Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / ĐIỀU TÔI HỌC TỪ MẸ / Võ Văn Pho


Hằng ngày, sáng rồi tối đều đặn thắp hương, nhìn di ảnh mẹ lòng tôi trào dâng bao niềm thương nhớ. Người mẹ kính yêu của tôi đã đi thật xa, thật xa.
Tấm lòng của anh chị về mẹ thế nào tôi không biết được nhưng với riêng tôi thì mẹ chẳng đi đâu xa, mẹ vẫn luôn ở trong nhà, mẹ vẫn hằng thủ thỉ bên tôi. Mẹ đã để lại bao điều mà cho đến giờ, đứa con tuổi đã xấp xỉ sáu mươi như tôi vẫn cảm nhận chưa hết. Chưa hết chẳng phải vì mẹ là nhà tư tưởng, nhà truyền giáo hay một nhà văn, nhà thơ gì cả… mà đơn giản mẹ tôi chỉ là người mẹ quê như bao nhiêu bà mẹ quê khác: lam lũ, chân chất và rất đỗi bình thường. Thế nhưng cuộc đời bình thường lặng lẽ ấy đã in vào lòng tôi những ấn tượng sâu sắc về tình yêu thương và đạo làm người.
 Điều đầu tiên của mẹ mà tôi phải kể đến là đạo dâu con trong gia đình. Ông nội tôi tuy không phải là đồ nho nhưng hiểu biết chữ nghĩa, sống khuôn phép và đặc biệt là chuyện cúng bái tinh nghiêm. Vì thế hằng ngày, mẹ phải giúp ông lo trà nước cúng Thầy. Còn những hôm đám giỗ hay tế xuân tế thu thì mẹ tôi càng phải quay như con vụ. Thức khuya nấu bánh, dậy sớm pha trà, đi chợ, chạy tới chạy lui mượn cái nọ cái kia… Vất vả nhất là khi mọi người ra về, mẹ vẫn tươi cười tất bật dọn dẹp rồi ung dung rửa cả một đống chén đĩa khổng lồ. Không chỉ có trách nhiệm với việc nhà, mẹ còn tự nguyện sẻ chia, chịu thương chịu khó với cả việc họ hàng hay chòm xóm.
 Ấn tượng thứ hai về mẹ là tình cảm dành cho cha. Khi tôi lên sáu thì cha tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh. An táng cha xong, mẹ ốm nặng gần đến hai tháng. Lúc ấy trí óc non nớt, tôi chẳng hiểu gì nhiều nhưng càng về sau thì tôi cảm nhận khá rõ thế nào là mất “một nửa” của mình đi.
Lòng tôi buốt đau, mỗi lần nhớ lại trận lụt năm Thìn, mẹ đã hớt hải lội trong dòng nước lũ ngập tới ngực, cố gắng vớt cho bằng được thẻ căn cước của cha. Cũng chính tấm căn cước này trong những tháng ngày lánh bom đạn sống trong trại tạm cư, mẹ đặt “vật gia bảo” ấy trên thùng gạo đầu giường, cạnh một cái nồi hương làm bằng lon sữa bò và tối nào trước khi đi ngủ mẹ cũng thắp hương lâm râm gì đó với cha.
Đối với người mẹ chỉ có một mặt trời duy nhất là đứa con. Mẹ tôi không phải là ngoại lệ, mẹ tôi dành cả cuộc đời cho niềm vui và trưởng thành của con cái.
 Thân cò bao quản nắng mưa
 Ruộng sâu đồng cạn sớm trưa một mình
 Đơn côi chèo chống gia đình
 Vượt bao ghềnh thác, vẹn tình trước sau
Mẹ lặng lẽ hy sinh mà không đòi hỏi được đền đáp bất cứ điều gì. Tôi mãi mãi không thể quên những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, sự sống và cái chết chỉ cách một sợi tơ. Mẹ dắt tôi đi trên con đường thăm thẳm từ vùng B sang Ái Nghĩa rồi lặn lội xuống Hội An.
Tôi đi bộ hết nổi, chị dìu rồi mẹ cõng. Ôm cổ mẹ mỏi tay, lần hồi người tôi tụt xuống và mẹ lại xóc lên. Trì xuống xóc lên liên tục, cho đến Vĩnh Điện thì hai bắp vế non của tôi tuột da bỏng rát. Tôi vô tâm phụng phịu nhăn nhó, có hay đâu khi đó tấm lưng mẹ ướt đẫm và khuôn mặt mẹ đau đớn, ràn rụa mồ hôi.
Sống ở đất khách quê người, mẹ buôn gánh bán bưng nuôi tôi ăn học. Giữa năm 1975, mẹ con dắt díu trở về quê nhà. Cũng như thuở nào, mẹ lại lao vào công việc cuốc đất vỡ hoang, giâm từng mụt khoai gốc sắn. Tôi ươn yếu, lao động kém cỏi nên chỉ biết lo chuyện học hành. Tóc mẹ ngày càng bạc phau, lưng còng mắt kém…
Rồi cuộc đời cuốn tôi trôi xa vòng tay mẹ, tôi lưu lạc vào Nam.
 Con là nhánh lục bình ngấp ngoi trên nước
 Trôi mà cháy khát một đồi bến nước mẹ quê.
 Sau nhiều nỗ lực, tôi đã có chỗ ở, có công việc làm. Bao lần tôi khẩn thiết mời mẹ vào Nam để con cháu có dịp phụng dưỡng nhưng mẹ một mực từ chối. Ngày Tết ngày hè, tôi về với mẹ dăm ngày rồi lại ra đi. Biết tánh tôi hay tranh biện, mẹ luôn căn dặn: “Ai nhất thì mình thứ nhì, ai mà hơn nữa mình thì thứ ba. Chữ hòa và chữ tình là vốn quý nhất đấy, con ạ!”
Tôi mắc cạn giữa lòng phố thị, nhớ mẹ chỉ còn biết gởi vào thơ:
Dầm trong dằng dặc mưa xa
Lòng con ướt tận quê nhà mẹ ơi!
Sinh hoạt trong môi trường giáo dục và tôn giáo, tôi càng thấm thía hơn những lời mẹ dặn. Chính cuộc đời mẹ đã dạy tôi nhiều bài học quý giá, và một trong những bài học độc đáo mẹ để lại đó chính là thân giáo. Trong tôn giáo cũng như trong giáo dục, không có lời nói nào thuyết phục hơn tấm lòng yêu thương thực sự và hành động vô cầu…
Với lòng biết ơn vô hạn, tôi viết những dòng hồi tưởng này đính cùng nén tâm hương xin kính dâng lên Mẹ linh hồn và mẹ ruột dấu yêu của tôi.
VÕ VĂN PHO

TT Trung Minh (HT Truyền Giáo)