Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / TÂY THĂNG KINH VÀ HÓA HỒ KINH / Lê Anh Minh


Khi một tôn giáo mới mẻ được du nhập vào một quốc gia thì ít nhiều sẽ phát sinh xung đột với một tôn giáo bản địa. Đó là trường hợp của Phật Giáo trong giai đoạn bản địa hóa (localization) tại Trung Quốc. Tây Thăng KinhHóa Hồ Kinh là hai tác phẩm của Đạo Giáo Trung Quốc nhằm tự đề cao tôn giáo mình, cho rằng Đức Lão Tử sau khi truyền bộ Đạo Đức Kinh cho quan lệnh Doãn Hỷ trấn giữ ải Hàm Cốc thì Ngài đã cỡi trâu đi sang hướng Tây để hóa độ người Hồ (tức người Ấn Độ) và đã truyền đạo cho Phật Thích Ca và hai mươi tám thiền tổ Ấn Độ. Bên Phật Giáo cũng soạn sách phản bác lại. Hóa Hồ Kinh từ lâu đã bị xem là ngụy thư và bị đốt bỏ từ đời Đường. Tuy vậy, sau khi Phật Giáo đã được bản địa hóa (thậm chí Phật Giáo còn vay mượn thuật ngữ của Đạo Giáo trong việc phiên dịch kinh Phật sang Hán văn), vào đời Minh và đời Thanh đã nổi lên tinh thần Tam Giáo (Nho-Thích-Đạo) hợp nhất, chủ trương Tam Giáo đồng nguyên (Tam Giáo cùng nguồn gốc). Bài viết này nhằm giở lại trang sử cũ, đọc lại một sự kiện trong lịch sử tôn giáo: Một cuộc đại tranh luận non một ngàn năm giữa Phật Giáo và Đạo Giáo trong quá trình phát triển của Phật Giáo Trung Quốc kể từ khi du nhập, tức là từ đời Hán cho đến nay.
Hành trạng của Đức Lão Tử sau khi rời đất Chu được ghi chép trong Tây Thăng Kinh. Tây Thăng Kinh diễn giải yếu nghĩa của Đạo Đức Kinh. Tác phẩm này được đưa vào Động Thần Bộ của Chính Thống Đạo Tạng. Tác giả và thời gian hình thành tác phẩm chưa rõ. Livia Kohn cho rằng Tây Thăng Kinh xuất hiện khoảng thế kỷ V Công Nguyên nhưng không biết cụ thể niên đại và tác giả.[1]
Theo Khanh Hy Thái, tác giả Tây Thăng Kinh mượn danh quan đại phu nhà Chu là Quan Lệnh Doãn Hỷ và căn cứ vào Lão Tử Đạo Đức Kinh mà soạn thành sách. Tên Tây Thăng Kinh lần đầu xuất hiện trong Thần Tiên Truyện của Cát Hồng, như vậy khoảng đời Ngụy-Tấn, một đạo sĩ nào đó sáng tác ra. Hiện tồn bản Tây Thăng Kinh do Tống Huy Tông [tại vị 1101-1126] ngự chú (ba quyển, nhưng trong quyển chót của Đạo Tạng Tập Yếu chép là một quyển) và bản Tây Thăng Kinh Tập Chú của đạo sĩ Trần Cảnh Nguyên (tức Bích Hư Tử, 1025-1094) đời Tống kết tập thành sáu quyển. Cả hai bản đều có ba mươi chín chương nhưng văn tự nhiều chỗ bất đồng.[2]
Theo Livia Kohn, ngoài hai bản trên, gần đây xuất hiện bản Tây Thăng Kinh do đạo sĩ Lý Vinh (sơ Đường) chú. Bản này do Fujiwara Takao (Đằng Nguyên Cao Nam) công bố năm 1983.[3] Theo bản Tây Thăng Kinh do nữ giáo sư Livia Kohn (Đại Học Boston) sưu tầm,[4] ngay chương đầu thuật lại việc Đức Lão Tử đi sang Ấn Độ truyền đạo:
Đức Lão Tử bay về hướng tây để mở đạo tại Trúc Càn [tức Ấn Độ]. Ngài được gọi là Cổ tiên sinh, rất giỏi nhập vào vô vi, [nên ngài trở nên] vô thủy vô chung, miên miên trường tồn. Vì thế, ngài bay [về hướng tây] đem đạo đến ải quan. Quan lệnh ở đó là Doãn Hỷ trông thấy khí [đỏ tía] của ngài, bèn trai giới đón tiếp. [Đức Lão Tử] vì quan lệnh mà thuyết hai chương Đạo KinhĐức Kinh.[5]
Ấn Độ ngày xưa cũng gọi là Thiên Trúc, Tây Trúc, trong Tây Thăng Kinh gọi là Trúc Càn. Chữ kiến khí (thấy khí) trong chương này ứng với câu rất nổi tiếng tử khí đông lai (làn khí đỏ tía từ hướng đông bay tới). Rõ ràng tây thăng là bay về hướng tây, tức là sang Ấn Độ.
Câu chuyện trên rất gần với những gì chép trong Thần Tiên Truyện của Cát Hồng (khoảng đầu thế kỷ IV Công Nguyên). Nhưng Cát Hồng ghi chép nhiều chi tiết ly kỳ ở Hàm Cốc quan thuộc núi Chung Nam:
“Đức Lão Tử thuê một tiểu đồng tên Từ Giáp phục vụ với giá một trăm tiền một ngày. Đến nay đã nợ Từ Giáp bảy triệu hai. Khi thấy Lão Tử sắp rời bỏ Trung Quốc, Từ Giáp bèn đòi tiền. Lão Tử không chịu trả. Một tên tôi tớ nơi Hàm Cốc quan biết chuyện bèn xúi Từ Giáp đi kiện nơi quan lệnh (Doãn Hỷ), nhưng hắn không biết rằng Từ Giáp theo hầu Lão Tử được trên hai trăm năm rồi. Hắn chỉ biết Từ Giáp sẽ có một món tiền lớn nên ngỏ ý gả con gái cho Từ Giáp. Thấy ả ta xinh gái, Từ Giáp rất bằng lòng. Họ rủ nhau đến gặp quan lệnh Doãn Hỷ. Ngài cực kỳ kinh ngạc. Bấy giờ Đức Lão Tử nói với Từ Giáp rằng: ‘Mi lẽ ra đã chết từ lâu. Lần đầu gặp và thuê mi, mi là tên nô lệ nghèo mạt. Nhưng vì ta không có tiểu đồng nên mới thuê mi và cho mi sống lâu nhờ Thái Huyền thanh mnh p. Vì thế mà mi mới thấy ngày nay. Mi còn than phiền nỗi gì? Ta đã bảo khi nào đến Côn Lôn sẽ trả vàng cho mi, sao mi không chờ nổi?’ Đức Lão Tử buộc Từ Giáp há mồm và bảo mọi người nhìn xuống mặt đất. Lá phù (bùa) phóng ra khỏi miệng Từ Giáp, cắm thẳng xuống đất, trên đó có chữ đan đọc còn rõ. Ngay tức khắc Từ Giáp biến thành bộ xương. Quan lệnh từ bi, xin Đức Lão Tử cứu Từ Giáp sống lại. Từ Giáp sống lại, Đức Lão Tử trả tiền công và đuổi hắn đi. Từ đó Doãn Hỷ rất sùng bái Đức Lão Tử và xin Ngài truyền bí thuật trường sinh. Đức Lão Tử truyền lại Đạo Đức Kinh, Doãn Hỷ theo đó mà tu luyện thành tiên.” [6]
Thần Tiên Truyện cho rằng Đức Lão Tử đi về núi Côn Lôn và Tây Thăng Kinh cho rằng Đức Lão Tử bay về hướng tây truyền đạo ở Ấn Độ (hóa Hồ). Thuyết “Lão Tử hóa Hồ” (the conversion of the barbarians) thực sự bắt đầu xuất hiện từ đời Đông Hán thời vua Hoàn Đế. Bấy giờ quan thượng thư Tương Khải [7] (năm 116 Công Nguyên) trình tấu với Hán Hoàn Đế rằng:
 “Có người bảo rằng Lão Tử vào xứ của bọn rợ mà thành Phật. Phật không nghỉ đêm dưới cây dâu ba lần,[8] không muốn sinh lòng ân ái lâu dài, tinh chuyên một mực như vậy. Thiên thần tặng cho gái đẹp, Phật nói đó là túi da đầy máu nên không nhìn. Cứ gìn giữ một lòng như thế là có thể thành đạo.” [9]
Liệt Tiên Truyện (xuất hiện từ thế kỷ II Công Nguyên, nhưng thường bị gán nhầm do Lưu Hướng sáng tác khoảng năm 77-76 trước Công Nguyên) ghi chép tiểu truyện của Quan Lệnh Doãn rằng sau khi nhận Đạo Đức Kinh từ Lão Tử, Doãn Hỷ tháp tùng Lão Tử sang lưu sa để hóa độ rợ Hồ (Ấn Độ): “Cùng với Lão Tử đi sang vùng sa mạc cát trôi để hóa độ rợ Hồ.” [10]
Trong kinh cúng tứ thời của đạo Cao Đài (bài Tiên Giáo) có câu: Tử khí đông lai, quảng truyền đạo đức; lưu sa tây độ, pháp hóa tướng tông [11] có lẽ bắt nguồn từ thuyết “du lưu sa hóa Hồ” này.
Lời bình của Bùi Tùng Chi về bộ Tam Quốc Chí (phần Ngụy Thư,xuất bản năm 429 Công Nguyên) có chú dẫn Ngụy Lược - Tây Nhung Truyện (do Ngư Hoạn soạn khoảng giữa thế kỷ III Công Nguyên) cung cấp thêm cho ta về sự kiện hóa Hồ này:
“Những gì ghi trong kinh Phật tương tự với [nội dung] Lão Tử Đạo Đức Kinh của Trung Quốc. Người ta cho rằng Lão Tử đi về hướng tây, ra khỏi ải quan, vượt qua nước Thiên Trúc ở Tây Vực, giáo hóa rợ Hồ ...” [12]
Đoạn chót câu này, Zürcher bảo nên đọc là: ... Hóa Hồ vi Phù Đồ, thuộc đệ tử biệt hiệu, hợp hữu nhị thập cửu.[13] (... giáo hóa rợ Hồ thành Phật, đó là biệt hiệu dành cho cả thảy hai mươi chín đệ tử).
Theo trên, Phật Thích Ca cùng với hai mươi tám thiền tổ Ấn Độ là hai mươi chín đệ tử của Lão Tử. Dựa trên cơ sở này, đạo sĩ Vương Phù (tức Cơ Công Thứ) đời Tây Tấn (265-316) [14] soạn Lão Tử Hóa Hồ Kinh. Nhưng tác phẩm này ra đời do một động lực khác. Năm cuối triều vua Huệ Đế (tại vị 290-306) đời Tây Tấn, một danh tăng tên là Bạch Viễn (tự là Pháp Tổ) đã bác bỏ thuyết Lão Tử hóa Hồ. Bạch Viễn và Vương Phù tranh luận nhau. Vương Phù thua bèn sáng tác quyển Lão Tử Hóa Hồ Kinh để bênh vực quan điểm của mình. Sự việc này được ghi chép trong vài tư liệu như:
1. Cao Tăng Truyện của Huệ Kiểu (497-554) sáng tác khoảng năm 530 Công Nguyên, chép rằng: “Sau khi Bạch Viễn mất không lâu, có người tên Lý Thông chết đi sống lại. Lý Thông nói đã gặp Pháp Tổ (tức Bạch Viễn) nơi âm phủ đang giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Śūramgama-samādhi) cho Diêm Ma Vương (vua Yāma) nghe... Đồng thời Lý Thông cũng thấy tên tế tửu [15] Vương Phù tức đạo sĩ Cơ Công Thứ mang gông cùm xiềng xích một mực van xin Pháp Tổ thương xót hắn. Trước đây, lúc sinh bình, Pháp Tổ đã luôn tranh luận với Vương Phù về chuyện chính tà. Vương Phù cãi thua Pháp Tổ, uất ức không nhịn được bèn sáng tác Lão Tử Hóa Hồ Kinh để hủy báng đạo Phật.”
2. Tấn Thế Tạp Lục (khoảng đầu thế kỷ V Công Nguyên) chép: “Đạo sĩ Vương Phù đã từng tranh luận với sa môn Bạch Viễn và cãi thua. Sau đó họ Vương mới cải biên Tây Vực Truyện thành Hóa Hồ Kinh, nói rằng Doãn Hỷ đi theo Lão Tử sang Tây Vực giáo hóa rợ Hồ và thành Phật. Đạo Phật bắt đầu từ đó.”
3. Cao Tăng Truyện (cũng gọi Chúng Tăng Truyện) của Bùi Tử Dã (467-528) chép rằng: “Dưới triều Tấn Huệ Đế, sa môn Bạch Viễn tự Pháp Tổ đã từng tranh luận với tên tế tửu Vương Phù (tức đạo sĩ Cơ Công Thứ) về vấn đề chính tà. Vương thua, uất ức mới phỏng theo Tây Vực Truyện mà sáng tác Hóa Hồ Kinh để hủy báng đạo Phật. Quyển sách này đã lưu truyền khắp nơi.”
4. U Minh Lục của Lưu Nghĩa Khánh (403-444) cũng viết như Cao Tăng Truyện của Huệ Kiểu, nhưng thêm chi tiết là Lý Thông quê ở Bồ Thành, Thiểm Tây.[16]
Lão Tử Hóa Hồ Kinh chỉ có một quyển, người đời sau tăng bổ thành mười quyển. Thông Chí - Nghệ Văn Lược ghi là mười quyển. Quận Trai Độc Thư Chí (của Triều Công Vũ) quyển 16, ghi là mười quyển. Văn Hiến Thông Khảo, quyển 224, cũng ghi là có mười quyển. Tất cả đều chú dẫn Tam Quốc Chí Chú (của Bùi Tùng Chi), Tân Đường Thư - Nghệ Văn Chí, v.v... nói về nguyên nhân phát sinh cố sự hóa Hồ thành Phật và cuộc tranh luận về sự chân ngụy của Hóa Hồ Kinh. Bản Đôn Hoàng Lão Tử Hóa Hồ Kinh mười quyển bị hư hoại, chỉ còn giữ được quyển 2, 8, và 10. Nội dung chủ yếu của Hóa Hồ Kinh là kể lại câu chuyện dẫn Quan Lệnh Doãn Hỷ đi sang hướng tây, vào nước Thiên Trúc (Ấn Độ), hóa thành Phật Đà, lập ra Phù Đồ Giáo (tức Phật Giáo).
Lão Tử Hóa Hồ Kinh ra đời, làm nảy sinh một đại công án tôn giáo kéo dài gần một ngàn năm.
Bên Đạo Giáo cố gắng chứng minh rằng Đạo Giáo có trước Phật Giáo, và Lão Tử hóa thành Phật rồi mở đạo Phật tại Ấn Độ. Họ sáng tác thêm một số tác phẩm để bênh vực quan điểm như: Huyền Diệu Nội Thiên, Xuất Tái Ký, Quan Lệnh Doãn Hỷ Truyện, Văn Thủy Nội Truyện, Lão Quân Thiên Khai Kinh, v.v...
Bên Phật Giáo ngoài việc chứng minh sự việc hóa Hồ là hư ngụy, họ còn sáng tác những quyển như Chu Thư Dị Ký, Hán Pháp Bản Nội Truyện, v.v... chứng minh rằng Phật Thích Ca là sư phụ của Khổng Tử và Lão Tử.[17]
Đến đời Đường Cao Tông, và sau là thời Vũ Chu (thời Vũ Tắc Thiên xưng đế, bà đổi quốc hiệu là Chu ), chư tăng xin triều đình cấm và hủy bỏ Hóa Hồ Kinh. Mặc dù bát đại học sĩ tâu rằng kinh này không có gì tà ngụy nhưng triều đình cũng hai lần hạ lệnh đốt bỏ (dưới triều Cao Tông và dưới triều Vũ Hậu). Nhưng bấy giờ mệnh lệnh không nghiêm, Hóa Hồ Kinh vẫn tiếp tục lưu hành.
Đến đời Nguyên, dưới triều vua Hiến Tông (tại vị 1251-1260) và Thế Tổ (tại vị 1260-1295), Toàn Chân Đạo xâm chiếm chùa miếu và điền sản của Phật Giáo. Phật Giáo lại đem Lão Tử Hóa Hồ Kinh ra tố cáo là ngụy kinh. Thêm một lần nữa Phật Giáo và Đạo Giáo lại tranh luận kịch liệt.
Năm thứ 8 (tức 1259) vua Hiến Tông và năm Chí Nguyên 18 (tức 1282) đời vua Thế Tổ, Toàn Chân Đạo hai lần biện luận đại bại, và triều đình nhà Nguyên hai lần hạ lệnh đốt bỏ đạo kinh. Lão Tử Hóa Hồ Kinh từ đó bị đốt mất. Chính Thống Đạo TạngVạn Lịch Tục Đạo Tạng đời Minh đều không ghi chép Hóa Hồ Kinh.[18]
Lão Tử Hóa Hồ Kinh mang nội dung hư cấu về hành trạng Đức Lão Tử sau khi để lại cho Doãn Hỷ bộ Đạo Đức Kinh. Điều mà con người hiện nay quan tâm không phải là nội dung Hóa Hồ Kinh mà chính là ôn lại một cuộc đại tranh luận non một ngàn năm giữa Phật Giáo và Đạo Giáo trong lịch sử phát triển của Phật Giáo Trung Quốc kể từ khi du nhập, tức là từ thời Lưỡng Hán cho đến nay.
LÊ ANH MINH




[1] Livia Kohn, Taoist Mystical Philosophy: The Scripture of Western Ascension. State University of New York Press, 1991, p. 4.
[2] Khanh Hy Thái 卿希泰 chủ biên, Trung Quốc Đạo Giáo 中國道教, Thượng Hải, 1996, quyển 2, tr. 66.
[3] Livia Kohn, sách đã dẫn, tr. 23. Fujiwara Takao (Đằng Nguyên Cao Nam 藤原高男), Tây Thăng Kinh Lý Vinh Chú 西昇經李榮注 (Saishōkyō ri ei chū), Hương Xuyên Đại Học Nhất Ban Giáo Dục Nghiên Cứu 香川大學一般教育研究 (Kagawa daigaku kokubun kenkyū), 1983.
[4] Livia Kohn, sách đã dẫn, tr. 323.
[5] Lão Tử tây thăng, khai đạo Trúc Càn, hiệu Cổ tiên sinh, thiện nhập vô vi, bất chung bất thủy, vĩnh tồn miên miên. Thị dĩ, thăng tựu đạo kinh lịch quan. Quan Lịnh Doãn Hỷ kiến khí, trai đãi ngộ tân. Vị thuyết đạo đức, liệt dĩ nhị thiên. (Chương 1: Tây Thăng)
老子西昇, 開道竺乾, 號古先生, 善入無為, 不終不始 永存綿綿. 是以昇就道經歷關. 關令尹喜見氣, 齋待遇 , 為說道德, 列以二篇. [1. 西昇]
[6] Theo bản tiếng Anh, Livia Kohn dịch, sách đã dẫn, tr. 62-64.
[7] Livia Kohn ghi là Hoài Khải 欀楷 (sách đã dẫn, p. 65), Khanh Hy Thái (sách đã dẫn, quyển 2, tr. 64) và Zürcher (The Buddhist Conquest of China, Taiwan, 1970, p. 291) ghi là Tương Khải 襄楷.
[8] Tại sao gọi là nghỉ đêm dưới cây dâu? Có lẽ đây là sự hiểu nhầm từ chữ tang môn 桑門. Nó không có nghĩa là nhà dâu để rồi bị suy diễn là nghỉ đêm dưới cây dâu. Thời Hán đã có thuật ngữ này, đồng nghĩa với sa môn 沙門. Cả hai đều là phiên âm từ tiếng Phạn: Śramaņa. Ngữ căn Śram có nghĩa là nỗ lực. Śramaņa còn phiên âm là bà môn 婆門, tang môn 喪門, sa môn na 沙門那, xá la ma nã 舍羅摩拿, thất ma ná nã 室摩那拿. Thuật ngữ này chỉ bậc xuất gia tu đạo.
[9] Hoặc ngôn Lão Tử nhập di địch vi Phù Đồ,* Phù Đồ bất tam túc tang hạ, bất dục cửu sinh ân ái, tinh chi chí dã. Thiên thần di dĩ hảo nữ, Phù Đồ viết: Thử đản cách nang thịnh huyết, toại bất phán chi. Kỳ thủ nhất như thử, nãi năng thành đạo.
或言老子入夷狄為浮屠, 浮屠不三宿桑下, 不欲久生 恩愛精之至也. 天神遺以好女, 浮屠曰: 此但革囊盛血, 遂不盼之. 其守一如此, 乃能成道.
* Phù đồ: Chữ Buddha (Phật) được phiên sang Hán âm bằng nhiều chữ như: Phật Đà 佛陀, Phù Đà 浮陀, Phù Đồ 浮圖 (hoặc 浮屠), Phù Đầu 浮頭, Bột Đà 勃陀 (hoặc 浮馱), Bộ Đa 部多, Bộ Đà 部陀, Vô Đà 毋陀 hoặc 毋馱, Một Đà 沒馱 (hoặc 沒陀), Phật Đà 佛陀, Bộ Tha 步他, Phục Đậu 复豆, Phật Đồ 佛圖, Phật , Bộ Đà 步陀, Vật tha 物他, v.v... Xem bài Phù Đồ dữ Phật 浮屠與佛 (Phù Đồ và Phật) in trong tập tiểu luận Trung Ấn Văn Hóa Quan Hệ Sử Luận Tùng 中印文化關係史論叢 (Luận về mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc và Ấn Độ) của Quý Tiện Lâm 季羨林 (Bắc Kinh, 1957, tr. 9).
[10] Dữ Lão Tử câu du lưu sa hóa Hồ. 與老子俱遊流沙化胡.
E. Zürcher, The Buddhist Conquest of China, Taiwan, 1970, p. 291.
[11] 紫氣東來廣傳道德流沙西度法化相宗
[12] Phù Đồ sở tái dữ Trung Quốc Lão Tử Kinh tương xuất nhập, cái dĩ vi Lão Tử tây xuất quan, quá Tây Vực chi Thiên Trúc, giáo Hồ. Phù Đồ thuộc đệ tử biệt hiệu, hợp hữu nhị thập cửu.
浮屠所載與中國老子經相出入,蓋以為老子西出關,過西域之天竺, 教胡. 浮屠屬弟子別號, 合有二十九.
[13] 化胡為浮屠, 屬弟子別號, 合有二十九.
[14] Zürcher cho rằng Vương Phù viết quyển này vào đầu thế kỷ V Công Nguyên (sách đã dẫn, tr. 293).
Khanh Hy Thái chép Vương Phù sống vào đời Tây Tấn (sách đã dẫn, quyển 2, tr. 64).
Vương Hữu Tam cũng chép Vương Phù sống vào đời Tây Tấn: Nói chung Phật Giáo du nhập vào Trung Quốc khoảng thời Lưỡng Hán. [...] Năm du nhập chính xác là bao nhiêu thì lịch sử còn phân vân. Không ít tín đồ Phật Giáo đời sau đã cùng nhau xuyên tạc [thời gian du nhập] nên không đủ tin cậy. Đặc biệt là Phật Giáo và Đạo Giáo đời Ngụy Tấn đã tranh nhau cao thấp nên rất nhiều tín đồ đã đưa ra nhiều giả thuyết tranh giành thời gian xuất hiện trước sau. Đạo sĩ đời Tây Tấn là Vương Phù từng ngụy tạo Lão Tử Hóa Hồ Kinh, nói Lão Tử đi sang lưu sa hướng tây, vào Thiên Trúc thành Phật, giáo hóa Hồ nhân, Thích Ca Mâu Ni là đệ tử của Lão Tử. Tín đồ Phật Giáo cũng công kích lại, đưa ra nhiều thuyết, cho rằng Phật Giáo có trước Đạo Giáo, du nhập vào Trung Quốc rất sớm. (Vương Hữu Tam 王友三, Trung Quốc Tôn Giáo Sử 中國宗教史, quyển I, Tề Lỗ xuất bản xã 齊魯出版社, Tế Nam 濟南, 1991, tr. 353.)
[15] Tế tửu: Đạo sĩ có nhiệm vụ rót rượu tế lễ. Từ Hải (tr. 928, mục từ tế tửu 祭酒) giảng: Tế tửu là nghi lễ cổ, trong yến tiệc lớn thì vị khách có tuổi tác cao sẽ rót rượu dâng cúng. Từ đó tế tửu là danh xưng tôn kính, ý nói một vị tuổi cao hơn và phẩm hạnh trội hơn những người khác trong nhóm. Về sau, tế tửu là tên một chức quan. Như quan thị trung (đời Hán) và quan tản kỵ thường thị (đời Ngụy) nếu có công trạng lớn thì được thăng làm quan tế tửu. Ngoài ra, trong các quan bác sĩ đời Hán, vị nào thông minh uy trọng thì được cử làm tế tửu. Từ đời Ngụy về sau có chức quan quốc tử tế tửu. Đến cuối đời Thanh thì chức quan này mới bị bỏ đi.
Charles O. Hucker (A Dictionary of Official Titles in Imperial China, Taipei, 1995, p. 130), dịch chức tế tửu là Libationer và giảng đại khái: đời Hán đó là chức danh tôn quý giành cho các lão quan ưu tú. Ngoài ra, cũng có thể dịch chức này là Chancellor: Từ đời Hán đến đời Thanh, đó là chức quan cao nhất, phụ trách về giáo dục nơi nhà Thái Học (từ đời Tùy gọi là Quốc Tử Giám). Chức danh này bắt nguồn từ chức Bác Sĩ nơi nhà Thái Học đời Tiền Hán. Đời Thanh có hai người được bổ nhiệm làm tế tửu: một là người Hán, một là người Mãn. Thường gọi là Quốc Tử Tế Tửu.
Theo Trương Chí Triết, trong hệ thống cấp bậc của Đạo Giáo, cuối đời Hán, Ngũ Đấu Mễ Đạo hưng thịnh, Trương Lỗ tự xưng là Sư Quân. Kẻ mới nhập đạo gọi là quỷ tốt; đạo đồ cốt cán gọi là tế tửu. Về sau tín đồ gia tăng, có chức đại tế tửu là chức đứng đầu một Trị . Trị là một đạo trường hay giáo xứ, coi như một đơn vị hành chánh của Ngũ Đấu Mễ Đạo; mục đích mỗi trị là: trước trấn giữ nhân tâm, sau lập đài quan sát tinh tú. Lúc đầu có hai mươi bốn trị, sau tăng lên thành bốn mươi tám trị, lấy Dương Bình Trị làm trung tâm. (Xem: Trương Chí Triết 張志哲, Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển 道教文化辭典, Giang Tô Cổ Tịch xuất bản xã, 1994, tr. 860, 881).
[16] Zürcher, sách đã dẫn, p. 294.
[17] Khanh Hy Thái, sách đã dẫn, quyển 2, tr. 64, 65.
[18] Khanh Hy Thái, sách đã dẫn, quyển 2, tr. 64, 65.
------------
Hễ ai nghĩ rằng cứ ngồi trong nhà thờ thì có thể trở thành Kitô hữu ắt hẳn cũng nghĩ rằng cứ ngồi trong nhà xe thì có thể biến họ thành cái xe. / Anyone who thinks sitting in church can make you a Christian must also think that sitting in a garage can make you a car.
GARRISON KEILLOR (tác gia Mỹ, sinh năm 1942)