Robert Ellsberg
Robert Ellsberg (người Mỹ, theo Công Giáo)
sinh năm 1955, lấy bằng Master Thần Học tại Trường Thần Học Harvard (Harvard Divinity
School ). Từ năm 1987
ông làm tổng biên tập nhà xuất bản Orbis Books (sáng lập năm 1970, thuộc Dòng
tu Maryknoll, Hoa Kỳ).
Ellsberg viết nhiều sách nổi tiếng,
trong đó có quyển All Saints: Daily Reflections on Saints, Prophets, and
Witnesses for Our Time (Nxb
Crossroad, 1987) – Chư Thánh: Những Suy Niệm Hàng Ngày Về Các Thánh, Các Giáo Chủ,
Và Các Chứng Nhân Cho Thời Đại Chúng Ta. Trong sách này ông có bài viết về Linh
Mục Anthony de Mello rất hay, rất thâm thúy, với nhan đề: Anthony de
Mello: Priest and Spiritual Guide (1932-1987).
Bài của Ellsberg viết
về De Mello ví như lời lẽ Tử Kỳ bàn về
tiếng đàn Bá Nha. Vì vậy, với tinh thần của Trang Tử (được ý quên lời / đắc ý nhi vong ngôn), tôi chuyển
ngữ bài viết của Ellsberg và trân
trọng giới thiệu với bạn đọc, như một sẻ chia đồng cảm. (Huệ Khải)
*
Anthony de Mello
Anthony de Mello là vị giáo sĩ Dòng Tên người Ấn nổi tiếng
trên trường quốc tế nhờ các bài viết và tài dẫn dắt con người quy hướng tâm
linh (spiritual retreats). Ông đọc
Phúc Âm và khám phá ra rằng Đức Kitô không bận tâm nhiều đến việc thuyết giảng
cho bằng thức tỉnh mọi người hãy biết tìm thấy sự sống mới và sự cứu rỗi đang sẵn
có ngay bên trong họ. Qua các dụ ngôn, các việc làm mang tính biểu tượng, và những
lời giáo huấn, Đức Giêsu thường khiến cho mọi người bị sốc vì lời Chúa khác hẳn
những định kiến cố hữu của họ về đạo giáo. “Hãy
thức tỉnh!” − Đó là thông điệp của Chúa. Nó là một thông điệp đầy thách
thức và vì thế nó đã đưa Chúa lên thập giá.
Khi hướng dẫn mọi người quy hướng tâm linh, phương pháp riêng
của De Mello đi theo một phong cách không thay đổi. Dựa vào nguồn giai thoại
phong phú thu thập từ các bậc thầy huyền học Do Thái Giáo, Sufi (Islam hay Hồi Giáo),
các thiền sư, cũng như từ Đức Giêsu và các nhà huyền học phương Tây, De Mello
cố thức tỉnh những người đến nghe ông giảng để họ thấy được Thượng Đế đang hiện
hữu bên trong họ. Thính giả của De Mello gồm những người tìm kiếm tâm linh
nhưng không nhờ thế mà việc làm của ông được dễ dàng hơn tí nào. Phần lớn những
người tìm kiếm tâm linh lại giống như kẻ đang ngồi trên lưng trâu chu du khắp thế
gian với mong muốn tìm ra giải đáp cho câu hỏi “Con trâu là con gì?” Họ cũng
giống như con cá vẫn bơi trong biển cả mà cứ luôn luôn tìm hiểu xem biển cả
nghĩa là gì. Y hệt như vậy, những người thường xuyên tìm đến các buổi thuyết
giảng quy hướng tâm linh để tìm kiếm Thượng Đế nào khác chi con cá ấy hay kẻ
cỡi trâu ấy.
Lời giảng của De Mello thường giãi bày giản dị. Chẳng hạn,
ông định nghĩa Thần học (Theology) là “Nghệ thuật kể
chuyện về Thần Thánh”, và Huyền học
(Mystics) là “Nghệ thuật thưởng thức và cảm nhận trong thâm tâm anh chị em
ý nghĩa sâu kín của các chuyện kể ấy cho tới cái mức độ chúng chuyển hóa được con
người anh chị em.” Tuy nhiên, ai mà ham thích ghi nhớ các định nghĩa ấy thì
chẳng khác nào kẻ đói cồn cào ngồi trong nhà hàng nhưng chỉ nhai ngấu nghiến
bản thực đơn thay vì phải ăn no thực phẩm. Giáo lý Đức Kitô đơn giản là ngón
tay [phương tiện] chỉ mặt trăng [cứu cánh]; người ta sẽ hiểu sai giáo lý ấy nếu
họ nhận lầm phương tiện là cứu cánh. Đối với De Mello, Phúc Âm chỉ đường cho
chúng ta đi tới cái Đạo (the Truth)
nằm phía sau ngôn từ, khái niệm, và hình ảnh − tức là đi tới chỗ mà các nhà huyền
học bảo là “thiên ngoại chi Thiên: Trời ở ngoài trời / the God beyond god.”
Giác ngộ không thể có được một cách gián tiếp (qua trung
gian). Lời tường thuật hùng hồn nhất về hương vị một quả đào không sao thay thế
được trải nghiệm của chính người đã ghé răng cắn vào quả đào. De Mello bảo:
“Trong miền đất tâm linh, anh chị em không thể bước đi bằng ánh sáng từ ngọn
đèn của kẻ khác. Anh chị em muốn vay mượn ngọn đèn của tôi ư? Tôi thà dạy anh
chị em cách tự tạo lấy ngọn đèn của chính anh chị em.” Chân tri thức, tri thức
cứu rỗi, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải “được chuyển hóa bằng cái mà
chính người ta hiểu biết”.
De Mello kể chuyện này:
MÔN ĐỆ: “Tri thức và giác ngộ khác nhau ra sao?”
ĐẠO SƯ: “Khi anh có tri thức, anh dùng đuốc soi lối dẫn
dường. Khi anh giác ngộ, anh trở thành ngọn đuốc.”
Sách của De Mello thoạt đầu xuất bản ở Ấn Độ, và trong nhiều
năm những người bên ngoài Dòng Tên ít ai biết tới ông. Tuy nhiên, trong thập
niên 1980, khi sách của ông bắt đầu in ra ở nước ngoài, ông được rất nhiều
người hâm mộ xem ông là bậc linh hướng hàng đầu. Những ai từng trải nghiệm sự
dẫn dắt quy hướng tâm linh của De Mello thường nói về thẩm quyền của ông trong
lãnh vực này, ở ông có sự kết hợp dị thường nội lực với an bình, và ông có tài biến
những bài học quen thuộc trong Phúc Âm trở thành những khải thị làm cho người
ta bàng hoàng sửng sốt.
Trong các bài viết, De Mello để lại nhiều trầm tư về cái chết
của chính ông. Những tư tưởng như thế đã đồng thời củng cố cho tinh thần buông
xả và lòng biết ơn sự quý giá của cuộc tồn sinh trên mặt đất. Như thế ông đã
rất sẵn sàng dọn mình để lìa trần đột ngột vì cơn đau tim vào ngày 02-6-1987,
giữa lúc đang chuẩn bị loạt bài thuyết giảng ở New York . Khi ấy ông năm mươi sáu tuổi.
Và một chuyện kể khác của De Mello:
Một môn đệ bị ám ảnh quá nhiều về kiếp sống sau khi chết, đạo
sư bảo:
- Sao lại phí phạm từng khoảnh khắc để nghĩ tới kiếp sau?
- Có thể không nghĩ tới nó ư?
- Phải.
- Bằng cách nào ạ?
- Bằng cách ngay tại đây và ngay bây giờ hãy sống trên thiên
đàng.
- Vậy thiên đàng ở đâu?
- Ở ngay đây và ngay lúc này.
Chuyển ngữ: HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 29-10-2014)
Quý bạn đọc muốn xem nguyên tác của Robert
Ellsberg có thể truy cập tại địa chỉ sau đây:
http://www.gratefulness.org/giftpeople/demello.htm