó có cư dân huyện Tư Nghĩa.
Giai điệu của hát hố có cái man mác của câu ru, có cái rắn chắc của điệu hò. Chất âm dương ngẫu hợp ấy đã làm cho người nghe như bị thôi miên vào một giai điệu có chiều cao của núi, có chiều rộng của biển, có chiều uốn lượn của sông Trà, sông Vệ cộng với chút thô ráp của cuộc sống nhọc nhằn.
http://www.dancaviet.com/nhac-dan-ca/dac-trung-hat-ho-nui-an-song-tra. (truy cập 30-3-2015)
3. HÒ BA LÝ LÀ GÌ?
Hò ba lý là điệu hò rất được yêu thích và phổ biến ở Quảng Ngãi. Do tính chất âm nhạc trẻ trung, sôi nổi dễ nhớ, phù hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nên thường được vận dụng đặt lời mới để tuyên truyền, cổ động...
http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx?NewID=803&cate=87

(truy cập 30-3-2015)

------------

Quầy kinh sách ấn tống tại thánh thất Vệ Long Trung
Sau ba mươi sáu tháng thi công, họ đạo Vệ Long Trung (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) đã long trọng tổ chức đại lễ khánh thành ngôi Tam Đài lúc 8 giờ sáng ngày 25-01 Ất Mùi (15-3-2015). Thánh thất Vệ Long Trung đặt tại thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hiền huynh Đầu Họ Đạo là Lễ Sanh Thái Bá Thanh.
Nhân ngày vui này, Ban Kinh Hộ (Cơ Quan Phước Thiện Hội Thánh Truyền Giáo) đã đưa rất nhiều kinh sách trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống từ Đà Nẵng về họ đạo Vệ Long Trung, và lập quầy kinh sách để kính biếu quý đạo tâm quan khách, đạo hữu các nơi đến dự lễ.
Trong bảy năm qua (2008-2015), Ban Kinh Hộ đã tạo được một nét văn hóa đẹp ở nhiều địa phương miền Trung (kể cả trên cao nguyên). Thật vậy, mỗi khi có lễ lớn trong các họ đạo thuộc Hội Thánh Truyền Giáo, quý huynh tỷ trong Ban Kinh Hộ chẳng quản ngại nhọc nhằn, rất tận tụy mang thật nhiều kinh sách ấn tống về biếu đạo tâm quan khách, đạo hữu. Các quầy sách tại địa phương lại được quý huynh tỷ họ đạo sở tại chung tay phụ giúp Ban Kinh Hộ, nên luôn đạt được kết quả mỹ mãn. Nhiều thánh thất thuộc Hội Thánh bạn, khi thấy nét đẹp “văn hóa đọc” như vậy, cũng đã “nối tiếp”, thường liên hệ với Chương Trình Ấn Tống để có nguồn sách phục vụ bổn đạo. 
LÊ TH TU