Vào đầu năm 2010, trong một lần lang thang trên Internet để tìm thuốc trị
bệnh cho thân phụ, vô tình chúng tôi lạc vào một trang web Cao Đài có cả các bài viết và phần âm thanh (audio). Qua trang web đó, chúng tôi phát
hiện ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có cả kho kinh sách phong phú, vậy mà lâu nay chúng
tôi cứ thở than rằng đạo Cao Đài quá ít kinh sách nếu so với vài tôn giáo bạn.
Chúng tôi vui mừng vì vừa tìm được kho báu, cứ lần lượt vào hết trang này
đến trang khác để đọc và nghe những bài thuyết đạo, những tác phẩm được ấn tống
thông qua nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội). Cũng từ đó chúng tôi biết đến những
cái tên quen thuộc của các tác giả đã có nhiều sách in hay bài viết trong các
ấn phẩm do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách
Đại Đạo thực hiện.
Gia đình chúng tôi có truyền thống đạo Cao Đài từ thời ông bà cố. Hai bên
nội ngoại đều tu theo Cao Đài và thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, lưu truyền cho
tới chúng tôi tính ra đã được bốn thế hệ. Tuy là “đạo gốc”, nhưng chúng tôi chỉ
tròn vai của “người giữ Đạo” mà thôi.([1])
Sau khi thân phụ qua đời, chúng tôi càng thấm thía thêm rằng thế gian này
không có gì bền bỉ. Kể cả những người thân yêu nhất của mình cũng rời bỏ mình
mà đi mất. Để rồi một thời gian nữa, sẽ đến lượt chính mình cũng ra đi đến một
nơi nào đó, để lại cho người thân mình nỗi mất mát buồn thương vô hạn.
Trong nỗi mất mát thân phụ, anh chị em chúng tôi đã được quý đạo tâm an ủi
qua lời kinh tiếng kệ, với những nghĩa lý thâm thúy. Chính những dòng thánh
giáo, những bài thuyết đạo, những trang sách giảng giải về đạo Cao Đài đã củng
cố đức tin vững chắc cho chúng tôi. Chúng tôi càng yêu Đạo Thầy hơn, chính là nhờ
đó.
Qua tìm tòi trên Internet, chúng tôi biết đến Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Đại Đạo, biết đến Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo… Nhờ vậy,
chúng tôi dần dần mở mang thêm hiểu biết về đạo Cao Đài. Cơ duyên này giúp
chúng tôi khơi thông nguồn máu Đạo vốn dĩ kế thừa từ ông bà cố, nhưng suốt thời
gian dài chỉ tiềm tàng và chảy nhỏ giọt trong chúng tôi.
Sau đó chúng tôi phát tâm, mong muốn rằng những ai chưa biết về đạo Cao
Đài như chúng tôi trước kia, sẽ có cơ hội với những trải nghiệm mới, những cách
nhìn mới, và hiểu thêm nhiều về nền Đạo mà mình tôn thờ. Nguồn đạo mạch sẽ được
khai thông để chảy tràn khắp mọi nhà, mọi người, và mọi nơi. Mong muốn này trở
thành động lực giúp chúng tôi tìm đến Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Đặc biệt, qua Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chúng tôi có được dồi dào kinh sách.
Chúng tôi trở thành cầu nối quen thuộc giữa nguồn kinh sách ấn tống với nhiều thánh
thất, với những ai thích đọc sách và muốn tìm hiểu đạo Cao Đài.
Qua năm năm (2010-2015) tiếp cận Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chúng tôi liên tiếp đón nhận trên một
trăm đầu kinh sách với số lượng khá lớn, và tùy duyên trao gởi kinh sách tận
tay người xem, dĩ nhiên là kính biếu (không bán). Số người xem càng ngày càng
nhiều, càng lúc càng thêm đón nhận nhiệt tình.
Hiện nay ở tỉnh Long An, quanh địa phương chúng tôi, một số thánh thất thuộc
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo có lập phòng đọc kinh sách, tủ kinh sách. Điển
hình như thánh thất An Thạnh,([2]) thánh thất Bình Lập,([3]) thánh thất Nhựt Chánh,([4]) thánh thất Phước Đông,([5]) thánh thất Phước Lợi,([6]) … Ngoài ra còn có một số tư gia cũng
làm điểm phổ biến kinh sách ấn tống.
Viết dòng tâm sự ngắn ngủi này, chúng tôi tha thiết ước mong rằng những
trang kinh sách, sử đạo Cao Đài càng lúc càng được ấn tống nhiều hơn, càng có
thêm những tấm lòng hưởng ứng góp sức phổ biến, giúp cho lan tỏa khắp nơi. Như
thế, không chỉ riêng giúp người đạo Cao Đài có thể tìm đọc dễ dàng, mà còn giúp
tín hữu các tôn giáo bạn, giúp những trí giả quan tâm nghiên cứu, giúp cả đại
chúng trong xã hội, để rồi mọi người dần dần cùng hiểu được rằng quả thật là một
ơn phước lớn lao và hy hữu khi chính Đức Thượng Đế ban tặng dân tộc Việt Nam một
nền Đại Đạo, để qua đó dẫn dắt dân tộc này đi đến chỗ:
Gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài
Không còn phân biệt Đông Tây
PHẠM TRUNG QUỐC
Thánh thất Nhựt Chánh
([1]) Phần lớn
tín đồ Cao Đài đều làm tốt vai trò “người
giữ Đạo”, tức là nghiêm túc trong việc cúng tứ thời, mỗi tháng hai ngày sóc
vọng siêng về thánh sở, giữ đủ các ngày chay, v.v... Nhưng đi sâu hơn về phần
giáo lý, ngay cả giáo lý căn bản, thì hầu như phần đông tín đồ Cao Đài lại thiếu
sót, vì ít được giảng giải, lại thiếu nguồn sách đạo tin cậy để tham khảo ngõ hầu
tự tìm hiểu cho biết rõ, biết đúng về nền tôn giáo bản thân mình và gia đình mình
đang theo. [Văn Uyển chú]
= Hiền hữu
Phạm Trung Quốc là con trai út cố hiền huynh Phạm Văn Ky, Phó Hội Trưởng thánh
thất Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh
Đạo). Suốt năm năm nay (2010-2015), đại gia đình họ Phạm đã hiến tâm lực và tài
lực, cùng nhiệt thành ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[Văn Uyển
chú]