Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / HÀNH HƯƠNG CON TIM / Dũ Lan Lê Anh Dũng


Tôi ghé chơi không hẹn trước. Anh chị đang dở tay đóng gói các thứ. Phòng khách vốn không mấy rộng trông càng chật chội hơn vì lủ khủ những gói những thùng. Tôi sực nhớ, đang đầu tháng Mười Hai. Hàng năm, vào tháng này anh chị vẫn quen tổ chức đi làm từ thiện cùng với nhóm bạn đạo. Đi xa, tận những nơi hẻo lánh.
Anh nghỉ tay, tới ngồi đối diện tôi. Chị vào trong mang ra khay trà, tươi cười ngồi xuống cạnh chồng:
- Chúng tôi như thông lệ, sắp đi cao nguyên đây.
- Em cũng đoán vậy. Nhưng… sao hai bác luôn chọn tháng này?
Anh đáp:
- Bây giờ đang vào mùa Vọng… Vọng Chúa, ông biết đấy. Mà Chúa ở đâu? Đương nhiên Chúa ở mọi nơi, nhưng ta cũng nên học cách để thấy được Chúa trong những người cùng khổ, bạc hạnh, bị bỏ quên bên lề cuộc sống.
Tôi gật đầu:
- Mẹ Têrêsa thành Calcutta bình sinh vẫn bảo rằng mỗi khi chăm sóc một người cùng khổ là Mẹ đang chăm sóc Chúa.
- Tôi nghĩ, đó không phải là tư tưởng sáng tạo của Mẹ Têrêsa, nay là Đức Chân Phước. Mẹ chỉ thực hành Phúc Âm mà thôi. Ông nhớ chứ? Thánh Matthêu chép ở chương 25 rằng khi những người công chính được lên thiên đàng, Chúa bảo họ: “Khi xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Nghe vậy, những người công chính quá ngạc nhiên, bèn hỏi: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống? Có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Chúa giải thích: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
- Em hiểu rồi. Hai bác và nhóm bạn đạo hàng năm đón mùa Vọng, đón Chúa theo cách riêng… là tìm đến những mảnh đời không may mắn. Tuy nhiên, người cùng khổ bây giờ nhiều lắm, đâu cũng có… Hà tất năm nào cũng phải đi tận những chốn xa xôi?
Trầm ngâm một thoáng, anh đáp:
- Lúc Chúa giáng sinh thì có ba nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, phải vượt qua biết bao dặm dài gian nan vất vả, qua sa mạc núi đồi mới tìm thấy Chúa ở Bêlem. Ông ạ, suy niệm lẽ sâu kín ẩn chứa trong sự tích thiêng liêng ấy, nhóm chúng tôi đâu dám quản ngại khi tìm đến những chốn xa xôi hẻo lánh, bởi vì xét ra chính những nơi đó lại càng cần tìm tới hơn cả.
Chị tiếp lời anh:
- Tìm thấy Chúa rồi, ba vị liền bái lạy và đem dâng Chúa những lễ phẩm quý giá nhất mà ba vị đã chuẩn bị sẵn trước khi lên đường. Dĩ nhiên, những tặng phẩm mà nhóm chúng tôi mang tới các nơi xa xôi ấy không thể nào sánh với các bảo vật của ba vị ngày xưa…
Tôi xua tay:
- Không đâu hai bác! Thực chất đó vẫn là những món quà quý giá nhất xét trong ý nghĩa… bởi vì chúng được gói ghém và trao gởi bằng trọn vẹn con tim chân thật của hai bác, của cả nhóm. Vâng, mọi người đang thực hành Bồ Tát hạnh, thấy cái khổ của chúng sinh là cái khổ chính mình. Theo em, đi làm từ thiện như thế này nào phải đâu là một công quả tầm thường. Quả thật, đây là cuộc hành hương của con tim.
DŨ LAN LÊ ANH DŨNG
Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1987-1988

Mừng Giáng Sinh, ra ngày 19-12-2014