Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / CON DÊ TRONG KINH THÁNH / Huệ Khải


Con dê trong Cựu Ước
Chiên (cừu) và dê là hai loài vật có ích loài người. Chiên cho lông làm áo len che ấm hình hài; dê cho sữa nuôi dưỡng tấm thân. Trong Cựu Ước, sách Châm Ngôn (27:25-27) chép:
“Khi cỏ khô đã cắt và cỏ non lại mọc, khi cỏ xanh trên đồi núi cũng được gom về thì chiên sẽ cho con có áo che thân, dê sẽ giúp con có tiền tậu ruộng, và sẽ có đủ sữa dê để nuôi bản thân con, nuôi cả nhà và các tỳ nữ.”
Dê là con vật được chọn để hiến tế và dâng lên bàn thờ khi con người phải làm lễ tạ tội với Đức Chúa. Trong Cựu Ước, sách Êdêkien (43: 22, 25) chép:
“Ðến ngày thứ hai, ngươi sẽ tiến dâng một con dê đực toàn vẹn làm lễ tạ tội (…). Trong bảy ngày, ngày nào ngươi cũng phải dâng một con dê đực làm lễ tạ tội (…).”
Nhưng Cựu Ước lại cho thấy dê tượng trưng cho cái ác, hung bạo, tội lỗi… Hình ảnh rất tệ hại đó của dê được trình bày tỉ mỉ trong sách Ðanien (8: 1-14), khi chép về việc ông Ðanien có một thị kiến là nhìn thấy chiên đực và dê đực ở thành Susan (tỉnh Êlam). Con dê đực này đã húc gãy hai sừng con chiên đực, quật chiên xuống đất, rồi lấy chân đạp lên; không ai cứu giúp được chiên đó. Thế rồi con dê hung bạo bỗng trở nên cực kỳ lớn mạnh; nó hung hăng, kiêu ngạo xông lên cõi trời mà tàn phá luôn thánh điện…

Giải thích thị kiến của ông Ðanien, Thiên sứ Gáprien nói rằng con dê đực tượng trưng cho những ông vua tội lỗi mà đến cuối triều đại của họ thì tất cả tội lỗi đã lên tới tột đỉnh, để rồi rốt cuộc họ đều bị luật Trời trừng phạt đích đáng (Ðanien 8: 15-25).
Bởi vì dê trong Cựu Ước là con vật tượng trưng cho xấu xa, tội lỗi, nên có lẽ chẳng ngạc nhiên gì khi thấy sách Dacaria (10:3) chép lời Đức Chúa Trời phán truyền như sau:
“Ta sẽ bừng bừng nổi giận đánh phạt các mục tử, và sẽ hạch tội các con dê.”
Con dê trong Tân Ước
Tân Ước vẫn nhắc tới chiên và dê theo hai ý nghĩa tượng trưng đối nghịch đã được chép tỉ mỉ trong Cựu Ước: chiên thì tốt mà dê thì xấu! Có lẽ vì thế mà đối với phần đông Kitô hữu, mọi người dường như gần gũi, thân quen với ẩn dụ chiên, và xa lạ, mơ hồ với ẩn dụ dê.
Vâng, không thân quen, không gần gũi sao được khi mà Kitô hữu được gọi là “con chiên” và Đức Giêsu Kitô là vị chăn chiên (mục tử) vô cùng nhân hậu, tốt lành. Phúc Âm chép theo Thánh Gioan (10:11, 14) viết về Đức Chúa như sau:
“Chúa Kitô là người chăn chiên nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên; Chúa là người chăn chiên nhân lành vì Chúa biết các chiên của Người, và các chiên của Người cũng biết Người.”


Thánh Gioan viết về Chúa như thế xét ra đâu khác gì lời lẽ trong Thánh Vịnh (23:1-3):
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính …”

Con dê trong ngày phán xét chung
Một khi đã thấu hiểu ý nghĩa biểu tượng của chiên và dê trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước như vừa đẫn trên, ắt sẽ không mấy ai ngạc nhiên vì sao đến ngày phán xét chung thì Đức Chúa lại tách đôi chúng dân các nước ra làm hai nhóm như chiên và dê để thưởng phạt họ thật xứng đáng. Phúc Âm chép theo Thánh Matthêu (25: 31-46) miêu tả rất tỉ mỉ việc Đức Chúa phán xét và thưởng phạt. Có thể tóm lược như sau:
Đến ngày phán xét chung, chúng dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Đức Chúa, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người để được chúc phúc vì họ là những người công chính, xứng đáng hưởng sự sống muôn đời. Trái lại, dê bị đứng bên trái Người để rồi bị nguyền rủa, bị tống vào lửa đời đời và chịu cực hình muôn kiếp, vì nơi đó vốn dành sẵn cho quỷ dữ và các thuộc hạ của ác quỷ.

Suy niệm
Mặc dù cả Cựu Ước và Tân Ước đều lấy dê làm ẩn dụ cho cái ác, xấu xa tội lỗi, nhưng nói cho công bằng, dê không phải là con vật hoàn toàn xấu. Thế gian này là cõi nhị nguyên bao gồm hai mặt đối lập nội tại trong cùng một thực thể. Dê là một vật trong vạn vật của cõi nhị nguyên, thế nên dê có cả mặt tốt và mặt xấu hiện hữu cùng lúc bên trong nó. Tuy nhiên, Kinh Thánh tập trung vào mặt xấu của dê nhằm mục đích lấy nó làm ý nghĩa biểu tượng đối lập với chiên lành. Và tính giáo huấn để thức tỉnh con người tu sửa bản thân được hàm ngụ trong ý nghĩa biểu tượng ấy.
Người tín hữu trong mọi tôn giáo, cũng như người Kitô hữu, đều mang sẵn trong tâm hồn hai mặt đối lập là thiện ác, tốt xấu, lành dữ... Vì thế, trong cuộc sống đạo, ai ai cũng phải chọn lựa xem mình là chiên hay mình là dê.
Một người mà ta khó lòng đoán biết vì họ hay thay đổi, nay vầy mai khác, tráo trở đủ điều, thì họ là dê. Một người lòng đầy kiêu ngạo, ngộ nhận rằng họ vượt trội hơn tất cả, thì họ là dê. Một người cho rằng họ có toàn quyền tự do để làm mọi thứ tùy thích, thì họ là dê. Một người đang là thành viên của một tập thể, dẫu không phải ở cương vị của thủ lãnh, lại muốn tiếm quyền, bất tuân kỷ luật, không phục tùng mệnh lệnh đúng đắn của bề trên sáng suốt, thì họ là dê.
Thay vì để đến ngày phán xét chung, khi ra trước Đức Chúa công bình, sẽ được (hay sẽ bị) tách riêng mà đứng hai bên Người như chiên ở bên phải, và dê ở bên trái Người, thì hàng ngày, hàng giờ, hàng khoảnh khắc, người đạo hữu chân tu trong mọi nền chánh giáo, chánh pháp bất kỳ đều phải thận trọng xét nét, giữ mình để khỏi lạc bước theo đường dê, để được là chiên lành an bình trong đàn chiên lành vì lúc nào cũng có vị mục tử nhân lành chăm lo, dẫn dắt.
Nhiêu Lộc, 31-01-2015

HUỆ KHẢI