Nhiều bà nội trợ không dám đập
đầu con cá lóc, mặc dù rất thích món canh chua hay cá kho tộ. Đi chợ, họ nhờ
người bán cá làm sẵn, dù có tốn thêm tí tiền bồi dưỡng cũng không tiếc.
Những người này thích ăn ngon
nhưng không muốn nhúng tay vào, để người khác giết động vật thay cho mình, như
vậy họ có đạo đức giả không?
Có lẽ là không. Chẳng qua họ vừa
muốn thỏa mãn dục vọng ngon miệng vừa có chút lòng trắc ẩn, không nỡ thấy con
vật bị đau đớn, chứ chưa nói gì đến sự tội lỗi là điều khó thể chứng minh một
cách rõ ràng chắc chắn được. Họ thành thật đấy chứ, nhưng như vậy cũng đã tham
gia gián tiếp vào quá trình giết hại động vật, vì không tự đấu tranh để thoát
khỏi sự tham gia này bằng một phương thức hay lối sống nào khác, như chuyển từ
ăn mặn sang ăn chay chẳng hạn…
Một số bậc
thánh nhân hiền triết thời xưa dường như cũng chẳng hơn gì hạng thường nhân
chúng ta. Đức Khổng Tử (551-479 trước Công Nguyên) từng nói “nhân cập cầm thú” (lòng nhân ái đạt tới
loài chim thú), nhưng ông vẫn chấp nhận dùng những con thú để tế lễ (gọi là vật
“hy sinh”), còn bản thân ông thì ăn thịt, thậm chí thịt mua ở chợ hoặc thịt
không tươi ông còn chê (có nói trong Luận
Ngữ, thiên “Hương Đảng”). Đức Mạnh Tử (372-289 trước Công Nguyên) cũng vậy,
đâu có ăn chay, nhưng ông vẫn có lòng trắc ẩn khi thấy con vật bị giết mổ đau
đớn: “Người quân tử đối với loài chim
thú, trông thấy nó sống không nỡ trông thấy nó chết, nghe tiếng nó kêu mà không
nỡ ăn thịt nó, cho nên người quân tử phải tránh xa chuyện bếp núc.” ([1])
Thật ra,
con người luôn tự mâu thuẫn với chính mình. Đó là mối mâu thuẫn phổ biến vĩnh
viễn giữa tình cảm với lý trí, và giữa lý trí với hành động. Người ta luôn nghĩ
một đằng làm một nẻo, rồi cảm thấy áy náy, nên lương tâm thường không bao giờ được
yên ổn hoàn toàn. Có lẽ chỉ những bậc siêu nhân trong truyền thuyết, trẻ con
hồn nhiên, và (giả định) những người không hề suy nghĩ gì, mới không tự mâu
thuẫn trong tư tưởng, hành vi và lối sống của bản thân mình.
Đây chỉ mới nói đến suy nghĩ, hành vi cá nhân.
Nếu trên phạm vi toàn nhân loại, mỗi tộc người hay cả dân tộc lại có lối sinh
hoạt riêng, mà sự khác biệt lẫn nhau còn tùy theo hoàn cảnh địa lý, tập quán,
tín ngưỡng... Nhưng dù có thể đại đồng tiểu dị, các sinh vật trên thế gian
trong đó có loài người nhìn chung vẫn tiến triển theo luật cạnh tranh sinh tồn,
khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua: Con vật lớn mạnh ăn thịt con vật nhỏ
yếu hơn, và loài người khôn ngoan hơn lại lấy hết thảy các loài động vật, thực
vật khác làm thức ăn cho mình, coi đó là tự nhiên, chẳng có gì để phải thắc mắc.
Thực tế
cho thấy, loài người xưa nay chỉ chú trọng kiến tạo hạnh phúc ích kỷ cho riêng
mình. Loài người sẵn sàng sát hại các loài động vật, thực vật, đặc biệt động
vật cao cấp có máu thịt, tình cảm, mặc cho chúng phải đau đớn khổ sở, để làm
thức ăn, thuốc uống… phục vụ cho cái bao tử, sự ngon miệng và sức khỏe của
mình… Ngoài sơn hào hải vị bao gồm các loài động vật sống tự nhiên trên rừng
dưới biển, mà sự khai thác đã ngày càng cạn kiệt, loài người còn biết bổ sung
nguồn dinh dưỡng cho mình bằng một số loài vật nuôi thông thường như dê, bò,
heo, gà, vịt, cá… mà việc xử lý chúng để ăn thịt hằng ngày bằng phương pháp
giết mổ thủ công đã tạo nên một bể khổ thể xác (và có thể cả tinh thần) không
thể tưởng tượng, cộng thêm vào cái bể khổ vốn dĩ đã mênh mông vô bờ của toàn
thể loài người!
Tuy nhiên,
trong quá trình phát triển của nhận thức, loài người đi từ dã man đến văn minh
đã có những giai đoạn phản tỉnh, phần nhiều do sự phát hiện của các phần tử ưu
tú (giáo chủ, thánh nhân, hiền triết, nhà khoa học, nhà thần học…), và lần lần cho
đến thời hiện đại đã nhận ra được mối quan hệ chặt chẽ hữu cơ cộng sinh giữa sự
tồn tại của mình với muôn loài động vật, thực vật khác, từ đó nảy sinh ý thức
ngày càng sáng tỏ hơn về nhu cầu phải bảo vệ sự sống, bằng cách tôn trọng luôn
cả sự tồn tại của những loài sinh vật không phải người. Việc tàn sát các loài
động vật hoang dã, làm mất cân bằng sinh thái, đã được khoa học chứng minh, sẽ
dẫn đến những hệ quả nguy hại cho chính sự sống loài người, và nếu tiếp tục phá
hủy như thế một cách vô tội vạ, loài người chắc chắn sẽ có lúc bị diệt vong,
gọi là “tận thế”, mà các mối nguy cơ trên thực tế đã được ngày càng chứng tỏ. Có
thể nói, ý thức bảo vệ động vật của xã hội loài người đã bắt nguồn và hình
thành dần từ ý niệm xem động vật như là thành viên trong cộng đồng lớn của giới
tự nhiên gồm cả loài người.
Cho nên,
với nhận thức ngày càng tiến bộ hơn này, khởi đầu bằng lòng trắc ẩn thường chỉ
mang tính cá nhân riêng lẻ, bộ phận loài người văn minh hiện đại đã nhận chân
ra rằng việc thương yêu bảo vệ các loài sinh vật không phải người cũng thuộc
trách nhiệm của mình, từ đó nảy sinh những vấn đề phức tạp cần được suy nghĩ và
nghiên cứu sâu hơn. Đây cũng là một phần lý do sự xuất hiện của một ngành đạo
đức học mới gọi là Đạo Đức Sinh Học (Bioethics), với phạm vi không chỉ giới hạn trong những vấn đề đạo đức liên
quan sự sống con người giai đoạn đầu (thụ tinh, mang thai, sinh sản) và cuối
(bệnh nan y, hôn mê sâu, chết êm dịu…), hay về sinh sản vô tính, cấy ghép nội
tạng…, mà còn mở rộng ra đến chuyện phải đối xử ra sao với các loài động vật
không phải người, và vì thế vấn đề quyền của động vật (animal rights) cũng đã được đặt ra một cách thật sự nghiêm túc từ
những năm nửa cuối thế kỷ trước.
Mầm mống
của vấn đề quyền động vật đã từng được phát biểu rải rác trên một số kinh sách
cổ điển, nhưng tương đối còn mờ nhạt.
Các trường phái triết học Trung Hoa như Nho Giáo, nhất là phái Lão Trang,
đều thừa nhận động vật cũng thuộc “đồng loại” với loài người và phải tôn trọng
mạng sống của chúng.
Sách Luận Ngữ (thiên “Thuật Nhi”)
có câu: “Tử điếu nhi bất võng, dặc bất xạ
túc”, ý nói Đức Khổng Tử câu cá thì không dùng lưới, bắn chim thì không bắn
những con chim đang nằm ngủ trong tổ.
Chỗ khác, theo Hiếu Kinh, Đức Khổng
Tử cũng từng nói “Chặt một cây, giết một
con thú, nếu không phải lúc, chẳng phải là hiếu.” ([2])
Hoài Nam Tử là một sách tổng hợp của Đạo Gia, trong
thiên “Chủ Thuật Huấn” còn nêu rõ hơn tư tưởng bảo vệ sự cân bằng sinh thái tự
nhiên, cho thấy thái độ của
loài người đối với các sinh vật khác: “Theo
phép trị nước của các bậc tiên vương thì khi săn bắn không được giết sạch các
loài thú, không bắt hươu nai còn nhỏ, không tát cạn ao hồ để bắt cá, không đốt
rừng để săn bắt thú. Chưa đến lúc có thể bắt giết thú non thì không được đặt lưới
bắt ở nơi hoang dã. Chưa đến lúc rái cá bắt đàn cá thì không được thả lưới
trong nước. Chưa đến lúc diều hâu bắt thỏ, các loại thức ăn… thì không được
giăng lưới trong hang núi. Trước khi cỏ cây chưa tàn úa, không được vào rừng chặt
cây…”
Những ý
tưởng chứa đựng trong vài đoạn trích dẫn nêu trên phần nào cho thấy ý thức bảo
vệ sinh thái của người xưa, có thể được coi là mầm mống sơ khai của sự công nhận
quyền của động vật.
Kinh Thánh của Kitô Giáo ít đề cập vấn
đề này hơn, mà chỉ cho biết, từ thời kỳ hồng hoang, khi Thượng Đế dựng nên Adam, Ngài đã trao cho
quyền cai trị tất cả loài động vật. Trong câu chuyện của Noah được Chúa cứu
khỏi cơn đại hồng thủy, Chúa đã truyền cho ông phải cứu các loài thú để đưa lên
tàu tránh sự hủy diệt của nước lụt.
Tuy nhiên theo
sự luận giải của Thánh Phanxicô thành Átxidi
(1181-1226, người Ý, sáng lập Dòng Phan Sinh) thì các động vật được xem
như đồng hành với con người, những bạn đồng hành mà chúng ta có trách nhiệm đối
với chúng trước Đấng Sáng Tạo. Còn theo nhà thần học Karl Barth (1886-1968, người
Thụy Sĩ, thuộc trường phái Cải Cách), thì con người không thể giết chết động
vật chỉ vì muốn giết, bởi lẽ làm như vậy sẽ giống như giết người. Theo ông, con
người chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về cách thức mình sử dụng và giết chết
các động vật. Con người phải thể hiện sự thương xót và gây ra càng ít đau đớn
càng tốt.
Về chuyện ăn chay, theo Bader-Saye, một người Mỹ Kitô Giáo,
ăn chay phản ảnh một thái độ lành mạnh hơn về đạo đức đối với động vật so với
ăn thịt. Còn theo Singer, một học giả khác ngoài Kitô Giáo thì “Tập quán của chúng ta nuôi và giết các động
vật khác để ăn là một ví dụ rõ ràng về sự hy sinh những lợi ích quan trọng nhất
của những sinh vật khác để thỏa mãn những lợi ích tầm thường của chúng ta.”
([3])
Phải công tâm thừa nhận rằng, về
vấn đề quyền của động vật, các tôn giáo như Cao Đài, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa
Hảo từ lâu đã có chủ trương rõ rệt, dứt khoát hơn cả, thể hiện qua việc ăn
chay, cấm sát sinh, và khuyến khích phóng sinh. Những chủ trương này, có lẽ
chúng ta không cần tốn nhiều thời gian, giấy mực để minh họa, vì đã có sẵn hàng
trăm kinh sách của các tôn giáo ấy luận giải tường tận.
Theo quan điểm ba tôn giáo nói trên, tất cả chúng sinh đều có Phật Tính
(Thượng Đế Tính), bình đẳng, và loài người không có địa vị đặc biệt gì ưu tiên
hơn các loài sinh vật còn lại. Con người không nên sát sinh vì mọi chúng sinh
đều có sự sống và đều ham sống sợ chết, kể cả các loài nhỏ nhít như ruồi, muỗi,
kiến, gián… Hơn nữa, nghiệp sát sinh còn được hiểu như là nguồn gốc của mọi khổ
đau và là nguyên nhân căn bản của bệnh tật và chiến tranh.
Tuy nhiên, vấn đề xem ra không hề đơn giản, nếu xét trên toàn thể nhân
loại. Chỉ có thể giải quyết vấn đề quyền của động vật một cách thực tế ra sao
thôi, chứ không thể khuyến khích tránh hoặc cấm đoán việc sử dụng động vật để
làm thức ăn được.
Nếu con người vẫn còn lòng trắc ẩn, thì
quyền của động vật do vậy sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề đạo đức lớn của
loài người văn minh hiện đại. Theo các nhà chủ trương giải phóng động vật đi cùng
với quyền của động vật, thì vấn đề đạo đức khi xem xét đến những người khác,
gồm cả động vật không phải người, là chúng có đau khổ hay không, và khả năng
đau khổ cũng như vui sướng như là những đặc điểm tạo cho một sinh vật quyền để
được xem xét bình đẳng.([4])
Peter Singer, một người tích cực ủng hộ
quyền động vật, trong quyển Animal
Liberation (Giải phóng động vật) đại khái cho rằng những quyền lợi của động
vật phải được xem xét bình đẳng với các quyền con người.
Ở đoạn cuối chương “Đối xử và không đối xử với động vật
như thế nào?” trong quyển Đạo Đức Sinh
Học Kitô Giáo, tác giả Agneta Sutton, một nữ giáo sư chuyên khoa Đạo Đức
Sinh Học, nêu rõ như một kết luận cho vấn đề quyền của động vật: “… Hầu
hết, nếu không phải là tất cả, các xã hội con người đều cho phép sử dụng các
động vật… làm thực phẩm. Chúng ta được cho phép để làm như vậy, nhưng phải
tránh những biện pháp tàn ác của việc giết mổ và những tập quán chăn nuôi tàn
ác… Sự tàn ác một cách bừa bãi và việc hủy hoại không cần thiết đời sống động
vật không bao giờ có thể lý giải được.” (tr. 193).
Tại một số
quốc gia tiền tiến, với nền giáo dục phát triển cao, vấn đề quyền của động vật từ khá lâu đã được các nhà cầm quyền giải
quyết tương đối ổn, một cách thực tế, bằng cách không nói chuyện ăn chay mà đưa
ra những đạo luật cấm hành hạ súc vật, cũng như không được giết mổ đại đa số
loại con vật theo cách có thể làm cho chúng bị đau đớn. Ngoài ra, súc vật
nuôi nhà hoặc nuôi trong chuồng trại cũng phải được bảo vệ ở mức tối đa có thể,
cấm người nuôi không được làm cho chúng phải ở trong tình trạng chật chội, khó
chịu, và phải có sự chăm sóc y tế thích hợp…
Theo các đạo luật bảo vệ động vật ban hành từ năm 1911
đến năm 2000 tại nước Anh, người ta còn cấm cả việc đấu chọi động vật để tiêu
khiển (như Luật Đá Gà năm 1952), hay dùng động vật làm mồi cho bất kỳ động vật
nào khác…
Những việc khác như săn thú, tại những nước nêu trên, từ
lâu cũng đã bị hạn chế tối đa bằng luật pháp nghiêm nhặt. Thậm chí, dùng con
vật để thí nghiệm chữa bệnh cho người mà làm cho chúng đau đớn, cũng đang được
nhiều nước xem xét trong vòng tranh cãi chưa ngã ngũ, nhưng theo cách hiểu của
người Kitô Giáo là không được phép, và từng có những vụ biểu tình để chống đối.
Tại Mỹ,
quyền của động vật hiện được thể hiện rất cao. Cả chó mèo cũng trở thành vấn đề
tranh chấp trong những vụ ly dị, như khi tòa án phải quyết định quyền nuôi
dưỡng chó mèo cho vợ hoặc cho chồng, vì chúng được coi như thành viên trong gia
đình. Ngoài ra, theo luật định, người ta còn có quyền đòi bồi thường thương
tích cho chó mèo hay cho một số súc vật khác khi chúng bị tai nạn.
Tuy nhiên,
tình hình chấp nhận quyền của động vật ở những xứ sở nghèo đói, xem ra có vẻ
khó khăn hơn nhiều. Tại những nơi này mà ngay cả quyền con người [nhân quyền]
còn chưa được đảm bảo, chẳng những đa số dân chúng không ai nghĩ đến chuyện bảo
vệ loài vật, mà còn coi việc giết mổ để ăn thịt là tự nhiên chẳng hề thắc mắc.
Tại Việt Nam ,
tuy đã tương đối thoát khỏi đói nghèo, tình hình cũng gần gần như vậy. Khái
niệm Đạo Đức Sinh Học liên quan vấn đề đối xử với động vật dường như rất ít
được biết đến.
Cho tới hiện nay, Việt Nam tuy đã có
nhiều luật bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm, nhưng việc thực thi còn rất
kém, nếu không muốn nói hầu như chưa làm được gì. Hàng loạt thông tin từ nhiều năm qua
cho thấy, tình trạng sát hại, ngược đãi, mua bán động vật hoang dã đang ngày
càng gia tăng, bất chấp mọi sự cảnh báo, ngăn chặn vốn ít hiệu quả của các cơ
quan pháp luật nhà nước và các tổ chức bảo vệ môi trường khác. Theo báo chí,
năm 2013 có đến khoảng trên dưới 4.000 con gấu đang bị giam hãm, đối xử tàn tệ
trong các cũi, lồng chật hẹp, bị tước đoạt hoàn toàn tập tính leo trèo, nghịch
ngợm vốn có, và vẫn bị hút lấy mật bán…, đời sống của chúng thật đau khổ! Tiếng
vượn hú lạc cả giọng trong các nhà hàng như để kêu cứu, đang cần đến sự chia sẻ
cùng nỗ lực cứu nguy của con người! Và tại những lò sát sinh thủ công tồn tại
khắp nơi trên cả nước là những tiếng kêu la eng éc, tiếng gầm rống rền rĩ của
heo, dê, bò…
Để thực hiện quyền của động vật, có hai khía cạnh cần
giải quyết song song, đó là giáo dục ý thức và chế định luật pháp.
Về mặt giáo dục, nên đưa hẳn quyền của động vật vào chương trình giáo dục các
cấp như một trong những nội dung chủ yếu của sách giáo khoa về môn giáo dục đạo
đức, công dân, không chỉ đối với động vật hoang dã quý hiếm mà còn cả với những
loài vật nuôi để giết thịt bình thường.
Về mặt luật pháp, áp dụng riêng cho súc vật nuôi chuồng
trại để giết thịt, Việt Nam chỉ mới có một số văn bản quy định lẻ tẻ về giết mổ
theo hướng nhằm vào mục đích đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, chứ hoàn toàn chưa
có những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ động vật theo nghĩa quyền của động
vật hiện đại, để hạn chế, ngăn cấm việc giết mổ động vật bằng những biện pháp
thủ công gây đau đớn, riêng lẻ từng nhà hoặc trong các lò sát sinh sử dụng
những kỹ thuật thủ công lạc hậu.
Điều vừa nêu trên cũng là một trong những lỗ hổng to lớn
trong hệ thống luật pháp ở nước ta hiện nay. Thiết tưởng, việc thúc đẩy để soạn
thảo những dự luật thích hợp đưa ra Quốc Hội có lẽ trước hết thuộc về lương tâm
cũng như trách nhiệm của các chức sắc, các giáo hội Cao Đài, Công Giáo, Phật
Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo…
Từ rất lâu, nhiều quốc gia đã thực hiện hiệu quả việc bảo
vệ động vật hoang dã và vật nuôi dưới mọi hình thức thông qua nền giáo dục tiên
tiến và các văn bản quy phạm pháp luật, thì việc hướng dần tới những giá trị
nhân đạo như thế, khởi đầu ngay từ bây giờ, đối với Việt Nam chúng ta, thiết
nghĩ cũng là điều hoàn toàn có thể hiện thực hóa bằng những giải pháp khả thi.
TRẦN
VĂN CHÁNH
Kẻ
nào tàn ác với động vật thì cũng trở thành cay nghiệt khi đối xử với đồng
loại. Chúng ta có thể xét đoán tấm lòng của một người qua cách người đó đối
xử với động vật.
He who is cruel to animals becomes hard also in
his dealings with men. We can judge the heart of a man by his treatment of
animals.
Immanuel Kant (triết gia Đức,
1724-1804)
Nếu các lò mổ làm vách tường bằng kính, tất cả chúng ta sẽ ăn
chay hết.
If slaughterhouses had
glass walls, we would all be vegetarian.
Paul McCartney (ca sĩ, nhạc sĩ Anh,
sinh năm 1942)
Sự sống là sự sống - bất kể là ở mèo, chó, hay con người.
Life is life - whether
in a cat, or dog or man.
Đức Aurobindo (hiền
triết Ấn Độ, 1872-1950)
|