Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / XUÂN THÁI / Dũ Lan Lê Anh Dũng


Truyện Tây Du, Hồi Thứ Chín Mươi Mốt, kể việc Ðường Tăng bị yêu quái bắt trong khi xem hội hoa đăng ở phủ Kim Bình vào đêm nguyên tiêu (rằm tháng Giêng). Tề Thiên cỡi mây truy tìm tung tích sư phụ, đến một hòn núi cao chớn chở, gặp bốn người đuổi theo ba con dê, miệng quát: “Khai thái!” Tề Thiên trợn con mắt lửa tròng vàng, nhận ra đó là bốn vị thần (Tứ Trị Công Tào) quản lý năm, tháng, ngày, giờ (tên là Trị Niên, Trị Nguyệt, Trị Nhật, Trị Thời Công Tào). Tề Thiên hỏi tại sao làm chuyện kỳ lạ vậy thì bốn vị Công Tào đáp rằng mượn ba con dê để lấy ý Tam Dương Khai Thái ngõ hầu hóa giải tai ách vận hạn cho Đường Tăng được thông suốt.
Lời nói của bốn vị Công Tào trong Tây Du thật ra đã phỏng theo ý quẻ thứ mười một trong Kinh Dịch (Địa Thiên Thái). Người xưa giảng rằng Thái là thông suốt (Thái giả thông dã). Thoán Truyện quẻ Thái lại nói “Thái, tiểu vãng, đại lai, cát hanh Nghĩa là kẻ tiểu nhân tránh xa, bậc đại nhân quân tử đến gần, đó là tốt lành, thông thuận. Đại Tượng Truyện quẻ Thái nói “thiên địa giao Thái, hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo nghĩa là nhìn vào hình dáng của quẻ, thấy nội quái Càn (trời, tượng trưng bằng ba vạch liền, ba hào dương ) nằm bên dưới hợp với ngoại quái Khôn (đất, tượng trưng bằng ba vạch đứt, ba hào âm ) nằm bên trên, tức là khí trời giáng xuống dưới, khí đất xông lên trên, vũ trụ nhờ thế được giao hòa, những đối nghịch (mâu thuẫn) được điều chỉnh cho vạn vật thành tựu vuông tròn…
Đại lược như thế để thấy rằng theo Kinh Dịch thì Thái là tốt lành. Do đó, khi qua lúc khốn đốn chuyển sang thời thuận lợi, người ta bảo là “Hết cơn bĩ cực đến hồi thới (thái) lai”. Ý nghĩa tốt lành của Thái là do ba hào dương (ba vạch liền ) của nội quái Càn. Tuy nhiên, dương trong khái niệm âm dương của đạo Dịch là một lý trừu tượng; do đó, người xưa đã mượn từ đồng âm (homonym) dương  (con dê) để cụ thể hóa. Ba hào dương vì thế được thể hiện bằng hình ảnh ba con dê.
Thư họa gia Quan Cường tức Quan Tồn Chí (1932-2012) sinh tại huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, và sinh sống tại Việt Nam từ thơ ấu, từng dạy hội họa tại trường Huỳnh Kiến Hoa (Chợ Lớn, 1976), đã cùng các thư họa gia Lý Tùng Niên, Vương Trung Phu, và Hoàng Hiến Bình thành lập nhóm Nam Tú Nghệ Uyển (Chợ Lớn, 1989) để duy trì và phát huy nghệ thuật thư họa truyền thống Trung Quốc. Quan lão sư có vẽ bức thủy mặc Tam Dương Khai Thái, trong đó ba con dê tượng trưng tam dương, ngoài ra còn có cành hoa đỏ (hoa đào?) tượng trưng mùa xuân.
Tại sao lại kèm thêm ý xuân vào đây? Theo kinh Dịch, tháng 11 âm lịch (tiết đông chí) ứng với quẻ Địa Lôi Phục (chỉ có một hào dương, một vạch liền, ở hào một dưới cùng). Sang tháng 12 thì tăng thêm một hào dương ở hào hai thành quẻ Địa Trạch Lâm. Sang tháng Giêng (đầu mùa xuân) thì đủ ba hào dương thành quẻ Địa Thiên Thái. Do đó, người xưa nói đến xuân thường không quên nhắc tới Thái.

Thực vậy, trong ý chúc xuân, mong ước muôn dân bốn biển chung hưởng thái bình, ca dao Việt Nam có câu:
Nay mừng tứ hải đồng xuân
Tam dương khai thái, muôn dân hòa bình.
Thiền sư Hương Hải (1628-1715) sống vào thời Hậu Lê, có lần xúc cảm sáng tác bài thơ xuân thất ngôn bát cú mà hai câu đề là:
Tam dương khai thái chuyển hồng quân
Cửu thập thiều quang sắc sắc tân.
Có người dịch:
Tiết xuân thông mở chuyển muôn phương
Ba tháng thiều quang sắc sắc xuân.
 Trong số mấy bài thơ trên điện Thái Hòa (kinh thành Huế) tương truyền có bài ngũ ngôn như sau:
Hà xứ xuân sinh tảo
Xuân sinh chấn thì phong
Tam dương khai thái tịnh
Tứ hải lý tường đồng.
Có người dịch:
Nơi nào xuân đến sớm
Gió đông xuân về nhanh
Vận thái bình xuân mở
Dân cùng vui điềm lành.
Lại nghe nói ở Bình Định, tiếng trống chầu nổi lên thúc giục diễn viên ra sân khấu (gọi là trống khai trường) được đánh theo từng mùa. Buổi diễn nhằm mùa xuân thì đánh ba tiếng, mùa hạ đánh chín tiếng, mùa thu đánh bảy tiếng, mùa đông đánh năm tiếng (xuân tam, hạ cửu, thu thất, đông ngũ). Ba tiếng trống mùa xuân được hiểu là ứng với Tam Dương Khai Thái.
Câu đối Tết dán nhà cửa ngày xuân thường có: Ngũ phúc lâm môn / Tam dương khai thái. Ngũ phúc gồm năm điều phước là: Thọ (sống lâu); phú (giàu sang); khang ninh (bình an, khỏe mạnh); du hiếu đức (ham làm việc phước đức); khảo chung mệnh (sống trọn tuổi Trời cho). Câu đối này được Nguyễn Công Trứ (1778-1858) nhắc trong bài hát nói với giọng tự trào:
Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái
Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.
Do ý nghĩa tốt đẹp của Tam Dương Khai Thái, ngày xuân, người Hoa từ lâu đời có tục mua sắm các tranh thủy mặc, các loại tượng tạc hình ba con dê bằng nhiều loại chất liệu khác nhau, để trang trí nhà cửa, làm quà Tết... Họ cũng hay dùng thư pháp viết những tấm hoành khổ lớn để trang trọng treo trong phòng khách.
Trong các cửa hàng của người Hoa, quà lưu niệm Tam Dương Khai Thái (san yang kai tai) rất phong phú. Dưới đây là một tượng sứ trắng tiêu biểu:

Đời nhà Thanh (Trung Quốc), người ta đúc những đồng xu đường kính gần 3cm, nặng gần 6 gam. Đồng xu tròn, giữa có lỗ vuông, tượng trưng trời đất, vì theo quan niệm cổ xưa của họ thì trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương); nhưng nếu hiểu theo người Việt lại là biểu tượng cho toàn vẹn, hoàn hảo: Trăm năm tính cuộc vuông tròn…

Đồng xu ấy có lẽ là tặng vật ngày Tết để lấy hên, chúc tụng thăng quan tiến chức, bởi lẽ ở mặt trước có bốn chữ Tam Dương Khai Thái, còn mặt sau là bốn chữ Nhất Phẩm Đương Triều (ngụ ý chúc lành ai đó sẽ làm quan lên tới hàng đầu, hạng nhất, trong triều đình nhà Thanh).
Người ta cũng làm các bình sứ Tam Dương Khai Thái để trang trí nhà cửa. Bình còn đồng âm với bình an. Các bình này chỉ dùng ba màu vàng, đen, đỏ để trang trí chứ không tạo hình ba con dê. Sau đây là bốn kiểu bình thông dụng:
1. Bình kiểu trái nho (19x29cm).
2. Kiểu bình này (20x35,5cm) rất thông dụng kể từ đời Càn Long (nhà Thanh), có đế gỗ.
3. Kiểu bình này (43x43cm) có hai tay nắm và đế gỗ.
4. Kiểu bình này (35,5x38cm) rất thông dụng kể từ đời Càn Long (nhà Thanh), có đế gỗ.


Ngày xuân, thay vì tìm mua cái bình Tam Dương Khai Thái xa xôi, mắc mỏ, ta có thể tìm cái bình nào đẹp có sẵn trong nhà, và dán lên hai chữ XUÂN THÁI 春泰, há chẳng đủ chúc lành cho gia đình mình hay sao?

Dũ Lan LÊ ANH DŨNG